Những cây dừa nghiêng ngả, bãi cát ánh lên tia nắng lóa mắt của mặt trời. Đại dương gào thét mỗi lần không vượt qua được rặng đá ngầm chắn đường. Những bụi cây có hoa đỏ, lá cứng và láng bóng xanh lên trong đám cây cối. Nhiều mảnh vỏ dừa và những tàu lá dừa khô nằm la liệt trên bãi cát san hô lấp lánh. Cát mịn và nằng nặng. Bãi cát này là do nước và gió nghiền san hô và vỏ trai ốc mà thành. Cát cứ chui vào dép chúng tôi. Cứ mỗi bước chân cát lại rơi xuống và bị gió cuốn lên.
Bước chân đi thật nặng và thích thú. Chúng tôi thấy nặng vì bị cát lún. Nhưng còn cái thích thú là do Biata đem theo. Cô ta đi rất xa ở phía trước cùng với Côxchia. Vêra
Huýt sáo một bài hát nào đấy, âm điệu như ta thường nghe thấy khi có gió hanh. Cô ta mỉm cười, cặp mắt đeo đôi kính khổng lồ luôn luôn nheo lại. Cô ta cũng chẳng cảm thấy bồn chồn khi Côxchia và Biata đi ở cách xa chúng tôi đang cười nói chuyện gì. Trong những ngày này cô ta cũng như tôi, như tất cả chúng tôi, thấy thật dễ chịu. Tất cả chúng tôi đều yêu đời và tin tưởng tuyệt đối rằng mọi việc sẽ diễn ra đúng như cần phải thế. Lúc đầu tôi định rảo bước, nhưng Vêra đưa mắt ngăn tôi lại. “ Để làm gì? Mặc! Họ thích đi một mình “, – đôi mắt to của cô nói lên như vậy.
– Mặc! – tôi vui vẻ nói và khoác tay Vêra.
Tuy phải kéo cô ta đi ngược gió, nhưng tôi vẫn thấy nhẹ nhàng.
Lần đầu tiên chúng tôi có mặt trên vành đảo san hô này. Tất cả có tám hòn đảo nhỏ, bị lãng quên trong cái đại dương dành cho chim chóc và những con người đi tìm sự cô quạnh. Ở đây mọi cái đều nguyên vẹn như ngàn năm trước đây. Có thể cát đã nhỏ hạt hơn và cây cối thì nhiều hơn. Những năm gần đây xuất hiện nhiều dừa do những cặp vợ chồng mới cưới ươm trồng và khi những người may mắn lắp quả dừa xuống dưới cát, thì trên những cây dừa gần đó cũng xuất hiện những tầm biển nhỏ ghi ngày tháng.
– Thật là những con người kỳ quặc, – Vêra nói, – muốn đánh dấu tên tuổi mình. Một viễn cảnh đầy hứa hẹn và buồn rầu bị dẫn đến thất bại. Ngay cả những Kim tự tháp cũng phải phủ bằng chất dẻo để cho cuối cùng không bị gió và cát xóa khỏi mặt đất.
Ở phía có gió thổi cứ dưới một bụi cây lại có nhiều con chim to, nhỏ đứng quay đầu về hướng gió để cho cát khỏi giắt vào lông.
Bầy chim đưa mắt nhìn chúng tôi có ý để phòng.
-Những con chim đưa mắt nhìn chúng ta, anh có nhận thấy không? Chẳng khác nào chủ nhà nhìn những người mới đến… Đừng kéo mạnh thế, gãy tay bây giờ. Dừng lại thở cái đã.
Chúng tôi đứng quay lưng về phía gió. Những thân dừa rung rung, quen kháng cự lại dòng sông không khí này. Trong vũng biển sóng nước lăn tăn, con tàu trắng muốt của chúng tôi rập rình trên sóng.
Vêra nhận xét:
-Ở đây hệt như ngày đầu sáng tạo thế giới. Có điều bây giờ làm bù cả mái tóc, còn khi đó thì yên tĩnh, – cô ta tin tưởng nói, – rất yên tĩnh.
-Tại sao yên tĩnh? Ngược lại thì có!
– Anh không hiểu gì về sự sáng tạo thế giới cả. – Cô ta im lặng; rồi không quay mặt sang phía tôi, nói tiếp: – Anh nghe nhé, mấy câu này cũng có vẻ thơ đây chứ:
“ Biển cả, trời mây.
Vêra hỏi:
Bãi cát, rừng dừa. Bẫy chim cau cỏ.
Và làn gió muôn thuở
Cuốn hết buồn xưa “.
Không, tốt hơn là “ đem lại nỗi buồn xưa “. Tuy vậy cũng chẳng hay. Tôi đã được nghe và đọc thấy ở đâu đó rồi. Nói lên một cái gì đó mới mẻ chưa ai nói đến bao giờ – điều đó thật khó làm sao!
Tôi có cảm tình với những vần thơ buồn buồn đó, đặc biệt là giọng truyền cảm và du dương của Vêra. Tôi khen cô.
Vêra lắc đầu:
-Tôi đã biết trước là đọc không hay lắm. Đó là kể lể đơn điệu thôi.
– Cô cầu toàn quá, – tôi nói. – Cô nói về gió rất đúng. Về hòn đảo cô nhận xét cũng rất chính xác, đúng là nó có hình dáng như thuở mới khai thiên lập địa.
– Ô, không hoàn toàn như vậy. Ở đây đã có những người ưa sống cô quạnh đặt chân đến. Nhưng mọi dấu vết đã bị xóa mờ. Đấy, chính cái đó đã gợi lên nỗi buồn. Quá khứ cần phải luôn luôn cùng với chúng ta. Nó làm chúng ta phong phú lên. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng khác gì những con chim… Hoặc cũng có thể không như vậy, những con chim vẫn như cũ, chúng bảo thủ như chính thiên nhiên vậy. Không có quá khứ, con người cũng chỉ như những hòn đảo hoang mà thôi.
Cô ta đứng dừng lại một chút, đưa mắt lơ đãng nhìn những đợt sóng nhấp nhô ở phía xa và lắc đầu:
-Thế còn những vần thơ này:
“ Gió vĩnh cửu đem cho ta quá khứ.
Quá khứ muốn nói:
Trong biển cả,
Trong cát bồi,
Trong bầu trời,
Trong mỗi nguyên tử,
Trong người chúng ta
Trong tiếng gió –
Nơi rừng dừa xào xạc “.
-Im nhé. Ta đi thôi. Không có thơ nữa đâu. Những vần thơ đang tha thẩn ở gần đâu đây, nhưng chưa hiện ra. Những vần thơ ấy giúp chúng ta hiểu về mình. Những dòng này mới là đề tài.
Chúng tôi tay cầm tay líu ríu đi trên cát. Cô ta ngửa mặt ra đón gió và nói:
-Vấn đề “ Gió vĩnh cửu “ là một đề tài rộng lớn. Tôi muốn ca lên một bài ca về những người dũng cảm đi đón gió và bị gió xua đuổi. Và anh có biết ai gợi ý cho tôi cái đề tài này không? Người cha của đenphin đấy. Một con người có trái tim thép! Tôi thích trò chuyện với ông cụ vào giữa buổi hoàng hôn vô tận của ông. Cô Diểm Lệ cũng có mặt luôn luôn chăm chú nghe, ghi tất cả mọi điều và phát ra câu cách ngôn đúng lúc hoặc không đúng lúc. Anh có nhớ lúc ở trên tàu “ Hải âu “ ông cụ hói chúng ta: “ thế nào, gió cuốn đi đấy. Không dừng lại được đâu. Dù có thu nhỏ buồm lại, gió cũng vẫn cứ cuốn đi. Mặc cho nó cuốn. Có điều là phải học lái buồm. Còn lâu mới đến đích. Ồ, còn xa lắm “. Anh nhớ chứ?
Tôi trả lời là có nhớ câu châm ngôn mà lúc đó tôi cho là phô trương ấy.
-Thế mà tôi lại không nghĩ thế. Tôi thấy thích thấy giáo ngay. Côxchia đối với thầy không được đúng mức, thậm chí còn tàn nhẫn, thế mà thầy lại nhận ra ngay cái gì đó sau tính xốc nổi và tính khí thất thường. Côxchia đang có một sự chuyển biến lớn về nội tâm đúng như anh đã thú nhận với tôi. Côxchia nói rằng trong có một tháng mà anh ấy thấy chín chắn hơn, hiểu mình và bạn bè thân cận – Vêra nhìn tôi. – và anh ấy cho rằng trước đây không phải lúc nào anh ấy cũng có thái độ đúng mức đối với họ.
– Vâng, chúng tôi với anh ấy không bao giờ có những bất đồng nghiêm trọng. Chẳng qua là cũng có lúc tôi làm phiền anh ấy vì những ý kiến phân tích tâm lý. Còn nói chung thì cũng chẳng sao.
– Có lẽ là tôi không nên nói điều đó với anh.
– Không, sao lại như vậy…
-Thôi được. Cần phải hiểu bạn bè về mọi mặt… Ôi chao, gió quá. Giữ tôi với, nếu không thì gió thổi bay đến chỗ đá ngầm mất.
Chúng tôi chờ lặng gió.
-Thấy không, tôi đã nói cho anh nghe bao nhiêu là chuyện về gió. Lần vừa rồi người cha của đenphin lại kể cho tôi nghe chuyến bay thê thảm của ông và về trái tim ông. Sau đó ông tiễn tôi và dọa sẽ đưa Diểm Lệ đi “ đại tu “. Ông để Diểm Lệ ở nhà. Mãi đến lúc đó ông mới nhắc đến ý nghĩa của quá khứ. Và đây là lời nói của ông: “ Không có quá khứ, con người cũng chỉ như những hòn đảo hoang mà thôi “. Ông tặng tôi câu nói đó. Tôi sẽ lấy nó làm đề từ cho bài ca. Người cha của đenphin rất hay chuyện và buổi chiều đó ông tỏ ra rất hào phóng. Gió hanh thổi hiu hiu, mơn trớn. Ông lắng nghe và nói: “ Thật là hạnh phúc, vì có gió vĩnh cửu thổi trên hành tinh. Tôi không ưa trời yên gió lặng. Trong thiên nhiên quả là không có cái đó. – Cô ta ngẩng đầu nhìn dòng sông Ngân. – Ở đó gió vĩnh cửu đang thổi và làm căng phồng cánh buồm vũ trụ “. Hay chứ?
– rất hay.
Biata và Côxchia chờ chúng tôi ở bờ đại dương. Giỏ đem theo những hạt bụi nước li ti. Mặt mũi, tay chân, tóc tai bị một lớp muối mỏng bay đên bao phủ. Ở xa xa có những con đenphin giỡn sóng. Chắc hẳn đó là Tavi và Prôtây. Chúng đã dõi theo chúng tôi từ xa và bây giờ cho chúng tôi biết về sự có mặt của chúng. Chúng tôi giơ tay chào mừng, còn chúng thì chào lại chúng tôi bằng cách đồng loạt nhảy lên và lẫn vào trong lớp sóng xanh.
-Tôi mất hẳn thói quen với gió trên mặt đất, – Biata kêu lên. – Ở trên kia không cảm thấy gió. Gió mặt trời… Gió thổi từ trung tâm Thiên hà và từ hàng tỉ những Thiên hà khác.
Mắt Vêra sáng long lanh:
– Các anh nghe cô ta nói thế nào? Hệt như Mêphôđiêvích.
– Tôi chán ngây gió của các bạn! – Côxchia kêu lên. – Tôi sẵn sàng sống ở một nơi yên lặng. Ta đi thôi. Ở đây có những căn lều. – Không chờ đợi chúng tôi đồng ý, cậu ta đi thẳng vào một cánh rừng dừa. Dừa mọc rất rậm rạp: ở đây đã từng có rất nhiều người ưa sống cô quạnh chuyển đến. Đứng ở bên kia bức tường dừa có thể nói chuyện thoải mái không cần phải gân cổ lên.
Biata bảo:
-Chúng ta sẽ không phải trồng cây mới nữa; ở đây nhiều lắm rồi. Các bạn nhìn kìa, bao nhiêu là cây mỏng mảnh và biết bao nhiêu là cây bị gãy gục và bị chết khô.
– Mình lại có một đề nghị khác, – Côxchia nói. – Chúng ta có thể lưu lại kỷ niệm về mình, có thể làm cho mình nổi tiếng và thậm chí có thể tạo vinh quang bằng con đường khác một chút.
-Ở đây à? – Vêra hỏi.
– Không ngoài hòn đảo này.
– Một viễn cảnh thật hấp dẫn, – Biata mỉm cười, – nhưng sặc mùi phiêu lưu. Anh muốn chặt rừng à?
-Con mực Vĩ đại sẽ giữ cho mình thoát khỏi bước tội lỗi ấy. Sự việc giản đơn hơn: chỉ cần thu nhặt tất cả những tấm biển đem chất đống lại rồi để vào đó rằng chúng ta đã làm việc này.
Vêra nhận xét:
-Anh Côxchia không được bình thường lắm. Cơn gió nào, từ đâu đã thổi vào đầu óc anh những ý nghĩ ấy?
-Tôi không hiểu và cũng đang định tự mình giải thích đây. Chắc hẳn hồi ức di truyền của tổ tiên trong tôi quá mạnh. Họ đã làm những việc mà tự mình không hiểu. Thầy giáo của chúng tôi bảo thế.
Vêra lắc đầu nhìn Côxchia và nói bằng một giọng khác lạ:
– Trong cái tập tục ngây thơ này có bao hàm một ý nghĩa sâu xa. Tôi đọc được ở đâu đó một câu châm ngôn cổ: “ Người nào không giết kẻ thù, không sinh con trai, không trồng cây, thì người đó đã sống uổng phí một đời “. Trồng cây, dù là để lại cho hậu thế một dấu vết như vậy cũng đủ để biện bạch cho sự sống. Còn cây cối là một sự hồi ức về hạnh phúc. Như thế mới hay chứ!
– Một tập tục tuyệt đẹp, – Biata công nhận. – Đáng tiếc là ở đây không còn chỗ. Còn trồng cây để cho nó chết, hoặc mọc lên còi cọc thế này thì không nên.
– Đúng là không nên, – Côxchia ủng hộ. – Để lại cái kỷ niệm ốm yếu làm gì. Nào, ta hãy bay đến Caliphoócnhia và trồng cây ở đó. Sau đó ta vẽ lên một vòng parabôn và hạ xuống Kênhi trồng pây mì… Đó là lâu đài của các cặp tình nhân.
Một ngôi nhà xinh xắn quay mặt ra vũng biển ẩn náu sau cánh rừng dừa khuất gió.
Ngôi nhà kiểu Nga. Những người ưa thích cô quạnh nào đó đã chặt những tàu dừa xuống lợp mái.
– Đẹp tuyệt! – Biata thốt lên. – Nhà làm toàn bằng gỗ!
Côxchia bổ sung:
– Làm bằng gỗ lưu niệm. Không biết ai là nhà kiến trúc nhì?
Cửa sổ duy nhất bỏ ngỏ. Cánh cửa mở rộng đón khách. Sàn nhà lát bằng những tấm san hô. Trên đó có một người đàn ông rậm râu không rõ tuổi, ăn mặc phong phanh đang ngồi, tay vặn một cái máy vạn năng dùng trong khi đi du lịch. Theo ý những người chế tạo thì máy này dùng để cung cấp điện năng, nấu ăn, thắp sáng và các việc cần thiết khác. Nói chung tiện nghi đầy đủ nếu như giữ được một nửa những điều chỉ dẫn ghi trong qui trình.
Người đàn ông rậm râu ngước cặp mắt đen nhìn chúng tôi và phô hàng răng trắng gầm gừ thay cho lời chào:
– Máy móc thật đáng nguyền rủa.
Một người đàn bà đầy đặn, tầm vóc trung bình ngồi trên một chiếc xắc đi đường trong góc nhà, quay lưng về phía chúng tôi và ngắm nghía khuôn mặt mình trong tấm gương lớn treo trên tường.
– Tôi đen quá! Khó mà ai nhận ra! Mà lọ kem của tôi đâu rồi?
-Tôi sẽ ném nó xuống vũng biển cho mà xem! – người đàn ông rậm râu nhìn chúng tôi và Côxchia có ý hi vọng. – Điện thế cứ sụt dần. Có thể ngồi trên cái bếp điện này. Chả thắp sáng mà cũng chả cạo râu được. Nhìn xem tôi đã giống ai bây giờ? Một tuần nữa họ mới bay đến với chúng tôi.
-Tôi đã bảo là phải mang theo pin mặt trời, – người đàn bà nói.
Biata và Vêra xin lỗi vì vô tình làm phiền họ, rồi quay ra khỏi cửa. Tôi và Côxchia bắt gặp cái nhìn van vỉ của người đàn ông.
Côxchia ngồi xổm xuống bên cạnh ông ta, cầm lấy máy móc xem xét, ấn nút bấm. Và bắt chuyện:
– Máy sử dụng hết nguồn điện rồi.
-Tôi cũng cảm thấy như vậy.
– Không, không, – người đàn bà nói. – Không thể thể được! Ba người đàn ông mà không xoay xở được với một cái máy thô sơ như thế này!
Người chồng của bà ta nói giọng van nài:
– Nhưng Iđa ạ, cái gì cũng có những giới hạn của nó.
– Thôi được, – Côxchia nói, – chúng tôi sẽ cho các bác.
-Thế còn bản thân các anh?
– Chúng tôi sống ở trên tàu. Chúng tôi có đủ điện năng dự trữ.
-Đấy, thấy chưa! – Iđa cằn nhằn. – Chúng tôi cảm ơn các anh biết chừng nào! Tất cả chỉ vì ông ấy thôi! Tôi đã bảo là cần phải mang theo pin mặt trời. Có ai lại mang pin khô vào vùng nhiệt đới bao giờ. Các anh đến đây may qua! Các anh trồng dừa phải không?
– hết chỗ rồi, – Côxchia trả lời. – chổ nào cũng chật rồi.
-Vâng, vâng, chổ nào cũng trồng rồi. Trước kia nơi này còn rộng lắm. Chúng tôi trồng dừa và đợi cho đến lúc nó mọc. Tất nhiên ngày nào chúng tôi cũng tưới. Tốt nhất là các anh bay đến biển San hô. Ở đó còn những hòn đảo hoang, hoặc các anh đến châu Úc thì tốt hơn. “ Mốt “ hiện nay là trồng khuynh diệp.
Côxchia đi lấy bếp điện. Còn tôi ngồi lại với Iđa và người đàn ông rậm râu. Ông ta ngồi lên cái bếp điện hỏng với nụ cười đăm chiêu của nhà triết học. Trong lúc đó Iđa thỏ thẻ:
– Chúng tôi có một cây dừa. Nó ở đâu đây thôi. Đã mấy lần chúng tôi tìm kiếm nó, nhưng cứ bị lẫn. Trên cây dừa chúng tôi có treo tấm bảng vàng. Cây dừa này chúng tôi trồng cách đây mười lăm năm. Hôm nay là ngày kỷ niệm thứ mười lăm. Đầu tiên chúng tôi ươm quả, sau đó tưới nước cho đến khi nó mọc. Năm năm sau chúng tôi lại đến. Suốt từng ấy năm trời cây dừa lớn biết chừng nào! thế rồi chúng tôi treo lên trên thân cây một tấm bảng vàng. – Khuôn mặt Iđa lộ vẻ hạnh phúc. – hồi đó chưa có ngôi nhà này. Bây giờ chúng tôi lại đến đây. Các anh nói rằng không còn đất trồng dừa phải không? Đừng vội nản lòng. Nếu ở đây không còn đảo, thì các anh hãy đến châu úc… Các cô gái đáng mến của các anh đâu rồi? Chúng tôi xin mời tất cả các bạn hãy cùng dự ngày vui của chúng tôi. Chúng tôi sẽ chuẩn bị một món gì đó ngay bây giờ.
Côxchia thở hổn hển trở về, đặt lên nền nhà chiếc bếp điện “Eđenvâyxơ “ mới nguyên của chúng tôi. Người đàn ông rậm râu đứng bật dậy.
Chúng tôi từ chối lời mời và ông ta đi tiễn chúng tôi.
Côxchia hỏi:
-Các bác đã tìm thấy cây dừa của mình chưa?
Người đàn ông rậm râu nhìn sang bên cạnh nhà và nói thầm:
-Tôi e rằng cái cây của chúng tôi nếu còn sống thì không phải ở trên đảo này.
-Thế thì bây giờ các bác định thế nào?
-Tôi đã tính trước tất cả từ ở nhà. Tôi đã đặt làm sẵn một tấm bảng. Đến đây tôi sẽ lấy cát cọ xát vào nó làm cho nó có vẻ cổ kính. Tôi sẽ treo nó lên một trong những cây dừa này. Tôi nghĩ rằng sự dối trá đó có lẽ được? Iđa sẽ vui thích! Những năm gần đây bà ta chỉ nhắc nhở đến cây dừa này.
– Được, – Côxchia trịnh trọng khẳng định.
-Tôi cũng nghĩ như thế. Tại sao lại không đem đến cho con người niềm vui. Cái chính không phải là cây dừa, phải không?
-Tuyệt đối như vậy!
Chúng tôi đi đến cách bờ vũng khoảng trăm rưởi mét thì đã trở thành bạn bè với con người đáng mến này. Lúc chia tay, Ông ta nắm tay chúng tôi rất lâu và ngỏ ý mời chúng tôi đến chơi.