Gặp chính mình nơi miền đất tuyết

4. Lạt Ma ở đền Jokhang



Đền Jokhang nằm ở trung tâm thành cổ Lhasa, được khởi công xây dựng vào năm 647 Công nguyên, đến nay đã hơn 1300 năm, là ngôi chùa thiêng liêng nhất trong Phật giáo Tạng truyền, nghi thức thụ giới của các thế hệ Ban Thiền hoặc Đạt Lai đều được tiến hành tại đây.
Nó cũng là kiến trúc kết cấu gỗ sớm nhất của Tây Tạng, dung hợp phong cách Hán, Tạng, Nê-pan, Ấn Độ.
Đền Jokhang mang đến cho tôi rung động còn hơn cả cung điện Potala, không phải bởi kiến trúc huy hoàng tráng lệ của nó, mà bởi những người dân Tạng thành kính phủ phục cả thân người sát đất theo chiều kim đồng hồ vòng quanh Jokhang.

Đứng thẳng, miệng niệm Lục Tự Chân Ngôn, hai tay chắp lại giơ cao quá đầu, tiến về phía trước một bước;
Hai tay giữ nguyên tư thế chắp dịch về trước trán, lại bước một bước;
Hai tay tiếp tục chắp lại di về trước ngực, bước ra bước thứ ba.
Sau khi đầu gối chạm đất toàn thân nằm sấp xuống, lòng bàn tay hướng xuống phía dưới, hai tay duỗi thẳng về phía trước quẹt đất, trán hơi áp vào mặt đất.
Sau đó đứng dậy, lặp lại từ đầu.

Những người Tạng dáng vóc tiều tụy, hai tay và đầu gối đeo đồ bảo hộ, góc áo dài kiểu Tạng dính đầy sương cùng bụi đất.
Thân mình phủ phục trên đất, khi lòng bàn tay hướng về phía trước quẹt đất, phát ra tiếng vang sàn sạt.
Tuy gương mặt họ đầy gió sương, nhưng nét mặt lại luôn nghiêm cẩn.
Dựa vào lòng tin mạnh mẽ, dùng cơ thể đo đất, tam bộ nhất bái, chậm rãi đi vòng.
Cho dù chỉ là thuận theo chiều kim đồng hồ đi một vòng quanh đền Jokhang, cũng phải mất mấy giờ đồng hồ ấy nhỉ.

Nếu là người Tạng ở các nơi xa xôi muốn tới Jokhang hành hương thì sao?
Họ phải trèo non lội suối, ăn gió nằm sương, phủ phục cả thân người sát đất trên đường, hoàn toàn không dựa vào bất cứ phương tiện giao thông nào.
Gặp những lúc phải vượt sông, cũng sẽ dập đầu cho hết khoảng cách chiều rộng của bờ sông, rồi tiếp tục tìm cách qua sông.
Toàn bộ hành trình giữ nguyên tư thế phủ phục cả thân người sát đất, khả năng phải mất mấy năm mới có thể đến được thánh địa trong tim.

Mà ở bên cạnh Jokhang, cũng có một đám người Tạng dập đầu bái lạy ngay tại chỗ.
Tuy họ không cần phải đi bộ, nhưng mỗi người đều cho rằng ít nhất phải dập đầu đủ một vạn lần, mới có thể biểu đạt lòng thành kính.

Tôi bị những người Tạng dập đầu bái lạy ở bên ngoài Jokhang này làm xúc động vô cùng, ngây người hồi lâu.
Cuối cùng sau khi tỉnh lại, mua vé, đi vào đền Jokhang.
Men theo hướng chiều kim đồng hồ tham quan đền, từ hành lang Thiên Phật chạm trổ đầy tượng Phật sơn màu, đi qua điện Dạ Xoa, điện Long Vương, vòng qua mấy trăm cốc đèn bơ, đi vào điện Giác Khang.

Điều nổi danh nhất ở điện Giác Khang, chính là pho tượng Đẳng Thân năm 12 tuổi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Pho tượng Phật Kim Thân này do Ấn Độ tặng cho Trung Quốc, rồi lại được công chúa Văn Thành mang vào Tây Tạng.
Ý nghĩa của nó không chỉ nằm ở giá trị lịch sử, giá trị di sản hay giá trị nghệ thuật, điều quan trọng nhất là, pho tượng Phật này giống hệt chân thân Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hơn 2500 năm trước.
Tượng Đẳng Thân là tượng Phật mà sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu đắc đạo, đã đáp ứng nguyện vọng của người bộ hành, dựng một pho tượng Phật giống hệt chân thân.
Nghe nói là đã phỏng theo hồi ức của mẫu thân Phật Tổ, cũng do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đích thân khai quang.

Người Tạng rất tín, cầu nguyện trước tượng Đẳng Thân Phật, chẳng khác nào trực tiếp cầu nguyện Phật Tổ.
Hơn nữa chỉ cần đủ thành kính, ước nguyện sẽ được thực hiện.
Tôi thật may mắn vì lúc này du khách vô cùng thưa thớt, chỉ có một mình tôi đứng trước pho tượng Đẳng Thân Phật này.
Giữa lúc vô thức, học theo những người Tạng dập đầu bái lạy phía bên ngoài Jokhang, dập đầu bái lạy ngay tại chỗ trước tượng Phật.
Tôi cầu Phật Tổ phù hộ cho thế giới này tường hòa an khang, cũng cầu phù hộ cho hành trình Tây Tạng của tôi lần này được thuận lợi.
Một lần rồi lại một lần, chẳng biết dập đầu lần thứ bao nhiêu, cho đến khi nghe thấy có người nói:
“Anh đến từ Đài Loan?”

Tôi ngừng phục lạy, đứng lên, quay đầu lại thấy một thầy Lạt Ma khoảng trên dưới 40 tuổi.
“Sao thầy biết ạ?”
Tôi rất hoang mang, chẳng lẽ bản mặt tôi giống khoai lang, nên vừa thấy là đã biết đến từ Đài Loan?
“Giấy thông hành của anh rơi.”
Thầy cầm trong tay giấy thông hành màu xanh nhạt quơ quơ về phía tôi.
Tôi sờ sờ túi áo khoác, quả thực không thấy giấy thông hành, có thể là rơi khi phủ phục ban nãy.

Tôi nhận lấy giấy thông hành thầy đưa tới, nói một tiếng cám ơn.
Thoáng thấy tấm hình A4 kẹp trong giấy thông hành, tôi cố lấy dũng khí nói: “Xin hỏi…”
“Có chuyện gì sao?” Thầy nghe tiếng ngoảnh lại.
Tôi trải tấm hình ra, đưa cho thầy, hỏi: “Thầy có biết đây là chuyện gì không ạ?”
Thầy nhìn tấm hình một cái, dường như hoảng sợ.

“Muốn gặp Lạt Ma không?” Đột nhiên thầy hỏi.
“Có được không ạ?” Tôi có chút không dám tin, “thực sự có thể sao?”
“Hẳn là được.”
“Vậy con nên làm thế nào?” Tôi rất hồi hộp.
“Dâng khăn ha-đa là được.” Thầy mỉm cười.

Tôi chạy nhanh ra ngoài đền Jokhang mua chiếc khăn ha-đa màu trắng trên phố Barkhor, rồi quay trở lại Jokhang.
Lạt Ma dẫn tôi tiến vào trong đền, dọc đường cẩn thận dặn dò một vài điều cấm kỵ, như không được chạm vào thân thể Lạt Ma và đeo tràng hạt, cũng không được đòi hỏi chụp ảnh.
Khi đi đến một gian phòng nhìn như bình thường không có gì lạ, thầy muốn tôi đợi ở ngoài cửa, sau đó thầy đi vào.
Khi thầy ló người ra hướng về phía tôi gật đầu, tôi mang theo con tim kính cẩn và hồi hộp đi vào phòng.

Lạt Ma ngồi trên chiếc giường thấp trải thảm Tạng, gần bên giường đặt chậu bếp lò than củi, lửa than đang cháy rừng rực.
Hai đầu gối tôi quỳ xuống đất, hai tay cầm khăn ha-đa nâng lên qua đầu, cơ thể khom lưng hướng về phía trước, hai tay ngay ngắn bưng khăn ha-đa hạ xuống đến chân Lạt Ma.
Lạt Ma dùng tay nhận lấy, quàng khăn ha-đa lên cổ tôi, sau đó dùng hai đầu khăn bện thành nút thắt.

Khóe mắt thoáng thấy tay phải Lạt Ma cầm quyển kinh thư, khẽ đặt kinh thư trên đỉnh đầu tôi.
Lạt Ma lầm rầm trong miệng, hình như đang tụng kinh văn.
Tôi nhắm mắt lắng nghe, cho đến khi tiếng tụng kinh ngừng lại.

“Con có thể đứng dậy rồi.” Lạt Ma ở phía sau khẽ nói.

Tôi chậm rãi đứng lên, khom lưng cúi đầu, lui về phía sau hai bước đến bên Lạt Ma, đứng thẳng người trở lại.
“Trát Tây Đức Lặc.” Hai tay Lạt Ma chắp lại.
“Trát Tây Đức Lặc.” Tôi nhanh chóng khom lưng cúi đầu, hai tay chắp lại.
Lạt Ma mỉm cười, dù thoạt nhìn tuổi đã quá bảy mươi, nhưng nụ cười lại thuần chân như trẻ thơ.

Vốn định mở lời hỏi về vòng tròn ánh sáng trên ảnh chụp, nhưng lại băn khoăn như thế thật không lễ phép.
Đang không biết nên làm thế nào cho phải, Lạt Ma bên cạnh đã mở lời:
“Mỗi một vòng tròn ánh sáng đại diện cho một pho tượng Phật.”
“Dạ?” Tôi lấy làm kinh hãi, quay đầu nhìn Lạt Ma.

“Lạt Ma vừa đã nói với thầy, điều này chứng tỏ con cùng Phật hữu duyên.” Lạt Ma lại nói, “Ngài nhắc nhở con, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, phải giữ thiện niệm ở trong tâm.”
“Dạ vâng.” Hai tay tôi chắp lại, hướng về phía Lạt Ma gật đầu.
Lạt Ma lại mỉm cười với tôi, miệng nói mấy câu.

Lời Lạt Ma hẳn là Tạng ngữ, tôi nghe không hiểu, không biết nên ứng đối thế nào.
“Lam thiên thích bạch mâu, khô liễu phi kim y.” Lạt Ma nói.
“Gì ạ?”
“Lời của Lạt Ma dịch thành Hán ngữ, đại thể là ý này.”
Trong đầu tôi lẩm nhẩm hai câu nói này, nhưng hoàn toàn không hiểu hàm nghĩa.

Lạt Ma nhắc nhở tôi đến lúc rời đi, tôi liền theo thầy đi ra cửa phòng.
“Đó là Kim Cương Kết, có thể tránh ma quỷ.” Lạt Ma chỉ vào nút thắt trên khăn ha-đa trước ngực tôi, “nhớ đừng tháo ra.”
“Con rõ rồi.”

Tôi cùng Lạt Ma nói câu Trát Tây Đức Lặc, thầy cầm tấm hình đưa cho tôi, rồi đi.

Tôi leo lên Kim Đỉnh hoa mỹ ở tầng chót đền Jokhang, nhìn xuống quảng trường Jokhang, lại xa trông cung điện Potala tráng lệ trên đỉnh núi xa xa.
Trầm tư hồi lâu, mới rời khỏi Jokhang.
Đi qua từng dãy bánh xe cầu nguyện hình trụ, tôi bắt đầu xoay tất cả bánh xe cầu nguyện theo chiều kim đồng hồ.
Trên thành bánh xe cầu nguyện có khắc Lục Tự Chân Ngôn, bên trong bánh xe cầu nguyện cũng chứa kinh chú.
Người Tạng tin rằng mỗi một lần làm quay bánh xe cầu nguyện, sẽ tương đương với một lần niệm kinh chú ở trong đó.

Xoay xong bánh xe cầu nguyện, liền ở tùy ý dạo bước trên phố Barkhor, thong thả đi đến Mã Cát A Mễ.
Tôi lên tầng hai, đi vào trong quán, vừa khéo gặp Thạch Khang.
Thạch Khang kéo tôi đến ngồi xuống cái bàn cạnh cửa sổ, sau đó cầm bình trà bơ lại.
“Có gặp Lạt Ma không?”
“Gặp rồi.” Tôi nói.
Thạch Khang rất kinh ngạc, hỏi đủ điều về Lạt Ma, tôi nói cho anh ta hai câu nói kia của Lạt Ma.

“Lam thiên thích bạch mâu?” Thạch Khang ra sức gãi đầu, “khô liễu phi kim y?”
Tôi lắc đầu, tỏ ý tôi cũng không hiểu.
“Ý nghĩa của câu Lam thiên thứ bạch mâu này rất đơn giản.”
Tôi và Thạch Khang cùng quay đầu qua, thấy một anh chàng trẻ tuổi mặc quần áo đen, đội mũ đen đứng bên cạnh bàn.

“Các anh xem.” Tay áo đen trỏ tay ra ngoài cửa sổ, “đó chính là lam thiên (trời xanh).”
Tôi và Thạch Khang đưa mắt nhìn nhau, không biết nên nói gì.
“Rồi lấy cây giáo trắng chọc chọc thử là biết liền.” Tay áo đen lại nói.
“Thằng khốn! Mày nói gì!” Thạch Khang đứng dậy.

Tay áo đen nhanh như chớp chạy đến cửa thang lầu, nói:
“Tôi không phải là thằng khốn, tôi là người thần bí Thái Tuấn.”
Sau khi nói xong, liền chạy xuống tầng.

Thạch Khang nói đất Tây Tạng này dù thiêng liêng, nhưng vẫn có kẻ điên.
“Nhưng câu khô liễu này lại làm tôi nhớ tới một thứ tương tự.” Thạch Khang chợt nói.
“Cái gì thế?” Tôi hỏi.
“Liễu công chúa”.

Thạch Khang dẫn tôi đến quảng trường nhỏ trước đền Jokhang, ở bên tấm bia “Đường Phiên Hội Minh” nổi tiếng, có một bức tường vây, trong tường vây có trồng một cây liễu.
Nghe nói đây là cây liễu năm đó công chúa Văn Thành tự tay trồng, cho nên dân bản địa gọi là “Liễu công chúa”. [1]
Thạch Khang nói Liễu công chúa vào hè vẫn xanh tươi tốt, nhưng mùa đông đến lá cây rụng hết, có thể là chỉ khô liễu.

Chúng tôi ở đứng bên Liễu công chúa rất lâu, cũng đã nghiên cứu rất rất lâu, nhưng mãi vẫn không đoán ra ý nghĩa của “khô liễu phi kim y”.
Sắc trời đã tối, những tiểu thương bán vật phẩm trang sức Tây Tạng cũng bắt đầu thu quán, chúng tôi bèn rời đi.

“Chẳng mấy khi đến Tây Tạng một chuyến, anh hãy đi ra ngoài nhiều hơn một chút.” Thạch Khang nói, “vừa đi vừa suy ngẫm, có lẽ sẽ có được câu trả lời.”
Tôi ngẫm cũng phải, bèn gật đầu, lại cáo từ Thạch Khang.

Quay về phòng khách sạn, sau khi rửa mặt qua loa, định bụng xuống tầng ăn cơm tối.
Đi vào thang máy, nhìn những con số phát sáng trên cửa thang máy: 4, 3, 2, 1.
Số “1″ đang phát sáng bỗng nhiên tối om, đèn trong thang máy cũng tắt ngúm trong nháy mắt.

Hả? Lại mất điện rồi!

~*~

*Chú thích:
[1] Công chúa Văn Thành của nhà Đường khi đến Thổ Phiên có đích thân trồng một cây liễu trước đền Jokhang, cho đến nay cây liễu này vẫn sống, người ta gọi là “Đường liễu”, hay “Liễu công chúa”.

Bánh xe cầu nguyện, hay còn gọi là kinh luân, bánh xe Mani,…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.