Hãy Tìm Tôi Giữa Cánh Đồng

Phần truyện ngắn – 01. Sinh Nhật Của Bạn Thân



Sinh nhật bạn thân

Sinh nhật Định rơi vào một ngày giữa tháng mười, khi Sài Gòn đã bắt đầu có những trận mưa lớn vào chiều tối. Tôi mặc chiếc áo mưa thùng thình len lách xe theo những con hẻm nhỏ xíu, ngập nước chạy ngoắt ngoéo trong cư xá Bắc Hải để đến nhà trọ của Định, đưa một tấm thiệp mà tôi đã bỏ cả đêm tự cắt cắt, vẽ vẽ và rủ Định đi uống cà phê. Đã thành lệ, cả năm quên béng nhau, nhưng đến sinh nhật Định bao giờ tôi cũng nhớ. Và bao giờ, hai đứa cũng đến quán cà phê gần đó, ngồi trong một góc bàn quen thuộc, lặng lẽ nghe từng tiếng piano thánh thót rơi trong không gian.

– Dạo này Định ra sao?

– Cũng thường. Diên có về thăm nhà không?

– Thỉnh thoảng, về một vài ngày rồi đi…

– Tháng này ngoài đó mưa nhiều và sắp có bão.

– Ừ…

Mỗi lần sinh nhật Định, hai đứa mới có dịp ngồi với nhau và nhớ quê. Nhìn mưa, tôi biết Định nhớ những ngày có bão. Những buổi sáng sau khi bão tan, các lớp được nghỉ học để dọn dẹp sân trường, Định đứng trên thân bạch đàn gãy, ưỡn ngực hít thật sâu làn không khí mát rượi và nói: “Định thích nhất những buổi sáng sau khi bão tan, cành khô và lá rụng đầy sân, những thân cây đổ ngổn ngang, những bầu trời thật bình yên, và những ngọn gió như chưa bao giờ trong trẻo đến thế.”

Và rồi những kỷ niệm lại trở về với tôi không theo thứ tự thời gian, chỉ có điều, cùng những kỷ niệm ấy, năm nay hình như trở nên mờ nhạt hơn năm trước. Định nhắc đến sinh nhật Quốc năm lớp chín, đúng vào ngày 26-3. Đêm cắm trại ở trường, Bảo Vi, Quốc, Định và tôi trốn ngủ trèo lên lầu ba, hát hò suốt đêm nên sáng ra lào khào chẳng thốt ra lời, chỉ biết nhìn nhau cười ngặt nghẽo. Tôi chợt buồn, có cảm giác mình quên nhiều thứ quá, và nhận ra rằng ký ức dường như đang thu hẹp đi, tỉ lệ nghịch với khoảng thời gian tính từ hiện tại. Mỗi ngày phải nhớ thêm một chút, kỷ niệm như một chiếc hộp nhỏ, cất cái này vào thì lại vô tình đẩy cái kia ra.

Tôi cũng chẳng nhớ tại sao ngày xưa bốn đứa lại chơi thân với nhau, và chơi với nhau từ bao giờ. Chỉ nhớ Định là lớp trưởng, tôi là lớp phó, Bảo Vi là thủ quỹ, còn Quốc là một học sinh “cá biệt” đúng nghĩa: phá phách, trốn học đi bắn chim, leo trèo, đánh nhau và… ở lại lớp. Tuy vậy, học chung với Quốc không bao lâu, tôi đã kịp nhận ra rằng Quốc là một người thẳng thắn, chỉ hơi cục tính, và luôn ước mơ được đấu tranh cho sự công bằng. Có lẽ, trẻ con thì trong sáng và dễ nhận ra những phẩm chất tốt đẹp của người khác hơn người lớn. Ngày đó, cả ba đứa phải cố gắng nhiều để giúp Quốc, vì Quốc phải ngoan hơn, phải học tốt hơn thì ba mẹ và thầy cô mới cho phép những đứa học trò gương mẫu của mình chơi với Quốc, mà không sợ bọn tôi “gần mực thì đen.” Hết mười hai, tôi vào Báo chí, Định học Kinh tế và chuyển nhà đi nơi khác, Bảo Vi đậu Đại học Đà Lạt nhưng đành phải ở nhà học may vì gia đình không có tiền, Quốc thi rớt Đại học An Ninh và tình nguyện đi nghĩa vụ. Những ước mơ và những con đường đưa chúng tôi xa nhau. Định với tôi học trong cùng thành phố, nhưng cũng lâu lắm mới gặp mặt.

*

Tháng mười, và mưa, đêm Sài Gòn ướt át, thâm thấm lạnh. Lấp lánh dưới ánh đèn trắng xanh xao, mưa nhỏ xuống những giọt thủy tinh dài và trong vắt, tôi chợt rùng mình.

– Lạnh hả?

– Ừ, hơi lạnh.

Định chồm qua nắm lấy bàn tay tôi.

– Ấm hơn chưa?

Tay Định ấm thật, nhưng chỉ mang đến một cảm giác thân thiết, tin cậy và an toàn, chứ chẳng nóng hổi và run rẩy như lúc Việt nắm tay tôi. Tôi chợt bật cười làm Định ngơ ngác:

– Sao lại cười?

– À không, Diên chỉ đang nghĩ Định đã nắm tay bao nhiêu cô gái rồi.

– Chỉ mới có Diên thôi.

– Xạo.

– Thật. – Định cười, ánh mắt nghiêm nghị – nắm tay Diên hình như là một chuyện hết sức dễ dàng. Có lẽ vì thế mà bọn mình chẳng yêu nhau được.

– Làm bạn không tốt hơn sao.

– Định không biết nữa, đôi lúc nghĩ bọn mình cũng đẹp đôi đấy chứ. Định thường tự hỏi, tình bạn thì khác tình yêu ra sao?

– Khác chứ, nhưng Diên không biết giải thích…

– Định nghĩa, tình yêu nối kết ta với chính bản thân, còn tình bạn nối kết ta với cuộc sống. Tình yêu là thứ ta luôn mang theo bên mình, còn tình bạn là điều ta bắt gặp.

– Nghĩa là sao?

– Nghĩa là khi Diên gặp một ai đó và yêu, Diên có cảm giác như tình yêu ấy đã có sẵn trong Diên, chờ đến khi người ấy xuất hiện… thì nhào ra.

Tôi phì cười, rồi nghĩ không biết Định nói có đúng không, nhưng tôi và Việt chẳng có gì sâu xa đến thế. Mà có khi đó chẳng phải là tình yêu thật, chỉ là thích, vậy thôi.

Định loay hoay đốt bốn ngọn nến cắm trên cái bánh kem bé xíu và thích thú nhìn những tia lửa nhỏ nổ lép bép.

– Chúc mừng sinh nhật!

– Cảm ơn Diên.

– Định ước đi.

– Ước gì?

– Định đang có những dự định cho ngày mai…?

– Nhiều lắm, đang cố gắng hết mình để được giữ lại trường, phấn đấu vào Đảng, và một công việc kinh doanh riêng. Bọn Định đang hùn vốn với nhau mở một cái shop bán balo và nón ở quận Ba.

– Còn chuyện riêng tư…

– Đôi lúc cũng có nghĩ đến, nhưng vì còn quá nhiều điều phải làm, còn quá nhiều ước mơ phải thực hiện. Và hơi day dứt, vì biết rằng nếu chỉ ước mơ thôi thì vẫn chưa đủ. Còn Diên, Diên đã nghĩ mình sẽ đi đâu khi ra trường chưa?

– Diên không biết nữa.

– Sao lại không, Diên phải biết Diên muốn gì chứ?

Tôi im lặng, thấy hơi ngượng ngùng và hơi hoảng, vì mình không biết thật. Mỗi ngày, tôi lại chất vào thêm những ước mơ, những tham vọng, nhưng đồng thời lại nghĩ rằng chúng quá xa vời. Tôi ước mơ và tôi nghĩ ngợi, nghĩ ngợi quá nhiều mà không làm gì cả. Rồi than thân trách phận rằng sao những gì mình muốn mình đều không thể có được. Đột nhiên tôi nhận ra rằng, bất tài nhất là những người cái gì cũng thích, cái gì cũng biết, như tôi. Tôi có thể viết lách và làm thơ, nhưng chỉ dừng lạ ở một vài bài báo thường thường, một vài bài thơ đăng trên bản tin CLB Văn học của Khoa. Tôi có thể vẽ vời nhưng chỉ để tẩn mẩn làm những cánh thiệp chúc, vẽ vài ba bức tranh nhỏ tặng bạn bè và cười sung sướng khi được khen là khéo tay. Tôi thích hát nhưng chỉ đủ để tự tin khi đứng hát trước một đám đông người. Tôi có thể trò chuyện về bất cứ đề tài nào, nhưng tôi không đủ cả tài năng lẫn đam mê để trở thành bất cứ cái gì. Năng lực mơ hồ, sở thích mơ hồ, những ước muốn mơ hồ, và cả tình yêu với Việt cũng mơ hồ nốt. Đi chơi vào mỗi ngày thứ Bảy, chỉ để chui vào một góc tối của quán cà phê nào đó, và ngấu nghiến hôn nhau, buông thả mình trong những xúc cảm đam mê dễ dàng. Ngoài ra thì chẳng còn gì khác, không ước mơ về tương lai, cũng chẳng buồn tự hỏi xem hai đứa hiểu nhau đến mức nào. Cuộc sống đang thay đổi, từng giây, đến từng tế bào nhỏ nhất. Còn tôi, như Định nhận xét sau gần một năm không gặp: “Diên vẫn vậy”, nghĩa là không già đi, nhưng cũng có nghĩa là không trưởng thành hơn, không chín chắn hơn, không có nhiều khát vọng chinh phục hơn và không thành đạt hơn. Trong khi cả Định, cả Quốc, cả Bảo Vi đều khác hẳn ngày trước, thoát ra khỏi những ước mộng viển vông và nỗ lực để xây dựng hiện thực, thì tôi vẫn chạy loanh quanh, ăn bám cha mẹ và nghĩ ngợi những điều xa xôi.

Tôi nhớ đến bức thư của Bảo Vi gửi cho tôi cách đây hơn một tuần, nét chữ tròn trịa, nhỏ nhắn bằng mực tím, như một học sinh cấp ba:

“Diên thương…

Đã ba tháng rồi tao chưa viết thư cho mày, thời gian qua nhanh thật. Tao bây giờ có thêm việc làm mới, đi dạy ở một lớp mẫu giáo dân lập trên Bãi Giếng. Lương tháng ba trăm ngàn. Chiều và tối vẫn nhận đồ về may. Cũng phải cố làm để dành dụm một ít cho chính mình.

Anh Thái hỏi cưới tao, nhưng tao ngại, mày ạ. Thương thì có thương, nhưng mà ảnh làm tiệm vàng, giàu nhất nhì xã, còn nhà mình, mày biết rồi, lấy về dễ bị người ta khinh khi. Tao chỉ thích lấy người nào cùng hoàn cảnh, chịu khó, rồi hai vợ chồng cùng làm, tự lo cho cuộc sống riêng của mình, khỏi lệ thuộc vào ai. Vậy là hạnh phúc rồi.

Quốc có về phép trước khi ra đảo, nói lâu lắm rồi chẳng nhận được thư từ gì của hai người cả. Nó nói ra đó rồi sẽ viết thư về ngay để báo địa chỉ. Tao thương quá. Nhưng nó tình nguyện nên hăng hái lắm. Tao gửi theo cho nó giấy viết thư và mấy chục con tem. Mày và Định rao sao? Chắc việc học hành bận bịu lắm? Nói thật là đôi khi tao nghĩ hai người rất tệ, ở cách nhau hai ki lô mét đường chim bay, có chạy lòng vòng cũng chỉ mất bảy phút đi xe máy, vậy mà vẫn một năm không thèm gặp mặt nhau.”

Biết làm sao được, hả Vi. Vẫn nhớ nhau lắm, vẫn yêu quý lắm, nhưng bây giờ môi trường khác rồi, bạn bè khác, công việc cũng khác, thời gian biểu lại lệch nhau. Tôi tham gia đủ thứ các lớp học, vi tính, ngoại ngữ, mặc dù chưa bao giờ chịu theo đến cùng, tôi học tiếng Anh sáu tháng, tiếng Pháp ba tháng, tiếng Nhật bốn tháng, chưa kịp thi lấy bằng thì chán quá nghỉ ngang. Rồi vi tính văn phòng, thiết kế đồ họa, rồi học vẽ. Tôi học tất cả những gì tôi chợt thấy thích, mà tôi thì thích quá nhiều. Khi mọi người hỏi đến thì tôi luôn luôn đang học một cái gì đó. Vì thế mà thậm chí tôi chẳng còn thời gian để gọi điện hỏi thăm xem Định thế nào. Hình như tôi tin rằng Định luôn ở đó mỗi khi tôi cần đến. Vì thế tôi không phải cần gặp Định mỗi tuần, mỗi hai tuần hay một tháng để giữ liên lạc, hay để tình bạn phát triển đến một mức nào đó xa hơn…

*

Định nhìn xa xăm ra ngoài trời, rồi chợt lắc đầu:

– Lâu rồi chưa viết thư cho Quốc.

– Diên cũng vậy, bốn tháng rồi. Và năm lá thư chưa hồi âm.

– Bận quá.

– Và lười, và vô tâm nữa…

Mà vô tâm thật đấy, đôi lúc cứ quên bẵng đi là mình có một người bạn rất thân tình nguyện đi Trường Sa. Thỉnh thoảng tình cờ đọc một vài bài viết về Trường Sa, mới chợt giật mình nghĩ Quốc đang sống và chiến đấu với những khó khăn ngoài ấy, nâng niu trồng từng cây rau nhỏ, và mỏi mắt chờ mỗi chuyến tàu từ đất liền với hy vọng nó mang theo thư của Định, của tôi, lại thấy nhoi nhói trong lòng. Thư Quốc viết mỗi ngày một chín chắn và rắn rỏi hơn “Nhập ngũ rồi mới biết mình cũng yêu đất nước vô cùng, Diên ạ. Và Quốc chợt hiểu, phải tham gia, phải hành động thì mới phát hiện ra mình.” Có phải vì thế mà tôi vẫn chưa tìm ra chính mình, cứ mãi loay hoay giữa những ước mơ. Mà ở tuổi hăm hai, người ta không thể cứ sống bùng nhùng giữa những ước mơ được. Định nói đúng “chỉ ước mơ thôi thì chưa đủ.” Phải sống khác đi, Diên ạ, tối nay hãy ngồi vào bàn viết thư cho Quốc, cho Bảo Vi, và ngày mai hãy sắp xếp lại cuộc sống của chính mình, sắp xếp lại cả tình yêu nhạt nhẽo với Việt.

Định lại đốt lên một ngọn nến khác, soi vào mắt tôi:

– Diên đang nghĩ gì?

Đôi mắt Định đen như màn đêm, và sáng lấp lánh.

– Sinh nhật bạn thân, và nhìn lại chính mình. Bốn năm đại học, bốn năm xa nhà, xa bạn bè cũ, sao Diên thấy mình vẫn chưa có gì trong tay!

– Định cũng chưa có.

– Nhưng Định có những dự định!

– Vậy thì Diên hãy có những dự định, và Diên sẽ biết Diên phải làm gì để đạt được chúng.

Tôi im lặng, có lẽ Định nói đúng. Hãy có những dự định, và mình sẽ biết mình phải làm gì. Một làn gió lùa qua những thanh chắn và thổi tắt ngọn nến, chỉ còn mắt Định sáng lấp lánh, và một mảnh trăng hiện ra nhòe nhoẹt giữa bầu trời vừa dứt mưa…

– Chúc mừng sinh nhật!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.