Khi Mọi Điểm Tựa Đều Mất
Chương 9: Thiết kế khu vườn – Củng cố những mối quan hệ tốt
Người hạnh phúc sẽ luôn mang hạnh phúc đến cho người khác.
Mark Twain
Tôi thích ngồi trong khu vườn nhà mình trên chiếc ghế dài được đặt ở góc vườn tràn ngập ánh nắng – nơi tôi có thể vừa ngắm những bông hoa vừa nhìn toàn cảnh khu vườn xinh đẹp của mình. Tôi cho đây là cách hay nhất để giải tỏa những căng thẳng sau một ngày làm việc hay đơn giản chỉ là những phút giây thư giãn để tôi hòa mình với thiên nhiên.
Mối quan hệ giữa bạn với những người xung quanh cũng giống như khu vườn bao quanh ngôi nhà hạnh phúc mà bạn vừa xây lên. Khi nhìn vào khu vườn này, bạn có thấy những bông hoa xinh đẹp rực rỡ sắc màu, hay chỉ là một vệt dài rong rêu bám đầy? Những mối quan hệ cũng tác động đến chúng ta theo cách
tương tự – vừa khuyến khích, thúc đẩy chúng ta, vừa làm chúng ta nản lòng và thất vọng. Trong đó những người hạnh phúc sẽ luôn biết củng cố và bồi đắp những mối quan hệ mà họ biết rằng sẽ dẫn dắt và giúp họ trải nghiệm cảm giác hạnh phúc.
Lan truyền cảm xúc
Một trong những khám phá thú vị nhất của những nhà khoa học về thần kinh trong thập kỷ qua là bộ não con người được lập trình để bắt chước người khác. Những người bạn tiếp xúc, hay thậm chí là những người bạn thoáng gặp trên đường và tình cờ gật đầu chào đều có một sợi dây nối kết về mặt tinh thần với chúng ta. Bộ não con người gồm những tế bào phản ánh – chúng chịu sự tác động cũng như sự chi phối từ hành động của mọi người xung quanh.
Đã bao giờ bạn nhận ra mình đang bắt chước những cử chỉ hay cách nói của người đối diện một cách không cố ý và không kiểm soát được chưa? Bạn đã từng ngáp sau ai đó ngay cả khi bạn không hề mệt mỏi hay buồn ngủ? Khi bạn trông thấy hành động từ một người khác, những tế bào phản ánh trong não bạn lập tức lan truyền thông tin và tạo cho bạn cảm giác như chính mình đang thực hiện hành động đó.
Những tế bào thần kinh phản ánh cũng có liên quan đến việc chấp nhận và cảm thông đối với những xúc cảm của người khác, điều này giải thích vì sao khi một người đang giận dữ hay thất vọng bước vào phòng thì lập tức mọi người trong phòng đều cảm nhận được cảm xúc đó. Hay khi trông thấy ai đó đang dâng tràn cảm xúc thì chính bạn cũng cảm thấy xúc động. Các nhà nghiên cứu tin rằng tính tự kỷ – căn bệnh khiến người bệnh mất khả năng nối kết với mọi người xung quanh – có thể xuất phát từ nguyên nhân do các tế bào thần kinh phản ánh bị hư tổn.
Cảm xúc của con người rất dễ truyền dẫn từ người này sang người khác. Những xúc cảm tích cực, động viên nếu được lan truyền sẽ mang lại tác dụng tốt, trong khi những xúc cảm như giận dữ, ghen tỵ, lo lắng hay chán ghét khi được lan truyền sẽ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực cho người nhận.
Hãy nghĩ về những người bạn gặp trong cuộc đời. Bạn có muốn những cảm xúc của họ lan truyền đến mình không?
Năng lượng trong các mối quan hệ
Những trải nghiệm của bạn về niềm hạnh phúc đích thực chịu ảnh hưởng khá nhiều từ năng lượng của những người xung quanh. Khi bồi đắp những mối quan hệ tốt đẹp, năng lượng trong bạn được giải phóng. Và ngược lại, những mối quan hệ không tốt sẽ góp phần kìm hãm nguồn năng lượng ấy.
Rèn luyện những thói quen sau sẽ giúp bạn nâng cao giới hạn hạnh phúc cho bản thân mình:
1. Thắt chặt các mối quan hệ
2. Đong đầy những lời động viên
3. Nhìn nhận thế giới như một đại gia đình
Thói quen thứ nhất cho các mối quan hệ tốt đẹp
Gắn bó với người có thái độ tích cực
Bạn là kết tinh của năm người bạn tiếp xúc nhiều nhất.
Jim Rohn
Chúng ta làm đẹp cho khu vườn bằng cách nhổ cỏ, tưới cây và chăm bón cho cây cối. Chúng ta cũng có thể thắt chặt các mối quan hệ xung quanh bằng cách dành nhiều thời gian hơn với những người thường động viên, khuyến khích mình và giảm thời gian tiếp xúc với những ai chỉ mang lại cho chúng ta khổ đau và tuyệt vọng.
Tất nhiên, càng vững tinh thần, càng dễ cảm nhận xúc cảm hạnh phúc, chúng ta càng ít bị chi phối bởi môi trường bên ngoài. Ngay cả khi phải tiếp xúc với một môi trường thiếu lành mạnh, bạn vẫn biết cách tạo ra những giới hạn tương tác cần thiết để mối quan hệ này không đi quá xa có thể kéo bạn sa lầy.
Câu chuyện của Martha Beck
Đại gia đình những người không cùng huyết thống
Năm tôi 15 tuổi, lần đầu tiên tôi cảm thấy mình tiếp xúc quá ít với những người mình yêu mến. Không giống như những thanh niên khác, tôi không có hứng thú với chuyện giới tính, thuốc lá hay nhạc rock’n’ roll mà chỉ thích nghiên cứu văn học Anh và sinh học. Tôi không có bạn thân, tất cả chỉ là những người bạn bình thường. Tôi thường đi lòng vòng quanh khuôn viên rộng lớn của trường giống như một con ngựa vằn lạc loài đang khao khát tìm một loài vật cũng có sọc trên lưng như mình.
Trong tôi luôn có một suy nghĩ: “Chắc chắn còn rất nhiều người giống tôi. Nhưng họ đang ở đâu?”.
Thỉnh thoảng tôi gặp một ai đó – trong lớp, khi đang tranh luận hay trên phố – và họ mang đến cho tôi một sức hút lạ kỳ. Tất nhiên đây không phải là sự thu hút về giới tính – chỉ là tôi… “nhận ra” họ mà thôi.
Khi trưởng thành, những trải nghiệm này ngày càng rõ. Ngày đầu tiên bước vào giảng đường đại học, cũng với cảm giác lạc lõng và sợ hãi, tôi đi dạo đến một xưởng nghệ thuật và chợt trông thấy vị giáo sư – người thầy vĩ đại nhất đời tôi.
Và có một lần, khi tôi đang ngồi chờ xe buýt và vẽ vu vơ vào quyển sổ nháp của mình, một phụ nữ ăn mặc chỉnh tề đã chăm chú nhìn tôi vẽ. Cô nói:
– Nghe này, cháu nên tham gia vào một lớp vẽ đi.
– Dạ, cháu biết. Cháu đang theo học một lớp vẽ rồi cô ạ. – Tôi trả lời.
Người phụ nữ nhìn vào mắt tôi. Cô ấy gật đầu. Chuyến xe của cô đến và cô bước lên xe. Tôi không bao giờ gặp lại cô nữa nhưng tôi luôn nhớ và yêu quý cô. Đó là những cảm giác lạ kỳ và rất tuyệt vời. Càng sống, tôi càng “bắt gặp” nhiều người mà tôi chưa từng biết đến. Và hơn thế, tôi nhận ra sự nối kết giữa chúng tôi: những người lạ tôi gặp, họ dường như cũng “nhận ra” tôi. Trong mắt họ tôi cảm nhận được vô vàn câu hỏi, như thể họ cũng đang tìm kiếm những người thân mất tích trong thế giới rộng lớn này.
Và tôi cũng nhận ra vì sao mình lại cảm thấy ấm áp, gần gũi với những người mà tôi hầu như chỉ gặp thoáng qua một lần trong đời.
Đó là vì họ chính là gia đình của tôi.
Hiện tại, tôi hài lòng với khái niệm “gia đình là sự nối kết các tâm hồn với nhau” đến nỗi tôi không ngạc nhiên khi bắt gặp, “nhận ra” những người bố người mẹ mới, anh chị em mới hay con cái mới của mình. Họ xuất hiện trong cuộc đời tôi một cách diệu kỳ.
Thiết lập hệ miễn nhiễm cảm xúc
Dành thời gian ở bên cạnh những người thân yêu – gia đình, bè bạn – sẽ giúp bạn cân bằng và duy trì được cảm giác hạnh phúc, vì vậy lựa chọn những người ở cạnh mình là một điều rất quan trọng.
Không phải người nào đến bên cuộc đời bạn cũng đều là người tốt. Tôi chắc bạn đã từng cảm thấy hạnh phúc và vui sướng dường nào cho đến khi bạn ở bên cạnh một ai đó – là bạn bè, người thân hay đồng nghiệp – đang khó chịu và kết quả bạn cũng không duy trì được sự hưng phấn đang có. Tôi gọi đó là sự lan truyền cảm xúc: bạn đang bị ảnh hưởng vì những cảm xúc của người đối diện. Trong trường hợp này, cách tốt nhất là bạn nên tránh tiếp cận với những người như thế vì họ sẽ nhanh chóng lấy đi cảm xúc vui vẻ và yêu đời của bạn.
Những con người đó là những ai? Họ là những người luôn phàn nàn, luôn khiến người khác khó chịu, luôn tìm cách để bới móc, gây tổn thương cho người khác. Một số người rất khó để nhận diện: họ chỉ biết đến cá nhân, luôn lo sợ, hay phán xét người khác và hay dùng mánh khóe để lôi kéo mọi người. Đôi khi họ cũng tỏ ra là người tốt nhưng bạn không thể tiếp xúc quá gần với họ được vì cảm giác mệt mỏi và thất vọng.
Hãy vận dụng hệ thống định vị riêng của bạn để mở rộng các mối quan hệ với những người tích cực cũng như tăng dần khoảng cách với những người thường mang ý nghĩ tiêu cực. Bạn hãy nhắm mắt, hít thở sâu và hình dung từng người đã đi qua trong cuộc đời mình. Ai trong số họ khiến bạn cảm thấy bình yên, thanh thản khi ở gần và ai khiến bạn cảm thấy mệt mỏi phải tránh xa?
Thậm chí ngay cả khi bạn đã nhận diện ra những người bạn cần tránh xa thì mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Vấn đề ở chỗ vì một số lý do khách quan, bạn luôn phải tiếp xúc hay có quan hệ khá gần với họ. Vậy trong trường hợp này bạn phải xử lý thế nào?
Giải pháp đưa ra là bạn phải thiết lập một giới hạn giữa bạn và những người đó. Như Tiến sĩ Phil đã nói: “Chúng ta chỉ cho mọi người cách họ phải đối xử với chúng ta thế nào” – bằng cách biết chấp nhận bản thân mình và không buông lơi theo mạch cảm xúc của họ. Khi phải tiếp cận lâu dài với những người không mang lại cho bạn cảm giác thoải mái, bạn hãy thử áp dụng một vài giải pháp giúp bạn ngăn ngừa tình trạng lan truyền cảm xúc được đề xuất sau đây:
1. Phá vỡ hiệu ứng dây chuyền: Bạn đã biết về những tế bào phản ánh, vì vậy hãy vận dụng chúng cho trường hợp này. Nếu phải giao tiếp với một người đang giận dữ, bạn hãy ý thức rằng bạn nên làm dịu lại ánh nhìn của mình đối với họ, hãy giữ cho cảm xúc của bạn được trung hòa và đừng sử dụng những ngôn ngữ cơ thể theo cách mà họ đang sử dụng. Tuyệt đối không nên chỉ trích hay bị trạng thái căng thẳng của họ tác động vì bạn sẽ bị chi phối bởi tính tiêu cực đó.
2. Thiết lập một hàng rào chắn: Khi không thể tránh xa hay bị đối phương tấn công dồn dập bằng những cảm xúc tiêu cực, nhà tâm thần học Judith Orloff khuyên rằng bạn hãy tưởng tượng một bức tường chắn vô hình dựng lên trước mắt mình hay tưởng tượng một tấm chắn bao bọc xung quanh bạn. Nó sẽ cho bạn cảm giác được bảo vệ và tránh tình trạng những cảm xúc đối phương lan truyền đến bạn.
3. Là hình mẫu cho người khác: Đừng cố gắng thay đổi người khác. Chúng ta thường nghĩ mình có thể giúp người khác bằng lòng vị tha hay chỉ dẫn cho họ thấy những điểm sai, nhưng điều này lại hiếm khi mang lại kết quả như mong đợi. Cách hiệu quả nhất để tạo ảnh hưởng đến người khác chính là bản thân chúng ta trở thành những hình mẫu cho họ noi theo.
Nhắn gửi yêu thương
Cách tốt nhất để giữ cho một mối quan hệ được tốt đẹp, vững bền được gói gọn trong hai từ: trân trọng. Khi chúng ta bày tỏ sự trân trọng đối với những giúp đỡ tận tình của người khác, sự trân trọng đó sẽ bồi đắp cho ta thái độ sống đẹp cũng như vun xới cho mối quan hệ giữa đôi bên.
Tuy nhiên chúng ta thường không quan tâm hoặc quá ít chú tâm vun xới những mối quan hệ tốt đẹp quanh mình. Chúng ta xem nhẹ nó vì trong thâm tâm luôn mang ý nghĩa mối quan hệ ấy là hiển nhiên, không thể phá vỡ được. Nhà tâm lý học John Gottman đã thực hiện một cuộc khảo sát về cảm nhận hạnh phúc của 700 đôi vợ chồng mới cưới để xem về lâu dài họ còn duy trì được ngọn lửa hạnh phúc như ban đầu không. Sau đó, ông đi đến kết luận: nếu người vợ (hoặc chồng) có một cuộc giao tiếp tiêu cực với đối phương nhưng cả hai biết dung hòa và cố gắng thực hiện sáu cuộc giao tiếp thân thiện và tích cực sau đó thì cuộc hôn nhân của họ sẽ được duy trì lâu dài. Một cuộc khảo sát 10 năm sau đó đã cho thấy một kết quả bất ngờ: có đến 94% những cặp vợ chồng được ông tuyên bố rằng cuộc hôn nhân của họ không thể kéo dài đã đưa nhau ra tòa ly dị.
Judith W. Umlas, tác giả quyển The Power of Acknowledgment cho rằng: “Một trong những điều quan trọng nhất giúp con người nâng cao xúc cảm hạnh phúc chính là chúng ta hãy biết trân trọng và công nhận những người xung quanh mình. Theo một bài báo của tạp chí Gallup Management Journal, khi một người được trân trọng, chất dopamine sẽ được tiết ra – đây là một nội tiết tố ảnh hưởng trực tiếp đến xúc cảm hạnh phúc!”.
Năm 2004, Tiến sĩ Donald O. Clifton cùng cháu trai là Tom Rath đã gửi một thông điệp qua quyển sách How Full is Your Bucket?(*): Cách tốt nhất để nối kết, thúc đẩy và truyền cảm hứng cho mọi người – điều được ông gọi là “đong đầy chiếc xô cảm xúc của đối phương”, chính là thông qua sự công nhận và trân trọng một cách chân thành. Một khi “đong đầy chiếc xô cảm xúc của đối phương”, xúc cảm hạnh phúc trong bạn cũng sẽ được bồi đắp nhanh chóng.
(*) First News đã xuất bản với tựa “Bí mật chiếc xô cảm xúc”.
Sau đây là “Bài tập rèn luyện sự trân trọng” giúp bạn bồi đắp sự trân trọng cho bản thân. Đây là cách tuyệt vời để củng cố mối quan hệ của bạn với bất kỳ ai – vợ (chồng), con cái, bạn bè hay đồng nghiệp.
Bài tập rèn luyện sự trân trọng
1. Hãy bắt đầu bằng việc xác định một điều ở đối phương khiến bạn trân trọng (ví dụ, “Bạn làm tôi cười”, “Bạn động viên, khuyến khích tôi”, “Bạn thật tốt”). Sau đó, bạn sẽ đổi vai trò với người đối diện. Và cứ thế lặp lại quá trình ít nhất là năm lần hoặc càng lâu càng tốt.
2. Cũng với quy trình cũ nhưng lần này bạn chỉ xác định một điều mà bạn cảm thấy trân trọng ở bản thân mình. Sau đó bạn đổi lượt với đối phương. Thực hiện ít nhất năm lần hoặc càng lâu càng tốt.
Thói quen thứ hai cho các mối quan hệ tốt đẹp
Đong đầy những lời động viên
Bạn phải tự mình làm lấy mọi việc, nhưng bạn không thể làm một mình.
Martin Rutte
Khi chúng ta trải qua những thời khắc khó khăn trong cuộc sống hay quyết định theo đuổi giấc mơ của mình, những người thân bên cạnh chính là nguồn cảm thông, khuyến khích, đứng về phía chúng ta, động viên cổ vũ để chúng ta tiếp tục tiến bước.
Và thông thường, cách tốt nhất để bạn đong đầy cho mình những lời động viên, khuyến khích chính là việc gia nhập hay thành lập một nhóm gồm những thành viên thường xuyên gặp gỡ, với mục đích là chia sẻ nhằm giúp nhau không cảm thấy mặc cảm và tự ti về chính mình.
Câu chuyện của Molly Baker
Sự nâng đỡ của những người bạn
Tôi và John gặp nhau vào tháng 10 và chỉ hai tháng sau đó – tháng 12, anh đã ngỏ lời cầu hôn với tôi. Tôi đồng ý làm vợ anh không chút do dự. Anh yêu tôi. Ngoài việc đã có trong tay bằng tốt nghiệp của Đại học Ivy League danh tiếng và một công việc ổn định, John còn là một người vui vẻ, hòa đồng và có khả năng lãnh đạo – tất cả những tố chất mà tôi không có. Thêm vào đó, tôi đã 21 tuổi, cái tuổi đã sẵn sàng để lập gia đình. Thời gian đó là vào đầu thập niên 50, tôi không có mục tiêu nghề nghiệp gì ngoại trừ mong muốn trở thành một người vợ tốt và người mẹ hiền. Vậy mà, 10 tháng sau khi cưới, chúng tôi thật sự vẫn chưa biết hết về nhau.
Và rồi tôi nhận ra chồng mình nghiện rượu.
Năm đầu tiên sau khi lấy nhau là khoảng thời gian khó khăn với tôi. John thể hiện là một người nghiện rượu và luôn bận rộn lo xây dựng sự nghiệp cho bản thân. Anh luôn làm việc đến tận khuya, đi gặp đối tác thường xuyên và dường như không có thời gian dành cho gia đình.
Tôi rất khổ tâm khi phát hiện ra tình trạng nghiện rượu của John. Mỗi khi say, anh như trở thành một người hoàn toàn khác: anh đi đứng loạng choạng và làm náo động cả nhà. Tôi rất khổ sở khi ở cạnh anh lúc đó. Một lần vì say rượu, anh gặp tai nạn giao thông, rất may là chỉ có chiếc xe bị hư hại nghiêm trọng, còn anh chỉ phải vào viện để khâu vài mũi. Chuyện này tôi không dám nói với ai, dù là bố mẹ hay anh chị em.
Mối quan hệ của chúng tôi ngày một xấu đi. Đến khi hai đứa con tôi ra đời thì mọi chuyện bắt đầu tồi tệ hơn. Thời gian trôi qua, tôi cố gắng giam mình vào công việc để không phải suy nghĩ hay xử lý vấn đề mà mình đang gặp phải. Bề ngoài, chúng tôi vẫn giữ được vẻ bình yên như bao gia đình khác nhưng thực ra thì quan hệ giữa tôi với John đã rạn nứt.
Khi tôi phàn nàn với hai người bạn thân về chồng mình, họ rất cảm thông. Điều đó khiến tôi cảm thấy an ủi được phần nào, nhưng nếu cứ đắm mình vào nỗi tuyệt vọng đó và kể lể mãi cũng không giúp tôi thay đổi được hoàn cảnh.
Một đêm, tôi chợt tỉnh giấc và phát hiện ra mình đang khóc trong sự phẫn uất tột cùng và đang đấm không ngừng vào ngực John. Tất cả sự phẫn uất tôi từng cố kìm nén bấy lâu nay đã bùng phát trong đêm đó. Và John, sau cơn say, vẫn còn ngáy ngủ nên không biết gì. Tôi ngồi chết lặng đối diện với sự thật về hoàn cảnh của chính mình. Nỗi sợ về sự cô đơn, sợ phải tự mình gượng dậy, sợ làm bố mẹ và con cái thất vọng đang dần dần chế ngự và làm tôi mất hết ý chí.
Đến một ngày, khoảng vài tuần sau đó, một người bạn rủ tôi tham gia vào một nhóm phụ nữ cũng có hoàn cảnh giống tôi – đều có chồng nghiện rượu. Tôi háo hức đồng ý.
Chúng tôi đến nhà thờ nơi diễn ra cuộc gặp mặt của tổ chức Al-Anon, tôi được dẫn vào một căn phòng được bài trí khá đặc biệt, ghế được xếp tập trung lại thành một vòng tròn ở chính giữa phòng. Cuộc họp bắt đầu khi mọi người đã đến đông đủ.
Điều làm tôi có ấn tượng tốt ngay từ giây phút đầu ấy là ai nấy đều cởi mở. Mỗi người đều rất tự nhiên và tôi cảm nhận được mối thân hữu lan truyền khắp căn phòng – đến tất cả mọi người – dù là người mới hay cũ. Tôi có cảm giác như vừa thoát ra khỏi cơn giá lạnh và đang được bao bọc bởi hơi ấm của tình thân ái. Sau khi tự giới thiệu về mình, tôi ngồi chăm chú lắng nghe mọi người chia sẻ những trải nghiệm của họ.
Tôi bắt đầu lui tới những cuộc họp mặt như thế thường xuyên hơn, khoảng hai đến ba lần một tuần. Họ bắt đầu quan tâm và muốn giúp tôi cải thiện tình hình gia đình mình. Nhưng tôi chỉ muốn lắng nghe chia sẻ từ mọi người – họ đã trải qua những biến cố như tôi nhưng họ đã biết cách vươn dậy để tiếp tục cuộc sống.
Sau mỗi buổi gặp mặt, nhiều người đã đến bên tôi và san sẻ cho tôi một cái ôm nồng thắm, thì thầm những lời động viên khuyến khích. Và tôi như miếng bọt biển thấm vào hết tất cả tình yêu thương và sự san sẻ của mọi người. Tôi bắt đầu gượng dậy.
Nhưng mọi chuyện thật không dễ. Những lúc John say, tôi luôn có cảm giác mình là nạn nhân của một cuộc hôn nhân sai lầm. Suy nghĩ ấy khiến tôi thật sự mệt mỏi, chán chường. Được sự giúp đỡ của nhóm bạn, trong tôi dần có sự thay đổi, thay vì thu mình trong nỗi tuyệt vọng, tôi chia sẻ chúng với nhóm bạn và cố gắng tập trung hướng vào sự thanh thản và bình yên trong tâm hồn mình.
Vào một đêm, John về nhà lúc hai giờ sáng trong tình trạng say mèm. Anh mò mẫm leo lên giường, miệng không ngớt la hét. Tôi nhìn người đàn ông đã từng là chồng mình suốt hơn 20 năm qua như nhìn một người xa lạ khó ưa. Tất cả những gì tôi cảm nhận lúc này là không muốn ở chung phòng với người đàn ông này mỗi khi anh ta say. Tôi ngạc nhiên vì sự điềm tĩnh đang ngự trị trong lòng mình. Cảm giác đó tôi vẫn còn nhớ mãi: nỗi sợ trong tôi đã biến mất.
Tôi nói với John: “Anh à, tối nay em sẽ ngủ ở phòng khách”. Và tôi ngồi dậy đi sang căn phòng ở cuối hành lang.
John đi theo tôi vào phòng và bắt đầu cằn nhằn:
– Thôi nào, em đang làm gì thế? Quay trở về phòng ngủ thôi.
Lại là điệp khúc thường lệ của anh. Tôi nhìn thẳng vào mắt anh rồi nói:
– Không, John à. Tối nay em ngủ ở đây. Chúng ta sẽ gặp nhau vào sáng mai.
Giọng nói của tôi không thoáng chút bối rối hay giận dữ nào mà rất điềm tĩnh – điều này khiến John và ngay cả tôi nữa cũng ngạc nhiên về chính mình. Anh rời phòng và tôi ngủ – một giấc ngủ sâu và thanh thản nhất tôi từng có.
Sáng hôm sau, tôi ngồi cạnh John và nói với anh: “John này, em không thể nào chịu đựng tính khí của anh được nữa. Em muốn chúng ta ly thân”. Đột nhiên, gương mặt John trắng bệch.
Tôi nói tiếp: “Hôm nay em sẽ dọn đi. Em cần có thời gian yên tĩnh để xác định xem em là ai và em cần gì”.
John có vẻ hơi sốc trước những lời nói của tôi. Tất cả những gì anh làm là đứng dậy và nói: “Được thôi”. Sau đó, anh bước ra khỏi cửa.
Hôm đó, tôi đến nhà một người bạn, bạn tôi đi nghỉ trong ba tuần và tôi được tự do một mình. Tôi vẫn tham gia các buổi sinh hoạt của tổ chức Al-Anon như thường lệ. Những người bạn trong nhóm vẫn giúp đỡ tôi trong cuộc sống hằng ngày. Sau ba tuần, John gọi cho tôi. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi anh nói
rằng anh sẽ chuyển đến căn hộ của một người bạn để tôi có thể quay về nhà. Tôi chấp nhận một cách vui vẻ, và chúng tôi vẫn sống ly thân trong vài tuần sau đó. Cuối cùng, tôi quyết định tìm một công việc và một chỗ ở mới thì John liên lạc và nói rằng anh muốn nói chuyện với tôi.
Chúng tôi gặp nhau, John hỏi tôi:
– Molly à, thật sự em muốn gì?
Đã từng chia sẻ vấn đề này với nhóm bạn nhiều lần nên lúc đó, tôi hoàn toàn biết mình sẽ trả lời như thế nào. Tôi cười với anh rồi đáp:
– John, em yêu anh. Em tôn trọng anh. Em không muốn chúng ta ly dị nhưng em không thể nào chấp nhận cách anh hành xử mỗi khi uống rượu say.
Anh im lặng trong giây lát rồi nói:
– Đây là tất cả những gì anh cần biết. – Nói xong, anh đứng dậy và bỏ đi.
Ba ngày sau, anh gọi lại. Và tôi không thể nào quên những lời anh nói lúc đó: “Molly à, anh biết anh là kẻ nghiện rượu nhưng bây giờ anh đang cố gắng cai rượu. Anh muốn quay về nhà”.
Chuyện xảy ra cách đây 30 năm.
Từ đó đến nay, John không còn uống rượu và tôi cũng không bỏ lỡ một buổi họp mặt nào của nhóm bạn hỗ trợ. Tôi yêu chồng tôi, trân trọng anh ấy và tôi cũng cảm nhận được tình yêu và sự trân trọng anh dành cho mình. Tôi rất biết ơn những người bạn đã ở bên tôi trong hoàn cảnh tuyệt vọng trước đây. Tôi luôn tìm thấy niềm tin và sự thanh thản cho mình khi ở bên họ.
Điều này giúp tôi nhận ra giá trị của một nhóm hỗ trợ chính là việc bạn lập ra một hội, một nhóm trong đó các thành viên sẽ cùng giúp nhau tiến về phía trước. Điều này dựa trên một quy luật xưa: khi hai hay nhiều người tập hợp và hướng đến một mục tiêu chung, nỗ lực của cả nhóm sẽ được bồi đắp và họ dễ dàng nhanh chóng đạt được những điều mình đang khao khát.
Bạn có thể áp dụng bài tập sau để tổ chức những buổi sinh hoạt nhóm có hiệu quả.
Quy trình của buổi sinh hoạt nhóm hỗ trợ
1. Hình thành nhóm bằng cách tập hợp năm đến bảy người bạn tin tưởng và biết tôn trọng nhau. Lên lịch thời gian sinh hoạt (một đến hai lần mỗi tháng là tốt nhất). Lựa chọn người chủ trì buổi sinh hoạt.
2. Mở đầu, người chủ trì sẽ chia sẻ một câu chuyện để gợi nguồn cảm hứng cho các thành viên.
3. Mỗi người sẽ có từ ba đến bốn phút để chia sẻ những điều mình đạt được kể từ lần sinh hoạt cuối.
4. Sau đó, mỗi cá nhân sẽ dành mười đến mười lăm phút để nói về những dự định của mình hay có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ những thành viên còn lại nếu gặp bất kỳ vấn đề gì.
5. Mỗi cá nhân sẽ xác định hướng đi cho mình để tiến đến những mục tiêu đã đặt ra trước lần sinh hoạt tới (ví dụ: bạn sẽ tập thể dục ba lần một tuần, mỗi lần 30 phút).
6. Người chủ trì sẽ có định hướng phát triển khách quan cho nhóm.
Mọi người trong nhóm cần lưu ý theo sát những lời khuyên sau: lắng nghe không ngắt lời người khác, tránh để mình có những hành vi tự ti hay mặc cảm (tự buộc tội/xấu hổ/phàn nàn), chỉ đề xuất giải pháp khi được yêu cầu và giữ bí mật tất cả những điều được chia sẻ tại đây.
Thói quen thứ ba cho những mối quan hệ tốt đẹp
Nhìn nhận thế giới như một đại gia đình
Nhìn bề ngoài, không phải ai cũng giống ai nhưng suy cho cùng, chúng ta vẫn có một điểm chung: đều là con người… Hãy cố gắng mở lòng với mọi người xung quanh. Bạn gắn kết với mọi người, và mọi người sẽ gắn kết với bạn.
Maya Angelou
Sự thật là tình yêu thương, sự cảm thông, quan tâm và chia sẻ của con người với nhau là những xúc cảm tự nhiên của niềm hạnh phúc đích thực. Nó chẳng những không có giới hạn nào đối với người thân hay bạn bè, mà nó còn được truyền tải đến toàn nhân loại. Quốc tịch, tôn giáo, tín ngưỡng – không thể là rào cản cho những cảm xúc đó. Những người nắm giữ niềm hạnh phúc đích thực đều nhìn thấy điểm chung giữa mình với những người xung quanh, tất cả chúng ta đều mưu cầu tình yêu và hạnh phúc. Nhìn ở một mặt nào đó thì mỗi người là một bộ phận của đại gia đình thế giới rộng lớn nên những người hạnh phúc luôn có thói quen san sẻ cho người khác những gì mình có, dù là ở bất kỳ đâu.
Câu chuyện của Happy Oasis
Ốc đảo hạnh phúc
Tôi luôn là một người có tinh thần tự do. Khi tôi tốt nghiệp trung học vào năm 1983, thay vì vào học Đại học Ivy League theo như mong muốn của cha mẹ, tôi đi đến Úc. Tôi bắt đầu kiếm tiền và đi du lịch. Sau đó, từ Úc tôi sang vùng Đông Nam Á và theo đuổi việc nghiên cứu về ngành nhân học.
Khi rời nước Mỹ, tôi mười tám tuổi – là một cô bé ngây thơ và được gia đình bảo bọc. Tôi cho rằng mình hạnh phúc nhưng dường như tôi đã quá thờ ơ với điều đó. Cho đến khi tôi đến Úc, tôi vẫn không nhận thức được những đau khổ mà nhiều người đang phải gánh chịu.
Khi tôi đặt chân xuống thủ đô Dhaka của Bangladesh, tôi phát hiện ngoài ảnh hưởng của thời tiết gió mùa, nơi đây còn đang xảy ra một nạn đói khủng khiếp gây nên bệnh tật và sự chết chóc trên toàn đất nước.
Một buổi sáng, tôi đón xe buýt ở Dhaka và đi về những vùng sâu của Bangladesh. Nhìn xung quanh, tôi phát hiện mình là người Tây Âu tóc vàng, mắt xanh duy nhất trên chuyến xe. Tôi đã cố gắng ăn mặc giống phụ nữ đạo Hồi: trùm một chiếc khăn lớn quanh cổ và che phủ cánh tay cũng như hai chân, nhưng tôi biết mình sẽ dễ dàng bị phát hiện và điều đó khiến tôi không được thoải mái chút nào.
Chúng tôi rời thành phố và chẳng lâu sau, khung cảnh các nông trại và làng mạc hiện ra. Mấy ngày ấy trời đổ mưa tầm tã và có lúc chiếc xe phải thắng gấp để tránh những vũng nước lầy lội phía trước. Tôi nhìn xung quanh, cơn mưa xối xả đang giăng kín con đường và nước bắt đầu tràn vào một ngôi làng nhỏ gần đó. Chỗ xe đậu nhanh chóng bị bao bọc bởi nước lũ và tôi trông thấy rất nhiều người đang chạy về phía chúng tôi – khu đất cao chỉ rộng khoảng một sân bóng. Và rồi có rất nhiều người gầy guộc, ốm yếu, chủ yếu là trẻ em, đi chân trần và ăn mặc rách rưới nằm xuống khu đất xung quanh chiếc xe buýt. Tôi sợ hãi khi nhận ra họ sắp chết, căn bệnh lỵ và cái đói đang dần cướp đi sinh mạng của họ.
Tôi là người duy nhất không xuống xe. Tôi ngồi trên xe và tự hỏi mình có thể làm gì để giúp họ không.
Ý định ngây thơ đầu tiên của tôi là quy đổi thành tiền mặt tấm chi phiếu trị giá 2.000 đô-la trong thắt lưng của mình – số tiền cho chuyến du lịch của tôi trong một hay hai năm tới – để mua lương thực cho những người này. Nhưng tôi nhanh chóng nhận ra trong hoàn cảnh này điều đó là không thể.
Sau đó, tôi nghĩ: Tôi có thể dùng 150 đô-la tiền Bangladesh mà mình đang có sẵn để mua cho mỗi người một phần ăn ở tiệm tạp hóa. Nhưng khi nhìn về phía ngôi làng lụp xụp những ngôi nhà xiêu vẹo và cánh đồng lúa sũng nước xung quanh, thực tế nghiệt ngã lại ập đến: không thể mua được bất kỳ thực phẩm nào ở đây.
Tôi bật khóc. Tôi thực sự cảm thấy mình bơ vơ, lạc lõng, và bất lực với hoàn cảnh trước mắt.
Tôi nghe một tiếng động và khi nhìn lên, tôi trông thấy một người đàn ông đóng khố đang bước lên xe. Hắn rất yếu ớt, gầy guộc. Hắn khập khiễng tiến về phía tôi, bàn tay vịn chặt vào thành ghế để giữ thăng bằng. Hắn đến trước mặt tôi, nhìn tôi và đưa tay chạm vào những lọn tóc tôi cố giấu sau tấm khăn choàng. Tôi như chết lặng, ánh mắt của hắn, một ánh nhìn không biết của ác quỷ hay thiên thần – nó như ánh nhìn của một người đã chết. Khoảnh khắc người đàn ông đó chìa tay ra, tôi thấy những ngón tay xù xì, bong vảy và chỉ dài bằng một nửa ngón tay bình thường của hắn, tôi hoảng hốt nhận ra: hắn bị bệnh phong. Trước khi tôi kịp phản ứng thì hắn đã quay đi và tập tễnh bước xuống xe. Sợ hãi vì chuyện vừa xảy ra, tôi ngồi im trên xe, càng cảm thấy bơ vơ và bất lực.
Tôi vẫn đắm chìm trong cơn thất vọng thì chỉ vài phút sau, một người đàn ông khác lại chạy đến, anh đứng ngoài cửa và nhìn tôi chằm chằm. Anh giống như những người dân Bangladesh khác mà tôi đã gặp – quần áo tả tơi, gầy guộc với đôi chân trần – ngoại trừ một điểm ở anh làm tôi chú ý: anh cười rất tươi.
Tôi cảm thấy hơi khó chịu vì trong tình cảnh này mà anh ta vẫn còn thản nhiên cười được. Vừa khóc, tôi vừa ngắt lời anh ta:
– Sao anh lại có thể cười bình thản như thế được?
Trái với suy nghĩ của tôi, anh trả lời bằng một giọng tiếng Anh khá chuẩn:
– Thưa cô, nụ cười là tất cả những gì tôi có thể trao tặng cho người khác.
Tôi ngạc nhiên vì lời anh nói. Nhưng trước khi tôi kịp đáp lại, anh đã ra hiệu và nói:
– Đi nào, cô hãy đi với tôi.
Tôi bước xuống xe và đi theo anh, chúng tôi lao vào cơn mưa. Trong suốt mười giờ sau đó, chúng tôi rong ruổi khắp các cánh đồng và hát nguyện cầu cho từng người khi họ hấp hối và sắp qua đời. Người đàn ông mỉm cười, tôi gọi anh ta như thế, quỳ gối bên cạnh những con người này và thầm đọc một đoạn kinh cầu siêu của đạo Hồi.
Và trong hành trình đó, tôi nhận ra người đàn ông mắc bệnh phong lúc nãy đã bước lên xe đang nằm bất động trên nền đất. Tôi đến gần để nhìn rõ hơn. Anh ta nhắm nghiền mắt và trông như đang hòa dần vào lớp đất đá bên dưới. Tôi khẽ lay nhẹ người anh ta và phát hiện anh ta đã chết. Thỉnh thoảng, tôi và người đàn ông mỉm cười vẫn trò chuyện với nhau trên đường đi. Có lúc, tôi choáng ngợp với những gì mình chứng kiến và bật khóc. Người đàn ông mỉm cười phớt lờ những giọt nước mắt của tôi nhưng có một lúc, anh nói: “Chúng tôi có lý do để khóc nhưng chúng tôi đã không khóc. Còn cô, cô không có lý do gì để khóc cả. Vậy sao cô lại khóc?”. Anh nói với giọng rất nhẹ nhàng nhưng mang đầy sự nghiêm khắc của một người cha. Cách nói của anh như một lời động viên tôi rằng: “Hãy giữ cho tinh thần mình được vững vàng và làm tất cả những gì chúng ta có thể”.
Cơn mưa nặng hạt cuối cùng cũng vơi dần. Bác tài xế tập họp mọi người lên xe. Tôi chào tạm biệt người đàn ông kia rồi tiến về chỗ ngồi của mình. Tôi ngồi đó, và khi xe sắp lăn bánh, tôi hiểu rằng chúng tôi sẽ không có cơ hội gặp nhau một lần nào nữa. Tuy vậy, anh đã trở thành một người hùng trong lòng tôi.
Những năm sau đó, tôi đặt ra mục tiêu cho mình là phải sống thật hạnh phúc và chia sẻ hạnh phúc đó với tất cả những người xung quanh cũng như xem họ như là những người thân của mình trong một đại gia đình. Bất kỳ bạn đi đâu: đến tiệm tạp hóa hay đến ngân hàng thì bạn cũng không biết trước được mình sẽ tiếp xúc với những người ra sao. Một số người trong đó có thể đang rất tuyệt vọng và chỉ bằng một nụ cười, một cách tiếp xúc thân thiện và chân thành – như cách người đàn ông mỉm cười đã làm – tôi nhận ra mình có thể giúp họ cảm thấy dễ chịu và vơi đi nỗi tuyệt vọng. Đó là lý do tôi đổi tên mình thành Happy Oasis: tôi muốn trở thành một ốc đảo hạnh phúc – nơi mọi người có thể dừng chân và tận hưởng niềm hạnh phúc cùng tôi. Và qua đó, tôi tiếp nhận được một chân lý: nụ cười là điều bạn luôn có thể trao tặng cho những người tình cờ gặp gỡ – và như thế cũng đã đủ.
Nối kết bằng những nụ cười
Nụ cười như là dấu hiệu của sự thân thiện và tình yêu thương. Một nụ cười thoáng qua cũng mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực. Điều này được phản ánh khá rõ qua câu chuyện Carol từng chia sẻ trong quyển sách Invisible Acts of Power của cô. Câu chuyện nói về một thanh niên đang rất tuyệt vọng và nản chí đến nỗi anh có ý định chuẩn bị tự tử. Khi đang đứng tại góc đường chờ xe, một phụ nữ ngồi sau vô-lăng đã nhìn anh và nở một nụ cười. Chính nụ cười ấm áp ấy đã khiến anh thay đổi quyết định, giúp anh nhận ra vẫn còn nhiều điều tốt đẹp trên thế giới này.
Dù bạn là ai hay bạn ở đâu thì một nụ cười chân thành chính là cầu nối cho mọi sự khác biệt về văn hóa, tín ngưỡng, chủng tộc… Nụ cười sẽ thắt chặt sợi dây gắn kết giữa mọi người.
Thế giới là gia đình của tôi
Mỗi ngày hãy dành những tình cảm thân thiết nhất cho những người mà bạn gặp, xem họ như cha, mẹ, hay những người bà con thân thuộc nhất của mình. Bất cứ ở đâu, ở nơi làm việc, khi đi mua sắm hay tham gia các nhóm sinh hoạt, khi đang thực hiện một mục tiêu nào đấy, bạn cũng hãy thể hiện sự thân thiện với mọi người. Hãy để mọi người cảm thấy họ được yêu thương, được trân trọng và bạn xem đó như một lựa chọn tích cực, khách quan với hy vọng mang điều kỳ diệu đến thế giới này. Cuối ngày, bạn hãy để ý xem mình cảm thấy thế nào. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra sau một ngày san sẻ buồn vui cùng những người mà mình gặp, bạn sẽ cảm nhận niềm hạnh phúc và sự thanh bình cũng như khi bạn mong chờ sẽ mang lại những cảm xúc đó cho người khác.
Bảng tóm tắt các bước để có các mối quan hệ tốt đẹp
Hãy sử dụng quá trình lan truyền cảm xúc, đong đầy xung quanh mình bằng những lời động viên, khuyến khích, bạn nhìn nhận thế giới như đại gia đình – những việc làm đó giúp bạn vun xới cho những mối quan hệ ngày càng tốt đẹp hơn. Như vậy, bạn đang góp phần tạo nên một khu vườn tuyệt đẹp cho ngôi nhà hạnh phúc của mình. Những việc làm sau sẽ giúp bạn rèn luyện thói quen hạnh phúc để có những mối quan hệ tốt đẹp:
1. Sử dụng hệ thống định vị cá nhân để phân định những mối quan hệ tồn tại xung quanh, quan hệ nào tốt cần được duy trì, quan hệ nào cần giới hạn – làm điều này tức là bạn đang phân loại “hoa hồng” và “cỏ dại” trong khu vườn nhà bạn.
2. Khi phải kết giao với người thiếu tích cực, bạn hãy vận dụng những cách giúp bạn miễn nhiễm với sự lan truyền cảm xúc tiêu cực từ họ.
3. Áp dụng bài tập rèn luyện sự trân trọng đều đặn hằng ngày.
4. Thành lập nhóm hỗ trợ và lên kế hoạch sinh hoạt nhóm đều đặn.
5. Nhìn nhận thế giới như đại gia đình bằng cách tập trung vào những điểm chung hơn là những điều khác biệt và hãy san sẻ tình yêu thương đến với tất cả những người mà bạn có dịp tiếp cận.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.