Khi Mọi Điểm Tựa Đều Mất
Chương 1: Hạnh phúc là điều có thật hay không?
Hạnh phúc là ý nghĩa và mục tiêu duy nhất của cuộc sống – là cái đích mà con người hướng đến trong suốt đời mình.
Aristotle
Cách đây nhiều năm, tôi từng tham gia giảng dạy trong một buổi hội thảo chuyên đề về sự thành công và tôi đã yêu cầu những người có mặt ở đó hãy viết ra “100 điều mà mình mong muốn”. Mọi người bắt đầu liệt kê những ước mơ lớn nhỏ của mình vào một tờ giấy được chia làm ba cột. Sau đó, khi chia sẻ những mơ ước đó với nhau, tất cả chúng tôi đều không khỏi ngạc nhiên: người thì thích được lặn ở dải đá ngầm Great Barrier ở Úc, người thì muốn sở hữu một chiếc Mercedes SL600 màu trắng kem với bánh xe bằng hợp kim bạc, người lại thích khiêu vũ tại Nhà Trắng hoặc du lịch vòng quanh thế giới. Cao xa hơn, có người muốn mình là nhân vật xuất chúng được nhiều người ngưỡng mộ, muốn xuất hiện trên trang bìa của tờ tạp chí Time nổi tiếng, cũng có người ao ước mình có thể chấm dứt nạn đói đang hoành hành ở nhiều nơi, chấm dứt chiến tranh và mang lại hòa bình cho thế giới.
Tôi chỉ thấy vài người ước mơ “được hạnh phúc” – và tôi vô cùng ngạc nhiên vì sao nhiều người lại có thể bỏ qua ước muốn thật sự ý nghĩa này. Đó chẳng phải là đích đến cuối cùng của đời người hay sao? Đạt được tất cả những gì mà mình mong muốn chẳng phải là để được hạnh phúc đấy sao?
Thỉnh thoảng tôi xem lại những mảnh giấy ấy và tự hỏi sao con người lại không cụ thể hóa mục đích của đời mình mà lại đi một đường vòng xa xôi như thế? Những ước mơ ấy dù vĩ đại và tuyệt vời thế nào đi chăng nữa thì chúng vẫn chưa phải là mục đích cuối cùng để con người hướng đến.
Hạnh phúc là một cảm giác rất tuyệt vời, rất thôi thúc mà không ai có thể cưỡng lại được. Dù bạn có nhận ra hay không thì tất cả những nỗ lực của bạn đều hướng đến một mục đích cuối cùng chính là được hạnh phúc. Trong cuộc sống của con người, theo Thiên Chúa giáo hạnh phúc được xem là hiện thân cho sự chở che của Chúa, là điểm khởi đầu và kết thúc của cuộc sống loài người. Triết gia cổ Hy Lạp Aristotle đã gọi hạnh phúc là mục tiêu tối thượng của con người.
Rất nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy: những người cảm nhận được niềm hạnh phúc có cuộc sống khỏe khoắn hơn, tuổi thọ cao hơn và có nhiều mối quan hệ tốt đẹp hơn, bất kể sự khác nhau về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc, độ tuổi hay quan niệm sống.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được niềm hạnh phúc đích thực. Số liệu thống kê cho thấy như sau:
• Chưa đến 30% những người được khảo sát nói rằng họ thật sự hạnh phúc.
• 25% người Mỹ và 27% người châu Âu cho biết họ đang gặp khủng hoảng về tinh thần.
• Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán: trước năm 2020, trạng thái căng thẳng tinh thần sẽ được xếp vào danh sách những căn bệnh đáng lo ngại nhất trên thế giới chỉ sau bệnh tim.
Mặc dù cuộc sống của chúng ta ngày càng được cải thiện và có nhiều điều kiện tốt hơn nhưng chúng ta vẫn không cảm thấy hạnh phúc thật sự. Càng đầy đủ, càng sung túc, chúng ta càng cảm thấy mệt mỏi và quá tải.
Ở quyển sách này, bạn đừng nghĩ là tôi sẽ chỉ cho bạn cách kiếm thật nhiều tiền, cách để thành công hơn hay nổi tiếng hơn. Tôi chỉ mong muốn được chia sẻ cùng bạn một điều rất có ý nghĩa mà tôi vẫn luôn tìm kiếm gần như suốt cả đời mình, đó là: Làm thế nào để ta có thể hạnh phúc thật sự?
Người không hạnh phúc
Lúc nhỏ, tôi từng tưởng tượng rằng khi lớn lên, tôi sẽ sống trong một ngôi nhà tuyệt đẹp, sẽ có một người chồng tuyệt vời và một công việc thật tốt. Bên cạnh đó, tôi còn hình dung sức khỏe của mình luôn mỹ mãn và cuộc sống thì chỉ toàn niềm vui. Như vậy, đương nhiên tôi là người hạnh phúc!
Để có được cuộc sống như mong muốn, tôi biết mình phải nỗ lực rất nhiều. Dù đã xác định mục tiêu nhưng tôi không biết mình sẽ phải làm những gì để đạt được hạnh phúc. Điều tôi biết chắc là lúc ấy tôi không hạnh phúc. Từ nhỏ, tôi đã luôn cảm thấy lo lắng. Lúc lên năm, trong khi bạn bè ai cũng chăm chú theo dõi các chương trình trò chơi thiếu nhi trên truyền hình thì tôi cứ mãi đắm chìm trong mớ bòng bong về tình hình thế giới. Khi lên bảy tuổi, tôi bắt đầu hỏi cha mẹ về sự hiện diện của Chúa cũng như những bí ẩn của thế giới tâm linh; và rồi tôi cảm thấy rất thất vọng khi không nhận được những câu trả lời thỏa đáng. Khi xem lại album ảnh gia đình, tôi thấy các anh chị của mình đều rất tự nhiên, xinh tươi và hào hứng khi chụp ảnh, còn tôi thì trông thật ủ rũ và lạc lõng.
Mặc dù biết mình vốn không phải là cô bé vui vẻ, nhưng sâu thẳm trong suy nghĩ, tôi không hề muốn chấp nhận cách sống này. Linh cảm trong tôi mách bảo rằng mình phải theo đuổi con đường tìm đến hạnh phúc. Năm mười một tuổi, tôi nhớ có lần đã lén vào phòng của chị và mượn một quyển sách. Tôi cố chọn quyển mỏng nhất vì đọc khá chậm, rồi chạy ra ngoài vừa nằm phơi nắng vừa đọc sách. Đó là quyển Siddhartha của Hermann Hesse – kể về một vị hoàng tử người Ấn Độ cách đây hơn hai nghìn năm đã khát khao tìm kiếm chân lý trong sự cứu rỗi, là con đường đi đến hạnh phúc đích thực. Chỉ mới đọc được nửa quyển sách, tôi đã bật khóc vì biết giờ đây mình không cô đơn. Vẫn có một người nào đó, ở một nơi nào đó trên thế giới này chia sẻ cùng tôi những trăn trở mà tôi đau đáu trong lòng. Và quyển sách ấy chính là động lực thôi thúc tôi theo đuổi đến cùng ước mơ của mình.
Trong lúc bạn bè say sưa với những vũ điệu cổ động sôi nổi cho các phong trào ở trường thì tôi đăng ký tham gia khóa học phát triển các kỹ năng của bản thân. Khi mười ba tuổi, tôi có dịp được nghe Zig Ziglar diễn thuyết. Nghe ông kể chuyện và tiết lộ những bí quyết thành công, tôi cảm thấy rất phấn chấn và thích thú. Từ đó tôi bắt đầu đam mê nghề diễn thuyết. Vào đầu thập niên 70 thì điều này nghe có vẻ lạ đối với một thiếu nữ mới lớn. Tuy vậy, tôi vẫn không từ bỏ lý tưởng của mình. Tôi hình dung một ngày nào đó mình sẽ đứng trên khán đài và diễn thuyết trước rất nhiều khán giả. Bằng những câu chuyện và cách diễn đạt của mình, tôi sẽ truyền cảm hứng giúp họ thay đổi cuộc sống và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. Bố mẹ tôi đều ủng hộ sự lựa chọn này tuy rằng bố tôi là một nha sĩ và ông rất muốn con mình nối nghiệp. Còn mẹ thì nói với tôi rằng: “Mẹ tin vào khả năng của con, rồi con sẽ đạt được điều mà mình mong muốn”.
Trên kệ sách của tôi lúc bấy giờ, những quyển sách tâm lý đầy chất nhân văn đã thay chỗ cho những quyển truyện về thám tử nhí Nancy Drew một thời tôi yêu thích. Tôi đọc say sưa. Khi bước vào tuổi mười sáu, tôi bắt đầu tập ngồi thiền mỗi ngày và chưa đầy hai mươi tuổi đã trở thành giáo viên hướng dẫn phương pháp thiền. Mặc dù thiền định đã tác động sâu sắc đến cuộc sống của tôi nhưng trong tôi vẫn còn một câu hỏi lớn chưa có lời giải đáp, và tôi vẫn đang cố tìm kiếm nó.
Ngày qua ngày, tôi vẫn cháy bỏng khát khao trở thành diễn giả. Tôi nỗ lực rất nhiều và từng bước tiến đến mục tiêu. Tôi lập nên một kế hoạch chi tiết, trong đó ghi chú rõ tất cả những việc liên quan đến mục tiêu của mình. Đó là những bước tiến mà sau khi nỗ lực đạt được, tôi đều nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng. Chẳng hạn, sau khi lấy bằng thạc sĩ, tôi tìm được một công việc rất tốt: phó giám đốc marketing cho một công ty chuyên kinh doanh pha lê của Áo. Công việc của tôi là đào tạo và truyền đạt cho nhân viên tất cả những gì bản thân đã đúc kết được từ cuộc sống: nghệ thuật tạo sự thu hút, cụ thể hóa những đề xuất của mình và cách kiềm chế những suy nghĩ cảm tính bên trong con người, hay cách vượt qua những rào cản để hướng đến mục tiêu. Tôi rất yêu thích công việc này vì nó đã giúp tôi rèn luyện nhiều tố chất mà tôi hằng mơ ước.
Dần dần, tôi trở thành chuyên viên đào tạo nhân sự cho các công ty hàng đầu của Mỹ. Sau đó, tôi được mời diễn thuyết tại hội nghị toàn quốc của một công ty, trước rất đông khán giả nữ. Mỗi bước đường thăng tiến trong sự nghiệp đều mang lại cho tôi niềm hãnh diện và sự sung túc, nhưng tôi vẫn chưa thấy mình thật sự hạnh phúc. Tôi cảm thấy cuộc sống của mình dường như vẫn còn thiếu một điều gì đó.
Tôi đoán vấn đề nằm ở những đề tài diễn thuyết của mình. Do đó, thay vì nhận lời tham gia các buổi hội thảo về sự thành công, tôi chuyển sang đề tài về lòng tự trọng và sự tự chủ. Mỗi ngày, tôi diễn thuyết trước khoảng 200 – 300 phụ nữ. Tôi làm việc với cường độ khá cao từ bảy giờ sáng đến tận giữa trưa, sau đó lại nhảy lên xe và đi suốt ba giờ để đến địa điểm kế tiếp – ngày nào cũng với lộ trình như thế. Công việc tuy mệt mỏi nhưng tôi cảm thấy thật tuyệt vời. Tôi thích diễn thuyết trước khán giả của mình và nhìn những gương mặt bừng sáng khi họ cảm nhận được những điều tôi nói. Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy như thế là chưa đủ – tôi muốn được diễn thuyết trước nhiều người hơn nữa.
Tôi xuất hiện trên ti-vi cũng như các đài phát thanh để diễn thuyết và được tiếp đón như một ngôi sao. Tôi từng được đưa rước đến nơi diễn thuyết trên một chiếc Limo trắng và bên dưới, tám nghìn khán giả đang náo nức chờ đợi lắng nghe những điều tôi nói. Trong suốt chương trình của một hội thảo kéo dài ba ngày, hàng nghìn phụ nữ đứng xếp hàng dọc theo lối vào để chờ tôi đề tặng vào quyển sách mà họ vừa mua. Cứ sau mỗi giờ như thế, một chuyên gia mát-xa phải giúp tôi thư giãn gân cốt. Rất nhiều khán giả phải vượt những chặng đường dài mới đến được đây và tôi rất biết ơn họ. Nhiều phụ nữ nói rằng sách của tôi đã làm thay đổi, thậm chí là cứu lấy cuộc sống của họ. Tôi rất xúc động vì mình đã giúp ích được cho mọi người. Vậy mà mỗi đêm sau khi quay về khách sạn, ngả lưng ra giường, trong tôi chỉ còn nỗi mệt mỏi và kiệt sức; ánh hào quang của sân khấu không khỏa lấp hết những trống trải trong tôi.
Có phải bạn cho rằng tôi quá tham lam hay đang làm to chuyện? Không đâu. Tôi đã từng ngồi xem từ đầu đến cuối nhiều chương trình E! True Hollywood Story (Những câu chuyện thực về Hollywood) và xúc động trước những câu chuyện buồn của những người nổi tiếng. Tôi cũng không khác họ, giờ đây tôi đã biết rằng nổi tiếng không đồng nghĩa với sự mãn nguyện và hạnh phúc thật sự.
Tôi nhận ra mình đang đối mặt với một vấn đề lớn. Dù đã có bao nhiêu thứ trong tay, kể cả cuộc hôn nhân hạnh phúc với Sergio, tôi vẫn thấy mình trống rỗng. Cách sống của tôi không còn phù hợp nữa, những suy nghĩ trong tôi không giúp tôi cảm nhận được cuộc sống với đầy đủ những cung bậc mà tôi mong muốn. Đã đến lúc tôi phải thay đổi.
Trong suốt một khoảng thời gian dài, tôi đã từng nghĩ hạnh phúc xuất phát từ những gì tôi có, những gì tôi đạt được do nỗ lực của bản thân. Nhưng thực tế lại khác. Có lẽ, hạnh phúc không xuất phát từ bất cứ điều nào trong số ấy.
Đó là lúc tôi tìm cho mình ý tưởng mới: “Hạnh phúc tự thân”, và bắt đầu thực hiện ý tưởng này thông qua những nghiên cứu và khảo sát đã tiến hành trước đó. Tôi nhận ra rằng cảm xúc hạnh phúc của mình tăng lên đáng kể. Tôi càng lúc càng cảm nhận rõ hơn sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn. Tôi nghêu ngao hát cả ngày và cảm thấy trân trọng mọi người xung quanh. Và chính bạn bè tôi cũng nhận thấy những thay đổi này. Trong tôi dâng tràn một cảm giác sảng khoái như thể mình vừa đoạt giải Nobel vậy.
Từ những trải nghiệm của mình, tôi phát hiện ra một điều – điều này đã làm thay đổi con đường tìm đến niềm hạnh phúc của tôi và giải thích được vì sao trước đây hạnh phúc luôn nằm ngoài mọi nỗ lực của tôi.
Vì sao có những người hạnh phúc hơn những người khác?
Nếu tôi và bạn đang ngồi thưởng thức ly trà nóng ở một quán nước ven đường và tôi hỏi: “Bạn có cảm thấy mình hạnh phúc không ?”, bạn sẽ trả lời như thế nào?
Rất ít người trả lời rằng: “Tất nhiên rồi – tôi rất hạnh phúc”.
Nhiều người lại có câu trả lời là: “Cũng đôi khi…”.
Nhưng tôi dám cá là ít nhất có một nửa trong số các bạn trả lời rằng: “Không! Tôi không thật sự hạnh phúc”.
Một số ít người luôn cảm thấy cuộc sống của họ rất hạnh phúc dù cho có điều gì xảy ra đi nữa, trong khi đối với những người khác, họ không tìm thấy hạnh phúc dù đã cố gắng rất nhiều. Phần lớn chúng ta nằm ở giữa hai trạng thái đó.
Người ta tiến hành một cuộc khảo sát những người may mắn trúng số độc đắc – điều mà nhiều người vẫn nghĩ là vận may trời cho. Trong vòng một năm, những người may mắn đó đều quay trở lại giới hạn hạnh phúc trước kia – trước khi họ hay tin mình trúng số độc đắc. Đối với những người bị liệt thì cuộc khảo sát cũng cho kết quả tương tự: trong khoảng một năm sau khi phát bệnh, họ đều tìm lại được cảm giác hạnh phúc trước khi mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, bất kể bạn gặp phải chuyện may rủi nào trong cuộc sống, bạn vẫn luôn có xu hướng quay lại mức độ cảm nhận hạnh phúc mà mình đã từng có.
Những cuộc nghiên cứu về sau đã chỉ ra ba trường hợp ngoại lệ: mất người bạn đời – nỗi đau này cần một thời gian dài để vượt qua, bị thất nghiệp dài hạn, và trong trường hợp rơi vào khủng hoảng về tài chính.
Chắc bạn đang nghĩ: “Nếu giới hạn hạnh phúc của tôi là cố định, vậy làm sao tôi biết mức độ của nó đến đâu?”. Tiến sĩ David Lykken – nhà khoa học của trường Đại học Minnesota – cũng đã đặt ra một câu hỏi tương tự. Để xác định giới hạn hạnh phúc của con người bao nhiêu là có sẵn và bao nhiêu là tự tạo, Lykken cùng nhóm nghiên cứu của mình đã tiến hành nghiên cứu rất nhiều cặp song sinh cùng trứng nhưng được nuôi dạy tách biệt. Sau nhiều cuộc khảo sát, họ phát hiện khoảng 50% giới hạn hạnh phúc của con người là có sẵn, phần còn lại là do chúng ta tích lũy. Điều này có nghĩa là một nửa xúc cảm hạnh phúc của bạn có được là vốn trời cho, một nửa còn lại là bạn đúc kết được từ những trải nghiệm trong cuộc sống của mình.
Trong một báo cáo gần đây về các cuộc nghiên cứu giới hạn của hạnh phúc, những nhà tâm lý học như Sonja Lyubomirsky, Kennon Sheldon và David Schaade đã xác nhận kết luận của Lykken: 50% giới hạn hạnh phúc được quy định do kiểu gen. Nhưng ngạc nhiên và gây chú ý hơn cả là thông tin họ đưa ra về 50% còn lại: chỉ 10% trong số đó là phụ thuộc vào những yếu tố như: sự giàu có, tình trạng hôn nhân và công việc. Còn lại 40% cuối cùng là kết quả của những suy nghĩ, cảm giác, ngôn từ và hành động của con người. Điều này giải thích vì sao bạn có thể nâng cao giới hạn hạnh phúc của mình. Mọi việc cũng giống như bạn điều chỉnh bộ ổn nhiệt để tìm cảm giác ấm áp trong một ngày đông lạnh lẽo vậy: bạn hoàn toàn có khả năng gia tăng giới hạn hạnh phúc của mình để đạt đến hạnh phúc mỹ mãn.
Kết quả của cuộc nghiên cứu này đã làm thay đổi hoàn toàn những suy nghĩ trước đây của chúng ta về hạnh phúc. Chúng ta đã dành hết cả cuộc đời mình để tìm kiếm nó, khát khao nó và cố gắng làm tất cả những việc mà ta nghĩ sẽ mang lại cho ta hạnh phúc: sự sung túc, sắc đẹp, công việc, các mối quan hệ tốt… Nhưng sự thật là để có được hạnh phúc đích thực, tất cả những điều bạn cần làm là nâng cao giới hạn hạnh phúc của mình mà thôi.
Chuỗi hạnh phúc
Một ngày nọ, trong lúc ngồi biên soạn lại những thu thập của mình, tôi tổng hợp các tài liệu lại với nhau và nhận ra hạnh phúc cũng thay đổi theo một chu trình như sau:
Không hạnh phúc: Khi cuộc sống không còn hứng thú nữa, lúc nào bạn cũng trong tâm trạng lo lắng, mệt mỏi và chán nản. Sở dĩ có cảm giác này là do bạn phải liên tục chịu đựng sự giày vò, tuyệt vọng đến nỗi cuộc sống của bạn bị đảo lộn hoàn toàn. Trong trường hợp này, bạn cần tham vấn các chuyên gia tâm lý.
Hạnh phúc vì những điều giả tạo: Khi con người cảm thấy rằng mình không hạnh phúc, họ thường tìm quên trong những khoái cảm của chất gây nghiện, tình dục, rượu chè, cờ bạc hay sa vào tình trạng thèm ăn hoặc xem ti-vi không thể kiểm soát được. Loại hạnh phúc này thực chất chỉ là giả tạo: bạn cố trốn chạy cảm giác mất mát, không trọn vẹn bằng các thú tiêu khiển để tận hưởng những lạc thú nhất thời.
Hạnh phúc vì những điều tốt đẹp: Đây là hạnh phúc mà mọi người vẫn thường mơ ước: gia đình ấm êm, bạn bè yêu mến, thành công trong công việc, tình hình tài chính vững vàng, có một ngôi nhà đẹp, một chiếc xe đẹp hay có cơ hội phát huy những thế mạnh và tài năng của mình. Đó là cảm giác hài lòng và mãn nguyện khi bạn tận hưởng những điều mình hằng ao ước.
Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi, là lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài của cảm giác hạnh phúc. Bởi một khi những tiện nghi đó mất đi, xúc cảm hạnh phúc trong ta cũng không còn hiện hữu.
Hạnh phúc tự thân: Đây mới chính là hạnh phúc trọn vẹn – một cảm giác ấm êm, thanh thản và yên ả từ sâu thẳm tâm hồn. Đó là một cảm giác bình yên mà không có điều gì bên ngoài có thể chi phối được.
Hạnh phúc đích thực không phải là cảm xúc hân hoan, thích thú hay những phút giây tuyệt đỉnh kéo dài không bao giờ phai nhạt. Và cũng không phải chỉ với một nụ cười mãn nguyện hay cảm xúc thăng hoa trong bất chợt là có thể biểu trưng được cho nó. Sự thật là khi bạn có được niềm hạnh phúc này, đừng ngạc nhiên vì ở bạn vẫn tồn tại những cảm xúc tiêu cực của nỗi buồn, sự sợ hãi, tức giận và thậm chí cả đớn đau nữa – nhưng từ trong tâm hồn, bạn vẫn cảm nhận được sự thanh thản và bình yên đến tuyệt đối.
Một khi đạt được niềm hạnh phúc trọn vẹn, bạn sẽ hòa quyện niềm hạnh phúc đó vào những trải nghiệm của chính mình chứ không phải cố gắng tìm kiếm xúc cảm hạnh phúc từ chúng. Bạn cũng không cần làm tất cả mọi việc chỉ để có được hạnh phúc. Bạn sống vì niềm hạnh phúc thật sự hiện hữu trong con người bạn chứ không phải sống để kiếm tìm hạnh phúc.
Đây là một quan niệm mang tính cách mạng. Phần lớn mọi người đều mong muốn có được niềm hạnh phúc từ những điều tốt đẹp – kết quả của những phút giây thăng hoa trong cuộc sống mà họ đúc kết được – cũng giống như khi bạn xâu những hạt chuỗi lại với nhau, hy vọng tạo nên một chuỗi hạt tuyệt đẹp.
Chúng ta thường phải mất rất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm những hạt chuỗi thành công, cốt để xâu thành sợi dây hạnh phúc. Nhưng cho dù những hạt chuỗi của bạn là đẹp, xấu hay xoàng xĩnh đi nữa thì nhất định bạn phải có một sợi dây để xâu chúng lại. Sợi dây đó chính là một nội tâm thanh thản, bình yên. Khi đó, bạn mới có được chuỗi hạt hạnh phúc.
Hạnh phúc không được cảm nhận bằng những giác quan thông thường. Nó không phác họa trước mắt bạn một cuộc sống hoàn hảo mà nó chỉ ra cho bạn thấy rằng dù cuộc sống có khó khăn, chông gai đến thế nào thì bạn vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc thật sự trong tim mình.
Rumi – một nhà thơ ở thế kỷ 13 đã viết rằng:
“Hạnh phúc – không là kết quả của những chuyện xảy ra.
Hơi ấm – không bắt nguồn từ ngọn lửa hay một dòng suối nóng.”
Tôi luôn nhận được những câu trả lời giống nhau khi hỏi mọi người về những cảm giác mà họ có được khi có được niềm hạnh phúc tự thân:
• Cảm giác nhẹ nhàng, thư thái và đầy niềm tin
• Cảm thấy mình năng động và tràn đầy nhiệt huyết
• Cởi mở và dung hòa
• Yêu thương bản thân và những người xung quanh
• Khát khao cuộc sống và mục tiêu đã định
• Bao dung và biết ơn
• Có cái nhìn thiện cảm và yên bình với cuộc sống
• Đối diện với sự thật, không trốn chạy
Matthieu Ricard – một nhà khoa học người Pháp đã trở thành tu sĩ Phật giáo cách đây hơn ba mươi năm – được nhiều người tôn vinh là “người hạnh phúc nhất trên thế giới”. Trong quyển sách của mình có tựa đề Happiness: A Guide to Developing Life’s Most Important Skill (tạm dịch: Hạnh phúc – Lời khuyên để phát triển một kỹ năng quan trọng nhất của cuộc sống), Ricard đã đưa ra một định nghĩa khá rõ về “niềm hạnh phúc tự thân” như sau: “Hạnh phúc đối với tôi là những xúc cảm khác biệt dấy lên trong một tâm trí thuần khiết. Nó không đơn thuần là cảm giác hài lòng, thích thú; cũng không phải là những xúc cảm phù du hay thoáng qua mà là một trạng thái ổn định và vững bền nhất”.
Bạn đã tìm được hạnh phúc đích thực chưa?
Bảng câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn biết là mình đã có được cảm giác hạnh phúc tự thân hay chưa. Mặc dù có thể trước đây bạn đã từng làm nhiều dạng khảo sát như thế này nhưng đa phần đều đánh giá mức độ hạnh phúc dựa trên những sự việc xảy ra trong cuộc sống (công việc, các mối quan hệ…) và bạn hài lòng như thế nào về chúng. Loại khảo sát như vậy chỉ để hiểu rõ hơn về “hạnh phúc vì những điều tốt đẹp”. Trong khi đó, bảng khảo sát này sẽ giúp bạn nhận ra mình đang đi đến đâu trên con đường tìm kiếm niềm hạnh phúc đích thực.
Bảng khảo sát dưới đây lấy ý tưởng từ “Thước đo mức độ hạnh phúc và sự khỏe mạnh” – một phần trong bảng điều tra về những dạng xúc cảm của con người do Auke Tellegen, chuyên gia tâm lý của Đại học Minnesota biên soạn nhằm giúp các nhà nghiên cứu xác định giới hạn hạnh phúc. Khi tiến hành trả lời những câu hỏi sau, bạn hãy hình dung những tác động của nó đến bản thân mình một cách toàn diện nhất.
BẢNG CÂU HỎI ĐỂ XÁC ĐỊNH MỨC ĐỘ “HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC”
Đánh giá các lựa chọn theo bậc từ 1 đến 5:
1 = Sai
2 = Hơi đúng
3 = Khá đúng
4 = Gần đúng
5 = Hoàn toàn đúng
1. Tôi cảm thấy hạnh phúc và hài lòng mà không vì một lý do đặc biệt nào.
1 2 3 4 5
2. Tôi cảm nhận được từng khoảnh khắc của cuộc sống.
1 2 3 4 5
3. Tôi thấy mình năng động và đầy sức sống.
1 2 3 4 5
4. Tôi cảm nhận được sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn.
1 2 3 4 5
5. Cuộc sống là những tháng ngày phiêu lưu tuyệt vời.
1 2 3 4 5
6. Tôi không để những chuyện buồn khiến mình phải gục ngã.
1 2 3 4 5
7. Tôi tự tin với những điều mình đã làm.
1 2 3 4 5
8. Cuộc sống của tôi đầy ắp nụ cười và niềm vui.
1 2 3 4 5
9. Tôi tin tưởng thế giới mình đang sống là một nơi bình yên và thân thiện nhất.
1 2 3 4 5
10. Tôi tìm kiếm những bài học cũng như những món quà mà cuộc sống mang lại.
1 2 3 4 5
11. Tôi sẵn sàng tha thứ và bao dung.
1 2 3 4 5
12. Tôi yêu mến bản thân mình.
1 2 3 4 5
13. Tôi tìm kiếm những điều tốt ẩn chứa bên trong mỗi người.
1 2 3 4 5
14. Tôi thay đổi những điều tôi có thể và chấp nhận những chuyện tôi không thể nào thay đổi được.
1 2 3 4 5
15. Tôi tìm đến và trân trọng những người giúp đỡ tôi.
1 2 3 4 5
16. Tôi không buộc tội hay than phiền về ai.
1 2 3 4 5
17. Những ý nghĩ tiêu cực không chi phối được tôi.
1 2 3 4 5
18. Tôi cảm thấy biết ơn cuộc sống và mọi người.
1 2 3 4 5
19. Tôi cảm nhận được sợi dây liên kết tôi với một thế lực nào đó cao hơn, mạnh hơn.
1 2 3 4 5
20. Những mục tiêu tôi đặt ra đã bồi đắp niềm tin của tôi vào cuộc sống.
1 2 3 4 5
Phần tính điểm:
Từ 80-100 điểm: Xin chúc mừng, bạn đang có được niềm hạnh phúc tự thân.
Từ 60 -79 điểm: Bạn đang từng bước tiến đến cảm giác hạnh phúc tự thân.
Từ 40-59 điểm: Bạn bắt đầu có những trải nghiệm về hạnh phúc tự thân.
Dưới 40 điểm: Bạn chỉ mới có hiểu biết về khái niệm “hạnh phúc tự thân”.
Dù đạt điểm bao nhiêu thì bạn cũng đang tiến gần hơn với niềm hạnh phúc đích thực. Như tôi đã nói: không quan trọng là bạn bắt đầu từ đâu mà quan trọng bạn có bắt đầu hay không. Một khi bạn đọc hết quyển sách này và thực hiện bảy bước diệu kỳ được hướng dẫn để tìm ra niềm hạnh phúc đích thực, bạn hãy quay lại với bảng câu hỏi này. Cứ thế, nó sẽ giúp bạn nhận ra những thay đổi trong quá trình bạn thực hiện để vươn đến giới hạn cao nhất của hạnh phúc.
Hạnh phúc đích thực – những xúc cảm tự nhiên
Hạnh phúc đích thực không phải là một ý tưởng suông. Trong những chương sau, tôi sẽ giải thích rõ hơn về điều này: nó không mơ hồ mà rất cụ thể và đã được các nhà khoa học nghiên cứu bằng các liệu pháp tâm lý thông qua những hoạt động riêng biệt của bộ não, nhịp tim và sự chuyển hóa của các chất trong cơ thể.
Các nhà khoa học cho rằng mỗi suy nghĩ của con người đều tác động trở lại vào cơ thể chúng ta. Khi kiểm tra sức khỏe của những ai đang sống trong hạnh phúc, kết quả đều cho thấy những biểu hiện rất tốt: các hoạt động của vỏ não trước mạnh hơn, điện tâm đồ ổn định hơn, đồng thời có sự chuyển hóa liên tục của các nội tiết tố như oxytocin, serotonin, dopamine và endorphin giúp tạo nên cảm giác thư thái và dễ chịu.
Mặc dù khoa học hiện đại mới bắt đầu nghiên cứu và khám phá chiều sâu của xúc cảm hạnh phúc đích thực nhưng trong thực tế, nó đã xuất hiện từ rất lâu ở hầu hết những nền văn hóa hay tín ngưỡng của nhân loại. Trong đạo Phật, người ta gọi nó là “cõi Niết bàn”; còn ở Thiên Chúa giáo là “thiên đường bên trong tâm hồn”, và với đạo Do Thái mọi người gọi nó là ashrei – một “cảm giác bình yên và thiêng liêng ẩn chứa trong con người”. Với đạo Hồi, nó có tên falah nghĩa là “hạnh phúc và yên bình”; và với đạo Hindu, nó được gọi là ananda hay “niềm hạnh phúc thuần khiết”. Mọi tôn giáo đều xem nó như một cảnh giới thiêng liêng cao nhất khi con người được giác ngộ hay tự mình khám phá ra.
Khái niệm về “hạnh phúc tự thân” khiến cho những người lần đầu tiếp cận với nó đều phải suy nghĩ rất nhiều. Có lẽ, chúng ta đều cảm nhận được bằng trực giác của mình rằng, điều mà bản thân chúng ta khao khát nhất chính là hạnh phúc – một cảm giác hạnh phúc đích thực và trọn vẹn. Và bạn không cần tìm kiếm ở đâu xa – vì nó tồn tại và hiện hữu ngay bên trong mỗi người. Những phần sau của quyển sách này sẽ giúp bạn quay trở về trạng thái tự nhiên và mong đợi đó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.