Cuộc Sống Không Giới Hạn – Câu Chuyện Diệu Kỳ Của Chàng Trai Đặc Biệt Nhất Hành Tinh
Điều kỳ diệu của thái độ tích cực
Khi thành lập một công ty để điều hành công việc diễn thuyết, tôi đã đặt tên công ty là Attitude Is Altitude (Thái độ tích cực) bởi nếu không có một thái độ tích cực thì tôi đã chẳng bao giờ có thể vượt lên những khuyết tật của mình để đến với hàng triệu người.
Có thể bạn muốn chế diễu khái niệm “điều chỉnh thái độ” bởi bấy lâu nay có đã trở thành chủ đề chính của các áp phích thúc đẩy tinh thần và các tài liệu giáo huấn nhàm chán. Nhưng có một nguồn sức mạnh thật sự trong việc kiểm soát thái độ của bạn, trong việc điều chỉnh nó cho phù hợp với các tâm trạng không mong muốn và để chấm dứt các hành vi có thể đe dọa đến khả năng sống không giới hạn của bạn. Nhà tâm lý học kiêm triết gia William James, người từng giảng dạy tại Đại học Harvard với những học viên như Sigmund Freud, Carl Jung, Helen Keller và Oliver Wendell Holmes Jr, đã nói rằng một trong những khám phá lớn nhất của thế hệ ông là nhận thức rõ ràng rằng, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mình bằng cách thay đổi thái độ.
Cho dù có ý thức được về điều đó hay không, bạn cũng nhìn thế giới qua lăng kính độc đáo của riêng mình và qua những thái độ dựa trên niềm tin của bạn về cái tốt, cái xấu, cái đúng, cái sai, sự công bằng hoặc bất công. Những quyết định và hành động của bạn dựa trên những thái độ đó, vậy nên nếu những gì bạn đang thực hiện không đem lại hiệu quả, thì bạn vẫn có khả năng điều chỉnh thái độ và thay đổi cuộc sống.
Hãy coi thái độ của bạn như chiếc điều khiển từ xa của ti vi. Nếu chương trình mà bạn đang xem không đem lại điều gì hấp dẫn hoặc bổ ích, thì bạn chỉ việc bấm nút và đổi sang chương trình khác. Bạn có thể điều chỉnh thái độ của mình như cách bạn sử dụng chiếc điều khiển ti vi khi không đạt được những kết quả mong muốn, cho dù những thách thức mà bạn đang phải đối mặt là gì đi chăng nữa.
Linda, một giáo viên dạy nhạc, miêu tả thái độ tích cực đã giúp cô vượt qua một tai nạn thời thơ ấu có thể hủy hoại toàn bộ cuộc đời như thế nào. Cô bị thương rất nặng trong một vụ tai nạn xe hơi khi còn đang học tiểu học. Cô hôn mê suốt hai ngày rưỡi và khi tỉnh lại cô nhận ra mình không thể đi lại, không thể nói, không thể tự ăn uống được.
Mặc dù các bác sĩ sợ rằng cô sẽ bị khuyết tật về tinh thần và sẽ không bao giờ còn có thể nói chuyện hoặc đi lại một cách bình thường được, trí óc của cô, khả năng nói và cơ thể của cô lại dần dần được phục hồi. Quả thực, vấn đề sức khỏe duy nhất còn tồn tại sau vụ tai nạn khủng khiếp đó là bên mắt phải bị tổn thương, ảnh hưởng đến thị lực.
Người phụ nữ đó đã phải chịu đựng nỗi đau đớn không thể tả nổi, phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật mà rốt cục vẫn phải sống trong tình trạng thị lực bị suy giảm. Cô có thể dễ dàng cảm thấy mình là nạn nhân của bất hạnh và dễ trở nên cay đắng. Nếu cô cảm thấy cuộc sống đã đối xử không công bằng với cô thì bạn cũng không thể trách cô về thái độ đó. Nhưng không, cô không chấp nhận thái độ đó, cô đã chọn thái độ này:
“Đôi khi tôi cảm thấy nản lòng khi nghĩ rằng hai con mắt của tôi không hoạt động đồng nhất với nhau”, cô viết cho tôi. “Nhưng rồi tôi nhớ mình từ đâu đến cuộc đời này, mình có thể đã không còn trên cõi đời này nữa, và tôi hiểu rằng Chúa đã cứu tôi vì một lý do – cứu tôi để tôi sống như một nhân chứng cho công việc của người trên cõi đời này. Đôi mắt của tôi chính là một sự nhắc nhở của Chúa: Người nhắc rằng tôi không hoàn hảo, nhưng như thế chẳng sao cả. Tôi cần tin tưởng vào Chúa để tìm ra sức mạnh vượt lên nghịch cảnh. Chúa đã chọn tôi để chứng tỏ cho thế giới thấy sức mạnh của Người qua con mắt bị tổn thương của tôi. Mặc dù tôi yếu, Người luôn tràn đầy sức mạnh”.
Linda đã chọn cách chấp nhận tình trạng thị lực không hoàn hảo như một phần trong “kế hoạch hoàn hảo của Chúa cho cuộc đời tôi”, cô viết. “Người đã thay đổi thái độ của tôi đối với cuộc sống – tôi biết rằng cuộc sống của tôi có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, vì vậy lúc nào tôi cũng cố gắng sống vì Chúa. Tôi luôn cố gắng có thái độ tích cực trong mọi chuyện, cố gắng sống hết lòng vì Chúa và vì người khác, và thực sự quan tâm đến những người quanh tôi.
Thay vì chăm chăm nghĩ đến khuyết tật về mắt của mình, Linda chọn sống với thái độ biết ơn số phận, ơn Chúa và ơn cuộc đời, bởi cô vẫn còn có thể suy nghĩ, nói chuyện, đi lại và sống một cuộc sống khá bình thường. Bạn và tôi đều có khả năng lựa chọn thái độ của chúng ta giống như Linda đã lựa chọn thái độ sống cho mình.
Bạn không cần phải là một vị thánh mới có thể làm điều đó. Khi bạn trải nghiệm một bị kịch hoặc gặp khủng hoảng trong cuộc sống, việc đối mặt với các giai đoạn của sự sợ hãi, tức giận và buồn rầu là điều hết sức bình thường, thậm chí là nói điều lành mạnh, nhưng cuối cùng thì chúng ta cũng phải nói: “dù gì mình vẫn còn sống. Mình muốn dành hết phần còn lại của cuộc đời đắm chìm trong đau khổ hay muốn vượt lên hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ?”.
Vượt lên hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ có phải là việc dễ thực hiện không? Không dễ chút nào. Việc đó đòi hỏi lòng quyết tâm lớn, ấy là chưa kể đến ý thức về mục đích sống, hy vọng, đức tin, và niềm tin tưởng sâu sắc rằng bạn sở hữu những quà tặng của cuộc sống, có tài năng và kỹ năng để chia sẽ với người khác. Nhưng Linda chỉ là một trong số rất nhiều người đã cho thấy khả năng vượt qua nghịch cảnh nhờ thái độ sống tích cực. Có một sự thật không thể phủ nhận đã được chứng minh qua thời gian. Đó là bạn và tôi, tất cả chúng ta, không ai có thể hoàn toàn kiểm sớt được những gì xảy ra với mình, nhưng chúng ta có thể kiểm soát cách chúng ta phản ứng trước các hoàn cảnh. Nếu chúng ta chọn một thái độ đúng, chúng ta có thể vượt lên những thách thức trong cuộc sống.
Bạn có thể sẽ không kiểm soát được rủi ro nghiêm trọng tiếp theo xảy ra trong cuộc đời mình. Một cơn bão quét qua nhà bạn. Một người lái xe say xỉn đâm xe vào xe hơi của bạn. Ông chủ sa thải bạn. Người yêu của bạn nói: “Anh cần có khoảng cách”. Tất cả chúng ta ai cũng thỉnh thoảng bị vấp ngã. Trong những hoàn cảnh ấy bạn cảm thấy buồn, cảm thấy thật tồi tệ, nhưng rồi bạn phải lấy lại tinh thần và tự đặt ra cho mình câu hỏi: “Làm gì tiếp theo đây?”. Khi bạn đã than vãn, đã khóc lóc chán rồi, hãy tỉnh trí lại và điều chỉnh thái độ.
TẠO NGUỒN SỨC MẠNH
Bạn có thể thay đổi thai độ và thay đổi cuộc sống của mình mà không cần phải uống thuốc, không phải tìm đến một bác sĩ tâm thần, cũng không phải leo lên tận đỉnh núi để tìm lời khuyên từ một nhà hiền triết. Từ đầu cuốn sách cho đến những trang này tôi luôn khuyến khích bạn tìm ra mục đích sống, luôn hy vọng vào tương lai, luôn tin vào những khả năng dành cho cuộc đời bạn, và yêu bản thân mình.
Những hành trang đó sẽ tạo cho bạn một nền tảng vững chắc và lý do để lạc quan, và đó chính là nguồn sức mạnh để bạn điều chỉnh thái độ, giống như pin trong chiếc điều khiển tự xa của tivi.
Bạn đã bao giờ thấy một người hạnh phúc, mãn nguyện và thành công mà lại là người bi quan chưa? Tôi chưa từng thấy. Đó là bởi lạc quan là sức mạnh – nó mang đến cho bạn khả năng kiểm soát các cảm xúc. Sự bị quan làm nhụt ý chí của bạn, cho phép các cảm xúc điều khiển hành động của bạn. Với tinh thần lạc quan, bạn có thể điều chỉnh thái độ không nãn lòng trước khó khăn. Việc này đôi khi được miêu tả là “tái cấu trúc” bởi vì trong khi không phải lúc nào cũng có thể thay đổi được hoàn cảnh, bạn vẫn luôn có thể thay đổi cách nhìn về hoàn cảnh.
Trước hết, bạn có thể phải làm việc này một cách có ý thức, nhưng khi thực hành nó một thời gian, nó sẽ trở thành một việc tự nhiên. Tôi thường xuyên đi đây đi đó cùng với những người chăm sóc của mình, và trong những ngày đầu bước vào sự nghiệp của một diễn giả, khi một chuyến bay bị hủy bỏ hoặc một mối liên lạc bị gián đoạn, tôi đã gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm giác tức giận và chán nản. Cuối cùng tôi đã phải đối mặt với thực tế rằng khi bạn thường xuyên đi đây đi đó như chúng tôi, bạn luôn luôn gặp những vấn đề nảy sinh. Vả lại, tôi đã đủ lớn để không tức giận một cách thiếu kiểm soát, còn những cơn cáu giận thì phần nào mất đi hiệu lực của chúng khi tôi chẳng có chân để mà dậm đùng đùng.
Tôi phải làm chủ khả năng điều chỉnh thái độ trước những lần chuyến đi của chúng tôi bị gián đoạn ngoài mong muốn. Giờ đây, khi buộc phải ngồi hàng giờ ở sân bay hoặc cần phải thay đổi các kế hoạch một cách đột ngột, tôi cố gắng tránh căng thẳng, chán nản, tức giận bằng cách tập trung nghĩ tới những điều may trong cái rủi. Tôi cố gắng tự nhen nhóm trong mình những ý nghĩ lạc quan như: Chuyến bay của chúng ta bị chậm lại vì thời tiết xấu. Tốt thôi, bởi vì nếu đợi bão tan, chúng ta sẽ có một chuyến đi an toàn hơn.
Hoặc: Họ hủy chuyến bay vì các vấn đề kỹ thuật. Mình thích ngồi dưới mặt đất đợi một chiếc máy bay chất lượng tốt hơn là ngồi trên một chiếc máy bay đầy những trục trặc ở trên trời kìa.
Tôi muốn có một chuyến đi bình an hơn là một chuyến đi sóng gió!
Nhưng có một sự lựa chọn khác trong việc điều chỉnh thái độ là chỉ nghĩ đến mặt tiêu cực của hoàn cảnh, và đó không phải là một sự điều chỉnh lành mạnh. Khi bạn cho phép hoàn cảnh vượt ra ngoài sự kiểm soát, cho phép nó quyết định thái độ và hành động, bạn phải đối mặt với nguy cơ rơi vào vòng xoáy đi xuống của những quyết định nóng vội và những phán xét sai lầm, sa vào sự phản ứng thái quá, nguy cơ bỏ cuộc quá sớm, đánh mất những cơ hội vẫn thường xuất hiện vào những lúc bạn nghĩ rằng cuộc sống sẽ chẳng bao giờ trở nên tốt đẹp hơn được.
Nếu bạn cho phép mình đắm chìm trong bi quan và tiêu cực, chắc chắn bạn sẽ không bao giờ có thể vượt lên nghịch cảnh. Khi bạn cảm thấy máu trong người sôi lên vì những ý nghĩ tiêu cực, hãy cố gắng đừng chú ý đến những ý nghĩ đó và hãy thay thế chúng bằng những ý nghĩ có tính khích lệ và tích cực hơn. Dưới đây là một số ví dụ về những ý nghĩ tích cực có thể giúp bạn kiểm soát tiếng nói tiêu cực bên trong con người mình.
Cách nghĩ Tiêu cực Cách nghĩ Tích cực
Mình sẽ không bao giờ vượt qua được chuyện này. Chuyện này rồi cũng sẽ qua thôi.
Mình không thể chịu đựng thêm được nữa. Mình đã cố gắng đến thế này rồi; những ngày tốt đẹp hơn đang ở phía trước.
Đây là điều tồi tệ nhất mà mình từng gặp phải. Luôn có những ngày khó khăn hơnnhững ngày khác.
Mình sẽ không bao giờ tìm được một công việc khác Khi một cánh cửa khép lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra
THÁI ĐỘ CHỮA LÀNH THƯƠNG TÍCH
Năm ngoái Chuck, một người bạn của tôi, biết được căn bệnh ung thư mà anh đã hai lần kháng cự thành công trong những năm của tuổi hai mươi tái phát ở tuổi bốn mươi. Lần này khối u mọc lên quanh các bộ phận nội tạng liên quan đến sự sống nhiều đến nỗi các bác sĩ không thể xử lý bằng xạ trị. Dự đoán mà bác sĩ đưa ra không mấy sáng sủa – thực tế, bệnh của anh đã phát triển đến mức nghiêm trọng. Là một người chồng, một người cha, một người có gia đình lớn và nhiều bạn bè, Chuck có mục đích sống của mình. Anh có hy vọng, niềm tin và sự yêu thương bản thân giúp ích cho anh. Vậy nên anh trang bị cho mình thái độ tích cực, luôn nghĩ rằng mình sẽ sống. Quả thực, anh tạo cho mình thái độ tích cực, luôn nghĩ rằng dù mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, anh không phải là người yếu đuối. Anh quyết tâm duy trì sự kiên cường, tinh thần lạc quan và tập trung hướng về phía trước.
Trong tình cảnh đó, không ai có thể miêu tả Chuck là một người may mắn, đúng không bạn? Tuy nhiên, việc phương pháp xạ trị không thể thực hiện hóa ra lại là điều may mắn. Bạn biết không, các bác sĩ của Chuck ở St. Louis khi đó đang theo đuổi một chương trình thử nghiệm thuốc điều trị ung thư mà không sử dụng phóng xạ. Thuốc mới này sẽ tìm đến những cá thể tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. Vì các phương pháp điều trị truyền thống không thích hợp với căn bệnh ung thư của Chuck, anh có thể được chọn để điều trị bằng phương pháp thử nghiệm, nhưng điều khiến các bác sĩ tin rằng Chuck nên được điều trị theo chương trình thử nghiệm chính là thái độ tích cực của anh. Họ biết anh sẽ tận dụng cơ hội đó một cách tốt nhất, và quà đúng như vậy.
Trong khi thuốc điều trị ung thư thử nghiệm được truyền vào cơ thể qua đường tĩnh mạch, Chuck đã không chịu đựng nó một cách thụ động. Anh nâng cao thể lực bằng cách sử dụng máy tập. Anh đẩy ta,. Thái độ của anh rất tích cực và anh giàu nghị lực đến mức đôi lúc một số nhân viên của bệnh viện không tin rằng anh là bệnh nhân đang điều trị ung thư tại đây. “Trông dáng vẻ và hành động của anh không giống những bệnh nhân bình thường của chúng tôi”, họ nói.
Vài tuần sau khi được điều trị bằng phương pháp thử nghiệm, Chuck đi gặp bác sĩ. Bác sĩ nói rằng một điều kỳ diệu đã xảy ra. “Tôi không thể phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu nào của ung thư trong cơ thể anh”, bác sĩ nói. “Bệnh ung thư đã biến mất”.
Các bác sĩ không thể khẳng định chắc chắn rằng thuốc thử nghiệm hay thái độ của Chuck, hoặc một phép màu nào đó, hoặc sự kết hợp của cả ba yếu tố đó đã chiến thắng bệnh ung thư. Tất cả những gì tôi có thể nói với bạn là Chuck đã bước ra khỏi bệnh viện, hoàn toàn không còn bị bệnh ung thư, và anh khỏe như một con bò mộng.
Mặc dù tất cả các chỉ số đều cho thấy anh đang phải đối mặt với cái chết, anh đã chọn một thái độ tích cực và không chìm đắm vào ý nghĩ rằng mình bị ốm mà chỉ tập trung vào mục đích, vào niềm hi vọng, vào đức tin và sự tin tưởng sâu sắc rằng anh vẫn còn có ích đối với người khác.
LỰA CHỌN THÁI ĐỘ PHÙ HỢP
Bạn nên nhớ rằng cả Chuck và Linda đều chọn những thái độ cho phép họ vượt lên hoàn cảnh khó khăn, nhưng mỗi người trong số họ đã lựa chọn những kiểu thái độ hơi khác nhau. Linda chọn sống với cảm giác biết ơn hơn là cay đắng. Chuck chọn hành động hơn là đầu hàng. Có nhiều thái độ để chúng ta chọn lựa, nhưng tôi tin rằng những thái độ có tác động tích cực nhất là:
1. Thái độ biết ơn
2. Thái độ hành động
3. Thái độ đồng cảm
4. Thái độ khoan dung
1. Thái độ biết ơn
Đây là thái độ mà Linda đã chọn để đương đầu với những chấn thương từ vụ tai nạn xe hơi. Thay vì nuối tiếc và buồn rầu về những gì đã mất, cô biết ơn về những gì đã tìm lại được và biết ơn cuộc sống mà cô đã gây dựng lên. Tôi là một người có niềm tin sâu sắc vào sức mạnh của lòng biết ơn. Trong các buổi diễn thuyết, tôi thường nói đến bàn chân trái nhỏ xíu của mình. Tôi nói đến nó để khiến các khán thính giả cảm thấy thoải mái bởi họ có thể nhìn thấy cái bộ phận phụ không bình thường đó của tôi. Tôi nói về nó một cách hài hước, nhưng tôi rất biết ơn nó. Tôi sử dụng nó để điều khiển cần xe lăn, để gõ bàn phím máy tính với tốc độ bốn mươi từ một phút, để chơi piano và điều khiển máy chơi trống, để thực hiện những ứng dụng trên điện thoại di động.
Thái độ biết ơn cũng thu hút những người có thể chia sẻ nhiệt huyết với bạn, ủng hộ những ước mơ của bạn. Đôi khi những người đó có sức mạnh để khích lệ bạn và làm thay đổi cuộc sống của bạn bằng nhiều cách đáng kinh ngạc. Khi tôi còn bé, mẹ thường đọc sách cho tôi nghe, và một trong những cuốn sách mà tôi yêu thích hồi ấy là cuốn Con yêu Chúa. Lần đầu tiên mẹ đọc cuốn sách đó cho tôi nghe là khi tôi sáu
tuổi. Lúc đó tôi chưa biết bất cứ một người nào sinh ra trên đời này không có chân, không có tay như tôi. Tôi không có một hình mẫu nào để noi theo, không biết bất cứ một ai trông giống như tôi, phải đối mặt với những khó khăn và thách thức tương tự như tôi phải đối mặt. Cuốn sách đó, cuốn sách mà từ bấy đến giờ tôi vẫn thường nghĩ tới, đã khích lệ, giúp tôi xây dựng nền tảng cho thái độ biết ơn bởi vì nó được viết bởi Joni Eareckson Tada.
Joniu là một tay bơi 17 tuổi rất thích thể thao và cưỡi ngựa ở Maryland. Chỉ vài tuần trước khi bắt đầu kỳ học đầu tiên ở trường đại học, Joni bất ngờ bị gãy cổ trong khi thực hiện một cú lộn người theo kiểu nhảy cầu xuống hồ. Sao khi tai nạn xảy ra vào năm 1967, bà bị liệt từ cổ xuống chân. Trong cuốn sách, bà đã viết về nỗi thất vọng và ý định tự tử trong những ngày đầu bà đối mặt với sự thật nghiệt ngã là bà bị liệt gần như toàn thân, nhưng cuối cùng bà tin rằng “đó không phải là một cú tung đồng xu trong vũ trụ, khong phải là điều ngẫu nhiên, không phải là một vòng quay của bánh xe vũ trụ. Đó là một phần kế hoạch của Chúa dành cho tôi”.
Tôi thích cuốn sách đó. Sau đó mẹ tôi mua một CD gồm những bài hát của Joni, những bài hát lần đầu tôi nghe với ca từ nói rằng “tất cả chúng ta đều có xe lăn”, rằng ngồi trên xe lăn thật là thú vị, và rằng “không ai trên đời này hoàn hảo”. Khi còn bé, ở Australia, tôi đã nghe đi nghe lại CD đó và cho đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn ngâm nga những bài hát của Joni. Bạn có thể tưởng tượng được cảm giác kinh ngạc của tôi khi lần đầu tiên được mời đến gặp Joni.
Năm 2003, tôi sang Mỹ để diễn thuyết tại một nhà thờ ở California. Sau buổi diễn thuyết, một phụ nữ trẻ làm việc cho Joni tìm đến tự giới thiệu bản thân với tôi và mời tôi đến trụ sở của tổ chức từ thiện Joni và Những Người Bạn ở Agoura Hills.
Trong chuyến thăm đó tôi ngỡ ngàng khi thấy Joni vào phòng. Bà nghiêng người tới để ôm tôi, và tôi đã có một khoảng khắc tuyệt vời. Joni không có nhiều sức bởi vì bà bị liệt tứ chi, vậy nên khi bà rướn người để ôm tôi, bà gặp khó khăn trong việc đưa cơ thể trở lại xe lăn. Theo bản năng, tôi sử dụng thân mình để khẽ đẩy bà trở lại vị trí cũ trên xe lăn.
“Cậu rất mạnh mẽ!”, bà nói.
Tất nhiên, tôi rất cảm động khi nghe bà nói thế. Người phụ nữ phi thường này, người đã mang đến cho tôi sức mạnh, niềm tin, và hi vọng khi tôi còn bé lại nói tôi rất mạnh mẽ. Joni tâm sự rằng, cũng giống tôi, thoạt đầu bà phải vật lộn để sống với khuyết tật của mình. Bà đã từng nghĩ đến việc lăn xe từ một chiếc cầu cao xuống sông để chấm dứt cuộc đời, nhưng bà lo rằng làm vậy bà có thể chỉ chấn thương não thôi và như thế càng khiến cho cuộc đời thêm bi đát. Cuối cùng bà cầu nguyện, Lạy Chúa, nếu con không thể chết, thì xin người hãy chỉ cho con cách để tiếp tục sống.
Ít lâu sau vụ tai nạn đó, một người bạn đã tặng Joni bản sao một đoạn Kinh Thánh. Đoạn đó như sau: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn; vì đấy là ý muốn của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus đối với anh em là như vậy”. Khi đó Joni chưa phải là người mộ đạo. Bà vẫn rất tức giận và buồn nản trước tình trạng liệt tứ chi và bà không tin thông điệp đó.
“Bạn nói chơi đấy thôi”, Joni bảo. “Tôi không cảm thấy biết ơn vì tất cả chuyện này. Không hề!”
Bạn của Joni nói rằng bà không cần phải cảm thấy biết ơn Chúa vì tình trạng liệt tứ chi. Tất cả những gì bà phải làm là hãy tin tưởng ở Chúa và cảm ơn Người vì những diễm phúc, những quà tặng cuộc sống mà bà sẽ nhận được.
Lúc bấy giờ thật khó để Joni tin vào khái niệm đó. Khi ấy bà cảm thấy mình giống như một nạn nhân đáng thương. Quả thực, bà tự gọi mình là “nạn nhân của một vụ tai nạn khủng khiếp”. Thoạt đầu bà oán trách tất cả mọi người trừ bản thân bà về tình trạng liệt tứ chi của mình, và muốn mọi người phải bù đắp cho mình. Bà kiện tụng. Bà đòi hỏi. Thậm chí bà oán trách cha mẹ đã sinh ra bà trên đời này để bà phải chịu cảnh tàn tật.
Joni cảm thấy thế giới mắc nợ bà bởi vì bà đã mất khả năng sử dụng chân tay. Cuối cùng bà hiểu ra rằng tự cho mình là nạn nhân của bất hạnh là một cách dễ dàng để ẩn trốn, lẩn tránh cuộc đấu tranh vượt lên nghịch cảnh. Tất cả chúng ta đều có thể là những nạn nhân của một biến cố, một sự việc không may nào đó. Một số người cảm thấy mình giống như những nạn nhân bởi vì cha mẹ họ ly dị, hoặc bản thân họ ốm đau, hoặc không có được việc làm tốt, hoặc không có được thân hình thon thả, không đủ cao ráo hoặc không đẹp như họ mong muốn.
Khi chúng ta khăng khăng cho rằng mình luôn phải có một cuộc sống tốt đẹp, hẳn nhiên khi có điều không như ý xảy ra, chúng ta sẽ cảm thấy mình bị tước đoạt và bị xúc phạm. Khi đó chúng ta quay sang oán trách người khác và đòi hỏi họ phải bù đắp. Trong tâm thế chỉ nghĩ đến mình, chúng ta trở thành nạn nhân thực sự. Tuy nhiên, cảm giác tự thương hại bản thân là một cảm giác thiếu tích cực, không đáng khích lệ. Trong tâm trạng đó bạn chỉ có thể nghe thấy một giọng nói từ bên trong lặp đi lặp lại: “Khốn khổ, khốn khổ thân tôi” cho đến khi bạn trở nên vô cùng căng thẳng, kích động, và phải tìm một nơi để ẩn trốn.
Giống như Joni, bạn nên loại bỏ cái vai diễn nạn nhân bởi vì nó không mang lại bất kỳ tương lai nào. Joni nói rằng khổ đau tạo ra cho chúng ta một ngã rẽ, và chúng ta chọn hướng đi xuống dẫn tới vực thẳm của thất vọng hoặc chúng ta chọn con đường đi lên bằng cách trang bị cho mình thái độ biết ơn vì những gì mình còn lại. Có thể ban đầu bạn sẽ thấy rất khó khăn để có thái độ biết ơn, nhưng nếu quyết tâm không để bản thân trở thành một nạn nhân và kiên cường đấu tranh vươn lên từng ngày thì rồi sức mạnh sẽ đến với bạn. Nếu bạn không thể tìm được một khía cạnh nào trong tình huống của mình để cảm thấy biết ơn, thì bạn hãy hướng suy nghĩ vào những ngày tốt đẹp đang đợi ở phía trước và bộc lộ thái độ biết ơn trước khi những điều tốt đẹp thực sự đến với bạn. Thái độ này sẽ giúp bạn lạc quan và khiến tâm trí bạn thoát ra khỏi quá khứ đau buồn để nhìn về tương lai.
“Tôi đã hiểu ra rằng con đường đưa tôi tránh xa khỏi sự tự huỷ hoại có thể được tìm thấy ở đâu đó trong những trang Kinh Thánh; và chúng ta không mất nhiều thời gian để phát hiện ra sự thật đã tồn tại từ lâu đó. Mỗi ngày một lần hãy sử dụng sức mạnh của Chúa và như vậy bạn sẽ trở thành người chiến thắng”, Joni nói với tôi.
Joni dã phát hiện ra rằng cái vai diễn nạn nhân chỉ khiến cho bà đau khổ và chán nản hơn chính bản thân nỗi đau khổ và buồn chán mà tình trạng liệt tứ chi đã gây ra cho bà. Trang bị thái độ biết ơn về những gì còn lại và những quà tặng của cuộc sống mà bạn sẽ nhận được có thể giúp bạn vượt lên nghịch cảnh. Thái độ đó có thế làm thay đổi cuộc đời bạn như nó đã làm thay đổi cuộc đời của Joni và tôi. Thay vì tức giận và phản uất trước khuyết tật của mình, tôi và bà ấy đã tạo dựng cho mình cuộc sống vui vẻ.
Thái độ biết ơn đã thực sự thay đổi cuộc sống của Joni, để rồi sau đó câu chuyện cuộc đời bà lại giúp thay đổi cuộc sống của tôi và của rất nhiều người qua những cuốn sách bán chạy và những DVD của bà. Tổ chức phi lợi nhuận mang tên Joni và Những
Người Bạn đã thực hiện chương trình Xe lăn cho thế giới, một chương trình cung cấp hơn 60.000 xe lăn miễn phí cho người khuyết tật ở 102 quốc gia, ấy là chưa kể đến hàng nghìn đôi nạng và các thiết bị trợ giúp việc đi lại cho người khuyết tật.
Joni bị liệt tứ chi. Tôi thì lọt lòng mẹ đã không có chân tay. Tuy nhiên, mỗi người chúng tôi đều đã tìm được mục đích sống và cố gắng hết sức mình để theo đuổi mục đích đó. Chúng tôi nuôi niềm hy vọng trong tim để chiến thắng thất vọng. Chúng tôi tin ở Chúa và tin vào tương lai. Chúng tôi chấp nhận rằng mình là những con người không hoàn hảo được ban tặng những món quà quý giá của cuộc sống. Chúng tôi lựa chọn sống với thái độ tích cực, thái độ được nuôi dưỡng bằng lòng biết ơn, và chúng tôi biến thái độ tích cực đó thành hành động để làm thay đổi cuộc sống của mình và của người khác.
Đó không phải là khẩu hiệu giáo điều – đó là sự thật. Bằng cách lựa chọn thái độ biết ơn để chiến thắng cảm giác tự coi mình là nạn nhân, hoặc cảm giác cay đắng, thất vọng, không chỉ Joni và tôi, mà chính bạn cũng có thể vượt lên các thách thức mà bạn đang phải đối mặt. Tuy nhiên, nếu bạn thấy khó tìm được thái độ biết ơn, thì vẫn còn có những cách tiếp cận khác có thể giúp ích cho bạn.
2. Thái độ hành động
Tabitha cũng bị khuyết tật giống tôi, tuy vậy cô ấy viết: “Tôi luôn cảm thấy mình may mắn và vì thế tôi cần trả ơn cuộc đời”. Thái độ hành động của cô đã khiến cô và gia đình bắt đầu sứ mệnh tạo những túi quà cho trẻ em đang bị bệnh hoặc bị khuyết tật và cho người vô gia cư.
Đôi khi phương pháp tốt nhất cho việc lái cuộc sống của bạn ra khỏi lối mòn hoặc vượt qua một trở ngại là làm cho cuộc sống của bạn và của người khác trở nên tốt đẹp hơn. Socrates đã nói: “Nếu anh muốn thay đổi thế giới thì trước hết hãy thay đổi chính bản thân anh”. Khi bạn không thể gặp may mắn trong lúc khó khăn, hãy cố gắng tự tạo ra may mắn cho chính mình. Khi bạn gặp một bi kịch hoặc phải chịu một mất mát to lớn, bạn hãy cho phép mình đau buồn, nhưng rồi sau đó hãy cố gắng đứng dậy, tự tạo ra cái may trong cái rủi.
Tự trang bị thái độ hành động giúp bạn tạo ra động lực tích cực để vượt qua nghịch cảnh. Những bước đầu tiên là những bước khó khăn nhất, chắc chắn rồi. Trước tiên bạn có thể không cần làm gì nhiều, chỉ cần đứng dậy, nhấc mình ra khỏi giường, nhưng một khi đã đứng dậy được, bạn có thể tiến về phía trước, và chừng nào còn có thể tiến về phía trước thì chừng đó bạn còn có thể dứt ra khỏi quá khứ và tiến về tương lai. Hãy bắt đầu như vậy. Hãy tiến về phía trước, từng bước một. Nếu bị mất người thân hoặc mất một điều gì đó, bạn hãy giúp đỡ người khác, hoặc tạo dựng một thứ gì đó khác như một việc làm để tưởng niệm về điều đã mất.
Một trong những trải nghiệm buồn nhất trong cuộc đời là nỗi đau mất người thân. Việc mất một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn gây ra nỗi đau buồn sâu sắc đến mức có thể khiến bạn tê liệt. Ngoài việc bạn đã hạnh phúc vì hiểu người đó, yêu quý người đó, đã ở bên người đó, có rất ít lý do để chúng ta hàm ơn trong những tình huống như thế. Không gì có thể chuẩn bị cho chúng ta trong việc đương đầu với loại mất mát có thể làm chúng ta suy sụp ấy. Tuy nhiên, một số người rơi vào hoàn cảnh đó đã biến đau thương thành hành động, khiến cho sự mất mát khủng khiếp trở thành một động lực giúp họ thực hiện những điều tốt đẹp. Một ví dụ điển hình được nhiều người biết đến là Candy Lightner, người đã biến sự tức giận và đau khổ thành hành động sau khi đứa con gái 13 tuổi của cô bị một tay lái xe say xỉn cướp mất tính mạng. Trong niềm đau thương vô hạn, cô đã thành lập tổ chức Những người mẹ chống lại tệ nạn lái xe trong khi say xỉn (viết tắt là MADD), một tổ chức đã cứu được nhiều mạng sống thông qua các hoạt động và chương trình giáo dục thiết thực và hữu ích.
Khi bi kịch thương tâm ập đến với bản thân hoặc với người chúng ta yêu thương, xu hướng chung của chúng ta là trốn đến một nơi nào đó và khóc, hy vọng rằng một ngày nào đó đau thương sẽ nguôi ngoai. Tuy nhiên, nhiều người như Tabitha, Joni Eareckson Tada và Candy Lighter đã chọn thái độ hành động. Họ tin rằng ngay cả những bi kịch khủng khiếp nhất trong cuộc sống cũng có thể mang đến cơ hội để thực hiện những việc tốt đẹp. Một ví dụ phi thường của người chọn thái độ hành động chính là Carson Leslie ở Dallas. Khi tôi gặp Carson Leslie, cậu mới 16 tuổi, nhưng đã đấu tranh với căn bệnh ung thư được hai năm. Người thiếu niên mê thể thao có nụ cười rạng rỡ ấy, người có ước mơ được chơi ở vị trí phòng ngự của đội bóng chày New York Yankees, mới 14 tuổi đã được chẩn đoán mắc bệnh u não và khi đó khối u trong người cậu đã di căn tới cột sống. Cậu đã trải qua các cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u, đã được điều trị bằng tia phóng xạ và hóa chất. Bệnh của cậu đã thuyên giảm. Nhưng rồi lại tái phát.
Dù trải qua đau đớn khủng khiếp, Carson đã cố gắng hết sức để làm một thiếu niên bình thường, sống một cuộc sống bình thường. Cậu thường nói về đoạn Kinh Thánh mà cậu thích do một người quen đã mang đến cho cậu ngay sau khi cậu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Đó là đoạn Joshua 1:9, “Ta há không có phán dặn ngươi sao?
Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ; vì Đức Chúa Trời vẫn ở cùng ngươi trong mọi bước đường”.
Carson nói rằng đoạn Kinh Thánh đó không phải là “dành cho căn bệnh ung thư” mà là “dành cho sự sống”.
“Cho dù còn sống được bao lâu nữa, tôi vẫn muốn đoạn Kinh Thánh này được ghi trên bia mộ của tôi. Và khi mọi người đến viếng, tôi muốn họ đọc đoạn Kinh đó và nghĩ đến việc nó đã giúp tôi vượt qua các cuộc đấu tranh trong cuộc đời như thế nào, và tôi hy vọng những người khác sẽ hiểu rằng đoạn Kinh này có thể an ủi họ như nó đã an ủi tôi”, Carson viết trong cuốn sách mang tên Carry Me (Hãy đưa tôi đi).
Cậu bé có lòng dũng cảm tuyệt vời đó đã cùng giáo viên tiếng Anh của cậu viết nên cuốn sách ấy để “nói lên tiếng nói đại diện cho những người bệnh ung thư nhưng không thể diễn tả được căn bệnh khủng khiếp đã ảnh hưởng đến đời sống cảm xúc, thể chất, đời sống xã hội và đời sống cá nhân của họ như thế nào”. Carson qua đời vào ngày 12 tháng 1 năm 2010, ngay sau khi cuốn sách được xuất bản. Sau khi cậu qua đời, một tổ chức thiện nguyện mang tên Carson Leslie đã được thành lập với mục đích hỗ trợ các nghiên cứu về điều trị ung thư ở trẻ em.
Người thiếu niên ấy đã không nghĩ đến bản thân, mà nghĩ đến người khác. Mặc dù mắc bệnh hiểm nghèo và phải chịu nhiều đau đớn, cậu đã dành những ngày cuối cùng của cuộc đời để viết nên một cuốn sách có thể khích lệ và động viên người khác vượt lên nghịch cảnh. Tôi rất thích những dòng cuối cùng trong cuốn sách của cậu: “Không ai trong chúng ta biết cuộc sống ẩn chứa điều gì… nhưng bạn dễ dàng có được lòng dũng cảm khi bạn biết rằng lòng dũng cảm đến từ Chúa Trời”.
Tôi gặp Carson thông qua một người kinh doanh đồ nữ trang ở Dallas tên là Bill Noble, một người có đức tin sâu sắc và là người thường xuyên mời tôi đến nói chuyện tại giáo đoàn của ông và với các nhóm khán thính giả khác. Các con của Bill học cùng trường với Carson, và ông giúp kết nối chúng tôi lại với nhau. Ông gọi tôi và ông là “những vị tướng trong Vương quốc của Chúa”.
Ngoài việc trêu tôi là người đã “giã từ vũ khí”, Bill thường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc để lại một di sản và làm cho mỗi giây sống trên đời này của chúng ta trở nên có giá trị như Carson đã làm, thậm chí ở độ tuổi còn trẻ như cậu. Bill đã từng nói với Carson điều mà ông đã nói với tôi nhiều lần: “Chúa không định nghĩa một con người bằng cơ thể trần tục của anh ta. Điều đó cũng giống như ý nghĩa của đoạn Kinh John 6:63: ‘Tinh thần tạo ra cuộc sống; xác thịt chẳng có ý nghĩa gì. Những lời ta đã nói với con là tinh thần và những lời ấy là cuộc sống”.
3. Thái độ đồng cảm
Nếu thái độ hành động dường như nằm ngoài khả năng của bạn, thì vẫn còn có sự lựa chọn khác, một thái độ bắt nguồn từ trái tim. Khi trưởng thành hơn và khi trải nghiệm đã khá phong phú, tôi hiểu rằng một trong những yếu tố then chốt dẫn đến ý định tự tử ngày nhỏ chính là tôi nghĩ quá nhiều về bản thân. Tôi thực sự tin rằng không ai trên đời này phải chịu những nỗi đau về tinh thần và thể xác như tôi phải chịu đựng. Tôi cứ chăm chăm nghĩ về hoàn cảnh của mình, chẳng nhìn thấy gì khác ngoài bất hạnh của bản thân.
Thái độ đó đã được cải thiện đáng kể khi tôi lớn hơn một chút và đã hiểu ra rằng phận người sống trên cuộc đời này cũng gặp phải những thách thức tương tự, thậm chí còn tồi tệ hơn.
Khi hiểu ra điều đó, tôi bắt đầu tìm đến với những người thiếu may mắn để chia sẻ với họ sự đồng cảm và lòng can đảm. Trong chuyến đi đến Australia vào năm 2009, cô con gái nhỏ của gia đình một người bạn đã mang đến cho tôi một ví dụ rất cảm động về sự đồng cảm. Khi tôi gặp lần đầu, cô bé đó mới chỉ hai tuổi rưỡi. Gia đình đưa cô bé đến dự một bữa tiệc, và trong phần lớn thời gian ở đó cô giữ thái độ xa cách với mọi người, cứ nhìn tôi từ xa như những đứa trẻ khác thường làm. Sau đó, khi bố mẹ cô chuẩn bị ra về, tôi hỏi rằng liệu cô có muốn ôm tôi không.
Cô bé mỉm cười và chầm chậm bước về phía tôi. Khi cô tiến đến đủ gần, cô dừng lại, nhìn thẳng vào mắt tôi, và từ từ khoanh hai tay ra sau lưng như thể biểu lộ sự đồng cảm trước tình trạng khuyết thiếu tay của tôi. Thế rồi cô bé bước từng bước ngắn lên phía trước, đến gần tôi hơn chút nữa và ngả đầu vào vai tôi, ôm tôi bằng cổ của cô giống như cái cách cô học được từ tôi khi cô để ý tôi ôm người khác. Tất cả mọi người có mặt trong phòng đều kinh ngạc và xúc động trước cái cách biểu lộ sự đồng cảm của cô bé. Tôi từng được nhiều người ôm hôn với sự trìu mến, nhưng có thể nói một cách thực lòng rằng tôi sẽ không bao giờ quên cái ôm của cô bé đó, bởi vì cô bé rõ ràng có khả năng thấu hiểu cảm giác của người khác một cách đáng kinh ngạc. Sự đồng cảm là một món quà quý giá. Tôi khuyến khích bạn thực hành và chia sẻ nó qua mọi cơ hội bởi vì nó giúp xoa dịu cả nỗi đau của người cho cũng như người nhận. Khi bạn đương đầu với những khó khăn, bi kịch hoặc thách thức, thay vì chỉ chú ý đến những đau đớn, bất hạnh của bản thân, hãy nhìn ra những người sống xung quanh bạn và nhìn ra cuộc đời. Thay vì cảm thấy bị tổn thương và tìm kiếm sự thương hại, hãy tìm một người nào đó kém may mắn hơn, đang phải chịu đựng nhiều hơn mình và giúp họ chữa lành vết thương. Hãy hiểu rằng nỗi sầu khổ và đau buồn của bạn là chính đáng, nhưng chịu đựng đau khổ là một phần của cuộc sống con người và việc tìm đến để chia sẻ với người khác là cách để hàn gắn vết thương cho chính bản thân bạn cũng như cho người khác.
Bạn tôi, Gabe Murfitt, hiểu rõ điều này như bất cứ ai. Chúng tôi gặp nhau khi tôi đến diễn thuyết tại bữa tiệc tối gây quỹ từ thiện mang tên Gather4Him ở Richland, Washington vào năm 2009. Gabe từ khi lọt lòng mẹ đã phải chịu cảnh chân tay dị dạng. Chân và tay cậu ấy chỉ dài khoảng bảy phân. Hai ngón tay cái không có xương, và cậu còn bị khuyết tật về thính lực. Bằng cách nào đó, cậu vẫn cố gắng để trở thành một người cực kỳ năng động, có thể chơi bóng chày, bóng rổ, khúc côn cầu, nhảy dây, chơi trống, và làm nhiều việc khác.
Gabe, cậu thanh niên lớn lên gần Seattle ấy, có một tinh thần bất khuất và khả năng đồng cảm đáng quý. Sáu tuổi, Gabe chơi trong Liên đoàn bóng chày nhi đồng. Bây giờ cậu đã trở thành sinh viên của trường Đại học bang Washington. Với sự trợ giúp của bạn bè và gia đình, cậu từng chinh phục đỉnh Rainier. Mặc dù hồi học trung học cậu gặp nhũng thách thức riêng, cậu đã bắt đầu tìm đến những học sinh khác để khích lệ họ bằng cách thực hiện các bài nói chuyện mang tên “CLEAR” về lòng dũng cảm, khả năng lãnh đạo, sự ưu tú, thái độ và sự tôn trọng. Cậu và gia đình đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận để giúp đỡ người khuyết tật. Tổ chức mang tên HOPE (www.GabesHope.org) của Gabriel cấp học bổng và các khoản hỗ trợ cũng như sự khuyến khích động viên xuất phát từ sự đồng cảm phi thường của Gabe với người khuyết tật.
Bạn có thấy được sức mạnh trong thái độ đồng cảm của Gabe không? Cậu ấy không chăm chăm nghĩ đến khó khăn của bản thân mà tìm đến với những người cùng cảnh ngộ. Cậu đã biến thách thức nảy sinh từ những khuyết tật của mình thành sứ mệnh chia sẻ sự đồng cảm, làm cho cuộc sống của cậu và của vô số người khác trở nên phong phú hơn.
Tôi thường kinh ngạc trước các cách ứng xử mà mọi người dành cho khi tôi tới thăm các khu dân cư đói nghèo, nơi ở của những phận người đang chịu đựng đau khổ. Tôi luôn tìm thấy những người đàn ông, phụ nữ, những trẻ em có lòng trắc ẩn vô bờ. Cách đây không lâu, trong chuyến đi đến Campuchia, tôi vội vã quay về khách sạn sau một buổi diễn thuyết kéo dài ở một nơi rất nóng bức và ẩm thấp khiến tôi cảm thấy muốn ngất xỉu. Tôi chỉ muốn tắm một cái và ngủ một hoặc hai ngày trong phòng có điều hòa nhiệt độ.
“Nick, trước khi đi, cậu làm ơn nói chuyện với đứa trẻ này, được không?”, người tổ chức buổi gặp gỡ nói. “Đứa trẻ này đã đợi cậu ở bên ngoài cả ngày nay”.
Cậu bé đó, ít tuổi hơn tôi, đang đứng một mình trong bụi đất. Ruồi bay vo ve xung quanh cậu như một đám mây. Cậu có một vết thương sâu, sưng tấy ở trên đầu. Một bên mắt của cậu dường như lồi ra. Người cậu tỏa ra mùi hôi hám cùng với mùi của vết thương. Tuy nhiên, đôi mắt cậu tràn ngập lòng trắc ẩn, tràn ngập tình yêu mến và sự cảm thông – dành cho tôi – đến mức tôi chẳng cảm thấy ngần ngại mà ngược lại, hoàn toàn thoải mái khi tiếp xúc.
Cậu bước tới gần tôi và khẽ đặt đầu cậu sát má tôi, cố vuốt ve, an ủi tôi. Vẻ ngoài của cậu cho thấy dường như nhiều ngày rồi cậu không ăn gì. Cậu có vẻ như là một đứa trẻ mồ côi phải chịu đựng rất nhiều đớn đau. Tuy nhiên, cậu muốn bày tò sự đồng cảm đối với những gì cậu hình dung rằng tôi đã và đang phải chịu đựng. Cậu làm tôi cảm động đến rớt nước mắt.
Tôi hỏi những người tổ chức rằng liệu chúng tôi có thể làm gì cho cậu bé đó, và họ hứa sẽ lo liệu để cậu được ăn uống, được chăm sóc và sẽ thu xếp chỗ ngủ cho cậu, nhưng sau khi cảm ơn cậu bé để ra xe, tôi quả thực không cầm được nước mắt. Suốt thời gian còn lại của ngày hôm đó, tôi không thể nào suy nghĩ mạch lạc được. Tôi không thể không suy nghĩ về thực tế rằng cậu bé ấy, người mà tôi cảm thấy thương xót, lại không nghĩ đến những gì bản thân cậu đang phải chịu đựng mà lại dành lòng trắc ẩn cho tôi.
Tôi không biết cậu đã phải trải qua những gì, cũng không biết cậu phải đối mặt với khó khăn nào trong cuộc sống. Nhưng tôi có thể nói với bạn điều này: thái độ của cậu thật phi thường bởi vì, bất chấp mọi rắc rối của mình trong cuộc sống, cậu vẫn có khả năng tìm đến để sẻ chia và an ủi người khác. Thật là một món quà tuyệt vời khi có được sự đồng cảm và lòng trắc ẩn lớn lao như thế!
Khi bạn cảm thấy mình là nạn nhân của những điều không may mắn hoặc cảm thấy thương hại bản thân, tôi khuyến khích bạn điều chỉnh thái độ để đạt được sự đồng cảm. Hãy tìm đến với những người đang gặp khó khăn. Hãy chìa tay ra giúp đỡ họ. Hãy làm một người tình nguyện tại một nơi tạm trú dành cho người vô gia cư. Hãy làm một người hướng dẫn hoặc một cố vấn cho những ai cần bạn. Hãy để cho sự tức giận, đau đớn, buồn khổ của bản thân giúp bạn thấu hiểu nỗi đau của người khác để rồi chia sẻ và xoa dịu nỗi đau cho chính bản thân bạn và cho họ.
4. Thái độ khoan dung
Thái độ thứ tư bạn nên xem xét khi tìm cách làm phong phú hành trang của mình trong cuộc sống là thái độ khoan dung. Đây có lẽ là thái độ tốt nhất trong các thái độ mà bạn có thể lựa chọn, tuy nhiên nó cũng là thái độ khó đạt được nhất. Hãy tin tôi đi, tôi biết rõ điều đó. Như đã nói với bạn, trong thời thơ ấu tôi từng có giai đoạn không thể tha thứ cho Chúa vì nghĩ Người tạo ra tôi không chân tay là một sai lầm lớn. Tôi đã rất tức giận và oán trách Chúa. Trong tôi khi đó không hề có lòng khoan dung nào.
Giống như tôi, bạn sẽ phải trải qua một giai đoạn tức giận và oán trách rồi mới có thể khoan dung. Điều đó rất tự nhiên, nhưng bạn chắc hẳn không muốn bám lấy cảm xúc tức giận và oán trách quá lâu bởi vì sau khi trải nghiệm những cảm xúc đó một thời gian bạn sẽ nhận ra rằng nếu cho phép chúng sục sôi trong trái tim mãi, thì bạn chỉ tự làm tổn thương mình mà thôi.
Tức giận không phải là thứ cảm xúc được sinh ra để đeo bám bạn suốt ngày đêm. Giống như chiếc xe hơi, cơ thể bạn sẽ nổ tung nếu để cho động cơ bên trong hoạt động ở mức cao trong một thời gian quá dài. Những nghiên cứu y học cho thấy rằng nếu nuôi sự tức giận và oán trách trong lòng quá lâu, bạn sẽ phải đối mặt với căng thẳng về thể xác và tâm lý đến mức hệ thống miễn dịch bị suy giảm và các bộ phận nội tạng bị tổn thương. Ngoài ra, sự oán hận còn gây ra một vấn đề khác. Khi coi tình trạng khuyết thiếu chân tay của mình là do lỗi của người khác, tôi không chịu trách nhiệm về tương lai của bản thân. Khi tôi quyết định tha thứ cho các bác sĩ, cho Đấng Sáng Tạo một cách có ý thức và phấn đấu để vượt lên nghịch cảnh, tôi cảm thấy bản thân mình được nâng cao giá trị về cả thể chất lẫn tinh thần, và cảm thấy đã đến lúc phải có trách nhiệm về tương lai của chính mình.
Thái độ khoan dung đã giải phóng tôi. Bạn biết đấy, khi ôm khư khư những vết thương cũ, bạn chỉ dồn sức mạnh và khả năng kiểm soát vào những đối tượng đã gây đau đớn cho bạn, nhưng khi tha thứ cho những đối tượng đó, bạn đã cắt mối dây ràng buộc với quá khứ đớn đau. Những đối tượng gây đau đớn ấy không còn giật sợi dây xích trói buộc bạn nữa. Chớ có nghĩ rằng khoan dung với những người gây đau đớn cho bạn nghĩa là bạn đang ban cho họ một ân huệ; nếu không tha thứ cho họ vì một lý do nào khác, thì bạn hãy khoan dung cho họ vì chính bản thân bạn.
Tôi đã tha thứ cho tất cả những đứa trẻ chế giễu tôi. Tôi không làm như vậy để tuyên bố rằng chúng vô tội. Tôi tha thứ cho chúng để trút bỏ cho bản thân mình gánh nặng của sự tức giận và oán trách. Tôi yêu quý bản thân mình. Tôi muốn được giải phóng khỏi những cảm giác nặng nề đó.
Vậy nên bạn đừng bận tâm sự khoan dung của bạn mang lại gì cho những kẻ thù địch và những kẻ đã gây tổn thương cho bạn trong quá khứ. Hãy cứ tận hưởng những gì mà sự khoan dung mang đến cho chính bạn. Khi trang bị cho mình thái độ khoan dung, bạn sẽ làm giảm gánh nặng của chính mình để có thể theo đuổi những ước mơ mà không bị những điều khó chịu trong quá khứ đè nặng.
Khoan dung có sức mạnh vượt trên cả sức mạnh có thể hàn gắn vết thương cho bạn. Khi Nelson Mandela tha thứ cho những kẻ đã cầm tù ông trong suốt 27 năm, sức mạnh của thái độ khoan dung ở ông đã làm thay đổi cả một dân tộc và đã tạo ra sự ảnh hường lan tỏa khắp thế giới.
Sức mạnh đó được giải phóng ở mức độ ít hơn tại Liên Xô cũ. Khi tới Ukraine, tôi gặp một mục sư, người đã cùng gia đình chuyển đến nước Nga để lập nên một nhà thờ ở một vùng dân cư bị bạo lực hoành hành. Khi tin về kế hoạch xây dựng nhà thờ của vị mục sư đó lan ra khắp thị trấn, những nhóm côn đồ đã liên tục đe dọa ông và năm đứa con trai của ông, vậy nên vị mục sư không ngừng cầu nguyện.
“Chúa nói với tôi rằng tôi sẽ phải trả giá rất khủng khiếp cho việc dựng lên một nhà thờ ở nơi này, nhưng việc tôi làm cũng sẽ mang lại một kết quả kỳ diệu”, vị mục sư kể.
Bất chấp bị đe dọa, vị mục sư vẫn tiến hành xây nhà thờ. Ban đầu chỉ có vài người đến sinh hoạt ở nhà thờ của ông. Chỉ một tuần sau khi nhà thờ mở cửa, một trong năm người con trai của ông bị giết hại trên đường phố. Trong đau thương, vị mục sư lại cầu xin sự dẫn dắt của Chúa. Chúa nói với ông rằng hãy cứ tiếp tục công việc của mình. Ba tháng sau cái chết của con trai, chính vị mục sư bị một kẻ bặm trợn chặn đường và nói: “Ông có muốn gặp người đã giết chết con trai ông không?”.
“Không”, vị mục sư nói.
“Ông có chắc không?”, kẻ lạ mặt hỏi. “ông nghĩ sao nếu kẻ đó cầu xin ông tha thứ cho hắn?”.
“Tôi đã tha thứ cho hắn rồi”, vị mục sư nói.
“Chính tôi đã bắn chết con trai ông”, người đàn ông bật khóc. “Và tôi muốn đến sinh hoạt ở nhà thờ của ông”.
Trong những tuần sau đó, nhiều thành viên của các nhóm quá khích người Nga đã đến sinh hoạt tại nhà thờ của vị mục sư đến mức tình trạng tội phạm hoành hành ở vùng đó giảm hẳn rồi đi đến chấm dứt. Chính sức mạnh của lòng khoan dung đã tạo ra sự thay đổi đó. Khi có thái độ khoan dung, bạn có thể thúc đẩy được mọi khả năng tiềm ẩn đáng kinh ngạc. Hãy nhớ rằng thái độ khoan dung cũng cho phép bạn tha thứ cho chính bản thân mình. Là người theo đạo Cơ Đốc, tôi biết Chúa tha thứ cho tất cả những ai tìm kiếm ân sủng nơi người, nhưng thường thì chúng ta lại không chịu tha thứ cho chính bản thân mình về sai lầm trong quá khứ, về những bước ngoặt không đúng đắn, về những giấc mơ bị từ bỏ.
Tha thứ cho bản thân cũng quan trọng như tha thứ cho người khác. Tôi đã phạm phải sai lầm. Bạn cũng vậy. Chúng ta đã có lúc xử tệ với người khác. Chúng ta đã phán xét họ một cách thiếu công bằng. Tất cả chúng ta đều có khuyết điểm. Điều then chốt là phải tự thừa nhận sai lầm, xin lỗi các bên bị tổn thương, hứa sẽ tu dưỡng, tha thứ cho bản thân mình, và hướng về phía trước.
Đó là một thái độ mà bạn hoàn toàn có thể trang bị cho mình trên đường đời!
Kinh Thánh dạy rằng chúng ta gieo gì thì gặt nấy. Nếu nuôi trong mình sự cay đắng, tức giận, tủi thân, và bất khoan dung, thì bạn nghĩ những thái độ tiêu cực đó sẽ mang lại điều gì chứ? Liệu có gì vui trong một cuộc sống như thế? Vậy nên hãy rũ bỏ tâm trạng tiêu cực đó đi, hãy trang bị cho mình tinh thần lạc quan và nạp đầy thái độ biết ơn, thái độ hành động, thái độ đồng cảm, thái độ khoan dung vào trái tim và tâm hồn bạn.
Tôi đã và đang trải nghiệm sức mạnh của sự thay đổi thái độ, và có thể khẳng định với bạn rằng thay đổi thái độ đã làm thay đổi cuộc đời tôi, đưa tôi tới những tầm cao mà tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng nổi. Thay đổi thái độ cũng có thể mang đến những thay đổi kỳ diệu trong cuộc sống của bạn như vậy đấy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.