Gió Vĩnh Cửu

CHƯƠNG 9 – BA TRĂM GIÂY



Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần nắm chiếc tích kê trong tay, cố hít lấy hương vị khó thấy của “ Bụi sao “ và có ý định lao đến trạm thông tin vũ trụ để được thấy Biata. Và trò chuyện với cô trong ba trăm giây. Tôi chuẩn bị cả một thiên ký sự về sinh hoạt trên đảo, về ông thầy của chúng tôi, về những đenphin, cá kình, cá voi có râu, về những bước “ nhảy “ trên tàu, về bạn Tavi, về những con cua màu vàng và Pênhêlôpa. Sau khi đã sửa chữa kỹ càng, thiên ký sự đó chiếm mất đúng hai trăm năm mươi giây. Năm mươi giây còn lại tôi dùng để mở đầu gồm những lời chúc tụng, than thở “ và phần kết biểu lộ niềm luyến tiếc là cuộc gặp gỡ quá ngắn, hi vọng sẽ chóng gặp lại. Tôi tự lấy làm lạ về tài năng của mình đã có thể cô đọng tin tức đến như vậy.
Đầy kiêu hãnh về cái kiệt tác văn chương của mình, tôi khoe với Côxchia.
– Khá! – Côxchia lơ đãng lướt mắt trên các dòng. – Khá đấy! Đặc biệt câu này: “ Giá mà cô được thấy Côxchia đứng ở khoảng giữa cặp mắt của Machinđa nhỉ. “ Nhưng… – cậu ta khẽ cười, – chúng mình hiểu biết về phụ nữ ít quá.
– Vâng, xin cậu đừng lên mặt am hiểu, – tôi dằng bản ký sự trong tay cậu ta. – Cậu đừng quên là đang nói về ai!
– Cậu hãy bỏ qua cho mình. Đúng Biata là một cô gái đặc biệt. Nhưng cô ta cũng chưa đến nổi mê mẩn lắm vì ngôi sao của cô ta đâu.
Tôi ngắt lời cậu ta ngay và yêu cầu cậu ta để cho tôi ngồi yên ở đây một mình.
Côxchia chúc tôi có được những giây phút dễ chịu và đề nghị trong phần kết thúc chuyển giúp cậu ta lời thăm hỏi. Nói xong cậu ta mỉm cười thỏa mãn đi ra.
Cánh cửa khép lại, tôi quyết định đến máy điện thoại truyền hình.
Trên màn ảnh đáng lẽ là Biata thì lại xuất hiện một cô gái có khuôn mặt tròn trĩnh. Cô ta nhìn tôi cười.
– Gã lang thang không nhận ra bạn bè cũ à?
– Nađia! Kẻ lưu lạc trên Mặt trăng!
– Chính cô ta. Mình nhận ra cậu ngay. Cậu quên chuyện họ lôi chúng mình ra khỏi ngăn chứa hàng như thế nào rồi à?
Tôi và Nađia cùng học ở trường phổ thông kể đã khá lâu. Hồi đó Nađia trông như con trai và cô ta đứng đầu cả tổ chúng tôi. Không biết thế nào mà cô ta lại nảy ra ý nghĩ muốn từ bỏ Trái đất để lên Mặt trăng; lúc này trên đó mới xây dựng một thị trãn thiên văn vũ trụ đầu tiên. Đề xuất của cô ta được chúng tôi nhiệt liệt ủng hộ. Một phương án thiên tài rất giản đơn được đề ra. Chúng tôi quyết định bay đi trong ngăn chứa hàng mà người ta thường chứa những vật liệu xây dựng và thực phẩm. Đêm đến chúng tôi mò ra sân bay vũ trụ, tìm thấy tàu vũ trụ. Cạnh đó là một đồng những hòm rỗng bằng chất dẻo gần như không có trọng lượng. Chúng tôi ngồi vào đó cho đến sáng thì bị người máy kiểm soát phát hiện và giao cho bộ phận hành chính của sân bay.
– Bạn thay đổi nhiều quá, mình khó nhận ra.
– Xấu đi há?
– Không, nhìn bạn vẫn ưa đấy.
– Cậu nói cái giọng thương hại.
– Đúng, mình tiếc cái thời thơ ấu của chúng ta.
– Dạo ấy hay nhỉ? – mặt cô ta đỏ bừng lên, cặp mắt long lanh. Cô ta trở lại giống hệt cô bé Nátca – kẻ lưu lạc trên Mặt trăng – như trước kia chúng tôi vẫn gọi cô ta trong một thời gian dài ở nhà trường.
– Rất hay, – tôi nói. – thế nào, cô thực tập cùng với Biata đấy à?
– Biata ở trên kia, – cô ta giơ ngón tay nhỏ nhắn lên phía trên, – còn mình dưới này, – ngón tay chó xuống, – ở trên mặt đất. Mình bấm các nút, nhưng tạm thời thôi. Mình còn phải chịu đau khổ ở trung tâm truyền hình này hai tuần nữa. Đó là lao động bắt buộc cho những người chưa có quyết định dứt khoát. Hãy tưởng tượng xem mình chưa biết sẽ làm gì. Còn cậu, vắt sữa cá voi hả?
– Không, vấn đề không đơn giản như vậy. Tạm thời làm công việc tô điểm cho chúng.
– Lý thú nhỉ!.. Cậu đừng lo, hiện giờ các đường dây liên lạc của vệ tinh đều bận vào việc chuyển những cuộc trao đổi cấp bách của các viện sĩ về ngôi sao Cực Mới. thế nào mà nó chẳng bùng cháy lên. thế là cậu làm việc trang điểm cho các sinh vật cao đẳng dưới biển hả? Kể chuyện tỉ mỉ vào. Có thể bất chợt mình sẽ đến thăm cậu trong khi đang còn lưỡng lự chọn lựa một công việc lâu dài. Vừa rồi bất ngờ mình gặp Đêvít. Cậu có nhớ cái cậu người cao kều, buồn thiu, đóng chúng mình vào hộp rồi khóc mãi vì phải ở lại Mặt đất không?
– À, cậu Trarơli tóc hung!
– Đúng rồi. Hôm nay cậu ta xuất hiện đúng như quỉ sứ trong hộp chui ra. Cậu ta đi tìm hóa thạch của các loài bò sát và loài rắn bay cổ đại ở Mông cổ. Cậu ta rủ mình tham gia. Ngày xưa mình cũng đã ham thích môn cổ sinh vật. Cần phải suy nghĩ kỹ bước đi quan trọng này. – Cô ta cười.
Nađia là một cô gái rất đẹp. Chả hiểu cái nét vụng về con trai, cái nheo mắt khinh bỉ và lối quyết đoán của cô ta biến đi đằng nào. Tôi chưa bao giờ có thể nghĩ rằng cô ta sẽ khó khăn trong việc tìm một chỗ đứng trong cuộc sống.
– Mình còn gặp cả Grétta Grinbéc. ử mà cậu không biết nó. Mình cùng học với nó ở trường sân khấu. Nó chụp ảnh ở Mêhicô… Nào, chúc cậu ngủ ngon. Hôn cậu!
Cô ta tan biến đi, để lại một cảm giác buồn buồn như vừa đọc xong một bức thư xưa.
Vài giây sau trên màn ảnh hiện lên căn phòng của Biata. Không phải toàn bộ gian phòng. Tôi chỉ nhìn thấy phần tường màu xanh nhạt với đường viền xám dịu. Biata đứng quay lưng lại phía tôi và đang sửa mái tóc trước gương. Cô quay lại, mỉm cười và nói:
– Chào anh. Tôi đã làm việc ra trò. Chúng tôi thu nhận được bao nhiêu là tin tức! Cả máy tính chính cũng đang làm việc rất khẩn trương. Lúc đầu các viện sĩ làm ầm lên nhưng sau cũng đành chịu và bây giờ cái bộ óc điện tử cơ bản nhất của hành tinh thuộc quyền bọn tôi. Anh có được nghe thông báo của bọn tôi không?
– thỉnh thoảng. Tình hình bọn mình cũng căng lắm.
Tôi định đọc cái thiên ký sự đã thuộc lòng của tôi cho cô ta nghe. Nhưng ngay câu đầu tiên mặt cô ta đã lộ vẻ ái ngại cho tôi – một người làm cái việc vô ích thế mà đã dám so sánh trong chừng mực nào đó hoạt động của mình với công trình của các nhà thiên văn đang chờ lúc ngôi sao Cực Mới bùng cháy, – làm tôi im lặng một cách bối rối.
– Anh bỏ qua cho tôi, – Biata nói. – Tôi cứ như là bị mê đi ấy. Tất cả những cái gì không dính líu đến ngôi sao Cực Mới của tôi, hình như giờ đây tôi không để ý đến. Anh nên hiểu rằng sau khi ngôi sao Cực Mới đó bùng cháy, thế giới có thể sẽ xảy ra một sự thay đổi không lường trước được. Có khả năng rất bi thảm. Tiện thể chúng tôi quan sát sự đột biến của vi khuẩn dưới ảnh hưởng của những tiền tổ hạt. Biết đâu những hạt này chả là những chất xúc tác có khả năng tạo thành axít nuclem và tiếp đó là sự sống… Nom anh có vẻ không biết rõ mọi điều tôi nói, đúng là anh qua đắm đuối với những con cá voi của mình, nên chắc hẳn anh không hề biết tí gì về một hạt cơ bản mới? Đó là phát minh vĩ đại của thế kỷ này. Có lẽ đó là một trong những “ viên gạch “ và có thể là viên gạch đầu tiên từ đó xây nên tất cả.
– Thế là thế nào? – tôi ngơ ngác hỏi.
Biata cười:
– Tôi không biết. – Cô ta nhìn tôi dò hỏi. – Chỗ các anh đang xảy ra chuyện gì đấy?
– Hừ! Mọi cái vẫn như cũ. Mặc dù mình đang sống trên mặt nước và ở dưới
nước, – tôi đã định mở đầu bằng một mẫu lý thú nhất trong bài ký sự của mình nhưng lại thôi ngay.
– Đúng là vẫn như cũ. Tôi vẫn theo dõi Trái đất. tất cả chúng tôi ở đây đều xem những chương trình vô vị của các anh về mọi thứ trên đời, nhưng không phải là về cái chủ yếu nhất. Có những nhà lý thuyết phủ nhận khả năng xuất hiện sao Cực Mới trong kỷ nguyên của chúng ta. Họ đưa những lý lẽ để chứng minh cho quan điểm lố lăng của mình mà những cái đó làm cho Vuđơ của chúng ta thấy nhói trong tim. – Cô ta thở dài và tôi lợi dụng lúc đó để hỏi:
– thế thì bao giờ nó sẽ bùng cháy?
Cô ta hiểu ý câu hỏi của tôi là: “ Khi nào chúng ta gặp nhau “, nên trả lời.
– Sắp tới đây, nay mai. Dòng nơtrinô hầu như ổn định. – Sau đó cô ta nêu một loạt câu hỏi: – Các anh sống thoải mái chứ? Anh có vui vẻ không? Có lẽ các anh cả ngày ở ngoài trời và dưới nước? Anh cũng kết bạn với đenphin như Côxchia chứ?
Để tiết kiệm thời gian, tôi chỉ gật đầu trả lời và hỏi:
– Này, biết đâu nó sẽ còn ổn định một trăm năm nữa?
Cô ta cười:
– Sao lại thế! Đó là vấn đề hàng ngày, hàng giờ, hàng phút và có thể tức thời nữa. – Cô ta nheo mắt nói tiếp: – Anh hình dung xem muốn cho điều đó xảy ra nhiệt độ trong hạt nhân của nó phải lên tới sáu tỷ độ. Thật là khủng khiếp. Tôi nhất định sẽ đến thăm đảo các anh. Anh Côxchia đã kể tất cả với tôi làm tôi có lúc chỉ muốn nhảy một bước đến chỗ các anh. Và quên hết mọi việc trên đời. Sao anh lại lặng thịnh thế? Anh Côxchia không để cho tôi kịp nói lấy một câu, còn anh thì lại…
Tôi nghe chuyện nhưng mắt lại dán vào chiếc đồng hồ tông màu trắng bạc treo sau lưng Biata. Kim giây khắc nghiệt đã quay vòng cuối cùng.
Biata ngoảnh lại và nói vội:
– Hết giờ rồi. Cho tôi gửi lời chào anh Côxchia. “ Bụi sao “ của anh tuyệt quá. Nó toả hương thơm êm dịu khắp vệ tinh và cả một khoảng vũ trụ quanh chúng tôi.
Màn ảnh lóe lên màu xanh xám, như hòa lẫn với màu sắc những bức tường trong gian phòng của Biata. Tôi nhìn mặt gương điện thoại truyền hình.
Trong giây lát tôi cố nhìn khuôn mặt Biata. Cô ta mỉm cười lần cuối cùng. Tôi bật cười nhớ lại bài ký sự của mình. Cô ta đã biết hết. Không phải vô tình mà Côxchia đã ranh mãnh nháy mắt khi tôi tâm sự với cậu ta. Trong lúc miên man tưởng tượng như đang lại trở về gian phòng của cô, nhắc lại những lời lẽ của cô, tâm hồn tôi tràn ngập một cảm giác thật chẳng khác gì lúc nhảy từ cầu nhảy xuống. Tôi đặc biệt thú vị khi cô ta nhớ lại “ Bụi sao “. Tôi muốn chia sẻ ngay niềm vui của mình, liền đi tìm Côxchia.
Côxchia mặc áo choàng trắng đang ngồi nghiêm nghị bên máy phân tích trong phòng thí nghiệm. Không để ý đến tôi, cậu ta vừa xem xét quang phổ vừa hát:
“ Thành công rồi! Hỡi người đồng nghiệp!
Thành công rồi! Bạn tôi ơi,
Cuộc phân tích tuyệt vời,
Ở hai cô bạn nhỏ! “
– Cô bạn bé nhỏ nào trên quang phổ kỳ lạ thế? – tôi nhìn qua vai cậu ta và hỏi.
– À, những cô bạn bé nhỏ hả. Hát cho nó vần thôi. Cậu thử tưởng tượng xem mình phát hiện được chất niobi nhé! – Cậu ta quay lại, nhìn tôi từ đầu đến chân và rống lên: – Cút đi, cái thằng lăng xăng, làm hỏng hết công việc của người ta rồi. Chả mặc áo choàng gì cả. Người ta đã phải khử trùng phòng thí nghiệm hằng giờ đồng hồ. Đi ngay đi. Nhẹ chân chứ, đừng có làm vẩn bụi, đừng có phủi quần áo!
– Cậu nghĩ rằng chất niobi là một nguyên tử nào đó chắc. – Tôi vỗ vai cậu ta và nói. – Mình vừa mới nói…
Côxchia hoảng sợ lầy tay định che thiết bị.
– Điều này thì mình không bao giờ cho phép. – Cậu ta căm tức nhìn tôi nói.
– Mình vừa thấy Biata. Cô ta có lời chào cậu đầy. Đồ khốn ạ. Nghe thấy chứ!
– Bước đi! – Côxchia rên rỉ. – Bước đi ngay!
Sự căm tức của anh bạn chỉ làm tôi buồn cười. Vì cái chất niobi đó mà cậu ta đã từ chối cả việc nghe tin tức sốt dẻo về Biata.
“ Cái giống vô tình “ – tôi nghĩ vậy, nhưng nhìn Côxchia với vẻ tôn trọng. Tôi thích thú thấy Côxchia không mảy may ghen tị và tôi tôn trọng cậu ta vì cậu ta có cái bực bội của một người làm công tác nghiên cứu. Cái anh chàng “ biếng nhác “ này đôi khi cũng ở lì hàng ngày không ra khỏi phòng thí nghiệm để săn đuổi những nguyên tố của đất hiếm một cách kiên nhẫn kỳ lạ. Chả là cậu ta muốn tìm hiểu vai trò của chúng trong các tế bào sống.
Vào phòng thí nghiệm “ các máy biết nghĩ “ và máy quang điện tử, tôi ngồi vào ghế của mình quan sát những tấm phim ảnh các tế bào của hoa huệ biển bị những siêu vi trùng “ ngái ngủ “ làm thương tổn. Cho đến bây giờ loài siêu vi trùng này vẫn sinh sống bình thường. Hoạt động này có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm. Đôi khi chịu ảnh hưởng của một điều kiện nào đó còn chưa rõ, chúng phá mọi qui luật sinh hoạt, bắt đầu nhân lên rất mạnh và phá huỷ tế bào cho ăn. Tôi có tìm hiểu nguyên nhân xâm lược của siêu vi trùng. Bỗng nhiên thấy trong một loạt phim có xảy ra quá trình này. Có lẽ tôi rít lên khá to, nên ba nhà khoa học cộng tác thường xuyên ở trạm phải ngẩng đầu lên. Nhưng họ lại cúi ngay xuống bàn mình.
– Lạ thật, những con siêu vi trùng của tôi đã hoạt động tích cực ngay cả vào lúc không có một nguyên nhân tác động rõ rệt nào tới chúng, – tôi nói để biện hộ cho mình.
Các nhà bác học im lặng.
Tôi cất phim, đứng dậy, vô tình đẩy ghế ầm lên. Một người nào đó trong ba nhà bác, học rên rỉ. Tôi xin lỗi, đứng một lát rồi đi ra cửa, biết rằng không thể tiếp tục làm việc lúc này được nữa.
Trên đảo có nhiều cây xanh. Thực vật nhiệt đới chiếm hầu hết những chỗ chưa kịp xây dựng nhà ở, chỗ làm việc, các phòng thí nghiệm và chỗ đặt các thiết bị máy móc. Tôi lạc vào một con đường nhỏ chạy qua rừng cây xanh phảng phất mùi hương ngọt ngào gợi cho tôi nhớ đến “ Bụi sao “.
Con đường dẫn đến trạm chính, tựa như buồng lái của một con tàu nhanh khổng lồ. Sau khi những tia nắng chói chang của mặt trời đã tắt thì ở đây im lặng và lành lạnh. Pêchia Xamôilốp ngồi cạnh máy chăm chú nhìn vào vùng phía tây của màn ảnh quan sát hình tròn, ở đó có thể thấy được dải xanh của đại dương phát ra một tiếng ồn khó thâu tóm được. Chiếc phao hiệu cao màu đỏ với một loạt ăng-ten đang lắc lư, sườn phao ánh lên con số “ 9 “ màu đen. Cách phao khoảng hai trăm mét đội đenphin tuần tiểu đang khẩn trương ngụp lặn. Nghe rõ tiếng kêu đặc biệt của chúng. Lờ mờ thấy một vài con có trang bị “ lao điện “ – một vũ khí nhỏ hình thoi.
Pêchia gật đầu chào lại và nói:
– Ở chổ nào đó không xa đây lắm có Giéc Đen. Những trinh sát của nó lại đến gần. lần này chúng ở khá xa roi điện. Mình không hiểu chúng sẽ làm trò gì đây. Mình đã gọi các anh em ở tàu “ Con mực “.
Có tiếng rít. Một chiếc tàu ngầm dượt đuổi ầm ầm lao ra màn ảnh. Tàu giảm tốc độ đột ngột gần như chững hẳn lại. Có hai người lạ có da màu đồng ngồi trong khoang tàu trong suốt.
– Họ từ tàu “ Con mực “, – Pêchia nói. – Công việc của họ cũng hay đấy.
Những đenphin vây quanh chiếc tàu ngầm. Đội trưởng tuần tiểu báo cáo tình hình.
Pêchia ấn một trong hàng loạt nút bấm trên bàn điều khiển và ngay lúc đó được nghe bản dịch những thông báo của đội trưởng tuần tiểu.
“ Quân “ của Giéc khoảng sáu chục chia làm mười toán. Chúng ra công tìm kiếm lối chui qua hàng rào ở dưới sâu, khoảng giữa các phao hiệu. Chúng tôi đóng điện thế bổ sung và tấn công một nhóm bằng tên. Một con chìm xuống đáy, những con còn lại chạy về phía tây sau đó lên phía bắc.
Tàu ngầm phóng lên phía bắc. Bọn đenphin tuần tiểu bơi vòng quanh tàu và triển khai đội hình, lao như bay về phía trước. Đúng là chúng bay, hầu như lướt trên mặt nước mà không phải gắng sức chút nào.
Pêchia ngoảnh đầu lại, tặc lưỡi:
– Đây mới là một cuộc đua. Mình ao ước được như các anh em trên tàu “ Con mực “. Chỉ có họ mới được phép sử dụng hết công suất tàu ngầm và dùng moóc-phin. Dĩ nhiên họ không tóm nổi Giéc. Biết đâu chả tóm được một con trong lũ cá trẻ tuổi ấy. Và lúc đó sẽ có thể cử nó đi đàm phán với chúng.
Tôi hỏi:
– Cậu có tin rằng bằng cách ấy có thể cải tạo được Giéc chăng?
– tất nhiên không! Nhưng có khả năng sẽ gây ảnh hưởng đến các con khác, mà chúng thì gần một ngàn, có thể chuyển một con nào đó sang hoàn cảnh hợp pháp. Ở Bắc Cực người ta sử dụng có hiệu quả những cá kình vào việc chăn cá thu. Trong vùng chúng ta có những bộ lạc cá kình hầu như hiền lành. Còn như đối với Giéc thì có thể tóm bằng một lưới bao vây cá dưới biển lẫn trên không.
Có tiếng còi du dương, đèn trên bàn điều khiển nhấp nháy. Trên màn ảnh điện thoại truyền hình xuất hiện khuôn mặt gầy gò của một người Ấn Độ.
Pêchia cố ý nói giọng hồ hởi:
– À, Trauri Xinkhơ! Chào anh và xin nghe anh đây!
Người An Độ giọng trầm trầm buồn rầu:
– Xin cảm ơn những lần chúc tụng trong buổi sáng hôm nay và những lời hứa thân ái của anh.
– Đừng lo ngại anh Trauri Xinkhơ kính mến ạ. – Pêchia nháy tôi. – có lẽ tôi đã tìm được người thay tôi. Đây là Ivan Canhép, trợ lý mới của chúng ta, gọi tắt là Ivơ. Anh ấy muốn thay đổi môi trường và được giải trí.
Trauri nhìn tôi, gật đầu rồi biến mất.
– thế nào, mọi việc đều ổn chứ. – Pêchia nói. – Đây là nhà phỏng sinh học của chúng ta. Anh ta đang tiến hành một công trình nghiên cứu lý thú về các loại thân mềm chân đầu. Cậu, tất nhiên, là chưa được làm quen với anh ta. Suốt ngày lúc thì anh ta ngồi lì bên những chiếc máy tự ghi, lúc thì quanh quẩn trên tàu “ Cá Bơn “. Chúc cậu một chuyên đi may mắn! Cậu rẽ vào “ chuồng “ của anh ta đi. Trong đó có khối thứ lạ. Anh ta sẽ đợi, nhưng đừng đến chậm kẻo mình lại mang tiếng là người không đứng đắn đối với anh ta. Và đối với anh sẽ chẳng hay ho gì. làm gì mà cậu nhìn mình dữ thế? Hãy đến nhà Trauri. À mà cậu còn chưa lặn sâu quá hai chục mét, cùng lắm là lặn một trăm mét trong quả cầu du lịch đo độ sâu phải không? Mình cam đoan với cậu là ở đây phải lặn sâu đến một kilômét.
– Kilômét thì kilômét chứ sao, – tôi cảm ơn Pêchia và đi đến “ chuồng “ của nhà phỏng sinh học.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.