Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng

10. Thương trái mãng cầu bở



Vườn nhà ngoại có hai cây mãng cầu, một mãng cầu bở một mãng cầu dai. Bà ngoại nói xưa nay chẳng ai thích mãng cầu bở, vì nó ít cơm, nhiều hạt. Chỉ trừ ông ngoại. Mà lạ, ông ngoại bị rụng gần hết răng từ hồi mới bốn mươi tuổi, đến khi già chỉ còn hai hàm lợi, miệng móm mém, nhưng cứ khăng khăng đòi ăn mãng cầu bở. Cây mãng cầu bở mọc ngay bên cửa sổ. Mỗi mùa trái chín, bà lại ngồi chăm chú, cần mẫn bẻ quả mãng cầu làm đôi, dùng thìa xắn xắn, lấy từng cái hạt đen nhánh, để riêng phần cơm ít ỏi vào một cái đĩa nhỏ cho ông ăn.

Ông mất đi rồi, chẳng còn ai ăn mãng cầu bở. Cả đến chim và dơi cũng không thèm ăn. Trong khi cây mãng cầu dai ở góc vườn thật đông khách viếng thăm, bà ngoại, cậu, rồi mẹ và các anh chị tôi thay phiên nhau ra thăm suốt ngày. Hễ thấy có trái nào vừa già, gai vừa nở to là hái mang ngay vào nhà vì sợ để chín cây thì chim ăn mất, không đến lượt người. Bên cửa sổ, cây mãng cầu bở mọc chơ vơ, lá cứ nhỏ dần, cành cứ khẳng khiu dần, trái chín rồi rụng xuống. Họa hoằn lắm, mới có một buổi sáng thấy vỏ và hạt đen rơi đầy trên mặt đất, phía trên cao treo lủng lẳng một quảng mãng cầu đã bị chim mổ gần một nửa. Cậu nói: “Chặt quách nó đi cho rồi”. Tôi nghe xót lòng, liền thì thầm với ngoại, “Đừng chặt, ngoại à. Con thích ăn mãng cầu bở thôi!”. Bà ngoại cười, lắc đầu: “Cha mi, răng giống ông mi rứa, thích chi mà lạ lùng. Thôi, bà nỏ chặt mô!”

Từ đó tôi cần mẫn hết mấy mùa với mãng cầu bở, vừa ăn vừ nghịch hạt trong miệng, phải tập cả tính kiên nhẫn, giống như ăn hạt dưa mà không dùng tay, lừa lừa, cắn cắn, đôi khi vẫn không tách được lớp cơm mãng cầu mỏng tang bọc quanh cái hạt đen nhánh. Tôi nhớ lời con chồn trong Hoàng tử bé (Saint Exupéry): “Khi đã thuần dưỡng nó rồi, thì nó thuộc về ta, và ta phải có trách nhiệm với nó.” Cứ mỗi lần cầm trái mãng cầu dai ngon lành tôi lại thấy có lỗi với cây mãng cầu bở mọc buồn bên cửa sổ. Cây cũng như người, ra hoa kết trái có cầu chi đâu, chỉ mong dâng cho đời chút gì thơm thảo, cũng đâu phải tự nó muốn mình sinh ra làm giống mãng cầu ít cơm nhiều hạt, rời rạc lỏng bỏng như vậy, chẳng làm hại ai sao lại hất hủi nó đi. Chắc chắn trời phải có gì bất công, giống như sinh người thông minh lại sinh người ngờ nghệch, sinh người tài năng lại sinh người kém trí… Giống như một câu chuyện nào đó mà ông ngoại từng kể cho tôi nghe, trong đó nói rằng vạn đồng tiền bố thí của người giàu cũng không bằng mấy đồng lẻ chắt chiu chia sẻ của một bà góa. Tôi nghĩ có lẽ xưa ông cũng nghĩ vậy, khi ăn mãng cầu bở, vì thương.

Tháng tư, đi trên đường Sài Gòn thấy người ta đẩy từng xe chất ngất những quả mãng cầu to đi bán. Tôi dừng lại hỏi theo thói quen: “Mãng cầu dai hay bở hả chị?” Người bán hàng giở nón lên, quệt tay lau mồ hôi trán, nhìn tôi cười khoan dung như với một kẻ ngờ nghệch: “Làm gì có bở. Toàn mãng cầu dai!” Cũng dễ hiểu thôi, cái giống mãng cầu bở ăn bắt mỏi miệng. Theo quan điểm “ưu sinh” làm sao không tiệt chủng cho được. Tôi cầm lên một trái mãng cầu, mềm mà chắc tay, bóp vào không thấy rời từng hạt, vỏ mỏng tươi, gai nở to. Chắc chắn là mãng cầu dai rồi. Tự nhiên thấy buồn, tự nhiên thấy nhớ cây mãng cầu bở của ông ngoại. Tuổi nhỏ tôi với tấm lòng trong trẻo cố ngồi ăn cho hết mấy mùa mãng cầu bở, để lớn lên, lại theo thuyết “ưu sinh” của người lớn chọn mãng cầu dai để ăn.

Tôi gọi điện thoại về nhà. Hỏi mẹ cây mãng cầu ra sao. Mẹ nói, nhớ con nên không chặt. Nhớ ngày xưa ngày nào con cũng leo lên đó. Tới mùa thì ngày nào cũng ra thăm, gặp trái chín thì rút ngay cùi vứt đi, rồi vắt vẻo ăn ngay trên cành, cả chim cũng không giành được. Bây giờ nó không ra trái nữa, nếu có thì chỉ còi cọc, chẳng ai buồn ăn. Ba cứ tỉa bớt cành, chỉ còn gốc và những cành nhỏ, nhưng được cái mỗi mùa mưa, nấm mèo mọc nhiều lắm. Cũng lạ, những cây khác chẳng thấy mọc nấm mèo, chỉ có nó, sau mỗi ngày mưa, sáng ra nấm mèo nở đầy gốc. Tôi cười, ứa nước mắt. Ôi cây mãng cầu của tôi, cảm ơn mày vẫn cố sống, cám ơn những hoa quả từ giọt nhựa chắt chiu mày vẫn cố mang đến cho cuộc đời này, dù phải vay mượn từ những cơn mưa.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.