Gió Vĩnh Cửu

CHƯƠNG 15 – TRUYỆN CỔ TÍCH CỦA KHARITA



Thành phố bằng vàng và ngọc bị huỷ diệt, bị chà đạp bởi những thảm họa không sao chống đỡ nổi. Những cung điện cổ xưa bị tàn phá. Những cảnh đổ nát báo điềm dữ; ở đây có cái gì đó sụp đổ và có tia pháo lửa vọt lên trời.
Trong vài phút bức tranh huy hoàng này chỉ còn lưu lại một dải hoàng hôn hẹp trên nền trời. Từ trên cao chiếc rèm dệt bằng các vì sao từ từ buông xuống.
Những người yêu thích cảnh chiều tà nhiệt đới đã dần dần rời khỏi khu vực phòng thí nghiệm.
Paven Mêphôđiêvích búng nắp một chiếc bao kiểu cũ trong đựng máy quay phim.
– Còn phải nói gì nữa, đây là một loại nghệ thuật cao cấp về tạo hình và trang trí; tôi còn cho là một nghệ thuật tinh xảo nữa. Thí dụ, có thể nói, những kiệt tác đã tạo nên từ hoàn toàn không có gì. Không, các anh chớ cười, các bạn trẻ ạ. Vật liệu chỉ là những thứ thông thường không đáng kể như: hơi nước, hỗn hợp khí, mà xưa kia vẫn là những mặt hàng bỏ đi và một vài nắm hạt nhỏ ánh sáng, bụi. Chỉ có thể thôi. Với những vật liệu đó thiên nhiên đã sử dụng hàng ngày mà không bao giờ lặp lại mình. Chẳng khác nào một nhà họa sĩ sáng tạo chân chính. Các bạn của tôi ạ! Thiên nhiên rất giỏi về vấn đề này, bất kỳ một cái nhỏ nhặt nào cũng cố gắng đưa đến chỗ hoàn thiện. Hãy thử lấy tuyết, bông hoa, actini xem. Lại còn trang phục của cá! – ông thở dài. – Đẹp vô cùng. Hôm nay tôi ghi lại bức ảnh lần thứ bốn trăm sáu mươi chín cảnh hoàng hôn. Tôi làm thế đấy, chỉ sưu tập ảnh mặt trời lúc chiều tà… Một công việc buồn tẻ phải không các bạn? Nhưng có điều các bạn sẽ thấy, cái ngày qua đi mới rực rỡ làm sao, một vẻ rực rỡ thật là đặc biệt! Đó không phải là một ví dụ à…
Dọc bờ vũng biển là con đường nhỏ phát sáng xanh lơ, nhún nhảy đàn hồi dưới chân. Chúng tôi đang đi trên con đường đó. Mặt nước trong vũng biến cũng phát sáng yếu ớt. Từ bờ đối diện vọng đến tiếng sóng vỗ, tiếng kêu của các đenphin đang chơi bóng nước. Ở đó nước cũng ánh lên một ngọn lửa xanh lơ.
Côxchia nói:
– Em không hiểu sở thích của thầy như thế nào. Ở nhà em có cuốn phim quay cảnh ở Himylaia. Ở đó cũng thường có những buổi chiều tà như thế này. Nếu thầy muốn xem em sẽ bảo gửi tới.
– cảm ơn. Tôi sẵn sàng xem, mặc dù thích vĩ độ ấm hơn. Trong khí quyến loãng, về phương diện tạo hình thì hoàng hôn nhạt hơn, nhưng rực rỡ khác thường. Tôi muốn nói rằng ở đó có một họa sĩ phải nguyên thủy đang làm việc. – Ông cụ cười thỏa mãn vì đã chọn được một định nghĩa thoả đáng.
Chúng tôi đến gần một trong những phòng thí nghiệm cỡ trung bình; hàng chục phòng thí nghiệm loại này nằm rải rác cạnh tường của bến, ở ngay bờ vũng biển. Paven Mêphôđiêvích và các trợ lý của ông làm việc ở đây. Thiết bị hiện đại của phòng cho phép tiến hành những quan sát đối với các sinh vật cao đẳng sống ở dưới biển trong môi trường tự nhiên của chúng.
Viện sĩ mời chúng tôi ngồi, còn mình thì ngồi trên một chiếc ghế nhẹ kê cạnh màn ảnh vô tuyến truyền hình và mở máy. Tầm nhìn khá rõ tuy ảnh không được sáng lắm. Ban đêm các sinh vật cao đẳng của biển kém chịu được ánh sáng rực rỡ. Sống trong vùng ánh sáng, chúng cảm thấy bất lực trước bóng đen đầy nguy hiểm xung quanh. Và mặc dù trong vũng biển chẳng có gì đáng sợ, nhưng đenphin vẫn không sao cưỡng lại được linh cảm về những nguy hiểm chực sẵn bên ngoài vùng ánh sáng chói lòa.
Từ máy dò âm dưới nước lúc đầu nghe thấy câu chuyện thông thường của các đenphin. Câu chuyện nghe như một loạt những tín hiệu thô sơ, giống tiếng hót của chim chóc.
Viện sĩ nói:
– ở đây tôi đã viết một loạt những truyện lý thú. hầu như tất cả những gì ghi chép trong cuốn sách của tôi, tôi đã nghe được ở một trong những căn phòng nhỏ này, hay trong các chuyến đi. Các anh có nhớ trong chương hai mươi lăm viết về cách mẹ dạy con đếm không? Đó là nói về Kharita. Tôi đã viết bài giảng của nó vào đấy. phải nói rằng chúng tôi đã áp dụng phương pháp của nó vào các trường học của các động vật cao đẳng dưới biển trong chương trình của hai khóa đầu tiên. Bây giờ nói về vấn đề nghe trộm. Tôi phải nói với các anh là ở đây chúng tôi không phá vỡ bất kỳ một qui tắc nào. Những anh em “ có đầu óc “ này không có cái gì là bí mật thầm kín, đố kỵ và chơi trội cả. Họ sẵn sàng chia sẽ những kiên thức của mình. Vả lại trong lúc căn vặn nhau, bản ghi hơi khô khan, ngắn gọn; không những thế những người điện tử của chúng ta lại chỉ mới đạt tiêu chuẩn một phiên dịch trung bình. Máy phiên dịch sẵn có còn mắc phải những chỗ thiếu chính xác, bịa đặt; đôi lúc đẻ ra một từ chẳng tìm thấy trong bất cứ một cuốn từ điển nào. Nào, chúng ta hãy nghe xem, hôm nay nàng Kharita thông thái, một trong những cô nàng luôn luôn hân hoan, kiều diễm và hấp dẫn sẽ kể gì với chúng ta. Cô ta đấy! Các anh nom kìa! cô ta cùng với hai con nhỏ đây. Những thính giả cũng đến nghe cùng với các con của mình. Hiện giờ Kharita chỉ lên lớp cho những loại lớn tuổi và nhỏ tuổi.
Thanh niên thu nhận những tin tức chủ yếu là bằng những con đường mà chính chúng tôi đã nhận. Đối với họ Kharita trở thành lỗi thời.
Kharita ngắm mình trong nước, nằm trên ban-công có trải tấm bọt biển bằng chất dẻo tổng hợp. Đấy là trường học, câu lạc bộ, nơi ngủ đêm của các bà mẹ và trẻ em, đồng thời cũng là nơi tụ họp của thanh niên.
Máy phiên dịch có giọng nói phụ nữ dễ chịu, âm giọng. Lúc đầu nó dịch tất cả mọi tiếng nói xung quanh kể cả tiếng ồn.
Từ máy dò âm dưới nước nghe thấy câu nói:
– kẻ nào hư bị mực bắt đây.
– Bắt đi đâu?
– đi đến chỗ tối tăm, lạnh lẽo.
– Im! Im đi!
– Khôkhơ đã trở về!
– Khôkhơ! Khôkhơ! Khôkhơ!
tiếp đó là một tràng dài những câu vô nghĩa.
Paven Mêphôđiêvích giơ ngón tay lên:
– Nghe thấy không? Đúng là máy định dịch một thổ ngữ không được biết trước. Chúng ta có thêm nhiều đenphin từ biển Caraíp, các hòn đảo ở trung tâm, tây nam Thái Bình Dương và Địa Trung Hải đến. Một loại máy thật cừ khôi! Máy không hề nghỉ ngợi, dù không hiểu gì nhưng vẫn cứ dịch ngay. Hiện nay càng ngày càng thấy nói nhiều đến những máy biết suy nghĩ…
Côxchia là người tán thành những người máy có cảm xúc, nhiệt liệt ủng hộ ý kiến đó, nhưng đáng tiếc là cậu ta lại phải im lặng vì máy phiên dịch đang dịch những câu nói đầu tiên của Kharita:
– Tôi sẽ nói. Còn các bạn hãy chú ý nghe. Sau đó các bạn truyền đạt cho mọi người khác, để cho tất cả đều hiểu đúng đắn về những người sống trên trái đãt và biển cả.
Trên màn ảnh xuất hiện một nhóm đenphin lơ lửng trong làn sóng biển bồng bềnh, trong suốt. Chúng giống như đang ngủ mà mắt vẫn mở. Nhìn Kharita không thể bảo được là nó đang kể chuyện, chỉ có cặp mắt đẹp đẽ sinh động của nó là truyền đi hoạt động của mọi suy nghĩ.
Cuộc nói chuyện tiến hành ở khoảng sóng cực ngắn.
Bài dịch đúng là dịch nghĩa đen từ một thứ tiếng rất khó, chỉ giữ lấy những ý chính của bản gốc. Vì vậy, tôi đã phải hiệu đính lại chuyện của Kharita cũng như tôi đã hiệu đính chuyện của Tavi.
“ Đại dương bao giờ cũng tồn tại. Trên mặt nÓ bao giờ cũng có một con cá nóng hình tròn bơi lội. Chính con cá đó đã gửi cho chúng ta ánh sáng, sự ấm áp và cuộc sống cho mọi động vật bơi lội, bay lượn, hay đi lại trên mặt đất và dưới biển. Con người gọi con cá đó là mặt trời.
Đại dương tròn vành vạnh như một giọt nước khổng lồ. Nó cũng bơi giữa những con cá phát sáng trong một đại dương khác ở bên trên chúng ta. Ở đó chỉ có những con chim có thể bay lượn lâu dài. Đại dương không buông chúng ta ra khỏi lòng mình như những người mẹ không muốn rời con cái. Các bạn hãy nghe câu chuyện con cái của đại dương đã gặp nạn lớn như thế nào, và sự rủi ro đó đã biến thành may mắn ra sao.
Câu chuyện xảy ra đã từ lâu, lâu lắm. Từ đó đến nay mặt trời biết bao lâu đã mọc lên từ đại dương và chìm vào trong lòng nó để mà uống nước và săn dưới cá nục vàng. Các bạn tạm thời khó hiểu thế nào là vô tận. thế này: từ lúc đó đến nay đã trải qua một thời gian cần để cho cá voi có thể uống hết nước đại dương. Tôi biết rằng ví dụ này không hoàn toàn hợp lắm. Thí dụ khác, tất cả các bạn đều đã ở trong nước đó, nơi đó có các cá voi và như các bạn đều thấy, còn biết bao nhiêu là sinh vật nhỏ bé. Nếu đem gộp tất cả chúng lại sẽ được rất nhiều. thế mà dù chúng có nhiều bao nhiêu đi nữa thì cũng vẫn chưa gọi được là vô tận, mới chỉ là bắt đầu của vô tận mà thôi.
Ngày xưa, ngày xưa đã xảy ra một cơn bão táp dữ dội. Khi Đại dương cho phép những đứa con sóng nước của mình đùa giỡn với gió thì các bạn phải lập tức vội vã rời xa bờ biển. Song, dù bán thân nó không muốn, nhưng vẫn có thể ném lên những táng đá nhọn sắc như răng cá kình những gì cưỡi trên nó. Khi sóng bắt đầu đùa giỡn với gió ta bao giờ cũng phải bơi ra xa bờ.
– điều đó ai cũng biết.
– Đúng, Cô – ki – éc ạ, các bà mẹ thì dạy cho các cháu khi nào cần phải bơi ra xa bờ, ở đâu có nhiều cá và nhiều nguy hiểm. Bên cạnh cái tốt bao giờ cũng có cái xấu. Trong ngày bão lớn những đứa con của Đại dương cũng biết điều đó. rất nhiều kẻ kịp lánh xa bờ, nhưng một số đã ở lại.
– Chúng đã không chịu nghe người lớn?
– Đấy không phải là trẻ nhỏ. Đấy chính là những kẻ khoẻ mạnh, dũng cảm. Họ muốn biết sau những tảng đá đó là cái gì. Tại sao những con sóng lại khát khao vượt qua những chướng ngại cao lớn với một niềm hân hoan như vậy để về phía đằng ấy. Chắc hẳn sau lần đất rắn và những tảng đá là vũng nước; ở đấy chắc có nhiều cá hơn ở Đại dương. Những kẻ dũng cảm đã nghĩ như vậy và thế là tất cả đều bơi lên phía trước, như họ đã trông thấy những con cá mập trắng ở đó.
– Và tất cả đều chết như những con sứa, những con nhím, sao biển, cỏ biển khi bị sóng ném lên bờ?
– Không, Côkiéc tò mò quá, họ còn sống. Trải qua nhiều thời gian những kẻ dũng cảm đó biến thành người.
– Hãy kể nhanh lên bác Kharita. Làm thế nào mà họ đã biến thành người?
– rất đơn gián, đừng vội vã, Côkiéc. Cũng như từ trứng cá biến thànhcá. Còn từ qua trứng tròn biến thành chim. Họ biến thành người lại còn dễ dàng hơn. Những vây của họ đã kéo dài ra thành hai tay, đuôi duỗi ra thành hai chân.
– Họ xấu đi biết chừng nào và lại hoàn toàn không biết bơi.
– Im đi Côkiéc! Đúng, phải thú nhận là họ đã mất đi nhiều cái. Nhưng những bàn tay của họ đã xây dựng nên hòn đảo, làm ra tấm bọt biển mà các cháu đang nằm, những chiếc nỏ sát thương cá mập và cá kình. Và nhiều điều mà chúng ta đã mắt thấy chứ không phải trong giãc mơ.
– Ai mạnh hơn, con người hay Con mực Vĩ đại? – Côkiéc nếu câu hỏi với tiếng thì thào tán thưởng của các bạn cùng tuổi.
– Cháu sẽ tự trả lời được ngay; ai mạnh hơn ai, Côkiéc ạ. Nhưng bây giờ xin đừng ngắt lời, nếu không tôi sẽ không kịp kể với các cháu tất cả những điều cần biết trước khi mặt trời ló ra khỏi đại dương. Các cháu đã được nghe nói, các bạn bè của chúng ta sống trên mặt đất khô cằn đã thay đổi như thế nào. Cần phải nói thêm rằng cái đầu tuyệt diệu, nhờ nó chúng ta khá dễ dàng đớp cá và đánh bại kẻ thù, ở họ đã đối thành tròn.
Côkiéc không nghe lời mà vẫn cứ nói:
– Như con sứa.
– Dù sao tôi cũng không muốn cho con cái của tôi gặp tai nạn như vậy, – một bà mẹ nói.
– Không thể kết luận như vậy khi còn chưa biết tất cả. Nhưng có một điều chị đúng, chị Ayikhia ạ. Lúc đầu họ rất vất vả. Những kẻ tuyệt vọng đáng thương đó bò lại gần bờ Đại dương, lao mình vào dòng nước của Đại dương và hiểu rằng họ không thể bơi lội như trước đây, và ở chỗ này cháu đúng, Côkiéc ạ. Những con cá mập bắt đầu không sợ hãi người; chúng xông vào tấn công và ăn thịt họ nếu không có chúng ta ở gần. Chúng ta luôn luôn bảo vệ những bè bạn tuyệt vọng của mình. Nếu trong lúc bơi xa bờ, họ bị mệt mỏi và chìm dần vào bóng tối thì chúng ta nâng họ lên và dìu họ vào bờ. ở đó dù họ có chịu bao nhiêu là tai họa vẫn còn hơn là ở trong chốn tối tăm, nơi sinh sống của Con mực Vĩ đại.
Một thời gian dài con người đã hiểu ra rằng chúng ta là anh em và chúng ta với họ có chung một người cha Đại dương. muốn sống cùng chúng ta họ đã làm cho mình những chiếc vỏ, ngồi trong đó và bơi ra khỏi bờ.
– giống như loài sò hến ấy à?
– Đúng Côkiéc ạ. Nên nhớ rằng chiếc vỏ mà người dùng để bơi còn được gọi là ghe, thuyền, xuống, tàu và còn nhiều tên khác. Một cuộc đi săn lớn đã được tổ chức phối hợp – người chứa đầy cá vào thuyền và bơi vào bờ. Chúng ta tiến họ cho đến lúc bụng chạm cát, hay những tảng san hô sắc nhọn. Đàn bà và trẻ con đợi chúng ta trên bờ biển. Họ ùa xuống nước vỗ về chúng ta, xoa bàn tay lên lưng chúng ta.
Đã bao lần mặt trời vượt lên từ Đại dương, rồi lại mệt mỏi rơi vào lòng nó. Đã biết bao ngày dông bão và đẹp trời. Không đếm nổi số lần cá đã đẻ trứng trên bãi cát hay vào những đám tảo; từ những trứng đó đã nở ra những cá con, sau đó chúng lớn lên thành cá.
Cho đến một lần, khi con cái của Đại dương bơi vào bờ, người không ra đón họ trong những chiếc thuyền của mình. Con cái của Đại dương lên tiếng gọi họ. Không một ai trả lời. Một chuyện khủng khiếp xảy ra: con người đã quên mất tiếng nói của những anh em mình…
Câu chuyện truyền thuyết về những nổi đau khổ của con người khi bị mất liên hệ với những người anh em của mình chiếm gần hai giờ. Đại dương chào đón những đứa con lầm lạc của mình một cách ảm đạm. Đại dương không thể tha thứ cho cái việc con cái của mình đã đổi những làn sóng tự do lấy những tảng đá xám xịt và những bờ cát chỉ mọc những loài cây cứng như đá. Kharita đưa ra một loạt những thảm hoạ. Những chiếc tàu to như những hòn đảo đã mất hút trong đêm đen vĩnh viễn, rồi những chiếc thuyền thoi, thuyền buồm, sà lan đã bị đắm. Những đenphin cảm thấy đau đớn khi phải chứng kiến những cảnh chết chóc thê thảm đó, mà chúng ít khi cứu vớt được một ai. Con người khi thấy đenphin thì lại hoảng sợ, coi chúng cùng một loài với cá mập.
Kharita đưa ra một vài ví dụ về tình bạn cảm động. Bọn trẻ con là những người đầu tiên nhận ra rằng đenphin không mang lại cho chúng điều dữ. Thông qua chúng đánh dấu những cuộc tiếp xúc đầu tiên. Nhưng sau đó lại tắt đi như những tia lửa yếu ớt trong mối hận thù tàn nhẫn của con người đối với mọi động vật.
Sau cùng màn sương mù che mắt con người đã rơi xuống. Họ đã nhớ lại tiếng nói của những người anh em mình và mọi cái lại trở lại như thời xa xưa, khi còn chưa xảy ra cơn bão táp kinh hoàng đầu tiên.
Kharita kết thúc câu chuyện của mình bằng một bài hát hân hoan, chúc mừng một niềm hạnh phúc vĩnh cửu đến với các con cái Đại dương.
– Em chưa từng được nghe, hay có thể hình dung được một cái gì tương tự! – Côxchia thán phục nói với Paven Mêphôđiêvích khi ông cảm ơn. Kharita và tắt máy phiên dịch.
– Anh có thể nghe thấy điều này ở đâu? – Ông hỏi với một nụ cười. – Chỉ có ở đây thôi. Đúng, hôm nay bà ta thật giỏi. Các anh đã hiểu câu triết lý: mọi kiến thức đều phải trả bằng một giá đắt. Đặc biệt đối với những người phát minh đầu tiên. Một chân lý đã cũ, và anh đã đúng khi nói: thật là sửng sốt nghe cái chân lý đó từ miệng những người anh em có cùng trí tuệ.
– Mọi cái đều như thế, thưa thầy Paven Mêphôđiêvích, – Côxchia tiến lại và đứng gần ông. – Kể cả triết học, thơ ca và chân lý cũ. Tất cả những cái đó đều có thể có ngay cả trong thần thoại. thế mà em đã mong đợi một cái khác.
– cái gì?
– Sự thật! Kharita của thầy đã nói dối. Em không tin rằng nó không biết gì về những tội lỗi của con người trong quan hệ với các bậc cha mẹ của nó; cha ông chúng ta đã tiêu diệt hàng trăm ngàn con để lấy mỡ và da. Em đã đọc trong sách cũ rằng họ giết các đenphin chỉ để tiêu khiển và không cho đó là tội lỗi. Làm sao lại có thể quên được điều đó và biến nó thành thần thoại? Hay là nó cố ý như vậy nhằm mục đích sư phạm? Chính vì hôm nay nó đã kể chuyện cho đám trẻ.
– Và cả những đenphin lớn cũng thích nghe. Giả dụ có kể cho chúng sự thật, chúng cũng chẳng tin đâu. Theo sự hình dung của chúng, con người không mang lại điều ác cho các đenphin. Họ là bạn bè, là anh em và người đồng minh của chúng. Nếu một lúc nào đó chúng hiểu được cái sự thật lịch sử tàn nhẫn như anh đã hiểu, thì chúng cũng sẽ có một thái độ phân vân rộng lượng đối với việc đó. Sinh vật có trí tuệ có khuynh hướng xem xét bất kỳ những thiên tai nào theo quan điểm thời đại của mình, căn cứ vào những điều kiện hiện đại của sự sống và dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức được đặt ra.
Chúng tôi ra khỏi phòng thí nghiệm trong đêm tối ngột ngạt. Một làn gió oi nóng thổi tới.
Trong vũng biển có tiếng phì phì, lủm bủm. Những tia lửa vọt lên tung toé: đội đenphin tuần tiểu ùa vào. Mình chúng phát sáng.
Bị chi phối bởi câu chuyện của Kharita và những lời thuyết lý của Côxchia, giờ đây tôi muốn nán lại một mình, phân tích từ đầu đến cuối và có ý nghĩ muốn bàn bạc với Biata. Tôi đưa mắt tìm kiếm, nhưng không sao thấy vệ tinh của cô.
Côxchia hiếu ý tôi muốn tìm liền nói:
– Mây mù.
Paven Mêphôđiêvích đứng trầm ngâm trong giây phút. Trong im lặng nghe rõ tiếng gõ khô khốc trong lồng ngực của ông. Sau ông khoác tay Côxchia rồi nói:
– Cái mà anh gọi là nói dối chính là thơ ca đấy. Và các nhà thơ thì không bao giờ nói dối.
thỏa mãn với ý kiến ngược đời của mình ông cười khì khì giống như những đenphin bắt chước con người cười vậy; rồi ông đi vào một con đường hẹp hun hút. Côxchia nói thầm:
– tất cả đều rõ. Ông có bộ óc của đenphin. Cái còn lại tự cậu hiểu lấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.