Hồi ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng

35. TRUNG QUỐC: CON RỒNG ĐUÔI DÀI



Không một đất nước nào, ngoại trừ nước Anh, đã có ảnh hưởng lớn đối với nền chính trị của Singapore hơn Trung Quốc – quê cha đất tổ của ba phần tư dân số nước chúng tôi. Mối quan hệ Trung Quốc – Singapore là một câu chuyện dài, phức tạp và bất bình đẳng. Từ lúc phát hiện ra Singapore vào năm 1819 cho đến năm 1867, triều đại nhà Thanh, Trung Quốc đã không hề công nhận sự tồn tại của những kiều bào hải ngoại. Điều này đã được thay đổi vào những năm 1870 khi Trung Quốc thiết lập các lãnh sự của họ ở Nanyang (Biển Nam), khi đó dưới sự thống trị thuộc địa của các nước Anh, Pháp, Hà Lan. Những lãnh sự quán này, kể cả ở Singapore ít chú trọng tới việc bảo vệ người Hoa mà có mục đích nặng về giữ lòng trung thành của họ với Trung Quốc bằng cách thúc đẩy nền giáo dục và văn hóa Trung Quốc và thu hút sự hỗ trợ tài chính.

Trong những năm 1920, Đảng Cộng sản Trung Quốc (Chinese Communist Party – CCP) đã đưa cán bộ của họ đến Singapore để xây dựng một phong trào cộng sản ở Nanyang. Khi những người cộng sản tổ chức một cuộc họp bí mật ở Singapore năm 1930 để thành lập Đảng Cộng sản Malaya (Malayan Communist Party – MCP), thì Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ cộng sản huyền thoại của Việt Nam cũng có mặt. Sự thù địch và những cuộc xung đột giữa Quốc Dân Đảng (Kuomintang Nationalist Party – KMT) và Đảng Cộng Sản Trung Quốc (CCP) ở Trung quốc đã lan sang cả những người ủng hộ hai phe ở Singapore và Malay. Trong cuộc chiến tranh, cả hai đảng KMT lẫn CCP đã đấu tranh chống lại người Nhật ở Trung Quốc. Bởi vì những hoạt động kháng Nhật của họ mạnh hơn nên Đảng Cộng sản Trung Quốc lôi kéo được một sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ phía công nhân và nông dân Trung Quốc.

Sự ra đời của nước Trung Quốc cộng sản trong năm 1949 đã truyền lòng tự hào yêu nước sâu sắc dâng tràn trong cộng đồng những người trí thức người Hoa vì họ đang trông đợi sự xuất hiện của một Trung Quốc hùng mạnh có thể xóa bỏ cho họ sự nhục nhã và ách nô lệ của nước Anh và các nước châu Âu khác. Mặt khác, nó

khơi dậy sự lo sợ nằm sâu trong lòng những người Malay, người Ấn, người Hoa học trường Anh, và một thiểu số trí thức người Hoa ủng hộ Quốc Dân Đảng. Năm 1949 cả hai Đảng KMT và CCP bị cấm hoạt động ở Singapore nhưng sự phân chia cộng đồng dân cư giữa hai đảng vẫn tồn tại.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa muốn tăng cường lòng trung thành của người Hoa ở hải ngoại dành cho Bắc Kinh. Năm 1949, họ đã thành lập một Ủy ban Kiều bào và bắt đầu những chương trình phát thanh. Ủy ban này ủng hộ giáo dục bằng tiếng Hoa ở nước ngoài và khuyến khích người Hoa ở Nanyang gửi các con trai của họ về quê hương Trung Quốc học tập và gửi tiền về cho thân nhân của họ. Họ còn kêu gọi các bác sĩ, kỹ sư, giáo sư có trình độ trở về và giúp tái thiết quê nhà. Điều này đã là một thách thức mang tính lật đổ đối với các chính phủ thực dân và các chính phủ mới giành được độc lập của Đông Nam Á như ở Indonesia, và sau đó là Malaya. Đài phát thanh Bắc Kinh, tờ Nhân Dân Nhật báo và tờ Tạp chí Bắc Kinh thường xuyên lên án Malaysia là công cụ của chủ nghĩa thực dân mới để ngược đãi những người dân có nguồn gốc Trung Quốc.
Tunku và các vị lãnh đạo Malay khác quan ngại ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Đảng Cộng sản Malaysia và đông đảo người dân nói tiếng Hoa của nước họ. Năm 1963, khi Chu Ân Lai viết cho tôi một bức thư giống như những bức thư gửi cho nhiều vị đứng đầu chính phủ kêu gọi triệt thoái và phá hủy vũ khí hạt nhân, tôi đã ôn hòa trả lời ông ta rằng tất cả sẽ hoan nghênh một giải pháp như thế. Điều này xảy ra trong lúc chúng tôi chỉ là một thuộc địa tự trị chứ không phải là một bang của Malaysia. Năm 1964, khi bức thư của tôi gửi ông Chu được Trung Quốc công bố trước công luận, và lúc đó chúng tôi đang ở trong Malaysia, Tunku đã công khai chỉ trích tôi là “đã trực tiếp qua lại thư từ với một chính phủ không được Malaysia công nhận và chính phủ đó đã được chứng minh qua lời nói và hành động là thù địch với Malaysia.”

Vào tháng 1/1965, thủ tướng Chu Ân Lai đã lên án việc hình thành Malaysia trong một bài diễn văn đọc trước phái đoàn Indonesia ở Bắc Kinh. Sau khi độc lập, chúng tôi đã không có tiếp xúc ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Thật thế, mãi cho đến năm 1970, Bắc Kinh đã không công nhận sự tồn tại của một Singapore độc lập. Những bản tin trên đài phát thanh và các ấn phẩm của

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ đề cập đến Singapore như là “một phần của Malay”. Và Malaysia cũng không tồn tại bởi vì nó chỉ là “một mảnh đất của chủ nghĩa thực dân mới”. Các chiến dịch tuyên truyền của họ thường xuyên lên án “nhà cầm quyền Singapore” là “đàn áp vũ trang dã man nhân dân Singapore”. Năm 1966, Tổng Liên đoàn Lao động Trung Quốc đã gửi một bức điện cho các hội đoàn cánh tả ở Singapore bày tỏ sự căm phẫn của công nhân Trung Quốc trước “việc nhà cầm quyền Singapore theo đuổi chủ nghĩa đế quốc Mỹ và Anh đã có những hành động đàn áp dã man đối với công nhân”. Năm 1968, Đài phát thanh Bắc Kinh đã chỉ trích đích danh tôi bằng cách đưa tin Lý Quang Diệu là “chó săn của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và Anh.”

Khi Cách mạng Văn hóa Trung Quốc đang ở đỉnh cao của nó, chúng tôi thường phải tịch thu hàng đống tem Trung Quốc mang dòng chữ “Tư tưởng Mao Trạch Đông” do một số nhà sách kinh doanh sách tiếng Hoa nhập khẩu từ Trung Quốc và hàng nghìn phiên bản sách đỏ cỡ nhỏ của Mao do những thủy thủ Trung Quốc đã mang theo vào nước chúng tôi để phân phát. Ngay cả Chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc ở Singapore cũng tham gia vào cơn sốt điên cuồng này và đã phân phát các tài liệu tuyên truyền Cách mạng Văn hóa cho khách hàng của họ ngay tại quầy giao dịch. Chúng tôi đã bắt giữ và khởi tố những công dân của mình chạy theo cơn sốt điên khùng này nhưng không đụng chạm gì đến những kiều dân Trung Hoa để giữ quan hệ thương mại bình thường với Trung Quốc.

Vào cuối năm 1970, Bắc Kinh lặng lẽ thay đổi lập trường của họ đối với Singapore. Tại các thủ đô của các quốc gia nơi chúng tôi có sứ quán, các vị trưởng đoàn của chúng tôi đã được mời đến dự tiệc chiêu đãi nhân ngày Quốc Khánh Trung Quốc. Ưu tiên của Trung Quốc hồi đó là lôi kéo càng nhiều chính phủ càng tốt để sát cánh trong hàng ngũ của họ nhằm chống lại Liên Xô và để ngăn chặn sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô ở vùng Đông Nam Á. Sự can thiệp của Liên Xô vào Tiệp Khắc năm 1968 và cuộc đụng độ tại biên giới giữa lực lượng quân sự Trung Quốc và Nga ngang qua con sông Amur năm 1969 đã khiến cho những trò hề cách mạng của Trung Quốc trở nên nguy hiểm. Những diễn biến đang làm yếu đi khả năng của Trung Quốc chống lại Liên Xô.

Tới năm 1971, Trung Quốc ngừng các cuộc công kích công khai đối với chính phủ Singapore. Năm đó, Chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc

ở Singapore đã treo quốc kỳ Singapore trong ngày Quốc Khánh của chúng tôi, điều mà họ đã không làm trước kia. Quan hệ thương mại giữa hai nước luôn luôn có lợi về phía họ. Singapore bấy giờ là nơi Trung Quốc thu được lượng ngoại tệ lớn thứ hai sau Hong Kong. Chúng tôi đã không quan tâm mấy về khoản thâm hụt trong cán cân thương mại vì Singapore là một trung tâm xuất nhập khẩu. Nhưng chúng tôi yêu cầu tất cả các hãng buôn Singapore của người Hoa có quan hệ mua bán với Trung Quốc phải đăng ký với cơ quan chính phủ quản lý thương mại với các quốc gia cộng sản. Như vậy, quyền kinh doanh từ phía Trung Quốc phải phù hợp với giấy phép do chính phủ Singapore cấp.

Mối liên hệ đầu tiên là thông qua con đường “ngoại giao bóng bàn” năm 1971. Chúng tôi đã cho phép một đội bóng bàn Singapore nhận lời mời sang giao đấu tại cuộc thi đấu bóng bàn Hữu nghị Á – Phi ở Bắc Kinh. Vài tháng sau, một phái đoàn thứ hai đã tham dự giải do Hiệp hội Bóng bàn châu Á tổ chức. Năm kế đó, chỉ độ một vài tháng sau khi Nixon sang thăm Trung Quốc, chúng tôi lại chấp nhận đề nghị của Trung quốc gửi đội bóng bàn sang thi đấu hữu nghị ở Singapore. Chúng tôi đã từ chối hai lời đề nghị trước đó, một là của một đoàn xiếc, và đề nghị kia là một phái đoàn thương mại Bắc Kinh. Raja, với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao cho rằng sự cự tuyệt lần thứ ba sẽ là một sự xúc phạm không cần thiết. Trong thời gian diễn ra các trận đấu bóng bàn hữu nghị, tôi phẫn nộ khi một phần lớn khán giả cười nhạo đội nhà và hô to các khẩu hiệu ca ngợi Mao. Tôi đã công khai chỉ trích những người cánh tả ấu trĩ này là những tên tiểu Mao của Singapore.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng đã thay đổi lập trường đối với Hoa kiều. Thủ tướng Malaysia Razak đã cử một phái đoàn đến Bắc Kinh vào tháng 5/1974, một năm trước lúc Sài Gòn bị sụp đổ. Sau khi trở về, chính phủ Malaysia đã gửi cho chúng tôi một bản tóm tắt về các cuộc thảo luận của họ ở Bắc Kinh. Người đứng đầu phái đoàn đã đặt cho Thủ tướng Chu Ân Lai hai câu hỏi. Thứ nhất, về chính sách của Trung quốc đối với Hoa kiều; thứ hai, về sự hỗ trợ của họ đối với Đảng Cộng sản Malaysia. Ông Chu trả lời rằng thuật ngữ “Hoa kiều” là không chính xác vì nhiều người đã lấy quốc tịch của quốc gia nơi họ cư trú. Về bản chất, họ là những người Bảo thủ và đã trở thành một vấn đề lớn trong quan hệ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với những nước này. Nước “Trung Quốc mới” đã áp dụng

một chính sách cách mạng mới đối với “những người mệnh danh là kiều bào hải ngoại”. Họ đã giải thể ủy ban công tác kiều bào hải ngoại để những người Hoa sống ở nước ngoài thôi nuôi ý định trở về lại Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không can thiệp nếu bất kỳ quốc gia nào có cộng đồng dân cư người Hoa xóa bỏ sách báo và trường học dành riêng cho người Hoa. Và về vấn đề Đảng Cộng sản Malaysia, vấn đề phải được “xem xét từ viễn cảnh lịch sử”. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa luôn luôn ủng hộ “các phong trào giải phóng” tự giải phóng mình khỏi ách áp bức thực dân. Nhưng chỉ có sự ủng hộ từ bên trong đất nước đó chứ không phải từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới có thể giúp phong trào này thành công. Vì vậy, nếu các nước Đông Nam Á và Trung Quốc có một quan điểm nhìn về phía trước, thì mối quan hệ có thể được cải thiện và họ có thể có các quan hệ ngoại giao.

Từ năm 1969, Trung Quốc đã yêu cầu những Hoa kiều sống ở nước ngoài khi đến thăm Trung Quốc phải xin thị thực nhập cảnh, mặc dù trước đó họ đã được phép nhập cảnh tự do. Họ quyết định rằng không thể bắt cá hai tay. Nếu họ muốn có quan hệ ngoại giao bình thường với các nước Đông Nam Á có kiều bào của họ sinh sống, họ phải từ bỏ nguyên tắc huyết thống (luật quan hệ máu mủ), nghĩa là bất kỳ người nào có cha ông là người Trung Quốc thì tự nhiên họ là người Trung Quốc.

Tháng 10/1971, đại diện thường trực của chúng tôi tại Liên Hiệp Quốc, khi bỏ phiếu tán thành sự gia nhập của Trung Quốc vào Liên Hiệp Quốc, đã nói: “Chỉ có một nước Trung Quốc và Đài Loan là một phần của Trung Quốc… Vậy theo đó thì vấn đề Đài Loan chỉ là một vấn đề nội bộ phải được nhân dân Trung Quốc bao gồm những người sống ở Đài Loan tự giải quyết”. Nhưng chúng tôi vẫn chưa có trao đổi chính thức với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mãi sau khi chính phủ Malaysia thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 5/1974, tôi mới nghĩ rằng đã đến lúc Singapore khởi xướng các cuộc tiếp xúc chính thức với Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Và thế là tôi chấp thuận để Raja thực hiện một chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 5/1975.

Chúng tôi tin rằng nằm ở hàng đầu trong những điều làm bận tâm người Trung Quốc là mối quan hệ giữa Singapore với kẻ thù ghét cay ghét đắng của họ – Liên Xô. Kiều Quán Hoa, Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc đã gặp Raja tháng 10/1974 tại Liên Hiệp Quốc, và

hỏi về những chiếc tàu Nga được sửa chữa tại Singapore. Raja giải thích rằng chúng tôi không phân biệt đối xử với bất kỳ quốc gia nào muốn có tàu dừng lại sửa chữa vì chúng tôi là một cảng mở và Raja khẳng định với Kiều rằng chúng tôi sẽ không cho phép Singapore bị sử dụng vào những hoạt động lật đổ chống lại các nước láng giềng trong đó có Trung Quốc. Raja nhắc lại quan điểm này với Chu Ân Lai khi họ gặp nhau, và nói thêm rằng các nước láng giềng của chúng tôi hết sức nhạy cảm với vấn đề cộng đồng người Hoa chiếm đa số của Singapore, vì thế chúng tôi sẽ lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc chỉ sau khi Indonesia đã làm như thế. Chúng tôi phải tránh tiếng không để mối hoài nghi rằng Singapore bị ảnh hưởng bởi mối ràng buộc họ hàng với Trung Quốc. Thủ tướng Chu nói rằng Trung Quốc tôn trọng Singapore như một nước độc lập. Chúng tôi cũng cần thời gian để giảm bớt con số những người dân sinh ra ở Trung Quốc, dễ bị cuốn theo những lời kêu gọi mang tính chất sô–vanh, những người đang giữ những cương vị có ảnh hưởng trong những tổ chức khác nhau kể cả Phòng Thương mại người Hoa. Chúng tôi đã chứng kiến những người sinh ở Trung Quốc nhạy cảm như thế nào đối với sự níu kéo của tình cảm và máu mủ.

Thủ tướng Chu chuyển lời mời tôi sang thăm Trung Quốc thông qua Thủ tướng Thái Lan – ông Kukrit Pramoj – là người đến thăm Singapore tháng 6/1975. Tôi không trả lời. Tháng 9/1975, khi tôi đang thăm Shah (Vua Iran – ND) ở Teheran, Thủ tướng của ông ta, Hoveida cũng chuyển cho tôi lời mời của Thủ tướng Chu, và nói thêm rằng thời gian rất gấp rút. Tôi hiểu ý rằng nếu chúng tôi muốn gặp nhau thì tôi phải đi sớm. Có rất nhiều báo đưa tin Chu nằm viện trong thời gian dài. Tôi quyết định đi. Nhưng trước khi chúng tôi có thể quyết định một ngày nào đó vào tháng 5/1976, thì Chu đã qua đời. Chúng tôi công bố chuyến đi dự kiến vào giữa tháng 4. Một vài ngày sau, Raja công bố lại lập trường của chính phủ Singapore rằng chúng tôi sẽ là quốc gia sau cùng trong khối Asean trao đổi các đại diện ngoại giao với Trung Quốc.

Chuyến công du đến Trung Quốc là chuyến đi nước ngoài mà tôi đã phải bàn bạc và chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Thông qua những phái đoàn khác, chúng tôi được biết là người Trung Quốc làm việc rất có phương pháp và thế nào cũng sẽ thăm dò từng thành viên trong đoàn để lấy thông tin. Chúng tôi đã thống nhất một nguyên tắc

chung đối với nhũng vấn đề then chốt cho tất cả những thành viên cao cấp trong phái đoàn. Trước tiên, vấn đề công nhận và quan hệ ngoại giao: chúng tôi không thể thay đổi lập trường cơ bản của chúng tôi là chúng tôi sẽ chỉ hành động sau khi Indonesia đã thiết lập các quan hệ ngoại giao; chúng tôi buộc phải là nước cuối cùng ở trong ASEAN (lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc – ND). Thứ hai, các hoạt động của Liên Xô ở Singapore: Chúng tôi sẽ không cho phép Liên Xô tham gia những hoạt động chống Trung Quốc, nhưng là một nước có nền kinh tế tự do, chúng tôi đã cho phép Liên Xô mở một chi nhánh của Ngân hàng Nhân dân Moscow của họ để thực hiện quan hệ thương mại. Người Trung Quốc lo sợ người Liên Xô đang mua chuộc những người điều hành kinh doanh gốc Hoa ủng hộ họ. Chúng tôi đã quyết định cam đoan với người Trung Quốc rằng chúng tôi không nhìn một nước Trung Quốc mạnh mẽ bằng con mắt hoài nghi. Chúng tôi không đứng về phía Liên Xô cũng chẳng đứng về phía Trung Quốc. Chúng tôi ủng hộ phương Tây vì nó nằm trong lợi ích của Singapore và các nước láng giềng của chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn biết rõ những hoạt động của Liên Xô ở Singapore và trong khu vực; và sẽ theo dõi sâu sát những hoạt động đó.

Chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ thúc bách lập các văn phòng liên lạc hoặc văn phòng đại diện thương mại và chúng tôi quyết định sẽ trả lời cho họ là vấn đề này phải đợi cho đến khi họ đã lập được các văn phòng tương tự ở Jakarta. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ dành đặc quyền cho một đại diện chính phủ của Ngân hàng Bank of China của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đến làm việc ở văn phòng chi nhánh của họ ở Singapore. Trong khi chúng tôi muốn khuyến khích họ mở rộng quan hệ mua bán với Singapore và sẵn sàng cho phép trao đổi các hoạt động văn hóa và thể thao tương đối vô hại như các đoàn bóng bàn, bóng rổ hoặc các đoàn xiếc, chúng tôi không muốn tạo ra những hy vọng hão về các vấn đề khác nữa; chúng tôi cũng chẳng muốn gây thù oán với Liên Xô. Về vấn đề Đài Loan, chúng tôi tái khẳng định chính sách chỉ công nhận một nước Trung Quốc, nghĩa là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Quan trọng hơn hết, vì chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ xem Singapore như là một “quốc gia bà con họ hàng” nên chúng tôi quyết định sẽ nhấn mạnh tính khác biệt và tách biệt giữa chúng tôi với họ.

Tôi đã yêu cầu một chuyến đi dài ngày để tham quan được nhiều nơi ở Trung Quốc – càng nhiều càng tốt. Họ đã bố trí chuyến đi trong

khoảng từ ngày 10 đến ngày 23/5/1976. Để đảm bảo thật chắc chắn rằng không ai có thể ngờ vực rằng chúng tôi sẽ đi đến đó như là những người Trung Quốc họ hàng, chúng tôi đã chọn – trong phái đoàn 17 thành viên – một ngoại trưởng là người Tamil dòng Jafina (Rajaratnam) và một thư ký quốc hội người Malay (Admad Mattar) – hai người này sẽ hiện diện tại tất cả các phiên họp và các phiên họp này sẽ được tiến hành bằng tiếng Anh.

Không có đường bay trực tiếp từ Singapore đi Bắc Kinh. Chúng tôi bay đến Hong Kong, đi tàu hỏa đến Lo Wu gần biên giới Trung Quốc, rồi đi bộ băng qua biên giới và lên một chuyến tàu đặc biệt của Trung Quốc đi Quảng Châu. Chiều hôm đó, chúng tôi đáp chiếc Trident của họ do Anh chế tạo đi Bắc Kinh, ở đó các nghi thức đón tiếp đang chờ đợi chúng tôi tại phi trường. Tôi duyệt đội danh dự đi đầu gồm các đơn vị Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), hải quân và không quân sau khi ban nhạc PLA trỗi lên các bài quốc ca Singapore và Trung Quốc. Rồi độ chừng 2.000 nữ sinh trong trang phục sặc sỡ vừa phất những lá cờ Singapore và Trung Quốc bằng giấy vừa vẫy hoa chào, vừa hát “Huan ying, huan ying” (hoan

nghênh, hoan nghênh) và “Re lie huan ying. Re lie huan ying” (nồng nhiệt hoan nghênh, nồng nhiệt hoan nghênh). Có một băng khẩu hiệu lớn mang dòng chữ Hoa với dòng chữ jian jue zhi chi xin jia po ren (kiên quyết ủng hộ nhân dân Singapore). Họ đã bày tỏ ủng hộ “nhân dân” Singapore. Họ không bày tỏ sự ủng hộ đối với “Chính phủ” Singapore. Không giống như lễ đón tiếp thường lệ dành cho các nguyên thủ của các quốc gia mà họ đã có quan hệ ngoại giao, lần này đã không có bài xã luận, chào mừng nào đăng tải trên tờ Nhật báo Nhân dân và ngoại giao đoàn cũng chẳng có mặt tại phi trường để đón tiếp tôi. Trái lại, họ thực hiện đầy đủ những nghi thức ngoại giao cho chuyến viếng thăm của tôi.
Thủ tướng Chu đã mất tháng Giêng năm đó. Đặng Tiểu Bình đã được an trí ở nông thôn và không có mặt ở Bắc Kinh. Tôi được Hoa Quốc Phong tiếp đón. Ông ta trông ra vẻ và đã hành động như một vị tướng an ninh cứng rắn của một nước cộng sản như khi ông ta còn giữ chức vụ này. Các quan điểm của chúng tôi đã được trình bày công khai tại tiệc chiêu đãi trang trọng theo đúng nghi thức quốc gia vào đêm 11/5. Ông ta đã ca ngợi chúng tôi: “Trong các vấn đề quốc tế, Singapore phản đối chủ nghĩa bá quyền và chính trị vũ lực, ủng

hộ hòa bình và trung lập ở Đông Nam Á, tích cực phát triển các quan hệ với những quốc gia Thế giới thứ Ba khác và đã góp phần tích cực xúc tiến các trao đổi kinh tế và thương mại giữa các quốc gia.” Rồi ông ta lớn tiếng kịch liệt lên án sự bá quyền của những siêu cường quốc, ám chỉ gián tiếp nhưng rõ ràng là nhắm đến Liên Xô – những người đang thực hiện sự xâm nhập và bành trướng trong vùng Đông Nam Á sau khi người Mỹ rút khỏi Việt Nam.

Tôi đáp lễ lại bằng một bài diễn văn: “Lịch sử đã mang người Hoa, người Malay và người Ấn đến với nhau trong một nước Singapore. Chúng tôi tự hào về di sản của mình. Cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chung, chúng tôi đang phát triển một cuộc sống mang dấu ấn riêng biệt. Về mặt địa lý, tương lai của chúng tôi sẽ gắn liền chặt chẽ hơn với tương lai của các nước láng giềng ở Đông Nam Á.”

Chúng tôi đã tham gia ba cuộc họp chính thức với tổng cộng 7 tiếng đồng hồ. Tại cuộc họp đầu tiên kéo dài ba tiếng đồng hồ ở Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 11/5, Hoa Quốc Phong mời tôi phát biểu trước. Tôi giải thích cặn kẽ những sự kiện cơ bản về Singapore. Malaysia và Indonesia nghi ngờ Singapore thân Trung Quốc vì 75% dân số chúng tôi là người Hoa. Người Mỹ và người Nga cũng nghi ngờ như thế. Singapore đã điều tiết công việc của mình sao cho không bị nhìn nhận theo cách nghĩ giản đơn rằng bởi vì nước chúng tôi có đa số là người Hoa, nên chúng tôi hẳn phải thân Trung Quốc. Thật ra thì có nhiều thành phần trong số những người Hoa của nước chúng tôi là những người theo chủ nghĩa sô–vanh, đó là thế hệ già sinh ra ở Trung Quốc; nhưng họ là nhóm người đang trở nên già nua và đang dần thu hẹp. Ngoài ra còn có một thế hệ trẻ hơn, hoàn toàn học bằng tiếng Hoa, họ không thể thông thạo tiếng Anh và không thể tìm được công việc có thu nhập cao, mặc dù không có tình cảm gắn bó thiết tha với quê cha đất tổ như những người sinh ra ở Trung Quốc, nhưng họ có khuynh hướng thân Trung Quốc, và một số trong bọn họ thân cộng sản. Chúng tôi đã phải ngăn chặn họ gây phương hại đến Singapore.

Singapore, tôi tiếp tục bài diễn văn, sẽ không bài Trung Quốc. Trung Quốc càng lớn mạnh, thì càng tạo thế cân bằng tốt hơn, ngang bằng hơn trong mối quan hệ Mỹ – Liên Xô – Trung Quốc. Điều này sẽ có nghĩa là an toàn hơn cho cả thế giới và cho cả Singapore. Nếu Trung Quốc kết luận rằng một Singapore độc lập không chống lại lợi ích của Trung Quốc thì những khác biệt giữa hai quốc gia

chúng ta sẽ giảm bớt. Trái lại, nếu Trung Quốc tin rằng một Singapore độc lập là ngược lại lợi ích của họ hoặc nếu Trung Quốc vì thế mà muốn giúp thiết lập một chính phủ cộng sản thì những bất đồng chắc chắn sẽ tăng lên.

Thay vì trả lời các quan điểm của tôi, Hoa đọc liền một mạch bài phân tích về “Ba Thế giới” mà hồi đó chính là sự giải trình chuẩn mực của Trung Quốc về tình hình thế giới. Bài diễn văn được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ cách mạng mạnh mẽ. Tình hình thế giới hiện tại sẽ đẩy nhanh sự xuống dốc của các siêu cường và thúc đẩy sự bừng tỉnh của Thế giới Thứ Ba. Mỹ và Liên Xô thuộc về Thế giới Thứ Nhất, các nước đang phát triển ở châu Á, Phi, Mỹ La–tinh và những phần khác của thế giới (kể cả Trung Quốc và Singapore) thuộc về Thế giới thứ Ba, và các nước đã phát triển là Thế giới Thứ Hai. Mỹ và Liên Xô đang cạnh tranh để được làm bá chủ thế giới. Mỹ đã quá căng sức, và người Nga muốn thống trị thế giới. Chừng nào mà họ còn tiếp tục cuộc cạnh tranh này thì thế giới đang đi đến một cuộc chiến tranh khác nữa. Tất cả các quốc gia vì thế nên chuẩn bị sẵn sàng cho một tình huống có thể xảy ra như thế. Tuy nhiên, Trung Quốc xem cả Mỹ và Nga như là “những con hổ giấy”; sức mạnh của họ không đi đôi với những tham vọng của họ. Trong khi thực hiện chính sách bành trướng và xâm lược, người Nga chắc chắn sẽ bị thất bại. Điều Trung Quốc quan tâm là không nên thay thế một con sói (Mỹ) bằng một con cọp (Nga) tại cửa hậu của châu Á. Bài diễn văn này của ông ta dùng thứ ngôn ngữ khoa trương rỗng tuếch mà đài phát thanh và báo chí của họ vẫn thường quen dùng mỗi khi đề cập đến chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa xét lại.

Vào ngày 12/5, chỉ trước khi cuộc nói chuyện thứ hai dự kiến diễn ra vào chiều hôm đó, viên chức lễ tân của họ thình lình chạy bổ vào nhà khách bảo chúng tôi rằng Chủ tịch Mao sẽ tiếp chúng tôi. Những nhân vật quan trọng đang là khách thường không được hẹn gặp chủ tịch Mao. Sau khi họ đã đánh giá được tầm cỡ vị khách, nếu họ cho rằng điều đó là thích hợp, họ sẽ thông báo cho người đó trong thời hạn ngắn ngủi rằng ông ta sẽ được vinh hạnh gặp mặt vị lãnh tụ vĩ đại của họ. Vợ và con gái của tôi được triệu hồi khỏi nơi tham quan tại Cung điện mùa hè của Hoàng hậu Đạo Quang mà không được cho biết lý do. Những thành viên được tuyển chọn của phái đoàn chúng tôi gồm có – tôi, vợ tôi và con gái, Rajaratnam (Bộ trưởng Ngoại giao), Hon Sui Sen (Bộ trưởng Tài chính), và K.C. Lee (Bộ

trưởng phủ Thủ tướng phụ trách văn hóa) được một đoàn xe chở đến một dinh thự biệt lập của Mao tại một nơi hẻo lánh.

Đoàn xe rẽ vào một khu vực có tường ngăn bao quanh cũ kỹ đối diện Đại lễ đường Nhân dân, gọi là Trung Nam Hải, gần Quảng trường Thiên An Môn. Chúng tôi đi băng qua những cánh cửa sơn son vào đến một khu biệt thự không cao, kiểu Trung Quốc tọa lạc quanh một cái hồ, rồi dừng lại một trong những biệt thự này và được đón vào bên trong. “Người cầm lái vĩ đại” Mao Trạch Đông đang

ở trong phòng khách, mặc bộ y phục kiểu Mao màu xám nhạt, có hai nữ hầu cận dìu đi. Chúng tôi bắt tay nhau. Rồi hết thảy chúng tôi ngồi xuống, trịnh trọng và đúng mực, cẩn thận không bắt chéo chân, một cử chỉ được xem là thiếu tôn kính. Khoảng chừng 15 phút gì đó, Mao nói không rõ ràng, và một phụ nữ đứng tuổi lặp lại lời ông ta bằng tiếng Quan thoại với một giọng the thé. Nhiều lần, bà ta viết những chữ Hoa to tướng để cho Mao xem và xác nhận đó chính là những gì ông ta đã phát biểu. Rồi nó được dịch sang tiếng Anh. Đó không phải là một cuộc nói chuyện quan trọng. Họ đã dành cho phái đoàn Singapore một sự lịch thiệp để tỏ ý họ xem chúng tôi khá quan trọng. Ông ta đã không còn thông minh sắc sảo như Nixon và Henry Kissinger đã mô tả một cách hùng hồn sau những chuyến công du của họ năm 1972. Tôi nghĩ Mao không chỉ gặp khó khăn trong nói năng mà còn trong cả suy nghĩ. Tôi đoán chừng ông ta mắc phải chứng Parkinson. Ở tuổi 82, ông ta trông yếu đuối cả về thể chất lẫn tinh thần.

Ngày hôm sau, những tờ báo lớn của họ kể cả tờ Nhật báo Nhân dân đều đăng tải trên trang đầu bức hình của ông ta có tôi ngồi ở bên trái. Trong ảnh, ông ta trông tươi hơn khi mặt đối mặt ngoài đời. Nhiều năm sau đó, các nhà báo và nhà văn cứ chất vấn tôi trông ông ta như thế nào. Với tất cả sự thành thật, tôi chỉ có thể nói là tôi không biết. Cái mà tôi đã thấy là hình bóng của một nhân vật đã lãnh đạo cuộc Vạn Lý Trường Chinh, đã xây dựng một đội quân du kích thành một lực lượng chiến đấu lớn mạnh, đã đánh đuổi người Nhật bằng cuộc chiến tranh du kích cho đến khi họ phải đầu hàng vào tháng 8/1945, đã đánh bại Quân đội Quốc Dân Đảng, và cuối cùng đã đem đến quyền thống trị của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc năm 1949. Ông ta quả đã giải phóng Trung Quốc khỏi đói nghèo, nhục nhã, bệnh tật, thiếu ăn, mặc dù nạn đói đã cướp đi sinh mạng

của hàng triệu người dân Trung Quốc do chương trình Đại nhảy vọt của ông ta năm 1958. Nhưng ông đã không giải phóng được người dân Trung Quốc khỏi dốt nát và lạc hậu; Vâng, “nhân dân Trung Quốc đã đứng dậy” như Mao đã tuyên bố tại Thiên An Môn ngày 1/10/1949, nhưng họ vẫn chưa hiên ngang ngẩng cao đầu.

Tôi có cuộc gặp gỡ thứ hai với Hoa tại Đại lễ đường Nhân dân sau đó hai giờ cũng vào chiều hôm ấy. Ông ta lại tiếp tục nói với giọng điệu hệt ngày hôm trước, nghĩa là với tư cách là một nước xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh của các quốc gia trong Thế giới thứ Ba chống lại chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân và bá quyền. Cũng thế, họ ủng hộ các cuộc đấu tranh cách mạng của hết thảy các quốc gia, và Đảng Cộng sản Trung Quốc có quan hệ với nhiều Đảng Mac–xit–Leninnit trên thế giới, nhưng quyết không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Quan hệ đảng là một chuyện, và quan hệ quốc gia lại là một chuyện khác. Tôi đáp lại rằng tôi không hiểu cái logic của những lời tuyên bố này. Thay vì tranh cãi trực tiếp với tôi, ông ta lại nói rằng: “Chính phủ Malaysia xử lý ra sao với Đảng Cộng sản Malaysia và những hoạt động của họ, quan hệ giữa họ với nhau như thế nào – tất cả đều là chuyện nội bộ của chính phủ Malaysia”.

Về vấn đề Đông Dương, ông ta nhấn mạnh rằng “nhiệm vụ quốc tế” của Trung Quốc là giúp đỡ nhân dân các nước Việt Nam, Lào và Campuchia chống lại “đế quốc Mỹ”. Những nỗ lực của Liên Xô để can thiệp và gieo rắc bất hòa là không thể thành công vì các nước này sẽ không để nền độc lập mà họ gian khổ lắm mới giành được rơi vào tay một cường quốc khác. Đó là một ngụ ý về cuộc tranh chấp Xô – Trung và những vấn đề đang chờ Việt Nam ở phía trước.

Vậy là hai cuộc gặp chính thức trong chương trình của tôi đã kết thúc. Buổi chiều kế tiếp có thể dành cho “những cuộc đàm đạo hoặc nghỉ ngơi”. Chúng tôi dành buổi sáng ngày 12/5 đi tham quan Vạn Lý Trường Thành và lăng tẩm nhà Minh. Trời lúc đó ấm, khô và bụi. Chúng tôi ai nấy đều khát cháy cổ. Chúng tôi kết thúc chuyến tham quan bằng một bữa trưa đầy ắp các món ăn Trung Hoa và tôi uống bia thoải mái tại một nhà hàng gần khu lăng tẩm nhà Minh. Khi chúng tôi quay trở về bằng chiếc xe hơi sang trọng mang cờ đỏ không có máy điều hòa, tôi ngủ gà ngủ gật.

Khi chúng tôi về đến nhà khách Diaoyutai, một viên chức lễ tân đang chờ sẵn cạnh cửa để thông báo rằng Thủ tướng Hoa đang chờ

gặp tôi. Suốt cả buổi sáng, họ chẳng thông báo gì với tôi là sẽ có một cuộc họp vào buổi chiều hôm đó, nếu có thì tôi đã không thực hiện một chuyến tham quan dài, mệt mỏi như thế. Trong chương trình đã ghi hoặc có họp hoặc một chuyến tham quan đến Điện Thiên Đàng (Temple of Heaven). Vì họ đã chở chúng tôi đi một chuyến hành trình mệt nhọc đến kiệt sức đến Vạn Lý Trường Thành và lăng tẩm nhà Minh, chúng tôi cứ ngỡ rằng buổi chiều sẽ được tự do. Tôi kiệt sức vì phải đi bộ lên các bậc thang ở Vạn Lý Trường Thành và gật gà gật gù sau khi uống mấy ly bia trong bữa trưa và chịu đựng cái nóng, cái bụi bặm suốt 90 phút khi xe quay trở về. Những phương sách của họ gợi tôi nhớ đến những gì mà các cán bộ cộng sản ở Singapore thường cố gắng thực hiện để làm mòn mỏi chúng tôi. Tôi lên lầu, tắm nước lạnh rồi uống mấy tách trà Trung Quốc để lấy lại sức nhanh nhất. Tôi xuống lầu lúc 4 giờ chiều để thực hiện cuộc họp kéo dài hai giờ.

Chúng tôi tranh luận một lúc về những vấn đề nhạy cảm trong mối quan hệ đảng với đảng và chính phủ với chính phủ. Tôi đặt câu hỏi: “Ngài sẽ ủng hộ một đảng Cộng sản Indonesia đứng lên giải phóng Singapore hay xem đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa?” Ông ta đáp: “Câu hỏi của Ngài mang tính giả thiết và không tồn tại trong thực tế. Việc Indonesia xâm lược Đông Timor là sai. Người dân Đông Timor phải có quyền lựa chọn hệ thống xã hội và chính phủ của chính họ”. Tôi đối lại: “Vậy thì Đảng Cộng sản Malaysia, hay ít ra như họ tự gọi là Đảng Cộng sản Malaya, đúng hay sai khi muốn giải phóng Singapore?” Ông ta trả lời: “Chính nhân dân Singapore là người lựa chọn hệ thống xã hội cũng như thể chế chính phủ của họ”. Tôi lại hỏi: “Vậy thì tôi có nghĩ đúng không – khi cho rằng Trung Quốc sẽ không ủng hộ việc Đảng Cộng sản Malaysia giải phóng Singapore, bởi vì cuộc giải phóng như thế phải do chính người dân Singapore, chứ không phải người Malaysia tiến hành?” Ông ta có vẻ lúng túng bởi vì ông ta không biết rằng Đảng Cộng sản Malaysia đã muốn giải phóng cả người Malay lẫn người Singapore.

Đến lúc đó, Kiều Quán Hoa bực bội viết vội mấy chữ và chuyền qua cho ông ta. Nhưng như là một vị sếp an ninh cứng rắn, ông ta lộ liễu gạt tờ giấy sang một bên không buồn đọc lấy một chữ, và đáp rằng ông ta không biết tình hình như thế nào, nhưng bất kỳ nơi nào

đảng cộng sản đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng, họ chắc chắn sẽ chiến thắng bởi vì đó là trào lưu của lịch sử.

Tôi giải thích rằng Đảng Cộng sản Malaysia tuyên bố là đảng cộng sản có nhiệm vụ giải phóng cho cả bán đảo Malaya và Singapore. Vì thế sẽ có ích nếu một lúc nào đó Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nên làm rõ lập trường của mình, rằng mối quan hệ chính phủ và chính phủ với Singapore là đúng đắn; tuy nhiên, bất kỳ một mối quan hệ đảng với đảng nên chăng là giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và một Đảng Cộng sản của Singapore đã tìm cách giải phóng cho Singapore, chứ không phải là quan hệ với một đảng của Malaysia hoặc Malaya như Đảng Cộng sản Malaysia.

Hoa lập lại rằng thế lực ngoại bang không thể áp đặt hệ thống xã hội chủ nghĩa lên một đất nước khác, nếu đó là điều tôi e ngại. Tôi ép ông ta làm rõ lập trường của Trung Quốc trên nguyên tắc cho rằng Đảng Cộng sản Malaysia muốn giải phóng cho người dân ở Singapore là sai. Ông ta nói tránh đi là ông ta chưa nghiên cứu vấn đề này. Tôi lặp lại câu hỏi của mình một lần nữa nhưng ông ta vẫn từ chối làm rõ quan điểm của mình.

Thay vào đó, ông ta tiếp tục tấn công bằng cách nêu lên mục đích chính của cuộc họp hôm đó – mối liên hệ quân sự của Singapore với Đài Loan. Ông ta bắt đầu nhỏ nhẹ rằng giữa nhân dân hai nước tồn tại mối quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, một “mối quan hệ như người một nhà” giữa người Trung Quốc và những người ở Singapore có ông bà tổ tiên là người Trung Quốc. Ông ta mong rằng mối quan hệ sẽ tốt đẹp hơn sau chuyến công du của tôi. Rồi ông ta trở nên cứng rắn và bằng một giọng nghiêm nghị, ông ta nói rằng chúng tôi đã phát triển mối “quan hệ quân sự” với “bè lũ Tưởng ở Đài Loan”. Điều này trái với lập trường một nước Trung Quốc của chính phủ Singapore và không có lợi cho quan hệ hai nước.

Tôi không chịu lép vế. Vâng, Singapore công nhận rằng có một nước Trung Quốc và rằng Đài Loan và đại lục là một nước. Tuy nhiên, hiện tại, chính phủ Quốc Dân Đảng rút khỏi đại lục đang cầm quyền ở Đài Loan. Tôi phải quan hệ với một chính quyền có trong thực tế ở Đài Loan. Nếu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thực sự nắm quyền ở Đài Loan thì chúng tôi đã đặt vấn đề với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa giúp các cơ sở huấn luyện. Singapore phải có khả

năng tự phòng vệ. Bởi vì chúng tôi bị hạn hẹp về không phận, hải

phận và đất liền, nên chúng tôi đành phải luyện quân ở Thái Lan, Australia, New Zealand. Trước khi bắt đầu cuộc luyện quân quy mô lớn ở Đài Loan năm 1975, Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi, Rajaratnam, đã thông báo cho Bộ trưởng Ngoại giao của họ là Kiều Quán Hoa rằng hoạt động này không ảnh hưởng chút nào đến lập trường của chúng tôi là công nhận một Trung Quốc. Kiều Quán Hoa đã không hồi âm cho Raja.

Hoa Quốc Phong kết thúc bằng cách tuyên bố rằng vì hệ thống xã hội của hai nước khác nhau nên những khác biệt lớn vẫn tồn tại. Những điều này không thành vấn đề, bởi vì cả hai bên đã tìm thấy nhiều điểm tương đồng thông qua một sự trao đổi thẳng thắn các quan điểm. Hoa đã thúc ép tôi đến mức tối đa.

Tôi nói việc đăng lên trang đầu của tờ Nhân dân Nhật báo tin về chuyến viếng thăm Chủ tịch Mao của tôi sẽ không nhận được sự nồng nhiệt ở Đông Nam Á. Tốt hơn, Trung Quốc không nên cử một phái bộ thương mại đến Singapore chừng nào mà sự ngờ vực của các nước láng giềng của chúng tôi nổi lên vì có sự quảng bá này đã lắng dịu. Trung Quốc càng thắm thiết với chúng tôi như một “nước bà con họ hàng” thì các nước láng giềng của chúng tôi càng ngờ vực. Điều này thật khó bởi vì các nước láng giềng của Singapore có một cộng đồng thiểu số người Hoa, những người này có một vai trò không cân xứng trong nền kinh tế và những thành công về kinh tế của họ đã tạo nên sự ghen tị và bực dọc của người dân bản xứ. Ở nơi nào có các tôn giáo khác nhau, thì ít có người theo tôn giáo này kết hôn với người theo tôn giáo khác như người theo Hồi giáo ở Malaysia và Indonesia. Vậy đây là một vấn đề không bao giờ kết thúc mà Trung Quốc phải tính đến. Đó là một yếu tố quan trọng, sâu xa trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước khác ở Đông Nam Á.

Hoa nói rằng ông ta đã vạch ra rất rõ là “chính phủ Trung Quốc công nhận và tôn trọng nền độc lập và chủ quyền của Singapore”. Chính sách của Trung Quốc đối với hậu duệ của người Trung Quốc sống ở nước ngoài là rõ ràng. Trung Quốc không chấp nhận hai quốc tịch. Họ khuyến khích những người này lấy quốc tịch của nước họ đang cư trú theo ý nguyện của họ. Tất cả những ai làm như thế thì nghiễm nhiên không còn là công dân Trung Quốc. Ông ta vui mừng rằng số đông vượt trội những người có nguồn gốc Trung Quốc ở

Singapore đã trở thành công dân của Singapore, và cùng với những người dân thuộc các sắc tộc khác đang xây dựng đất nước mình. Tình hữu nghị truyền thống và mối quan hệ “như bà con” giữa nhân dân Singapore và nhân dân Trung Quốc sẽ có lợi cho việc phát triển các quan hệ. Lối nói khoa trương, rập khuôn của ông ta nghe chói tai, Raja cho rằng Hoa thiếu sự tinh tế và khéo léo của Chu Ân Lai; Raja tin rằng nếu là Chu Ân Lai thì ông ta đã tiến hành các cuộc thảo luận theo một cách khác và không sính dùng các câu sáo rỗng. Tôi thất vọng khi thấy vị lãnh đạo của một đất nước khổng lồ như thế tỏ ra cứng rắn và mạnh mẽ nhưng lại thiếu tế nhị. Ông ta chỉ đơn thuần phô trương đường lối chuẩn mực của Đảng khi xử lý những câu hỏi về sắc dân và mối quan hệ họ hàng, và sính dùng lối ngụy biện khi nói lên sự khác nhau giữa quan hệ chính phủ với chính phủ và quan hệ đảng với đảng để biện minh là Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi. Và ông ta không thừa nhận sự mâu thuẫn giữa lý thuyết của ông ta cho rằng giải phóng phải đến từ bên trong và việc Trung Quốc giúp tài liệu và hoạt động tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Malay để giải phóng Singapore bằng sức mạnh. Kiều Quán Hoa và các quan chức Bộ Ngoại giao quen thuộc với Đông Nam Á cảm thấy không dễ chịu khi họ dõi theo vị Thủ tướng của mình đang cố hăm dọa các vị bộ trưởng Singapore mà không thành công.

Hai đêm sau đó, trong bài diễn văn đáp lễ tại bữa tiệc, tôi đã nhấn mạnh: “Trung Quốc và Singapore đã thỏa thuận sẽ tiến hành các mối quan hệ song phương của chúng ta bằng cách tập trung vào những vấn đề đã được thỏa thuận chứ không phải những vấn đề mà chúng ta có những quan điểm khác nhau xuất phát từ những quan điểm cơ bản khác nhau. Thủ tướng Hoa đáp rằng là một nước xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc ủng hộ cuộc đấu tranh cách mạng của tất cả các nước. Nhưng Thủ tướng Hoa cũng đã tuyên bố rằng Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, và rằng chính phủ Singapore xử lý như thế nào với những người cộng sản của họ là một vấn đề mà Chính phủ Singapore tự quyết định. Căn cứ trên sự không can thiệp này, tôi tin rằng chúng ta có thể phát triển quan hệ giữa hai nước”. Lời tuyên bố công khai này đã củng cố nắm đấm của tôi chống lại các phần tử của mặt trận liên hiệp những người cộng sản ở Singapore.

Tối hôm đó sau bữa ăn tối, Thủ tướng Hoa Quốc Phong đi cùng tôi trong một chiếc xe Cờ Đỏ từ nhà khách ở Diaoyutai đến nhà ga Trung tâm Bắc Kinh. Đó là một lễ tiễn đưa với hàng nghìn học sinh vẫy hoa giấy đầy màu sắc và hát bài ca tạm biệt. Họ đưa tôi và cả phái đoàn cùng với tất cả các nhân viên an ninh, lễ tân, và xách hành lý lên một chiếc tàu đặc biệt đi tham quan các tỉnh phía Tây.

Con tàu rời Bắc Kinh lúc 10 giờ 15 phút tối. Trong toa của tôi có một bồn tắm lớn chưa từng thấy. Tôi tự hỏi vì sao có ai đó lại muốn tắm bồn thay vì tắm vòi sen trong một toa xe chạy cà giật và tròng trành như thế này. Có lẽ nó được lắp đặt cho Chủ tịch Mao chăng? Chúng tôi thức giấc khi tàu đến Dương Xuyên ở tỉnh Sơn Tây. Sau bữa điểm tâm trên tàu, chúng tôi được chở đi ngoằn ngoèo dọc theo một con đường quanh co dốc đứng đến Đại Trại, ở đó, chúng tôi được Ủy ban cách mạng có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp đón các nhân vật quan trọng thông báo tình hình vắn tắt. Chúng tôi lắng nghe một bài kể đã được học thuộc lòng về sự nhiệt tình cách mạng đã chinh phục tất cả như thế nào. Chúng tôi ngủ qua đêm ở trên tàu và thức dậy tại Tây An để xem những phát hiện mới nhất về ngôi mộ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng. Họ vừa mới bắt đầu khai quật những tượng chiến binh làm bằng đất nung ở đó.

Sau đó, tại một bữa tiệc tối chào mừng đoàn do Ủy ban cách mạng tỉnh Sơn Tây tổ chức, chúng tôi nghe bài diễn văn đầu tiên trong số nhiều bài khác rập khuôn theo cách Hoa Quốc Phong lên án “tên theo đuôi chủ nghĩa tư bản”, tức là một người nào đó đã luồn vào Đảng Cộng sản và đang cố phục hồi chủ nghĩa tư bản. Tôi đã đọc được tin Đặng Tiểu Bình đã bị phế truất khỏi cương vị là người thứ hai trong chính phủ và bị chỉ trích là “kẻ theo đuôi chủ nghĩa tư bản”. Khi tôi nghe Hoa dùng thuật ngữ này lần đầu tiên, tôi không để ý lắm, nhưng vì nó được lặp đi lặp lại thường xuyên tại mỗi nơi chúng tôi đến thăm, tôi kết luận rằng đây hẳn là một vấn đề nghiêm trọng; nhân vật chưa bị nêu tên này phải là một nhân vật quan trọng nếu như cần phải bị chỉ trích đi chỉ trích lại như thế.

Sáng hôm sau, chúng tôi đi Diên An, căn cứ thần thoại của Bát bộ quân, và cái động hoàng thổ, nơi từng là phòng làm việc của Mao. Tại viện bảo tàng tưởng niệm này, cô hướng dẫn viên nói năng như một người truyền giáo nhiệt thành. Cô ta nhắc đến Mao với một sự nhiệt thành sùng kính như thể ông ta là Chúa và Chu Ân Lai và những người lính bất tử của cuộc Vạn Lý Trường Chinh là các thiên

thần. Một con ngựa trắng nhỏ được nhồi bông và đặt trong tủ kính bởi vì Chu Ân Lai đã cưỡi nó một đoạn đường trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Lời kể của người hướng dẫn viên khó chịu đến nỗi cả Choo và Ling lảng đi chỗ khác, chỉ còn tôi phải tỏ ra quan tâm và phải có đôi lời hưởng ứng cho có lịch sự.

Chúng tôi nghỉ lại một đêm ở Yangchialing, thành phố lớn nhất gần Diên An. Một lần nữa chúng tôi nghe thấy những lời chỉ trích gay gắt “kẻ theo đuôi chủ nghĩa tư bản” của ông chủ tịch Ủy ban cách mạng quận. Chúng tôi bay trở về Tây An và lưu lại trong một khu nhà khách rộng mênh mông – ở đó tôi được bố trí ở một phòng khách sang trọng có phòng tắm rộng và phòng trang điểm. Họ nói phòng này được xây đặc biệt dành cho Chủ tịch Mao. Những nhà khách sang trọng này là đặc quyền cho các vị lãnh đạo tỉnh và Bắc Kinh.

Chúng tôi bay đến Thượng Hải, và một lần nữa được những nữ sinh mặc áo quần sặc sỡ, mang cờ và hoa múa đón chào. Vào bữa ăn tối, ông chủ tịch Ủy ban cách mạng Thành phố Thượng Hải, một người đàn ông trẻ, lại lên án “kẻ theo đuôi chủ nghĩa tư bản” với giọng giận dữ gay gắt. Chúng tôi được biết Thượng Hải là thành phố tả nhất trong tất cả các thành phố và các tỉnh, và là căn cứ của những người cấp tiến tập hợp xung quanh vợ chủ tịch Mao, Giang Thanh, và Bè lũ Bốn tên, những kẻ đã bị bắt và tống giam ngay sau khi Mao chết.

Vào cuối cuộc hành trình về tỉnh, một sự thân thiện đã nảy sinh giữa các quan chức của họ và những thành viên nói được tiếng Quan Thoại trong đoàn của tôi. Họ đùa giỡn khi chỉ vào đĩa thức ăn mời nhau trong bữa ăn tối, với giọng mỉa mai: “Zi li geng sheng”, một trong những khẩu hiệu của Mao có nghĩa là “tự lực cánh sinh”, hàm ý tôi sẽ tự gắp thức ăn cho mình, anh không cần phải phục vụ tôi. Băng đang tan. Đằng sau cái vẻ bên ngoài có kỷ luật của một cán bộ cộng sản là một con người biết thưởng thức những món ăn ngon, rượu nho ngon, những món mà họ được hưởng chỉ lúc nào có khách là nhân vật quan trọng đến thăm.

Rồi thì đến bữa ăn tối cuối cùng do các ủy ban cách mạng tỉnh Quảng Đông và thành phố Quảng Châu chiêu đãi. Cám ơn trời, chỉ còn một bài diễn văn và một lần cuối cùng vạch mặt “kẻ theo đuôi chủ nghĩa tư bản” nhưng hoàn toàn không gay gắt, không kết tội.

Sáng hôm sau, họ tổ chức một buổi tiễn rực rỡ màu sắc tại nhà ga Quảng Châu trước khi chúng tôi đáp tàu đặc biệt đi Thẩm Quyến. Lần cuối cùng, hàng trăm nữ sinh mang theo hoa, cờ nhảy múa và hát chào từ biệt. Tôi tự hỏi làm sao mà họ có thể cho phép học sinh nghỉ học cho những lần trình diễn như vậy. Hai giờ sau, chúng tôi đã có mặt tại Lo Wu. Khi chúng tôi đang đi bộ băng qua biên giới rời khỏi đất Trung Quốc, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, bỏ lại đằng sau những bài ca và những câu khẩu hiệu.

Tất cả chúng tôi đã rất háo hức được nhìn thấy nước Trung Quốc mới kỳ bí này. Đối với người Hoa ở Nam Dương, nó có sức hấp dẫn kỳ lạ, như là quê cha đất tổ vậy. Người Trung Quốc mặc quần áo đẹp nhất cho con cái họ để chào và tiễn chúng tôi tại các sân bay, các nhà ga, các trường mẫu giáo và những nơi khác mà chúng tôi đến thăm. Những chiếc áo dài, váy yếm và áo len dài tay màu sắc sặc sỡ chỉ mặc vào những dịp đặc biệt rồi cẩn thận cất để dành. Đa số người Trung Quốc mặc bộ vét kiểu Mao màu tím than hoặc xám đậm, xộc xệch dùng cho cả nam lẫn nữ. Lúc ấy chúng tôi không biết những ngày đấy là những ngày tháng cuối cùng của kỷ nguyên Mao. Sau đó 4 tháng ông ta mất – sau trận động đất Đường Sơn tháng 9 năm đó. Về sau, tôi lấy làm mừng vì đã có dịp nhìn thấy đất nước này trước lúc Đặng Tiểu Bình cho mở cửa Trung Quốc, đã được chứng kiến sự đồng dạng gượng ép trong trang phục, ăn nói và đã được nghe những bài tuyên truyền làm mụ cả người của họ.

Mỗi người mà chúng tôi gặp đều có một câu trả lời giống nhau cho những câu hỏi của chúng tôi. Tại Đại học Bắc Kinh, tôi hỏi các sinh viên rằng họ sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp. Câu trả lời dứt khoát: “Theo quyết định của Đảng và làm sao phục vụ nhân dân được tốt nhất”. Thật là bực mình khi nghe những câu trả lời như vẹt từ những người trẻ tuổi thông minh như thế. Những câu trả lời tất thảy đều đúng về mặt chính trị nhưng không thật lòng.

Đó là một thế giới kỳ lạ. Tôi đã đọc về Trung Quốc, đặc biệt là sau chuyến công du của Nixon. Những sự công kích không chùn bước của những khẩu hiệu chữ to được sơn hoặc dán trên tường, trên những áp phích khổng lồ cắm ngay giữa những cánh đồng lúa và lúa mì, tất cả đều bằng thứ ngôn ngữ cách mạng dữ dội – đây quả là một kinh nghiệm siêu thực. Những câu khẩu hiệu này phát ra om sòm từ những loa phóng thanh tại các nhà ga, các công viên và trên đài phát thanh đã làm tê liệt các giác quan. Chúng tôi nhận thấy

người dân chẳng mấy nhiệt tình, ngoại trừ khi họ phải nói với chúng tôi về cuộc Cách mạng Văn hóa bằng một giọng bắt chước ca ngợi sôi nổi. Đấy là làng Potemkin44 kiểu Trung Quốc.

Đại Trại là công xã kiểu mẫu của họ ở vùng Sơn Tây núi non, cằn cỗi thuộc khu Tây Bắc. Từ nhiều năm, vùng này thường được ca tụng trên phương tiện truyền thông đại chúng vì thường xuyên có những vụ mùa bội thu. Đại Thanh ở phía Đông Bắc là nơi có những mỏ dầu. Khẩu hiệu của Mao là: Học về nông nghiệp, hãy nghiên cứu Đại Trại. Học về công nghiệp, hãy nghiên cứu Đại Thanh (Nong ye xue Dazhai. Gong ye xue Daqing). Vì thế, tôi đã yêu cầu được đến thăm Đại Trại.

Mười năm sau, họ tiết lộ rằng Đại Trại là một sự dối trá. Sản lượng của Đại Trại cao hơn là do những đầu vào đặc biệt làm cho sản lượng nông nghiệp của nó cao như thế. Trong những mỏ dầu Đại Thanh, những công nhân kiểu mẫu đã không khai thác được sản lượng tối đa từ dưới đất bởi vì công nghệ lạc hậu và sản lượng của họ bị giảm xuống. Nhiệt tình cách mạng không thể bù đắp cho bí quyết công nghệ, cho dù trong nông nghiệp hay trong khai thác mỏ. Niềm tin trong kỷ nguyên Mao: “Hồng hơn Chuyên” là một lối ngụy biện, gian trá được áp đặt lên người dân.

Tại mỗi tỉnh lị, chủ tịch hội đồng cách mạng (hoặc thủ hiến, như người ta gọi ông ta sau khi Cách mạng Văn hóa đã chính thức kết thúc) đã tổ chức một bữa ăn tối chào mừng tôi. Mỗi người đều thốt ra cùng một lời chỉ trích và phỉ báng “kẻ theo đuôi chủ nghĩa tư bản”, ám chỉ Đặng Tiểu Bình. Chúng tôi đã không nắm được ý nghĩa của nó, lúc bấy giờ chưa hiểu được thứ ngôn ngữ mật mã mà họ dùng để lên án ông ta. Tôi đã quan sát những vẻ mặt nghiêm trang của những người đàn ông khi họ đọc to những bài diễn văn, mặt lạnh như tiền. Những thông dịch viên đã thuộc lòng những gì sắp được nói ra và chỉ việc lặp đi lặp lại những cụm từ tiếng Anh có sẵn. Tôi tự hỏi tình cảm thật của họ ra sao nhỉ nhưng chẳng ai để lộ những suy nghĩ của mình.

Đó là một mớ cảm giác hỗn độn đến nỗi chúng tôi phải mất một số thời gian mới chọn lọc được. Mỗi tối, tôi cùng Choo so sánh những điều ghi chép được. Nếu như họ đặt máy nghe trộm như người Nga đã làm ở Moscow năm 1971, thì họ cũng không để lộ nó. Con gái tôi, Wei Ling, lúc bấy giờ là một sinh viên y khoa năm thứ ba, tháp tùng

chúng tôi. Con bé đã học ở trường hoàn toàn dạy bằng tiếng Trung Quốc ở trường Trung học nữ sinh Nanyang cho tới cấp O, 10 năm học chính quy bằng tiếng Trung Quốc trước khi chuyển sang tiếng Anh để có trình độ A đặng theo học ngành y khoa tại trường đại học. Con bé chẳng gặp trở ngại gì trong vấn đề ngôn ngữ nhưng lại cực kỳ khó khăn để thật sự hiểu họ, và những suy nghĩ trong lòng họ. Khi con bé lang thang một mình tại những thành phố tỉnh lẻ nơi chúng tôi tới thăm, đám đông tụ tập xung quanh vì tò mò. Cô ấy từ đâu đến? Singapore. Đó là ở đâu? Những phụ nữ tại các bữa tiệc cũng quan tâm đến Ling không kém. Nó trông giống người Trung Quốc, nói ngôn ngữ của họ, tuy nhiên cung cách lại không giống họ

– chẳng chút e thẹn, nói năng thoải mái giữa đám người lớn. Nó ăn mặc đẹp so với họ, xông xáo, thẳng thắn như người từ cung trăng đến. Nó cảm thấy mình khác biệt với họ. Cũng như tôi, nó thấy đinh tai nhức óc khi nghe những tràng tuyên truyền liên tục phát ra từ các loa phóng thanh và đài phát thanh.

Con gái tôi phản ứng như thể nó vừa có phát kiến lớn. Nó đã từng học lịch sử và văn học Trung Quốc trước thời cộng sản ở một trường dạy bằng tiếng Trung Quốc và đang mong được nhìn ngắm những tượng đài lịch sử, những hiện vật văn hóa, những kỳ quan thiên nhiên, đặc biệt là những điều được nhắc đến trong những đoạn văn hay mà nó đã học thuộc. Nhưng thấy sự nghèo nàn nằm liền kề những ngọn núi và đền đài với những cái tên nghe sao mà lãng mạn đã khiến nó nghĩ rằng việc Trung Quốc nhấn mạnh là mình có một nền văn minh cổ xưa và liên tục nhất thế giới là một trở ngại ngăn họ bắt kịp với thế giới phát triển; rằng Singapore giàu có hơn bởi vì chúng tôi đã không có những chướng ngại vật như thế.

Con gái tôi ngạc nhiên nhìn thấy Trung Quốc khác xa ngay cả với các nước Đông Âu mà nó đã đến thăm cùng tôi – biệt lập với ảnh hưởng bên ngoài – và cũng ngạc nhiên khi thấy những người dân ở đây đã bị tiêm nhiễm sâu sắc đến nỗi dù là một quan chức trẻ hay người từ bất cứ tỉnh nào đến, một khi phải trả lời, họ đều đưa ra những câu trả lời chuẩn mực về chính trị. Nó ít có cơ hội tiếp xúc với người dân thường.

Bất cứ ở đâu mà nó đi thong dong hoặc chạy bộ đều có cận vệ đi theo bảo đảm an ninh và ngăn nó lại không cho tiếp xúc. Thứ nó chán xem là những khẩu hiệu chữ to, gấp năm bảy lần chữ thường

mà hồi đó đang là thời thượng như: “Hãy phê phán Khổng Tử – Hãy phê phán Đặng Tiểu Bình”, “Hãy nghiền nát chủ nghĩa kinh tế tư sản” [đúng nguyên văn thế đấy], “Tư tưởng Mao Trạch Đông toàn thắng muôn năm”. Nó kinh ngạc trước sự phục tùng mù quáng của người dân đối với nhà cầm quyền. Vào cuối chuyến đi, nó lấy làm mừng là ông bà tổ tiên nó đã chọn tìm vận may ở Nanyang.

Trước chuyến thăm này, chính phủ chúng tôi đã nghiêm ngặt từ chối cho phép người Singapore dưới 30 tuổi đi thăm Trung Quốc. Khi tôi trở về, tôi chỉ thị rằng quy định này phải được xem xét lại, vì qua những gì mắt thấy tai nghe của bản thân và những phản ứng của Ling, tôi tin rằng cách tốt nhất để tẩy sạch những ý nghĩ lãng mạn về quê hương vĩ đại là cho phép họ về thăm, càng lâu càng tốt. Chẳng bao lâu sau đó, chúng tôi đã bãi bỏ hạn chế này.

Tôi bị ấn tượng bởi diện tích bao la của Trung Quốc và những khác biệt lớn giữa 30 tỉnh thành của họ. Điều mà tôi đã không lường trước được là cái giọng quạc quạc của những phương ngữ khác nhau mà tôi tình cờ gặp phải. Thật khó hiểu được nhiều người trong bọn họ nói gì. Thủ tướng Hoa là người Hồ Nam nói giọng phát âm nặng. Ít ai trong số những người tôi gặp nói được tiếng chuẩn (tiếng phổ thông hay còn gọi là Quan thoại). Chỉ riêng tiếng phổ thông cũng có

hàng loạt các thổ ngữ và cách phát âm khác nhau đến nỗi khi chúng tôi đến Quảng Châu, người phiên dịch tháp tùng tôi, một phiên dịch tuyệt vời, không thể hiểu vị ủy viên lớn tuổi của hội đồng cách mạng

ở đảo Hải Nam nói gì, mặc dù ông ta đang nói thứ tiếng mà ông ta cho là tiếng phổ thông. Tôi thì lại hiểu ông ta nói gì bởi vì nước chúng tôi có nhiều người Hải Nam nói tiếng phổ thông giống ông ta, thế là tôi phải phiên dịch lại những gì vị ủy viên hội đồng cách mạng nói cho thông dịch viên của họ hiểu. Đây là một ví dụ nhỏ về việc thống nhất Trung Quốc bằng một ngôn ngữ chung. Về diện tích và dân số, Trung Quốc lớn hơn châu Âu lục địa từ 1,5 đến 2 lần. 90% dân Trung Quốc là người Hán và có chung chữ viết. Nhưng họ phát âm nguyên âm và phụ âm theo những cách khác nhau cho cùng một chữ viết và đã hình thành nhiều thành ngữ và tiếng lóng tại các tỉnh khác nhau, thậm chí ở những thị trấn nằm liền kề trong cùng một tỉnh. Họ đã và đang cố thống nhất ngôn ngữ từ lúc Nhà Thanh bị lật đổ năm 1911, nhưng phải mất một thời gian dài mới có thể thành công. Với truyền hình vệ tinh, đài phát thanh và điện thoại di

động, họ có thể đạt được mục đích trong một hoặc vài thế hệ nhưng chỉ thành công được ở thành phần dân số trẻ tuổi được học hành tốt hơn.

Chỉ hai tuần ở Trung Quốc mà chúng tôi phải di chuyển hàng ngày, được hộ tống bởi những chủ nhân khác nhau tại các địa phương khác nhau, được chăm lo bởi nào là cán bộ chuyên trách vụ Đông Nam Á, các phiên dịch, nhân viên lễ tân, nhân viên khuân vác hành lý và nhân viên an ninh là những người tháp tùng đoàn chúng tôi suốt chặng đường từ Bắc Kinh đến Quảng Châu, về cuối, chúng tôi cảm thấy căng thẳng vì lúc nào cũng phải giữ thái độ lịch sự nhất. Trong đoàn, họ bố trí các quan chức nói được từng thứ ngôn ngữ và thổ ngữ của chúng tôi. Cho dù chúng tôi nói tiếng Phúc Kiến, Malay hoặc tiếng Anh, họ cũng có các quan chức từng sống ở Đông Nam Á, hoặc đã từng làm việc ở Indonesia nhiều năm và nói được tiếng Malay, tiếng Bahasa Indonesia, hoặc tiếng Phúc Kiến như người bản xứ, có thể nghe trộm và hiểu chúng tôi đang nói gì. Vì thế chúng tôi không thể đột ngột thay đổi ngôn ngữ để loại họ ra ngoài cuộc nói chuyện. Vào số buổi tối ít ỏi mà chúng tôi được ăn tối riêng với nhau, chúng tôi mới có thời gian vui vẻ bên nhau cùng đối chiếu những gì ghi chép được.

Tại mỗi điểm dừng chân, các quan chức Bắc Kinh có nhiệm vụ chăm sóc và đáp ứng các nhu cầu của chúng tôi thường lôi cuốn những thành viên trong đoàn chúng tôi vào những cuộc trò chuyện để lần dò thái độ của chúng tôi về những vấn đề khác nhau và những phản ứng của chúng tôi đối với họ. Họ rất cặn kẽ. Các phóng viên của chúng tôi báo lại rằng đêm nào, về khuya cũng thấy họ thảo luận những điều phát hiện được trong ngày và viết những báo cáo chi tiết về những đàm thoại và những điều quan sát được trong ngày. Tôi tự hỏi ai sẽ đọc những cái này – hiển nhiên là phải có ai đó đọc bởi vì họ làm những báo cáo này rất nghiêm túc. Tôi kết luận: một lý do họ muốn tôi đến thăm Trung Quốc là để xem tận tường mặt đối mặt và đánh giá những cá tính và thái độ của tôi.

Khi chúng tôi chào tạm biệt họ tại nhà ga ở Quảng Châu, vị phụ trách vụ Đông Nam Á, người cao lớn, trông như người bị lao phổi, tuổi độ 50, bảo K.C. Lee rằng sau khi quan sát tôi hai tuần nay, ông ta nhận thấy tôi rất cứng rắn. Tôi tiếp nhận lời nhận xét ấy như dấu hiệu của một sự kính trọng. Khi họ đồng loạt vỗ tay để hoan nghênh tôi, tôi vẫy tay chào lại. Tôi không vỗ tay như cách thức của họ. Tôi

cảm thấy buồn cười khi vỗ tay đáp lại. Tôi cố ý cho họ hiểu tôi là người Singapore và khác biệt với họ. Chúng tôi đã phản ứng giống nhau: Choo và Ling cũng thế, và tôi cũng không cảm thấy bản thân mình là một trong số họ. Thật thế, trong chuyến đi đầu tiên ấy, chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy sâu sắc hơn mình không phải là người Trung Quốc.

Thật là bối rối khi tham quan nhà máy hoặc đến một cuộc triển lãm được người ta đưa cho – theo phong tục của họ – một cây bút lông, một nghiên mực Tàu mài sẵn và một trang giấy thảo hoặc một trang sách trắng để mình viết cảm tưởng. Vì tôi chỉ làm quen với bút lông được vài tháng ở tiểu học, nên tôi từ chối và yêu cầu đưa cho một cây viết bình thường để viết lời cảm tưởng bằng tiếng Anh.

Cảm giác mình không phải là người Trung Quốc trở nên bớt căng thẳng khi tôi biết rõ họ hơn và không còn bị rối trí bởi những khác biệt trong cách nói chuyện, ăn mặc và cử chỉ. Nhưng trong chuyến đi đầu tiên đó, chúng tôi thấy bản thân họ và các cử chỉ thái độ của họ rất xa lạ. Với người Trung Quốc ở miền Nam, chúng tôi không bị chú ý vì có vẻ bề ngoài gần giống như họ. Nhưng thậm chí ngay cả như thế, chúng tôi vẫn cảm thấy rõ ràng rằng chúng tôi không phải là một người trong số họ.

Tôi cũng đã phát hiện ra rằng nhiều người trong số những sinh viên người Hoa trẻ tuổi trở về Trung Quốc trong những năm 1950 để góp phần vào cuộc cách mạng đã không bao giờ được xã hội Trung Quốc chấp nhận. Họ luôn luôn tách riêng vì Hoa kiều, hay người Trung Quốc sống ở nước ngoài là những người khác lạ, “ủy mị” không hoàn toàn hòa nhập. Thật là buồn; những người này đã trở về bởi vì họ rất muốn đóng góp và muốn hội nhập. Họ được hoặc có lẽ phải được đối xử khác bởi vì có những đặc quyền đặc lợi, những ưu tiên không giành cho công dân trong nước hoặc là do cuộc sống có thể đã trở nên quá khó khăn đối với họ. Và vì những đặc quyền đặc lợi đó mà họ bị oán ghét. Thật là khó cho cả hai phía. Tình cảm họ hàng là tốt đẹp với điều kiện những người bà con hải ngoại này sống hẳn ở nước ngoài và thỉnh thoảng về thăm tặng quà, hỏi han sức khỏe. Nhưng ở lại trong nước và trở thành một phần của Trung Quốc đã trở thành một gánh nặng trừ phi người bà con có nghề hoặc kiến thức đặc biệt. Nhiều người trở về với những tư tưởng lãng mạn cách mạng cuối cùng lại trở thành những người di cư sống ở Hong Kong và Macau, nơi họ cảm thấy cuộc sống thích hợp hơn, gần

giống với cuộc sống ở Singapore và Malay hơn, nơi họ từng khinh miệt và đã ruồng bỏ. Nhiều người trong số họ đã kiến nghị được trở lại Singapore. Cục An ninh Quốc gia của chúng tôi đã kiên quyết đề nghị bác bỏ lời thỉnh cầu như vậy vì nghi ngờ đó là những phần tử được Đảng Cộng sản Malaysia cài vào để quấy rối. Như vậy là hiểu lệch hoàn toàn tình hình thực tế. Những người này đã hoàn toàn vỡ mộng với Trung Quốc và chính họ lẽ ra đã trở thành thuốc chủng ngừa của chúng tôi chống lại con virut chủ nghĩa Mao.

Về vẻ bề ngoài, chúng tôi rất giống người Trung Quốc ở các tỉnh miền Nam. Chúng tôi có cùng những giá trị văn hóa, trong thái độ đối với các quan hệ về giới tính, các quan hệ trong gia đình, lòng tôn kính đối với người lớn tuổi, và những chuẩn mực xã hội khác liên quan đến gia đình và bạn bè. Nhưng chúng tôi khác nhau trong quan điểm và cách nhìn nhận thế giới và vị trí của chúng tôi trong thế giới này. Đất nước của họ rộng lớn đến độ họ cảm thấy tuyệt đối tự tin sẽ có một ghế dành cho họ ở bàn đầu một khi họ đã tự điều chỉnh được bản thân và đó chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Không có người Trung Quốc nào nghi ngờ vận mệnh cuối cùng của họ sau khi họ phục hồi được nền văn minh của mình, một nền văn minh cổ xưa nhất thế giới với 4.000 năm lịch sử không bị gián đoạn. Chúng tôi, những người di trú, những người đã cắt đứt cội nguồn của mình và đem gieo trồng bản thân ở một miền đất khác, với vùng khí hậu rất khác, lại thiếu sự tự tin này. Chúng tôi có những nghi ngờ nghiêm túc về tương lai của chúng tôi, luôn luôn tự hỏi số phận nào sẽ tới trong tương lai của chúng tôi trong một thế giới không ổn định và thay đổi nhanh chóng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.