Cuộc Sống Không Giới Hạn – Câu Chuyện Diệu Kỳ Của Chàng Trai Đặc Biệt Nhất Hành Tinh

Cậu học trò mới trốn trong bụi cây



Khi tôi 12 tuổi, gia đình chuyển từ Australia sang Mỹ. Tôi sợ kết hôn vì phải bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi mà tôi chẳng có lấy một người bạn. Ngồi trên máy bay để đến xứ sở mới, ba anh em tôi tập nói giọng Mỹ để khi nói chuyện với các bạn học ở trường mới chúng tôi không bị giễu.

Tôi không thể làm gì được với thân thể bất bình thường này, nhưng tôi có thể điều chỉnh cái giọng ngoại quốc của mình. Rồi sau đó, tôi được biết rằng hầu hết dân Mỹ đều thích giọng Australia. Bộ phim Crocodile Dundee(*) từng gây tiếng vang ở Mỹ vài năm trước. Vậy nên bằng cách cố gắng phát âm giống như các bạn cùng lớp, tôi đã để mất mọi cơ hội gây ấn tượng với các bạn gái.

Đó là thách thức lớn đầu tiên trong cuộc đời tôi, và việc cố gắng nói giọng Mỹ không phải là sai lầm duy nhất. Trường mới của tôi là Lindero Canyon, một ngôi trường nằm dưới chân dãy núi Santa Monica, không xa nơi hiện nay chúng tôi sống. Đó là ngôi trường tuyệt vời, nhưng khi mới chuyển đến đó tôi đã phải đấu tranh rất vất vả để hoà nhập. Bất cứ đứa trẻ nào cũng gặp khó khăn khi phải chuyển đến một nơi lạ lẫm cách xa nơi mình đã lớn lên, phải chuyển trường và kết bạn mới. Ở vào hoàn cảnh ấy những đứa trẻ bình thường đã phải đối mặt với rất nhiều thách thức, nói gì đến tôi, một đứa trẻ “đặc biệt”. Tôi là học sinh duy nhất cần sự trợ giúp đặc biệt của một giáo viên. Hầu hết những đứa trẻ mới lớn chỉ bị một cái mụn trên mặt thôi đã lo lắng lắm rồi. Bạn cứ thử nghĩ đến những nỗi lo của tôi mà xem.

Trước khi chuyển đến Mỹ, tôi đã phải nỗ lực đấu tranh để được chấp nhận ở Australia, trước tiên là ở ngôi trường đầu tiên mà tôi theo học tại Melbourne, sau đó là trường học ở Brisbane. Tôi đã phải mất rất nhiều công sức để thuyết phục các bạn học tin rằng tôi đủ thú vị để họ kết bạn. Giờ đây, tôi lại buộc phải bắt đầu lần nữa quá trình thuyết phục đó.

THAY ĐỔI CHÍNH MÌNH

Khi trải qua thay đổi, đôi khi chúng ta không ý thức được ảnh hưởng của chúng đối với bản thân và cuộc sống của mình. Tâm lý căng thẳng, hoài nghi, thậm chí chán nản thường phát sinh từ việc buộc phải chuyển hoặc bị đẩy ra khỏi môi trường quen thuộc và thoải mái, cho dù sự thay đổi dễ dàng đến mức nào. Bạn có thể ý thức sâu sắc về mục đích sống, có niềm hy vọng dạt dào, có niềm tin mạnh mẽ, ý thức trân trọng bản thân, thái độ tích cực, lòng can đảm để đương đầu với nỗi sợ hãi và khả năng đứng dậy sau thất bại. Nhưng nếu bạn gục ngã khi đối mặt với những thay đổi không thể tránh khỏi trong cuộc sống thì bạn sẽ không bao giờ tiến lên phía trước được.

Chúng ta thường không chịu thay đổi, nhưng thực sự ai mà không muốn có một cuộc sống với những đổi thay, phải không bạn? Một số trải nghiệm, một số tiến bộ và những phần thưởng quý giá nhất đến trong cuộc sống là kết quả của việc chuyển tới một nơi ở mới, chuyển đổi công việc, chuyển đổi ngành học, hoặc chuyển đổi sang một mối quan hệ mới tốt đẹp hơn.

Cuộc sống là một tiến trình chuyển đổi từ tuổi thơ đến tuổi mới lớn, rồi từ tuổi mới lớn đến trưởng thành, từ trưởng thành đến tuổi gia. Thay đổi là không thể tránh khỏi và nếu không có thay đổi thì cuộc sống của chúng ta nhàm chán biết bao. Đôi khi chúng ta phải nhẫn nại. Chúng ta không thế lúc nào cũng kiểm soát hoặc tác động tới sự thay đổi được, và không phải lúc nào thay đổi cũng xảy ra theo ý muốn.

Có hai dạng thay đổi thách thức chúng ta, phá vỡ nhịp sống hàng ngày của chúng ta. Dạng thay đổi thứ nhất xảy đến từ bên ngoài. Dạng thay đổi thứ hai xảy ra ở bên trong. Chúng ta không thể điều khiển được những thay đổi thuộc dạng thứ nhất, nhưng có thể và nên kiểm soát những thay đổi thuộc dạng thứ hai.

Tôi không thể nói “không” với quyết định chuyển đến sống ở Mỹ của cha mẹ, cũng như không thể nào thay đổi được thực tế tôi sinh ra mà không có chân tay. Những điều ấy nằm ngoài khả năng tác động của tôi. Nhưng cũng giống như với khuyết tật của mình, tôi có khả năng quyết định cái cách tôi đương đầu với việc gia đình chuyển đến Mỹ. Tôi chấp nhận điều đó và cố gắng hết sức để tận dụng những mặt tích cực của nó.

Bạn cũng có khả năng đó để đương đầu với những thay đổi ngoài mong đợi hoặc không ngờ tới trong cuộc đời mình. Thường thì bạn có thể cảm thấy bất ngờ trước những thay đổi xảy ra đột ngột ngoài mong đợi – một người thân của bạn qua đời, bị mất việc, bạn bỗng nhiên mắc bệnh, bị tai nạn – vậy nên thoạt đầu bạn có thể không chấp nhận rằng một sự kiện lớn làm thay đổi cuộc đời bạn đang xảy ra. Bước đầu tiên để kiểm soát một thay đổi đột ngột ngoài mong muốn là nhận biết về thay đổi đó và sớm thừa nhận rằng bạn đang sắp sửa bước vào một giai đoạn mới, tốt hơn hoặc tệ hơn. Chỉ cần ý thức được điều đó thôi cũng đã giúp bạn giảm được căng thẳng rồi. Bạn hãy nghĩ như thế này: Được rồi, sự thay đổi này hoàn toàn mới. Nó có vẻ hơi lạ lẫm một chút. Mình cần phải bình tĩnh, không hoảng sợ, và hãy nhẫn nại. Mình biết tất cả mọi thay đổi xảy ra đều vì điều tốt đẹp nhất.

Khi chuyển đến Mỹ, tôi có thừa nhận thời gian để nghĩ về tất cả nhữung cách mà cuộc sống của chúng tôi đang thay đổi, nhưng có lúc cảm thấy bị lấn át và mất phương hướng. Đôi khi tôi muốn hét lên: “Con chỉ muốn quay về nhà, quay về với cuộc sống thực của con thôi!”.

Có lẽ bạn cũng sẽ có những lúc như thế đấy. Giờ đây tôi nhìn lại những lúc như thế trong đời mình và cảm thấy thật buồn cười, nhất là khi tôi đã yêu cuộc sống ở California. Tôi hy vọng một ngày nào đó bạn có thể cười chính mình như tôi đã từng khi nhớ lại những ngày đó. Bạn nên hiểu rằng chán nản và tức giận là cảm xúc tự nhiên mà chúng ta phải trải qua khi đối mặt với một thay đổi lớn. Hãy cho phép mình được uể oải chút ít và hãy cho mình đủ thời gian để thích nghi với thay đổi. Làm như thế sẽ giúp bạn được chuẩn bị tinh thần trước những “cơn choáng” không ngờ thỉnh thoảng xảy ra. Cơn choáng có thể là việc chuyển đến một thành phố mới: bạn phải cho mình thời gian để tìm ra cách thích nghi, để hoà nhập với môi trường mới.

TIÊN LIỆU ĐIỀU KHÔNG NGỜ

Chuyện sốc văn hoá hay xảy ra vào những ngày đầu và xảy ra thường xuyên trong những tuần đầu tiên tôi đến Mỹ. Quả thực, ngay trong ngày đầu tiên đến trường mới, tôi đã bị một phen hoảng sợ khi cả lớp đứng dậy đọc Lời thề trung thành(Pledge of Allegiance). Ở Australia, chúng tôi không làm điều đó. Tôi cảm thấy như thể mình vừa bước vào một câu lạc bộ mà mình không phải là thành viên.

Rồi một ngày tất cả chuông báo động ở trường đồng loạt reo inh ỏi và các giáo viên báo chúng tôi chui xuống gần bàn! Tôi cứ nghĩ người ngoài hành tinh đang tấn công, nhưng đó chỉ là một cuộc tập dượt phản ứng trước các cuộc động đất. Động đất ư?

Tất nhiên tôi phải đương đầu với những cái nhìn lo lắng, những câu hỏi khiếm nhã, những lời bình luận kỳ quặc về sự khuyết thiếu chân tay. Tôi không thể tin nổi những đứa trẻ ở một trường học dành cho dân trung lưu của Mỹ lại tò mò muốn biết đến việc tôi xoay xở thế nào ở phòng vệ sinh. Tôi cầu mong có một trận động đất thật xảy ra, chỉ để chấm dứt tất cả sự tò mò về các mẹo sử dụng nhà vệ sinh của tôi.

Tôi cũng đã phải thích nghi với việc chuyển lớp liên tục. Ở Australia, học sinh có thể học tất cả các môn tại một phòng học cố định. Chúng tôi không phải di chuyển cả ngày như những con kangaroo trong rừng sâu. Ở trường Lindero Canyon dường như tất cả những gì chúng tôi làm là nhảy từ phòng này đến phòng khác.

Tôi đương đầu với thay đổi lớn đó không được tốt cho lắm. Ở Australia tôi luôn là học sinh giỏi, nhưng ở trường mới tôi học thụt lùi một cách nhanh chóng. Trường mới không có lớp dành cho học sinh lớp sáu bình thường vậy nên các giáo viên xếp tôi vào lớp học nâng cao, nhưng điểm của tôi cứ thụt lùi hoài. Nghĩ lại những ngày đó, tôi có thể nhận ra rằng mình đã quá căng thẳng. Tại sao tôi lại không căng thằng? Toàn bộ cuộc sống của tôi đã bị đóng gói và chuyển từ bên này sang bên kia địa cầu.

Hồi ấy chúng tôi thậm chí không có nhà riêng. Cha tôi làm việc cho chú Batta, và chúng tôi sống với gia đình chú trong một ngôi nhà lớn cho tới khi tìm được một căn nhà. Tôi ít được thấy cha mẹ ở nhà hằng ngày bởi họ bận đi tìm việc làm, bận đi làm, hoặc đi tìm chỗ ở.

Tôi ghét cảnh đó lắm. Tôi bị lấn át về mặt tinh thần, cảm xúc và cả thể chất nữa. Vậy nên tôi phản ứng như một con rùa, thu mình vào trong cái mai. Trong giờ giải lao và ăn trưa, tôi lủi thủi một mình, đôi khi giấu mình sau những bụi cây ở gần sân chơi. Tuy vậy, chỗ ẩn mình ưa thích của tôi là một phòng học nhạc thuộc sự quản lý của thầy McKagan, một giáo viên dạy nhạc.

Thầy McKagan thuộc biên chế của trường Lindero Canyon và là một giáo viên xuất sắc. Thầy nổi tiếng lắm. Ở trường thấy giống như một ngôi sao nhạc rock, (nghe đâu) dạy đến tám, chín lớp mỗi ngày. Duff, anh của thầy, là một tay guitar bass huyền thoại từng biểu diễn với ban nhạc với ban nhạc lừng danh Guns N’Roses và những ban nhạc hàng đầu khác. Đó là một điều lạ lẫm của việc chuyển từ Australia đến California. Tôi cảm thấy như thế chúng tôi đã bỏ lại phía sau sự tồn tại của một gia đình bình thường và đặt chân đến một vương quốc văn hoá pop siêu thực. Chúng tôi sống ở ngay ngoại vi Los Angeles và kinh đô điện ảnh Hollywood, vậy nên luôn tình cờ gặp những ngôi sao điện ảnh và truyền hình ở các cửa hàng và trung tâm thương mại. Một nửa bạn học cùng lớp với tôi là diễn viên hoặc sắp trở thành diễn viên. Sau giờ học, tôi có thể bật ti vi và xem Jonathan Talor Thomas, một cậu bạn điển trai ở lớp học lịch sử, diễn xuất trong bộ phim truyền hình nổi tiếng Home Improvement.

Cuộc sống của tôi đã thay đổi nhiều góc độ đến nỗi tôi cảm thấy mình ngập đầu giữa những điều lạ lẫm.Tôi mất tất cả sự tự tin mà tôi đã phải rất vất vả mới có được. Ở Australia, bạn bè đã chấp nhận tôi, nhưng ở Mỹ tôi là kẻ xa lạ trên một mảnh đất lạ, với giọng nói lạ lùng và thậm chí một thân thể lạ lùng. Chí ít đó cũng là những gì tôi cảm thấy. Thầy McKagan đã phát hiện ra tôi đang trốn trong phòng dạy nhạc, và ông cố động viên tôi ra ngoài hoà nhập với các học sinh khác. Nhưng khi ấy tôi không thể cảm thấy mình được động viên.

Tôi đấu tranh với thay đổi mà tôi không thể kiểm soát được thay vì chú trọng đến việc điều chỉnh thái độ và hành động của mình. Tôi nên khôn ngoan hơn mới phải. Khi đó tôi mới 12 tuổi, nhưng trước đó đã biết tập trung vào những khả năng của mình thay vì nghĩ đến những khuyết tật. Tôi đã chấp nhận sự khuyết thiếu chân tay và đã có cố gắng để trở thành một đứa trẻ tự lập, sống khá vui vẻ. Nhưng bước chuyển đó đã làm tôi bị sốc.

Bạn đã bao giờ nhận thấy rằng khi bước vào một giai đoạn của sự thay đổi quan trọng trong cuộc đời, các giác quan của bạn dường như trở nên nhạy cảm hơn? Khi bạn trải qua một sự tan vỡ tồi tệ, chẳng hạn mỗi bộ phim, mỗi chương trình truyền hình dường như đều ẩn giấu một thông điệp nhằm vào bạn sao? Chẳng phải tất cả các bài hát trên sóng phát thanh dường như đều chạm đến con tim đang đớn đau của bạn sao? Những cảm xúc được tôn lên và sự nhạy cảm của bạn có thể là công cụ sinh tồn được châm ngòi khi bạn căng thẳng hoặc bị rơi vào hoàn cảnh lạ lẫm. Chúng đặt bạn vào tình trạng báo động cao, và chúng có thể trở nên giá trị.

Tôi vẫn còn nhớ khi tôi buồn chán vì phải chuyển khỏi Australia, tôi luôn tìm thấy cảm giác bình an và thoải mái khi nhìn lên những dãy núi hay ngắm mặt trời lặn trên biển ở nơi ở mới. Tôi vẫn nghĩ California là một nơi tươi đẹp, nhưng thậm chí khi ấy tôi cảm thấy nó đẹp hơn.

Dù tích cực hay tiêu cực, thay đổi có thể là một trải nghiệm đáng sợ tiềm ẩn đầy sức mạnh, và chính vì thế phản ứng đầu tiên của bạn trước thay đổi là sợ hãi. Khi theo học khoá kinh doanh ở trường đại học, tôi được biết rằng hầu hết các tập đoàn lớn đều có nhà điều hành được bổ nhiệm như “những tác nhân thúc đẩy thay đổi”. Công việc của họ là tập hợp các nhân viên bất đắc dĩ đằng sau những sự thay đổi, cho dù đó là một liên doanh, một chi nhánh mới, hay một doanh nghiệp mới.

Là củ tịch của một công ty, tôi hiểu được rằng mỗi nhân viên đều có cách đương đầu với những sáng kiến hoặc những thay đổi theo cách riêng. Sẽ luôn luôn có một số người hào hứng, phấn khởi trước trải nghiệm mới, nhưng hầu hết đều tỏ ra ngần ngại bởi vì họ đã quen và thấy thoải mái với điều kiện hiện tại, hoặc họ sợ cuộc sống sẽ thay đổi theo hướng xấu đi.

ĐỪNG NGẠI THAY ĐỔI

Ai cũng biết rằng không có gì là vĩnh viễn bất biến, nhưng thật lạ lùng, khi những tác nhân bên ngoài hoặc người khác buộc chúng ta phải rời khỏi môi trường quen thuộc, thoải mái của mình, chúng ta thường trở nên sợ hãi và lo lắng. Đôi khi chúng ta trở nên tức giận và phẫn nộ. Thậm chí khi rơi vào hoàn cảnh tồi tệ – một mối quan hệ đầy bạo lực, một công việc bế tắc, hoặc một môi trường nguy hiểm – chúng ta thường không chịu bước vào một con đường mới bởi chúng ta muốn đương đầu với những gì đã biết hơn là những gì mình chưa biết.

Cách đây không lâu tôi gặp George, một huấn luyện viên thể hình và là nhà vật lý trị liệu. Tôi nói với ông ấy rằng tôi bị đau lưng và rằng tôi cần tập thể dục để khắc phục vấn đề đó, nhưng tôi không có đủ động cơ để tập do quá bận với các chuyến diễn thuyết và bận điều hành công ty. Phản ứng của George không có gì lạ. Ông ấy nói: “Này, nếu cậu muốn đương đầu với sự thật rằng chứng đau lưng của cậu ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong suốt phần còn lại của cuộc đời, thì tôi chúc cậu may mắn nhé”.

Ông ấy chế giễu tôi! Tôi muốn cho George xơi một quả đấm. Nhưng rồi tôi hiểu ra rằng ông ấy đang thúc đẩy tôi, buộc tôi phải đối mặt với thực tế rằng nếu tôi không sẵn sàng điều chỉnh lối sống thì sẽ phải chịu hậu quả.

Thực chất ông ấy muốn nói: “Nick, nếu không thích thì cậu không phải đổi đâu, nhưng người duy nhất có thể giúp khắc phục chứng đau lưng của cậy chính là cậu chứ không phải là ai khác”.

Tôi là một tấm gương tốt của một ví dụ tồi về sự ngại điều chỉnh lối sống. Nhưng ngững người ở vào hoành cảnh tồi tệ hơn nhiều cũng ngần ngại trước thay đổi có thể cải thiện cuộc sống của họ một cách đáng kể. Thường thì chúng ta cảm thấy sợ phải từ bỏ hoành cảnh quen thuộc, ngay cả khi hoàn cảnh đó rất tồi tệ, nếu như điều đó nghĩa là chuyển sang một hoàn cảnh mà chúng ta không biết được một cách chắc chắn sẽ như thế nào. Và nhiều người trong chúng ta không chịu nhận trách nhiệm về cuộc sống của chính mình. Tổng thống Barack Obama đã nhấn mạnh tầm quan trọng của trách nhiệm cá nhân khi ông nói: “Chúng ta là sự thay đổi mà bấy lâu chúng ta chờ đợi”. Tuy nhiên, vẫn có một số người vì không dám chấp nhận thay đổi, cứ chôn chân trong những hoành cảnh tồi tệ, ngay cả khi hoàn cảnh đó có thể nhấn chìm họ.

Đối với một số người, việc nhận trách nhiệm còn khó hơn cả việc từ chối một cơ hội. Khi cuộc sống chia cho bạn một quân bài huỷ hoại bàn tay và làm hỏng các kế hoạch của bạn, bạn có thể đổ trách nhiệm cho cả thế giới, cho cha mẹ, cho cả cái đứa đã lấy trộm chiếc bánh sandwwich của bạn hồi bạn học lớp ba. Nhưng rốt cuộc, đổ lỗi và oán trách người khác có mang lại cho chúng ta điều gì đâu. Nhận trách nhiệm là cách duy nhất để làm chủ những lối thoát và sự đổi thay của hoàn cảnh trên đường đời. Những kinh nghiệm của bản thân đã dạy tôi rằng có năm bước cần thiết làm nên một thay đổi tích cực.

1. Thừa nhận sự cần thiết của thay đổi

Thật đáng buồn, chúng ta thường khá chậm chạp trong việc thừa nhận sự cần thiết phải thay đổi. Chúng ta cứ gắn mình vào một nếp cũ, cho dù nó chẳng mang đến cho ta sự thoải mái, và chúng ta chọn cách ù lì chứ không chọn hành động để thoát ra khỏi sự lười biếng hoặc sợ hãi. Thường thì cần phải có điều gì đó thực sự đáng sợ xảy ra mới có thể khiến chúng ta thừa nhận rằng mình cần một kế hoạch mới. Cái lần tôi định tự vẫn chính là một trải nghiệm như thế. Tôi đã kiên trì cố gắng trong nhiều năm, luôn tỏ ra can đảm, nhưng trong lòng bị ám ảnh bới ý nghĩ u ám rằng nếu tôi không thể thay đổi thân thể thì nên kết thúc cuộc đời cho rồi. Khi sắp sửa để mình chìm xuống nước, tôi bỗng nhận ra rằng đã đến lúc phải có trách nhiệm đối với hạnh phúc của chính mình.

2. Hình dung ra điều mới mẻ

Ned, một người bạn của tôi, mới đây đã phải làm một việc thật buồn là thuyết phục cha mẹ chuyển khỏi ngôi nhà mà học đã sống trong suốt 40 năm để đến ở tại một trung tâm dưỡng lão. Sức khoẻ của cha anh giảm sút, và việc chăm sóc ông trở nên quá sức đối với bà mẹ. Cha mẹ anh không muốn rời nhà. Họ muốn ở lại ngôi nhà đó, muốn sống cạnh nhữung người hàng xóm thân thuộc. “Ở đây cha mẹ hạnh phúc. Vậy thì tại sao cha mẹ lại phải chuyển đi?”, họ nói.

Ned đã cố gắng bàn bạc chuyện đó với cha mẹ trong hơn một năm trời mới thuyết phục được họ đến thăm một trung tâm dưỡng lão chất lượng cao cách nhà họ chỉ vài tòa nhà. Trước khi đến thăm nơi đó, cha mẹ anh đã hình thành trong đầu hình ảnh về “nhà dành cho người già”, và theo điều họ mường tượng thì những nơi như thế thật lạnh lẽo, đáng sợ, và là “nơi người già đến đề chết”. Thế nhưng khi đến thăm trung tâm ấy, họ nhận thấy đó là một nơi dễ chịu, ấm áp và sạch sẽ, nơi mà nhiều hàng xóm cũ của họ đang sống và hưởng những ngày an vui của tuổi già. Ở đó có cả một trung tâm y tế với các bác sĩ và y tá, chuyên gia trị liệu có thể chăm sóc cho cha của Ned.

Khi cha mẹ của anh tận mắt thấy nơi ấy, họ đồng ý chuyển tới đó.“Cha mẹ chưa bao giờ nghỉ nơi đó lại dễ chịu đến thế”, họ nói.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc chuyển từ nơi bạn đang sống đến nơi cần phải tới, thì việc có được hình ảnh rõ ràng về nơi bạn chuyển đến là điều có ích. Để có được hình ảnh ấy bạn hãy tham quan nơi đó, cố gắng thiết lập các mối quan hệ mới.Khi bạn đã quen với nơi bạn sắp chuyển tới, việc rời khỏi nơi ở cũ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

3. Chia tay với cái cũ

Đây là một giai đoạn khó khăn đối với nhiều người. Thử hình dung bạn đang trèo lên một vách núi. Bạn đã leo lên được nửa chừng rồi, đã ở độ cao hàng trăm mét so với thung lũng phía dưới. Bạn gặp một gờ đá nhỏ. Thật đáng sợ, và bạn biết mình có thể gặp nguy hiểm nếu như trời nổi gió mạnh, nhưng dù sao ở trên gờ đá đó chí ít bạn cũng có chút cảm giác an toàn.

Vấn đề là để tiếp tục leo lên, hoặc thậm chí leo xuống, bạn phải từ bỏ sự an toàn mà gờ đá đó đã mang lại và phải tìm đến một điểm an toàn khác. Việc từ bỏ cái cảm giác an toàn đó rõ rang là một thách thức, cho dù bạn đang leo núi hay đang bước vào con đường mới trong cuộc đời. Bạn phải từ bỏ cái cũ và tìm đến cái mới.Nhiều người cảm thấy đông cứng trong giai đoạn này, hoặc chỉ khi đang hoảng sợ họ mới thực hiện thay đổi.Nếu bạn nhận thấy mình ở trong hoàn cảnh đó thì hãy coi như bạn đang trèo lên một cái thang. Để bước lên nấc tiếp theo, phải buông tay khỏi điểm bạn đang bám vào để với tay lên một điểm bám mới. Hãy buông tay khỏi điểm cũ và vươn tay ra, vươn thẳng người lên, mỗi lần hãy bước lên một nấc thang mới!

4. An cư

Đây có thể là một giai đoạn khó khăn khác đối với nhiều người. Họ có thể đã chia tay cái cũ và vươn tới cái mới, nhưng khi chưa đạt một mức độ hài long nào đấy, họ có thể vẫn bị cám dỗ bởi ý muốn quay lại. Đây chính là giai đoạn mà người ta tự hỏi: “Được rồi, mình lên đến đây rồi, giờ thì sao nhỉ?”.

Chìa khóa để đạt được sự ổn định là phải rất thận trọng với những ý nghĩ lởn vởn trong đầu.Bạn phải xem xét những ý nghĩ gây hoảng sợ như Trời ơi, mình đã làm gì thế nhỉ?Và hãy tâm niệm Đây là một cuộc phiêu lưu quan trọng để tập trung tinh thần tiến về phía trước!

Trong những tháng đầu tiên trên đất Mỹ, là một cậu bé, tôi vật lộn hết sức vất vả để được chấp nhận. Nhiều ngày đêm tôi nằm co ro trên giường, gặm nhấm cảm giác buồn bực về môi trường mới, tôi tránh tiếp xúc với các học sinh khác ở trường, lo sợ bị gạt bỏ, chế giễu.Nhưng dần dần tôi trở nên thích thú với nơi ở mới.Trước khi đến Mỹ, tôi chưa hề được gặp những người em họ của mình.Hóa ra họ rất thú vị. Ở nơi chúng tôi chuyển đến còn có bãi biển, những dãy núi và sa mạc, những thắng cảnh thuận tiện cho chúng tôi đến tham quan.

Và khi tôi bắt đầu nghĩ rằng California của nước Mỹ không đến nỗi tệ, cha mẹ tôi lại quyết định quay trở về Australia.Khi tôi lớn lên, học xong đại học, tôi lại chuyển đến California. Bây giờ tôi cảm thấy nơi này giống như nhà của mình!

5. Phát triển ở môi trường mới

Đây là giai đoạn tạo sự chuyển đổi thành công.Bạn đã thực hiện một bước đột phá, giờ đã đến lúc bạn phát triển ở môi trường mới.Quả thực, bạn không thể phát triển mà không thay đổi.Mặc dù quá trình thay đổi có thể gây căng thẳng, thậm chí hết sức đau đớn về tinh thần và thể chất, sự phát triển luôn đáng để bạn nỗ lực.

Tôi đã hiểu được điều đó qua công việc của chính mình.Vài năm trước, tôi phải tái cấu trúc lại công ty.Điều đó đồng nghĩa với việc phải cho một số người thôi việc.Tôi sợ phải cho bất cứ ai nghỉ việc.Tôi ghét điều đó vô cùng.Tôi là một người luôn khích lệ người khác chứ không phải là một gã thích mang tin xấu đến cho người mà mình quan tâm. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn gặp những cơn ác mộng liên quan đến việc tôi cho một số nhân viên của công ty thôi việc, những người mà tôi đã thân quen và yêu mến như bạn bè. Nhưng nhìn lại việc đó, tôi biết công ty sẽ không bao giờ có thể phát triển được nếu như không thực hiện thay đổi đó.Chúng tôi đã gặt hái được thành quả đáng kể.Tôi không thể nói rằng tôi vui mừng khi cho thôi việc một số nhân viên cũ, cho đến bây giờ tôi vẫn rất nhớ họ.

Những đau đớn tăng lên là dấu hiệu cho thấy bạn đang vươn tới tầm cao mới. Bạn không nhất thiết phải cảm thấy thích thú trước những đau đớn ấy, nhưng bạn nên biết rằng trước khi tạo ra được bước đột phát dẫn tới những ngày tốt đẹp hơn, bạn luôn phải trải qua gian nan, thử thách và đau đớn.

THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Trong các chuyến đi tôi đã được thấy những con người đang trải qua các giai đoạn khác nhau của thay đổi, đặc biệt là trong lần tới Ấn Độ năm 2008 mà tôi đã từng nhắc tới. Tôi diễn thuyết ở Mumbai, thành phố lớn nhất Ấn Độ và là thành phố đông dân thứ hai trên thế giới. Từng được biết đến với cái tên Bombay, Mumbai nằm ở bờ biển phía Tây, gần biển Ả Rập, và là trung tâm văn hóa, tài chính của khu vực.

Cái thành phố vừa là mảnh đất của sự giàu có vô cùng vừa là thế giới của sự nghèo đói xác xơ này mới đây lại trở nên nổi tiếng khi được chọn làm bối cảnh cho bộ phim đoạt giải Oscar Triệu phú khu ổ chuột. Có nhiều điều đáng nói về Mumbai và bộ phim ấy chỉ đem đến cho khan giả vài lát cắt của tất cả những gì thực sự kinh hoàng và tồi tệ về những khu ổ chuột cũng như nạn buôn bán nô lệ tình dục tràn lan ở một thành phố có đa số dân là người theo đạo Hindu và đạo Hội, và chỉ có một tỉ lệ nhỏ dân số theo đạo Cơ Đốc.

Theo ước tính, có hơn 500.000 người bị buộc phải bán thân ở Mumbai.Hầu hết họ bị bắt cóc từ các làng nhỏ thuôc Nepal, Bangladesh và những vùng nông thôn khác.Nhiều phụ nữ là devadast, tức nô lệ của nữ thần sinh sản, bị các “thầy tê’ của họ đẩy vào nghề mại dâm.Một số người bị đẩy vào cảnh bán mình là những gã trai chuyên mua vui cho các bữa tiệc, là những người đàn ông bị thiến. Họ chen chúc nhau trong những ngôi nhà tồi tàn, bẩn thỉu và bị ép phải quan hệ tình dục với ít nhất bốn người đàn ông một đêm. Họ làm lây nhiễm vi rút gây bệnh AIDS rất nhanh, và hàng triệu người đã chết bởi căn bệnh này.

Trong chuyến đi đó tôi đã được đưa đến phố đèn đỏ, một nơi được biết đến với cái tên “Phố của những cái chuồng”ở Mumbai để tận mắt chứng kiến sự khổ đau và để nói chuyện với các nạn nhân của nạn buôn bán nô lệ. Tôi được mục sư K.K. Devaraj, một người sang lập ra Trung tâm Bombay Teen Challenge, một tổ chức hoạt động để cứu giúp các nạn nhân của nạn nô lệ tình dục và giúp họ tìm thấy cuộc sống lành mạnh và tốt đẹp hơn.

Mục sư Dev cũng điều hành một trung tâm dành cho trẻ mồ côi bị AIDS, điều hành các chương trình trợ giúp lương thực, các trung tâm y tế, một bệnh viện dành cho người nhiễm HIV, và một cơ sở nhân đạo dành cho những trẻ em đường phố nghiện ma túy. Ông đã xem qua các video về tôi, vậy nên ông hy vọng rằng thông qua hoạt động diễn thuyết tôi sẽ đóng vai trò như một tác nhân thúc đẩy sự thay đổi ở Mumbai.Ông muốn tôi thuyết phục những phụ nữ làm nghề mại dâm trốn khỏi nhà chứa và tới các trung tâm nhân đạo của ông. Ông Devaraj nói rằng mỗi phụ nữ bị buộc phải làm nô lệ là một “tâm hồn đáng quý và một hạt ngọc giá trị”.

Trung tâm Bombay Teen Challenge tạo được ảnh hưởng tốt đối với các khu ổ chuột của Mumbai đến mức các chủ nhà chứa ở đó cho pehps mục sư Dev và cộng sự của ông, những người theo Cơ Đốc giáo, đến để nói chuyện với các phụ nữ ở đó, mặc dù hầu hết họ đều theo đạo Hindu. Họ hoan nghênh sự ảnh hưởng thầm lặng đó mặc đù những người phụ trách Trung tâm Bombay Teen Challenge không ngừng thuyết phục gái mại dâm chấp nhận Chúa và rời nhà chứa để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Từng chút một, tổ chức này tác động để thay đổi trái tim những phụ nữ bị đẩy vào con đường nô lệ tình dục. Thường thì các cô gái bị bắt ở độ tuổi từ mười đến mười ba.Họ bị dụ dỗ khỏi những làng quê nghèo và hầu hết đều còn rất ngây thơ.

Nếu cô gái nào có tinh thần cảnh giác hoặc ngần ngại, những kẻ đi mồi chài cố thuyết phục cha mẹ cô, nói với họ rằng con gái họ sẽ kiếm được gấp 50 lần số tiền cô có thể kiếm ở nhà. Hoặc, thật đáng buồn, bọn người đó mua những cô gái từ chính cha mẹ đẻ của họ, và đó không phải là chuyện hiếm.Bọn người săn tìm và tuyển mộ các cô gái, đưa họ đi khỏi làng quê, là những kẻ đầu tiên trong chuỗi lạm dụng bất lương và tàn bạo. Một khi các cô gái đã bị nhốt trong nhà chứa, bọn dắt khách sẽ khống chế họ, nói với họ: “Bây giờ phải làm việc cho chúng tôi, cho dù các cô có thích hay không”.

Thời gian ở Mumbai, tôi đã nói chuyện với một số người từng là nô lệ tình dục và đã được tổ chức Bombay Teen Challenge giải thoát khỏi các nhà chứa.Chuyện của họ những câu chuyện khiến chúng ta đau xé lòng, đáng tiếc lại không phải là chuyện hiếm gặp.Nếu từ chối làm gái điếm, họ sẽ bị đánh đập, cưỡng hiếp, và bị nhốt vào những cái chuồng tối tăm và bẩn thỉu dưới lòng đất, nơi mà họ thậm chí không thể đứng thẳng. Ở trong địa ngục trần gian đó, họ bị bỏ đói, bị hành hạ, bị tẩy não bằng đủ mọi cách cho tới khi họ đầu hàng, Sau đó, họ bị đẩy lên nhà chứa, nơi người ta bảo với họ rằng họ đã được mua với giá 700 đô la Mỹ và họ phải làm gái điếm trong ba năm để trả nợ. Những người từng là nô lệ tình dục kể với tôi rằng họ bị ép phải tiếp khách hàng tram lần, mỗi lần chỉ được trừ nợ hai đô la.

Hầu hết bọn họ nghĩ rằng mình không có sự lựa chọn nào khác.Bọn dắt khách nói rằng gia đình họ sẽ không bao giờ chấp nhận họ nữa bởi họ đã làm gia đình nhục nhã. Nhiều người mắc bệnh truyền qua đường tình dục hoặc có con trong khi làm gái mại dâm và vì vậy họ cảm thấy không có nơi nào khác để đi.

Vì cuộc sống đối với những cô gái đó thật khủng khiếp, họ thường sợ phải thực hiện thay đổi.Không có niềm tin, họ mất hy vọng, và rồi mất cả nhân tính.Họ sợ phải sống
ở bên ngoài nhà chứa và các khu ổ chuột.Các nhà tâm lý học thường nhận thấy những phụ nữ bị xâm hại quá mức thường e sợ việc trốn chạy.Họ có thể phải sống trong sợ hãi và đau đớn, nhưng thường từ chối rời bỏ kẻ ngược đãi bởi họ còn sợ tương lai bất định hơn.Họ đã mất đi khả năng mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơ, vậy nên trong hoàn cảnh bi đát, họ không thế thấy bất kỳ một lối thoát nào dành cho mình.

Bạn có thể thấy một cách rõ ràng rằng những nô lệ tình dục đó nên thoát ra khỏi cái cuộc sống tồi tệ ấy, nhưng ở vào nghịch cảnh của riêng mình, bạn có luôn nhận thức được một cách rõ ràng sự cần thiết phải thoát khỏi nó hay không? Bạn có bao giờ cảm thấy mình bị mắc kẹt trong một hoàn cảnh nào đó, rồi sau đó phát hiện ra rằng sự mắc kẹt duy nhất chính là thiếu tầm nhìn, thiếu lòng cam đảm, hoặc thiếu khả năng hiểu rằng bạn vẫn còn có những lựa chọn tốt hơn?

Để tạo ra sự thay đổi, bạn chắc chắn phải có khả năng hình dung những gì nằm ở mặt kia của vấn đề. Bạn phải hy vọng, phải tin vào Chúa và khả năng của chính mình trong việc tim được những điều tốt đẹp hơn.

Tổ chức Bombay Teen Challenge nhận thấy những người phụ nữ bị buộc phải làm nô lệ tình dục gặp khó khăn trong việc nhìn ra một lối thoát bởi họ đã bị chà đạp một cách quá tàn nhẫn, bị cô lập và bị đe dọa nghiêm trọng.Một số người không thể tin họ đáng được yêu thương, đáng được đối xử tử tế.

Tôi đã tận mắt chứng kiến nỗi tủi nhục và khổ đau tại các nhà chứa và khu ổ chuột ở Mumbai, và tôi cũng đã được thấy những điều kỳ diệu mà mục sư Dev và các đồng sự tận tâm của ông đã thực hiện được trong thế giới của những người phụ nữ bị buộc phải làm nô lệ tình dục và con cái của họ, nhưng đứa trẻ được gọi là “chim sẻ”, những đứa trẻ không nhà, ngày lại ngày lang thang trên phố.

Họ đã đưa tôi đi thăm hết nhà chứa này đến nhà chứa khác.Thoạt đầu tôi được giới thiệu với một phụ nữ luống tuổi, người đã chậm chạp đứng dậy khỏi sàn nhà khi chúng tôi bước vào.Bà ta là một chủ chứa và thông qua người phiên dịch, bà ta mời tôi “thuyết giáo cho các cô gái điếm trong nhà chứa”.

Người đàn bà đó giới thiệu tôi với một phụ nữ trông như thể đã ngoài bốn mươi.Người đó nói cho tôi biết cô bị bắt cóc và bị đưa đi khỏi làng khi mới mười tuổi và từ đó bị đẩy vào nghề mại dâm.

“Tôi đã làm việc để trả hết nợ và được giải phóng năm tôi mười ba tuổi”, cô kể qua người phiên dịch.“Sau khi được tự do tôi lang thang trên phố và bị đánh đập, bị hãm hiếp. Tuy nhiên, tôi vẫn tìm cách để trở về với gia đình, nhưng gia đình tôi không muốn nhìn mặt tôi nữa.Tôi quay trở lại đây, quay lại với cái nghề mại dâm. Tôi có hai đứa con, một đứa chết rồi. Hai ngày trước tôi biết rằng mình đã bị nhiễm AIDS, vậy nên tôi bị sa thải. Tôi phải nuôi con và tôi chẳng có nơi nào để đi cả”.

Từ vị trí của mình, bạn và tôi có thể thấy rằng người phụ nữ đó có những lựa chọn, nhưng trong điều kiện rất hạn chế của bản thân, cô ta nhận thấy dường như không có một sự lựa chọn nào dành cho cô hết. Bạn nên hiểu rằng đôi khi bạn có thể không thấy được một lối thoát nào, nhưng bạn cần phải biết thay đổi là điều luôn luôn có thể xảy ra. Khi bạn không thể tìm được một con đường nào khác, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Hãy tìm sự hướng dẫn, tư vấn của những người có tầm nhìn rộng hơn. Đó có thể là một người bạn, một thành viên trong gia đình, hay một nhà tư vấn chuyên nghiệp, một nhân viên xã hội. Bạn đừng bao giờ để mình sa ngã vào cái bẫy của ý nghĩ tiêu cực rằng không có lối thoát nào dành cho bạn hết. Luôn luôn có lối thoát bạn ạ!

Người phụ nữ đó chỉ mới 20 tuổi.Tôi đã cầu nguyện cho cô ấy. Chúng tôi nói với cô rằng cô có thể rời nhà chứa và sống tại Trung tâm Bombay Teen Challenge và được điều trị tại bệnh xá của trung tâm. Khi chúng tôi giúp cô nhìn ra lối thoát đó, chỉ cho cô cách thoát ra khỏi hoàn cảnh bế tắc để tìm đến một thế giới ấm áp hơn, cô đã không chỉ sẵn sàng thay đổi mà còn tìm được đức tin cho mình.

“Nghe anh nói chuyện, tôi biết Chúa chọn không chữa khỏi bệnh HIV/AIDS cho tôi bởi vì tôi có thể đưa những người phụ nữ khác đến với niềm tin ở Chúa”, cô nói.“Tôi chẳng còn gì cả, những tôi biết chúa ở bên tôi”.

Sự thanh thản và niềm hy vọng ngời lên trong mắt người phụ nữ khiến tôi vô cùng cảm động.Cô tin rằng mình thật đẹp.Cô nói cô biết Chúa không bỏ quên cô, rằng Người có một mục đích dành cho cô dù cô đang phải đối mặt với cái chết.Cô là một phụ nữ đã thay đổi, đã biến nỗi đau, tủi nhục của mình thành một nguồn lực thúc đẩy cái tốt. Giữa cảnh đói nghèo, tuyệt vọng và tàn bạo như thế, cô là một tấm gương ngời sáng về sức mạnh từ tình yêu của Chúa cũng như sức mạnh của tinh thần con người.

Mục sư Dev và các cộng sự đã phát triển được nhiều phương pháp để thuyết phục nô lệ tình dục ở Mumbai thoát khỏi hoàn cảnh sống nguy hại.Họ lập nên các trung tâm chăm sóc trẻ em và các trường học để trẻ có thể hiểu về Chúa Jesus và về tình yêu của Người. Sau đó, những em bé ấy nói cho mẹ của các em biết rằng tất cả họ đều được yêu thương và rằng họ có thể vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi khuyến khích bạn đón nhận sự thay đổi giúp nâng cuộc sống lên một tầm cao mới và khích lệ bạn trở thành một nguồn thúc đẩy sự thay đổi để cải thiện cuộc sống của người khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.