Hãy Đặt Nàng Lên Tấm Thảm Hoa

CHƯƠNG 4 –



Tôi đẩy cửa bước vào phòng làm việc. Anh bạn đồng nghiệp Jack Kerman của tôi đang ngủ gà ngủ gật trong chiếc ghế bành. Paula thì đang ngồi ở bàn làm việc của tôi với một đống hồ sơ trước mặt. Nhờ những tập hồ sơ này mà chúng tôi có thể biết rõ người đến, kẻ đi, những đám cưới, số sanh, số tử của cái thành phố Orchid City này. Tuy Paula có riêng 4 người giúp việc nhưng cô ta vẫn giữ những tập hồ sơ quan trọng, để khi cần có thể sử dụng ngay.
Tôi đập mũ vào đầu Kerman để đánh thức cậu ta dậy. Cậu ta cằn nhằn, dụi mắt rồi vừa ngáp vừa hỏi:
– Thế nào anh bạn, đã làm được những trò gì rồi? Mà có làm không đã chứ?
– Làm thật chứ sao?
Tôi ngồi xuống ghế, châm điếu thuốc, vén tay áo lên rồi kể tỉ mỉ về cuộc hành trình của tôi cùng những sự việc đã xảy ra – lẽ dĩ nhiên phải bỏ qua cuộc họp mặt thân mật của tôi với cô y tá Gurney. Paula nghe tôi kể với thái độ hơi ngờ vực, còn Kerma thì chịu chuyện lắm. Cậu ta nuốt hết những gì tôi nói. Tôi kết luận:
– Việc tôi làm chưa được bao nhiêu, nhưng cũng đủ để thấy việc chúng ta tiếp tục điều tra về vụ này là phải. Chưa rõ có điều gì mờ ám không. Nhưng nếu có chúng ta nên cố giữ kín, càng kín càng có lợi cho chúng ta.
Kerman nhận xét:
– Hiện tượng thằng cha lái xe theo dõi anh như thế là có vấn đề đấy.
– Nhưng cũng có thể, đó chỉ là một người, nổi hứng thích chơi trò thám tử một lát thì sao?
Tuy nói vậy, nhưng tôi cũng nhấc ống nói, bảo cô trực đài:
– Cho tôi gọi tới Ban An ninh.
Paula ngưng tay kiểm tra một tập hồ sơ, hỏi tôi:
– Anh kịp ghi số xe của hắn chứ?
– Tôi định nhờ kiểm tra số chiếc xe đó đây.
Có tiếng nói ở đầu dây bên kia:
– Ban An ninh đây.
– Cho tôi nói chuyện với trung úy Mifflin.
Có tiếng lạo xạo trong máy và tiếp đó là tiếng nói cứng rắn của Mifflin.
Tim Mifflin là một cảnh sát cần mẫn, có lương tâm. Tôi đã làm việc trực tiếp với anh ta một vài lần, khi thì anh ta giúp tôi, khi thì tôi giúp lại, anh rất mê đánh cá ngựa và mấy lần do nghe theo lời mách nước của tôi, mà trúng được mấy giải kha khá.
– Malloy đây, khỏe không, Tim?
Có tiếng lầu bầu:
– Này, đây khỏe hay không thì có liên quan gì tới cậu? Cậu còn muốn làm phiền tôi việc gì vậy?
– Tôi muốn biết ai là chủ chiếc xe Dodge màu xanh, số biển D.R 3345.
– Này, này bỏ cái kiểu dựa vào cảnh sát để làm ăn nhé. Brandon mà biết việc này thì cha ấy sẽ không nể nang gì tôi đâu.
– Bởi vậy nên tôi có nói gì với ông ấy đâu, chỉ cần anh giữ kín là xong mà. Nhân nói tới chuyện làm ăn, xin báo cho anh biết rằng bốn rưỡi ngày mai, tại sân quần ngựa, con Apple chạy đấy nhé.
– Không xạo đấy chứ?
– Tôi nói nghiêm chỉnh đấy. Anh có thể bán nhà, cầm vợ, đục két của sếp Brandon lấy tiền chơi, cũng không có gì là quá đáng. Nhất định bỏ ra hai thu vào sáu. Cái con ngựa đó ấy mà, muốn cho nó chạy chậm lại, chỉ có cách là bám lấy đuôi nó mà kéo thôi.
Giọng Mifflin vẫn còn có thể hơi lưỡng lự, nhưng rồi anh ta sẽ nghe tôi, đó là cái chắc.
– Ờ, ờ… cũng có thể như anh nói.
– Không phải là có thể đâu. Chắc chắn là như vậy. Nhưng còn cái số xe thì sao?
– Được, đợi tôi một phút.
Trong lúc tôi đặt máy xuống bàn để chờ tin, Kerman cầm một chiếc máy khác lên và quay số gọi, tôi hỏi:
– Cậu làm gì mà hấp tấp thế?
– Tôi gọi tới sân quần ngựa. Coi cái tin anh vừa đưa về con Apple có vào loại thứ thiệt hay không.
– Thôi, cho qua đi. Đấy là cái tin tôi nghe thấy người ta bàn tán thế thôi.
Cậu ta đặt ống nghe xuống, trợn mắt hỏi tôi:
– Vậy nếu Mifflin nghe anh bán nhà, cầm vợ thì sao?
Tôi cười trả lời:
– Cậu đã nhìn thấy bà vợ Mifflin chưa? Còn khuya Mifflin mới làm nổi những việc đó.
Có tiếng Mifflin trong ống nghe:
– Biển D.R 3345 hả.
– Đúng vậy.
– Xe của Jonathan Salzer.
Ông ta điều khiển một bệnh viện điều dưỡng. Nếu anh đau bụng chẳng hạn, lão ấy sẽ cho anh uống một ly nước đầy trái cây và quẳng anh vào một chỗ, chờ cho nó lên men. Tay này vào loại biết cách làm tiền đấy.
– Chưa dính vào một vụ phạm pháp nào chứ?
– Chưa. Này, con ngựa ấy, chắc chứ?
– Tôi đã nói là chắc mà (tôi nháy Kerman. Anh có thể bán chiếc áo cuối cùng của anh đi cũng được. Không có gì phải hối hận đâu.
– Tốt! Tôi sẽ nghe anh và đặt năm trăm đô vào con ấy. Sẽ không đặt hơn một cắc nào đâu.
Tôi gác máy nói với Kerman:
– Trời ơi! Năm trăm đô la mà định làm giàu!
Kerman bảo:
– Chiếc xe ấy là của Salzer à. Hắn là ai?
– Để tôi tìm xem. Paula đưa cho tôi một tập hồ sơ, anh coi thử tập này coi có gì đáng chú ý không. Chúng ta chỉ có từng đó tài liệu về Janet Crosby.
Paula đứng dậy, ra ngoài. Tôi liếc nhìn tập hồ sơ và bảo Kerman:
– Khiêu vũ, quần vợt, gôn… Những trò này đâu có thích hợp với người đau tim. Cô ta có hai bạn thân là Joan Parmelta và Douglas Sherrill, đã định kết hôn cùng Sherrill, nhưng rồi cuộc tình lại tan vỡ. Vì sao? Cần phải rõ việc này mới được.
– Tôi chưa từng nghe nói tới người này. Anh có cần điều tra về hắn không?
– Cần đấy. Cậu hãy tìm cách gặp cả hai người, Parmetta và Sherrill, bảo cậu là bạn của Janet bị đau tim coi phản ứng của họ ra sao. Nếu họ chưa từng nghe nói tới việc này, thì đúng là có chuyện mờ ám rồi. Paula sẽ giúp cậu một tay.
Paula đi vào, nói với tôi:
– Tôi không có nhiều tài liệu về Salzer. Chỉ biết ông ta là chủ nhân của một viện dưỡng sức loại sang. Hai trăm đô la một tuần cho mỗi giường.
– Chà, làm ăn được như thế, cũng khá đấy chứ.
Kerman nói góp:
– Đời này lắm kẻ khùng. Bỏ ra một số tiền như thế để được uống một vài ly nước trái cây. Lẽ ra, chúng ta phải nhảy vào cái dịch vụ này mới phải. Còn gì nữa không?
– Ông ta đã có vợ, nói được tiếng Pháp và tiếng Đức. Tiến sĩ khoa học, 53 tuổi, chưa có con.
Tôi đứng dậy, bảo Paula:
– Em giúp Kerman một tay về chuyện tìm hiểu Pametta và Sherrill nhé. Để anh đi gặp bà Bendix, người chuyên cung cấp người giúp việc cho gia đình Crosby. Rất có thể sẽ tìm ra nhiều mối đấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.