Hồi ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng
41. GIA ĐÌNH TÔI
Những người cộng sản đã gây cho tôi ấn tượng bằng việc họ nhấn mạnh tầm quan trọng lớn lao của người phụ nữ gắn bó với một đảng viên tương lai. Họ biết một người vợ có thể ảnh hưởng lớn đến niềm tin và lòng tận tụy của người đàn ông đối với sự nghiệp. Họ phản đối thư ký chính trị của tôi, một bạn gái kiên định của Jek Yeun Thong, người mà họ cho là không phù hợp về mặt chính trị. Nhưng Jek Yeun Thong làm ra vẻ không biết sự phản đối này và không biết rằng họ loại anh ta ra khỏi mạng lưới chi bộ của họ. Họ có lý; cô ấy không bao giờ ủng hộ sự nghiệp của họ.
Tôi thật may mắn. Choo chẳng bao giờ hoài nghi hay do dự về sự nghiệp tranh đấu của tôi cho dù hậu quả thế nào chăng nữa. Cô ấy nói với tôi rằng cô ấy hoàn toàn tin tưởng vào sự phán đoán của tôi. Cô ấy là nguồn sức mạnh và an ủi lớn lao. Cô ấy có trực giác nhạy bén khi đánh giá người khác. Trong khi tôi quyết định sự việc nghiêng nhiều về phân tích và lý luận, thì cô ấy quyết định sự việc bằng “cảm tính” nhiều hơn và có sở trường kỳ lạ khi cảm nhận ra những cảm xúc thật và thái độ của một người đằng sau những nụ cười và lời nói thân thiện của họ. Cô ấy thường có lý khi nhận xét người nào không đáng tin cẩn, mặc dù cô ấy không hoàn toàn giải thích được lý do tại sao; có lẽ nhờ vào sự diễn cảm trên gương mặt của người đó, cách người đó cười, cái thần trong đôi mắt hoặc điệu bộ của người đó. Cho dù thế nào đi nữa, thật sự tôi cũng đã học được ở cô ấy tính dè dặt trước người khác. Đầu năm 1962, khi tôi thương lượng với Tunku để gia nhập vào Malaysia, cô ấy bày tỏ sự dè dặt liệu chúng tôi có thể làm việc với Tunku, Razak và những lãnh tụ UMNO, MCA được không. Cô ấy nói họ khác với chúng tôi về tâm tính, tính cách cũng như những tập tục mà cô ấy không biết các bộ trưởng PAP có thể cùng làm việc với họ được không.
Tôi đáp chúng tôi làm việc với họ đơn giản vì chúng tôi cần họ. Chúng tôi phải có một sự liên kết và một nền tảng rộng lớn hơn để xây dựng đất nước. Cô ấy đã chứng tỏ được mình đúng, trong vòng ba năm cho đến năm 1965, chúng tôi không hợp nhau và họ đã yêu cầu chúng tôi tách khỏi Malaysia.
Khi gặp gỡ với phu nhân của các vị lãnh tụ nước ngoài, qua cách người vợ hành động hoặc nói chuyện với cô ấy, cô ấy cho tôi biết về tính thân thiện của các ông chồng của họ. Tôi không bao giờ căn cứ vào ý kiến của cô ấy để hành động, nhưng tôi không bỏ qua những ý kiến đó.
Cô ấy giúp tôi tiết kiệm nhiều thời gian vào những công việc tẻ nhạt, sửa bản nháp các bài diễn văn mà tôi đã đọc cho thư ký viết và sửa các bài mà tôi sẽ phát biểu ở nghị viện và trong các cuộc phỏng vấn. Cô ấy thuộc kho từ vựng của tôi và có thể đoán được những từ tôi đọc mà thư ký tốc ký của tôi không thể viết ra được. Dù gì đi nữa, tôi nêu rõ một điểm là không bàn luận với cô ấy về việc đề ra các chính sách, còn cô ấy thì tỏ ra cực kỳ thận trọng trong việc không đọc những ghi chú hoặc fax nào có tính bảo mật.
Về phần tôi, biết rằng cô ấy là một luật sư và nếu cần có thể tự chăm sóc mình và tự nuôi nấng con cái đã giải phóng tôi khỏi những lo lắng cho tương lai chúng. Bọn trẻ chính là nguồn vui và sự toại nguyện. Cô ấy dạy dỗ chúng nên người lịch sự và có ý thức, không cư xử kiêu căng mặc dù chúng là con của Thủ tướng. Từ nhà chúng tôi ở đại lộ Oxley đến văn phòng cô ấy ở đường Malacca chỉ mất bảy phút lái xe. Cô ấy hiếm khi dự những bữa cơm trưa bàn công việc với khách hàng. Thay vì vậy, cô ấy trở về nhà dùng cơm với con cái và tiếp xúc gần gũi chúng. Lúc cô ấy vắng nhà ở lại cơ quan thì cô ấy nhờ những người hầu lâu năm, tin cẩn người Quảng Đông “đen – trắng”, chăm nom chúng (gọi “đen – trắng” là do họ mặc quần đen với áo choàng trắng). Choo dùng một cây gậy phạt bọn trẻ lúc chúng ngỗ nghịch không vâng lời. Tôi không phạt đòn chúng; một lời khiển trách nghiêm khắc cũng đủ hiệu quả rồi. Việc tôi có một người cha dữ đòn đã khiến tôi chống lại cách dùng vũ lực.
Năm 1959, lúc tôi mới nhậm chức Thủ tướng, chúng tôi quyết định không sống ở Sri Temasek, đây là nơi cư trú chính thức của tôi ở lãnh địa Istana. Bọn trẻ còn quá nhỏ và chúng tôi không muốn chúng lớn lên trong môi trường có những người hầu và người phục vụ cuống quýt lên vì những nhu cầu của chúng như vậy. Điều này sẽ khiến chúng có một suy nghĩ không tưởng về thế giới này và địa vị của chúng trong đó. Việc nhìn thấy chúng lớn lên luôn nhắc nhở tôi về nhu cầu xây dựng một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho con cái chúng tôi.
Cả ba đứa con tôi là Hsien Loong (sinh năm 1952), Wei Ling (1955) và Hsien Yang (1957) đều học ở trường dạy bằng tiếng Hoa, đầu tiên là trường mẫu giáo Nanyang, 6 năm kế là Trường Tiểu học Nanyang. Hai cậu con trai tiếp tục học lên Trường Trung học Công giáo và sau đó là Đại học đại cương. Ling tiếp tục ở Trường Nữ Nanyang, rồi đến Học viện Raffles. Chúng đều giống nhau ở thành tích học tập, đó là giỏi về khoa học và toán, khá ở môn tiếng Hoa, yếu về vẽ, ca hát, âm nhạc và những công việc khéo tay.
Chúng tôi đề ra và bọn trẻ cũng đồng ý là chúng phải tự nỗ lực. Cả ba đứa đều giành được học bổng của Tổng thống trao cho từ 5 đến 10 sinh viên có bằng A xuất sắc nhất của năm học. Hai đứa con trai cũng được trao học bổng SAF (Lực lượng Vũ trang Singapore). Điều này yêu cầu chúng phải trải qua khóa huấn luyện quân sự suốt các kỳ nghỉ hè ở đại học và phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Singapore ít nhất 8 năm sau khi tốt nghiệp. Tôi và Choo không khuyến khích chúng theo ngành luật; chúng tôi để chúng quyết định chọn lựa theo sở trường và ý thích. Loong say mê toán và muốn học toán ở đại học nhưng lại hoàn toàn không muốn theo nghề toán. Vì vậy, nó đã học toán ở Đại học Trinity, Cambridge và trở thành một sinh viên đỗ nhất kỳ thi toán sau hai năm thay vì sau ba năm như thường lệ, sau đó nhận bằng tốt nghiệp loại đỏ cao học công nghệ điện toán. Nó được huấn luyện tại Fort Still, Oklahoma về pháo binh dã chiến, sau đó trải qua một năm tại Học viện Chỉ huy và Tổng Tham mưu ở Fort Leavenworth, Kansas, rồi sau đó học một năm về quản trị hành chính tại Học viện Nhà nước Kennedy ở Harvard.
Yang thích ngành kỹ thuật. Không bị tác động bởi thành tích của anh trai, nó cũng thi vào Đại học Trinity, Cambridge và đạt hạng ưu ở cả hai học phần ở trường kỹ thuật Tripos. Nó tiếp tục đến trường Fort Knox học khóa huấn luyện về thiết giáp, sau đó đến Camberley, Anh quốc học về Tham mưu và Chỉ huy, và đến Đại học Stanford, California học quản trị kinh doanh khoảng một năm.
Ling rất thích chó và muốn trở thành một bác sĩ thú y. Choo đã khuyên can nó bằng cách kể cho nó về những gì mà một người bạn là bác sĩ thú y làm ở Singapore: khám heo ở lò sát sinh trước và sau khi giết để đảm bảo chúng đạt tiêu chuẩn cho người tiêu thụ. Điều đó đã giải quyết được sự lựa chọn của nó. Khi nó giành được phần thưởng của Tổng thống, nó chọn học ngành y ở Đại học Singapore và tốt nghiệp là sinh viên danh dự, tức là sinh viên đỗ đầu niên khóa. Ling chọn chuyên khoa thần kinh nhi và gắn bó với bệnh viện Đa khoa Massachusetts ba năm và sau đó một năm ở Bệnh viện Nhi đồng Toronto.
Loong thì luôn quan tâm đến những gì xảy ra trong nước và trong chính phủ. Khi còn là cậu bé 11 tuổi, nó đã theo tôi trong những cuộc thị sát khu vực bầu cử nhằm tập hợp sự ủng hộ của quần chúng trong nhiều tháng trước khi chúng tôi gia nhập Malaysia. Ở lứa tuổi 12, nó cũng đủ lớn để nhớ lại sự hoảng loạn và náo động của những cuộc bạo động chủng tộc năm 1964, kể cả lệnh giới nghiêm bất ngờ làm cho nó bị kẹt lại ở trường Trung học Công giáo trên đại lộ Nữ hoàng trong sự lo lắng làm sao về nhà được. Người tài xế gia đình đã nhanh trí lái chiếc Morris Minor của cha tôi đón nó về nhà trong cơn hỗn loạn của xe cộ. Loong học tiếng Malay từ năm lên 5 và sau khi Singapore gia nhập vào Malaysia, nó bắt đầu học đọc chữ Jawi, đó là ngôn ngữ Malay được viết theo chữ Ả Rập. Để thực hành, nó đọc tờ Utusan Melayu là nhật báo viết bằng chữ Jawi của người Ummo, vốn đăng tải những lời buộc tội bừa bãi của cộng đồng chống PAP và tôi. Chính trị là một phần trong việc học ngoại khóa của nó.
Ngay từ những ngày còn là sinh viên ở Cambridge, nó hiểu nó muốn dự phần trong việc quyết định tương lai Singapore và sẵn sàng đi vào đấu trường chính trị. Sau những kỳ thi Toán Tripos, thầy giáo của nó ở Đại học Trinity đã khuyến khích nó suy nghĩ lại việc quay về phục vụ trong SAF, thay vì vậy hãy theo đuổi sự nghiệp toán học ở Cambridge bởi vì nó đã cực kỳ xuất sắc ở lĩnh vực này. Khi trao cho nó phần thưởng sinh viên Singapore xuất sắc nhất khóa 1974, vị chủ tịch Hiệp hội Oxford và Cambridge ở Singapore đã đề cập đến bức thư của một thầy giáo khác ở Đại học Trinity. Ông này viết rằng Loong đã đạt điểm “cao hơn thí sinh đứng nhất kế đó 50% số điểm đầu bảng” và rằng “trong lịch sử ghi lại những cuộc thi toán Tripos trước đây chưa hề có sự cách biệt như vậy giữa người đứng đầu và người thứ hai”.
Khi tôi gặp thầy giáo của nó tại buổi lễ tốt nghiệp, ông ta bảo tôi rằng Loong có viết cho ông ta một bức thư đầy lý lẽ, thấu đáo và rất sâu sắc giải thích lý do tại sao nó không muốn tiếp tục với toán học dù cho nó có giỏi đi chăng nữa. Về sau, tôi xin giáo viên trợ giảng này bản sao của lá thư mà Loong đã gửi cho ông ta vào tháng 8/1972:
Đây là những lý do em không thể trở thành một nhà toán học chuyên nghiệp. Việc em ở lại Singapore là tối cần thiết cho dù em làm bất cứ việc gì đi chăng nữa, không chỉ vì ở vào đặc vị của em, nếu em góp phần làm “chảy máu chất xám” sẽ ảnh hưởng tai hại đến các giá trị đạo đức của Singapore mà còn vì Singapore là nơi em thuộc về và nơi em muốn trở thành… Hơn nữa, một nhà toán học thực sự ít có quyền quyết định đối với những gì diễn ra trong thế giới xung quanh anh ta và với những diễn biến ở trong nước. Điều này không có ý nghĩa gì đối với một quốc gia phát triển như nước Anh, nhưng ở Singapore thì có nhiều ý nghĩa đối với em. Không nhất thiết em phải làm chính trị, nhưng một thành viên quan trọng trong ngành dân chính hoặc lực lượng vũ trang là ở trong một vị trí làm được nhiều việc tốt đẹp hay gây hại… Em thích làm được việc gì đó và thích bị người khác oán trách hơn là mình oán trách người khác mà không làm được gì.
Lúc ấy nó chỉ mới 20 tuổi, nhưng nó hiểu nó muốn gì và lời cam kết của nó thuộc về đâu.
Cuộc đời không phải không có những bi kịch. Năm 1978, Loong kết hôn với bác sĩ Wong Ming Yang, một người Malay mà nó gặp lúc cô ấy đang ở Đại học Girron học ngành y tại Cambridge. Năm 1982, cô ấy sinh đứa con thứ hai, bé trai Yipeng. Đứa bé bị chứng bạch tạng và khuyết tật thị giác. Ba tuần lễ sau Ming Yang chết do đau tim. Thế giới của Loong sụp đổ. Nhạc mẫu của Loong chăm sóc hai đứa bé cùng với sự hỗ trợ của Choo. Họ còn có sự giúp đỡ của một người hầu mà Pamelia (vợ Suan, em trai tôi) gửi đến để đáp ứng tình cảnh cấp thiết này. Sau đó, chúng tôi lo lắng Yipeng sẽ chậm biết nói và không giao tiếp với người khác. Khi Ling trở về sau khóa huấn luyện ở khoa thần kinh nhi bệnh viện Đa khoa Massachusetts, nó chẩn đoán cháu mắc chứng tự kỷ. Sau vài năm ở trường trung học cơ sở rồi một trường học dành cho trẻ khuyết tật thị giác, những kỹ năng giao tiếp xã hội của Yipeng được cải thiện và nó có khả năng tham dự vào trường học cấp hai chính thức. Ling chẩn đoán lại là nó mắc bệnh Hội chứng Asperger (bệnh tâm thần nhẹ ở trẻ em) và bình thường về mặt trí tuệ. Thằng bé trở nên hiền lành và cư xử tốt, đáng yêu nhất trong những đứa cháu của tôi.
Trong lúc Loong vẫn chưa ổn định sau sự việc mất đi một người thân, thì Goh Chok Tong lúc ấy là Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng thư ký phụ tá của đảng PAP đã mời nó ra ứng cử vào Nghị viện trong cuộc tổng tuyển cử tháng 12/1984. Lúc bấy giờ, Loong đang là Đại tá của ban tổng tham mưu và ban tham mưu liên quân trong SAF. Chok Tong với tư cách thủ trưởng của Loong đã đánh giá cao tiềm năng chính trị của nó. Loong lo ngại chuyện nó là một ông góa với hai con nhỏ, nó thấy khó quản lý gia đình khi phải vắng mặt nhiều cho công việc chính trị. Nó đã bàn chuyện đó với tôi và Choo. Tôi bảo nó rằng nếu nó bỏ lỡ cuộc bầu cử sắp đến, nó sẽ phải đợi khoảng bốn đến năm năm nữa trước khi có một cơ hội khác. Theo từng năm, nó sẽ thấy khó thay đổi và thích nghi với đời sống chính trị, đặc biệt là học cách làm việc với nhân dân ở các khu vực bầu cử và nghiệp đoàn. Quan trọng hơn cả là nó phải suy nghĩ sâu sắc vì nhân dân, có thể truyền đạt cảm xúc của mình cho họ và vận động họ cùng sát cánh với mình. Ở vào tuổi 32, Loong rời SAF và ra tranh cử vào tháng 12. Nó giành được một trong những đa số phiếu cao nhất trong số ứng cử viên trong kỳ bầu cử đó.
Tôi bổ nhiệm Loong làm Thứ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp. Ngay lập tức, vị bộ trưởng của nó giao cho nó đảm trách Ủy ban khu vực tư nhân để rà soát lại tình hình kinh tế ngay khi chúng tôi bước vào một cuộc suy thoái trầm trọng năm 1985. Những đề xuất của ủy ban này vốn giúp chính phủ có những bước đi mạnh mẽ nhằm cắt giảm chi tiêu và tăng cường tính cạnh tranh là một trắc nghiệm chính trị lớn cho Loong và những bộ trưởng khác. Vào tháng 11/1990, khi tôi từ chức Thủ tướng, Loong được Thủ tướng Gok Chok Tong bổ nhiệm chức Phó Thủ tướng.
Nhiều người chỉ trích tôi cho rằng điều này mang tính chính sách gia đình trị, rằng Loong hưởng đặc quyền quá mức bởi vì nó là con tôi. Ngược lại, như tôi đã phát biểu tại Đại hội Đảng năm 1989, một năm trước khi tôi từ chức rằng sẽ không tốt cho Singapore hoặc cho Loong khi để Loong thay thế tôi. Loong sẽ bị xem là thừa hưởng chức vụ từ tôi trong khi nó xứng đáng ở vị trí tương xứng với công trạng của nó. Nó còn quá trẻ và tốt hơn hết nên để một ai khác kế nhiệm tôi làm Thủ tướng. Để sau này tự Loong sẽ tạo ra sự thăng tiến cho nó, và khi đó sẽ chứng tỏ được rằng nó thành đạt bằng chính công sức của nó.
Trong nhiều năm qua, Chok Tong đã phải chịu đựng những giễu cợt của các nhà chỉ trích nước ngoài cho rằng ông ta là người làm ấm ghế cho Loong. Nhưng sau khi Chok Tong thắng cuộc tổng tuyển cử lần hai năm 1997 và củng cố địa vị là một người độc lập, thì giọng điệu chế nhạo chấm dứt. Là phụ tá của Chok Tong, Loong đã tạo được uy tín là một lãnh tụ chính trị đứng đắn, quyết đoán, nhanh nhẹn và linh hoạt trong bảng xếp hạng trong toàn phạm vi chính phủ. Hầu hết mọi vấn đề khó khăn hoặc thuế má ở bất cứ bộ nào đều có sự tham gia của nó. Các bộ trưởng, các nghị sĩ và các công chức cao cấp đều hiểu điều này. Lẽ ra tôi đã có thể ở lại thêm vài năm nữa và giúp nó tập hợp sự ủng hộ để làm lãnh tụ, song tôi đã không làm thế.
Vào tháng 10/1992, khi tôi và Choo đang ở Johannesburg, Loong điện từ Singapore trong lúc tôi đang trình bày ở một hội nghị, tôi liền điện lại cho nó vì sợ là tin xấu. Đó là một cái tin gây choáng váng. Sinh thiết khối u trong ruột của nó được bác sĩ chẩn đoán là ung thư, một loại khối u bạch cầu. Thông tin tiếp theo cung cấp một số lý do làm chúng tôi đỡ lo; dạng khối u bạch cầu mà Loong mắc phải là một dạng khối u bậc trung, cần hóa học trị liệu. Loong đã chịu một giai đoạn hóa học trị liệu căng thẳng trong ba tháng. Điều đó giúp làm sạch những tế bào ung thư và đem lại sự thuyên giảm. Các chuyên viên trị liệu cho rằng nếu bệnh tình không phát lại trong vòng năm năm tới, thì điều trị này được xem như đã khỏi bệnh. Chúng tôi lo lắng chờ đợi năm năm trôi qua. Tháng 10/1997 đã đến và đi qua mà không có việc gì xảy ra. Thế là Loong đã trải qua hai cuộc khủng hoảng lớn.
Vào tháng 12/1985, Loong lập gia đình với Ho Ching, một kỹ sư ở Bộ Quốc phòng mà nó từng quen biết. Cô ấy đã giành được học bổng Tổng thống năm 1972 và nhận bằng Danh dự hạng nhất ngành kỹ thuật ở Đại học Singapore. Hiện cô ấy là trưởng điều hành thực hành của một công ty quốc doanh, Viện Công nghệ Singapore.
Đây quả là một sự chọn lựa hạnh phúc. Chúng có hai con và Ho Ching coi hai đứa con của Loong như con mình.
Yang cưới một cô gái Singapore tên Lim Suet Fern, học luật ở Đại học Girron, Cambridge và cũng đỗ hạng ưu. Chúng có ba con. Sau 15 năm ở SAF, Yang được thuyên chuyển đến Công ty viễn thông Singapore. Nó được vị thứ trưởng yêu cầu tham gia vào ngành dân chính, làm viên chức quản trị với triển vọng sớm trở thành thứ trưởng và khả năng đứng đầu ngành dân chính. Nó thích được thử thách ở khu vực tư nhân hơn, và chọn tham gia vào Sing Tel. Khi nó được đề bạt vào Tổng giám đốc điều hành, một lần nữa những kẻ chỉ trích tôi lại đưa ra luận điệu chủ nghĩa gia đình trị. Đó sẽ là một thảm họa cho nó và cho cả hệ thống chế độ nhân tài mà tôi đã thiết lập nếu như nó được thăng tiến là nhờ vào tôi. Những viên chức mà nó phục vụ và những người ngang hàng với nó hiểu rõ hơn. Những nhà quản lý ngân quỹ cũng thế. Cổ phần của Sing Tel không yếu đi. Sau nhiều năm làm việc với các chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành của các công ty bưu điện quốc tế lớn, mọi giọng điệu về chủ nghĩa thiên vị không còn nữa.
Khi các con tôi còn đi học, đó là những năm trước lúc tôi nêu ra vấn đề phụ nữ có trình độ không lập gia đình vào năm 1983, tôi và Choo đã nói với chúng rằng khi lập gia đình, chắc hẳn chúng sẽ hạnh phúc khi có những đứa con giỏi như vợ chồng của chúng. Thế là chúng kết hôn với những người ngang hàng.
Ling, một nhà tâm thần học, là phó giám đốc (phụ trách lâm sàng) của Viện Thần kinh Quốc gia tại bệnh viện Tan Tock Seng. Nó không lập gia đình như bao phụ nữ đỗ đạt khác cùng thế hệ. Nó sống với chúng tôi, điều này rất thông thường trong các gia đình châu Á, và đi khắp nơi dự hội nghị thần kinh học, theo đuổi sở thích tìm hiểu về chứng động kinh và những vấn đề khuyết tật ở trẻ em.
Gia đình vẫn giữ mối quan hệ gắn bó. Vào những ngày chủ nhật, các con về dùng cơm trưa với chúng tôi, mấy đứa cháu trai tập hợp thành một cảnh náo nhiệt trong phòng ăn. Đa phần người ta thường cưng chiều cháu, làm chúng hư hỏng. Chúng tôi yêu quý các cháu, song cho rằng cha mẹ chúng quá dễ dãi với chúng. Có lẽ chúng tôi quá nghiêm khắc với cha mẹ chúng nhưng điều đó giúp cha mẹ chúng tốt hơn.
Tôi và ba người em trai Dennis, Freddy và Suan Yew cùng cô em gái Monica đã may mắn có người mẹ mạnh mẽ, tháo vát và quyết đoán, bà bảo đảm chúng tôi được giáo dục thành những người giỏi nhất trong khả năng của chúng tôi và trong sự giúp đỡ của bà. Dennis theo tôi học luật ở Fitzwilliam House, Cambridge. Sau này cùng với Choo, chúng tôi cùng hành nghề luật ở Lee & Lee, và sau đó một năm, Essie Barker, một người bạn cũ ở Đại học Raffles và ở Cambridge đã tham gia với chúng tôi. Freddy trở thành một nhà môi giới chứng khoán. Suan đến Fitzwilliam học ngành y và trở về mở phòng mạch thành công. Monica lập gia đình sớm. Khi gia đình gặp rắc rối, mọi người quần tụ lại để giúp đỡ nhau bằng nhiều cách, chẳng hạn như khi Loong mất Ming Yang năm 1982 và bị bệnh ung thư năm 1992.
Tôi và các em tôi rất thân nhau. Tôi không chỉ là anh cả mà còn là người giúp mẹ tôi có những quyết định quan trọng. Cha tôi vốn vô tâm, nên ngay từ thuở niên thiếu, mẹ đã chọn tôi làm người đứng đầu thay thế trong gia đình. Các em trai và em gái vẫn xem tôi là huynh trưởng gia đình. Đại gia đình này gặp gỡ nhau ít nhất hai lần mỗi năm, mọi người đoàn tụ dùng cơm tối vào Giao thừa Tết Trung Hoa và vào ngày đầu năm mới dương lịch tại nhà tôi ở đại lộ Oxley.
Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau mỗi khi có việc quan trọng, chẳng hạn như một đứa cháu chào đời. Giờ đây khi ở tuổi sáu mươi, bảy mươi, chúng tôi được gợi nhớ lại rằng chúng tôi có cùng huyết thống, dù cho mỗi khi đau ốm, bác sĩ của chúng tôi kiểm tra để rồi xác nhận anh em chúng tôi không có bệnh tật giống nhau. Chúng tôi tự an ủi rằng cả ba chúng tôi đã sống được qua cái tuổi nhân sinh thất thập cổ lai hy (người thọ bảy mươi xưa nay hiếm).
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.