Có vài lần Vêra bay theo những chuyến thủy phi cơ đến chỗ chúng tôi. Cô ta thường ở chơi độ hai ba giờ, có khi trọn cả một ngày. Có điều cô ta luôn luôn đến vào những thời kỳ yên tĩnh ngắn ngủi.
-Tôi thực rất không may, – cô ta nói, – ngay cả Achinla đến khi chết, tôi mới biết. Hễ tôi vừa đáp máy bay đi thì những con cua vàng tấn công các anh, những con mực tiến đến gần các anh và Giéc dượt đuổi các anh. Các anh đã đến hòn đảo có những con chuột và những người máy. Thế mà tất cả những lần đó đều thiếu tôi. Nay mai tôi sẽ chuyển đến chỗ các anh và sẽ ở đó cho đến khi nào xảy ra một chuyện gì đó thật sửng sốt…
Vêra kết bạn với Berơta Phunlerơ, một nhà nghiên cứu thực vật. Lần nào đến đây cô cũng dành phần lớn thì giờ làm việc trong phòng thí nghiệm của Berơta. Berơta là vợ của Nhicôlôxơ. Khác hẳn với chồng, kẻ lý sự cùn, cô có phần nào bồng bột.
Một lần, khi chúng tôi đi ngang qua phòng thí nghiệm của cô, cô ta nhìn qua cửa sổ và với vẻ bí ẩn mời chúng tôi vào nhà chơi.
– Các bạn này, – Berơta trịnh trọng bắt đầu – các bạn này, Vêra… Khẽ chứ, cô ấy đang ở cạnh giỏ phong lan. Tôi muốn nói với các bạn rằng cô bạn gái của các bạn đã tìm thấy sai lầm trong công trình của tôi. Một sai lầm khủng khiếp! sai lầm có thể làm cho tôi bị chế giễu, đặt tôi vào vị trí khó xử trước các bạn đồng nghiệp. Hóa ra cái giống… ( tiếp đó là một tràng dài tiếng La-tinh tên gọi một loài tảo sống cộng sinh với loài lan nào đó có dạng thật kỳ dị ) mà tôi đang nghiên cứu thì người ta đã biết cách đây gần một năm rồi! Đấy, thế mới biết thế nào là sống đơn độc, xa hẳn các trung tâm khoa học, không có thì giờ thường xuyên đọc bản tin! Tôi đã cho rằng Vêra là một cô gái nông cạn. Thế mà các bạn có hình dung được sự sợ hãi và nỗi vui mừng của tôi biết chừng nào? Chắc chắn rằng Môkimôtô không chỉ là nhà bác học giỏi mà còn là một nhà sư phạm xuất sắc. – Cô ta ngừng lại. Khi nghe thấy bước chân vội vã của Vera.
Mặc toàn đồ trắng, tay cầm dao cắt, Vêra chạy đến chỗ chúng tôi. Cô ném những cành có màng chụp cụm hoa vào một góc, trước sự khủng khiếp của Berơta.
– Cô chạy như gió lốc ấy, – Berơta vừa nói vừa nhìn những màng chụp bằng cặp mắt dịu dàng của người mẹ.
Lần cuối cùng trước khi từ biệt chúng tôi Vêra nói rằng cô tự chia mình làm hai phần giữa hòn đảo của chúng tôi và vườn cây; ở đó có những cây trinh nữ tội nghiệp đang đợi cô. Nay mai cô sẽ đến đảo hẳn một tuần lễ. Môkimôtô đã hứa cho cô đi. Ông nói: “ Cô nương Vêra, cô cứ đi vì thường thường cô mang về đây những ý kiến hay “.
– Đó là ông ta nói đến việc dùng các dao động âm có tần số khác nhau tác động vào cây trinh nữ, – Vêra giải thích cho chúng tôi. – Cách thức đó người ta đã biết từ lâu, nhưng không hiểu sao chúng tôi đã không sử dụng như một kích thích tố. Ở đây tôi đã được xem cái dụng cụ độc đáo của Berơta, và tất nhiên với sự đồng ý của chị ấy, tôi đã chụp lại sơ đồ.
– Nói thực ra, – Côxchia nói, – cô hãy mang độ dăm chục cây trinh nữ đến đây. Ở đây chúng sẽ sớm biết chạy. Biết đâu chẳng có những sóng từ cách cảm của con mực Vĩ đại mà khoa học còn chưa biết đến sẽ tác động lên chúng.
Anh chàng Côxchia thật tội nghiệp: trái tim cậu ta có lẽ cũng chia làm hai phần.
Sáng sớm hôm sau, trong lúc máy bơm đang hút sữa của Machinđa thì chúng tôi làm dáng cho nó. Côxchia cọ lưng và mặt. Còn tôi thì như thường lệ làm vệ sinh phần dưới mặt nước. Do những cô gắng của chúng tôi, da dẻ Machinđa sạch bóng, tuy chỉ đôi chỗ còn dính nhớt bẩn.
Chúng tôi làm việc và chuyện trò thầm lặng. Tôi hình dung con đenphin linh lợi phải mất bao nhiêu cố gắng để thích nghi với những ý nghĩ dai dẵng của tôi, “ nhìn “ bằng mắt cái thế giới quen thuộc với nó.
Chúng tôi trao đổi bằng những tín hiệu giản đơn nhất:
– Tavi, ở phía bên trái có gì đó?
-Hai con cá nhám.
-To không?
– Có thể nuốt được.
Tất nhiên Tavi nói theo khả năng của nó hoặc cũng có thể cho rằng tôi, bỏ định kiến khó hiểu, có thể nuốt được cá nhám vì tôi đã từng ăn ốc sên và sò.
Tôi nghĩ đến việc muốn nhờ nó, nó lập tức đến gần, sẵn sàng giúp đỡ tôi. Đôi khi Tavi không kìm được mình, chuyển sang nhịp điệu suy nghĩ quen thuộc.
Tôi mệt và đề nghị chuyển sang mã điện báo. Tavi vui vẻ nhận lời. Tôi nhận đựực khá nhiều dấu trong một giây; Tavi sẵn sàng trao đổi với tôi về tin tức địa phương.
Cha của đenphin ( ông thầy của chúng tôi ) cùng với một đội lớn gồm những trinh sát đi tìm kiếm bộ lạc đenphin mới ( những bộ lạc này đã nghe nói đến từ lâu ).
CoTắc đã giết thêm một con cá mập trắng.
Tên “ giết người “ đầu sỏ ( Giéc Đen ) đang săn mồi ở các đảo lân cận. ( Tavi cho biết rằng dân cư ở vũng biến rất không tán thành việc thả Giéc Đen. )
Hôm nay trong vũng biển chiếu phim về sinh hoạt của một thành phố dưới nước.
Nó ngoi lên mặt nước để thở và quay lại ngay rồi thông báo rằng trên bờ vũng xuất hiện một người đàn bà mới giống Vêra, nhưng không phải cô ta.
-Đẹp không?
– Hài hòa.
Tavi có hình tượng riêng về cái đẹp; trong đó không chú ý đến khuôn mặt mà chỉ có thân hình, tỷ lệ cân đối. Tôi đã nhiều lần nghe nó nói đến hai tiếng hài hòa, khi nó trông thấy con sứa hay hải quì, đặc biệt là khi thấy “hùm hoa “ trên cành san hô; ngọn đèn biển có đĩa vàng của máy định vị trên đỉnh cũng hài hòa; hòn đảo của chúng ta cũng hài hòa, nếu nhìn từ ngọn sóng của đại dương. Tôi luôn luôn đồng ý với Tavi về cách đánh giá cái tuyệt đẹp. Nó đã trông thấy Vêra vài lần ở dưới nước và trên bờ và lúc đầu cô ta không làm rung động cảm giác thẩm mỹ của nó. Sau đó tôi biết rõ là Tavi không hài lòng với bộ quần áo tắm màu tím nhạt của Vêra. Tavi không ưa màu tím. Khi Vêra mặc quần áo màu khác, Tavi thay đổi hẳn cách đánh giá ban đầu.
– Rất hài hòa, – Tavi nhắc lại.
Chưa có một người đàn bà nào mới gặp lần đầu mà Tavi đánh giá cao như vậy.
Dù sao thì tôi vẫn tiếp tục làm việc. Tavi tò mò lại ngoi lên mặt nước và quay về báo:
-Người đàn bà hài hòa và Côxchia sắp bơi lại đây. Họ kia kìa.
Tôi đánh tuột bàn chải khỏi tay khi trông thấy Biata. Tavi nói đúng: cô ta hài hòa khác thường, mặc dù có cái mặt nạ xấu xí.
– Chào Ivơ. Anh làm gì bên dưới cái con vật khủng khiếp này thế? Ái chà, trang điểm! Côxchia nói rằng anh ta xoa bóp má cho nó. Còn anh?
-Những phần còn lại. Sao cô không báo trước?
– Chẳng lẽ thế này dở hơn à?
-Ồ không, tuyệt nhiên không!
Chúng tôi bị liệng về một phía và một luồng nước khá mạnh đập vào.
– Sao thế? – Biata sợ hãi hỏi.
Côxchia giải thích:
– Hécto, con của Machinđa quẫy đuôi. Nó ở thành mạn kia.
-Thành mạn nào? À, đúng quá! Con cá giống hệt một chiếc tàu ngầm.
Tavi mang chiếc bàn chải lại. Tôi đón lấy và lơ đãng vặn vẹo trong tay.
Côxchia nói:
-Thôi để cậu ấy làm cho xong. Mình và chị, chúng ta lên trên này. Mình còn cái lưng và má phải chưa cọ.
– Lưng ai? – Biata không hiểu hỏi lại.
– Machinđa. Ivan ở đây. Mình ở đằng kia.
-À, làm vệ sinh cho Machinđa! Thật là lạ. Nhưng cũng hay.
Côxchia đỡ tay Biata, nhưng cô ta nói:
-Không, không, để làm gì, ở đây cũng lý thú. Tôi đã lâu lắm rồi chưa được cảm thấy mình là cá.
-Thôi thế thì cùng làm, – Côxchia sẵn sàng đồng ý và phân công: – Ivơ, lại đây, ở đây có một đàn thiên ngưu.
Côxchia bơi về một phía nói rằng vừa tìm thấy một con cá nhám cỡ hiếm có và Biata vịn vào Prôtây, bơi theo cậu ta. Prôtây xuất hiện cùng lúc với Côxchia và tỏ ra khá chú ý đến Biata.
Tavi không thích làm phiền, nên tránh về một bên cách Biata một khoảng khá xa. Khi cô ta bơi đi xem cá nhám, một lần nữa nó lại nói bằng mật mã: “ Hài hòa, như là… – Nó phát ra những tiếng ken két khó truyền đạt bằng lời mô tả cầu kỳ con sứa màu đỏ tía. – “ Hài hòa như sứa! “ Tôi hiểu và không giận: con sứa màu đỏ tía quả là đẹp khác thường, nhất là khi nó lơ lửng trong làn nước trong suốt. Tôi tin rằng Tavi không có ý định nói đến tính độc của con sửa, mà chỉ nói đến hình thức tuyệt đẹp của nó; hơn nữa Biata lại đang bận quần áo màu anh đào.
Bữa ăn sáng, Côxchia bưng đến cho Biata một cốc sữa cá voi đặc:
-Tươi nguyên! Sữa Machinđa của bọn mình. Uống đi! Ngon lạ thường. Đây là mình không nói về chất dinh dưỡng và nhiệt lượng. Hécto con của nó đặc biệt chỉ bú sữa mà mỗi một ngày đêm tăng một trăm kilôgam.
Biata nếm thử, đặt cốc xuống bàn.
– Một trăm kilôgam? thế mà anh lại cho tôi uống loại sữa này hả? Một tuần lễ nữa tôi sẽ thế nào? Tôi sẽ chỉ ăn cá và ăn hoa quả thôi. Dứa chẳng hạn! Trên kia, – cô ta ngước mắt lên phía trên trần nhà, – người ta toàn ăn thức ăn chế biến từ các loại tảo và những giống lai của nó. Các anh biết không, đôi khi anh bếp trưởng của chúng tôi – một người máy thông minh khác thường – đã nấu những món ăn hoàn toàn kỳ lạ, chẳng giống ở dưới đất chút nào. Một thành tựu đặc biệt là món “ Tiểu hành tinh “, một tầng xốp và ngọt. Và còn món “ Niềm vui của các nhà du hành vũ trụ “ – đó là kem dưới dạng các tinh thể thạch anh của Mặt trăng.
Biata luôn luôn ở tâm trạng sảng khoái, phấn chấn. Tâm trạng này có thể giải thích hoàn toàn là do việc cô ta được quay về trái đất, nếu như không thoáng thấy vẻ lo ngại trên bộ mặt hơi nhợt nhạt và trong cặp mắt của cô. Tôi còn cảm thấy trong ánh mắt của cô ta có sự dò hỏi và ngạc nhiên, hình như có thể giải thích được: chúng ta ngồi dưới mái che ánh nắng nóng bỏng của mặt trời, những cánh quạt vô hình không tiếng động đang phe phẩy cho chúng ta làn gió thơm mát; và trong cành lá rậm rạp những con vẹt huyên thuyên đang trao đổi thông tin, những con bướm sặc sỡ đang bay lượn, nước róc rách trên các tảng đá.
Khi Biata quay về thay áo, Côxchia nói:
-Cậu có nhận thấy cô ta có gì khang khác không? Có cái gì đó ức chế. Cần phải làm cho cô ta thoải mái. Có lẽ vũ trụ là một chuyện nghiêm trọng. Hay cô ta bị ảnh hưởng của bức xạ. Ở trên kia tia bức xạ mạnh hơn dưới này nhiều lần. Vì ở đó cô ta phải trực, phải tuần tra, canh gác bảo vệ cho toàn thể loài người! Cậu có thể hiểu được điều đó không? Bây giờ chúng mình đưa cô ta lên tàu chạy xuôi nhanh như gió đến bãi cát và sẽ đưa cô ta đi xem rừng san hô. Đáng tiếc là không thể đến đảo của những người máy được!.. Cô ta kia rồi!
Biata dừng lại ở rìa bệ đá ba-dan bóng loáng. Dưới ánh nắng mặt trời cô ta đẹp như ngày hội.
– Các anh sống khá lắm. Chẳng có gì phải lo lắng, – trầm ngâm một lúc, cô ta nói: – Không, không, đừng làm ra vẻ quan trọng. Thế mà gọi là lo lắng à? – Cô ta khoát tay. – Chỉ có sự vui sướng! Đại dương! Trời xanh! Không khí như thế này! Nước muốn bao nhiêu cũng được! Bọn tôi ở đó chỉ toàn một màu đen kịt trên đầu, hay nếu thích có thể gọi là một khoảng không đen kịt. Tôi không phàn nàn. Các anh ở đây không hiểu được trên đó thế nào. Chỗ chúng tôi tốt ghê gớm. Không, xin lỗi, chữ “ tốt “ không hợp. Ở đó chúng tôi mặt đối mặt với sự vĩnh cửu, với Thiên hà chưa nhận thức được. Ở đó cái đẹp áp đảo. Những vì sao không nhấp nháy. Đại dương đen kịt. Những hòn đảo phát sáng. Giá các anh được nhìn Mặt trăng từ chỗ chúng tôi! Nó mới to lớn, nặng nề và vàng làm sao! Các anh hãy thử nhìn lên đó cái nơi “ đầy trời sao “ xem! Từ cái khoảng không vô tận ấy cơn bão các mảnh nguyên tử lao nhanh, văng vào chúng tôi. Đâu đó một vì sao bốc cháy, chiếu cái thứ ánh sáng bí ẩn của mình tới chỗ chúng tôi. Ở đây các anh hoàn toàn không suy nghĩ đến nó. Đối với các anh đó là cảnh ngẫu nhiên, một sự kiện vũ trụ hơi giật gân. Chúng tôi thì sống với nó. Nó gợi cho chúng tôi một cảm giác lúc thì như mặt trời xanh, lúc thì như một đám mây lửa đốt cháy các vì sao. Đôi khi tôi thấy nó như một đốm lửa vàng không lớn hơn hạt lúa mì.
– Cô mệt rồi, Biata ạ, – Côxchia nói. – Nhưng không sao. Chương trình hôm nay của chúng ta như thế này. Bây giờ ta ra tàu và…
– Không, để sau hẵng. Trước tiên tôi muốn đi dạo quanh hòn đảo của các anh đã. Hòn đảo của các anh thật là một kỳ quan. Sau hãy đi chơi tàu và xem các móm đá ngầm. – bất thình lình cô ta hỏi: – Tại sao Vêra bỏ đi bất ngờ như vậy?
Chúng tôi hỏi lại:
– Cô quen cô ấy à? Đã lâu chưa? Do đâu mà quen?
– Do anh Côxchia, – Biata mỉm cười. – Anh đã giới thiệu tôi với cô ấy.
-Tôi à? Bao giờ? Không thể được! Cậu có biết gì không hả Ivơ?
– Anh kể chuyện về tôi. Tất nhiên cô ta để ý. Ngoài ra học viện của các cô ấy còn cung cấp táo để ăn cho chúng tôi; họ có nhiều khả năng trao đổi với vệ tinh. Cô ta khen các anh… Còn bây giờ ta đi thôi.
Biata nhìn mọi phía, cặp mắt ẩn dưới vành chiếc mũ xanh ánh lên niềm hạnh phúc. Cô ta nghe Côxchia kể về những chuyện phiêu lưu của chúng tôi; cậu ta đưa ra những tình tiết mới ngay đến tôi cũng không biết. Tôi không ngắt lời Côxchia đang say sưa kể chuyện. Có thể tôi quên hoặc không để ý đến Giéc Đen khi ra khỏi tàu cấp cứu đã đưa mắt nhìn Côxchia đầy ý cảm ơn, hoặc lúc tôi cứu Côxchia bắn vào con baracuđa dài hai mét. Đúng là tôi có bắn con baracuđa, nhưng tôi cho rằng nó không đe dọa gì Côxchia cả. Mặc dù không giấu giếm tôi cũng khoan khoái được thấy sự cảm phục trong mắt Biata. Cô ta đặc biệt thú vị cái đoạn cuối về Giéc Đen, thích bài ca trước lúc chết của nó mà cô sẽ được nghe hôm nay, cùng với việc Côxchia cương quyết cứu những con cá kình.
Trong lúc cố kéo Biata ra khỏi những ý nghĩ ảm đạm, Côxchia ra cổng tô vẽ “ tâm trạng “ của cậu khi đứng trên lưng Giéc Đen.
– Chúng mình sẽ giới thiệu nó cho cô biết. Rất dễ tìm nó.
– Vâng, – tôi châm chọc, – trong bụng nó có đèn pha rađiô.
Côxchia nháy khoái chí:
– Anh bạn tôi nhầm rồi. Một trong những con cá kình tự sát đã nuốt mất. Mình gắn một đèn pha lên vây lưng của Giéc. Đây là một trong những chiếc đèn hiện giờ ta gắn cho cá nhám voi và cá voi. Vì vậy, nó giật mình hất tung tớ lên cao tám mét.
– Không quá ba mét, – tôi sửa lại.
Biata nhìn tôi vẻ không bằng lòng:
– Tôi thích tám mét hơn.
– Đẹp hơn! – Côxchia cười khà khà.
Tôi và Biata cùng phá lên cười.
Trauri Xinkhơ đi lại phía chúng tôi. Cậu ta chào Biata và bảo:
– Ivơ, đành phải nhờ cậu giúp đỡ. Lagơrănggiơ ốm. Cảm nhẹ. Mác và Nôra ra lệnh cho cậu ta phải ở trong nhà một tuần lễ. Giăng mừng rằng mình để cậu ta yên thân. Cậu không bận lắm chứ?
Đọc được câu trả lời trên nét mặt tôi, lần đầu tiên kể từ khi quen biết nhau, tôi thấy cậu ta cười. Cậu ta có hàm răng đẹp tuyệt, màu trắng ngã nổi bật trên nền đen màu than của bộ râu và hàng ria mép.
– Tàu “ Cá Bơn “ còn chỗ thứ ba.
Côxchia nắm chặt khuỷu tay tôi nháy cả hai mắt.
– Biata mới từ vũ trụ về. Cô ta là nhà vật lý thiên văn…
Trauri Xinkhơ lại trịnh trọng cúi đầu chào Biata:
– Tôi và chị là đồng nghiệp. Có điều vũ trụ của tôi gần hơn và đông dân cư hơn, – anh ta quay sang tôi: – Có chuyện gì đó với Giắc. Hắn ta từ giã thành Troa đổ nát. Mọi kênh thông tin của chúng tôi đều bị mất hết. Và hơn nữa cá nhà táng xuất hiện. Tôi sợ Giắc cũng biết chuyện này và đang đi tuần vùng săn của mình. Hắn ta không chịu nổi sự can thiệp đó. Chúng ta cần giúp đỡ Giắc, không thể để hắn liều lĩnh. Các cuộc thí nghiệm mới chỉ bắt đầu.
Chúng tôi đi ra bến tàu. Ở sát thành bến có hai chú đenphin đang gì mũi vào chiếc “ Cá Bơn “, ngó nhìn cửa sổ tàu.
– Đó là Mích và Pôn, – Trauri Xinkhơ nói. – Chúng nghịch ngợm muốn nhìn xem bên trong có gì. Ivơ ạ, mình đề nghị chúng ta lại đi tay đôi vậy.
– Không, sao thế? – Biata nói. – Lúc nào tôi cũng thích đi tham quan dưới nước, nếu được các anh cho phép. Có điều, tôi sẽ chỉ là một khán giả vô tích sự.
Trauri Xinkhơ lắc lắc đầu:
– Hai máy quay phim và súng đằng lái thuộc quyền chị.
– Bỏ tay mình ra, Côxchia, – Biata bảo. – Súng đằng lái quyết định vấn đề. Ở đây có thể có chỗ thứ tư không? – cô ta hỏi, vẻ ái ngại cho Côxchia.
Biết rằng không thể có chỗ thứ tư, Côxchia đau khổ nói:
– Xin cảm ơn! Hôm nay tôi không định bơi trong cái “ đĩa “ này. Nhưng… – mắt cậu ta ánh lên niềm hi vọng, – nhưng nếu Ivơ không định… Lần trước cậu ta nói rằng bóng tối đen tác động không tốt lắm đến cậu ta và sau đó…
– Không! Không! – nhà phỏng sinh học đang đứng ở cạnh nắp cửa vào tàu vội nói. – – Ivơ nắm rất vững cơ cấu của động cơ. Lần trước không có cậu ấy giúp đỡ thì mình chẳng đi nổi. Xin mời!
Côxchia và Tavi, Prôtây tiễn chúng tôi đến độ sâu hai chục mét. Cậu ta gõ vào cửa sổ tàu và bơi lên. Những đenphin lắp bắp lời chúc tụng tạm biệt, khi bóng chúng mờ dần sau cửa sổ. Sau lưng tôi từng lúc nghe tiếng máy quay phim quay sè sè. Biata quay phim Côxchia, các đenphin và một đàn cá ngừ. Tôi bỗng nhớ lại cái lần đầu tiên lặn xuống sâu, tôi đã nghĩ đến Biata như thế nào. Và đây, cô ta đang ngồi sau. Lưng tôi suy nghĩ gì đó. Khoang tàu sực nức mùi hương man mác của “ Bụi sao “.
Biata nói:
-Côxchia hoàn toàn có thể ngồi cạnh tôi.
– Đáng tiếc, nhưng tất cả chỉ dành cho ba người, đặc biệt là vấn đề tái tuần hoàn ôxy, – nhà phỏng sinh trả lời và nói: – ở đây chắc hẳn phải làm cho chị thích thú. Tuy vậy, làm sao mà tìm được một người hờ hững với cái chưa từng biết.
-Tôi rất thích, cảm ơn anh. Tôi đã vài lần được đi tàu ngầm du lịch ở độ sâu hai trăm mét. Nhưng chưa lần nào đi tàu “ Cá Bơn “. Tôi có cảm giác như lại được ở chiếc “ Bánh mì vòng “ – chúng tôi vẫn thường gọi trạm của mình như vậy. Nó thật giống chiếc bánh xe, có điều cảm giác hoàn toàn khác nhau: có cảm giác như chúng tôi ở một không gian khác, một vùng khác của Thiên hà, chịu tác động của những qui luật khác. Còn anh và anh Ivơ giống như những con người bí ẩn từ Hệ thống sao khác… Cái gì kia? cái gì bừng sáng lên thế? Cứ y như một cục sắt cháy vì va phải các lớp khí quyển lớp trên. Chắc hẳn những con vi mực của các anh đang xôn xao vì sự xâm nhập của chúng ta phải không?
-Tôm. Đặc những tôm là tôm. – Trauri Xinkhơ im lặng vài giây, quan sát một đàn những “ đốm lửa “ màu xanh và nói tiếp: – Sự so sánh độ sâu của biển với vũ trụ trở nên tầm thường, ấy thế mà nhiều người nói những từ đó không chịu đào sâu vào nội dung của những từ đó. Chị thì khác. Chị đã trông thấy, cảm thấy vũ trụ, vì vậy lời nói của chị không vô nghĩa.
Biata cảm ơn. Trauri Xinkhơ ngọt ngào nói tiếp:
-Vâng, ở đây là một thế giới khác, áp lực khác, ánh sáng và âm thanh lan truyền đi cũng khác. Những quá trình sống và sự thể hiện của nó cũng khác. Ở đây chị có thể gặp những sinh vật gây ấn tượng mạnh hơn người phục vụ trung thành của chị và cả hơn Ivơ; chúng cũng không kém bí ẩn hơn các cư dân sống trên các hành tinh của chòm sao Phượng hoàng, Con chó lớn, Con rệp và Gãu lớn.
Trên màn ảnh hiện lên khuôn mặt tươi cười của Côrinhtơn. Hôm nay cậu ta trực ở trạm điều khiển trung tâm. Côrinhtơn truyền đạt rằng theo những tin tức mới nhận được do các đenphin thông báo thì những cá nhà táng xuất hiện ở vùng chăn cá voi. Chúng chẳng để ý đến phù du và có thái độ khoan dung với những chiến hữu màu xanh, nhưng hành vi của chúng đáng nghi ngờ. Các đenphin cam đoan rằng những cá nhà táng tập hợp để đi kiếm ăn ở độ sâu lớn.
-Tôi hi vọng rằng anh sẽ đánh giá được những khả năng tối ưu, – Côrinhtơn lưu ý Trauri Xinkhơ.
-Tạm thời tôi chưa thể đánh giá được, – anh chàng Ấn Độ lạnh lùng trả lời.
– Bao giờ anh cũng có ý mỉa mai đối với những đề nghị của tôi. Tôi trân trọng đặc điểm đó của anh như một sự khôi hài, – cậu ta nháy mắt, – tôi cũng thường hay tự cười mình. Nhưng trong trường hợp này tôi đề nghị anh hãy có thái độ nghiêm túc nhất.
Anh hiểu cho rằng chúng ta không có tin tức truyền hình về “ hoạt động “ của cá nhà táng ở những độ sâu lớn. Đây là một trường hợp rất hiếm đặt ra với anh, để lấp chỗ khuyết đó và theo dõi sự tiếp xúc của chúng với những con mực. Tôi hi vọng rằng anh sẽ hiểu cho tin tức này quan trọng biết nhường nào.
-Vâng… Nhưng anh nên hiểu rằng nếu chúng muốn “ động “ đến Giắc, thì tôi sẽ áp dụng mọi biện pháp để ngăn cản loại hoạt động như vậy.
Côrinhtơn ngạc nhiên nhún vai. Do nhiễu, nên khuôn mặt cậu ta dàn ra khắp màn ảnh.
-Anh nói thật nghiêm túc và có trách nhiệm đấy chứ? – cậu ta hỏi lại, giọng run run.
– Vâng.
-Anh có hiểu rằng khả năng đó thì hàng chục, hàng trăm năm nữa cũng không xảy ra không?
– Vâng.
Côrinhtơn nhăn mặt, im lặng lắc đầu. Mười giây sau, chắc hẳn đã kìm được bực dọc bất lực và phẫn nộ, cậu ta nói:
– Tôi sửng sốt! Ngạc nhiên! Dù sao… Dù sao tôi vẫn không thể mất hi vọng. Anh hãy hiểu cho là mọi chuyện sẽ tốt lành! – Cậu ta cố gắng cười phấn chấn, nhưng nhiều lại ép diện mạo cậu ta lại, rồi lại căng ra đến nổi trên màn ảnh chỉ còn thấy chóp mũi và hàm răng trắng kéo dài kệnh cỡm.
-Anh có cái lạc quan đáng ghen tị.
– Đâu dám. Có thể hỏi anh vài câu được không?
Anh chàng Ấn Độ mệt mỏi gật đầu.
– Sâu năm trăm mét hả?
-Bốn trăm chín nhăm mét.
– rất tốt. Đã qua khe sâu chưa?
– Chưa.
– Hướng một trăm bốn mươi?
– Một trăm bốn ba.
– cảm ơn. Và câu cuối. Cho phép tôi nhắc nhở trong tàu của anh có một máy quay phim đặc biệt. Tạm biệt. – Cậu ta nó – nụ cười và tan biến đi trên màn ảnh.
– Một con người đáng mến làm sao! – Biata nhận xét.
-Vâng. Đúng như vậy. Đấy là chưa động chạm đến công việc mà anh ta gọi là “ thông tin tạo hình “.
– Anh ta say sưa và tin cậy như vậy mà tại sao anh không thực hiện yêu cầu của anh ta?
-Nếu như sự việc liên quan đến bất kỳ một con mực nào, trừ Giắc. Chúng tôi đặt bao nhiêu hi vọng vào Giắc. Toàn bộ Hệ thống thần kinh của nó phải kiểm tra. Chúng tôi đã đặt vào não nó một máy phát tin tối ưu.
-Anh sợ cá nhà táng làm hỏng máy phát tin à?
– Đúng, sác xuất khá cao. Chúng có thể ăn thịt Giắc, hoặc làm mất trạng thái bình thường trong một thời gian.
– Nhưng các anh cũng phải quan tâm đến “ bệnh “ của nó.
– Tôi không nghĩ rằng sau một trận. Đụng độ với cá nhà táng nó còn có gì đáng chú ý.
– Các anh tin rằng con cá nhà táng thắng con mực à?
-Trong phần lớn trường hợp thì kẻ thắng là cá voi. Điều đó nói lên rằng kinh nghiệm và bộ não đã phát triển cao. Còn Kingo và Ôrophây là hai con kẻ cướp già và giàu kinh nghiệm.
– Các anh định ngăn cản trận xung đột sống mái của chúng bằng cách nào?..
Tôi say sưa nghe giọng nói của Biata, không để ý đến ý nghĩa của từng lời. Tôi ngoái nhìn, cô ta cười với tôi.
– Nhìn kìa, một đám cua! – Biata thốt lên. – Không, không phải, các anh đừng có nói rằng ai đó đổ ra một dòng nước phát sáng. Lũ cua này làm gì ở trong chỗ tối này? Săn bắt lẫn nhau à? Con mạnh ăn thịt con yếu à? Lớn nuốt bé à?
– Nhiều khi khối lượng của các đấu thủ không có ý nghĩa gì trong trận sống mái cả. – Trauri Xinkhơ bật đèn chiếu.
Những tia sáng đàn hồi như có thể chạm được vào lan truyền khắp phía, như những chiếc cánh của cái tàu lượn viễn tưởng. Trên màn ảnh máy định vị bừng lên những đốm sáng. Có lẽ đó là con vật nào đó lọt vào đường sóng âm thanh của máy định vị. Căn cứ theo những vết sáng thì đó là những con cá, hoặc những con mực không lớn lắm. Thỉnh thoảng lẫn vào trong luồng ánh sáng có những con cá trắng nhợt khó thấy, chúng giương đôi mắt thần kỳ và nghiến răng.
Trong luồng sáng của đèn chiếu bên cạnh một đôi cá thoáng hiện lên và mất đi ngay. Con nhỏ hơn nuốt con lớn gấp ba lần mình.
– Anh thấy chứ? – Biata hỏi. – Khiếp quá! Tuy rằng tôi đã được xem phim về tất cả những điều khủng khiếp này từ khi còn học môn “ sinh vật của biển cả “.
– Ồ đó là sự sao chép, còn đây là thực tế, – Trauri Xinkhơ nói.
-Cũng như ở trong vũ trụ. Tôi đã được xem những cuốn phim về bầu trời sao rất nhiều lần. Đó là những sao chép chính xác của Thiên hà được quay ở cách Trái đãt hàng triệu kilômét và được xem ở trên Trái đất, ngồi trong chiếc ghế bành tiện lợi và có ý thức được rằng bây giờ đây ta có thể đứng dậy đi vào công viên dưới ánh nắng mặt trời. Lần đầu tiên khi bước vào đài thiên văn chính của vệ tinh nhìn sông Ngân Hà và Trái đất tim tôi se lại; và tôi đã khóc òa lên. Bây giờ tôi cũng có cảm giác như vậy.
Trauri Xinkhơ im lặng, chăm chú nhìn vào các đồng hồ đo lường. Chiếc tàu “ Cá Bơn “ bơi vào khe sâu, đi sượt qua những tảng ba-dan to lớn, ảm đạm, kỳ lạ. Nhưng hôm nay hình như chưa đạt được một cái gì đó trên đôi bờ khủng khiếp của luống nước sâu. Tôi liền nhắc đến điều đó.
Trauri Xinkhơ trả lời:
– Không gặp Giắc. Nó thật gắn liền với cảnh vật. Bây giờ chỗ này thật chẳng khác nào căn nhà vắng chủ.
Tôi bảo Biata:
– Nó vẫn đứng bên tường thành, như một chàng sinh viên lần đầu tiên đến chỗ hẹn.
– Đứng dưới chân đồng hồ hả? Biata cười.
Tôi cũng trở nên vui vẻ khác thường, nhưng nén cười, chạm vào người anh chàng Ấn Độ đang ngồi nghiêng nhờ nhờ trong bóng tối. Chòm râu đen của anh ta biến mất đi, nhưng rồi bỗng hiện ra khi anh đến sát chiếc đồng hồ phát quang.
Tôi quan sát một điểm đỏ di chuyển chậm chạp trên đồ thị cở nhỏ. Điểm đó là chiếc “ Cá Bơn “ đã để lại trên đồ thị một vết màu xanh. Chúng tôi ra khỏi luồng nước sâu và giờ đây chạy chậm theo một đường xoắn ốc; máy định vị lùng sục trong một khoảng tối dày đặc.
Biata nhìn qua vai tôi theo dõi điểm đó. Hơi thở nóng hổi của cô ta sưởi ấm má tôi.
-Nó ở đầu? Biata thầm thì. Cuộc đi săn con mực vô hình lặng lẽ trong bóng tối đang choán hết tâm trí cô ta và chúng tôi. Từng tiếng vỗ nước trên màn ảnh, tiếng ồn ào khó hiểu bất chợt vọng ra từ máy dò âm dưới nước, cũng làm chúng tôi xôn xao. Linh cảm thấy có cái gì đó bất ngờ, bí ẩn và có vẻ khủng khiếp.
Ở độ sâu chín trăm năm mươi mét trên màn ảnh rađa hiện ra thân hình lờ mờ của một con cá nhà táng. Con cá đang lao xuống sâu một góc tám mươi độ. Dưới kia, ở độ sâu một ngàn ba trăm mét một con mực đang lao lên; con mực đâm thẳng vào con cá nhà táng.
Trauri Xinkhơ lái chiếc “ Cá Bơn “ chúc xuống dưới, hướng thẳng tàu vào điểm gặp nhau của hai địch thủ. Anh ta bảo Biata:
– Hễ trong tầm nhìn hiện lên con nào thì chị cứ bắn ngay.
-Thế nào? Bắn bằng súng à? Súng đâu?
– Chị ấn nút đó trên báng.
– Tôi thấy rồi. Tôi sẽ giết chúng hả?
– Không. Chị chỉ làm chúng tê liệt trong vài phút. Nhưng đó chỉ là trường hợp hãn hữu. Tôi sẽ tự bắn.
Anh ta đã phóng một luồng sóng siêu âm vào con cá nhà táng. Chẳng hiểu vì quá xa, hay vì luồng sóng đi sượt mà con cá nhà táng không thấy giảm tốc độ. Cuối cùng cũng thấy nó quẫy đuôi, nhưng vẫn tiếp tục đâm thẳng vào con mực.
– Tôi không ngờ Giắc lại hay gây gổ như vậy, – Trauri Xinkhơ nói. – có thể không phải nó, – Biata nghi ngờ.
– Đây là địa phận của nó… Cái gì ấy nhỉ? Động cơ!
Chúng tôi dừng lại. Điểm đỏ im lìm trên đồ thị. Tôi càng ra sức tìm chỗ hư hỏng, thì lại càng thấy rối bời. Trauri Xinkhơ không nói một lời, chỉ nhìn vào màn ảnh.
Chiếc “ Cá Bơn “ đi thêm độ hai trăm mét theo quán tính, sau đó dừng hẳn lại. Bây giờ chúng tôi chỉ có thể di chuyển được theo chiểu thẳng đứng lên hay xuống. Ác-qui dùng trong trường hợp bất trắc cho phép chạy như vậy và đồng thời cung cấp điện cho máy định vị, đèn chiếu, và thiết bị tái sinh không khí. Chúng tôi ở trong điều kiện an toàn tuyệt đối, có điều không thể tiến lên hoặc lùi lại.
Biata khẽ kêu lên. Con mực lao vào cạnh sườn con cá nhà táng, ôm chặt lấy nó bằng cả mười cái vòi. Cuộc chiến đấu đã bắt đầu. Con cá nhà táng không dưới tám chục lần quẫy mình mau lẹ, cố gắng dứt khỏi con mực. Giờ đây ưu thế rõ ràng là về phía Giắc. Con mực siết chặt, dứt từng mảng da đối thủ bằng những chiếc “ vòi hút máu “. Không những thế, nó còn có thể ở dưới nước sâu bao lâu cũng được. Còn cá nhà táng thì cứ sau một giờ đã phải hít thở không khí, nếu không sẽ bị ngạt.
Trên màn ảnh điện thoại truyền hình hiện lên khuôn mặt kích động của Côrinhtơn. Cậu ta yêu cầu:
-Trauri Xinkhơ thân mến! Cậu chuyển ảnh sang kênh tại tần đi. Nào!.. Cảm ơn! Nhìn rất rõ, rất tiếc là ảnh không có màu. Các cậu có thể đến gần hơn và bật đèn của các cậu lên được không?
– Không.
-À, vâng. Tôi hiểu… Giắc của các cậu không đến nổi ngốc thế đâu. Nó sẽ tranh thủ thời gian… Cú quật gớm chưa! Tôi đem đầu ra mà cuộc là Ôrơphây sẽ kết liễu con thân mềm…
– Không khi nào! – Trauri Xinkhơ ngắt phần âm thanh của máy điện thoại truyền hình và háo hức nhìn vào ảnh xám đen của hai thân hình đang quay lộn.
Ôrơphây thay đổi chiến thuật. Biết rằng không thể dứt khỏi địch thủ, nó vận người sững ngay lại và lao vụt lên trên. Giắc cản lại bằng cách xòe ra như dù và mở động cơ phản lực.
Chiếc “ Cá Bơn “ nâng lên song song và một phút sau dừng lại: hai đấu thủ cũng không chuyển động, cân bằng lực hút nhau. Ôrơphây giật lùi. Bằng miếng mẹo như vậy nó gỡ được hai cái vòi, nhưng mất hẳn những mảng da. Với một tốc độ khủng khiếp nó quẫy mình theo trục dọc và gỡ thêm được hai hay ba “ chiếc tay “ khổng lồ. Lực quay mạnh đến nổi Giắc không thể túm lại được. Ôrơphây cứ quẫy, vặn liên tiếp. Những “ tay “ của Giắc bị xoắn lại, thân hình khổng lồ của nó lùi về phía sau. Tôi cảm thấy Giắc đang ra sức chống lại quán tính. Nhưng nó không sao hiểu nổi là làm như vậy, nó đã giúp cho Ôrơphây thoát khỏi “ tay “ nó nhờ vào trọng lượng bản thân.
Tiếng “ Á “ nhất loạt của chúng tôi vang lên.
Giắc tách rời Ôrơphây và lập tức biến khỏi khung màn ảnh. Cá nhà táng quay sang một chỗ và dừng lại. Trên màn ảnh xuất hiện những vạch sáng trắng ngắt quãng: máy định vị của hai đấu thủ tăng cường hoạt động thăm dò nhau.
Chiếc “ Cá Bơn “ đạt sang một bên vì bị Giắc phun ra một luồng nước mạnh. Nó bơi đến một chỗ ở đâu đó không xa chúng tôi.
– Đáng nhẽ tôi cần phải bắn rồi nhỉ? – Biata hỏi.
– Không được bắn! Nó đang tức giận, có thể nhầm chúng ta là cá nhà táng, hay một kẻ thù mới nào đó. Nó không có thì giờ để phân biệt.
-Tôi tưởng nó đến gần, liền giơ tay ra định ấn nút, nhưng bị lắc mạnh. Tôi thấy nó bơi ở phía trước. Sao anh không bắn?
– Chị cứ bình tĩnh. Và nhớ là đừng có bắn. Tạm thời, không có lệnh tôi, không được bắn. Chị hiểu tôi chứ?
– Vâng, vâng! Tôi sẽ không bắn. Nhỡ bất thình lình nó nghĩ rằng đó là tín hiệu của Ôrơphây. Không, tôi sẽ không bắn.
Trauri Xinkhơ tăng độ rộng của luồng sóng máy định vị. Chúng tôi lại thấy cá nhà táng và con mực ở trên màn ảnh. Chúng đang lao vào nhau. Không những thế tôi còn thấy Giắc chuyển động nhanh hơn. Ôrơphây có chiến thuật xóc thẳng, nó cố sức lao vào “ mặt đối mặt “ với kẻ địch và đớp lấy địch bằng hàm răng khủng khiếp của mình. Giắc trái lại cố tránh hàm răng của Ôrơphây, cưỡi lên mình nó, chộp lấy đuôi nó. Hai con đuổi nhau thành vòng tròn.
Một điều hoàn toàn bất ngờ đối với Trauri Xinkhơ và tất nhiên, với cả tôi và Biata: chiếc “ Cá Bơn “ nằm ở tâm vòng tròn. Hai đấu thủ đang quần lấy nhau bơi vòng quanh, vòng tròn hẹp dần.
“ Nhỡ một con nào đó lao vào ta thì sao? “ – trong giây phút khiếp sợ này chắc hẳn không chỉ riêng tôi nghĩ như vậy. Không hiểu bằng cách nào con cá nhà táng đã tăng tốc độ lên vượt Giắc. Có lẽ Giắc đã bơi lặng hơn và tất nhiên hết sức liều lĩnh để cho Ôrơphây đến gần khoảng hai chục mét. Chúng tôi tưởng con mực sẽ chết. Hàm răng khủng khiếp của cá nhà táng sẽ đớp lấy nó ngay bây giờ. Bất thình lình một quả cầu tối mò nở phồng ra ngay trước mũi kẻ đang đuổi theo. Thế rồi khi Ôrơphây lao vào đó thì quả cầu vỡ ra không bừng lên một tia chớp tiếng động làm quáng mắt. Chắc hẳn Ôrơphây bị mất phương hướng – đám “ mây “ độc của những con thân mềm chân đầu có tác dụng làm tê liệt cơ quan cảm giác của kẻ thù. Về phía chúng tôi, chúng tôi cũng bị cái quả “ lựu đạn “ sáng loé đó làm loá mắt; trong vài giây chúng tôi chẳng trông thấy gì ngoài những vòng nhiều màu sắc trước mắt. Trong khi đó Ôrơphây chạm được vào chiếc “ Cá Bơn “ nhờ cơ quan định vị của mình. Tường đó là con mực, nó liền lao vào tấn công chúng tôi. Trauri Xinkhơ không biết, liền bật các đèn chiếu để dọa cả nhà táng và con mực: Biata trông thấy con cá nhà táng rất gần. Quên mất lời dặn của chỉ huy không được bắn khi chưa có lệnh, cô ta ấn nút. Ở khoảng cách gần như vậy, luồng siêu âm trong nháy mắt làm cho con cá choáng váng; buộc nó phải chuyển hướng. Dù sao nó cũng lao sượt nhẹ vào chúng tôi và chúng tôi lộn đi trong luồng nước tạo ra sau nó. Không ai trong chúng tôi bị thương. Chiếc “ Cá Bơn “ còn tiếp tục quay chậm khá lâu, nên không cản trở chúng tôi theo dõi cuộc chiến đấu đang tiếp diễn qua cửa sổ tàu. Giắc lợi dụng hiệu quả do trái “ bom “ của mình và sự hỗ trợ của Biata, đã cưỡi được lên Ôrơphây.
Những dòng máu đỏ và xanh không hòa tan vào nhau đang bao quanh chúng.
Cá mập xuất hiện. Hai con cá khổng lồ màu trắng và vài cá mập xanh đang thấp thoáng trong làn ánh sáng. Tạm thời chúng là những khán giả. Cá nhà táng đã yếu. Nó co vài lần nữa để dứt ra khỏi Giắc. Con này đang bám chặt lấy đuôi cá nhà táng, cưỡi lên lưng nó như một chiếc dù khổng lồ chưa mở. Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua. Ôxy trong máu Ôrơphây đã cạn. Con mực đang lôi nó xuống khoảng đen không đáy dần dần từng mét. Chúng tôi lao theo chúng đến độ sâu bốn ngàn năm trăm mét, sau đó nổi nhanh lên. Thật bất ngờ như khi máy bị tắt, động cơ bắt đầu hoạt động trở lại.
Côrinhtơn buồn rầu khoát tay nói cái gì đó. Bên cạnh cậu ta là Lagơrănggiơ. Trauri Xinkhơ mở phần tiẽng:
-… Một kết thúc không ngờ, – Côrinhtơn nói. – Thật là một trận chiến đấu đầy vẻ thơ mộng! Trận chiến đấu của những Titan. Tôi đã bảo là mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp, nếu như không tính đền cái kết thúc đáng buồn của con Ôrơphây tội nghiệp. Các anh đã được đảm bảo an toàn tuyệt đối. Bạn của anh…
Lagơrănggiơ ngắt lời, vừa cười vừa nói:
-Đúng, mình đã đặt hạn chế điều khiển từ xa. Lần trước cậu đến gần Giắc làm mất “ tay “ tàu. Cá nhà táng nguy hiểm hơn Giắc của chúng ta. Chắc chắn là nó không bị tổn thương gì đặc biệt. Tôi đợi và chúc mừng hai bạn đường dũng cảm của cậu.
-Đúng là những người dũng cảm, – Biata cười nói. – về Ivơ tôi không nói. Chỉ bây giờ tôi mới thấy hoảng sợ. Tôi run tay và không tin là sự việc đã xảy ra như vậy, nhất là khi tôi bắn con Ôrơphây tội nghiệp.
Trauri Xinkhơ quay lại, chằm chằm nhìn cô ta nhưng không nói gì: anh ta không để ý thấy Biata đã án nút bấm đằng lái lúc nào.