Hồi ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Bí Quyết Hóa Rồng
LỜI TÁC GIẢ
LỜI TỰA
Tôi viết quyển sách này cho thế hệ trẻ Singapore, những người cho rằng một Singapore ổn định, phát triển và thịnh vượng là hiển nhiên. Tôi muốn họ thấu hiểu được những khó khăn mà một nước nhỏ chỉ rộng 640km2, không có tài nguyên thiên nhiên, phải vươn lên để tồn tại giữa những quốc gia rộng lớn hơn vừa mới độc lập và tất cả đều theo đuổi đường lối dân tộc chủ nghĩa.
Những ai đã từng trải qua chiến tranh năm 1942 và sự chiếm đóng của Nhật Bản, đã từng tham gia vào công cuộc xây dựng nền kinh tế mới cho Singapore thì không lạc quan như thế. Chúng tôi không thể quên được rằng việc có được trật tự xã hội, an toàn cá nhân, phát triển kinh tế xã hội và phồn vinh thịnh vượng không phải là quy luật hiển nhiên của sự vật, mà là nhờ vào những nỗ lực không ngừng của toàn xã hội dưới sự dẫn dắt của một chính phủ trung thực và hiệu quả do dân bầu ra.
Trong quyển sách trước đây, tôi đã miêu tả những năm định hình tính cách của tôi trong thời tiền chiến ở Singapore, sự chiếm đóng của Nhật Bản và những biến động của chủ nghĩa cộng sản và tiếp theo đó là các vấn đề chủng tộc trong hai năm ở trong Liên bang Malaysia.
Việc chiếm đóng của Nhật Bản (1942–1945) làm tôi căm phẫn vì sự tàn bạo, dã man mà họ đã dành cho những người bạn cùng châu Á với họ, làm khơi dậy trong tôi tinh thần dân tộc và lòng tự trọng, cũng như sự căm hờn vì bị đối xử trịch thượng. Bốn năm học đại học ở Anh sau chiến tranh đã củng cố thêm quyết tâm thoát khỏi ách cai trị thuộc địa của thực dân Anh trong tôi.
Năm 1950 tôi trở về Singapore, tin tưởng vào mục tiêu của mình nhưng lại không lường hết được những khó khăn hiểm nguy phía trước. Làn sóng chống thực dân đã lôi cuốn tôi và nhiều người cùng thế hệ. Tôi tham gia hoạt động công đoàn và chính trị, lập ra một đảng chính trị và vào năm 1959, ở tuổi 35, tôi đảm nhiệm chức vụ thủ tướng chính phủ đầu tiên, được bầu của Singapore tự trị. Tôi cùng bạn bè thành lập mặt trận thống nhất với những người cộng sản. Ngay từ đầu, chúng tôi biết rằng sẽ phải có lúc đường ai nấy đi và khi có cơ hội là thanh toán lẫn nhau. Khi điều ấy xảy ra, cuộc đấu tranh thật là ác liệt và may thay chúng tôi đã không bị đánh bại.
Chúng tôi nghĩ rằng tương lai lâu dài cho Singapore là quay lại với Malaya, vì vậy chúng tôi hợp nhất với Malaya tạo thành Liên bang Malaysia vào tháng 9/1963. Chưa đầy một năm, vào tháng 7/1964, chúng tôi phải chịu đựng những cuộc bạo động phân biệt chủng tộc giữa người Malaya và người Hoa ở Singapore. Chúng tôi bị mắc kẹt trong cuộc đấu tranh nan giải với những người Malay cực đoan trong đảng cầm quyền UMNO (Tổ chức Dân tộc Đoàn kết Malaya) – những người kiên quyết muốn có một Malaysia do người Malay thống trị. Để phản công lại việc họ dùng những cuộc bạo động cộng đồng để đe dọa chúng tôi, chúng tôi tập hợp những người, không phân biệt Malay hay không Malay, trong toàn Malaysia vào Tổ chức Đoàn kết Malaysia nhằm đấu tranh vì một Malaysia của người Malaysia1. Cho đến tháng 8/1965, khi không còn chọn lựa nào khác, chúng tôi đành phải tách ra.
Sự ức hiếp và đe dọa dựa trên sắc tộc đã làm cho người dân của chúng tôi sẵn sàng chịu đựng gian khổ để xây dựng một mình. Bên cạnh đó, kinh nghiệm đau thương về các cuộc bạo động chủng tộc càng thôi thúc tôi và các đồng chí của tôi quyết tâm xây dựng một xã hội đa chủng tộc đảm bảo đối xử công bằng với mọi công dân, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo. Đó là tôn chỉ hướng dẫn các chính sách của chúng tôi.
Quyển sách này đề cập đến quá trình làm việc gian khổ, lâu dài để tìm ra cách giữ gìn độc lập và kế sinh nhai mà không có Malaysia làm nội địa. Chúng tôi phải chống lại những bất lợi tưởng chừng như không thể vượt qua để đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu tiến đến phồn vinh thịnh vượng trong vòng ba chục năm.
Những năm sau 1965 là thời kỳ bề bộn và đầy âu lo bởi vì chúng tôi phải chiến đấu để đứng vững. Chúng tôi nhẹ nhõm khi thấy vào năm 1971, chúng tôi đã tạo đủ công ăn việc làm để thoát khỏi nạn thất nghiệp trầm trọng, mặc dù người Anh đã rút quân đội ra khỏi Singapore. Nhưng chỉ sau khi chúng tôi vượt qua được cơn khủng hoảng dầu lửa quốc tế năm 1973, với giá dầu tăng gấp 4 lần, thì chúng tôi mới tin chắc là chúng tôi có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Sau đó, chúng tôi phải làm việc cật lực, hoạch định và ứng biến nhằm củng cố địa vị là một quốc gia độc lập có khả năng liên kết mậu dịch và đầu tư với các nước công nghiệp hàng đầu và là một trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ và thông tin thành công trong khu vực.
Chúng tôi đã đưa thu nhập quốc dân (GDP) bình quân đầu người từ 400USD vào năm 1959 (khi tôi nhậm chức thủ tướng) lên hơn 12.200USD vào năm 1990 (khi tôi từ chức) và 22.000USD vào năm 1999, tại thời điểm có nhiều biến động to lớn về kinh tế và chính trị trên thế giới.
Về điều kiện vật chất, chúng tôi đã bỏ lại sau lưng những vấn đề nghèo nàn của Thế giới thứ Ba. Tuy nhiên, phải mất một thế hệ nữa, những tiêu chuẩn xã hội, văn hóa và nghệ thuật của chúng tôi mới sánh được với cơ sở hạ tầng của Thế giới Thứ nhất mà chúng tôi đã thiết lập được. Suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh của thập niên 60 và 70, khi vẫn còn chưa rõ phe nào sẽ chiến thắng, chúng tôi đã liên kết với phương Tây. Sự phân chia trong Chiến tranh Lạnh đã làm cho môi trường quốc tế đơn giản hơn. Vì những nước láng giềng của chúng tôi đều chống lại những người cộng sản nên chúng tôi nhận được tình đoàn kết khu vực lẫn sự ủng hộ quốc tế của Mỹ, phương Tây và Nhật Bản. Vào cuối thập niên 80, rõ ràng chúng tôi đã đứng về phe của những người chiến thắng.
Đây không phải là quyển sách chỉ dẫn cách xây dựng một nền kinh tế, một quân đội hoặc quốc gia, mà là sự tường thuật lại những vấn đề mà tôi và đồng sự của tôi đã phải đối mặt và cách giải quyết chúng. Tôi viết cuốn sách trước đây dưới dạng tự thuật theo thứ tự thời gian. Với ý định để cuốn sách này không quá dài, tôi đã viết nó dưới dạng chủ đề, cô đọng 30 năm chỉ trong 700 trang.
LỜI CÁM ƠN
Andrew Tan Kok Kiong bắt đầu nghiên cứu những hồi ký này vào năm 1995. Ông là viên chức ngành hành chính Singapore, sau được thuyên chuyển đến Cơ quan Thông tấn Singapore (Singapore Press Holdings – SPH) để trợ giúp tôi. Thủ tướng Goh Chok Tong cho tôi quyền sử dụng tất cả hồ sơ và tài liệu ở các Bộ trong chính phủ và ở những nơi lưu trữ văn thư. Florence Ler Chay Keng, nhân viên lưu trữ văn thư trong phủ thủ tướng và các phụ tá của bà là Wendy Teo Kwee Geok và Vaijayanthimala đã kiên trì và chu đáo trong việc tìm kiếm hồ sơ và tư liệu. Với sự giúp đỡ của Pang Gek Choo, làm việc cho tờ báo Straits Times, và Alan Chong, nghiên cứu sinh trẻ tuổi khoa chính trị học, Andrew đã nghiên cứu những hồ sơ của chính phủ, những biên bản về các cuộc họp quan trọng, quan hệ thư từ và những văn kiện liên quan khác. Hữu dụng nhất là những ghi chép mà tôi đã đọc lại ngay sau các cuộc họp và hội đàm.
Andrew Tan có năng lực và tháo vát. Ông điều phối công việc của những nhà nghiên cứu, tổ chức tư liệu và làm cho công việc của tôi dễ dàng hơn. Pang Gek Choo nhanh nhẹn và có năng lực trong việc tìm kiếm những bản tin về các sự kiện và những bài diễn văn còn lưu trữ trong thư viện của báo Straits Times và ở những nơi lưu trữ văn thư, công hàm. Vào năm 1997, khi công việc này phát triển, Walter Fernadez và Yvonne của SPH và tiến sĩ Goh Ai Ting của Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore – NUS) gia nhập đội ngũ những nhà nghiên cứu giúp tôi.
Panneer Selvan ở Bộ Ngoại giao giúp tìm lại hồ sơ, tư liệu ghi chép về những quan hệ của tôi với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Lily Tan, giám đốc Viện Lưu trữ Quốc gia cung cấp nhiều văn kiện hữu ích và những bản chép tay trước kia mà tôi đã đọc cho viết. Đội ngũ nhân viên thư viện của Đại học Quốc gia Singapore, Thư viện Quốc gia và Thư viện lưu trữ báo Straits Times đã luôn tận tình giúp đỡ tôi.
John Dickie, cựu phóng viên đối ngoại của tờ Daily Mail đã cho nhiều lời khuyên giá trị; đặc biệt về những gì sẽ làm cho độc giả người Anh quan tâm. Người bạn tâm giao của tôi Gerald Hensley, cựu Cao ủy New Zealand ở Singapore và sau này là Bộ trưởng Quốc phòng cũng đã có những góp ý tuyệt vời.
Các cây bút của báo Straits Times, Cheong Yip Seng (Tổng biên tập), Han Fook Kwang, Warren Fernandez, Zuraidah Ibrahim, Irene Ng và Chua Mui Hoong đã sửa đổi để làm cho quyển sách dễ đọc hơn, đặc biệt đối với những người không biết nhiều về những sự kiện mà tôi mô tả.
Lim Jin Koon, biên tập viên báo Zaobao, đã đọc toàn bộ bản thảo trước khi dịch sang tiếng Hoa. Seng Han Thong, biên tập viên trước đây của báo Zaobao, hiện đang công tác ở Hội Công đoàn Quốc gia (National Trade Union Congress – NTUC) đã xem xét kỹ lưỡng nhiều phiên bản của các bản thảo trước khi quyết định dịch ra tiếng Hoa.
Biên tập viên báo Berita Harian, Guntor Sadali; Bộ trưởng Phát triển cộng đồng Abdullah Tarmug; Phó Chủ tịch Nghị viện Zainul Abidin Rasheed và các Thư ký Nghị viện Mohamad Maidin và Yaacob Ibrahim đã đóng góp ý kiến cho tất cả các chương có liên quan đến người Malay. Tôi muốn tránh việc vô tình làm tổn thương những tình cảm của người Malay và đã cố gắng hết sức để không xảy ra vấn đề này.
Những người bạn cũ và các đồng chí của tôi, Goh Keng Swee, Lim Kim San, Ong Pang Boon, Othman Wok, Lee Khoon Choy, Rahim Ishak, Maurice Baker, Sim Kee Boon, S.R Nathan (hiện đang làm Tổng thống), và Ngiam Tong Dow đã đọc nhiều phần khác nhau của bản thảo và hiệu chỉnh hoặc xác nhận việc thu thập lại các sự kiện của tôi.
Những bản thảo của tôi cũng được Kishore Mahbubani (đại diện thường trực của Singapore tại Liên Hiệp Quốc), Chan Heng Chee (Đại sứ Singapore ở Washington), Bilahari Kausikan (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Tommy Koh (Đại sứ lưu động), và Lee Tsao Yuan (Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách) thẩm định. Lời khuyên quý báu của họ trên cương vị là những nhà ngoại giao, người cầm bút, giáo sư đại học đã giúp cho tôi làm cho cuốn sách này trọng tâm hơn.
Shova Loh, biên tập viên của tòa soạn Times chỉnh sửa tỷ mỉ bản thảo sau cùng.
Ba phụ tá riêng của tôi, Wong Lin Hoe, Loh Hock Teck và Koh Kiang Chay làm việc không biết mệt mỏi, họ thường ở lại làm việc cho đến chiều tối, ghi từng hiệu chỉnh và kiểm lại cho chính xác. Tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả những người nói trên và kể cả những người mà vì quá nhiều nên không thể nêu tên ở đây. Trách nhiệm đối với mọi sai sót còn lại đều thuộc về tôi.
Giống như quyển sách thứ nhất, vợ tôi – Choo, đã đọc lại từng trang nhiều lần cho đến khi cô ấy hài lòng rằng tất cả những gì tôi viết là rõ ràng và dễ đọc.
Biên tập viên ở Harper Collins, New York, đã Mỹ hóa một cách tỷ mỉ tiếng Anh của tôi. Cô ấy cũng sửa các lỗi từ chính trị. Bất cứ chỗ nào tôi viết “man”, cô ấy đều sửa thành “person” hoặc “people”. Tôi cám ơn cô ấy vì cô ấy đã làm cho tôi hình như ít trọng nam khinh nữ hơn dưới con mắt người Mỹ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.