Hãy Đặt Nàng Lên Tấm Thảm Hoa

PHẦN CUỐI –



Tôi đứng dưới một mái che, ngắm toàn bộ phần trên mặt của con tàu. Dưới cánh buồm lớn sơn màu đỏ và kem đang phập phồng trong làn gió nhẹ, boong tàu được trang trí hàng trăm ngọn đèn xanh đỏ như những hạt ngọc lóng lánh trong đêm khuya.
Hai bên cầu tàu phần trên, những ngọn đèn nêông uốn cong theo hình cửa cho biết lối vào của câu lạc bộ. Mỗi bên cửa có một thủy thủ mặc đồ trắng đứng canh gác. Hai người đàn ông mặc lễ phục màu đen đi kèm một phụ nữ trong bộ y phục buổi chiều, vừa từ canô bước lên, được các thủy thủ đứng chào trang trọng. Họ đi qua cầu vào trong phòng rượu. Qua những cửa sổ hình tò vò, bóng các cặp nam nữ đang khiêu vũ trong âm thanh du dương của tiếng kèn sắc xô và nhịp điệu của bộ trống, luôn thay đổi theo màu sắc ánh đèn.
Ở cầu tàu, trên chỗ tôi đứng có ba bóng người đang tựa lan can nhìn xuống nước, theo dõi các khách mới tới. Thấy không có ai để ý, tôi bước ra khỏi bóng tối lại gần một chiếc canô cấp cứu nằm ở bên sườn tàu, ước đoán khoảng cách giữa sàn tàu và canô. Những giọng nói ở cầu tàu trên vọng xuống.
– Họ tới từng đám một. Tối nay nhộn nhịp lắm đấy.
– Ừ… nhìn coi, cô gái mặc áo đỏ kìa, thân hình thật bốc lửa. – Tôi không để ý tới những lời họ trao đổi nữa, mở cánh cửa ở gần chỗ đứng. Thấy có một cầu thang bên trong, tôi liền vào đi xuống tầng dưới. Có ba cô gái cùng ba người đàn ông vừa lên tàu. Một cô quá say đi không vững. Họ dìu nhau lên cầu trên, vào phòng uống rượu. Qua sân boong rộng rãi và yên tĩnh, dưới ánh trăng, tôi bỗng để ý tới ánh sáng của ngọn đèn trong một cabin chiếu ra qua một ổ kính nhỏ. Toàn cảnh nhìn giống như một vết rượu nhỏ trên chiếc áo cưới trắng của cô dâu ngày hôn lễ. Ánh sáng màu rượu đó tự nhiên thu hút tôi đi tới.
Tôi đi nhẹ nhàng, từng bước chậm. Được nửa đường tôi phải ngừng lại, tựa mình vào lan can tàu. Một bóng người mặc áo trắng tiến thẳng lại chỗ tôi đứng. Tôi đã cho tay vào túi nắm chặt khẩu súng. May mắn thay người đó đi thẳng tới cầu thang lên tầng trên. Tôi tới ô cửa kính, nhìn vào trong và muốn kêu lên vì sung sướng. Paula đang ngồi đọc báo trên chiếc ghế bành. Nàng có dáng một cô gái nhỏ lạc gia đình, nét mặt ưu tư nhưng thật đẹp. Tôi có linh tính tìm thấy nàng ở chỗ này vì cả tàu không có nơi nào nhiều cabin có thể giam giữ người như phần này. Nhưng tôi không ngờ lại tìm thấy nàng nhanh như vậy.
Tôi đi vòng lại phía cửa cabin. Cánh cửa bị chốt bên ngoài. Tôi kéo chốt, vặn nắm cửa mở ra. Không khí trong cabin nóng và ngột ngạt ùa vào mặt tôi.
Paula giật mình khi thấy tôi. Thoạt đầu cô không nhận ra tôi trong bộ đồ thủy thủ. Một phút sau, cô mới tựa lưng vào ghế ngả đầu ra phía sau mà cười. Thái độ vui mừng của Paula làm tôi quên hết mọi sự nguy hiểm và nhọc nhằn vừa trải qua. Tôi hỏi nàng:
– Em khỏe không?
Nếu Paula không có vẻ can trường và bình tĩnh như thế, nhất định tôi đã ôm hôn nàng rồi. Cô bảo:
– Em vẫn khỏe. Anh vất vả lắm mới tới đây được, phải không? – Cô cố giữ giọng nói bình thường mà nó vẫn hơi run run. Tôi bảo:
– Ừ, em coi đây, anh đã cố gắng xoay xở và đã thành công. Hiện nay, bọn chúng vẫn chưa biết anh lên được trên tàu. Tới chín giờ Kerman và Mike sẽ tới đây. Có lẽ chúng mình phải bơi tay vào bờ mất.
Paula thở một hơi dài rồi đứng ngay dậy, bảo:
– Em biết là thế nào anh cũng tới. Vic…
Tôi tưởng cô sắp để mình trôi theo đà tình cảm, nhưng cô đã chững lại:
– Lẽ ra anh không nên tới một mình như thế này. Tại sao không phối hợp với cảnh sát?
– Hy vọng gì họ ủng hộ chúng ta. Anona đâu?
– Em không biết, nhưng nghĩ rằng hiện giờ cô ta không ở đây. – Không khí trong cabin mỗi lúc một nóng thêm. Tôi bảo:
– Việc gì đã xảy ra với em vậy?
– Nghe có tiếng gõ cửa, em ngỡ là anh, nên ra mở. Bốn tên có màu da hơi sẫm ùa vào. Hai tên vào phòng Anona, em nghe thấy tiếng cô ta la hét. Hai tên bắt em đi theo, đưa thẳng tới đây. Chúng giơ dao ra dọa, em nhận thấy chúng sẽ không ngần ngại gì, nếu em chống cự. Khi bị chúng đẩy ra đường, lên một chiếc xe chờ sẵn, em nhìn thấy một chiếc Rolls màu đen, lớn cũng đậu ngay trước cửa nhà. Một đứa vác cô ấy trên vai, tống vào chiếc Rolls. Tất cả xảy ra giữa ban ngày trước mắt nhiều người mà không ai dám can thiệp. Bọn ở đây dọa em, nếu kêu to chúng sẽ cắt cổ. Chúng đều là một lũ dã man.
– Anh đã biết rõ bọn chúng rồi. Chiếc Rolls là xe của Maureen. Như vậy thì chúng đã mang Anona về căn nhà của cô ấy trên vực đá rồi.
Tôi suy nghĩ một lát rồi bảo:
– Anh muốn tìm hiểu tàu này trước khi chúng mình lên bờ tìm Maureen. Em cùng đi với anh có được không?
– Nếu không thấy em ở đây, bọn chúng sẽ báo động. Tốt nhất là cứ để em ngồi đây cho tới phút cuối. Cẩn thận nhé, Vic!
Tôi do dự không biết có nên cùng Paula thoát khỏi tàu ngay hay đi tìm thêm tung tích của Maureen và Anona. Không khí trong cabin nóng quá, tôi nói với Paula:
– Nếu không tìm thấy họ ở các cabin tầng dưới, thì chúng ta sẽ rời tàu ngay. – Tôi lấy khăn tay, lau mặt – Không biết có phải anh bị cảm không, nóng quá.
– Không phải đâu. Từ lúc nãy, cabin cứ nóng dần lên như vậy đấy.
– Có lẽ chúng đốt lò sưởi ở phần này. Em chịu khó chờ anh độ mười phút.
– Được rồi, anh đi đi. Thận trọng nhé.
Tôi đập khẽ vào cánh tay Paula, gật đầu cười để cô an tâm rồi mở cửa đi ra phía sau tàu. Mới đi được mấy bước tôi đã giật bắn mình vì tiếng quát.
– Làm gì ở đấy thế, đồ chó chết!
Một người thấp nhưng to ngang ra khỏi bóng tối. Cả tôi lẫn hắn, đều không ai nhìn thấy mặt nhau vì cái lưỡi trai ở mũ in bóng xuống mặt.
– Ta nhắc lại bao nhiêu lần là không đứa nào được lảng vảng tới cầu này. Mày không nhớ sao?
Hắn vừa quát vừa đi thẳng lại chỗ tôi. Như có linh tính tôi vừa kịp nghiêng đầu thì hắn đấm một cú về phía tôi. Trước khi hắn thu tay lại, tôi đã dồn hết sức, tống cho hắn một quả vào giữa bụng. Không để hắn kịp thở, tôi cho hắn xơi luôn một cú nữa giữa hàm làm hắn khuỵu gối, lăn xuống đất. Tôi kéo hắn về phía cabin của Paula, mở cửa và nói:
– Anh vừa đâm sầm vào hắn!
Paula mở một cái tủ, bảo:
– Cho hắn vào đây. Để em canh cho, không sợ nó bị chết ngạt đâu.
Trong tủ còn nóng hơn ở ngoài nhiều, làm Paula nghi ngờ:
– Lạ quá. Sàn cũng rất nóng. Hay là cháy ở tầng dưới?
Tôi đặt tay xuống thảm, mở cửa rồi sờ tay xuống sàn.
– Đúng rồi. Có lẽ cháy dưới hầm tàu. Tôi nắm tay Paula, cùng chạy lên trên bảo:
– Thôi, không cần ở lại nữa. Đi theo anh, chúng ta quan sát tàu một chút rồi cùng nhau lên tầng trên.
Đồng hồ tôi chỉ chín giờ kém năm. Còn năm phút nữa là Kerman sẽ có mặt trên tàu. Paula bảo:
– Nên báo động cho mọi người biết. Trên tàu đông người lắm.
– Lát nữa!
Ở phía cuối boong có một cánh cửa. Tôi lại gần, áp tai vào tường ngăn bằng gỗ. Thấy im lặng. Cửa không khóa, tôi đẩy cửa bước vào. Nhiệt độ trong phòng như một cái lò. Phòng này rộng, sáng, đồ đạc và trang trí bên trong sang trọng, nửa là bàn giấy, nửa là phòng khách, có hai cửa sổ một trông lên bờ, một về phía Thái Bình Dương. Một ngọn đèn tỏa ánh sáng êm dịu xuống mặt bàn. Phần còn lại của gian phòng chìm trong bóng tối. Có tiếng nhạc của một cái loa ẩn trong vách trên cao. Tôi cầm lăm lăm khẩu súng trong tay. Paula bước qua cửa sổ theo tôi. Chúng tôi đều nhận xét thấy trong phòng có mùi khét làm cả hai khó thở. Hình như lớp sơn quét trên tường đang chảy thành dòng xuống dưới sàn. Tôi lại gần cái bàn, cúi xuống nhìn tấm thảm bốc khói, rồi quay lại bảo Paula:
– Thôi, đừng vào nữa. Có lẽ lửa đang cháy ở phía dưới chân chúng ta rồi. Sàn phòng này có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Chắc đây là bàn làm việc của Sherrill.
Tôi rút ngăn kéo bàn, lục các giấy tờ xem có gì quan trọng không, chợt bỗng để ý tới một phong bì lớn đề tên: Anona Freedlander. Tôi gấp lại, bỏ vội vào túi rồi giục Paula:
– Thôi, ra đi em!
Nhưng Paula chỉ vào sau bàn, nói:
– Vic! Coi kìa, đằng sau bàn!
Tôi quay lại, thấy một khối màu trắng, một người đàn ông, nằm ngửa, dang tay ra trên sàn nhà nóng bỏng. Tôi bấm đèn vào mặt người đó làm Paula không ngăn được tiếng kêu vì ngạc nhiên và sợ hãi. Tôi nói nhỏ:
– Sherrill!
Sherrill bị bắn vào đầu. Viên đạn bắn gần nên một phần sọ bị vỡ trông thật khủng khiếp.
Khi tôi vừa cúi xuống nhìn thi thể hắn, thì hai ngọn lửa như hai cái lưỡi rắn từ khe sàn vụt lên, liếm vào bộ mặt của người chết.
Gã người Ý bé nhỏ đứng ngay ở trước cửa ra vào để đón tôi với nụ cười hiểm độc. Nòng khẩu tự động chĩa thẳng vào ngực tôi. Gã chìa tay ra, bảo:
– Đưa đây, cái gì mày vừa cho vào túi đó, mau lên! Tôi còn cầm súng trong tay nhưng biết chắc chắn rằng gã không để cho tôi đủ thời giờ để nâng súng lên và ngắm bắn. Tôi dùng tay trái đưa cho gã túi hồ sơ về Anona Freedlander. Đôi mắt gã ánh lên sự thích thú độc ác, ngón tay trỏ của gã đặt lên cò súng đang co lại để bóp cò. Tôi cảm nhận rõ ràng các sự việc đó, thoáng trong một giây đồng hồ trước khi chết.
Nhưng không. Một cái ghế bỗng bay ngang phòng làm cho gã phải nhìn theo. Súng gã vẫn nổ ngay lúc đó nhưng chỉ sát gần da cổ tôi. Còn viên đạn từ khẩu súng của tôi bắn ra lại găm vào ngực gã. Chính Paula đã quăng cái ghế kịp thời để cho tôi có thể chuyển bại thành thắng trong khoảnh khắc. Gã đổ người xuống, nét mặt nhăn lại vì đau. Tôi bảo:
– Ra mau, Paula!
Paula còn cúi xuống, nhặt khẩu súng của tên Ý rồi mới chạy ra cửa. Tôi chạy theo cô, thấy sàn rung lên theo mỗi bước chân. Khi tôi ra khỏi cửa thì đồ đạc trong phòng bắt đầu bốc cháy và tụt xuống tầng dưới, lửa đỏ như một cái lò nung. Paula nắm cánh tay tôi và cùng chạy lên trên boong tàu.
Có kẻ nổ súng vào chúng tôi, nhưng viên đạn chỉ làm vỡ ô kính ở cánh cửa một cabin. Lại có một tiếng súng nữa. Tôi đành phải dừng lại quan sát vì bộ đồ thủy thủ trắng của tôi chẳng khác gì một tấm bia di động để các tay xạ thủ tập bắn. Nhận thấy có bóng người núp trong bóng tối, tôi nã luôn hai phát. Phải nhận rằng lúc nào tôi cũng gặp may. Phát súng thứ hai đã trúng kẻ định hại chúng tôi. Hắn loạng choạng bước ra từ bóng tối rồi nằm vật ra sàn.
Chúng tôi tiếp tục chạy. Lúc này ở tầng dưới mọi chỗ đều nóng bỏng khiến chúng tôi không dám nắm vào tay vịn cầu thang đi lên tầng trên. Buổi dạ hội đêm nay thật sự là náo nhiệt. Tiếng la thét kêu cứu lẫn với tiếng gió lửa và kính vỡ tạo thành những âm thanh khác hẳn tiếng kèn sắc xô vừa rên rỉ lúc nào. Các vị khách đặc biệt của tàu trong những bộ quần áo dạ hội giơ tay, giơ chân hò hét như những kẻ mất trí. Ba, bốn sĩ quan chỉ huy tàu ra sức vãn hồi trật tự nhưng chỉ mất công toi. Tôi bảo Paula:
– Kerman sắp tới rồi. Hãy đi sát bên anh. Chúng mình phải cố tới được cái thang bên sườn tàu.
Chúng tôi phải chen lấn để lấy đường đi giữa một đám người hoảng loạn. Một người đàn ông bỗng túm lấy Paula, đẩy cô ra xa rồi túm lấy áo tôi. Chẳng có nguyên nhân gì cả. Tôi đành phải tặng ông ta một cú đấm để thoát thân. Lại một cô gái, váy, áo rách toạc thành hai mảnh ôm lấy cổ tôi mà hét. Mùi uýtki từ miệng cô ta phả vào mũi tôi. Paula phải hết sức mới giằng được cô gái ra và tát cô mấy cái thật mạnh cho cô tỉnh.
Bỗng có tiếc gọi:
– Ê, Vic!
Tiếng của Kerman cất lên giữa cảnh náo loạn. Tôi đẩy Paula về phía trước trong khi chiếc áo rách của cô vẫn mắc lại phía sau. Cuối cùng, cả hai người chúng tôi cũng tới được chỗ Kerman. Cậu ta hét to:
– Anh buộc phải nổi lửa, hả?
– Canô của cậu đâu?
Kerman giơ tay chỉ cho tôi một chiếc canô đang bập bềnh trên sóng, cạnh sườn tàu “Mộng Mơ”, đỡ Paula trèo qua lan can, rồi thả một thang dây từ chỗ đứng xuống canô. Paula nhanh nhẹn trèo xuống như một con mèo biển.
Bỗng anh chàng kêu to:
– Trời ơi! Bỏ tôi ra nào, không được, đây chỉ có mấy chỗ dành cho cuộc họp gia đình thôi!
Một phụ nữ đang lăn xả vào ôm lấy chân Kerman, khiến anh chàng không làm thế nào rút được ra. Tôi đã nhảy được xuống canô cùng Paula, nói vọng lên:
– Cậu vẫn khoái những cuộc gặp gỡ bất ngờ mà. Mang bà ta theo luôn đi! – Nhưng không biết bằng cách nào, Kerman đã tuột được xuống canô theo cái thang dây nhanh đến nỗi, thiếu chút nữa là hất tôi xuống nước.
Kerman cho canô chạy vào bờ. Tôi ngoảnh lại nhìn khói và lửa bắt đầu bốc mạnh lên từ con tàu “Mộng Mơ” bảo:
– Không biết con tàu này được bảo hiểm bao nhiêu?
– Anh đốt tàu này, hả?
– Không, ngốc ạ. Có kẻ đã bắn chết Sherrill và đốt tàu. Nếu tôi và Paula không nhìn thấy thì sẽ chẳng ai biết việc này.
– Rồi đây, nhất định đám tang của hắn sẽ rất tốn kém.
– Cũng tùy vào số tiền bảo hiểm con tàu. Tôi rút tập hồ sơ của Anona Freedlander ở trong túi ra. Kerman đưa cho tôi cái đèn pin. Mới nhìn thấy trang đầu, tôi đã há to miệng ra và sửng sốt. Kerman hỏi tôi:
– Sao thế?
Paula thì hỏi:
– Sau đây, chúng ta phải làm gì?
Tôi trả lời Paula:
– Anh và Kerman phải đi tìm Anona ngay. Em hãy tới báo tin cho Mifflin và nói sao để ông ta tới ngay căn nhà của Maureen bên vực đá. Màn kịch sẽ hạ ngay tối hôm nay. – Paula hỏi tôi:
– Anh đi báo cho Mifflin có tiện hơn không? – Không kịp. Vì hiện nay, nếu Anona ở trong nhà Maureen thì tính mạng cô ta đang bị đe dọa.
Kerman hỏi:
– Tại sao?
Tôi giơ tập hồ sơ lên bảo:
– Có thế mà Mifflin cũng không phát hiện ra và cho mình biết. Anona bị ăng-đô-các-đít từ hơn nămnay rồi!
Kerman lại hỏi:
– Anona cũng bị bệnh tim giống Janet à?
– Hãy nghe tớ đọc các tài liệu trong hồ sơ Anona đây: cao một mét năm mươi, tóc nâu sẫm, mắt nâu. Các bạn thấy thế nào? Kerman vội trả lời:
– Sai! Cô ta cao hơn, tóc vàng. Thế này thì chẳng hiểu gì cả.
Paula bây giờ mới lên tiếng:
– Như vậy có nghĩa là người con gái chúng ta giải thoát không phải là Anona Freedlander!
– Đúng rồi! Cậu hiểu chưa Kerman? Cô gái bị chết vì ăng-đô-các-đít ở Crestways là Anona. Còn cô gái bị giam giữ và đánh thuốc mê chính là Janet Crosby!
Chúng tôi đứng dưới chân vực đá, cùng căng mắt nhìn vào bóng đêm. Đằng xa trên mặt biển, con tàu “Mộng Mơ” vẫn đang cháy như một bó đuốc nhỏ giữa đêm đen. Kerman chỉ vào bờ dốc đá gần như thẳng đứng, hỏi:
– Anh định bắt tôi trèo lên đỉnh hả? Tôi có phải loài khỉ đâu?
– Chuyện đó sẽ bàn sau. Nhưng việc trèo lên là bắt buộc vì không thể làm cách nào khác. Đường vào biệt thự này có hai cổng sắt lớn, mở đóng tự động cùng cả một hệ thống dây thép gai. Bởi vậy, nếu muốn lọt vào trong, chỉ còn có đường này. Kerman ngửa cổ lên, hỏi:
– Dễ thường tới một trăm mét!
– Chúng ta cũng phải thử thôi! Nào! – Vượt năm mươi mét đầu tiên cũng không khó khăn gì, vì các tảng đá mấp mô như các bậc thang để chúng tôi trèo lên cao. Tôi bấm đèn vào vách đá. Từ chỗ này trở đi, con đường gần như thẳng đứng, Kerman chỉ vào một hốc đá:
– Coi chỗ kia kìa. Có lẽ phải bám cả móng lẫn răng vào đấy mới khỏi tuột.
– Nhìn xa thì vậy, nhưng tới gần, thể nào cũng có chỗ lồi lõm. Đừng vội nản!
Tôi nói vậy để khuyến khích anh bạn cùng có máu liều như tôi trong đêm nay, chứ thật ra tôi cũng đang nghĩ thầm, nếu nhỡ tuột tay một cái thì chẳng có chỗ nào bấu víu cả. Chắc chắn là đi đứt!
Trèo thêm được hai chục mét, tôi ngưng lại để lấy hơi nhưng không dám quay lại nhìn xuống dưới. Tôi cứ cắm mặt vào vách mà hỏi:
– Kerman! Tới đâu rồi?
Anh chàng lẩm bẩm:
– Gần thiên đàng rồi! Tôi đang tự hỏi: “còn sống cơ à?”
Bỗng có tiếng đá rơi. Tóc gáy tôi rủ nhau đứng cả dậy. Tôi lại gọi:
– Kerman!
– Đây, đây. Có hòn đá, vừa đụng tới, đã rớt xuống rồi.
– Cẩn thận đấy nhé.
– Yên trí!
Chúng tôi trèo tới một chỗ lõm rộng, lại nghĩ. Trên đầu chúng tôi bây giờ là một tảng đá lớn, nhô nửa mình ra ngoài. Chỉ có cách biến thành mối mới qua được đoạn này. Một dòng mồ hôi lạnh chảy từ gáy tôi tới dọc sống lưng. Nếu biết vực đá quá nguy hiểm như thế, có lẽ tôi đành chọn đường trèo qua hai cổng sắt! Nhưng bây giờ xuống còn nguy hiểm hơn. Tôi bấm đèn soi chung quanh hòn đá, phát hiện thấy chân ống lò sưởi của biệt thự bắt đầu từ chỗ này. Tôi bảo Kerman:
– Hai bên ống khói có các gờ bằng gạch. Có thể dang tay bám vào đấy rồi dùng chân đạp vào những mạch vữa trên xuống.
– Không có cách nào khác. Lại phải thử liều thôi.
Tôi bắt đầu bám vào bờ ống khói, nhích người lên từng centimét. Bỗng tôi đạp bật một mảnh vữa ra khỏi tường, hai chân thõng xuống trong không khí, Kerman bấm đèn theo tôi, vội kêu:
– Cố bám lấy! Có tôi ở dưới rồi.
Tôi chưa kịp hiểu ý của Kerman và nghĩ, nếu tôi rơi xuống đụng vào anh ta thì lẽ dĩ nhiên, cả hai chúng tôi cùng lao xuống vực. Chợt một bàn chân tôi đụng vào một bên vai Kerman. Tôi bảo:
– Không làm thế được đâu. Có thể tôi sẽ đạp cậu rớt xuống đấy.
– Cứ bình tĩnh. Bây giờ, cứ việc đạp vào tôi mà trèo lên. – Cũng may là càng lên cao, bờ gạch hai bên càng hẹp lại khiến cho tôi dễ bám hơn. Tôi phải dùng sức hai vai, cánh tay, đùi, đầu gối, chân để nhích từng đoạn cho tới khi đặt được một chân lên một hòn gạch bẹt. Tôi cố sức lần cuối, đu người lên một mặt phẳng rồi nằm ngửa người ra, thở. Có tiếng gọi:
– Vic, tới chưa?
Tiếng gọi của Kerman vọng lên từ một quãng rất xa. Tôi thò cổ ra ngoài, nhìn thấy ánh đèn mờ của cậu ta nhấp nháy tít mãi phía dưới mà thấy chóng mặt. Tôi gọi xuống:
– Jack! Cứ đứng đấy, đợi tớ đi tìm dây. – Dây ở đâu?
– Không biết. Còn phải đi tìm.
Từ chỗ tôi vừa nằm, đi tới bể bơi của biệt thự chỉ còn quãng một chục mét. Có ánh đèn sáng tỏa ra từ một cửa sổ.
Tôi đứng dậy, từ từ đi tới đó.
Hàng hiên biệt thự vắng tanh. Dưới mái hiên có một cái ghế dài. Tôi ao ước được duỗi người trên ghế và ngủ một mạch tới trưa mai. Cái đèn chụp có chân cao tỏa ánh sáng xanh xuống một phòng khách rộng. Những cửa sổ đều mở về phía hành lang.
Tôi đang đếm từng bậc thềm khi bước lên hành lang vào phòng khách, bỗng đứng sững lại vì nghe thấy một tiếng nói vừa quen, vừa lạ. Giọng nói của một phụ nữ, phá vỡ cái đẹp của đêm khuya tĩnh mịch, của hương hoa và của vầng trăng tròn đang tỏa sáng. Cô nói như hét vào ống nghe, giọng nói the thé, cau có tức giận của người đàn bà trên bờ sự điên cuồng.
– Thôi! Biết rồi, biết rồi, biết rồi! Anh chỉ nói là giỏi! Lại đây! Im đi, lại đây ngay!
Cô gái quỳ trên cái đivăng rộng, nắm chặt tay cầm điện thoại. Tôi chỉ nhìn thấy lưng cô. Ánh sáng nhẹ chiếu xuống cái gáy nõn nà và mái tóc xanh đen. Cô mặc quần bó vào người, ống ngắn, màu xanh lá cây và cái áo mỏng cùng màu. Cô đẹp như những người đẹp trong tranh: đùi dài, thân tròn lẳn, ngực cao, là loại người khó có thể sở hữu được cũng như không ai sở hữu được ánh trăng.
Cô lại hét vào trong máy:
– Thôi đủ rồi. Tại sao anh cứ nhắc lại mãi chuyện ấy? Lại đây, anh không còn đường nào khác cả!
Cô đặt mạnh ống điện thoại xuống. Không phải là lúc giữ lịch sự, vả lại, tôi đang mỏi nhừ khắp người, và mệt muốn đứt hơi nên cứ tự nhiên vào nhà chẳng cần đi cho nhẹ nhàng.
Tôi thấy những thớ thịt ở lưng cô giật nhẹ rồi cô từ từ quay lại, nhìn qua bờ vai. Đôi mắt đen mở to ra. Cô ngồi như vậy nửa phút mà không nhận ra tôi. Cũng phải, vì trước mặt cô là một tay thủy thủ cao to, quần áo rách nát, bộ mặt đầy bụi bẩn lẫn mồ hôi.
Tôi bình tĩnh nói:
– Xin chào! Em không nhận ra anh sao? Người bạn của em, Malloy đây mà!
– Nhớ rồi! – Cô há miệng ra để hớp một ngụm không khí rồi đứng dậy hỏi:
– Anh vào đây bằng lối nào?
– Bằng lối vực đá. Em nên thử đi xuống bằng lối này một lần cho biết. Rất lạ, đối với những ai mê cảm giác mạnh.
Cô đưa móng ngón tay cái lên miệng nhấm, rồi lại hỏi:
– Anh chưa nhìn thấy chứ?
Tại sao cô hỏi thế, tôi cũng không biết. Bởi vậy tôi chỉ trả lời cho qua:
– Tại sao lại “chưa” nhỉ?
Tôi cũng nhấn mạnh ở âm “chưa”.
– Cũng có thể. Nhưng cũng tùy ở anh. – Vậy sao?
Tôi ngồi xuống ghế. – Anh hơi mệt. Nếu em có gì cho anh uống thì hay quá!
Cô đi lại phía tủ rượu rồi quay lại hỏi:
– Anh lên bằng đường vực thật sao? Cô mang lại cho tôi một ly uýtki lớn và đá. Ly rượu làm cho tôi ấm lên thật dễ chịu. Tôi nghĩ thầm “nếu phải chọn cô gái này và ly rượu, tôi sẽ chọn ly rượu hơn”. Nhưng tôi chỉ nói:
– Đúng! Anh đã lên đến đây từ đáy vực để uống, chúc mừng đôi mắt đẹp của em!
Cô đứng sát tôi, nhìn tôi uống, châm một điếu thuốc, để vào cặp môi mọng đỏ hít một hơi dài. Nhả khói rồi kẹp điếu thuốc giữa hai búp măng, móng hồng tươi, đưa cho tôi.
Những ngón tay của tôi khi cầm điếu thuốc, chạm vào ngón tay cô và thấy da thịt cô ươn ướt. Tôi hỏi giọng chán chường.
– Chị ở đây chứ?
Cô bỏ tay xuống và liếc nhìn tôi:
– Janet chết rồi! Đã hai năm.
– Từ khi chúng ta xa cách nhau, anh đã phát hiện được nhiều việc lắm. Anh biết cô gái mà mẹ em, bà Salzer đã nhốt ở trong viện hai năm là chị em. Có cần phải nói thêm những sự việc khác nữa không?
Cô cai mặt lại và ngồi xuống.
– Tùy anh.
– Có một vài việc do anh suy luận ra thôi. Em có thể góp ý kiến thêm cho anh được không?
Tôi ngồi sâu vào chiếc ghế rộng cho đỡ mỏi rồi nói tiếp:
– Cha em tín nhiệm Janet hơn nên đã để phần lớn gia tài lại cho Janet. Janet yêu Sherrill nhưng khi biết Sherrill có quan hệ với em đã quyết định cắt đứt cuộc hôn nhân. Trong cuộc xô xát giữa em và Janet, một trong hai người đã tức giận cầm súng và lên đạn. Giữa lúc đó, cha em chạy vào can thiệp. Vậy người nào bắn phải ông Crosby? Em hay Janet?
Cô châm một điếu thuốc, đặt xuống gạt tàn rồi mới nói:
– Việc đó quan hệ gì tới anh? Người bắn là em đấy. Anh đã thỏa sự tò mò chưa?
– Hồi đó, cô y tá Anona Freedlander phục vụ trong nhà em. Em sử dụng cô ta vào việc gì?
– Mẹ em cứ nghĩ là em cũng bị bệnh thần kinh nên trao nhiệm vụ cho cô ta săn sóc em.
– Cô Freedlander nhìn thấy tai nạn của cha em định báo cho cảnh sát, phải không?
Cô gật đầu, xác nhận:
– Mẹ em đã tìm cách giữ cô ta trong bệnh viện. Đấy là cách duy nhất để giữ kín việc này. Janet muốn em phải vào viện nằm, và em giả vờ nghe theo. Nhưng về sau vì không thấy em trong viện, lại không biết em ở đâu nên Janet đã viết thư nhờ anh giúp. Trong thời gian đó, y tá Freedlander bị chết vì bệnh tim. Mẹ em lừa Janet vào viện nói là để gặp em, rồi giữ luôn lại ở trong phòng Freedlander, còn xác Freedlander thì tìm cách mang về Crestways chôn cất. Ông bác sĩ già Bewley xác nhận bệnh là đúng vì người chết không phải là Janet. Lẽ dĩ nhiên, toàn bộ gia sản nhà Crosby sau đó thuộc về em.
– Tại sao em cho người giết bố Freedlander?
– Ông sẽ cho anh biết về con gái và như vậy, mọi chuyện sẽ bị lộ.
– Còn Janet? Chị em đang ở đây chứ?
– Đúng thế.
– Việc này làm em lúng túng phải không?
– Dĩ nhiên.
– Em đã nghĩ ra cách giải quyết chưa?
– Có thể.
– Vậy em cũng chủ mưu giết Sherrill và đốt tàu “Mộng Mơ” hay sao?
– Em thấy rõ là anh biết nhiều quá!
– Đúng không?
– Đúng. Vì hắn sẽ là một cái lưỡi nguy hiểm, một khi hắn bị cảnh sát tra hỏi. Vả lại, thực chất hắn thật đáng ghét.
Chúng tôi ngồi im lặng một lát. Bỗng Maureen đặt vấn đề:
– Em nghĩ, không biết chúng ta có liên kết được với nhau không. Thật ngu dại nếu người ta chuyển số tiền lớn thế này cho mấy tay lẩm cẩm, đi bới những đống gạch từ cổ xưa ở dưới đất lên, để chi tiêu cho hết hai triệu đô la.
– Liên kết là thế nào?
– Anh thừa hiểu, nếu người ta tìm được Janet còn sống ở đây thì em sẽ mất hết. Tốt nhất là chị ấy chết. – Tôi ngồi im, không đáp.
– Em đã cầm súng lại gần chị ấy nhiều lần, nhưng lại không nỡ… – Cô ta nhìn tôi.
– Em sẽ cho anh nửa gia tài.
Tôi di điếu thuốc vào gạt tàn.
– Có nghĩa là em nhờ anh giết Janet?
Cô mỉm cười, nụ cười thật nhiều ý nghĩa.
– Anh thử nghĩ coi, chúng mình sẽ được những gì với những món tiền lớn đó.
– Tôi cũng nghĩ thế, nhưng chưa có tiền!
– Em sẽ viết cho anh một tấm ngân phiếu ngay bây giờ. – Tôi làm ra bộ ngô nghê:
– Nhưng rồi em có thể báo hủy tấm ngân phiếu, rồi sai người hạ anh như Sherrill thì sao?
– Em không nói sai đâu, nhất là khi đã hứa. Vả lại, rồi đây em có thể là của anh, nếu anh muốn.
– Thật thế sao? Tôi cố nén tình cảm. Tuyệt quá! Đâu, Janet đâu?
Cô ta chăm chú nhìn tôi vẻ mặt bình thản và lạnh nhạt, nhưng mạch máu hai bên thái dương giật giật. Cô hỏi tôi:
– Anh bằng lòng giết Janet chứ?
– Tại sao không? Đưa súng đây và chỉ cho anh cô ta ở đâu.
– Anh không cần tấm ngân phiếu trước hay sao?
Tôi lắc đầu bảo:
– Không cần. Anh tin ở em rồi.
Cô chỉ vào một cánh cửa ở cuối phòng và nói:
– Trong đó.
Tôi đứng dậy bảo:
– Đưa súng đây, phải bố trí thành một vụ tự tử.
Cô gật đầu, nói:
– Em cũng đã nghĩ như vậy. Đừng để… Chị ấy phải đau đớn lâu nhé.
Tôi chìa tay, bảo:
– Súng!
Cô ta giật mình, nhìn quanh và nói:
– Ừ nhỉ. Đâu rồi… Có lẽ trong túi của em.
Cái túi xách nằm trên một chiếc ghế. Cô đi tới, nhưng tôi nhanh hơn, xua tay bảo:
– Để đấy, để anh lấy cho. Em cứ ngồi xuống đi.
Tôi cầm chiếc túi lên, mở khóa.
– Để túi xuống, Malloy!
Tôi quay người lại.
Manfred Willet đứng ở ngưỡng cửa, chĩa khẩu súng tự động vào phía tôi.
Maureen gào lên:
– Đồ con lừa! Anh không chờ được một lát hay sao? Hắn sắp giết chị ấy!
Willet quay lại nhìn cô, mặt lạnh lùng:
– Không, hắn không giết ai cả. Hắn chỉ muốn giữ được khẩu súng của cô thôi. Im đi, để hắn cho tôi.
Người cô như cứng lại. Cô hỏi tôi dồn dập:
– Đúng thế không, đúng thế không? – Tôi gật đầu, mỉm cười và trả lời:
– Đúng!
Willet đi vào, đứng ở giữa phòng, nói to:
– Thôi đủ rồi. Ngồi xuống đi, Malloy. Cả cô nữa.
Tôi ngồi xuống ghế còn Maureen vẫn đứng. Cô lại bắt đầu cắn móng tay. Willet cầm súng, chỉ vào cô:
– Ngồi xuống! Cô cũng có máu điên như mẹ cô ấy. Đã đến lúc phải đưa cô vào viện tâm thần rồi!
Cô ngồi xuống ghế, bắt chéo đôi chân, Willet tựa lưng vào tấm đá cẩm thạch bên lò sưởi, khẩu súng vẫn chĩa vào phía tôi và Maureen, nét mặt mệt mỏi. Ông ta đưa mắt hết nhìn tôi lại nhìn sang cô gái, và hỏi:
– Janet đâu? – Maureen không nói. Tôi chỉ tay về phía cuối phòng.
– Vẫn khỏe chứ?
– Chắc vậy – Tôi trả lời.
Ông ta có vẻ yên tâm, nhưng vẫn không hạ nòng súng xuống và nói với tôi: Nếu anh chịu hợp tác với tôi, anh sẽ được món tiền lớn. Tôi đã sai lầm để cho Maureen tự do hành động, cứ tưởng rằng cô ta không dám hại ai. Nhưng mà cô ấy cũng có máu điên như mẹ. Trước đây, chỉ có Sherrill gây khó khăn cho tôi, nhưng bây giờ hắn đã chết. Tôi sẽ đưa cho anh năm chục ngàn đô la. – Tôi nhướn lông mày:
– Cô ta vừa đề nghị biếu tôi một triệu.
Ông ta tỏ vẻ sốt ruột:
– Nghe đây, không nên mất thời gian. Maureen không có triệu nào cả. Mà nếu có chăng nữa, anh cũng đừng mơ lấy được của cô ta. Cô ta không được hưởng số tiền bảo hiểm con tàu. Người có quyền hưởng là tôi!
– Vậy ông sẽ để cô ta làm gì bây giờ?
– Cô ta sẽ vào bệnh viện nếu không muốn vào tù! Chúng ta có thể thu xếp việc này. Janet sẽ hưởng gia tài còn chúng ta sẽ chia nhau số tiền bảo hiểm.
– Xin hỏi. Có phải chính ông đã bày ra mọi chuyện này không?
– Câu hỏi đó không có lợi ích gì – Willet nói dằn giọng.
Maureen tức giận, lên tiếng:
– Đúng thế đấy. Ông ta đã mưu mô ngay từ đầu để có thể sử dụng món tiền được quản lý. Bị Janet tố cáo, ông ta đã bắt mẹ tôi giam giữ chị ấy tại bệnh viện. Nếu không có Sherrill, ông ta đã hại cả tôi rồi.
– Thôi, im đi! – Willet quát.
Tôi nói với ông ta:
– Tôi đã nghĩ xấu về ông ngay khi ông tìm cách thoái thác không cho các đồng nghiệp của mình hay biết gì về cô Maureen. Khi cô thư ký của tôi bị bắt đi thì tôi đã rõ. Vì lúc đó chỉ có tôi, Paula và ông biết chỗ ở của Janet.
– Thôi, nói làm gì. Nếu không có con bé điên này và tay Sherrill thì mọi việc vẫn trôi chảy. Tôi không đồng ý với việc sát hại nhau. Khi mọi việc xảy ra như vậy, tôi quyết định phải cho Maureen vào nằm viện. Bây giờ, vẫn còn kịp, và chúng ta vẫn còn có thể chia nhau.
– Nếu tôi không đồng ý?
– Tôi sẽ rời bỏ nước này để sống ở nước khác. Nhưng tôi bắt buộc phải giữ anh ở đây tới khi tôi rút được hết số tiền bảo hiểm ra.
– Em nghĩ thế nào? – Tôi hỏi Maureen.
– Cô ta không có gì để nói cả
– Willet nói chen vào. Bệnh viện hay vào tù! Thế thôi. Để cô ta ở ngoài, nguy hiểm lắm.
Maureen phản đối:
– Tôi không nói, nhưng có thể làm đấy.
Chắc Maureen đã cố ý giấu sẵn khẩu súng thứ hai ở dưới nệm ghế. Tiếng nổ vang lên trong phòng làm cháy sém vải nệm. Willet buông rơi khẩu súng, ôm ngực loạng choạng mấy bước rồi ngã khuỵu xuống sàn. Tôi vội nhảy lên phía cô gái, nắm lấy tay cô. Phát đạn thứ hai chỉ đi sạt cằm tôi. Chúng tôi ôm nhau, lăn mình trên thảm. Tôi vồ được khẩu súng, đẩy cô ta ra, rồi đứng dậy, – Khá lắm! Khá lắm! – Có tiếng nói của Mifflin ở ngoài cửa.
– Không sao chứ?
– Kerman hỏi tôi.
Tôi hỏi lại:
– Các cậu nghe thấy hết mọi chuyện rồi sao? Làm thế nào lên được đây?
– Dùng dây leo núi!
Mifflin hỏi:
– Willet bị nặng không?
Tôi chưa kịp trả lời nhưng kêu to với Kerman:
– Chú ý tới cô ta. Kìa!
– Trong thâm tâm tôi lại không muốn ngăn cô lại.
Maureen chạy băng băng từ khoảng sân trên, xuống sân dưới, qua khu vực bể bơi, thẳng tới vực đá. Mifflin và Kerman đuổi theo sau.
Nhưng cô đã lao mình vào khoảng trống. Chúng tôi đứng lại, lắng nghe…
Tôi biết rằng, ở sâu dưới đáy vực, có nhiều bông hoa dại chen nhau mọc rất dày. Chắc bây giờ, Maureen đang nằm ở đó như nằm trên một tấm nệm hoa. Đáng tiếc rằng, dưới lớp hoa dại lại còn lớp đá cục cằn nham nhở.
Lớp đá nâng niu một thân hình tuyệt mỹ, đồng thời cũng làm giập nát cả một cuộc đời hoa…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.