Khi Mọi Điểm Tựa Đều Mất
Chương 10: Kế hoạch hạnh phúc cho cuộc đời
Bạn chỉ có thể sống một cuộc đời hạnh phúc thật sự khi bạn biết vun xới cho hạnh phúc của mình mỗi ngày.
Margaret Bonnano
“Hạnh phúc mãi mãi” không phải là điều chỉ có trong những câu chuyện cổ tích hay chỉ dành cho số ít người may mắn. Tất cả chúng ta đều có thể sở hữu niềm hạnh phúc ấy nếu chúng ta biết rèn luyện mỗi ngày. Sau đây là tóm tắt bảy bước bạn vừa thực hiện để xây nên ngôi nhà hạnh phúc cho mình, kèm theo đó là những thói quen mà bạn cần song song rèn luyện.
Những thói quen hạnh phúc
Nền móng của ngôi nhà – Niềm hạnh phúc đích thực
1. Tập trung giải quyết vấn đề: Dựa trên nền tảng những giải pháp đã có sẵn để cải thiện từng vấn đề trong cuộc sống của bạn.
2. Đón nhận những bài học và món quà từ cuộc sống: Thay vì buộc tội đối phương hay tự nhận lỗi về mình, hãy mong chờ và đón nhận những bài học cũng như món quà mà cuộc sống mang lại ẩn chứa trong từng tình huống, từng sự việc xảy ra.
3. Duy trì sự thanh thản và bình yên cho tâm hồn: Chấp nhận quá khứ và hướng đến tương lai.
Cột trụ của tinh thần – Đừng tin vào những suy nghĩ chủ quan
4. Tự vấn về những suy nghĩ của bản thân: Tự vấn những suy nghĩ hay đức tin của mình để xác định bạn có đang tiếp cận với sự thật hay không.
5. Vượt qua rào cản tinh thần và tiến về phía trước: Loại bỏ những ý nghĩ và cảm giác tiêu cực.
6. Hướng tinh thần đến niềm vui và hạnh phúc:
Tập trung vào những ý nghĩ giúp bạn đến gần hơn với hạnh phúc.
Cột trụ của con tim – Hãy để tình yêu lên tiếng
7. Lòng biết ơn: Tập trung vào những điều đáng trân trọng để phóng thích nguồn năng lượng từ trái tim.
8. Rèn luyện lòng bao dung: Thải hồi những xúc cảm tiêu cực người khác mang lại cho bạn giúp giải phóng những gánh nặng trong tim mình.
9. Nuôi dưỡng lòng yêu thương và biết quý trọng người khác: Rèn luyện thói quen san sẻ tình thương và những lời chúc tốt đẹp đến những người mà bạn tiếp cận.
Cột trụ của cơ thể – Những tế bào khỏe mạnh
10. Cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể: Cân bằng bộ não và các nội tiết tố bằng cách cung cấp những dưỡng chất cần thiết nhất cho cơ thể.
11. Tiếp năng lượng cho cơ thể: Vận dụng hơi thở, các động tác và chế độ nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao niềm tin yêu cuộc sống trong bạn.
12. Lắng nghe những thông điệp của cơ thể: Yêu thương và trân trọng bản thân mình.
Cột trụ của tâm hồn – Kết nối tâm hồn
13. Chủ động kết nối tâm hồn: Tận dụng khoảng thời gian tĩnh lặng khi đang cầu nguyện, đang thiền hay hòa mình vào thiên nhiên để trải lòng mình và trải nghiệm sự nối kết với tâm hồn của bạn.
14. Lắng nghe tiếng nói nội tâm: Tin tưởng vào sự sáng suốt của tâm hồn và dùng đó làm kim chỉ nam cho cuộc sống của bạn.
15. Tin tưởng vào sự diệu kỳ của cuộc sống: Mở lòng và hòa vào dòng chảy của cuộc sống.
Tạo dựng mái nhà – Sống vì một mục tiêu
16. Khám phá đam mê: Khám phá điều bạn cho là có ý nghĩa nhất đối với mình và hướng về niềm đam mê đó.
17. Theo dấu nguồn cảm hứng: Tập trung vào những điều bạn muốn và cho phép chúng dẫn dắt bạn.
18. Cống hiến vì một mục tiêu: Thực hiện lý tưởng phục vụ cộng đồng bằng nhiều cách khác nhau.
Thiết kế khu vườn – Củng cố các mối quan hệ tốt
19. Gắn bó với người có thái độ tích cực: Trân trọng những người trong cuộc đời bạn và vận dụng hiện tượng lan truyền cảm xúc để củng cố xúc cảm hạnh phúc trong bạn.
20. Đong đầy những lời động viên: Thiết lập một hệ thống hỗ trợ cho phép bạn kiên định vào những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống.
21. Nhìn nhận thế giới như một đại gia đình: Cảm nhận tình thương và sự chan hòa với tất cả mọi người.
Nếu muốn những thói quen hạnh phúc trở thành một phản xạ tự nhiên thì bạn cần phải rèn luyện và thực hành. Bộ não con người cần thời gian và sự rèn luyện để hình thành nên những rãnh khía mới giúp bạn tiến gần hơn với những cung bậc hạnh phúc. Có một vài gợi ý cho bạn như sau:
1. Ghi nhớ 3 nguyên tắc dẫn đường
2. Thực hiện những bước tiến chậm rãi, từ tốn
3. Thiết lập hệ thống hỗ trợ
Ghi nhớ 3 Nguyên tắc dẫn đường
Nguyên tắc đầu tiên: “Điều gì khiến bạn mở lòng sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn” – bạn có thể áp dụng nguyên tắc này bằng cách vận dụng hệ thống định vị của bản thân để có những chọn lựa đúng đắn nhất cho cuộc sống của mình.
Tiếp nhận nguyên tắc thứ hai “Thế giới xung quanh luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn” bằng cách đặt cho bản thân một câu hỏi bất kỳ khi nào thấy cần: “Những chuyện đang xảy ra có nhằm hướng đến một mục tiêu nào không? Và đó là gì?”.
Cách tốt nhất để vận dụng nguyên tắc thứ ba – “Những điều bạn trân trọng đều đáng được trân trọng” – là dựa vào công thức bí mật tôi đã đề cập đến trong chương 2: Ý định – Sự chú tâm – Không còn căng thẳng.
Ý định: Xác định rõ ràng những mục tiêu giúp bạn hướng về niềm hạnh phúc đích thực mỗi ngày.
Sự chú tâm: Duy trì động lực cho bản thân bằng cách thường xuyên tập trung vào mục tiêu hạnh phúc mà bạn đã chọn và rèn luyện trong những bài tập được nêu ra ở cuối mỗi chương.
Không còn căng thẳng: Trạng thái tĩnh tâm và thư thái đã hiện hữu trong chính con người bạn. Hãy thật thư giãn và tin tưởng rằng chúng đang được phát lộ trong bạn.
Quá trình này giống như khi bạn trồng một loài hoa: bạn gieo hạt (ý định), bạn tưới nước và bón phân cho nó (sự chú ý) và sau đó bạn thư giãn (không căng thẳng) vì biết rằng sau một thời gian, bạn sẽ nhìn thấy những bông hoa tuyệt đẹp.
Thực hiện những bước tiến chậm rãi, từ tốn cho sự thay đổi
Bạn không nhất thiết phải thực hiện những bước tiến xa để rút ngắn quá trình mà chỉ cần tiến hành từ tốn, chậm rãi và thường xuyên rèn luyện. Ở Nhật, họ gọi đây là kaizen – theo nghĩa đen có nghĩa là “cải tiến liên tục”. Triết lý kaizen nói rằng bạn có thể đạt được thành công lâu dài và vững vàng thông qua những bước tiến chậm mà chắc. Và đây cũng là cách giúp bạn đối diện với sự thay đổi trong tự tin.
Phần lớn chúng ta đều ngại phải thay đổi – ngay cả khi sự thay đổi đó là tốt cho bản thân. Thái độ lo ngại, e dè trước những đổi thay được giải thích dựa trên hệ sinh hóa của con người. Bộ não chúng ta thường phản ứng với những thay đổi bằng sự nghi ngờ, nặng hơn cả cảm giác sợ hãi khi phải đối mặt với nó. Để vượt qua rào cản này, bạn hãy thay đổi từng bước một, từ từ và liên tục để hệ thống cảnh báo lên não sẽ không bị kích hoạt, não bộ sẽ “thích ứng” mà không nghi ngờ.
Hơn nữa, khi bạn duy trì những bước thay đổi này liên tục, não sẽ bắt đầu hình thành những đường rãnh mới giúp bạn tiếp cận với niềm hạnh phúc đích thực. Dần dần, những thói quen mới sẽ trở thành những phản xạ không điều kiện và bạn sẽ thấy mình dễ dàng rèn luyện được nhân cách như mình mong muốn.
Thiết lập hệ thống hỗ trợ: Những nhân tố hạnh phúc
Để giúp cho quá trình này bớt căng thẳng và tạo cho bạn sự thích thú, bạn có thể động viên mọi người tham gia cùng mình – kêu gọi sự hỗ trợ từ bạn bè, người hướng dẫn, thầy cô. Rèn luyện những thói quen hạnh phúc cùng người khác giúp bạn tiếp nhận chúng một cách đầy đủ và trọn vẹn nhất.
Nhà sư phạm Edgar Dale của thế kỷ 20 đã xây dựng học thuyết như sau:
Chúng ta học được từ…
10% những gì chúng ta đọc
20% những gì chúng ta lắng nghe
30% những gì chúng ta nhìn thấy
50% những gì chúng ta lắng nghe và nhìn thấy
70% những gì chúng ta thảo luận với người khác
80% những gì chúng ta trải nghiệm
95% những gì chúng ta dạy người khác
Điều này có nghĩa bạn có thể nâng cao khả năng tiếp nhận những thông điệp từ quyển sách này lên bảy lần chỉ đơn giản thông qua việc thảo luận những vấn đề được đề cập trong đây cùng người khác. Sau đây là một số phương pháp hữu hiệu giúp bạn nhận được sự hỗ trợ từ mọi người:
1. Tìm một người bạn đang nắm giữ hạnh phúc đích thực, đóng vai trò như một người đồng đội: Có thêm người cùng rèn luyện những thói quen hạnh phúc sẽ giúp bạn không bị chệch hướng mục tiêu của mình. Khi có một ai đó ở bên cạnh động viên, khuyến khích bạn và cũng mong sự giúp đỡ từ bạn để họ có thể thật sự chú tâm, sẽ giúp cho mục tiêu nắm giữ hạnh phúc đích thực trở thành ưu tiên hàng đầu trong cuộc đời bạn. Hơn nữa, thêm một người bạn luôn đồng nghĩa với thêm nhiều tiếng cười và niềm vui thích.
2. Thành lập nhóm hỗ trợ: Nâng cao hiệu quả của sự hỗ trợ từ phía bạn bè bằng cách thiết lập một nhóm hỗ trợ, nơi mọi người tập họp thường xuyên – gặp trực tiếp hoặc gián tiếp qua điện thoại – để lắng nghe, chia sẻ lời khuyên và khuyến khích, động viên lẫn nhau. Nhóm sẽ giúp tất cả mọi thành viên cùng nâng cao giới hạn hạnh phúc. Mỗi buổi sinh hoạt, bạn có thể cùng bàn luận về một thói quen khác nhau. Sự hỗ trợ của nhóm sẽ tập trung sự chú tâm của bạn vào mục tiêu “hạnh phúc đích thực” và phát huy tầm ảnh hưởng của nó gấp nhiều lần.
3. Trao đổi ý kiến cùng một cố vấn đang nắm giữ hạnh phúc đích thực: Rất nhiều người đang trông cậy vào những cố vấn tinh thần – những chuyên gia giúp chúng ta định hướng cuộc đời – và tìm thấy ở họ sự hỗ trợ và động lực để đạt được những mục tiêu mà mình đã đặt ra. Vì vậy, hãy tiếp xúc với một người cố vấn đang nắm giữ hạnh phúc đích thực – họ sẽ hướng dẫn bạn nâng cao xúc cảm hạnh phúc của chính mình.
4. Tìm một hình mẫu của niềm hạnh phúc đích thực: Hình mẫu này sẽ là nhân tố ảnh hưởng tích cực và trực tiếp đến con đường đi tìm niềm hạnh phúc đích thực của bạn. Đối với một số tôn giáo, “tiếp cận và gần gũi với những con người có hiểu biết, khôn ngoan” được xem là một trong những bước quan trọng nhất giúp chúng ta nuôi dưỡng hạnh phúc cho chính mình.
Thế giới trong con mắt của chúng ta
Bạn nhìn nhận thế giới bằng lăng kính nào thì nó sẽ được phản ảnh như thế ấy. Khi bạn hạnh phúc, bạn sẽ thấy hạnh phúc hiện hữu. Khi bạn thất vọng, ủ rũ, bạn sẽ có cảm giác những xúc cảm đó cũng tồn tại xung quanh. Tôi rất tâm đắc một câu chuyện ngụ ngôn mô phỏng lời nhận định này như sau:
Ngày xửa ngày xưa trong ngôi làng nọ có một nơi được mọi người gọi là Ngôi nhà gương – khắp ngôi nhà được lắp đặt hàng nghìn tấm gương. Một chú chó nhỏ hạnh phúc khi biết về nơi này đã quyết định sẽ ghé thăm một lần. Đến nơi, chú ta ung dung bước lên từng bậc thang trên lối đi dẫn vào ngôi nhà. Chú ta nhìn xung quanh với đôi tai vểnh cao và chiếc đuôi ngoe nguẩy. Rất ngạc nhiên, chú chó nhỏ trông thấy rất nhiều những người bạn chó khác cũng đang vẫy đuôi mừng rỡ như mình. Chú ta nở một nụ cười thân thiện và nhận được rất nhiều nụ cười thân thiện, ấm áp từ những người bạn vô hình kia. Khi rời khỏi ngôi nhà, chú chó nghĩ: “Đây thật là một nơi tuyệt vời! Mình sẽ thường xuyên lui tới nơi tuyệt vời này”.
Cũng trong ngôi làng đó có một chú chó khác, không hạnh phúc và vui vẻ như chú chó kia, chú ta cũng quyết định ghé thăm Ngôi nhà gương. Chú chó lê từng bước chân nặng nề vào ngôi nhà, đầu cúi xuống thấp khi bước vào cửa. Khi chú ta trông thấy những con chó khác xung quanh đang trừng trừng nhìn vào mình, chú ta gầm gừ và cũng nhận lại những tiếng gầm gừ như thế. Bước ra khỏi ngôi nhà, nó nghĩ: “Nơi này thật tệ, mình sẽ chẳng bao giờ đến đây một lần nào nữa”.
Mọi người trên thế giới này chính là những tấm gương như trong Ngôi nhà gương ấy. Khi bạn nắm giữ được hạnh phúc đích thực, thế giới sẽ phản ánh niềm hạnh phúc đó trở lại chính bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.