Khi Mọi Điểm Tựa Đều Mất

Chương 2: Rèn luyện để có được hạnh phúc



Vạn vật không thay đổi; chỉ có con người đổi thay.

Henry David Thoreau

Hãy nghĩ đến những người mà bạn chắc rằng họ đang nắm giữ niềm hạnh phúc đích thực. Họ có thể tác động đến xung quanh giống như mặt trời chiếu những tia nắng ấm áp và mang nguồn năng lượng bất tận đến vạn vật trong tầm ảnh hưởng. Họ rất lạc quan và tin yêu cuộc sống – họ không những nhìn thấy chiếc cốc đầy một nửa mà còn đi tìm bình nước và đổ đầy chiếc cốc – họ thuộc tuýp người luôn hoàn thành sớm mọi việc trong khi những người khác đang tất bật với chúng. Mặc dù không phải lúc nào họ cũng là người dẫn đầu trong các lĩnh vực nhưng điều đặc biệt là họ duy trì được một trạng thái tinh thần tĩnh lặng, bình an và hài lòng tuyệt đối – mặc cho những rối ren của cuộc sống đời thường. Bạn sẽ cảm thấy thích thú khi trò chuyện cùng những người này bởi họ biết cách vực dậy tinh thần bạn vào những thời khắc tệ hại nhất.

Tôi may mắn sớm được gần gũi với một người như vậy. Tôi muốn nói đến cha tôi – ông Marc. Người thật sự đã đạt đến giới hạn cao nhất trong niềm hạnh phúc đích thực. Bất kể ông làm gì, đi đâu, xung quanh ông cũng đều hiện hữu một vầng hào quang – chính là sự quý mến và tôn trọng của mọi người. Ông đã lớn lên trong sự nghèo khó tột cùng, phải tự mình bươn chải kiếm tiền ăn học và đã phải chịu mất mát quá nhiều. Tuy vậy, cha tôi vẫn không chùn bước và trái tim ông vẫn ấm nóng một niềm tin vào cuộc sống.

Ông từng tham gia phục vụ trong quân đội trong suốt bốn năm Thế chiến thứ 2 với vai trò là một nha sĩ ở South Pacific. Mặc dù không thích cảm giác bị chôn chân ở giữa vùng chiến sự nhưng ông vẫn giữ được ngọn lửa hạnh phúc và nhiệt huyết của mình. Ông thể hiện tình cảm với mẹ tôi bằng cách thường xuyên viết thư cho bà. Tổng cộng ông đã viết cho mẹ tôi 858 lá thư – những lá thư ấy vẫn còn được cha mẹ tôi giữ nguyên vẹn đến ngày hôm nay. Suốt những năm tháng sống trong quân đội, cha tôi đã dành dụm được một số tiền với hy vọng khi giải ngũ, ông sẽ mở một phòng nha đầy đủ tiện nghi cho riêng mình. Ông rất đam mê và yêu thích công việc mình đã chọn cho đến hết cuộc đời.

Trong cuộc sống, nhiều lúc cha tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như tiền bạc eo hẹp, con cái không nghe lời hoặc ngay cả khi sức khỏe của ông sa sút nghiêm trọng, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ông mất đi niềm tin yêu cuộc sống. Mỗi sáng thức dậy, cha tôi đều hân hoan đón chào một ngày mới với niềm tin rằng mình sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị. Tôi còn nhớ khi mình mười chín tuổi, tôi đã hỏi xin ông lời khuyên dành cho một đứa con đang chập chững bước vào đời. Câu trả lời của ông rất ngắn gọn: “Con hãy sống hạnh phúc”.

Tôi hỏi lại:

– Vâng, thưa cha. Nhưng bằng cách nào?

Ông không trả lời tôi. Hạnh phúc đối với ông là một cảm giác quá đỗi bình thường, tự nhiên đến nỗi ông không hiểu sao mọi người lại không cảm thấy như vậy và vì sao ai ai cũng cố gắng để theo đuổi nó. Cha tôi qua đời ở tuổi 91 một cách thanh thản và bình yên.

Điều Thomas Jefferson thật sự mong muốn

Khi được hỏi về hạnh phúc, đa phần mọi người đều dùng câu nói của Thomas Jefferson trong bản Tuyên ngôn độc lập: “Đương nhiên là tôi muốn mình hạnh phúc” để trả lời tôi. Theo suy nghĩ của họ thì “suy cho cùng, mọi người đều có quyền được tự do và theo đuổi hạnh phúc cho riêng mình”.

Chúng ta vẫn thường quen với suy nghĩ: hạnh phúc là một điều gì đó mà con người cần theo đuổi và kiếm tìm. Vậy là trong suốt cuộc đời mình, con người luôn săn tìm hạnh phúc và vồ vập ôm lấy mọi thứ về mình – những thứ mà ta nghĩ sẽ mang lại cho ta hạnh phúc.

Và rồi một ngày, tôi hiểu ra ý nghĩa sâu xa trong câu nói của Thomas Jefferson.

Hôm ấy, tôi cùng hai người bạn Steward và Joan Emery đang trên chuyến bay đi đến một buổi hội thảo. Chúng tôi đưa ra và cùng bàn luận những quan điểm về hai từ “hạnh phúc”. Đột nhiên, Steward quay sang hỏi tôi bằng một giọng Úc đặc sệt: “Marci, cô có hiểu ẩn ý sâu xa của Thomas Jefferson khi ông đề cập đến việc theo đuổi và mưu cầu hạnh phúc không?”. Rồi sau đó ông giải thích rằng vào thời của Jefferson, “theo đuổi” không có nghĩa là tìm kiếm rồi tóm lấy cho bằng được mà là “rèn luyện liên tục và liên tục cho đến khi một hành động nào đó trở thành thói quen”.

Steward đưa ra một cách hiểu thật khác biệt và quả thật ông đã thông hiểu ẩn ý của Thomas Jefferson. Chúng ta không phải là người săn đuổi hạnh phúc, mà là rèn luyện để có được hạnh phúc.

Vì vậy, chúng ta hãy ngưng việc theo đuổi một điều không có kết quả và tốt hơn là nên bắt đầu rèn luyện để có được hạnh phúc bằng cách hình thành và trau dồi những thói quen.

Thói quen của những người hạnh phúc

Những người đạt được tầm cao trong hạnh phúc cũng giống như phần lớn chúng ta. Họ không có thêm nguồn sức mạnh hỗ trợ nào, cũng chẳng có thêm một quả tim nào cả, có chăng là họ sở hữu những thói quen khác chúng ta. Các nhà tâm lý học đã chứng minh rằng ít nhất 90% cách hành xử của con người đều do thói quen hình thành nên. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến những thói quen của mình để tiến gần đến hạnh phúc.

Một vài quyển sách khẳng định rằng hạnh phúc hay không là do chúng ta quyết định. Chỉ cần lựa chọn đúng thì chúng ta sẽ được toại nguyện.

Cá nhân tôi không đồng ý với nhận định này.

Bạn không thể quyết định hạnh phúc cho mình, cũng như không thể quyết định mình có phù hợp hay có khả năng trở thành một nghệ sĩ piano tài danh hay không. Tuy nhiên, bạn có thể lựa chọn thực hiện những phương pháp cần thiết như tiếp thu, luyện tập những bài học thanh nhạc, luyện ngón, và bằng cách này, bạn dần dần trở nên thuần thục và sẽ đến lúc bạn đủ khả năng để biểu diễn. Tương tự, niềm hạnh phúc đích thực cũng được hình thành và bồi đắp theo phương pháp này.

Tất cả những suy nghĩ, những cách hành xử của con người đều được ghi nhận trên những rãnh nằm trong não bộ, cũng giống như các rãnh trên một chiếc đĩa CD. Khi chúng ta suy nghĩ và thực hiện một hành động liên tục, những rãnh đó hằn sâu hơn và rõ nét hơn. Chúng ta có thể hình dung một cách đơn giản thế này: nếu con người phát hiện một con đường mới và họ phát quang để đi lại thường xuyên thì đến một lúc nào đó, nó sẽ trở thành một con đường mòn. Những người không hạnh phúc đa phần là do họ đã tạo ra cho bản thân quá nhiều những suy nghĩ tiêu cực. Đó là lý do vì sao bạn không thể phớt lờ hệ thống rãnh não mà chủ quan quyết định hạnh phúc cho bản thân. Muốn hạnh phúc, bạn cần tạo ra những đường rãnh mới khác biệt.

Các nhà khoa học từng có ý kiến cho rằng khi bước vào tuổi trưởng thành, bộ não của con người đã phát triển đến mức hoàn chỉnh, mọi cấu trúc đều đã được lập trình ổn định, do đó chúng ta không thể tác động để thay đổi nó được. Nhưng một cuộc nghiên cứu khác đã tiết lộ nhiều thông tin thú vị xung quanh mức độ linh hoạt của những tế bào não: khi bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành động theo những cách khác nhau thì não bộ cũng thay đổi theo và tự điều chỉnh tương ứng. Đó là một tin vui cho con người vì chúng ta sẽ không tồn tại bất biến trong suốt cuộc đời mình. Tiến sĩ Richard Davidson – một nhà nghiên cứu hàng đầu về não thuộc Đại học Wisconsin đã nói: “Dựa vào những thông tin chúng ta đã biết về tính linh hoạt của não bộ thì chúng ta có thể xem những xúc cảm như hạnh phúc, đam mê là những kỹ năng mà con người có thể kiểm soát và rèn luyện – cũng đơn giản như khi bạn tập chơi một loại nhạc cụ hay một môn thể thao nào đó… Việc huấn luyện bộ não để nó cảm nhận niềm hạnh phúc đích thực là một điều hoàn toàn có thể thực hiện được”.

Đạt Lai Lạt Ma – hình mẫu con người hạnh phúc nhất mà tôi từng biết, trong quyển sách của ông – The Art of Happiness – đã viết:

“Trước hết, hãy cân nhắc và suy nghĩ xem nhân tố nào hướng chúng ta đến hạnh phúc, nhân tố nào dẫn chúng ta đến sự va vấp và tuyệt vọng. Sau đó, tiến hành loại bỏ nhân tố không tốt đó đồng thời rèn luyện, vun đắp cho những nhân tố tích cực. Đó là phương pháp giúp bạn tiến gần hơn đến niềm hạnh phúc đích thực.”

Trong quyển sách này, tôi sẽ giúp bạn xác định những nhân tố tích cực hướng bạn đến giới hạn cao nhất của hạnh phúc. Vậy những nhân tố nào đi ngược lại khao khát hạnh phúc của con người? Tôi muốn đề cập đến hai nhân tố trong số đó: trạng thái “càng có nhiều, càng thích” và trạng thái “tôi hạnh phúc khi…”.

Càng có nhiều, càng thích?

Thế nào là người giàu có? Người giàu có là người hài lòng và hạnh phúc với những gì mình đang nắm giữ.

Theo Talmud – những văn bản cổ về luật và truyền thống Do Thái

Đa phần chúng ta đã quen với suy nghĩ: càng có nhiều, chúng ta càng cảm thấy hài lòng. Quan niệm này hình thành dựa trên một niềm tin vô thức của con người: càng nhiều thành công, càng nhiều tiền đồng nghĩa với việc bạn cảm thấy hạnh phúc hơn. Nhưng những con số thống kê sau đã phủ nhận tất cả:

• Thu nhập cá nhân của người Mỹ đã tăng 2,5 lần trong vòng 50 năm qua nhưng mức độ hạnh phúc của họ vẫn không tăng theo.

• Gần 40% những người có tên trong danh sách Những người giàu nhất do tạp chí Forbes bình chọn nói rằng họ không cảm thấy hạnh phúc như những người có thu nhập trung bình khác.

• Khi thu nhập cá nhân vượt ngưỡng 12.000 đô-la một năm thì bất kỳ khoản thu nhập nào khác thêm vào đều không đồng nghĩa với xúc cảm hạnh phúc tăng lên.

Rõ ràng không phải những người hạnh phúc nhất là những người giàu có nhất. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thoát khỏi suy nghĩ tiền có thể mua được hạnh phúc – hay ít nhất nó cũng mang lại cho ta cảm giác hạnh phúc. Tôi từng nghe một phóng viên đặt câu hỏi với J. Paul Getty – người sáng lập thương hiệu Getty Oil và là nhà tỷ phú đầu tiên trên thế giới: “Ông là người giàu nhất thế giới. Đến lúc nào thì ông mới nghĩ như vậy là đã đủ?”. Ông suy nghĩ trong giây lát rồi trả lời: “Bây giờ thì chưa”.

Điều này cho thấy khát vọng sở hữu không mang lại cho con người hạnh phúc thật sự. Nhưng rất khó để thoát ra khỏi quan niệm bất thành văn ấy!

Dựa trên nền tảng quan niệm “càng có nhiều, càng thích”, ngành quảng cáo ra đời; và đây chính là cỗ máy giúp kích hoạt và thúc đẩy nền kinh tế các nước. Mỗi năm hàng tỷ đô-la được chi ra cho quảng cáo với mục tiêu khuyến khích con người không ngừng tiêu dùng nhiều hơn để thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của chính mình. Bằng nhiều cách dí dỏm, khôi hài, hấp dẫn thậm chí là thúc giục, những nhà quảng cáo đã cố gắng thuyết phục người tiêu dùng nên sở hữu một chiếc xe mới tốt hơn; hoặc họ cho rằng chúng ta nên mua một chiếc áo ngực quyến rũ hơn, hay mua ngay những viên thuốc thần dược và những mỹ phẩm chăm sóc da tốt nhất…

Bạn thử nghĩ xem: chúng ta thường xuyên tiếp xúc với những thông điệp này và rồi đến một lúc nào đó, chúng ăn sâu vào tiềm thức làm chúng ta mất kiểm soát và vô hình trung nó trở thành niềm tin thực sự.

Đối với trẻ con, khi chúng được phép ngồi trước màn hình ti-vi 5 tiếng một ngày thì bạn đừng ngạc nhiên khi chúng liên tục đòi đồ chơi mới, những trò chơi vi tính mới hay những chiếc quần jeans kiểu dáng lạ.

Một người bố trẻ khi được tôi phỏng vấn đã kể tôi nghe câu chuyện về đứa con gái của mình:

“Trước dịp lễ Giáng sinh, khi đứa con gái lớn của tôi – Victoria – lên ba tuổi, chúng tôi thường đọc cho bé nghe câu chuyện “How the Grinch Stole Christmas” (Kẻ phá hỏng buổi tiệc Giáng sinh) mỗi tối.

Con bé nằm cuộn tròn bên cạnh tôi và tôi bắt đầu đọc: “Mọi người trong ngôi làng đều hân hoan với không khí của lễ Giáng sinh…”.

Victoria chăm chú lắng nghe khi tôi đọc đến đoạn tên trộm Grinch lên kế hoạch phá hỏng buổi lễ Giáng sinh của mọi người bằng cách cải trang thành ông già Noel, mang theo con chó của hắn cũng được cải trang thành con tuần lộc. Grinch lén vào nhà mọi người và lấy đi tất cả đồ đạc, chỉ để lại sợi dây và chiếc móc câu còn treo trên tường. Nhưng trái với mong đợi của hắn, người dân trong làng lại tỏ ra rất vui và hạnh phúc dù mất đi những gói quà và bộ lễ phục. Kế hoạch của Grinch đã không lấy đi niềm hân hoan đón chào Giáng sinh của mọi người – Giáng sinh vẫn đến trong niềm vui trọn vẹn.

Vào buổi sáng ngày lễ Giáng sinh, chúng tôi đánh thức Victoria và chờ đợi niềm vui của con bé khi thấy những món quà dành cho mình được đặt dưới cây thông. Đầu tiên, con bé chạy vào nhà bếp nơi nó đã chuẩn bị một bữa ăn nhẹ cho ông già Noel. Con bé rất vui khi thấy những mảnh vụn còn sót lại trên đĩa, cốc sữa đã cạn hết và những củ cà rốt cũng không còn. Vợ chồng tôi rất vui khi con bé tỏ ra hào hứng trước những bằng chứng chứng tỏ về cuộc viếng thăm của ông già Noel đêm qua. Sau đó, nó chạy vào phòng khách và nhìn thấy gói quà đặt dưới cây thông.

Chúng tôi đang mong chờ con bé sẽ chạy ùa đến và mừng rỡ cầm món quà lên, nhưng nó đã không làm như vậy. Victoria chắp hai tay rồi nói: “Chúng ta hãy tưởng tượng Grinch đã đến đây và lấy đi mọi thứ, hắn chỉ để lại sợi dây thừng cùng chiếc móc câu mà thôi. Và chúng ta vẫn sẽ hưởng một mùa Giáng sinh hạnh phúc và an lành”.

Chúng tôi tin tưởng theo niềm tin của con bé, Giáng sinh đến một cách an lành.”

Cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào nếu chúng ta luôn cảm nhận được hạnh phúc cho dù bất cứ điều gì xảy đến?

Một khi nắm giữ hạnh phúc đích thực – niềm hạnh phúc tự thân – bạn sẽ mang niềm vui, niềm hạnh phúc đến với mọi người hơn là thụ động ngồi chờ ai đó ban tặng cho bạn. Và như thế, bạn đã chủ động loại bỏ được tư tưởng “càng có nhiều, tôi càng cảm thấy hài lòng”.

Tôi hạnh phúc khi…

Bạn hãy thử đọc qua những câu sau đây và xem chúng có quen thuộc với mình không:

• Tôi hạnh phúc khi có một người bạn đời hoàn hảo.

• Tôi hạnh phúc khi có một công việc ổn định với mức lương tương xứng.

• Tôi hạnh phúc khi được làm mẹ (lần đầu, lần thứ hai…)

• Tôi hạnh phúc khi con cái đều được đến trường.

• Tôi hạnh phúc khi được mọi người trân trọng và quý mến.

• Tôi hạnh phúc khi tôi có lương hưu. Và một câu khá phổ biến là:

• Tôi hạnh phúc khi tôi giảm được 5 (10, 15) cân.

Cảm giác khi bạn hoàn thành một mục tiêu nào đó không bao giờ là đồng nhất và trọn vẹn. Mỗi điều đều mang đến cho bạn sự hài lòng và cả thất vọng. Hãy nghĩ về năm mục tiêu gần đây nhất của bạn. Chúng mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc đến mức nào? Và hạnh phúc hay cảm giác hài lòng đó kéo dài trong bao lâu?

Bạn không thật sự quan tâm đến cảm nhận của mình mà cứ mãi liên tục cố gắng và cố gắng đến kiệt sức. Bạn thầm nhủ với lòng: Chỉ một chút nữa thôi là mình sẽ vượt qua và sẽ có được nó. Khi ấy, bạn không khác gì một chiếc đu quay bị cuốn theo cơn gió xoay tròn và không thể kiểm soát những tình huống xảy ra với bản thân. Bạn không thể cảm nhận được hạnh phúc trong thực tại, không nhận ra rằng hiện tại mới là thời điểm bạn cảm nhận hạnh phúc rõ nhất. Nếu bạn cứ mãi mong chờ một hạnh phúc trong tương lai thì mãi mãi bạn sẽ không bao giờ với tới được.

Để có được hạnh phúc thực sự, bạn chỉ cần nhớ rằng hạnh phúc đang hiện hữu ngay trong lúc này – ở hiện tại – chứ không phải tại một thời điểm nào đó trong tương lai.

Ba nguyên tắc để có hạnh phúc đích thực

Nguyên tắc 1: Điều gì khiến bạn mở lòng sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn

Trong vũ trụ, vạn vật – kể cả con người – đều mang một nguồn năng lượng tiềm ẩn. Mỗi hành động của chúng ta đều có tác dụng mở rộng, khuếch tán, thu hẹp hoặc kìm nén nguồn năng lượng này. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hay không từ chính những hành động của mình.

Nào, bây giờ hãy thử nghiệm nhé! Hãy đứng lên ngay lập tức, vươn vai và dang rộng hai cánh tay, sau đó hít một hơi thật sâu rồi thở ra từ từ và đừng quên nở một nụ cười. Sau đó hãy nhắm mắt lại và cảm nhận chính mình.

Bạn thấy thế nào? 

Thoải mái

Thư giãn

Sảng khoái

Cảm giác nhẹ nhõm trong lòng – đây là kết quả của sự khuếch tán năng lượng.

Bây giờ bạn hãy nghĩ đến những người mà bạn yêu thương, quý mến và rất thích được ở bên họ. Khi nghĩ về những người đó, cảm giác của bạn ra sao?

Khi bạn thoải mái và cảm thấy mình hạnh phúc thì mức độ hấp thụ ôxy trong bạn tăng lên, các mạch máu giãn nở, cơ bắp được thư giãn, nhịp tim cũng đều và ổn định hơn, các hoạt động của não cũng trở nên linh hoạt và phối hợp nhịp nhàng – kết quả này có được là do nguồn năng lượng bên trong bạn được giải phóng và khuếch tán ra bên ngoài.

Bây giờ, bạn hãy thử cúi gập người xuống, nắm chặt hai bàn tay, thở ngắn và dốc đồng thời nhíu mày. Bạn cảm thấy thế nào?

Lo lắng 

Khó chịu 

Bấn loạn

Cảm giác của sự nặng nề – đó là hậu quả khi bạn cố kìm nén năng lượng không cho nó thoát ra ngoài.

Hãy nghĩ về người mà bạn sợ hãi hay căm ghét. Cảm giác của bạn thế nào? Nặng nề, lo lắng.

Điều này cho thấy tất cả những xúc cảm tiêu cực như: giận dữ, sợ hãi, buồn phiền, hay ghen tỵ đều triệt tiêu dòng năng lượng bên trong bạn. Vào những lúc ấy, bạn cảm nhận cơ bắp mình như bị bóp nghẹt, hơi thở kiệt quệ và hệ tuần hoàn không được liên tục, mức độ căng thẳng thì tăng lên đáng kể. Điều này sẽ làm tổn hại đến hệ miễn dịch của chính bạn, khiến bạn có nguy cơ lây nhiễm một số bệnh không thể lường trước được.

Một khi rèn luyện những thói quen tốt, chúng ta sẽ từng bước nâng cao giới hạn hạnh phúc của mình và hạnh phúc đích thực sẽ không còn xa tầm với của chúng ta nữa. Hãy nhìn vào bảng sau đây và xem điều gì giúp bạn mở lòng, điều gì khiến bạn tự cô lập mình:

Nếu mở lòng, bạn sẽ có cơ hội tìm đến hạnh phúc đích thực. Bạn có thể sử dụng bảng này để xác định xem mình có đang đi đúng hướng hay không bằng cách đánh giá các mức độ cảm xúc của bản thân về mỗi phương diện được liệt kê ở trên.

Để kiểm chứng điều này và cũng là để đánh giá xem bạn phản ứng trước những biến động của cuộc sống như thế nào, chúng ta hãy thử thực hiện bài tập sau:

1. Lấy một tờ giấy và viết hai tiêu đề lớn ở mỗi bên đầu trang “Mở lòng” và “Cô lập”.

2. Hãy suy nghĩ về cuộc sống của bạn: công việc, gia đình, các mối quan hệ… Khi suy nghĩ về một vấn đề cụ thể nào, bạn hãy nhắm mắt lại, hít thở thật sâu. Bây giờ, cân nhắc và quyết định xem vấn đề đó bạn đã sẵn sàng mở lòng để giải quyết chưa hay bạn đang rơi vào trạng thái tự cô lập mình và không có khả năng đối diện với sự thật. Sau đó, ghi lại vào từng cột các vấn đề mà bạn vừa suy nghĩ.

3. Xem qua một lần để nhìn nhận lại những vấn đề trong cuộc sống bạn có khả năng kiểm soát và những vấn đề nào không. Từ đó, bạn sẽ xác định được mình cần làm gì để có một cuộc sống tốt đẹp hơn như mình mong muốn.

Nguyên tắc 2: Mọi người luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn

Einstein từng nói câu hỏi hay nhất mà con người đặt ra là: “Thế giới này có sẵn lòng giúp đỡ khi tôi cần không?”. Những người đang nắm giữ niềm hạnh phúc đích thực đều có cùng một câu trả lời là “Có”. Thay vì nghĩ về thế giới chỉ như là một nơi chứa đựng con người, họ tin tưởng rằng thế giới là nơi tốt đẹp dành cho mỗi người và nó sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ ai khi có nhu cầu.

Điều làm tôi ngạc nhiên và ấn tượng nhất là những người này không chỉ xem thế giới là nơi tốt đẹp để sống mỗi khi nó mang lại cho họ niềm vui. Ngay cả khi đối mặt với thử thách trong cuộc sống, họ không phản ứng lại bằng cách than vãn hay chỉ trích bằng những câu đại loại như: “Sao lại là tôi? Thật chẳng công bằng chút nào!”. Thay vào đó, họ luôn có cái nhìn lạc quan và bao dung trước tất cả khó khăn: “Dù sao thì mọi việc xảy ra đều có lý do của nó. Không có gì phải suy nghĩ nhiều cả. Vấp ngã lần này sẽ cho mình một bài học kinh nghiệm”. Chính thái độ lạc quan này là nền tảng cho quan niệm sống đầy niềm tin của họ.

Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận rằng đây vẫn là một quan niệm khó đối với chúng ta và không phải ai cũng có thể tiếp nhận nó dễ dàng. Thế giới chúng ta đang sống luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề: chiến tranh, khủng bố, nạn đói, dịch bệnh và những cuộc khủng hoảng. Vì vậy, nếu đa phần mọi người cho rằng chúng ta đang sống trong một thế giới không thân thiện cũng chẳng có gì là đáng ngạc nhiên. Nhưng bạn thử nghĩ xem, bên cạnh đó vẫn có những người luôn cảm thấy hạnh phúc vì với họ thế giới là một nơi tốt đẹp để sống. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt ở những con người này? Phải chăng đó chính là tầm nhìn cũng như thái độ sống tích cực của họ.

Tôi không áp đặt bạn phải thừa nhận quan niệm sống này, nhưng thay vì phán xét đúng – sai, tôi muốn đề nghị bạn hãy thử làm quen với nó trong khoảng hai tuần sắp tới và cảm nhận những thay đổi tích cực của bản thân trong thời gian này. Một điều bạn không thể phủ nhận là dù chuyện gì xảy ra thì mọi người và thế giới này luôn ở bên cạnh bạn – ngay cả khi bạn quay lưng lại với tất cả.

Một khi bạn tin rằng mọi người luôn sẵn lòng giúp bạn, bạn sẽ không còn chống đối hay phán xét những sự việc xảy đến với mình. Điều đó không có nghĩa là bạn thụ động hay tự mãn, nó chỉ có nghĩa là bạn dừng việc đấu tranh và than vãn cho một sự việc đã xảy ra không như ý muốn của mình. Phần lớn chúng ta đều bỏ một khoảng thời gian khá lớn trong đời mình chỉ để chìm đắm trong sự thất vọng và ủ rũ. Một khi bạn nhìn thẳng vào thực tế và chấp nhận rằng có những việc mình không thay đổi được, khi đó bạn có thể khơi thông nguồn năng lượng bên trong bản thân và đủ sáng suốn để xử lý mọi tình huống xảy ra tiếp theo.

Tin tưởng vào một thế giới thân thiện và đầy phép màu là một quan niệm sống cần được nuôi dưỡng và duy trì – nó sẽ giúp con người cảm nhận được sự bình yên và thanh thản.

Nguyên tắc 3: Những điều bạn trân trọng đều đáng được trân trọng

Nguyên tắc này dựa trên Luật hấp dẫn – có nghĩa là bất kể bạn nghĩ gì, nói gì hay làm gì thì nó cũng tác động trở lại chính bạn như sức hút của một thỏi nam châm. Bất cứ khi nào bạn trân trọng niềm hạnh phúc đang hiện hữu trong bạn thì xúc cảm hạnh phúc đó sẽ được tăng lên.

Sự ra đời của quyển sách The Secret và bộ phim cùng tên đã tạo nên một làn sóng trong dư luận và trong vài năm gần đây đã nảy sinh nhiều ý kiến xoay quanh quan niệm mà bộ phim đặt ra. Tôi rất vinh dự khi được Rhonda Byrne – tác giả và là nhà sản xuất của The Secret – mời cùng cộng tác trong dự án này. Rhonda khẳng định chính Luật hấp dẫn đã góp phần tạo nên thành công vang dội cho The Secret. Với mong muốn bộ phim sẽ mang lại niềm vui và truyền sức mạnh tinh thần đến mọi người để chúng ta ai cũng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo đó, nhiều người dựa vào Luật hấp dẫn mong tìm kiếm và tập hợp những điều mà họ cho là sẽ mang lại hạnh phúc cho họ. Nhưng mọi thứ đều đi ngược lại với những suy nghĩ ấy. Luật hấp dẫn nói rằng: con người chủ động phủ lên cuộc sống của mình sắc màu hạnh phúc hơn là nỗ lực đi tìm kiếm nó từ những yếu tố bên ngoài. Điều này đã được Rhonda viết như sau:

Tôi muốn chia sẻ với bạn một bí mật. Con đường ngắn nhất dẫn bạn đến một cuộc sống tốt đẹp không muộn phiền được nuôi dưỡng bằng những xúc cảm hạnh phúc của bạn trong hiện tại. Đó là cách nhanh nhất giúp bạn có được những gì mình ao ước cũng như khơi nguồn mạch cảm xúc trong bạn, để bạn đóng góp cho thế giới này càng nhiều những trải nghiệm đẹp và đáng nhớ. Bạn lưu giữ những mong ước của mình vào ký ức và thế giới xung quanh sẽ là nơi phản ánh chúng, đó cũng là nơi suy nghĩ kết tinh thành hành động. Vì vậy, bạn hãy lập trình cho mình những suy nghĩ và tư tưởng hướng về hạnh phúc.

Khi tâm trạng thoải mái thì năng lượng bên trong sẽ tạo ra một công năng giúp đưa bạn tiến gần hơn tới những mục tiêu của mình. Chìa khóa dẫn đến hạnh phúc không phải là sự trông chờ cuộc sống sẽ mang đến những gì cho ta. Luật hấp dẫn sẽ phát huy cao nhất tác dụng khi bạn ứng dụng nó vào một mục tiêu đặc biệt – một mục tiêu sẽ dẫn đến mọi mục tiêu còn lại – đó chính là con đường hướng đến niềm hạnh phúc tự thân.

Và đây, nếu bạn muốn áp dụng phương pháp này vào cuộc sống của mình, tôi sẽ cung cấp cho bạn 3 yếu tố để vận dụng Luật hấp dẫn là:

1. Ý định: những dự định của bạn cần phải rõ ràng, tức là bạn đang yêu cầu, khao khát hạnh phúc ở mức độ cao hơn.

2. Sự chú tâm: bất cứ việc gì có sự chú tâm đều mang lại kết quả tốt. Hãy đặt sự chú tâm của bạn vào mục tiêu hạnh phúc và rèn luyện những thói quen tốt mỗi ngày.

3. Bình an: hãy thư giãn và nghỉ ngơi. Trong lúc rèn luyện, hãy thả lỏng cho tinh thần không còn căng thẳng và tin rằng mình đang từng bước phá bỏ những rào cản để vươn đến giới hạn cao nhất của hạnh phúc.

Lập trình ý định và khái quát tầm nhìn

Tất cả những thay đổi đều bắt nguồn từ một ý định ban đầu. Trước khi bạn có thể nâng cao giới hạn hạnh phúc của mình, quan trọng nhất là bạn cần xác định rõ cái đích bạn đang nhắm đến là niềm hạnh phúc tự thân. Hãy bắt đầu bằng cách viết ra một lời khẳng định về ý định của mình: “Tôi biết ơn vì tôi……” và hoàn chỉnh câu này bằng những xúc cảm mà niềm hạnh phúc đích thực mang lại cho bạn.

Tôi muốn bạn dùng danh xưng “tôi” vì đó là từ có sức mạnh nhất, nó giúp bạn chuẩn hóa và định hình rõ ý định. Tôi cũng muốn bạn ghi lại lời khẳng định này ở thì hiện tại như thể bạn đang trải nghiệm niềm hạnh phúc ấy thật sự. Điều này sẽ giúp bạn tập trung tất cả nguồn cảm hứng và quyết tâm. Ví dụ như: lời khẳng định của tôi là: “Tôi biết ơn vì tôi đang trải nghiệm một cảm giác thật yên bình và hạnh phúc”.

Bây giờ, bạn hãy hình dung mình đang ngập tràn trong trạng thái hạnh phúc – một cảm giác hạnh phúc đích thực. Lúc này, bạn cảm nhận cuộc sống của mình như thế nào khi đang trải nghiệm một cảm giác yên bình và thanh thản tuyệt đối? Bạn muốn làm gì ngay lúc này? Bạn dung hòa với mọi người như thế nào?

Tự hình dung những cảm xúc mà mình mong muốn có vẻ không được thực tế nhưng đây lại là một bài tập rất tốt. Càng trải nghiệm những xúc cảm của hạnh phúc bạn sẽ càng dễ biến nó thành hiện thực.

Tôi cũng đề nghị bạn nên tạo ra một tấm bảng ghi lại quá trình rèn luyện để đạt đến hạnh phúc đích thực. Đó sẽ là nơi bạn khái quát những bước đi của mình nhằm hoàn thành mục tiêu. Rất nhiều người đã dùng phương pháp này để giúp họ cụ thể hóa mong ước về một chiếc xe mới, một ngôi nhà đẹp, một mối quan hệ nào đó… Trên tấm bảng đó bạn hãy tập trung vào những xúc cảm hạnh phúc mà mình ao ước có được. Bạn có thể chọn một bức ảnh thiên nhiên hay ảnh một ai đó đang cười hoặc đang khiêu vũ; cũng có thể là ảnh của bạn và những người bạn yêu quý. Và hãy nhớ rằng bạn được khuyến khích lựa chọn những bức ảnh mang lại cho bạn cảm giác được mở lòng, thư thái và dễ chịu, đồng thời đừng quên kết thúc bằng một lời khẳng định về mục tiêu của niềm hạnh phúc đích thực.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.