Sau khi tắm, Hopper có vẻ tỉnh táo, vui vẻ hơn. Trong lúc ăn sáng, tôi hỏi Hopper có định vượt ngục không – chúng tôi đều tự cho mình là tù nhân – Hopper nhún vai:
– Tôi biết đi đâu bây giờ? Chúng luôn cùm chân tôi vào giường. Giường thì lại gắn chặt vào sàn nhà. Không thế thì tôi đã thoát rồi.
– Như vậy thì thoát được sao?
Hopper chỉ vào một tủ nhỏ ở sát tường đối diện với cái giường:
– Họ vẫn để một cái chìa khóa còng dự phòng ở trong ngăn kéo tủ kia. Đề phòng khi cháy nhà. Nếu giường không bị gắn xuống sàn, tôi có thể với tay tới ngăn kéo.
Tôi sửng sốt:
– Trong ngăn kéo kia à?
– Ừ, có lần tôi trông thấy Blan lấy ở đấy ra.
Tôi ước lượng khoảng cách từ giường tôi tới cái tủ. Nếu Blan không còng tay mà chỉ cùm chân thổi, thì tôi hy vọng có thể với tới ngăn kéo. Tôi hỏi Hopper:
– Tại sao cậu không bị còng tay như tôi? – Hopper đẩy khay cơm ra, bảo:
– Trước kia tôi cũng bị còng tay. Như vậy dở sách rất khó nên Blan đã thay đổi cách còng. Thay vì còng tay còng chân hắn. Nếu anh nói với hắn, có lẽ hắn sẽ làm như vậy với anh. Thôi, bây giờ tôi muốn đọc, đừng hỏi nữa.
Hopper không yêu cầu, tôi cũng im. Im để suy nghĩ tính toán. Cả giờ tiếp theo đó, tim tôi đập khác thường vì hy vọng.
Tới gần mười một giờ, Bland mang một bình hoa lay-ơn vào phòng. Hắn để bình lên bàn, đứng lùi lại ngắm nghía, vẻ mặt hí hửng.
– Đẹp đấy chứ, hả! Cũng lạ thật các quan chức và chính khách nào cũng thích hoa. Lần trước cũng có một đoàn tới đây. Họ có để ý gì tới bệnh nhân đâu. Họ chỉ ngắm hoa thôi.
Bland dọn khay thức ăn đi, quan sát căn phòng, kéo khăn giường Hopper cho thẳng, vỗ vỗ vào chiếc gối giường tôi và bảo:
– Phải ngồi cho nghiêm túc đấy. Liệu đừng có lộn xộn! Bé không có gì đọc à?
– Anh có cho tôi mượn sách báo gì đâu?
Bland vội đi ra rồi hấp tấp trở vào, đặt một cuốn sách dày cộm lên đùi tôi, bảo:
– Coi tạm cuốn này đi. Khi nào các đại biểu về rồi, tôi sẽ kiếm cho bé một cuốn khác hay hơn.
– Tôi bị còng một tay thế này thì dở sách sao được?
– Được rồi, tôi sẽ chuyển còng cho bé xuống chân. Như vậy cũng tiện vì có thể lấy chăn đắp lên che nó đi. Các quan chức dễ mủi lòng lắm. – Nói đoạn, Bland làm ngay. Tôi không ngờ mong ước của mình lại thực hiện dễ dàng thế. Tôi nhìn xuống đùi có cuốn sách khoa học mang tên: “Giải phẫu sinh lý phụ nữ”. Mới mở mấy trang đầu tôi đã trợn tròn đôi mắt. Tôi gọi Bland:
– Này, liệu anh có cho rằng lứa tuổi của tôi đã thích hợp với những tấm hình này không?
Bland nghển cổ nhìn qua vai tôi rồi chúm miệng huýt gió:
– Trời ơi! Vội quá, tôi ngờ đâu lại lấy trúng phải quyển sách chuyên về cái của nợ này!
Hắn vội giật lấy quyển sách trong tay tôi – chắc sợ tôi nhìn thêm chút nữa sẽ lên cơn!
– Chạy vội ra phòng ngoài rồi trở lại đưa cho tôi cuốn sách thần học nhan đề “Địa ngục” của Dante. Tôi cầm cuốn sách mới tự trách mình đã không im tiếng để giữ cuốn kia, coi hấp dẫn và đỡ đau đầu hơn.
Gần mười một giờ, có tiếng người xôn xao ngoài hành lang. Bland đứng chầu sẵn ở cửa. Sốc lại áo, đưa tay lên vuốt tóc rồi quay lại chúng tôi báo:
– Họ đến đấy.
Bốn người đi vào trong phòng. Người đi đầu chắc là bác sĩ Salzer người dong dỏng cao, tóc màu bạc, chừng hơn năm chục tuổi. Đôi mắt ông ta lạnh lùng, lờ đờ trong hố mắt sâu. Ông mặc cái áo bó sát người màu đen với cái quần kẻ sọc nhìn rất chững chạc. Đặc biệt đôi bàn tay ông trắng có những ngón dài, múp rất đẹp: đó là đôi bàn tay của những nhà phẫu thuật có tài hoặc bọn giết người có kỹ thuật.
Thẩm phán Lessways đi tiếp theo. Tôi nhận ra ông ngay vì đã thấy hình ông trên báo chí: người hơi thấp, trán hói, môi dày, đôi mắt sâu sắc với bộ lông mày chổi xể rất thích hợp với con người mẫu thường có mặt tại các phiên tòa.
Người thứ ba đi kèm bên ông có dáng đúng là một quan chức: mặt mỡ, bụng phệ chứng tỏ có sự ăn uống dư thừa. Người thứ tư còn đứng thập thò ở ngoài cửa nên tôi không nhìn rõ, Salzer lên tiếng:
– Chào các bạn, mong các bạn luôn khỏe mạnh. Xin giới thiệu, hôm nay có ngài thẩm phán Lessways và Linkheimer cùng nhà văn quen biết M. Strang đến thăm viện. Các ngài sẽ nêu một số câu hỏi để các bạn trả lời.
Nói đoạn, Salzer quay lại bảo Lessways:
– Ngài có muốn nói gì với cậu Hopper không?
Trong khi Lessways tròn mắt nhìn Hopper và chú ý cẩn thận đứng xa anh ta cho an toàn, tôi quay lại quan sát người thứ tư vừa được giới thiệu là “nhà văn nổi tiếng”.
Thoạt đầu tôi tưởng mắt mình hoa hay đúng là tôi điên thật rồi. Jack Kerman mặc bộ đồ trắng với cái khăn lụa nhỏ màu vàng đỏ cài ở túi trên, đeo kính trắng gọng đồi mồi, đang đứng tựa lưng vào cửa, nét mặt tỏ vẻ ưu tư. Tôi giật mình đến thót làm cái giường rung lên. Rất may là Salzer mải nhìn tờ giấy ghi căn bệnh của tôi ở đầu giường không chú ý tới sự cảm xúc của tôi.
Kerman, bộ mặt phớt tỉnh, chỉ vào tôi hỏi Salzer:
– Người này là ai mà có vẻ không có bệnh.
– Tên anh ta là Edmund Seabright, vừa nhập viện.
Khi nói, bộ mặt Salzer hiền lành như ông già Noel sắp sửa phát quà cho trẻ em. Salzer đưa tờ phiếu bệnh án của tôi ra nói tiếp:
– Ngài cứ coi tờ bệnh này của anh ta thì sẽ hiểu. Kerman chau lông mày, đưa hai tay lên sửa gọng kính. Tôi hiểu anh chàng chắc mượn tạm kính của ai để ra vẻ văn sĩ nên bây giờ, khó mà đọc nổi chữ nào.
Kerman gật gù, mím môi lại rồi nói:
– Đúng thật! Tôi có thể hỏi bệnh nhân mấy câu không?
Salzer lại gần giường tôi, bảo:
– Được chứ.
Hai người đứng quan sát tôi trong khi tôi chỉ dám nhìn vào mặt Salzer vì sợ nhìn Kerman sẽ lộ mất. Salzer chỉ Kerman, rồi nói với tôi:
– Đấy là nhà văn Strang. Ông muốn viết sách về các bệnh tâm thần (hắn lại quay sang Kerman, nói tiếp). Ông Seabright luôn tưởng tượng mình là một thám tử danh tiếng. Phải không ông Seabright.
Tôi gật đầu, bảo:
– Đúng vậy. Tôi đã phát hiện thấy cô Anona Freedlander đang bị nhốt ở đây, còn y tá Gurney thì đã chết và bị vợ ông Salzer vứt xác ở vùng bãi cát. Vậy, cũng khá đấy chứ!
Salzer nhìn Kerman mỉm cười buồn rầu, rồi lắc đầu nói:
– Những dấu hiệu bệnh lí rất rõ nét. Hai phụ nữ vừa rồi đều bị mất tích, một người đã hai năm, người thứ hai thì mới đây. Báo chí đều có đăng tử không biết vì lý do gì, những tin tức ấy lại ảnh hưởng lớn tới trí nhớ và tâm thần của bệnh nhân này.
Kerman gật gù, xác nhận và hình như đã nháy tôi một cái trước khi nói:
– Tôi hiểu.
Tôi nhổm dậy tung chăn, nói thêm:
– Các ngài cũng nên biết thêm là, tôi bị cùm chân vào giường đây này. – Lessways và Linkheimer lúc này cùng đến gần giường tôi. Kerman buồn rầu, dương đôi lông mày hỏi trống không:
– Thật vậy sao?
Salzer cúi đầu, cười đau khổ như muốn chia buồn cùng nhân loại, nói:
– Bệnh nhân này đôi khi vẫn lên cơn. Chắc các ngài cũng hiểu cho. – Kerman lại gật đầu ra vẻ ưu tư, nói:
– Tôi hiểu.
Anh chàng đóng vai văn sĩ đạt quá làm tôi lộn tiết chỉ muốn đá cho cậu ta một cái.
Bland nhẹ nhàng lại gần giường tôi bảo:
– Bé! Ngoan nào, đừng lộn xộn!
Tôi nói với Lessways:
– Nơi đây thật đáng sợ! Tôi phản đối việc người ta chích ma túy vào người tôi, mỗi chiều. Cửa ra vào lúc nào cũng khóa kín, cửa sổ thì rào kỹ bằng lưới thép và chấn song. Đây không phải là một nơi an dưỡng mà đúng là một nhà tù!
Salzer vội cướp lời tôi, cố nói thật dịu dàng:
– Anh bạn thân mến, hãy cố chịu khó thuốc thang đi cho khỏi bệnh. Chúng tôi giữ anh làm gì?
Tôi liếc nhìn Bland. Hắn đang nắm chặt tay lại thành nắm đấm để dọa tôi, nhưng bây giờ, Kerman đã tìm thấy tôi, tôi rất yên tâm, chẳng sợ gì nữa.
Thẩm phán Lessways nói với Kerman:
– Nào tiếp tục đi phòng khác. Ông Strang, ông thấy thế nào, có những điều thú vị đấy chứ?
– Rất nhiều điều đáng ghi nhận, ông Salzer ạ, nếu được phép, tôi muốn sẽ quay lại đây một lần nữa.
Salzer vội chối từ:
– Tôi e rằng nội quy của viện chúng tôi rất kỵ sự có mặt của những người lạ, trừ trường hợp đặc biệt như hôm nay. Vì ảnh hưởng không tốt tới bệnh nhân. Mong ông thông cảm.
Kerman nhìn tôi, vẻ mặt lơ đãng nhưng nhiều ý nghĩ, rồi trả lời Salzer:
– Ông nói rất có lý. Vậy mà tôi không nghĩ tới, thưa ông.
Cả đoàn nối tiếp nhau đi ra. Salzer ra sau cùng đóng cửa lại. Tôi còn kịp nghe tiếng Kerman hỏi: “Còn ai ở những phòng gần đây không?” Tiếng Salzer trả lời: “Hiện giờ không có ai”. Khi những tiếng trao đổi ngoài hành lang xa dần rồi tắt hẳn, Bland thở ra một hơi thật dài như vừa thoát được một món nợ, hắn sừng sộ bảo tôi:
– Bé, thế là không tốt đâu đấy nhé. Nên nhớ, đối với họ, bé cũng chỉ là một trong cả đám khùng mà thôi.
Làm cho người khác tưởng mình ngớ ngẩn, biết hối lỗi thật không phải là dễ. Nhưng rồi tôi cũng làm cho Bland tin như vậy.