Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng

11. Nhà có cửa hông



Vừa nhận được thư bạn, và ảnh nữa. Bạn kể rằng mình mới tậu được một căn nhà dạng mobile home, có một phòng khách, hai phòng ngủ, một nhà kho, một bếp và hai toilet. Đó là loại nhà lưu động, mặc dù hiện nay bạn vẫn phải thuê một mảnh đất nhỏ trong khuôn viên của ông bác họ với giá 400 đô mỗi tháng… để căn nhà tọa lạc, và để bạn có thể trồng hoa ở quanh nhà. Ảnh chụp bạn cười tươi, đứng cạnh căn nhà bằng gỗ sơn trắng. Bạn viết, “thú vị lắm nhé, những căn nhà mobile home này có đặc điểm là không có cửa trước, tất cả cửa ra vào đều đặt ở bên hông. Đó là một trong những lý do khiến mình thích nó, bởi vì, nó có vẻ thân thiện.”

Bạn khiến tôi hoài niệm cửa hông.

Cửa hông không phải là cửa kính, tất nhiên. Nhưng nó là cửa chính đối với riêng tôi. Suốt tuổi thơ, số lần tôi ra vào nhà qua cửa chính có thể đếm được trên đầu ngón tay. Cửa chính là nơi ông ngoại án ngữ, đọc sách và tiếp khách khứa. Những chạy nhảy, la hét của bọn trẻ con thường bị cấm đoán. Thế nên tôi yêu nhất là cửa hông nhà. Cửa mở ra một khoảng sân sạch sẽ, có hai cây đinh lăng mọc hai bên bậc thềm, cạnh hàng rào là cây xoài cổ thụ nghiêng lá che bóng râm. Buổi trưa, những đốm nắng xuyên qua tán lá nhảy nhót trên mặt đất, bên bậc thềm xi măng trông ngộ nghĩnh với những hình thù gợi nhiều tưởng tượng… Gió từ những vòm cây lùa vào mát rượi.

Ai cho tôi bày đồ chơi ngay ngạch cửa, nếu không phải là cửa hông?

Ai cho tôi nằm ngủ trưa cạnh cửa, để đón gió mát ngoài vườn, nếu không phải là cửa hông?

Cửa hông là nơi tôi ngồi đợi bà đi chợ về. Xách chiếc giỏ lác cũ kỹ, trong đó luôn có món quà vặt cho tôi, bao giờ bà cũng đi vòng qua cửa hông để vào nhà. Đó cũng là nơi tôi ngồi nhổ tóc sâu cho bà. Bà ngồi bậc dưới, tôi ngồi bậc trên. Hai mươi sợi thì được một viên kẹo bột!

Cửa hông là nơi tôi luôn nhìn vào khi trên đường từ trường về, qua hàng rào chùm rụm thấp, thấy bà ngồi đợi ở đó, chải tóc với dầu dừa bằng một chiếc lược dày, hoặc vừa têm trầu vừa chuyện trò rôm rả với cụ bà hàng xóm ở bên kia rào chùm rụm. Tôi vẫn nhớ hoài những buổi chiều êm, tôi và bà ngồi ở đó, đan những con ốc gạo nhỏ xíu làm mành. Vỏ ốc gạo ngâm rửa cho thật sạch, phơi nắng cho khô rồi đục lỗ và xâu lại. Suốt hàng tháng trời, sau một giấc ngủ trưa ngắn, hai bà cháu lại cần mẫn đan mành ốc. Một ngày nọ, khi những chiếc mành hoàn tất, chúng tôi treo lên tất cả các cửa sổ, treo cả ở cửa chính và cửa hông. Mành được vén sang hai bên và cột lại, khi có người ra vào tiếng ốc khua nghe rất vui tai. Thế nhưng chỉ được hai ngày, chiếc mành ở cửa hông đã bị tháo xuống, vì đột nhiên cả nhà nhận ra rằng chiếc mành ốc ở cửa hông dường như quá vướng víu và ngăn cách cả thế giới.

Đó là một khung cửa thân thiện. Bởi thế mà nó cần được mở toang. Đôi khi, bạn có thể đến nhà tôi và thấy cánh cửa chính được đóng kín khi cổng vẫn mở. Ấy là một dấu hiệu, được ngầm hiểu rằng “nhà hiện đang có việc bận nên không tiếp khách lạ, còn khách quen thì cứ đi vòng ra… cửa hông.” Chợt nhớ ra một ý nhỏ trong cuốn sách viết về Thiền học của Takashina Rosen tựa là A Tongue-tip Taste of Zen (Vị thiền nơi đầu lưỡi), rằng ở buổi sơ giao bao giờ người khách cũng phải vào nhà bằng cửa chính, với những nghi lễ cần thiết thì mới được sự chấp nhận của gia đình chủ nhân. Và chỉ khi thân thiện với gia đình ấy rồi thì mình mới có thể tự do đi vào bằng cửa sau hoặc cửa hông mà không gây quan ngại cho cả chủ lẫn khách.

Đó là ở nhà quê, còn với Sài Gòn, nơi tôi đang sống thì cửa hông là thứ xa xỉ. May mắn thay, nhà tôi lại có một con hẻm chung rộng chừng 80cm nằm giữa hai nhà. Đó là nơi má chồng tôi thường ngồi trò chuyện với nhà hàng xóm. Có miếng ngon thường mời nhau. Đó là nơi mấy má con ngồi quây quần cắt kiệu ngày giáp Tết. Con trai hai tuổi của tôi thập thò gọi cậu bạn nhỏ ở phía nhà bên. Phía trên đầu là một dải trời xanh rất hẹp, nhưng đủ để nắng len lỏi vào nhảy nhót trên sàn nhà, và nó len qua những mái nhà luồn vào cánh cửa, khiến căn nhà luôn có hơi thở thiên nhiên. Đứng ở cửa hông đó mỗi chiều, tôi hạnh phúc chỉ cho con thấy những chùm hoa tigôn dịu dàng rủ xuống từ mái nhà bên cạnh.

Ở thành phố bận bịu này, tôi chẳng mấy khi có dịp qua thăm hàng xóm bằng cửa trước, để nói những chuyện thân mật và tầm phào. Vả chăng, bước ra khỏi cửa là phải mặc quần áo tề chỉnh, tóc tai gọn ghẽ. Chỉ điều đó cũng khiến ta e ngại. Trong khi, có thể thản nhiên ngồi ở cái cửa hông này, tóc rối bù, mặt đầy mồ hôi, tạp dề còn mang trên ngực, vẫn có thể thoải mái hỏi thăm dăm câu, kể vài mẩu chuyện thường ngày. Những cuộc giao tiếp thân thiện và mối thân tình chỉ có cơ may phát triển bên cánh cửa hẹp, nơi nhà bên này có thể ngó thấy bếp của nhà bên kia.

Chỉ một con hẻm nhỏ bên hông nhà, chỉ là một cánh cửa gỗ kéo qua kéo lại, nhưng có ý nghĩa biết bao. Nó không có tác dụng ra vào nhà, nhưng là một cánh cửa giao tiếp. Nó là nơi hứng lấy nắng và gió. Nó khiến tôi đỡ nhớ quê và cảm thấy ít cách biệt hơn với thế giới bên ngoài, sau khi bước vào cánh cổng nhà đóng kín.

Vì vậy tôi hiểu bạn, tôi hiểu vì sao bạn lại có vẻ thích thú với cánh cửa hông của mobile home ở xứ người như vậy. Nó bất chợt khiến bạn nhớ lại ngày mới lớn, những buổi chiều ngồi mơ mộng xa xôi bên cửa hông nhà và ngóng đợi bóng ai thấp thoáng bên nhà hàng xóm. Tôi hiểu, bởi vì rất nhiều khi, tôi cũng tự nhủ với mình như vậy:

“Ồ hay quá, nhà mình có cửa hông!”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.