Khi Mọi Điểm Tựa Đều Mất

Chương 8: Tạo dựng mái nhà – Sống vì một mục tiêu



Trong cuộc đời mỗi người có hai ngày quan trọng nhất – một là ngày chúng ta được sinh ra và hai là ngày ta nhận ra ý nghĩa thật sự của đời mình.

William Barclay

Những người hạnh phúc thấy được rằng họ có mặt ở thế giới này là vì một mục đích nào đó. Với từng khoảnh khắc trong cuộc đời, họ đều dâng tràn cảm hứng, sống đầy ý nghĩa và trọn vẹn theo một mục tiêu của riêng mình.

Vậy mục tiêu trong đời bạn là gì? Trái với những điều chúng ta vẫn thường nghĩ, mục tiêu không phải là công việc hay nghề nghiệp bạn đang làm mà nó mang nghĩa rộng và bao hàm hơn thế. Mục tiêu chính là sự khao khát, thôi thúc bạn làm một điều gì đó có ý nghĩa nhất trong đời mình. Chẳng hạn, mục tiêu của tôi là chia sẻ tình yêu thương và truyền cảm hứng đến mọi người nhằm giúp họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Các nghiên cứu về hạnh phúc đã chỉ ra những ai tìm thấy lý tưởng và mục tiêu trong đời mình đều sống hạnh phúc hơn những người không có mục đích rõ ràng. Theo nhà tâm lý học Edward Diener thuộc khoa tâm lý trường Đại học Illinois ở Urbana – Champaign thì nguyên liệu chính cho “bữa ăn hạnh phúc” chính là “tìm được ý nghĩa của cuộc đời… và những mục tiêu gắn liền với quá trình bạn khám phá thế giới xung quanh – những điều mang lại cho bạn cảm giác vui thú”.

Ý nghĩa, mục tiêu và công việc

Sống không có mục tiêu rõ ràng cũng giống như ngôi nhà có mái chênh vênh, xiêu vẹo và lẽ dĩ nhiên, nó sẽ không thể chống chọi với những cơn gió mạnh của cuộc đời. Cuộc sống của bạn sẽ bị đe dọa từng ngày. Theo nghiên cứu của công ty Harris Interactive công bố vào năm 2005, chỉ 20% lao động ở Mỹ là thiết tha với công việc hiện tại của mình. Như vậy, cứ năm người thì có bốn người không yêu thích công việc họ đang làm.

Nhiều người làm việc chỉ đơn thuần là để trang trải những chi phí trong cuộc sống và họ cảm thấy mình mất tự do, thiếu khả năng hay không có cơ hội để tìm được một công việc thật sự yêu thích. Họ chối bỏ chính bản thân mình, sống không có mục tiêu, quẩn quanh với những công việc nhàm chán và chỉ thật sự sống đúng nghĩa vào những dịp cuối tuần.

Thực tế cũng có một số ít người tìm được công việc như mong muốn, nhưng nếu họ vẫn không duy trì lòng thiết tha với công việc này thì những cảm giác hài lòng, mãn nguyện cũng chỉ là nhất thời và giới hạn của nó rất mong manh. Hạnh phúc của họ phụ thuộc vào công việc họ đang làm, vì vậy nếu mất việc hay nghỉ hưu, họ lập tức hụt hẫng và mất tự chủ.

Theo thống kê, những người về hưu hạnh phúc nhất là những người tuy không còn làm việc nữa nhưng họ vẫn duy trì được một mục tiêu trong đời mình. Niềm đam mê, những kỹ năng nghề nghiệp trước đây được chuyển sang một hướng khác. Một nhân viên ngân hàng sau khi về hưu vẫn có thể tình nguyện giảng dạy tại các trung tâm huấn luyện nghề nghiệp, hay một anh công nhân khéo tay khi về hưu sẽ không ngần ngại giúp đỡ những người hàng xóm sửa chữa những vật dụng trong nhà. Điều quan trọng là dù làm bất kỳ việc gì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng nên để niềm đam mê và mục tiêu dẫn đường.

Công việc, nghề nghiệp hay lý tưởng

Bạn nghĩ về những hoạt động bạn tham gia hằng ngày là công việc, nghề nghiệp hay lý tưởng của mình? Có một câu chuyện như thế này:

Một phụ nữ bước vào một tòa nhà đang thi công, cô tiến đến nơi ba người đàn ông đang vất vả lát gạch. Cô đến gần và hỏi người đàn ông đầu tiên là anh đang làm gì. Anh ta trả lời cộc lốc: “Cô không thấy sao? Tôi đang lát gạch. Đây là công việc ngày nào chả phải làm”. Quay sang, cô hỏi người đàn ông thứ hai câu hỏi tương tự. Anh đáp: “Tôi là một thợ nề và tôi đang làm công việc của mình. Tôi tự hào về nó và cảm thấy rất hạnh phúc vì công việc này có thể nuôi sống gia đình tôi”. Khi người phụ nữ tiến đến người đàn ông thứ ba, cô nhìn thấy gương mặt anh rạng rỡ và trong đôi mắt anh ngập tràn niềm vui. Cũng với câu hỏi đó, anh trả lời một cách chân thành không chút lưỡng lự: “Vâng, tôi đang xây một thánh đường đẹp nhất trên thế giới này”.

Những việc bạn làm sẽ không định rõ mục tiêu cho bạn, mà chính thái độ và quan điểm mới là điều quyết định. Nhà tâm lý học Amy Wrzesniewski của trường Đại học New York đã thực hiện một nghiên cứu về định hướng nghề nghiệp của mọi người dựa trên ba phạm trù: công việc, nghề nghiệp và lý tưởng. Cô đã rút ra một điều là những ai xem công việc của mình – bất kể đó là công việc gì – là lý tưởng, là mục tiêu phấn đấu của đời mình sẽ cảm nhận được sự hài lòng và hạnh phúc ngày càng nhiều trong cuộc sống.

Nếu không được làm công việc mà mình yêu thích, bạn hãy yêu thích công việc đang làm!

Những người sở hữu niềm hạnh phúc đích thực – hạnh phúc tự thân – dù có đang làm một công việc mà họ không yêu thích đi nữa thì họ vẫn luôn duy trì được niềm tin và lý tưởng trong bất cứ hoàn cảnh nào – thậm chí là ngay trong những công việc tầm thường nhất. Dù là khi thay nhớt xe hay khi chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, bao giờ họ cũng hài lòng vì biết mình đang hướng đến một mục đích nào đó.

Tôi từng nghe một câu chuyện kể về nhạc trưởng Artuto Toscanini. Vào ngày sinh nhật thứ 80 của ông, một người đã hỏi Walter – con trai Artuto, rằng đâu là thành tựu quan trọng nhất trong cuộc đời cha cậu. Walter trả lời: “Với cha tôi không bao giờ có khái niệm thành tựu quan trọng nhất, vì bất kỳ điều gì ông làm trong hiện tại đều là những việc làm vĩ đại nhất trong cuộc đời ông – cho dù đó là khi ông điều khiển một dàn nhạc hay khi bóc vỏ một quả cam”.

Khi đề cập đến vấn đề này, một người bạn của tôi là Carol cũng chia sẻ một trải nghiệm rất thú vị. Và câu chuyện của cô đã giải thích rõ hơn vì sao mục tiêu lại quan trọng với cuộc đời của mỗi chúng ta như vậy:

“Khi tôi tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân văn chương, nhu cầu xã hội về ngành này rất ít. Để kiếm sống, tôi nhận làm lễ tân cho một văn phòng môi giới. Thu nhập từ công việc này rất khá, duy chỉ có một vấn đề: tôi không thích làm lễ tân. Tôi luôn cảm thấy căng thẳng và buồn chán khi cả ngày phải trả lời điện thoại. Trong một tháng, công việc đã làm tôi chán ngấy và khiến tôi cảm thấy không thoải mái khi đến công ty. Tôi biết mình đang đứng trước hai sự lựa chọn: tìm một công việc khác hoặc cố tìm cách để yêu thích công việc hiện tại. Tôi quyết định thực hiện cả hai chọn lựa này. Trong lúc tìm kiếm một công việc khác, tôi cố gắng khơi dậy sự yêu thích công việc mình đang làm.

Tôi đặt cho mình một thử thách phải trở thành “nhân viên lễ tân giỏi nhất”. Bởi tôi luôn muốn làm cho người khác cảm thấy thoải mái và hài lòng, nên tôi ghi hai chữ “PHỤC VỤ” vào quyển sổ nháp trên bàn làm việc của mình. Mỗi lần nghe điện thoại, tôi đều nở một nụ cười, và tôi học cách nhận ra giọng nói của những khách hàng quen thuộc, đồng thời xưng hô với họ bằng tên cho thân mật. Tôi nhớ câu nói của Mary Kay Ash – một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm – “Hãy tưởng tượng mỗi người bạn tiếp xúc đều được khắc một dòng chữ: Hãy để tôi cảm thấy mình được trân trọng”. Tôi làm theo lời khuyên đó và gợi mở, bắt chuyện với những nhân viên khác, biến thời gian làm việc thành những khoảng thời gian vui vẻ nhất. Không những xúc cảm hạnh phúc trong tôi được nâng lên mà chỉ trong vòng một tháng, tôi đã được bổ nhiệm một chức vụ khác rất thú vị trong công ty. Mặc dù cuối cùng tôi đã tìm ra được lý tưởng của đời mình nhưng chắc chắn rằng, tôi sẽ không bao giờ quên được bằng cách nào mà mình đã xoay chuyển được cảm nhận của bản thân về công việc mình đã làm và duy trì nó trong suốt thời gian làm việc tại công ty.”

Hướng đến một mục tiêu sẽ giúp bạn mở lòng và thấy được đong đầy cảm hứng trong mọi hoàn cảnh. Và thế là tự nhiên bạn cũng sẽ dễ dàng vươn đến thành công. Như Albert Schweitzer đã nói: “Thành công không phải là chìa khóa của hạnh phúc. Hạnh phúc mới chính là chìa khóa dẫn đến thành công. Nếu yêu thích công việc bạn đang làm, bạn sẽ thành công”.

Hãy nhìn vào những dấu hiệu sau để xác định xem bạn có đang nuôi dưỡng cho mình một mục tiêu nào đó trong cuộc đời hay không:

Sống có mục đích sẽ vun trồng cho hạnh phúc của bạn và những người bạn tiếp xúc hằng ngày. Sau đây là các thói quen hướng bạn đến một cuộc sống có mục đích:

1. Khám phá đam mê

2. Theo dấu nguồn cảm hứng

3. Cống hiến vì một mục tiêu

Thói quen thứ nhất cho một cuộc sống có mục đích

Khám phá đam mê

Khi con người phát hiện ra đâu là đam mê, là lý tưởng của đời mình thì cuộc sống sẽ ngập tràn sự bình yên – bình yên như khi những tia nắng sớm chiếu rọi vạn vật và làm bừng sáng cả mặt đất bao la.

Thomas Kinkaide

Vâng, tôi đang tuyệt vọng! Tôi muốn cuộc sống của mình có mục tiêu, nhưng tôi phải bắt đầu từ đâu và bằng cách nào?

Tất cả những gì bạn cần làm là dừng lại. Vâng, bạn cần phải dừng lại.

Hãy bước ra khỏi thế giới bộn bề lo toan và dành thời gian để chiêm nghiệm chính mình. Đừng lo sợ điều gì, và bằng thái độ chân thành nhất hãy tự hỏi lòng mình: Tôi đam mê gì? Tôi thích làm gì? Điều gì thật sự có ý nghĩa với tôi? Những câu trả lời sẽ dẫn đường cho bạn tìm đến mục tiêu đích thực của đời mình.

Câu chuyện của Janet

Cô bé nhảy múa dưới ánh đèn đường

Có một cô bé luôn dành tình yêu thương cho tất cả mọi người – đặc biệt là mẹ cô. Cô bé và mẹ thường cùng đọc truyện, xem phim, trò chuyện và hát với nhau. Những phút giây hai mẹ con bên nhau bao giờ cũng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.

Những ngày tháng ấy, cô bé rất thích dạo chơi và nhảy múa dưới ánh đèn đường ở trước nhà mình. Cô tưởng tượng một ngày nào đó, mình sẽ đứng trước hàng nghìn người và truyền tình yêu thương cho họ.

Khi cô bé 11 tuổi, mẹ cô bắt đầu nghiện rượu. Không còn giọng nói ngọt ngào từng ru cô vào giấc ngủ dịu êm, không còn bàn tay nhè nhẹ vuốt ve chờ đợi cô ngủ thật ngon. Thay vào đó, giờ đây cô bé chỉ nghe thấy những tiếng cãi vã của bố mẹ. Những lời hứa của người mẹ với cô con gái không đủ sức đưa bà ra khỏi cơn nghiện. Mọi chuyện ngày càng tồi tệ hơn, cho đến một ngày, mẹ cô được đưa vào trại tâm thần.

Sau khi ra trại, bà vẫn tiếp tục nghiện rượu. Và rồi bà bỏ nhà đi. Cô đã đi tìm nhưng không có hy vọng nào để tìm thấy mẹ nữa. Quá uất ức, cô bé trở nên một con người khác – cô giận dữ và giày vò bản thân cùng những người xung quanh cô.

Nhiều năm trôi qua, cô bé ngày càng thu mình lại, cô rơi vào tuyệt vọng.

Mười bảy tuổi, cô suy sụp hoàn toàn. Mười tám tuổi, cô nghiện ma túy.

Mười chín tuổi, những cơn nghiện ngập khiến cô gần như đối mặt với tử thần. Cuộc sống trở thành những chuỗi ngày đau đớn trong cơn say thuốc và tuyệt vọng. Lúc này, cô biết rằng nếu cô không thay đổi cuộc sống của mình, chẳng mấy chốc cuộc đời cô cũng sẽ kết thúc như mẹ cô mà thôi…

Cô bé đó chính là tôi.

Hai mươi tuổi, tôi quyết định thay đổi đời mình. Nhờ sự giúp đỡ của anh trai, tôi tìm được nơi ở mới, tìm được việc làm và bắt đầu làm quen với thiền. Tôi tìm đọc những quyển sách viết về năng lực tinh thần của con người và nghe những cuốn băng giúp phát triển cá nhân. Cuộc sống của tôi chuyển sang một bước ngoặt mới nhưng tôi vẫn cảm thấy thiếu một điều gì đó. Công việc của tôi khá tốt, tôi làm việc tại thung lũng Silicon với vai trò phụ trách tuyển dụng các kỹ sư phần cứng. Nhưng đây không phải là công việc tôi thích, đơn thuần tôi chọn nó chỉ để trang trải các chi phí sinh hoạt trong cuộc sống.

Đến một ngày, tôi nhìn thấy một tấm áp phích giới thiệu về một buổi hội thảo diễn ra ở San Francisco với tiêu đề “Đường đến thành công”. Tôi nghĩ: Có lẽ một thái độ sống tích cực sẽ giúp tôi thay đổi được công việc hiện tại của mình.

Ngày hội thảo, tôi quan sát và tò mò khi Debra, một phụ nữ ăn mặc chỉnh tề bước vào phòng và bắt đầu giới thiệu. Chỉ sau vài phút, cô hoàn toàn thu hút được sự chú ý của mọi người.

Khi quan sát Debra nói chuyện, tôi suy nghĩ về những yếu tố sẽ giúp tôi định hình được một cuộc sống lý tưởng – và tôi chợt nhận ra việc chia sẻ những thông tin mang tính chuyển đổi theo cách mà Debra đang làm, chính là điều tôi đam mê nhất trong cả cuộc đời mình. Cảm xúc chợt thăng hoa, tôi có cảm giác như mình vừa được tái tạo một cuộc đời hoàn toàn mới! Và sau đó, lòng tôi chợt lắng lại, tôi cảm nhận sự thanh bình đến tuyệt đối trong niềm hạnh phúc tuôn tràn – một cảm giác mà tôi chưa bao giờ cảm nhận được. Nó xuất phát từ chính con người tôi khi tôi nhận ra đâu thật sự là mục tiêu, là lý tưởng của đời mình.

Sau đó, tôi đã trở thành một diễn giả, tôi chia sẻ cùng họ chuyện đời của tôi trước đây và hướng dẫn họ làm bài kiểm tra về lòng đam mê. Tôi yêu cầu họ mỗi ngày, hãy bắt đầu chọn làm những việc khiến họ yêu thích nhất, quan tâm nhất.

Khi mọi người dành cho tôi những tràng pháo tay tán thưởng, tôi bật khóc. Tôi lại nghĩ về hình ảnh cô bé chạy nhảy dưới ánh đèn đường nhiều năm về trước, cô bé chỉ muốn được san sẻ tình yêu thương đến với mọi người. Tôi đã thực hiện được giấc mơ của cô bé ấy.

Hãy làm việc bạn yêu thích và yêu thích việc bạn làm

Điều quan trọng không phải là suy nghĩ nhiều mà là hãy biết yêu thương nhiều, vì vậy hãy làm những việc giúp bạn giải phóng được tình yêu thương.

Thánh Teresa Avila

Điều gì khiến tâm hồn bạn rộng mở? Phần lớn chúng ta quá bận rộn với bao lo toan của cuộc sống hằng ngày đến nỗi không còn để tâm đến bất kỳ việc nào khác. Chúng ta thường phớt lờ cả sự yêu thích hay trí tò mò của bản thân mà không biết rằng đôi khi đó chính là dấu hiệu cho một niềm đam mê thật sự.

Nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, người được xem là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về tâm lý học tích cực, gọi cảm giác hân hoan, vui thích khi bạn hoàn toàn chìm đắm trong một việc nào đó là “mạch chảy”. Thời gian khi đó dường như dừng lại, và hàng giờ liền trôi qua cũng như chỉ vài phút. Bạn bị lôi cuốn một cách tự nhiên và không gì có thể cắt đứt sợi dây liên kết đó. Những hoạt động khiến chúng ta cảm nhận được “mạch chảy” đều có sức hút khá lớn, vì vậy chúng ta thường duy trì nó chỉ vì sở thích mà không vì bất kỳ một động cơ nào khác, ngay cả vì tiền bạc. Tìm kiếm những lĩnh vực giúp bạn trải nghiệm được “mạch chảy” sẽ từng bước đưa bạn đến với niềm đam mê đích thực của đời mình.

Janet nói: “Một khi bạn đã nhận ra đâu là điều bạn thật sự quan tâm, hãy chọn cách nuôi dưỡng và duy trì nó mỗi ngày”. Cuộc sống được tạo nên từ những lựa chọn, và khi bạn liên tục chọn lựa những điều thật sự có ý nghĩa với mình, bạn sẽ khám phá ra đâu là niềm đam mê, đâu là mục tiêu đích thực mà mình cần vươn đến trong cuộc đời – đây chính là Quy luật của sự hấp dẫn!

Tôi học cách làm những việc mình thích và yêu thích những việc mình làm từ cha tôi. Cha tôi là một nha sĩ và ông rất yêu thích công việc. Ở tuổi 72, ông miễn cưỡng về hưu. Ông không muốn dừng lại mà khát khao làm một điều gì đó. Vì vậy, cha tôi bắt đầu học thêu – và ông tỏ ra rất hứng thú với công việc mới này. Ông trở thành một nghệ nhân thêu lão luyện, thậm chí là thắng hết những giải thưởng trên toàn bang California. Tôi nhớ một lần tôi về thăm nhà khi cha đã 85 tuổi, tôi thấy ông đang bắt tay thực hiện một tác phẩm tinh xảo nhất mà tôi từng biết – đó là bức họa thêu về phả hệ sự sống.

Tôi hỏi ông:

– Cha à, bao lâu thì bức thêu này xong?

– Con yêu, cứ theo tiến độ này thì khoảng bốn năm sau cha sẽ hoàn thành.

Bạn có tưởng tượng được một ông lão 85 tuổi lại vạch ra cho mình một kế hoạch kéo dài 4 năm không?

– Nhưng tôi cảm nhận ông đặt rất nhiều niềm tin và hy vọng vào kế hoạch này. Và cuối cùng cha tôi đã hoàn thành đúng hạn. Đó là một thành quả lớn trong đời cha tôi. Đến hôm nay, bức họa thêu tay đó được trang trọng treo trong phòng khách của ngôi nhà mà cha mẹ tôi đã chung sống suốt 53 năm.

Cha tôi là người đã dạy tôi rằng chính mục tiêu, lý tưởng đã mang niềm vui và cảm hứng đến cho bất kỳ công việc gì chúng ta làm.

Bài kiểm tra về lòng đam mê

Bài kiểm tra này giúp bạn xác định những điều có ý nghĩa nhất với bạn. Khi bạn thực hiện các bước trong bài kiểm tra, bạn sẽ dần nhận ra 5 đam mê quan trọng nhất của bản thân và làm cách nào để dùng nó định hướng cho cuộc đời bạn.

1. Tìm một tờ giấy và ghi vào đó ít nhất 10 điều bạn cho rằng sẽ khiến cho cuộc sống và công việc của mình trở nên lý tưởng. Hoàn thành câu sau đây: “Khi cuộc sống của tôi trở nên lý tưởng, tôi ________________”. Ví dụ, “Khi cuộc sống của tôi trở nên lý tưởng, tôi sẽ truyền cảm hứng cho mọi người thông qua những trang viết của tôi” hay “Tôi sẽ cảm thấy khỏe mạnh, cân bằng và thật giàu năng lượng” hay “Tôi sẽ có những mối quan hệ tốt với gia đình và bạn bè”.

Nếu cảm thấy khó, bạn có thể suy nghĩ về những điều bạn không mong chờ ở cuộc sống và sau đó, chuyển ngược chúng lại. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy “Khi cuộc sống của tôi trở nên lý tưởng, tôi sẽ không bao giờ tiếp cận với những người dối trá, gian lận hay trộm cắp”, hãy chuyển câu này thành “Khi cuộc sống của tôi lý tưởng, tôi sẽ vui vầy cùng những con người chân thật và tốt bụng”.

2. Bây giờ, bạn hãy nghĩ về những người mà bạn biết họ không tìm được niềm vui và sự đam mê trong công việc họ đang làm. Họ nói về điều gì? Họ chú ý vào việc gì? Họ cư xử với đồng nghiệp ra sao? Hãy liệt kê ít nhất năm tính cách của họ.

Bạn có đang sở hữu tính cách nào trong số năm điều vừa liệt kê không? Bạn có nhận ra những điều này sẽ phá hủy nỗ lực của bạn nhằm tiến đến một cuộc sống có mục tiêu hay không?

3. Liệt kê 5 việc mà bạn có thể làm trong tuần tới để bắt đầu thay đổi những tính cách chưa phù hợp và hướng đến những điều tốt đẹp mà bạn đã liệt kê ở bước 1.

Thói quen thứ hai cho một cuộc sống có mục đích

Theo dấu nguồn cảm hứng

Khi bạn hướng về hạnh phúc, những cánh cửa sẽ mở ra ở nơi mà bạn không nghĩ đến. Cánh cửa ấy chỉ mở ra và dành cho riêng bạn mà thôi.

Joseph Campbell

Khi đã xác định được niềm đam mê, ngọn lửa trong bạn được thắp sáng và soi đường cho bạn trong mọi tình huống. Bạn biết mình phải làm gì nhưng có thể bạn chưa biết nên tiến hành nó như thế nào. Cảm hứng chính là chất xúc tác giúp bạn vững bước trên con đường đó.

Theo dấu nguồn cảm hứng không có nghĩa bạn chỉ làm những việc đơn giản. Cảm hứng sẽ giúp bạn có đủ nghị lực và lòng kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng mục tiêu đã đặt ra – dù đó là khó khăn hay thử thách. Một khi ngọn nguồn cảm hứng trong bạn trỗi dậy, bạn sẽ kiên định với chính mục tiêu của mình, không vì ép buộc hay làm theo mệnh lệnh của bất kỳ ai.

Bước tiến nhỏ – kết quả lớn

Khi bắt tay vào thực hiện những việc bạn cảm thấy có hứng thú, bạn thường sẽ không nhận thấy trước kết quả của những việc mình làm hay nó sẽ dẫn dắt bạn đến đâu. Con ong mật vo ve quanh các bông hoa cũng không biết rằng nó đang giúp hoa thụ phấn và duy trì sự sống của cỏ cây trên hành tinh. Với nó, nó chỉ quen với công việc thường ngày là hút mật hoa và sẽ chuyển chúng thành mật ong.

Rosa Parks, người phụ nữ gốc Mỹ La-tinh đã từ chối ngồi hàng ghế cuối trên một chuyến xe buýt công cộng, cũng không hề biết rằng hành động cương quyết này đã mở đầu cho phong trào chống phân biệt chủng tộc và đòi quyền bình đẳng của người da đen ở Mỹ. Và hành động lúc đó của bà chỉ đơn giản là phản ứng của bản thân về những điều bà cho là đúng.

Nếu cách đây hai mươi năm, ai đó nói với tôi rằng tôi sẽ trở thành tác giả có sách bán chạy nhất, tôi sẽ cho là họ điên. Tôi chỉ có một ước mơ là trở thành diễn giả, ngoài ra, tôi rất ghét chuyện viết lách.

Thật sự, khi làm việc tại một công ty đá quý của Áo, tôi luôn trì hoãn việc soạn thảo các loại thư tín thương mại, dù đó là công việc của tôi. Tôi thấy mình không có khả năng làm công việc này. Cuối cùng, tôi rời bỏ nó và chuyển sang làm nhà huấn luyện cho các công ty, việc duy nhất tôi nghĩ mình có khả năng lại là huấn luyện kỹ năng soạn thảo thư tín thương mại. Tôi nhận việc và bắt đầu nghiên cứu về chuyện viết lách, biên tập, và tôi dần phát hiện mình cũng có chút năng khiếu về nó. Sáu năm sau, khi tôi có ý tưởng về dòng sách Chicken Soup for the Woman’s Soul, tôi đã có đủ kỹ năng cần thiết để thực hiện ý tưởng này. Tất cả không phải do tôi dự định trước, chỉ là do cuộc sống đưa tôi đi.

Tất cả những điều đó khẳng định rằng: nếu bạn kiên định với con đường mình đã chọn, cơ hội sẽ không ngừng mở ra và bạn cần có đủ tinh tế để nắm bắt.

Hành động từ cảm hứng

Cảm hứng là một trạng thái tinh thần được tâm hồn dẫn dắt. Một cách giúp bạn hành động dựa vào cảm hứng là bạn hãy khởi đầu ngày mới của mình bằng cách nhắm mắt lại, hít thở sâu và trả lời những câu hỏi sau:

Tôi được mách bảo cần phải làm gì? Tôi được mách bảo cần phải đi đâu?

Tôi được mách bảo cần phải nói gì, và với ai?

Hãy dùng những câu trả lời nhận được để thắp sáng đoạn đường phía trước của bản thân.

Thói quen thứ ba cho một cuộc sống có mục đích

Cống hiến vì một mục tiêu

Tôi không biết số phận của bạn như thế nào, nhưng có một điều tôi biết: Những người hạnh phúc thật sự là những người biết tìm kiếm, san sẻ cũng như sống chan hòa với tất cả mọi người.

Albert Schweitzer

Những người hạnh phúc luôn hướng về một lý tưởng nào đó trong đời. Khi Stewart Emery phỏng vấn những người thành đạt và hạnh phúc cho quyển sách Success Built to Last của anh, anh đã phát hiện ra một điểm chung giữa họ: mục tiêu mà họ đặt ra cho bản thân không phải là danh vọng, sự giàu sang hay quyền lực. Nếu cho đây là mục tiêu của đời mình thì cuối cùng bạn chỉ kết thúc trong nỗi tuyệt vọng và sự trống rỗng mà thôi. Những người sở hữu niềm hạnh phúc đích thực có thể thành đạt, nổi tiếng và quyền lực, nhưng họ đều trải nghiệm cuộc sống tràn ngập niềm vui và hạnh phúc, cùng hướng đến một lý tưởng xuyên suốt đời mình.

Câu chuyện của Lynne Twist

Sống theo lý tưởng của đời mình

Vào thời niên thiếu, tôi như có hai cuộc đời. Đối với phần lớn mọi người, tôi là một nữ sinh trung học điển hình của những năm 1950 với kết quả học tập toàn điểm A, là người vui vẻ, gương mẫu đồng thời là đội trưởng đội bóng đá của trường. Nhưng đồng thời, cũng có một Lynne hoàn toàn khác. Một Lynne rất sùng tín: cô sáng nào cũng dậy sớm để dự lễ Mi-xa, cô tôn sùng Mẹ Teresa và ước mơ trở thành một nữ tu. Ai là con người thật trong tôi đây? Cả hai.

Chuyện bắt đầu khi cha tôi, người tôi hết mực yêu thương, qua đời ở tuổi 50 – trước ngày sinh nhật lần thứ 14 của tôi 2 ngày. Cái chết của ông khiến tôi suy sụp. Sự đau buồn thúc giục tôi phải tìm kiếm ý nghĩa đích thực của đời mình. Tôi tìm đến Chúa và nhà thờ. Và cuộc sống của tôi – một cuộc sống hoàn toàn khác – bắt đầu.

Tôi che giấu niềm tin và tín ngưỡng của mình với tất cả bạn bè cùng trang lứa, nhưng tôi vẫn cố gắng nối kết tín ngưỡng bên trong với cuộc sống thực của mình bằng cách tham gia vào các hoạt động xã hội và kêu gọi bạn bè cùng giúp đỡ. Chúng tôi đảm nhận khá nhiều công việc từ thu gom quần áo bán để vận động tiền cho đến dạy kèm những đứa trẻ không có điều kiện đi học. Chúng tôi yêu thích công việc này vì nó giúp ích cho rất nhiều người.

Tốt nghiệp trung học, tôi đến trường Stanford tiếp tục học. Ở đây tôi gặp và yêu Bill Twist. Chúng tôi kết hôn khi tôi học năm cuối và không lâu sau, con gái và hai con trai của tôi lần lượt ra đời.

Đó là những năm tháng tôi ngập tràn trong hạnh phúc, nhưng cuộc kiếm tìm lý tưởng đời mình vẫn chưa bao giờ nguôi trong tôi.

Năm 1977, qua các mối quan hệ, tôi biết được dự án Hunger Project nhằm chấm dứt nạn đói trên thế giới trước năm 2000.

Tôi nhận ra đây chính là sứ mạng của mình. Tôi bước ra khỏi bộ phim cuộc đời mình trong đó tôi là nhân vật chính để tham gia vào một vai phụ trong một bộ phim quy mô và hoành tráng hơn. Dự án trở thành công việc ưu tiên hàng đầu của tôi. Những xúc cảm của trải nghiệm mới này trở thành động lực đánh thức tôi dậy vào mỗi buổi sáng, chỉ cho tôi biết tôi cần mặc gì và đi đến đâu.

Tôi đảm nhận vai trò lãnh đạo trong dự án này và làm việc hết mình vì nó. Một lần nữa, tôi lại cùng lúc ở giữa hai cuộc đời – trách nhiệm của một người phụ nữ đã có gia đình và một nhà hoạt động xã hội. Một số người đến từ Bangladesh, Thụy Điển, Nhật và Ethiopia cư ngụ tại nhà tôi trong suốt những chuyến tập huấn theo chương trình của dự án, và bởi vì tôi thường xuyên phải đi công tác nên tôi luôn dắt cả gia đình cùng đi với mình bất cứ khi nào có thể. Những gia đình khác đi nghỉ ở Disneyland hay Aspen, còn gia đình tôi thì đến Zimbabwe và Indonesia.

Mặc dù bận rộn và mệt mỏi khi phải dung hòa giữa gia đình và công việc, tôi cố gắng hết sức mình để có mặt ở nhà vào những dịp cuối tuần. Một thứ bảy nọ, hối hận khi tôi đã bỏ lỡ buổi hòa nhạc của con gái và trận bóng đá tranh chức vô địch của con trai, tôi triệu tập một cuộc họp gia đình. Chúng tôi ngồi thành vòng tròn trên nền nhà và tôi nói với Bill cùng các con: “Em rất xin lỗi vì chưa chuẩn bị trang phục cho buổi lễ Halloween của gia đình mình, mẹ xin lỗi vì đã không tham dự buổi hòa nhạc và trận đấu của hai con. Và em nghĩ em cần sự cho phép của gia đình mình để có thể tiếp tục công việc mà em đã chọn. Em rất thích thú với dự án này nhưng đồng thời, em cũng cảm thấy có lỗi vì không dung hòa được giữa gia đình và công việc”. Trước khi tôi kịp dứt lời, tôi đã khóc.

Summer, đứa con gái mới tám tuổi của tôi, chạy đến và vòng tay ôm tôi thật chặt rồi nói: “Mẹ à, nếu mẹ có thể chấm dứt nạn đói trên thế giới thì chúng con không cần mẹ phải đưa chúng con đến bác sĩ chỉnh răng đâu. Người khác làm việc đó cũng được mà. Gia đình chúng ta đang sống rất hạnh phúc và chúng con rất tự hào về mẹ”.

Chồng tôi và hai đứa con trai cũng chạy đến ôm lấy tôi, và chồng tôi nói: “Em cứ an tâm làm công việc của em. Gia đình rất ủng hộ và tự hào vì những việc mà em đang làm”. Chúng tôi ôm nhau, vừa khóc vừa cười và trong khoảnh khắc đó, nỗi sợ trong tôi chợt biến mất hoàn toàn.

Sứ mạng của tôi cũng trở thành sứ mạng của gia đình tôi kể từ hôm đó. Bọn trẻ tình nguyện đến văn phòng của tôi, chúng thường nằm trên sàn nhà để làm bài tập. Tôi nhận ra các con tôi không nhất thiết phải sống hai cuộc đời riêng lẻ, một cuộc sống bình thường và một cuộc sống tinh thần vì chúng tôi có thể dung hòa cả hai.

Mọi người thường nghĩ sống một cuộc đời như vậy là hy sinh nhưng với tôi, nó hoàn toàn ngược lại. Tôi có nhiều cơ hội được làm việc và gặp những người mà tôi không bao giờ nghĩ đến. Khi tôi gặp thần tượng lúc nhỏ của mình, Mẹ Teresa, chúng tôi hòa hợp rất nhanh. Bà tự gọi mình là “cây bút chì của Chúa” và nói rằng Chúa viết nên câu chuyện về thế giới thông qua bà và những người như bà.

Cuộc sống tận tụy đó không những cho tôi cơ hội được làm việc với Mẹ Teresa mà tôi còn có dịp ngồi cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như có mối quan hệ tốt với Tổng giám mục Desmond Tutu và Nelson

Mandela. Tôi chưa từng nghĩ sẽ có dịp tiếp cận với những con người này chứ chưa nói đến cơ hội được làm việc chung cùng họ. Tôi cũng có vinh dự được cộng tác với rất nhiều những con người thông thái và kiên cường trên thế giới. Trong nạn đói 1984-1985, tôi từng ngồi bên một cái giếng khô năm ngày năm đêm với một nhóm các bà mẹ người Ethiopia vừa có con qua đời vì đói. Hình ảnh về những người phụ nữ này đã giúp tôi có thêm quyết tâm và nghị lực để theo đuổi đến cùng công việc đã chọn. 

Khi chúng tôi bắt đầu dự án vào năm 1977, lúc đó, mỗi ngày có 44 nghìn người chết vì đói. Đa phần là trẻ em dưới năm tuổi – và con số này đều đặn tăng lên hằng năm. Đến hôm nay, dân số thế giới đã tăng lên 50% và con số người chết vì thiếu ăn là 19 nghìn người mỗi ngày, ít hơn phân nửa con số được công bố vào năm 1977. Đây chưa phải là một kết quả như mong muốn nhưng chúng ta cũng đã phần nào xoa dịu được đại nạn này.

Tôi luôn luôn nghĩ mình sẽ làm việc cho dự án này trong suốt phần đời còn lại của mình. Nhưng vào năm 1994, chính tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi cảm nhận một điều gì đó đang thôi thúc, vẫy gọi mình. Ban đầu, tôi không quan tâm, tôi cho đó chỉ là cảm giác nhất thời chen ngang công việc của tôi mà thôi. Nhưng rồi tôi nhận ra sự thôi thúc đó rất mạnh, rất thuyết phục đến nỗi cuối cùng, tôi phải nhìn lại và có

một bước đi mới cho cuộc đời của mình. Năm 1996, Bill và tôi sáng lập tổ chức Pachamama Alliance hợp tác với người dân bản xứ Nam Mỹ bảo tồn những khu rừng nhiệt đới và kêu gọi toàn thế giới hãy biết gìn giữ môi trường cũng như sự sống trên Trái Đất. Các nhà khoa học tiên đoán nếu không có những khu rừng nhiệt đới này, vùng Nam Mỹ sẽ trở nên cằn cỗi, tạo nên đại dịch đói cho hàng triệu người và đe dọa cho cả hành tinh. Mục tiêu này không như mục tiêu tôi đặt ra trong dự án trước và vì nó đến một cách tình cờ nên tôi muốn thực hiện nó để chắc rằng đây không phải là dư âm từ chiến dịch chấm dứt nạn đói trước đó.

Ba mươi năm qua, sống dựa vào lý tưởng và niềm tin trong bất kỳ hoàn cảnh nào đã giúp tôi tiến gần hơn với một cuộc sống hạnh phúc.

Tạo sự khác biệt cho cuộc sống

Không cần bạn phải là Mẹ Teresa hay Lynne Twist mới có thể cống hiến đời mình vì một mục tiêu cao cả nào đó. Khi bạn nhận ra điều gì có ý nghĩa trong cuộc sống của mình thì những hành động hằng ngày của bạn cũng sẽ có tác động hướng đến mọi người và thế giới theo những cách khác nhau.

Không quan trọng là mục tiêu, lý tưởng của bạn hướng về điều gì hay nhằm phục vụ cho lĩnh vực nào. Mỗi người đều có những lựa chọn khác nhau. Đó có thể là sự công bằng, bình đẳng xã hội, chấm dứt nghèo đói hay đảm bảo tất cả mọi trẻ em đều được đi học… Một khi bạn đã định hướng cho mình một mục tiêu, bạn sẽ mang lại nhiều niềm vui và ý nghĩa cho cuộc sống của mình.

Bạn cũng không cần phải giàu có để có thể làm từ thiện. Chỉ cần tờ 10 hay 20 đô-la cho các tổ chức từ thiện là đã có thể nuôi sống một gia đình trong vòng một tuần, mua được một con bò hay con dê, giúp tài trợ cho một người buôn bán nhỏ, hay mua hạt giống,… Đây tuy là những việc nhỏ đối với chúng ta nhưng có thể tạo nên sự khác biệt khá lớn đối với cuộc sống của người khác. Cống hiến sức mình không có nghĩa là bạn cần phải có tiền, đôi khi chỉ cần sự sẻ chia về thời gian, sở thích hay sự quan tâm là cũng đã giúp ích rất nhiều cho cộng đồng. Và chính nó lại là niềm vui, cảm hứng thông qua đó chúng sẽ giúp mang lại cảm giác bình yên và hạnh phúc đến cho chính bản thân mình.

Hình dung lý tưởng

Bạn có thể thực hiện bài tập bằng cách nhờ một người nào đó hướng dẫn hay tự mình thực hiện. Hãy xem qua những lời khuyên sau và từng bước trải nghiệm bài tập này.

1. Tìm một nơi yên tĩnh và chắc rằng bạn sẽ không bị làm phiền. Nhắm mắt và hít thở thật sâu từ bụng, hãy để cơ thể thư giãn hoàn toàn.

2. Cho phép bản thân được giải phóng, đến khi cảm thấy nhẹ bổng thoát ra khỏi cơ thể.

3. Bây giờ, bạn tưởng tượng mình đang lơ lửng giữa không trung. Nhìn xuống mặt đất, bạn trông thấy một hành tinh xanh tuyệt đẹp. Bạn sẽ thấy đại dương, các lục địa và những đám mây bồng bềnh trôi. Nhìn gần hơn, bạn trông thấy núi, thung lũng và cảnh thành phố nhộn nhịp.

4. Bạn trông thấy loài người và các con vật chung sống chan hòa, một cảm giác nối kết giữa bạn và cuộc sống bên dưới trỗi dậy. Bạn thấy mình là một phần trong bức tranh cuộc sống muôn màu muôn vẻ đó. Và bây giờ, bạn tập trung vào câu hỏi: Vậy sứ mạng của mình trong cuộc sống này là gì?

5. Bạn thấy mình được đưa đến một nơi – nơi lưu giữ kỷ niệm hoặc một nơi mang ý nghĩa đặc biệt nào đó đối với bạn. Bạn cảm nhận một sự thôi thúc. Một ký ức đã qua hay có thể là một trải nghiệm hoàn toàn mới sẽ xuất hiện. (Bạn có thể thấy mình đang giúp trông coi đàn gia súc, hay đang làm việc để giúp tìm ra cách chữa trị một căn bệnh nào đó, hay giúp trẻ em trong khu phố nơi mình ở hoặc tại các nước chậm phát triển). Bạn tò mò, hiếu kỳ và cảm nhận đây là những chuyến phiêu lưu thật sự. Bạn quan tâm xem bạn đang ở đâu và ở đó bạn có thể làm gì. Bạn sẽ nhìn thấy rất nhiều cơ hội đang chờ đón mình và sẵn sàng mở lòng đón nhận tất cả.

6. Khi đã trải nghiệm trọn vẹn những cảm xúc trên, đừng quên bày tỏ lòng biết ơn của mình và dần dần cảm nhận bạn đang quay về với trạng thái cũ – quay về nơi đang ngồi, hay đang nằm. Bây giờ là lúc bạn dùng những trải nghiệm vừa qua để định hình lý tưởng, mục tiêu cho bản thân mình trong cuộc đời, và hãy xem chúng mang lại cho cuộc sống của bạn những điều kỳ diệu ra sao.

Tóm tắt các bước hướng đến một cuộc sống có mục đích

Khi đã định hướng cho cuộc sống của mình một mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ bám sát những điều bạn cho là lý tưởng. Cảm hứng chính là động lực để bạn kiên định với con đường mình đã chọn và dù ít hay nhiều, bạn sẽ luôn cố gắng cống hiến sức mình cho những niềm tin lý tưởng đó. Hãy áp dụng những thói quen hạnh phúc sau để hướng đến một cuộc sống ngập tràn lý tưởng và mục tiêu.

1. Hãy biến công việc bạn đang làm thành một nghề, và biến cái nghề đó thành niềm yêu thích và lý tưởng của bạn. Bạn có thể thay đổi hiện tại như thế nào để đong đầy nguồn cảm hứng trong con người mình nhằm hướng đến mục tiêu mình đã định ra? 

2. Cứ mỗi sáu tháng, bạn hãy quay lại với bài kiểm tra về lòng đam mê để luôn kiên định mục tiêu cho mình.

3. Khởi đầu một ngày mới bằng cách tự hỏi: “Hôm nay mình sẽ làm điều gì có ý nghĩa đây?” và hãy để cảm hứng dẫn dắt bạn.

4. Tự hỏi bản thân: “Làm thế nào để tôi có thể san sẻ và giúp đỡ người khác?”. Hãy tham gia một công việc tình nguyện có ích cho xã hội: liên lạc với bệnh xá, nơi cung cấp thực phẩm, những nơi bảo tồn động vật, các chương trình phổ cập giáo dục… Thử suy nghĩ xem mình có thể làm gì để đóng góp sức mình. Thậm chí bạn chỉ cần dành ra một vài giờ mỗi tháng làm công ích là đã có thể giúp tạo nên sự khác biệt cho cuộc sống của mình và của những người khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.