Cuộc Sống Không Giới Hạn – Câu Chuyện Diệu Kỳ Của Chàng Trai Đặc Biệt Nhất Hành Tinh
Những quy tắc điên rồ
Hồi đó chúng tôi đang đi diễn thuyết tại 5 thành phố của Indonesia, nơi tôi thực hiện 35 cuộc nói chuyện trong 9 ngày. Tôi mệt lử. Thỉnh thoảng giữa những lúc bận ngập đầu tôi lại muốn được vui đùa và tôi không thể nào dẹp nhu cầu đó đi được. Chúng tôi đang trên đường tới Java, và vừa mới lên máy bay từ Jakarta để đến Samarang thì cơn phấn khích dâng lên.
Nămg người cùng đi với tôi, trong đó có Vaughan, người chăm sóc của tôi, một anh chàng cao lớn, khoẻ mạnh, vui tính. Các nữ tiếp viên hàng không khá ấn tượng với anh, và chúng tôi đã đá qua đá lại những lời bông đùa. Họ để chúng tôi lên khoang trươc tiên bởi tôi phải ra khỏi xe lăn và di chuyển tới ghế của mình. Khi đang di chuyển giữa lối đi trên máy bay cùng với Vaughan đi theo sau, tôi bỗng có cảm giác thôi thúc muốn làm chuyện điên rồ mà tôi đã nghĩ đến.
“Vaughan, khẩn trương lên, trước khi bất cứ ai khác lên khoang – hãy nhấc tôi lên cao và xem liệu người tôi có vừa ngăn để hành lý trên kia không!”
Chúng tôi thường nói đùa về chuyện này. Vài ngày trước, lúc khởi hành, tôi đã bảo Vaughan đặt tôi vào bên trong một cái ngăn chứa hành lý ở sân bay để xem liệu người tôi có vừa ngăn chứa hành lý ở trên máy bay không. Người tôi vừa với cái ngăn để hành lý, vậy là tôi bắt đầu được gọi đùa là “Gã bỏ túi”.
Ngăn chứa hành lý ở bên trên khá cao, và tôi không chắc ai đó có thể nhấc thân thể nặng hơn 40 kilogram của tôi lên trên đó. Thế nhưng Vaughan đã làm việc đó ngon ơ. Anh nhấc tôi lên cao, nhẹ nhàng đặt tôi vào ngăn để hành lý ở phía trên ghế của tôi như thể tôi là một chiếc túi Vuitton chứ không phải là một gã Vujicic.
“Được rồi, bây giờ hãy đóng cửa lại”, tôi nói, “và hãy đợi xem hành khách phản ứng thế nào”.
Vaughan nhét một chiếc gối xuống dưới đầu của tôi rồi đóng cửa ngăn chứa hành lý lại, để mặc tôi nằm trên đó. Những cô tiếp viên phát hiện ra việc chúng tôi làm, bắt đầu cười khúc khích. Chúng tôi cứ cười khúc khích hệt những đứa học trò tinh nghịch, vậy nên tôi không chắc có thể thực hiện trọn vẹn cái trò tinh quái đó. Nhưng những hành khách khác cứ thảnh nhiên bước tới ghế mình, không hề hay biết về kẻ đi lậu vé đang ở phía trên đầu họ.
Đoàn hộ tống của tôi và những cô tiếp viên hầu như không thể nhịn cười được khi một người đàn ông lớn tuổi bước dọc lối đi ở giữa khoang máy bay và vươn tay lên để đặt chiếc túi của ông vào ngăn đựng hành lý có tôi ở trong. Ông ấy mở cửa ngăn đựng hành lý ra – và gần như nhảy dựng lên đến tận trần máy bay.
Tôi thò đầu ra nói: “Thưa ông, tôi không tin nổi ông thậm chí không gõ cửa!”.
May mắn thay, ông ấy là một người tốt bụng , và tất cả chúng tôi được một trận cười sảng khoái. Sau đó, trong khi vẫn nằm ở bên trên, tôi phải chụp hàng trăm kiểu ảnh với ông ấy, với các hành khách khác và các nữ tiếp viên hàng không. Tất nhiên Vaughan liên tục doạ sẽ bỏ mặc tôi ở trên đó, cảnh báo rằng “trong một chuyến bay một số chuyện có thể thay đổi”.
TẬN HƯỞNG
Trong mười chương đầu của cuốn sách này, tôi đã mang đến cho bạn sự khích lệ và hướng dẫn để bạn tìm thấy mục đích sống, giữ được niềm hy vọng, tin tưởng vào bản thân mình, duy trì thái độ tốt, hành động can đảm, rèn luyện sự kiên cường, làm chủ sự thay đổi, xây dựng những mối quan hệ đầy sức mạnh và hành động theo những cơ hội đưa bạn đến gần với ước mơ của mình.
Bây giờ tôi muốn bạn trở nên điên rồ một chút. Giống như tôi vậy.
Tôi điên rồ, tất nhiên rồi. Quả thực, tôi muốn bạn cũng điên rồ một chút. Tôi là người sáng tạo ra Những Quy Tắc Điên Rồ, những quy tắc cho rằng mỗi con người đang thở, đang sống trên hành tinh này nên làm điều gì đó thật điên rồ ít nhất mỗi ngày một lần, cho dù đó là điều điên rồ để theo đuổi ước mơ hoặc đơn giản là để giải trí.
Những Quy Tắc Điên Rồ của tôi được gợi cảm hứng từ một trong những câu nói mà tôi yêu thích: “Sự không hoàn hảo là vẻ đẹp, sự điên rồ là thiên tài, và thà cực kỳ điên rồ còn hơn là vô cùng tẻ nhạt”.
Tác giả của câu nói thú vị trên không hẳn là một torng những thần tượng của tôi, nhưng tôi nghĩ khi nữ minh tinh quá cố Marilyn Monroe thốt ra câu nói đó, bà đã hiểu rõ tầm quan trọng của nó. Tất nhiên, tôi đồng ý rằng sự không hoàn hảo là vẻ đẹp, tại sao không? Bạn cũng không thể không công nhận rằng điên rồ là thiên tài – xét theo nghĩa bất cứ ai dám liều làm điều gì đó để trở thành kẻ điên rồ trong mắt một số người, và trở thành thiên tài trong mắt người khác. Và, đúng vậy, tôi nghĩ thà cực kỳ điên rồ còn hơn là vô cùng tẻ nhạt.
Bạn có thể nắm vững mọi bài học khác trong cuốn sách này, nhưng nếu không sẵn sàng đánh liều hoặc dám để những người hoài nghi về thiên tài của bạn gọi bạn là điên rồ, thì bạn có thể sẽ không bao giờ đạt được tất cả những gì bạn mơ ước. Vì bản thân, và vì hành tinh này, hãy dám trở thành một người vui nhộn, thích bông đùa. Đừng quên cười chính bản thân bạn và thỉnh thoảng đừng quên nhảy cẫng lên để được tận hưởng cảm giác thích thú với cuộc sống.
Cũng như bất cứ ai, tôi hối hận vì đã để mình bị cuốn theo cách sống quá bận rộn, quá mải mê với công việc và không đủ thời gian cho thư giãn và vui đùa. Tôi đã quyết tâm trở thành nhà truyền giáo và diễn giả thành công, người có thể khích lệ tinh thần cho nhiều người. Để nâng cao kỹ năng diễn thuyết, tôi đã lên đường, nhận lời mời diễn thuyết bất cứ khi nào tôi có thể thu xếp được. Sau tám năm đi diễn thuyết khắp nơi không ngừng nghỉ, tôi đã trở nên biết lựa chọn hơn. Tôi cần phải đạt được sự cân bằng hơn nữa.
Chúng ta dễ dàng bị mắc kẹt trong trạng thái tinh thần gọi là “một ngày nào đó”.
Một ngày nào đó mình sẽ có đủ tiền mình cần để có thể tận hưởng cuộc sống.
Một ngày nào đó mình sẽ có thể dành nhiều thời gian cho gia đình hơn.
Một ngày nào đó mình sẽ có thời gian để nghỉ ngơi và làm những gì mình thích.
Với Những Quy Tắc Điên Rồ, tôi khuyến khích bạn tận dụng sự tự do mà bạn có được để trở nên điên rồ trong cả cách bạn tận hưởng cuộc sống và cách bạn theo đuổi ước mơ.
Trong hành trình theo đuổi những ước mơ, bạn đừng ngại sự mạo hiểm điên rồ: Đừng để ý những người hoài nghi và những kẻ bất tán thành một cách tiêu cực. Hãy dám mạo hiểm sống với ước mơ. Một số người có thể nói rằng bạn thật điên rồ. Trong trường hợp đó bạn nên phản ứng bằng cách nói: Thì đã sao nào? Phải, tôi điên rồ đấy! Việc bạn làm những gì bạn thích có thể là điều điên rồ đối với những người không có chung tầm nhìn hoặc đam mê với bạn. Bạn không thể vì sự giễu cợt của họ mà từ bỏ ước mơ. Thay vì thế, hãy biến sự giễu cợt đó thành động lực giúp bạn vươn tới đỉnh cao.
Bạn hãy cho phép bản thân được tận hưởng sự vui vẻ điên rồ trong cuộc sống: Hãy dành thời gian để tận hưởng cuộc sống và dành thời gian cho những người bạn yêu thương. Hãy cười, hãy yêu, và hãy tạo ra sự vui vẻ điên rồ để những người khác có thể chia sẻ niềm vui với bạn. Nếu bạn nghĩ cuộc sống là nghiêm túc, thì hãy hình dung ra cái chết! Trong cuộc đời vô cùng quý giá này, hãy nghiêm túc khi cần phải nghiêm túc, nhưng cũng hãy tận dụng cơ hội để được vui đùa, bạn nhé.
MẠO HIỂM ĐIÊN RỒ
Hellen Keller, người phụ nữ vừa mù vừa điếc từ khi mới chập chững biết đi nhưng đã vươn lên trở thành một nhà hoạt động xã hội và một tác giả nổi tiếng, từng nói rằng không có cái gọi là “cuộc sống an toàn”. “Cuộc sống đó không tồn tại trong tự nhiên… Cuộc sống hoặc là một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm hoặc chẳng là gì cả”. Vậy thì mạo hiểm không chỉ là một phần của cuộc sống. Nó là bản thân cuộc sống. Cái điểm nằm giữa phạm vi thoải mái và ước mơ của bạn chính là nơi cuộc sống diễn ra. Nó là một phạm vi chứa đựng sự lo âu ở mức cao, nhưng nó cũng là nơi bạn khám phá ra mình là ai. Karl Wallenda, nam diễn viên xiếc huyền thoại của môn đi trên dây, khẳng định: “Đi trên dây nghĩa là đang sống; mọi điều khác đang chờ đợi”.
Mọi vận động viên môn thể thao nhảy dù, môn dù lượn, đều biết rằng lần đầu tiên họ bước ra cửa máy bay đối diện với độ cao chóng mặt thường rất đáng sợ, nhưng những người đó vẫn phải tiến ra cái điểm nguy hiểm đó nếu họ muốn trải nghiệm cảm giác bay với chiếc dù. Hãy đối mặt với nguy hiểm – mỗi ngày bạn sống có thể là ngày cuối cùng của bạn, vậy nên bạn phải đánh liều mà nhắc mình ra khỏi giường, không thể làm khác được. Bạn không thể trở thành người chiến thắng trừ khi sẵn sàng đương đầu với thất bại. Bạn thậm chí không thể đứng ra mà không phải đương đầu với nguy cơ bị ngã.
Từ khi chào đời, cuộc sống thường ngày của tôi đã bấp bênh lắm rồi. Nhiều người hoài nghi liệu có bao giờ tôi có thể tự chăm sóc cho mình được không. Cha mẹ còn lo lắng gấp bội bởi vì đứa con không tay chân của họ lại là một đứa ưa tìm kiếm thú vui mạo hiểm. Tôi luôn đặt mình vào tình thế nguy hiểm bởi vì tôi không chịu đựng nổi việc ngồi một chỗ hoặc làm một đứa trẻ lười hoạt động. Tôi trượt ván. Tôi chơi bóng đá. Tôi bơi. Tôi lướt sóng. Tôi quăng các thân hình bất bình thường đi khắp nơi như một quả tên lửa không điều khiển. Thật điên rồ!
DÁM MẠO HIỂM VỚI NHỮNG ĐIỀU MỚI MẺ
Vào mùa thu năm 2009, tôi đã thử làm một việc mà ai cũng bảo rằng rất nguy hiểm: lặn biển với bình nén khí. Như bạn có thể đoán được, tôi đã có một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi có cảm giác như thể mình đang bay, nhưng bay với những cú hạ cánh thật êm. Trước đó khoảng ba năm, tôi đã thử cái trò lặn có sử dụng bình nén khí rồi, nhưng người hướng dẫn khi đó chỉ để tôi khoả nước vòng quanh bể trong bộ đồ lặn được trang bị bình nén khí. Tôi nghĩ ông ấy lo cho bảo hiểm của ông ấy hơn là cho sự an toàn của tôi. Ông ấy sợ phải giải thích tại sao một gã kỳ quặc tên là Nick lại bị lôi đi bởi một con cá mập đang tìm kiếm một gã vừa đủ cho miếng ngoạm của nó.
Lần này người hướng dẫn Felipe nghĩ thoáng hơn. Ông ấy là hướng dẫn viên lặn biển tại một hòn đảo nhỏ thuộc Colombia, Nam Mỹ. Tôi được những người sở hữu khu nghỉ dưỡng Punta Foro trên hòn đảo Mucura gần Cartagena mời đến diễn thuyết. Câu hỏi duy nhất Felipe dành cho tôi khi tôi đến để học lặn với bình nén khí là: “Cậu có biết bơi không?”.
Khi tôi chứng minh được khả năng chịu đựng sóng nước, Felipe truyền cho tôi những kiến thức cấp tốc của kỹ thuật lặn sử dụng bình nén khí dành cho khách du lịch. Chúng tôi thực hành một chút ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với ông ấy ở dưới nước: Bằng cách cử động đôi vai hoặc đầu, tôi có thể cho ông ấy biết tôi cần sự giúp đỡ. Sau đó ông ấy yêu cầu tôi thực hiện một cuộc lặn thử ở ngay sát bờ. Chúng tôi tập luyện một chút, thử giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu ở dưới nước và kiểm tra kỹ càng thiết bị lặn.
“Được rồi, tôi nghĩ cậu đã sẵn sàng đến vỉa đá ngầm rồi”, ông ấy nói.
Felipe ôm quanh thắt lưng tôi, sử dụng chân vịt bơi để đưa tôi tới vỉa san hô đủ màu sắc sặc sỡ đến loá mắt. Sau đó ông buông tôi ra, bơi lên phía bên trong khi tôi khám phá vỉa san hô. Ông chỉ phải giúp tôi duy nhất một lần khi một con cá chình Moray dài tới hơn một mét rưỡi bất thình lình chui ra từ một khe nứt của vỉa san hô. Tôi đọc ở đâu đó rằng những con cá chình ăn thịt đó có bộ răng rất đáng sợ được bao phủ bởi vi khuẩn, vậy nên tôi ra hiệu cho Felipe đưa tôi sang một chỗ thân thiện hơn của vỉa san hô. Tôi không muốn trở thành món sushi.
Trải nghiệm đó đã mở ra trước mắt tôi một thế giới hoàn toàn mới. Bạn có thể sẽ hỏi rằng liệu tôi mạo hiểm một cách điên rồ như thế có đáng không. Đáng chứ, không nghi ngờ gì! Việc bước ra khỏi môi trường thoải mái và quen thuộc mang đến cho bạn khả năng mở rộng và phát triển bản thân. Chắc chắn có một số việc mạo hiểm mà bạn rất muốn thử, đúng không? Tôi khuyến khích bạn làm điều đó, hãy thử làm đi, và hãy đưa cuộc sống của bạn lên một tầm cao mới. Hãy bơi cùng những chú cá heo. Hãy bay cùng những con đại bàng. Hãy trèo lên đỉnh núi cao. Hãy khảo sát một hang động! Hãy điên rồ như Nick!
Có sự khác nhau giữa mạo hiểm điên rồ và mạo hiểm ngu ngốc đơn thuần. Sự mạo hiểm ngu ngốc đơn thuần là sự mạo hiểm quá điên rồ. Bạn không bao giờ nên lao vào một sự mạo hiểm mà trong đó khả năng thất bại của bạn cao hơn khả năng chiến thắng. Tuy nhiên, mạo hiểm điên rồ là việc nắm lấy một cơ hội nhìn hoặc nghe có vẻ điên rồ hơn nó vốn có bởi vì:
1. Bạn đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho nó.
2. Bạn đã giảm bớt rủi ro hết mức có thể.
3. Bạn có một kế hoạch dự phòng nếu mọi chuyện diễn ra không như mong muốn.
PHÂN LOẠI MẠO HIỂM
Tôi đã nghiên cứu về việc làm giảm rủi ro trong khi theo học chuyên ngành kinh tế và hoạch định tài chính ở trường đại học. Trong thế giới kinh doanh cũng như trong cuộc sống, nhìn chung người ta thừa nhận rằng bạn không thể hoàn toàn tránh được rủi ro, nhưng có thể kiểm soát và giảm thiểu rủi ro bằng cách lường trước được mức độ rủi ro trước khi bạn thực hiện một việc gì đó – cho dù đó là việc gì.
Có hai loại rủi ro trong cuộc sống: rủi ro của việc thử làm và rủi ro của việc không thử làm. Nói một cách khác, luôn có rủi ro, cho dù bạn có thể cố tránh nó hoặc có bảo vệ mình. Giả dụ bạn đang muốn hẹn hò với ai đó. Liên lạc để hẹn hò là một trò chơi may rủi. Bạn có thể bị từ chối. Nhưng nếu bạn không thử thì làm sao bạn biết được người đó có nhận lời hay không? Biết đâu con người tuyệt vời đó lại đồng ý. Biết đâu hai bạn lại tâm đầu ý hợp và sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Bạn hãy nhớ rằng bạn hầu như không có cơ hội sống “hạnh phúc bên nhau mãi mãi” trừ khi bạn dám thử. Chẳng lẽ điều lớn lao đó lại không đáng để bạn chấp nhận rủi ro hay sao?
Đôi khi bạn sẽ thất bại. Bạn sẽ vấp ngã. Nhưng vinh quang nằm ở ý thức “mỗi lần ngã là một lần đứng dậy”, ngã rồi đứng dậy cho đến khi bạ thành công!
Để sống, bạn phải sẵn sàng vươn xa, vươn cao. Để sống tốt, bạn phải học kiểm soát rủi ro bằng cách ý thức đầy đủ về việc mình đạt được gì và sẽ mất gì. Bạn không thể kiểm soát được tất cả những gì xảy ra với bạn, xảy ra xung quanh bạn, vậy hãy tập trung chú ý vào những gì bạn có thể kiểm soát, đánh giá mọi khả năng bạn có thể đánh giá, và sau đó đi đến quyết định.
Đôi khi trái tim và trực giác bảo bạn hãy nắm lấy cơ hội, thâm chí khi tỷ lệ thành công trên lý thuyết có vẻ thấp. Bạn có thể sẽ thất bại.Bạn có thể sẽ chiến thắng.Nhưng tôi không nghĩ rằng khi nhìn lại những gì bạn đã trải qua, bạn sẽ hối tiết vì mình đã dám thử.Tôi coi bản thân mình là một chủ doanh nghiệp, một nhà diễn thuyết, một nhà truyền giáo. Trong những năm qua, tôi đã thực hiện một số dự án kinh doanh bất dộng sản. Tôi đã đọc nhiều sách nói về chủ doanh nghiệp, và trong các cuốn sách đó luôn có phần nói về sự rủi ro. Mặc dù quan niệm cho rằng chủ doanh nghiệp là “Những người dám chấp nhận rủi ro”, những chủ doanh nghiệp thành công lại không thực sự giỏi trong việc chấp nhận rủi ro; họ giỏi kiểm soát và giảm thiểu rủi ro để sau đó tiến lên phía trước, ngay cả khi họ biết trong trường hợp họ đã tính toán kỹ vẫn tồn tại nhưng rủi ro.
Để giúp bạn đương đầu với rủi ro trong cuộc sống, sau đây tôi xin đưa ra Những quy tắc kiểm soát rủi ro điên rồ của Nick. Bạn hãy đọc và tự chịu rủi ro của việc đọc chúng nhé.
1. Thử nghiệm
Người châu Phi có một ngạn ngữ cổ như sau: Không ai thử dò độ sâu của sông bằng hai chân. Nếu bạn đang suy nghĩ về một mối quan hệ mới, đang tính chuyển đến một thành phố khác, tìm một công việc khác, hoặc sơn màu sơn mới cho phòng khách của của bạn, thì hãy làm một cuộc thử nghiệm nhỏ trước khi thực hiện một thay đổi lớn. Đừng vội lao vào mà không biết rõ việc mình đang lao vào là gì.
2. Hành động dựa trên những gì bạn biết
Nói thế không có nghĩa tôi khuyên bạn đừng bao giờ thử những trải nghiệm mới hoặc thử kết giao với người xa lạ; tôi chỉ muốn nói một cách đơn giản rằng bạn có thể giảm tỷ lệ rủi ro bằng cách chuẩn bị kỹ càng để biết được những gì bạn cần phải biết. Khi nghĩ rằng mình có thể kiểm soát được tủi ro, và mọi khía cạnh của một cơ hội, thì bạn nên tự tin thực hiện thay đổi. Cho dùkhông biết tất mọi điều về cơ hội đó, bạn nên xác định rõ điều mình không biết là gì – và đôi khi chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ rồi.
3. Tính toán thời điểm
Thường thì bạn có thể cải thiện đáng kể khả năng thành công bằng cách đợi thời điểm thích hợp để thực hiện một bước tiến. Chắc hẳn bạn không muốn khai trương một cửa hàng bán kem giữa mùa đông, đúng không? Lời mời đóng phim đầu tiên tôi nhận được không hợp với tôi, nhưng vài tháng sau, vai diễn tôi được mời là một vai hoàn hảo và lời mời đến đúng lúc. Đôi khi sự kiên nhẫn có thể có tác dụng. Bạn đừng phải sợ gác một cơ hội đến ngày mai.Trước khi đi ngủ, hãy viết ra những thuận lợi và bất lợi của cơ hôi đó, và sáng hôm sau bạn đọc lại nó.Bạn sẽ thấy cơ hội đó khác đến mức nào khi nó được gác lại qua đêm. Tôi đã thực hiện điều đó nhiều lần rồi. Và trước khi thực hiên một bước tiến bên bờ may rủi của một cơ hội, bạn hãy luôn tính toán thời điểm một cách cẩn thận và suy nghĩ kỹ xem liệu có thời điểm nào tốt hơn để chấp nhận cơ hội đó hay không.
4. Sử dụng ý kiến của người thứ hai
Đôi khi chúng ta chấp nhận những cơ hội vượt quá sức mình bởi niềm tin rằng chúng ta nhất định phải làm một việc gì đó ngay lập tức. Nếu bạn nhận thấy mình đang vội vã lao vào một việc gì đó mà bạn cần phải thận trọng thì hãy thụt lùi lại vài bước, gọi cho một người bạn hoặc một người cố vấn mà bạn tin, nhờ người đó giúp đánh giá tình hình, bởi vì các cảm xúc có thể áp đảo lý trí sáng suốt của bạn. Trong những tình huống như thế, ở Mỹ tôi luôn tìm đến Batta, còn ở Australia tôi luôn tìm đến cha. Bạn có thể tìm thấy sự cố vấn sáng suốt ở nhiều người. Nếu rủi ro tiềm năng cao, bạn không nhất thiết phải mạo hiểm đâu.
5. Chuẩn bị cho những hậu quả không thể lường trước
Luôn luôn, tôi xin nhấn mạnh hai chữ luôn luôn, có những hậu quả không thể lường trước được dành cho hành động của chúng ta, đặc biệt là những hậu quả vượt quá giới hạn cho phép. Bạn không bao giờ có thể lường trước được mọi hậu quả, vậy nên hãy cố gắng hết sức để tính toán mọi khía cạnh và sau đó chuẩn bị tinh thần cho những điều không thể ngờ tới. Khi lặp một kế hoạch kinh doanh, tôi luôn đánh giá các chi phí cao hơn thực tế và đánh giá lợi nhuận mình thu được thấp hơn để phòng khi công việc không tiến triển tốt như tôi hy vọng. Nếu mọi việc tiến triển tốt, thì việc thu thêm lợi nhuận có sao đâu, phải không bạn?
SỰ VUI VẺ ĐIÊN RỒ
Đừng giả vờ rằng bạn chưa từng đứng chờ hành lý tại một sân bay và chưa từng nghĩ tới việc nhảy lên băng tải hành lý để chu du. Tất nhiên, có lúc điên rồ, tôi đã làm việc đó.
Lần đó chúng tôi đi diễn thuyết ở châu Phi. Khi xuống sân bay và cảm thấy buồn chán khi phải đợi lấy hành lý, vậy nên tôi nói với Kyle, người chăm sóc của tôi, rằng tôi muốn nhảy lên băng tải hành lý dạo chơi một chuyến.
Anh ấy tròn mắt nhìn tôi như muốn nói: Này, cậu điên rồi sao?
Nhưng Kyle lại bước tới. Anh nhấc tôi lên, và đặt xuống bên cạnh một chiếc va li hiệu Samsonite. Thế là tôi cùng những chiếc túi xách, chiếc va li được băng tải đưa đi. Tôi ở trên cái băng tải điên rồ ấy, dạo chơi khắp khu đón khách của sân bay, và với cặp kính râm tôi giả vờ làm một bức tượng khiến nhiều người trố mắt nhìn và chỉ tay đầy sửng sốt vì không dám chắc tôi là:
A. Một người thật
B. Chiếc túi du lịch trông lạ mắt nhất thế giới
Cuối cùng, chiếc băng tải đưa tôi tới một cái cửa nhỏ dẫn tới khu xếp hành lý ở phía sau của sân bay, nơi tôi được đón chào bởi những người làm nhiệm vụ khuân vác. Họ cười nụ, rồi bật cười thành tiếng trước cái gã người Úc điên rồ dạo chơi trên băng tải hành lý.
“Chúa phù hộ cho cậu!”, họ nói bằng giọng khích lệ.
Những người Phi làm nhiệm vụ khuân vác hiểu rằng đôi khi cả người lớn cũng muốn đi trên băng tải hành lý. Trẻ con không bao giờ lãng phí chất hồn nhiên. Các em tận hưởng từng phút của tuổi trẻ.Bạn và tôi nên làm tất cả những gì có thể để giữ cho niềm của vui tuổi trẻ tồn tại càng lâu càng tốt.Nếu cuộc sống quá nhàm chán, bạn chớ có tức giận. Hãy quay trở lại với bất cứ trò chơi nào khiến bạn vui thích khi bạn còn nhỏ.Hãy nhảy thỏa thích trên tấm bạt nhún lò xo.Hãy trèo lên yên ngựa. Hãy để cho cái người lớn trong bạn được tạm nghỉ.
Tôi khuyến khích bạn tận dụng giây phút của cuộc sống để làm vui bản thân. Thỉnh thoảng tôi cho phép mình tự do làm một điều gì đó chỉ để lấy vui. Tôi khuyến khích bạn sống theo cách đó trong hành trình theo đuổi tất cả những điều kỳ diệu mà Chúa ban cho chúng ta trên trái đất này.
Sống sôi nổi là sống với sự hội tụ hy vọng và khả năng, nắm bắt mục đích của Chúa và kế hoạch của Người. Phần hai của Những Quy Tắc Điên Rồ là một phần nói về vụ vui chơi điên rồ, vượt ngoài sự mong đợi, vượt ngoài những giới hạn. Đó là trải nghiệm hành trình của cuộc sống, nắm bắt cơ may, luôn tiến vươn lên không phải chỉ để sống mà để tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.
Trong những buổi diễn thuyết của mình, tôi thường đứng ngay trên mép của bục diễn thuyết trong thế chênh vênh như thể sắp sửa ngã lộn nhào đến nơi.Tôi nói với khán thính giả rằng ở trên cái điểm chênh vênh như thế không phải tệ lắm đâu khi mà bạn đã có niềm tin bản thân mình và ở Đấng Sáng Tạo. Đó không chỉ là nói suông.Tôi đã dấn thân vào mọi hướng của cuộc sống mà tạo hóa mở ra cho tôi, cả khi làm lần khi chơi.Cảm giác tuyệt vời đến với tôi khi làm và chơi là một. Tôi khuyến khích bạn không hướng tới cảm giác đó.
DIỄN VIÊN ĐÓNG THẾ
Khi nhận lời vào vai diễn đầu tiên, trong phim The Butterfly Circus, tôi đã không đoán trước đây rằng mình sẽ đàm nhận luôn phần đóng thế cho vai diễn. Còn ai có thể đóng thế tôi tốt hơn chính tôi? Dường như trên thế giới này không có nhiều diễn viên đóng thế chuyên nghiệp chuyên nghiệp không có tay chân đang cần việc làm.
Tôi dám làm lắm chứ. Nếu anh chàng đồng hương người Úc Russel Crowe có thể thực hiện những cảnh nhảy lao đầu xuống nước mà không cần người đóng thế, tại sao tôi lại không nhỉ? Còn nữa, Russell chưa bao giờ bị George Lực Sĩ tung lên naems xuống như một quả bóng đâu. Trong phim The Butterfly Circus, một diễn viên đóng thế và nam diễn viên Matt Allmen dảm nhận cái vai cơ bắp đó.Trong một cảnh quan trọng của phim, Matt, vào vai George, nhấc tôi lên và nắm xuống một cái hồ nhỏ.Matt rất căng thẳng khi đóng cảnh đó.Tôi còn căng thẳng hơn.
Chúng tôi thực hiện cảnh quay đó ở cái hồ tự nhiên trong một thung lũng hẹp thuộc núi San Gabriel ở hoang mạc Cao Nguyên của California. Nước ở hồ rất lạnh, nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Trong cảnh phim, tôi vô tình bị ngã xuống hồ và mọi người sợ rằng tôi đã bị chết đuối, nhưng tất nhiên, cuối cùng tôin đã nhô đầu lên và chứng tỏ khả năng bơi lội của mình.
Thấy tôi còn sống, Georger Lực Sĩ phấn khích đến nổi gã nhấc tôi lên và ném xuống hồ, làm tôi suýt chết đuối thật.
Khi đóng vai Georger trong cảnh đó, Matt sợ rằng anh ấy sẽ ném tôi quá xa hoắc quá mạnh khiến tôi đau.Trong chuỗi cảnh đầu tiên, anh ấy hơi sợ bởi vì nước hồ chỉ sâu khoẳng một mét rưỡi mà thôi. Đạo diễn Joshua Weigel khuyến khích anh ném tôi mạnh hơn, và tôi đã văng ra khỏi tay Matt như một quả ngư lôi! Sợ rằng mình sẽ bị va vào đáy hồ toàn đá, tôi cong lưng lên, và động tác đó đã cứu mạng tôi, khi tôi nhô lên khỏi mặt nước, mọi hoặt động của đoàn phim đều ngừng. Tất cả mọi người trong đoàn, đặt biệt là Matt, thực sự vui mừng khi thấy tôi nhô đầu lên khỏi mặt nước để thở.
Dẫu vậy, mạo hiểm hơn là các cảnh tôi nhảy cầu, trong đó tôi được kéo lên độ cao tương đương tòa nhà ba tầng trong một chiếc yên cương trước một “tấm phông nền xanh”. Việc treo mình trên cao bằng sợi dây tạo ra những khoảnh khắc sợ hải. Tất nhiên, rủi ro của vai diễn đó được giảm bớt với sự tham gia của những người điều phối chuyên nghiệp cho hoặt động đóng thế trong đoàn làm phim. Họ chuẩn bị chu đáo lưới an toàn và dây bảo hiểm, vậy nên ngay cả những cảnh đáng sợ nhất cũng trở nên thú vị.Thực ra việc chấp nhận một rủi ro về thể chất ở mức vừa phải cho dù đó là leo núi, lướt sóng, hay trượt tuyết, có thể kiến cho bạn trở nên mạnh mẽ hơn, cảm thấy rõ ràng hơn là mình đang sống. Trẻ em và người lớn thường chấp nhận mạo hiểm trong các hình thức giải trí yêu thích, cho dù đó chỉ là sự mạo hiểm của việc trở nên có vẻ điên rồ trong khi giải phóng cái tuổi lên tám của bạn qua một trò chơi.
CHƠI ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC
Stuart Brown, một bá sĩ tâm lý và là người sáng lập ra Viện Giải Trí Quốc gia, nói rằng con người có bản năng chơi và việc xem nhẹ nhu cầu chơi tự nhiên có thể gây ra tác hại chẳng kém gì việc cưỡng lại bản năng ngủ. Bác sĩ Brown đã nghiên cứu trường hợp của các tử tù và những kẻ giết người hàng loạt và phát hiện ra rằng gần như tất cả những người đó đều có tuổi thơ ít hoạt động vui chơi. Ông nói rằng đối lập với chơi không phải là làm, mà là trầm cảm, vậy nên chơi có thể được coi như một kỹ năng để sống còn.
Theo bác sĩ Brown, người tin rằng chúng ta thậm chí nên thử kết hợp làm và chơi hơn là dành riêng thời gian để giải trí, chơi những trò chơi có chút mạo hiểm giúp trẻ em và người lớn phát triển các kỹ năng về thể chất, cảm xúc, nhận thức và kỹ năng xã hôi.
Tôi từng biết những người đã dành toàn bộ năm tháng tuổi trẻ của mình để theo đuổi danh vọng giàu có, để rồi sau đó hiểu ra rằng họ đã chạm tới điểm cuối của một cuộc hành trình mà họ không hề thích. Đừng để điều đó xảy ra với bạn. Hãy làm những gì cần phải làm dể tồn tại, nhưng hãy làm những gì bạn yêu thích một cách thường xuyên nhất có thể!
Cái cách chúng ta bận bịu thực hiện các thủ tục hàng ngày và vật lộn để kiếm sống mải miết đến nỗi không thể để ý đến chất lượng cuộc sống của mình thật là đáng sợ. Sự cân bằng không phải là điều mà bạn đạt được vào “một ngày nào đó”. Vậy nên đừng quên làm cho bản thân mình được vui vẻ bằng cách tận hưởng bất kỳ hoạt động vui chơi nào hấp dẫn đến mức kiến bạn quên cả thời gian và nơi chốn.
Các cuộc nghiên cứu cho thấy được “chìm đắm” hoặc hoàn toàn tập trung vào một hoạt động mà bạn yêu thích, dù đó là trò chơi Monopoly, việc vẽ một bức tranh phong cảnh hoặc chạy marathon, có thể đưa bạn đến gần hạnh phúc thực sự mà chúng ta có thể có được trên trái đất này. Tôi thường rơi vào trạng thái ”trôi” khi câu cá – hoạt động giải trí mà tôi ưa thích.
Tôi được cha mẹ đưa đi câu cá lần đầu tiên khi lên sáu tuổi. Mẹ tôi đưa cho một chiếc cần câu cầm tay có mồi bằng hạt ngô. Mẹ thả câu, và tôi dùng ngón chân giữ cần câu. Tôi là một đứa nhóc đấy quyết tâm.Tôi nghĩ mình có thể đợi đến chừng nào cá cắn câu. Sớm muộn gì thì cá cũng cắn mồi bởi vì tôi sẽ không bỏ cuộc cho đến khi nào câu được một con cá to.
Chiến lược của tôi đã thành công. Cuối cùng một con cá dài tới nửa mét đã ăn mồi câu của tôi bởi vì nó mệt với cái bóng nhỏ lảng vảng trên mép nước của tôi. Khi con cá khổng lồ ấy đớp mồi và vùng vẫy , nó giật cái cần câu mà tôi đang giữ bằng hai ngon chân và làm cho tôi đau điếng. Thay vì buông cần câu ra để mặc cho con cá lôi cần đi, tôi thực hiện một hành động thể hiện sự nhanh trí: tôi ngồi lên cần câu, dù khi con cá tiếp tục giật cần câu, mông tôi đau như phát bỏng.
“Con bắt được một con cá rồi. Ôi mong con đau quá. Nhưng con bắt được một con cá rồi!”. Tôi kêu toán lên.
Cha mẹ và các em họ của tôi chạy tới giúp kéo con cá lên, một con cá dài bằng người tôi. Đấy là con cá to nhất chúng tôi bắt được trong ngày hôm đó. Câu được một con cá to chừng ấy thì bị đau mông thế cũng đáng. Tôi thích cấu cá từ đó.
Bây giờ tôi không chỉ sử dụng loại cần câu tay cầm nữa. Tôi sử dụng thành thạo máy câu để không phải chịu cảm giác đau như phát bỏng ở mông nữa. Nếu có con cá nào cắn mồi câu, tôi cũng đủ sức khỏe để giữ cần câu bằng cách kẹp nó giữa vai và cằm. Tôi giữ dây câu bằng răng và thả ra đúng lúc. Thật đấy, tôi có thể vừa vệ sinh răng vừa câu cá cùng lúc!
THIÊN HƯỚNG ÂM NHẠC
Nếu bạn nghĩ câu cá là một trò tiêu khiển kỳ quặc dành cho tôi, thì hãy nghĩ xem mọi người phản ứng như thế nào khi tôi nói với họ rằng tôi không chỉ là một tay trống của ban nhạc ở trường mà còn là một nhạc trưởng! Đó là sự thật. Tôi nhạy cảm với nhịp nhạc. Từ nhỏ tôi đã nắm vững thuật đánh trống đệm cho những bài hát thánh ca của nhà thờ hát. Tôi có mặt trong hàng dài những tay trống đầy khao khát, trong đó có em họ tôi Ian Pasula, tay trống đầu tiên của dàn nhạc nhà thờ. Tôi có khả năng tự nhiên không thể phủ nhận trong việc giữ nhịp điệu đến mức hai người chú của tôi và những người bạn của họ trong giáo hội góp tiền lại mua cho tôi một bộ máy đánh trống hiệu Roland. Món quà tuyệt vời đó đã biến tôi thành một dàn nhạc công chơi trống chỉ gồm một người, không tay chân. Tôibắt đầu với dàn trống lười và trống cái, sau đó tiến đến chơi phối hợp xập xòa đóng và xập xòa mở.
Ngày đó người chơi piano, người chơi organ và những người chơi trống của nhà thờ thường chơi cùng tôi và khiến tôi có cảm giác mình là một phần của ban nhạc. Bây giờ tôi sử dụng một máy đánh trống phiên bản mới được tôi nâng cấp lên với chương trình Mac keys. Với chương trình đó, tôi có thể sử dụng máy đánh trống như một nhạc cụ điện tử tổng hợp, thậm chí tôi có thể chơi guitar điện. Đối với tôi, âm nhạc có thể xoa diệu tâm hồn. Dù nghe nhạc hay chơi nhạc, tôi có thể chìm đắm hàng giờ trong những làn sóng âm thanh.
Tình yêu âm nhạc được nuôi dưỡng khi tôi tham gia các ban nhạc jazz của trường trung học. Có lẽ thành tích nỗi bật về âm nhạc trong cuộc đời cho đến nay đó chính là việc tôi có thể đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc. Bạn chắc hẳn không thể ngờ một người không có tay như tôi lại có thể đảm nhận vai trò đó. Thật khó tin phải không?
Dạo đó giáo viên dạy nhạc của chúng tôi có vấn đề về sức khỏe, và cô không thể tổ chức các buổi tập cho ban nhạc, vậy nên tôi tình nguyện làm nhạc trưởng dẫn dắt 60 nhạc công trong dàn nhạc. Tôi biết tất cả những bài hát chúng tôi chơi, vậy nên tôi đứng trước dàn nhạc chỉ huy các nhạc công bằng cách cử động đôi vai. Tôi dám mạo hiểm nói rằng ngày hôm đó dàn nhạc đã chơi rất tốt.
HÃY DÁM VƯỢT QUA CÁC GIỚI HẠN
Hầu hết chúng ta đều có được chút ít đầu mối giúp hé lộ kế hoạch của Chúa dành cho chúng ta qua từng ngày, từng tháng, từng năm, hoặc cả cuộc đời. Nhưng mỗi chúng ta đều có khả năng theo đuổi mục đích, đam mê, thú vui của mình bằng tự do mạo hiểm và nhiệt tình điên rồ. Riêng trong chương này, tôi đã kể lại chi tiết những cuộc phiêu lưu của mình, chẳng hạn như chuyện tôi ngồi trong ngăn hành lý trên máy bay, đi trên băng tải ở sân bay, lặn dưới lòng đại dương, tự đóng thế cho mình trong phim, và chuyện đi câu cá, chơi trống, làm nhạc trưởng. Câu hỏi tôi dành cho bạn bây giờ là: Nếu tôi, một con người khiếm khuyết về hình thể đến mức này, mà vẫn có thể vui chơi một cách điên rồ và thoải mái như thế, nếu như ngay đến tôi còn có thể đẩy lùi các giới hạn và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn, thì bạn sẽ thế nào?
Hãy sống để tụng ca Chúa, và đừng để lãng phí một găm năng lượng nào, đừng quên lãng sự độc đáo của bạn dù chỉ tí chút. Hãy dám trở nên điên rồ, và bạn sẽ rất hạnh phúc đấy, bạn ạ.
12
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.