Hồi ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng
28. HIỆP ĐỊNH CHIẾN LƯỢC VỚI HOA KỲ
Khi Tổng Thống Jimmy Carter kế nhiệm Gerald Ford, có một sự thay đổi bất ngờ về trọng tâm trong các chính sách đối ngoại và quốc phòng của Mỹ. Ông ta quan tâm nhiều đến châu Phi hơn là châu Á. Trước sự hoảng hốt của lực lượng đồng minh và chiến hữu của Mỹ ở châu Á, ông ta tuyên bố sẽ có sự cắt giảm đáng kể quân đội Hoa Kỳ ở Triều Tiên. Carter tin rằng người Mỹ đã mệt mỏi sau cuộc chiến ở Việt Nam và muốn quên đi châu Á. Ông ta tập trung vào việc hòa giải giữa người Mỹ da đen và da trắng. Ông ta cũng nhìn nhận vai trò của mình là một người xây chiếc cầu bắc ngang đang chia rẽ gay gắt giữa những người da trắng và da đen ở miền Nam châu Phi. Ông ta nhấn mạnh vào nhân quyền, chứ không vào việc phòng bị và an ninh. Các nhà lãnh đạo ở châu Á chuẩn bị tinh thần cho bốn năm khó khăn khi họ phải chờ đợi để quan sát những gì ông ta sẽ thực sự hành động.
Khi tôi gặp ông ta vào tháng 10/1977, ông ta đã hoạch định thời gian của mình hết sức kỹ lưỡng. Sẽ có 5 phút dành cho cơ hội chụp hình, rồi 10 phút hội kiến tay đôi, tiếp theo sau là 45 phút hội đàm giữa hai phái đoàn. Ông ta giữ đúng lịch trình hầu như đến từng giây. Điều làm tôi sững sờ kinh ngạc là vấn đề ông ta đưa ra trong cuộc hội kiến tay đôi kéo dài 10 phút rằng – tại sao Singapore muốn có các loại vũ khí công nghệ cao như các tên lửa I–Hawk (tên lửa địa đối không)? Điều đó không phải là một mục nằm trong phần trình bày tóm lược của tôi. Không có vị tổng thống nào trước đây đã từng chất vấn tôi về khoản mua khiêm tốn các loại vũ khí chứ đừng nói gì đến các loại vũ khí phòng vệ. Đặt nặng trong chương trình nghị sự của Carter là việc ngăn chặn sự gia tăng vũ khí, đặc biệt là các loại vũ khí công nghệ tiên tiến và I–Hawk được xem là loại vũ khí tiên tiến đối với vùng Đông Nam Á. Tôi đáp rằng Singapore là một mục tiêu đô thị đông dân cư phải được phòng vệ dày đặc. Rằng các tên lửa Chó Săn (Bloodhound) của chúng tôi đã quá lạc hậu, nhưng nếu ông ta gặp khó khăn trong việc bán các loại I–Hawk cho chúng tôi, tôi sẽ mua các tên lửa Rapier của Anh; điều đó chẳng có gì là quan trọng. Để rút ngắn vấn đề, tôi bảo ông ta rằng chúng tôi sẽ không thỉnh cầu để mua các tên lửa này. Hai năm sau, Mỹ bán cho chúng tôi các tên lửa I–Hawk sau khi đại sứ Mỹ ở Singapore, cũng là cựu thống đốc theo đảng Dân Chủ của Bắc Dakota và là một ủng hộ viên của Carter, can thiệp với Nhà Trắng.
Hai phái đoàn chính phủ đã gặp gỡ 46 phút và kết thúc chính xác đến từng giây. Trước lúc hội đàm kết thúc chừng 15 phút, ông ta lôi từ túi áo sơ mi một danh sách vấn đề cần thảo luận xem đã giải quyết hết chưa. Nếu không đọc lại các biên bản cuộc họp, tôi đã không hình dung được chúng tôi đã bàn bạc những vấn đề gì. Tất cả đều là những vấn đề vụn vặt. Những người tiền nhiệm của ông ta như Nixon và Ford đã luôn luôn nhắm vào một bức tranh tổng quát: châu Á như thế nào – Nhật, Nam Triều Tiên và Đài Loan, các nước cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, rồi các nước đồng minh của Hoa Kỳ là Thái Lan, Philippines.
Carter đã không đề cập đến các chủ đề này. Trái lại, tôi quyết định mô tả cho ông ta một bức tranh tổng quát về việc Mỹ quan trọng như thế nào đối với sự ổn định và phát triển của khu vực, và Mỹ không nên lơi lỏng sự tập trung của họ ở khu vực này ra sao vì điều này sẽ làm yếu đi sự tin tưởng của các quốc gia không theo cộng sản vốn đang là bạn của Hoa Kỳ. Tôi không chắc tôi đã tạo được một ấn tượng nào ở ông ta. Nếu tôi đã không gặp Richard Holbrooke, trợ lý quốc gia chuyên lo các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương trước đó vào tháng 5 ở Singapore, thì tôi không tin rằng tôi sẽ có một cuộc hội kiến với Carter. Holbrooke muốn có một nhân vật nào đó trong khu vực để khiến tổng thống tập trung vào châu Á, và cho rằng tôi có thể là người đó.
Khi tôi đang chuẩn bị rời khỏi bàn, ông ta đưa tôi một cuốn sách bọc bìa da màu xanh lá cây của bản tự truyện chiến dịch tranh cử của ông ta, Tại sao không là người tốt nhất? Ông ta đã ghi sẵn trước trong đó dòng chữ: “Tặng người bạn tốt Lý Quang Diệu. Jimmy Carter”. Tôi đã được tâng bốc, nhưng ngạc nhiên vì được nâng lên vị trí “người bạn tốt” ngay cả trước khi ông ta gặp tôi. Điều này hẳn là thông lệ chuẩn mực trong suốt chiến dịch tranh cử của ông ta.
Tôi lướt qua cuốn sách, hy vọng sẽ có được chút ánh sáng. Và tôi đã có được điều đó. Ông ta xuất thân từ một tín đồ được cải đạo theo Cơ đốc giáo ở vùng Bible. Hai mẩu chuyện đeo bám dai dẳng trong tâm trí tôi. Cha của Carter đã cho cậu bé Carter một đồng xu trên đường đưa chú đến lớp Giáo lý. Chú bé trở về nhà và đặt hai đồng xu lên bàn. Khi người cha phát hiện điều này, chú bé bị no đòn. Carter không bao giờ ăn cắp lần thứ hai! Tôi bối rối không hiểu điều này đã giúp ông ta thắng cử ra sao. Một vấn đề khác là khi Tướng Rickover phỏng vấn để giao cho ông ta một nhiệm vụ trên một tàu ngầm nguyên tử. Rickover đã hỏi Carter rằng ông ấy đã đạt thứ hạng gì lúc còn đang ngồi trên ghế của Học viện hải quân Annapolis. Ông ta trả lời đầy tự hào rằng: “Hạng thứ 59″. Rickover hỏi: “Anh đã làm hết sức mình chứ?” Ông ta trả lời: “Vâng, thưa
Ngài”, rồi đổi lại: “Không, thưa Ngài, tôi đã không luôn luôn làm hết sức mình”. Rickover nói lại: “Tại sao không?” Carter nói ông ta thấy bàng hoàng. Chính vì thế đặt tựa đề cho cuốn sách của mình, ông ta đã để là Vì sao không phải là người tốt nhất? Và Carter đã sống bằng khẩu hiệu này. Một ngày nọ, tôi nhìn thấy ông ta trên truyền hình, loạng choạng ở cuối một cuộc chạy đua maratông, gần như kiệt sức và muốn ngã sụm. Ông ta đã luôn luôn bị ám ảnh bởi tham vọng nỗ lực hết sức mình bất chấp thể lực của mình hồi đó.
Tôi đã gặp lại ông ta một lần nữa, hết sức ngắn ngủi, vào tháng 10/1978. Phó Tổng thống Walter Mondale đón tiếp tôi và Carter chỉ tạt ngang để phóng viên chụp hình. Chúng tôi đã không trao đổi gì nhiều; ông ta vẫn không quan tâm đến châu Á. Thật may các cố vấn của ông ta đã thuyết phục được ông ấy không rút quân đội Mỹ ra khỏi Triều Tiên.
Thành tích vĩ đại của ông ta là đã giúp Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat, và Thủ tướng Israel Menachem Begin giải quyết cuộc chiến của họ. Tôi hết sức kinh ngạc rằng ông ta đã nhớ thuộc lòng từng cuộc tranh chấp, từng bờ rào ngăn cách, từng ranh giới giữa hai quốc gia. Tôi nghĩ đến hệ thống đánh giá Shell – chất lượng máy bay trực thăng, thấy rõ bức tranh toàn diện và có khả năng tập trung vào từng chi tiết liên quan. Carter đã tập trung vào từng chi tiết.
Ba biến cố lớn trong năm 1979 đã hướng tâm trí Carter về châu Á vào cuối nhiệm kỳ của mình. Thứ nhất, Đặng Tiểu Bình viếng thăm ông ta vào cuối tháng Giêng để thiết lập quan hệ ngoại giao và cảnh báo ông ta về ý đồ của Trung Quốc trừng phạt Việt Nam. Thứ hai, Carter đã khuyên Vua Iran rời bỏ đất nước mình để tránh đương đầu một cuộc nổi loạn của dân chúng. Thay vì một chính phủ dân chủ bảo vệ nhân quyền, các thủ lĩnh cao tuổi của Hồi giáo đã tiếp quản chính quyền vào tháng 2. Thứ ba, vào ngày 24/12, Liên Xô đã xâm lược Afghanistan để hỗ trợ cho chế độ xã hội chủ nghĩa sắp sụp đổ. Carter sốc đến nỗi ông ta đã thốt lên: “Những chuyện này đã mở mắt cho tôi”. Ông ta đã không nhìn thấy chế độ Xô Viết như nó đang tồn tại. Ông ta đã ôm hôn Brezhnev tại Viên năm 1979 sau khi ký hiệp định SALT và đã tin rằng các nhà lãnh đạo Xô Viết là những người biết lẽ phải, sẽ hưởng ứng những cử chỉ hòa bình chân thật.
Cố vấn an ninh quốc gia của Carter, Zbigniew Brezinski, là một nhân vật kiên định đang đứng ở trung tâm quyền lực. Ông ta đã có đầu óc chiến lược toàn diện và đã nhìn thấy giá trị của Trung Quốc trong cán cân thăng bằng toàn diện chống Liên Xô. Ông ta đã giữ các quan điểm của mình một cách quyết liệt tại bất kỳ diễn đàn nào, nhưng đủ khôn ngoan để thực hiện chính sách đối ngoại của Tổng thống mình chứ không phải của bản thân ông ta. Viện trợ của Mỹ và những quốc gia Hồi giáo đã rót vũ khí, tiền bạc và binh lính vào Afghanistan để củng cố lực lượng chống đối cuối cùng đã làm sa lầy các lực lượng quân sự của Liên Xô hùng mạnh.
Holbrooke có thể làm giảm bớt cơn bốc đồng trước đây của Carter – cắt giảm những ràng buộc của Mỹ ở châu Á, đặc biệt là ở Triều Tiên, nơi ông ta đã muốn rút hết 40.000 quân Mỹ sau những thất bại ở Việt Nam. Như tôi đã viết cho Holbrooke vào tháng 12/1980 trước lúc ông ta từ chức. “… Trong suốt thời kỳ nhiều nhân vật trong Chính quyền, Quốc hội và báo giới muốn lãng quên Đông Nam Á, ông đã hành động không ngừng để tái xây dựng và phục hồi niềm tin vào sức mạnh và mục đích của Mỹ. Tương lai ít nguy hiểm hơn năm 1977, khi chúng ta gặp nhau lần đầu.”
Carter là một người lương thiện, sùng đạo, có lẽ quá tốt để trở thành một vị Tổng thống. Dân Mỹ đã bỏ phiếu cho ông ta như là một phản ứng ngược sau những quá khích của vụ Watergate. Nhưng sau bốn năm mơ màng sùng kính về tương lai ảm đạm của Mỹ, họ đã sẵn sàng chào đón Ronald Reagan với quan điểm tươi sáng và lạc quan hơn về dân Mỹ và tương lai của họ để có thể đưa họ tiến về phía trước trong một trạng thái phấn khởi trong hai nhiệm kỳ tổng thống. Reagan là một người có ý tưởng đơn giản thẳng thắn, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và thành công. Ông ta chứng tỏ là một người tốt cho Mỹ và cho cả thế giới. Cũng chính vì thế mà vào tháng 11/1980, dân Mỹ đã bỏ phiếu cho một tài tử Hollywood thay vì một trại chủ tầm thường.
Lần đầu tôi gặp Reagan là lúc ông ta, với tư cách Thống đốc bang California, đến thăm Singapore vào tháng 10/1971. Ông ta có trong tay một bức thư giới thiệu của Tổng thống Nixon. California là quê hương của Nixon, và Reagan hẳn đã đóng một vai trò chủ chốt trong cuộc tranh cử của Nixon. Trong một cuộc hội đàm kéo dài 30 phút trước bữa ăn trưa, tôi phát hiện ông ta là một người có lập luận mạnh mẽ, chống cộng một cách quyết liệt. Ông ta bàn về Chiến tranh Việt Nam và sự quấy rối của Xô Viết trên toàn thế giới. Vào bữa ăn trưa chiêu đãi ông ta, phu nhân cùng với cậu con trai nhỏ, và trợ lý riêng, Mike Deaver, Reagan tiếp tục đàm luận về mối hiểm họa Xô Viết. Ông ta quá thích thú đề tài này đến nỗi vẫn còn muốn tiếp tục cuộc đàm đạo sau bữa trưa. Phu nhân và con trai ông ta về trước và tôi đưa ông ta trở lại văn phòng của mình – tại đó chúng tôi thảo luận thêm một giờ nữa về các vấn đề chiến lược liên quan đến Liên Xô và Trung Quốc. Một vài quan điểm của ông ta gây ngạc nhiên và mạnh mẽ. Ông ta bảo rằng trong suốt thời kỳ phong tỏa Berlin, Hoa Kỳ lẽ ra không nên dùng không quân tiếp tế mà nên đối đầu với người Nga bằng xe tăng và yêu cầu con đường dẫn đến Berlin phải được mở ngỏ, như đã được yêu cầu trong Thỏa ước Bốn– bên. Nếu họ không mở đường thì sẽ có chiến tranh. Tôi sửng sốt vì cách tiếp cận thẳng thừng của ông ta.
Mười năm sau, vào tháng 5/1981, Cựu Tổng thống Gerald Ford trong chuyến viếng thăm Singapore đã cho tôi biết rằng Tổng thống Reagan, người đã nhậm chức tháng Giêng năm đó, muốn nhanh chóng gặp tôi. Tôi đã nhận được một thông điệp thứ hai hỏi xem tôi có thể đi vào tháng 6 không, và tôi đã nhận lời. Khi tôi đặt chân đến Nhà Trắng độ chừng buổi trưa vào ngày 19/6, Reagan đã ra tận hành lang văn phòng của ông ta và đón tiếp tôi nồng nhiệt. Chúng tôi đã có cuộc hội kiến tay đôi chừng 20 phút trước bữa trưa, ông ta lại muốn nói về đề tài Đài Loan và Trung Quốc.
Tôi đã bảo Reagan rằng vì quyền lợi của Hoa Kỳ, cần có một Đài Loan thành công trong việc tạo một sự tương phản thường trực đối với các điều kiện của lục địa. Điều này sẽ tạo ảnh hưởng rộng lớn, bao trùm thế giới thông qua báo giới và những nhân vật VIP sẽ thực hiện các cuộc viếng thăm cả hai bên. Rồi ông ta hỏi tôi xem thử Tổng thống Tưởng Kinh Quốc có cần máy bay thế hệ mới không.
Tưởng đã thúc ép điều này vào một thời điểm tế nhị trong nhiệm kỳ của Reagan. Reagan đã chỉ trích cao độ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong chiến dịch tranh cử của mình và đã bày tỏ sự ủng hộ vững vàng của ông ta dành cho Đài Loan. Tôi biết rằng bất kỳ một thay đổi bất ngờ nào trong chính sách sẽ khó khăn cho ông ta. Tuy nhiên cho phép bán cho Đài Loan các máy bay thế hệ mới sẽ có nghĩa là tăng rắc rối với Trung Quốc. Tôi đưa ra ý kiến rằng không có sự đe dọa tức thời nào đối với Đài Loan từ lục địa. Và rằng các chiếc F–5s hiện tại của Đài Loan là đủ. Trung Quốc hiện đang không tăng cường vũ trang. Đặng Tiểu Bình muốn có thêm hàng hóa tiêu dùng cho người dân của ông ta – những người đã bị làm thoái chí và thèm khát ăn ngon mặc đẹp sau một thập kỷ của Cuộc Cách mạng Văn hóa. Máy bay của Đài Loan sẽ cần được nâng cấp sau này, nhưng không phải ngay tức thời.
Các cố vấn chủ chốt của ông ta cùng tham dự bữa ăn trưa với chúng tôi gồm có: Casper Weinberger từ Bộ Quốc phòng, Bill Casey từ CIA Jim Barker, tham mưu trưởng, Mike Deaver và Richard Allen, cố vấn an ninh quốc gia. Vấn đề chính vẫn là Trung Quốc – Trung Quốc đối đầu với Đài Loan, và Trung Quốc đối đầu với Liên Xô.
Ông ta hỏi về sự đàm phán của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với Liên Xô về các vấn đề biên giới chung ngay sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Haig đã đến thăm Bắc Kinh. Theo quan điểm của tôi, động thái này của Trung Quốc là để báo trước với Mỹ rằng họ không nên bị đặt vào tư thế “đương nhiên là vậy”. Tuy nhiên tôi đã không tin rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên Xô có thể tạo ra những tiến triển nào nếu nhìn vào những xung đột quyền lợi truyền kiếp và sâu xa giữa họ. Cả hai đều là những nhà truyền bá chủ nghĩa Cộng sản, mỗi bên dùng thủ đoạn chống lại bên kia để giành sự ủng hộ của Thế giới thứ Ba về phía mình. Hơn thế nữa, Đặng đã phải dàn xếp những người xung quanh ông ta – họ không muốn trở nên quá thân cận với Mỹ. Tôi tin rằng Đặng rất quyết tâm về chính sách của ông ta – một chính sách dành ưu tiên thấp nhất cho chi tiêu quân sự và cao nhất cho hàng tiêu dùng mà người dân cần.
Đề cập đến tình trạng bất ổn ở Ba Lan, Reagan nói rằng người Nga phải lo lắng về tình trạng quá bành trướng. Tôi cho rằng họ sẵn sàng để mặc cho nền kinh tế đi xuống nhằm duy trì đế quốc trải dài từ Âu sang Á của họ. Reagan nhột tai khi nghe nhắc đến từ “đế quốc”, ông ta bảo Richard Allen dùng từ ấy thường xuyên hơn khi mô tả lãnh địa Xô Viết. Bài diễn văn kế tiếp của Reagan đã đề cập đến “đế quốc tàn ác” của những người Xô Viết.
Mười phút cuối của cuộc hội đàm tay đôi sau bữa trưa, Reagan yêu cầu tôi chuyển đến Tổng thống Tưởng thông điệp rằng Tổng thống Tưởng đừng thúc ép ông ta vào thời điểm đó về vấn đề vũ khí công nghệ tiên tiến vì lúc đó là một thời điểm khó khăn đối với ông ta. Tổng thống Reagan cũng yêu cầu tôi đảm bảo với Tưởng rằng ông ta sẽ không bỏ rơi Tưởng. Reagan biết rằng tôi rất thân với Tổng thống Tưởng và sẽ giúp ông ta làm dịu đi sự bất mãn mà thông điệp của ông ta sẽ đem đến cho Tưởng. Tôi đã gặp Tổng thống Tưởng một vài ngày sau đó để thông báo lại ý của Tổng thống Reagan rằng “thời điểm đó không thích hợp cho Đài Loan mua các vũ khí công nghệ tiên tiến như máy bay”. Tưởng hỏi tôi tại sao người bạn tốt Reagan đã không tỏ ra ân cần giúp đỡ hơn. Tôi đã đánh bạo đưa ra một lời phỏng đoán rằng Mỹ cần Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để duy trì sự cân bằng lực lượng trên toàn cầu chống lại Liên Xô. Vì Tây Âu và Nhật Bản không sẵn lòng chi tiêu cho vũ khí một cách dứt khoát như Mỹ trông đợi, Reagan đang xem xét có nên nâng cấp khả năng quân sự của Trung Quốc bằng những mũi tiêm công nghệ nhỏ giọt mà có nó thì sức mạnh con người to lớn của Trung Quốc sẽ có nghĩa là áp lực cộng thêm đối với Liên Xô. Tưởng gật đầu đồng ý. Ông ta chấp nhận Reagan đã đưa ra lý do hợp lý, và yêu cầu tôi nói lại với Reagan rằng: “Tôi hiểu ông.” Tưởng đã cảm thấy hài lòng. Ông ta đã tin tưởng Reagan.
Giống như Tưởng, Reagan cũng hành động theo bản năng gan góc của mình. Ông ta hoặc tin tưởng bạn hoặc không. Ông ta cũng là một người có lòng trung thành sâu sắc khó thay đổi, cả với những người bạn của mình lẫn với sự nghiệp. Những vị cố vấn của ông ta, kể cả Bộ trưởng thứ nhất Al Haig đã thông báo cho ông ta về tầm quan trọng của nước Trung Quốc cộng sản trong chiến lược vĩ đại chống Liên Xô. Ông ta chấp nhận sự phân tích này nhưng không cảm thấy yên tâm với những người cộng sản Trung Quốc, ông ta đã được thừa kế một mối quan hệ với Trung Quốc mà ông ta biết phải giữ lấy.
Tôi rời Washington cảm thấy tự tin hơn lúc Carter còn đương nhiệm. Reagan có một sự lạc quan tự nhiên lan tỏa sang cả những người xung quanh ông ta với cùng một ý chí. Ông ta đã nhìn vào khía cạnh lạc quan của mọi vấn đề và sẵn sàng bảo vệ cho những niềm tin của mình. Quan trọng hơn, ông ta có thể lôi kéo dân chúng Mỹ cùng theo quan điểm với mình, thường thường bất chấp cả giới báo chí. Khi tôi viết thư cảm ơn ông vì bữa ăn trưa, ông ta đáp trả rất thực tế. Trong thư có đoạn như sau: “Tôi muốn các mối quan hệ (Mỹ) với Bắc Kinh được cải thiện và sẽ làm hết sức để đạt được điều này, nhưng không phải với cái giá là hy sinh tình bạn cũ của chúng tôi với Đài Loan. Tôi cũng không muốn ông, và các bạn hữu của chúng tôi ở Đông Nam Á quan niệm mối quan hệ của chúng tôi với Bắc Kinh sẽ có vị trí cao hơn mối quan hệ với ông”. Khi chính phủ của ông ta tuyên bố quyết định bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan, đã không bao gồm việc bán máy bay chiến đấu thế hệ mới với những lý do rằng “không có nhu cầu quân sự cho các loại máy bay như vậy”.
Mười tháng sau, vào tháng 4/1982, Phó Tổng thống George Bush gặp tôi ở Singapore trước chuyến công du sang Trung Hoa. Ông ta muốn biết các quan điểm của tôi như thế nào về giải pháp cho vấn đề Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – Đài Loan. Tôi thì cho rằng các vấn đề quá phức tạp đến nỗi tôi đinh ninh người Trung Quốc sẽ không tin rằng có thể giải quyết được bằng chuyến viếng thăm của ông ta. Điều quan trọng là các nghi thức được tuân thủ. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hẳn đã nghiên cứu tính cách và các quan điểm của Reagan một cách thấu đáo. Họ đã biết nhiều chuyến viếng thăm của ông ta đến Đài Loan và về mối quan hệ bạn bè của ông ta với Tổng thống Tưởng Kinh Quốc. Bởi vì Reagan là như thế nên đối với người Trung Hoa, nghi thức cũng quan trọng chẳng kém bản chất. Họ biết họ chưa thể thu hồi Đài Loan trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nguyên tắc rằng Đài Loan là một phần của Trung Hoa không nên bị thách thức hoặc sẽ có rắc rối. Tôi chắc rằng Đặng cần Mỹ – ông ta đã thăm Mỹ vào tháng 1/1979 để giải quyết vấn đề bình thường hóa quan hệ bởi vì ông ta cần Mỹ đứng về phía Trung Hoa, hoặc ít nhất cũng đứng trung lập trong mọi xung đột với Liên Xô. Đặng cũng biết rằng ông ta đang đối phó với một lãnh đạo có đầu óc cứng rắn trong con người Reagan.
Bush đã hỏi xem có sự phản đối nào trong nội bộ Trung Quốc đối với mối quan hệ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với Mỹ không. Tôi tin quan hệ của Trung Quốc với Mỹ đã nhận được sự tán thành của bản thân ông Mao, vì thế ít nhân vật sẽ tỏ ý chống đối ra mặt đối với mối quan hệ thân thiện với Mỹ. Đặng đã không chỉ bình thường hóa các mối quan hệ mà còn tiến xa một bước bằng cách mở cửa đất nước. Điều này hẳn sẽ có những hệ lụy quan trọng về lâu về dài. Các con trai của những vị lãnh đạo đang du học ở Hoa Kỳ cũng như nhiều người dân Trung quốc khác. Sẽ có sự chảy máu chất xám, có thể hai mươi phần trăm hoặc hơn, nhưng những người trở về lại thì sẽ trở về với những tư tưởng mới mẻ. Người Trung Quốc biết rõ họ đang đánh liều trong việc mở cửa, dầu vậy quyết định họ đã thực hiện rất có ý nghĩa. Họ đã chuẩn bị tinh thần đón tiếp những sinh viên trở về với đầu óc cấp tiến mang theo cùng với mình những mầm mống cải cách. Một vấn đề khó khăn là ứng cử viên Tổng thống Reagan đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ Đài Loan. Và ông ta đã lặp lại những tuyên bố này ngay cả sau khi George Bush đến thăm Bắc Kinh vào tháng 8/1980 để thông báo rằng người Trung Quốc nên hiểu và tôn trọng lập trường của Mỹ, rằng vấn đề Đài Loan phải được chuyển động từ từ. Tuy thế, tôi tin là người Trung Quốc đặt tầm quan trọng vào sự trung thành. Họ biết rằng những người phản bội lại bạn bè của mình thì cũng sẽ phản bội lại họ. Họ hẳn sẽ ngạc nhiên nếu Mỹ đã chịu nhượng bộ một khi họ theo đuổi yêu sách Đài Loan. Cái mà họ muốn từ phía Mỹ là một sự tái khẳng định nguyên tắc rằng có một Trung Hoa thống nhất. Bush đã khẳng định với tôi rằng Reagan sẽ không đi ngược thời gian bằng cách có hai quốc gia tách rời và hai vị đại sứ.
Tôi gợi ý rằng Mỹ nên mời Thủ tướng Triệu Tử Dương sang thăm Washington và rồi Tổng thống Reagan nên thăm đáp lễ Bắc Kinh để xác định lập trường của ông ta theo cách mà Bush đã diễn đạt. Người Mỹ nên thuyết phục Bắc Kinh về chính sách một nước Trung Quốc của họ. Cách làm là cho Reagan gặp gỡ và thuyết phục Đặng rằng đó chính là lập trường căn bản của Mỹ. Bush đồng ý, vì Reagan có thể nói những gì ông ta nhắm đến bằng một cách đầy sức thuyết phục. Có quá nhiều cơ sở chung giữa Trung Quốc và Mỹ, Bush nói thêm. Reagan “hoang tưởng và căng thẳng về vấn đề Liên Xô” và các biến cố ở Ba Lan và Afghanistan đã củng cố thêm tình trạng này. Reagan không thích chủ nghĩa cộng sản nhưng thấy được giá trị chiến lược của một mối quan hệ với Trung Quốc.
Trước chuyến viếng thăm kế tiếp của tôi đến Washington vào tháng 6/1982, George Shultz đã kế nhiệm Al Haig với chức Bộ trưởng Ngoại giao. Tôi biết Shultz lúc ông ta còn là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Nixon vào đầu những năm 1970 và chúng tôi đã trở thành bạn của nhau. Haig đã làm hết sức mình để khởi xướng “sự nhất trí chiến lược” chống lại Liên Xô và đã đồng ý cắt giảm dần dần việc bán vũ khí cho Đài Loan. Shultz đã phải bố trí lời lẽ để giải thích rõ cam kết này. Ông ta quẳng cho tôi một lô câu chất vấn. Tôi đáp rằng chẳng có chút giá trị nào trong việc bỏ mặc Đài Loan không được trang bị quân sự và dưới quyền hạn của Trung Quốc nhằm lợi dụng sức mạnh của Trung Quốc chống lại Liên Xô. Dù sao Trung Quốc cũng sẽ đối đầu với Liên Xô kia mà. Shultz đã có một sự đánh giá tỉnh táo về giá trị của Trung Quốc trong thế thăng bằng chống lại những người Xô Viết. Ông ta đã tiến hành một chính sách mang tính thăm dò và đo lường mà không cần Mỹ phải từ bỏ những nghĩa vụ của họ đối với một đồng minh cũ.
Một lần nữa Reagan kéo tôi sang một bên trước bữa trưa cho một cuộc đàm đạo kéo dài một giờ đồng hồ không có người ghi chép. Không có ai ghi lại biên bản cuộc họp. Ông ta bàn luận về Trung Quốc và Đài Loan và lại là Trung Quốc và Liên Xô. Tôi nói rằng ông ta không nên bán đứng Đài Loan dù ông ta cần Trung Quốc để đối địch với Liên Xô. Hai mục tiêu không phải là không thể dung hòa với nhau được. Chúng thể được giải quyết và được kiềm chế.
Ông ta biết rằng tôi đã có cuộc gặp gỡ với những vị lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc cả ở đại lục lẫn lãnh thổ Đài Loan. Ông ta cũng tường tận rằng tôi là người chống cộng nhưng là người theo thuyết duy thực. Vì vậy ông ta đã kiểm tra những ý tưởng của ông ta ở nơi tôi. Tôi bảo ông ta rằng đặt các vấn đề Đài Loan sang một bên xem như là một cuộc xung đột không thể dàn xếp vào thời điểm này và nên để lại cho thế hệ sau như Đặng đã đề nghị với Nhật liên quan đến cuộc tranh chấp của họ về các hòn đảo Senkaku/Diaoyu (Điếu ngư). Tôi đề nghị Reagan nên giải thích với Bắc Kinh rằng ông ta đã từng là bạn cũ của Đài Loan và không thể chỉ đơn giản xóa sổ họ. Ông ta hỏi tôi xem thử ông ta có nên thăm Trung Quốc không. Tự ông ta thấy khó lòng để thực hiện chuyến viếng thăm này và cảm thấy ông ta có nghĩa vụ phải viếng thăm Đài Loan trong một chuyên công du nếu như ông ta quyết định phải thực hiện một chuyến như vậy. Tôi sững sờ khi nghe điều này. Tôi khuyên ông ta nên bỏ chuyện đi Đài Loan, đặc biệt là thực hiện trong cùng một chuyến công du. Như trước đây tôi đã nói với Bush, Reagan trước hết nên mời hoặc Thủ tướng Triệu hoặc Tổng Bí thư Hồ Diệu Bang đến thăm Washington trước lúc ông ta đi thăm Trung Quốc. Sau khi một hoặc cả hai nhân vật này đã đến thăm Mỹ thì một chuyến viếng thăm đáp lễ của ông ta sẽ là một phản hồi thích hợp hơn.
Sau đó Reagan đã viết cho tôi: “Cuộc nói chuyện riêng trước bữa trưa ngày 21/7 thật hữu ích cho tôi. Tôi đã trông đợi lời cố vấn và lời khuyên khôn ngoan từ phía Ngài và tôi đã có được vào dịp đó. Sự thẳng thắn và bộc trực của Ngài thật sự đã chứng minh được sức mạnh của tình bạn giữa chúng ta và tôi đánh giá rất cao điều đó.”
Vào đầu năm 1984, Thủ tướng Triệu viếng thăm Washington và nhấn mạnh rằng Trung Quốc muốn đạt được các quan hệ kinh tế khắng khít hơn. Tháng 5, Reagan thăm đáp lễ Trung Quốc. Chẳng bao lâu sau đó, Paul Wolfwitz, trợ lý của Shultz đến Singapore để tóm lược cho tôi về chuyên viếng thăm của Reagan và thảo luận một số khía cạnh nào đó của chuyến đi mà người Mỹ nhận thấy khó hiểu. Đó là một chuyến đi có kết quả với những tiến bộ thật sự đạt được trong lĩnh vực kinh tế. Reagan đã không nhượng bộ đối với một số vấn đề toàn cầu, cả khi người Trung Quốc bất đồng với ông ta. Đặng đã nhấn mạnh rằng Đài Loan là một khúc mắc trong mối quan hệ Hoa – Mỹ phải được tháo gỡ. Tôi đáp rằng thật tuyệt khi Đặng đã có cơ hội để hiểu về Ronald Reagan. Người Trung Quốc hẳn sẽ nhận ra rằng họ phải sống với Reagan, không phải chỉ cho một mà cả hai nhiệm kỳ. Thật thế, Reagan đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai.
Sau khi Reagan tái đắc cử, Shultz đề nghị tôi thực hiện một chuyến viếng thăm chính thức đến Washington vào đầu tháng 10/1985. Tôi nhận ra Reagan vẫn sung sức. Ông ta trông trẻ trung với đầu tóc chải đẹp và giọng nói mạnh mẽ không tệ đi chút nào sau 4 năm tại nhiệm và với một viên đạn sượt qua ngực suýt nữa trúng tim. Reagan không quan tâm tới chi tiết. Thật vậy, ông ta nói rõ rằng ông ta không để bị bận tâm bởi các chi tiết có thể làm rối bức tranh toàn cảnh. Sức mạnh của ông ta nằm ở sự bền bỉ và kiên định trong các mục đích, ông ta biết mình muốn gì và sắp đặt để đạt được điều đó bằng cách thâu tóm quanh bản thân mình những người có khả năng chia sẻ suy nghĩ với ông ta và thành công trong những lĩnh vực chọn lựa của họ. Và nơi ông ta tỏa ra sự tự tin và lạc quan. Tám năm tại nhiệm của Reagan đã là những năm tốt đẹp cho Hoa Kỳ và thế giới. Chương trình “Chiến tranh giữa các vì sao” của ông ta đối đầu với Tổng thống Gorbachev và Liên Xô với một sự thách thức mà họ đã không thể hy vọng đương đầu. Chính điều đó đã giúp làm sụp đổ Liên Xô.
Như trước kia, trong một cuộc họp tay đôi, ông ta lại xoay ra tìm kiếm quan điểm của tôi về vấn đề Trung Quốc và Đài Loan. Ông ta nói rằng ông đã vạch một ranh giới cẩn thận giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – Đài Loan. Ông ta đã tuyên bố rõ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa rằng Mỹ không thể bỏ rơi Đài Loan: “Mỹ là một người bạn của cả hai và sẽ tiếp tục ở trong vị thế đó.” Rồi ông ta yêu cầu tôi thuyết phục Tổng thống Tưởng tiếp tục duy trì Đài Loan trong Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sau khi vị thế của nó chuyển thành “Đài Bắc, Trung Quốc” khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được kết nạp làm thành viên của ADB. Tưởng đã muốn rút chân khỏi ADB, và Quốc hội đã đe dọa chiếm giữ khoản đóng góp của Mỹ nếu Đài Loan bị “trục xuất”. Sau này, tôi đã phải trải qua một thời gian khó khăn ở Đài Loan khi đề cập tình huống của Reagan với Tưởng nhưng cuối cùng thì lẽ phải cũng thắng thế. Vào tháng 1/1986, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trở thành một thành viên của Ngân hàng Phát triển châu Á và Đài Loan được đặt tên lại là “Đài Bắc, Trung Quốc”.
Trong chuyến viếng thăm của ông ta đến Trung Quốc năm trước đó, Reagan quan sát thấy rằng người Trung Quốc đã bắt đầu nhận ra họ phải tạo điều kiện cho người dân có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi nói rằng đây là kết quả của những gì mà Hoa Kỳ đã đạt được ở Đài Loan thông qua sự đổ ào ạt vốn, công nghệ, chuyên môn, hàng hóa và dịch vụ vào đất nước này. Tôi chắc rằng Đặng đã đọc đâu đó về sự phát triển kinh tế tột bậc của Đài Loan và hẳn đã ngạc nhiên làm thế nào những người mà ông ta xem như là lũ cướp “thất thời, hư hỏng và vô tích sự” đã có thể đạt được thành tựu. Đặng hẳn đã nghĩ rằng Mỹ đã trợ giúp “đám cướp” này bằng vốn, công nghệ, và bí quyết kỹ thuật, và ông ta thiết tha muốn có công thức này chuyển giao sang cho Trung Quốc. Đặng biết Mỹ có thể vô cùng có giá trị đối với sự nghiệp hiện đại hóa của Trung Quốc.
Trong cuộc viếng thăm chính thức của tôi, tôi được vinh dự diễn thuyết tại phiên họp chung của Quốc hội Mỹ. Những nhân vật lập pháp của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới này đã dành thời gian cho một nhà lãnh đạo của một hòn đảo bé xíu như tôi. Tommy Koh, đại sứ của chúng tôi, báo cáo rằng cả Reagan lẫn Shultz đã khuyến khích Diễn giả Tip O’Neil mời tôi. Tôi đã diễn thuyết về đề tài lúc ấy đang là vấn đề đỉnh điểm của chương trình nghị sự Mỹ – chế độ bảo hộ nền công nghiệp trong nước để duy trì công ăn việc làm và kiểm soát sự thâm hụt mậu dịch Mỹ với các nền kinh tế mới phát triển của Đông Á. Trong hai mươi phút, tôi đã mô tả vấn đề tự do mậu dịch thật sự là vấn đề của chiến tranh hoặc hòa bình cho thế giới ra sao.
Các quốc gia lúc phát triển lúc suy thoái. Tôi viện dẫn rằng nếu một quốc gia đang phát triển dư thừa năng lượng mà lại không được phép xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nó, thì giải pháp lựa chọn duy nhất của nước đó sẽ là bành trướng và chiếm đoạt lãnh thổ, sáp nhập dân số và hòa nhập họ để trở thành một đơn vị kinh tế lớn hơn. Đó là lý do tại sao các quốc gia có những đế chế mà họ khống chế như là một khối mậu dịch duy nhất. Đó là một con đường truyền thống của sự phát triển. Thế giới đã chuyển động ra khỏi con đường này từ cuối Chiến tranh Thế giới Thứ hai năm 1945. Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT), Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Ngân hàng Thế giới (World Bank) và những luật lệ mới đã tạo ra một nước Đức giàu mạnh bất chấp những người dân Đức từ phía Đông trở về với một vùng đất bị thu hẹp. Cũng thế với người Nhật, những người đã rời Triều Tiên, Trung Quốc, Đài Loan và Đông Nam châu Á và chen chúc trong một vài hòn đảo của Nhật Bản. Người Nhật và người Đức có thể sống nội trong phạm vi lãnh thổ của họ và phát triển nhờ thương mại và đầu tư. Họ đã hợp tác và cạnh tranh với các quốc gia khác và đã có thể trở nên phồn vinh thịnh vượng mà không cần đến các cuộc chiến tranh. Nhưng nếu việc mua bán hàng hóa và dịch vụ bị tắc nghẽn, thì Trung Quốc sẽ trở lại với giải pháp lịch sử của họ, nghĩa là các nước gây hấn chinh phục lẫn nhau để giành quyền thống trị nhiều đất đai và dân cư hơn cho đến khi họ trở thành một đế chế với thuộc địa khổng lồ. Về mặt lý trí, sự bình luận logic và chặt chẽ này hẳn có thể đã thuyết phục được các nhà lập pháp nhưng về mặt cảm tính, nhiều người trong bọn họ khó có thể chấp nhận vấn đề.
Một vấn đề khác mà Reagan đưa ra trong suốt các cuộc hội đàm của chúng tôi là vấn đề Philippines. Tổng thống Marcos đã trải qua một thời kỳ khó khăn kể từ khi vị lãnh đạo đối lập đã bị trục xuất, Benigno Aquino, bị bắn chết ở phi trường Manila lúc ông ta từ Mỹ về hồi tháng 8/1983. Marcos đã từng là người bạn tốt và người ủng hộ đường lối chính trị của Reagan. Trước đây khi Shultz thảo luận vấn đề này với tôi, tôi đáp Marcos bây giờ là vấn đề chứ không phải là giải pháp. Ông ta yêu cầu tôi nói thẳng với Reagan vì ông này đang lấy làm buồn trước viễn cảnh phải từ bỏ một người bạn cũ. Vì thế cố gắng hết sức tế nhị như tôi có thể làm được lúc đó, tôi mô tả cho Reagan rằng Marcos đã chuyển từ một thành viên tham gia chống cộng trẻ tuổi của những năm 60 để trở thành một kẻ chuyên quyền già nua tự mãn như thế nào. Ông ta đã cho phép vợ và những người bạn chí thân của mình vơ vét bòn rút đất nước mình, bằng một đế chế độc quyền tinh vi và đã đưa chính phủ ông ta cầm quyền vào tình trạng nợ ngập đầu. Điểm số tài chính của Philippines và chính phủ của ông ta đã tụt dốc. Reagan không mấy hài lòng khi nghe những lời đánh giá này. Tôi đề nghị vấn đề là làm thế nào tìm một con đường gọn gàng và êm đẹp để Marcos rời khỏi chính phủ, và có ai đó lập một chính quyền mới để có thể dọn sạch những mớ lộn xộn này. Ông ta quyết định cử một phái viên để trình bày mối bận tâm của Hoa Kỳ đối với Marcos trong tình huống tồi tệ đó.
Người Phillipines nổi dậy vào ngày 15/2/1986, sau khi việc Tổng thống Marcos tái đắc cử bị nghi vấn có sự gian lận. Đại sứ Mỹ, Stapleton Roy được chỉ thị thăm dò quan điểm của tôi. Tôi cho rằng Hoa Kỳ phải xử lý với Marcos cho dù ông ta được nhậm chức theo hiến pháp hoặc không, nhưng không nên gây sự thù địch với một khối đông đảo người dân Philippines, nhiều người trong số họ đã bỏ phiếu cho Corazan Aquino. Tôi nói rằng Mỹ không nên chấp nhận một cuộc bầu cử gian lận mà nên gây sức ép với Marcos, không nên dẫn đến một cuộc tranh cãi cuối cùng mà hãy tổ chức những cuộc bầu cử mới. Aquino nên được giữ “trong tình trạng động viên và tích cực” bởi vì bà ta là “sức mạnh cuối cùng”. Bà ta không được phép thất vọng.
Ngày hôm sau 16/2, Corazan Aquino tự công bố thắng lợi trong cuộc tuyển cử và tuyên bố một chương trình phản kháng bất bạo động trên toàn quốc để lật đổ chế độ Marcos. Trong một vận động chung, năm nước láng giềng của Philippines cùng phát đi những tuyên bố tương tự thể hiện mối quan tâm của họ đối với tình hình nguy cấp ở Philippines có thể dẫn đến đổ máu và nội chiến và kêu gọi một giải pháp hòa bình.
Tôi bảo Đại sứ Roy rằng Marcos nên biết cánh cửa đã rộng mở để ông ta ra đi. Nếu ông ta cảm thấy không có nơi nào để đi, ông ta có thể đấu tranh đến cùng. Vào ngày 25/2, Roy thông báo cho tôi rằng chính phủ của ông ta đồng ý với quan điểm của tôi và hỏi xem tôi có sẵn lòng thực hiện công tác điều phối một giải pháp Asean để đề nghị giúp Marcos một nơi tị nạn không. Raja, Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi đáp rằng sẽ khó lòng làm cho cả năm nước thành viên cùng thống nhất ý kiến. Thông qua đại sứ của chúng tôi ở Manila, lập tức tôi gửi cho Marcos một bức thư mời ông ta đến Singapore. Đó là một đề nghị, nếu được chấp nhận, sẽ giúp làm dịu đi tình huống nguy cấp đang lan tràn. Đồng thời Reagan cũng gửi thư riêng bảo ông ta không được dùng vũ lực và báo rằng ông ta đã thu xếp tất cả cho Marcos, bà con và những cộng sự của ông ta được tị nạn ở Hawaii. Marcos chấp nhận đi tị nạn ở Hawaii hơn là Singapore. Cùng ngày, tức là ngày 25/2, Aquino tuyên thệ nhậm chức tân Tổng thống của Philippines.
Một vài ngày sau khi Marcos đặt chân đến Honolulu, hành lý của Marcos gồm có nhiều va–li chứa bạc giấy peso mới cứng, bị hải quan Mỹ kiểm tra. Ông ta đánh hơi thấy sự rắc rối và đã gửi cho tôi một bức thư thông báo rằng ông ta muốn đến Singapore. Aquino, người vừa tiếp quản chức vị Tổng thống phản đối. Marcos lưu lại ở Hawaii để rồi phải đối phó với nhiều vụ kiện tụng.
Một vấn đề nảy sinh giữa Hoa Kỳ với Tổng thống Aquino là sự gia hạn hợp đồng thuê cho các căn cứ quân sự của Mỹ ở Philippines. Bà ta tỏ ra có một lập trường chống đối các căn cứ quân sự một cách mạnh mẽ, hy vọng đạt được nhiều sự nhượng bộ từ phía Mỹ. Điều này đã có phản ứng ngược lại với bà ta. Rốt cuộc khi bà ta đi đến thỏa thuận với Hoa Kỳ thì thượng viện Philippines phản đối; các nghị sĩ nói rằng sự hiện diện của các căn cứ quân sự của Mỹ đã làm tiêu tan ý thức dân tộc của họ.
Nghị sĩ Richard Lugar, lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng hòa trong hội đồng thượng nghị viện chuyên lo về quan hệ đối ngoại với mối quan tâm đặc biệt đối với việc phòng thủ, đã viếng thăm tôi ở Singapore vào tháng 1/1989 sau các cuộc thảo luận với Tổng thống Aquino ở Manila. Ông ta hỏi xem chúng tôi có thể giúp đỡ gì không nếu Mỹ phải rời bỏ Vịnh Subic. Tôi đáp chúng tôi có thể đề nghị Mỹ sử dụng các căn cứ của chúng tôi nhưng khuyến cáo rằng cả nước Singapore còn bé hơn cả căn cứ quân sự của Mỹ ở Subic. Chúng tôi không có chỗ để chứa các binh sĩ Mỹ. Tôi thuyết phục ông ta nên duy trì các căn cứ quân sự Mỹ ở Philippines. Tôi cũng nói thêm rằng Singapore sẽ công khai đề nghị Mỹ sử dụng các căn cứ của chúng tôi nếu như điều đó làm cho chính phủ Philippines cảm thấy ít bị cô lập về mặt quốc tế để sẵn sàng cho phép các căn cứ quân sự Mỹ được duy trì.
Đại sứ của chúng tôi ở Manila đặt vấn đề với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, Raul Manglapus. Ông ta nói ông ta hết sức hoan nghênh một tuyên bố công khai như vậy. Vào tháng 8/1989, tôi đã yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao của tôi, George Yeo, tuyên bố công khai rằng chúng tôi sẵn sàng cho phép lực lượng quân đội Mỹ tăng cường sử dụng các căn cứ quân sự của chúng tôi. Sau tuyên bố này, Manglapus đã đáp trả rằng: “Singapore phải được đặc biệt chú ý và được đánh giá cao vì quan điểm quả quyết của họ.” Về sau, Tổng thống Aquino bảo tôi rằng quan điểm của tôi đã rất có ích.
Malaysia và Indonesia không mấy nhiệt tình. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Rithauddeen nói rằng Singapore không nên gây nguy hiểm cho tình hình hiện tại bằng cách cho phép gia tăng các lực lượng quân sự nước ngoài trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Ali Alatas hy vọng Singapore sẽ tiếp tục ủng hộ ý tưởng một khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á. Ông ta nói thêm rằng Indonesia sẽ phản đối lời đề nghị đó nếu nó có nghĩa là thêm một căn cứ quân sự mới.
Tại một cuộc mít–tinh lớn nhân dịp Quốc khánh được trực tiếp truyền hình vào ngày 20/8/1989, tôi đã tuyên bố rằng sẽ không có bất kỳ một căn cứ quân sự mới nào xuất hiện dành cho một số lượng đông đảo lính Mỹ. Singapore đã không có đủ chỗ. Chúng tôi đề nghị cho họ sử dụng các căn cứ quân sự có sẵn sẽ tiếp tục nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ Singapore. Các căn cứ này sẽ không trở thành căn cứ quân sự Mỹ. Và ngay bản thân tôi, tôi cũng ủng hộ một khu vực phi vũ khí hạt nhân, một khu vực hòa bình, tự do và trung lập – đã lần lượt được đề nghị bởi Indonesia và Malaysia. Nhưng nếu người ta tìm ra dầu và khí ở quần đảo Spratly (Trường Sa) thì sẽ không tồn tại một khu vực hòa bình như thế đâu. Trước đó vào tháng 8, tôi đã gặp các Tổng thống Suharto và Thủ tướng Mahathir ở Brunei để làm rõ quy mô và bản chất lời đề nghị của mình.
Chính phủ Mỹ chấp nhận lời đề nghị. Trong khi đang lưu lại Tokyo để tham dự lễ nhậm chức của Nhật hoàng Akihito, ngày 13/11/1990, tôi đã ký một biên bản ghi nhớ với Phó Tổng thống Dan Quayle. Điều này diễn ra khoảng chừng hai tuần trước lúc tôi từ chức Thủ tướng. Điều này hóa ra có giá trị hơn những gì hoặc Mỹ hoặc Singapore đã dự kiến. Khi Mỹ rời khỏi căn cứ quân sự của họ ở Philippines vào tháng 9/1991, các cơ sở căn cứ quân sự của Singapore đã tạo cho Mỹ một chỗ bám chân trong vùng Đông Nam Á.
Nhận thức trong khu vực về giá trị của việc Mỹ tiếp cận các căn cứ của Singapore đã trải qua một cơn sóng gió sau khi Trung Quốc cho phát hành các bản đồ vào năm 1992, trong đó bao gồm luôn cả quần đảo Spratly (Hoàng Sa) như là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Ba nước châu Á (Malaysia, Brunei và Philippines) cũng công bố chủ quyền trên các đảo này. Tháng 11 năm đó, Ali Alatas tuyên bố rằng Indonesia chẳng khó khăn gì mà không nhìn thấy các giá trị của vấn đề Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự của Singapore.
Tôi gặp George Bush lần đầu tiên vào tháng 6/1981 khi ông ta còn là Phó cho Tổng thống Reagan. Các mối quan hệ tuyệt vời của chúng tôi đã không thay đổi khi ông ta trở thành Tổng thống. Tôi biết ông ta là một con người hết sức nồng nhiệt và thân thiện. Ngược thời gian trở về năm 1982, khi ông ta biết tôi đang thực hiện chuyến công du đến Washington để gặp Reagan, ông ta mời tôi ở lại chơi với ông ta ở Kenebunkport, Maine – nơi Bush đang nghỉ hè. Tôi từ chối và cám ơn ông bởi vì tôi đang đi thăm cô con gái Ling hồi ấy đang sống ở Boston và đang công tác ở Bệnh viện đa khoa Massachusetts. Ông ta gửi cho tôi một lá thư ngỏ ý muốn tôi mang theo con gái đi cùng và diễn tả ý định một cách rõ ràng. Vì vậy cả hai chúng tôi cùng ở lại nghỉ cuối tuần với Bush. Ling và tôi chạy bộ với ông ta cùng với nhóm tình báo. Chúng tôi nói về chính trị một cách thoải mái và hoàn toàn được nghỉ ngơi. Barbara Bush cũng thân thiện như chồng bà ta – thích giao du, hiếu khách, nồng nhiệt và không có tính khoe khoang. Cũng như chồng, bà ta thật sự vui sướng tiếp đãi bạn bè cùng ở lại với gia đình trong một kỳ nghỉ cuối tuần dài và khiến cho chúng tôi cảm thấy rất tự nhiên.
Sau khi I–rắc xâm lấn và chiếm cứ Kowait vào năm 1990, để xây dựng lực lượng quân sự của họ ở vùng Vịnh, Hoa Kỳ đã phải huy động nửa triệu quân đến khu vực vùng Vịnh một cách nhanh chóng. Dù bản Ghi nhớ vẫn chưa được ký kết nhưng chúng tôi đã cho phép máy bay và chiến hạm hải quân Mỹ chở quân đội và quân nhu vượt qua Thái Bình Dương quá cảnh ở Singapore. Chúng tôi cũng gửi đến Ả Rập Saudi một nhóm nhân viên y tế để thể hiện sự ủng hộ của chúng tôi đối với hành động này ở vùng Vịnh. Indonesia và Malaysia giữ thế trung lập. Đa số người dân theo đạo Hồi của hai nước này muốn thể hiện sự đoàn kết và cảm thông dành cho Saddam Hussein và người dân I–rắc.
Tôi đã đến thăm Tổng thống Bush ở Nhà Trắng ngày 21/1/1991 khi chiến dịch Bão táp Sa mạc đang đi vào giai đoạn kết thúc ngoạn mục với lực lượng quân Mỹ, Anh, Pháp đang bao vây lực lượng quân I–rắc. Chúng tôi ở lại một đêm trong tư dinh của ông ta lúc ấy có mặt cả Brent Scowcroft, cố vấn an ninh quốc gia của Bush. Chúng tôi đã thảo luận xa hơn về tình hình Ả Rập – Israel. Tôi chúc mừng ông ta đã thành công trong việc đã thống soái được các lực lượng hòa giải rộng lớn để cùng hỗ trợ cuộc hành quân này kể cả các quốc gia Ả Rập như Ai Cập, Syria, Ma Rốc và Vùng Vịnh. Tuy nhiên, tôi lo lắng người Hồi giáo sẽ tập họp lại xung quanh Sadam Hussein dù ông ta đã sai lầm. Người Israel tiếp tục xây dựng thêm nhiều khu định cư ở Bờ Tây, và điều này đã làm kích động dư luận Ả Rập và Hồi giáo. Các đồng minh và bạn bè của Mỹ hoảng sợ. Nơi nào đó cuối con đường cũng sẽ có thể xảy ra một vụ nổ. Tôi khuyến cáo nên nhấn mạnh sự ủng hộ của công luận của phía Mỹ dành cho giải pháp Trung Đông công bằng cho cả hai phía người Palestine và người Israel để cho thấy rằng giải pháp này không nhằm ủng hộ người Israel cho dù Israel đúng hay sai.
Lần kế tiếp chúng tôi gặp nhau là khi Bush đến thăm Singapore vào tháng 1/1992 trên đường đến Úc và Nhật. Các vấn đề của ông ta với Trung Quốc đã gia tăng sau sự kiện Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989. Đó là năm bầu cử và ông ta chịu nhiều áp lực kể cả áp lực từ những người ủng hộ tự do trong đảng Cộng hòa của chính ông ta. Để duy trì chính sách Trung Quốc của mình, ông ta cần sự nhượng bộ từ phía Trung Quốc trong các lĩnh vực như trả tự do cho các thủ lĩnh chống đối sự kiện Thiên An Môn đang bị cầm giữ, sự gia tăng vũ khí hạt nhân, các tên lửa tầm cao, và mậu dịch, ông ta đang đương đầu với khó khăn ngày càng gia tăng trong việc duy trì quyền phủ quyết đối với nghị quyết của Quốc hội đòi rút lại quy chế Tối Huệ Quốc dành cho Trung Quốc. Vì Chủ tịch Dương Thượng Côn đang thực hiện chuyến viếng thăm đến Singapore, Bush muốn nhờ tôi yêu cầu ông ta thực hiện một hành động đơn phương trong việc trả tự do cho các tù nhân để bày tỏ sự hòa giải.
Hai ngày sau tôi gặp Chủ tịch Dương và chuyển đến ông ta thông điệp này. Dương đáp lại rằng áp lực của Mỹ đối với vấn đề nhân quyền chỉ là một nguyên cớ để áp đặt lên Trung Quốc hệ thống chính trị và các giá trị tự do và dân chủ Mỹ. Điều này không thể chấp nhận được.
Khi Bush thất cử trước Bill Clinton tháng 11 năm đó, tôi cảm thấy chúng tôi ở vào thế phải thay đổi thái độ và phong cách. Clinton đã hứa hẹn “một nước Mỹ sẽ không dung túng những kẻ bạo ngược, từ Baghdad đến Bắc Kinh.” Nhiều người trong số những ủng hộ viên của Clinton hành động như thể Trung Quốc là một nước nhận viện trợ Thế giới thứ Ba phải phục tùng các áp lực ngoại giao và kinh tế. Cuộc sống sẽ không dễ dàng cho cả phía Trung Quốc lẫn phía Mỹ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.