Hãy Đặt Nàng Lên Tấm Thảm Hoa

PHẦN 1 – CHƯƠNG 1 –



Một buổi sáng tháng bảy nồng nực vẫn có thể hứa hẹn với bạn nhiều điều thú vị nếu bạn được mặc quần tắm, sánh vai trên bãi biển với một cô nàng tóc vàng xinh đẹp; nhưng cũng là quãng thời gian đầy mệt mỏi nếu như bạn bắt buộc phải giam mình trong phòng làm việc như hoàn cảnh của tôi trong lúc này.
Tiếng xe hơi trên Đại lộ Orchid, tiếng ầm ì của chiếc máy bay đang bay dọc theo bờ biển, lọt qua khung cửa sổ căn phòng của tôi tiếng sóng biển rì rào. Máy điều hòa nhiệt độ nằm lẩn trong khe tường căn nhà cao tầng Orchid Buiding đang phải đương đầu với cái nóng mỗi lúc một tăng. Mặt trời chói chang chiếu những chùm tia rực rỡ lên tấm thảm do Paula sắm cho căn phòng làm việc của tôi, cốt để gây ấn tượng với khách hàng. Cái giá cắt cổ của nó làm cho chính bản thân tôi cũng ít khi dám đặt chân lên.
Tôi bày ra mặt bàn một số thư tín cũ, để nếu Paula bất chợt đi vào, sẽ nghĩ rằng tôi đang làm việc. Ly uýtki có khả năng làm bỏng cổ họng, được tôi giấu sau cuốn sách luật dày cộm. Mỗi lần nhấm nháp mũi tôi đụng cả vào mấy cục đá lạnh.
Tôi thành lập công ty Universal Services này đã được hơn ba năm rưỡi, một tổ chức nhận phục vụ bà con từ việc dạy chó tới việc tiễn một tay tống tiền quá tham lam sang bên kia thế giới. Theo bảng giá phục vụ thì chỉ có mấy tay triệu phú mới có đủ khả năng nhờ tới công ty, nhưng nhờ trời ở cái đô thị Orchid này, số triệu phú cũng nhiều bằng số hạt cát trên bãi biển. Hơn ba năm rưỡi qua, công ty tôi cũng khấm khá, vớ được một số tiền, nhận được khối việc linh tinh kể cả việc điều tra vụ án.
Thời gian gần đây, hoạt động của công ty bỗng trở nên trầm lặng theo kiểu cô gái già ngồi bên bếp lửa.
Những chuyện lặt vặt bình thường thì Paula cũng tự giải quyết được.
Bây giờ, chỉ có công việc nào cỡ quan trọng cực kỳ mới có thể làm cho tôi và Jack Kerman (cánh tay phải của tôi) thoát khỏi tâm trạng ù lì này. Vậy mà chẳng thấy loại công việc ấy đâu cả, khiến cho tôi và Jack chỉ còn việc ngồi nhâm nhi và cố làm cho Paula tưởng rằng chúng tôi đang có món gì bở lắm. Jack ngồi chễm chệ trên cái ghế bành dành cho khách hàng. Cậu ta người dài, mảnh, nhanh nhẹn, có bộ tóc đen với một chùm tóc trắng nằm ngang, bộ ria mép vào loại \”không giống ai\”. Cậu ta đương cọ cọ ly rượu lạnh vào trán, bộ mặt đờ đẫn. Mặc bộ complê xanh ôliu, đeo ca vát kẻ sọc vàng, đi giầy da hươu trắng có đường gân nổi màu xanh, nhìn cậu ta cứ như vừa ra khỏi tiệm may thời trang cho đàn ông vậy.
Ngẫm nghĩ chán rồi, cậu ta lên tiếng:
– Này, \”mái\” ấy cũng được chứ. Nếu bỏ đôi tay đi, khéo cô ta còn trội hơn cả pho tượng thần Vệ nữ ở Milô ấy.
Ngồi tụt vào lòng ghế, hắn tiếp tục lải nhải:
– Ước gì có ai khử đôi tay cô ấy đi. Trời đất! Vậy mà tôi ngố quá, cứ tưởng em dễ lắm…
– Thôi, rác tai! – Tôi vừa nói vừa với chai rượu – Biết rồi! Trời nóng như thế này mà cứ phải nghe những chuyện lăng nhăng của cậu thì thà đi nghiên cứu thánh kinh còn hơn.
– Sẽ mất thì giờ vô ích thôi, – Kerman nói giọng khinh thường – những chỗ hay trong cuốn sách đều viết bằng tiếng Latinh đấy.
– Ấy, đừng lạ. Có nhiều người đã học tiếng Latinh chỉ để hiểu những chỗ đó thôi đấy. Một công, đôi việc.
– Nghe vậy, tôi lại nhớ tới em tóc vàng của tôi – Kerman duỗi đôi cẳng dài – Hôm qua, tôi vừa gặp em ở tiệm Barney.
– Đây cóc cần để ý tới các em tóc vàng – tôi trả lời dứt khoát – Đáng lẽ ngồi mốc ra ở đây nói chuyện gái, cậu phải đi tứ phương mò ra việc mà làm. Nhiều lúc tớ cũng tự hỏi, trả lương cậu làm quái gì nhỉ.
Kerman có vẻ ngạc nhiên:
– Anh muốn có việc thật à? Tôi lại nghĩ, cứ để cho Paula làm, còn chúng mình chỉ việc ăn theo.
– Chẳng nên nghĩ như vậy mãi. Thỉnh thoảng nếu làm một việc gì đó đáng giá với một miếng bít tết cậu ăn thì cũng chẳng chết nào.
Kerman làm bộ yên tâm:
– Thỉnh thoảng thôi à… thế thì tốt. Tôi cứ ngỡ anh yêu cầu làm ngay.
Hắn làm thêm một tợp nữa rồi nhắm mắt lại:
– Này, cô em mà tôi nói với anh không phải là loại thường đâu nhé, tôi thề là đúng như vậy. Khi tôi đề nghị gặp lại nhau, nàng trả lời không phải là hạng người chạy theo đàn ông. Anh có hiểu tôi nói gì không?
– Không. Cái gì?
Hắn lại tiếp tục kể lại. Khổ một nỗi là nếu tôi không chịu nghe những lời tào lao của hắn thì rồi đây, lấy ai là người sẽ chịu chuyện của tôi.
Kerman lải nhải:
– Tôi trả lời: \”Thưa quý nương, có thể quý nương không chạy theo đàn ông, nhưng ở đời này có bao giờ cái bẫy chuột lại chạy theo con chuột\”. Câu này được đấy chứ, hả? Em đờ người luôn. Anh không nên bĩu môi ra như vậy. Có thể, anh chẳng lạ gì câu nói đó, nhưng với nàng thì quả là có tác dụng.
Bỗng cửa mở và Paula bước vào phòng, khi tôi chưa kịp giấu ly rượu đi.
Paula là một cô gái da ngăm ngăm, xinh đẹp, có đôi mắt màu sẫm, lạnh lùng và bình tĩnh, với một thân hình xứng đáng để mình phải quan tâm. Lại còn hoạt động, thông minh và chăm chỉ. Chính cô ấy đã khuyến khích tôi thành lập công ty Universal Services này, cho tôi vay tiền để sống qua sáu tháng đầu. Nhờ tài điều phối của nàng mà công ty đã có những thành công nhất định. Nếu ví tôi là bộ óc của công ty thì chính cô ấy là bộ xương sống. Có thể nói rằng, nếu không có Paula thì chỉ trong tám ngày là công ty của tôi sẽ giải tán.
Bây giờ thì cô ấy đang đứng trước bàn giấy, nhìn tôi với ánh mắt không đồng tình và hỏi:
– Anh không có việc gì để làm hơn là ngồi đấy mà nhấm nháp à? – Kerman vội lên tiếng tuy giọng nói hơi đuối.
– Thì làm gì hơn được?
Cô ấy lườm Kerman rồi hướng sang tôi đôi mắt xám long lanh. Tôi vội trả lời:
– Thật ra thì tụi anh cũng đang định đi ra ngoài để móc nối với khách hàng. Nào, Jack, coi chúng mình làm gì bây giờ.
– Phải đấy, nhưng đi đâu? Tới tiệm của Finnegan chăng? – Paula hỏi móc chúng tôi.
– Ý kiến hay tuyệt đấy, bà già khó tính ạ. Kerman nói: – Rất có thể, Finnegan sẽ tuồn cho mình một việc gì đấy.
– Trước khi đi, có lẽ anh cũng nên biết tới cái này. – Paula đưa cho tôi một phong bì dài và nói tiếp:
– Người gác cửa vừa đưa cho tôi và bảo thấy nó trong túi chiếc áo mưa cũ mà anh quẳng cho ông ta.
– Vậy hả? – Tôi vội đỡ lấy cái phong bì – Thế này thì lạ thật. Đã hơn một năm nay, tôi không mặc cái áo ấy.
– Anh hãy nhìn dấu bưu điện, thử coi – giọng Paula dịu dàng như tiết trời trước cơn dông tố – Cái thư đã được gửi đi cách đây một năm hai tháng. Tôi không dám nghĩ rằng anh quên nó trong túi. Có lẽ nào anh lại làm như vậy, phải không?
Chữ viết nắn nót trên phong bì là nét chữ của một phụ nữ.
– Anh không nhớ là đã nhìn thấy nó bao giờ?
– Anh thì có nhớ cái gì. Nếu tôi không tìm cách làm cho đầu óc anh tỉnh táo lại thì rồi đây, chắc anh còn làm tôi ngạc nhiên vì nhiều việc nữa – Paula đay nghiến tôi.
– Này, này cô em xinh đẹp! Kerman lên giọng dịu dàng – Có ngày anh sẽ kiếm cho em một chàng dư sức đấu với em và còn cho em một trận nữa đấy.
– Cô ấy không ngán đâu (vừa nói, vừa mở phong bì) – tôi đã từng thử, nhưng chỉ có tác dụng làm cô ấy sôi sục thêm thôi. Tôi luồn hai ngón tay vào phong bì, lấy ra một lá thư và tờ năm trăm đôla.
– Trời ơi! – Kerman kêu và nhẩy cẫng ra khỏi ghế – thế này mà anh đưa cho bố gác cổng hả?
– Ồ, không phải cậu đưa là được rồi.
Tôi cao giọng đọc thư:
Crestways, Foothill Boulevard, Orchid City,
Ngày 15, tháng… năm, 19…
Xin ông đến gặp tôi ngày mai, lúc ba giờ tại địa chỉ trên. Tôi muốn bàn với ông về một vụ tống tiền mà tôi là nạn nhân. Tôi chắc công việc này hợp với chuyên môn của ông. Đề nghị ông hãy coi bức thư này có tính cách khẩn và mật. Xin gửi kèm theo đây tiền chi phí trước là năm trăm đôla.
Janet Crosby
Không khí thật nặng nề. Kerman cũng chẳng biết nói gì. Chúng tôi thường trông vào mối quan hệ với những khách hàng cũ để dẫn tới những công việc mới. Vậy mà, giữ cái thư này tới mười bốn tháng, cả món tiền năm trăm đôla kèm theo mà không hề báo tin lại cho vị khách hàng tương lai của công ty biết rằng chúng tôi đã nhận được, chắc chắn rằng việc đó chẳng tốt gì cho uy tín của chúng tôi.
– Khẩn và mật – Paula lẩm bẩm – Vậy mà giữ trong túi áo mười bốn tháng, rồi quẳng cho người gác cổng để cho những người quen sơ sơ cũng biết. Rõ thật là đẹp!
– Thôi, dẹp đi! – Tôi gắt – Tại sao người phụ nữ đó không gọi giây nói xem sự thể ra sao? Cô ta cũng đoán được lá thư có thể bị lạc chứ. Nhưng này, hay bà ta chết rồi. Chúng ta đã biết, có một người con gái nhà Crosby chết. Người đó là Janet chăng?
– Ừ, tôi cũng nghĩ như vậy. Để tôi đi kiểm tra xem sao.
– Nhân tiện, em hãy mang lại cho anh tất cả các tài liệu của chúng ta có liên quan tới gia đình Crosby nhé.
Khi Paula rời phòng, tôi bảo Kerman:
– Nếu Janet đã chết, tớ nghĩ rằng mình phải gửi trả lại số tiền cho gia đình người ta.
Kerman có ý tiếc món tiền từ trên trời rơi xuống nên có ý kiến:
– Làm như vậy, bọn nhà báo nó đánh hơi thấy, chắc sẽ không có gì hay cho công việc của chúng ta đâu. Phải đề phòng, Víc ạ. Tốt nhất, ta cứ giữ tiền lại rồi ỉm chuyện này đi.
– Không làm thế được. Về mặt công việc thì ổn đấy, nhưng về mặt lương tâm thì không xuôi.
Kerman vặn vẹo mình trên ghế:
– Ấy là tôi nghĩ mình không nên khuấy c. lên mà ngửi thôi. Có phải nhà Crosby có chân trong ngành dầu lửa không?
– Đúng đấy, nhưng ông ta chết rồi. Cách đây mấy năm, trong một tai nạn, ông ta bị một viên đạn vào đầu.
Cầm con dao rọc giấy trong tay, tôi bực dọc chọc chọc xuống làm tờ giấy thấm lót tay thủng lỗ chỗ.
– Tớ vẫn chưa hiểu được tại sao tớ lại để cái phong bì đó trong túi áo mưa cơ chứ. Chẳng biết ra sao nữa.- Kerman hiểu rõ tính tình Paula nên cười với tôi, ra vẻ thông cảm:
– Nếu em cự nự quá thì anh cứ đét cho em mấy cái là xong ấy mà. Sau đó, cố mà gánh chịu. Cứ nghĩ tới anh lúc đó mà tôi thấy khoái.
Tôi tiếp tục chọc xuống tờ giấy thấm lúc Paula trở lại, với bao bì giấy đầy những bài báo đã được cắt ra. Paula nói:
– Janet Crosby bị chết vì một cơn đau tim ngày 15 tháng 5 năm ngoái, đúng ngày cô ta gửi cái thư ấy đi.
– Cho nên từ ngày đó tới nay, chúng ta không thấy ai đả động gì tới việc này nữa thì cũng chẳng có gì lạ.
– Cơn đau tim à? Cô ta hồi đó bao nhiêu tuổi?
– Hai mươi lăm.
Tôi đặt con dao rọc giấy xuống bàn và rút một điếu thuốc:
– Trẻ như vậy mà chết vì bệnh tim đột ngột thì cũng hơi lạ đấy. Nhưng em biết được gì qua những tài liệu trong tập hồ sơ này nào.
Paula ngồi xuống mép bàn và nói:
– Cũng không có gì khác những điều chúng ta đã nắm được. Mac Donald Crosby đã thu được hàng triệu đô la trong vụ dầu lửa. Ông ta là một tín đồ quaker ít phóng khoáng, hai đời vợ. Janet là con vợ trước, hơn cô em Maureen, con người vợ thứ hai, bốn tuổi. Crosby đã nghỉ làm việc từ năm năm và tới ở Orchid City. Trước đây, ông ta ở San Francisco. Hai cô con gái khác hẳn nhau về mọi mặt. Janet là một họa sĩ say sưa với nghề; đã có nhiều bức tranh được trưng bày trong viện bảo tàng tranh mỹ thuật hiện đại. Là một cô gái có tài năng nhưng kín đáo và khó tính. Cô em Maureen xinh đẹp lại nổi tiếng vì tính lập dị và phóng đãng. Trước khi ông bố chết, cô ta thường được đăng ở trang nhất các tờ báo vì dính líu tới các vụ sì căng đan.
– Loại nào? – tôi hỏi.
– Cách đây mấy năm, cô ta lái xe, cán chết một người. Có lời đồn rằng vì cô say rượu. Điều đó có thể đúng vì cô có khả năng uống như cái thùng không đáy. Ông bố đã chạy chọt sở cảnh sát và cuối cùng cô bé chỉ bị phạt một món tiền lớn vì lái xe quá tốc độ cho phép. Lần khác, có kẻ thách cô cởi truồng cưỡi ngựa đi diễu trên Đại lộ Orchid và cô đã thắng cuộc.
Kerman nhỏm người khỏi cái ghế dựa, mắt long lanh, hỏi:
– Xin hỏi một câu vì tôi chưa hiểu kỹ. Vậy thì ai cởi truồng, con ngựa hay cô gái?
– Cô gái, đồ ngốc!
– Chuyện đó xảy ra bao giờ nhỉ, sao tôi không thấy?
– Cô ta mới đi được năm mươi mét đã bị chặn lại.
– Trời, nếu tôi ở đó, tôi đã đi kèm cô ta từ đầu.
– Thôi im đi, đừng nói dóc nữa?
Tôi có ý kiến:
– Xem như vậy thì quả thật cô ta là một con mồi béo bở cho bọn nặc danh.
Paula gật đầu:
– Các anh có biết ông Crosby bị chết như thế nào không? Ông ta ngồi ở bàn làm việc, lau súng, và bị chết bởi một viên đạn cướp cò. Một phần tư gia tài để ở một ngân hàng dành cho Maureen. Ba phần tư kia không có di chúc hướng dẫn việc sử dụng làm gì. Sau khi Janet chết, tất cả gia tài thuộc về Maureen và từ đó, không thấy tên cô ta trên báo chí nữa.
– Crosby chết từ hồi nào?
– Tháng ba năm ngoái. Hai tháng trước cái chết của Janet.
– Maureen lợi quá nhỉ.
Paula ngước lông mày lên:
– Đúng là cái chết của Crosby đã có ảnh hưởng rất nhiều tới Janet. Giới báo chí cho rằng cô ta không được khỏe vì cái tang của ông bố khiến cho cô ta bị một cú sốc.
– Có thể như vậy lắm, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là sự việc xảy ra hoàn toàn có lợi cho Maureen. Hình như câu chuyện này có điều gì không minh bạch, Paula ạ. Có thể vì đầu óc tôi không được lành mạnh cho lắm, nhưng cứ thử coi lại mà xem: Janet viết cho tôi biết, có người muốn tung tin xấu về em cô. Sau đó cô vội chết để cho cô em hưởng trọn gia tài. Thật là một sự trùng hợp kỳ lạ…
Paula nhăn mặt, nói:
– Tôi chưa biết chúng ta nên xử sự thế nào vì chúng ta không thể thay mặt cho khách hàng đã quá cố.
– Được chứ (tôi bật ngón tay vào tờ năm trăm đô la). Nếu tôi không hoàn món tiền này cho người thừa kế nó, thì tôi phải làm việc để xứng với tiền công của khách hàng ứng cho tôi. Tôi chọn biện pháp thứ hai.
– Mười bốn tháng qua, đã lâu rồi đấy – (Kerman tỏ vẻ nghi ngờ) – Bây giờ tìm được dấu vết cũng khó.
– Nếu có dấu vết (Paula đế thêm vào).
Tôi lùi ghế lại và trình bày thêm ý kiến của tôi:
– Mặt khác, nếu cái chết của Janet không bình thường thì thời gian qua đã đủ làm cho thủ phạm yên tâm. Khi cho rằng mình đã an toàn, hắn dễ phạm sai lầm. Tôi sẽ đi gặp Maureen coi thử cô ta sử dụng món tiền được hưởng của cô chị như thế nào.
Kerman gầm gừ trong cổ họng: – Tôi cho rằng thời kỳ làm việc theo kiểu \”dự đoán theo linh tính\” như thế này đã qua rồi. Vậy tôi phải làm gì ngay bây giờ hay là đợi anh quay về.
– Đợi tớ về đã. Nhưng nếu cậu còn bận bịu về cái việc kia, cái vụ bẫy chuột gì ấy mà, thì hãy tìm người thế chân cho cậu đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.