Kho báu của vua Solomon

Chương 01 phần 2



“Hừ, – Ivan nói. – Để tớ kể cho cậu nghe một chuyện khác còn kì lạ hơn nhiều”.

Rồi anh ta bắt đầu kể cho tôi nghe rằng thật ra, xa tít trong nội địa, có lần ngẫu nhiên anh ta đã gặp một thành phố hoàn toàn đổ nát. Theo anh ta thì đó là Ophirơ, thành phố được nhắc đến trong Kinh Thánh. Cần phải nói rằng mãi sau này, khi Ivan đã chết không ít người có học hơn nhiều đã khẳng định ý kiến anh ta là đúng. Tôi nhớ tôi đã nghe tất cả những điều ấy một cách say sưa như nghe một câu chuyện kì thú, vì lúc ấy tôi còn trẻ; và câu chuyện về nền văn minh cổ và các kho báu mà những nhà phiêu lưu người Iuđê và Finiki đã tìm thấy ở đó khi đất nước lại một lần nữa rơi vào tình trạng mông muội tàn nhẫn, đã kích thích trí tò mò của tôi. Bỗng nhiên Ivan hỏi tôi:

“Cậu đã bao giờ nghe nói về các dãy núi Xulâyman ở phía tây bắc vùng đất Masuculumbue (Một tỉnh ở Nam Phi) chưa?”.

Tôi đáp rằng tôi chưa nghe gì cả.

“Thế thì thế này nhé, – anh ta nói, – chính ở đấy có các kho báu của vua Xolomon. Các kho báu chứa đầy kim cương”.

“Do đâu mà cậu biết?” – Tôi hỏi.

“Do đâu à? Lại còn do đâu nữa! Xulâyman chẳng phải là gì khác ngoài chữ “Xolomon” đọc chệch mà thành. Hơn nữa, chính một mụ thầy lang ở Manica đã nói với tớ điều ấy. Mụ ta nói rằng bộ lạc sống bên kia núi là một nhánh của bộ lạc Dulux (Một bộ lạc da đen sống ở Đông Nam châu Phi trở thành hùng mạnh vào đầu thế kỷ XIX.), nói bằng tiếng Dulux, nhưng người ở đấy đẹp hơn và cao to hơn những người Dulux. Họ có những nhà pháp thuật vĩ đại, học được các phép lạ từ người da trắng khi “thế giới còn đang hỗn độn, tăm tối”; những nhà pháp thuật này biết được bí mật về các kho báu chứa đầy các hòn đá óng ánh”.

Tất nhiên lúc ấy tôi cho câu chuyện này chỉ đáng buồn cười, dù nó làm tôi chú ý, vì các mỏ kim cương còn chưa được khám phá. Còn anh chàng Ivan tội nghiệp thì chẳng bao lâu sau bỏ đi nơi khác và chết như tôi đã nói. Suốt hai mươi năm tiếp theo tôi hoàn toàn không nhớ gì tới câu chuyện của anh ta.

Nhưng sau đấy hai mươi năm. Đó là một quãng thời gian dài, thưa các ông, vì săn voi là một nghề nguy hiểm và ít ai sống qua nổi chừng ấy năm. Vâng, sau đấy hai mươi năm tôi lại được nghe cụ thể hơn về dãy núi Xulâyman và về đất nước bị che khuất phía bên kia. Lúc ấy tôi đang ở một làng nhỏ có tên là Xitandi, nằm ngoài địa phận Manica. Đấy là một chỗ không tốt lắm: Ăn thì chẳng có gì, mà thú để săn bắn cũng không có nốt. Tôi bị sốt nặng và cảm thấy trong người rất khó chịu. Một hôm có một người Bồ Đào Nha tới làng. Đi theo ông ta chỉ có một thằng hầu. Cần phải nói rằng tôi biết khá rõ về bọn người Bồ Đào Nha ở Delegoa (Cảnh và vịnh cùng tên ở Đông Nam bờ biển Châu Phi.) – Trên đời này không có ai xấu xa hơn chúng, những kẻ béo lên nhờ máu và sự đau khổ của nô lệ.

Nhưng con người này lại khác xa những tên tôi thường gặp. Ông ta làm tôi nhớ tới những người Tây Ban Nha lịch sự mà tôi thường gặp trong sách. Đó là một người cao, gầy, có đôi mắt đen và bộ ria mép xoăn bạc trắng. Chúng tôi chuyện trò với nhau một lúc. Ông ta có thể nói được tiếng Anh, tuy sai bét, còn tôi cũng hiểu đôi chút bằng tiếng Bồ Đào Nha. Ông ta nói rằng tên ông ta là Hoxe Xenvext, và rằng ông ta có một khoảng đất ở Vịnh Delegoa. Ngày hôm sau, khi lên đường cùng anh hầu người lai, ông ta đã ngả mũ chào từ biệt tôi bằng một động tác đẹp nhưng ít nhiều cổ lỗ.

Tạm biệt ông, – Ông ta nói. – Nếu có lúc nào đó ta còn gặp nhau thì lúc ấy tôi đã là người giàu nhất thế giới, và tôi sẽ không quên ông.

Điều ấy làm tôi vui lên đôi chút, dù tôi còn quá yếu để mỉm cười với ông ta. Tôi thấy ông ta đi về hướng tây, về phía sa mạc mênh mông và tôi tự hỏi phải chăng ông ta là một người điên, và định tìm gì ở đấy ?

Một tuần sau tôi khỏi bệnh. Một tối nọ tôi ngồi trước chiếc lều bạt nhỏ mà tôi vẫn mang theo bên mình, và gặm nốt chiếc đùi cuối cùng của con gà ốm nhom mà tôi phải đổi bằng một tấm vải, mà tấm vải ấy lẽ ra đáng giá hai mươi con như thế. Tôi ngước nhìn mặt trời đỏ rực đang chìm dần trong sa mạc, và bỗng nhận thấy có một người nào đấy đang bò trên ngọn đồi phía trước, cách tôi khoảng ba trăm mét (Trong nguyên bản tác giả dùng các đơn vị đo lường riêng của Anh, để bạn đọc dễ hình dung, khi dịch, chúng tôi đổi sang các đơn vị đo lường quốc tế quen thuộc, tức là thành mét, kilômét, kilôgam, vân vân…). Cứ theo quần áo mà xét thì đó là một người châu Âu. Lúc đầu người ấy bò bằng bốn tay chân, sau đó đứng dậy, lảo đảo đi được mấy mét. Rồi ông ta lại ngã và bò tiếp. Đoán rằng người này gặp chuyện gì đó chẳng lành, tôi liền cho một trong những người thợ săn của tôi chạy ra giúp đỡ. Một chốc sau người ta đưa ông ta tới. Hoá ra… các ông thử nghĩ xem đó là ai?

– Tất nhiên là Hoxe Xenvext! – Thuyền trưởng Huđơ kêu lên.

Vâng. Hoxe Xinvext! Hay nói chính xác hơn là bộ xương bọc da của ông ta. Do bị sốt, mặt ông ta ngả màu vàng, và ông ta gầy đến nỗi con ngươi của đôi mắt to màu đen như muốn tuột ra khỏi hố mắt. Xương của ông ta nồi hẳn lên sau lớp da vàng như nghệ, còn tóc thì bạc trắng.

“Nước, hãy vì Chúa mà cho tôi ít nước!” – Ông ta rên rỉ, đôi môi khô nứt nẻ, lưỡi thì sưng rộp và đen sì.

Tôi cho ông ta uống nước có pha lẫn ít sữa, và ông ta uống một hơi hết ít nhất là hai lít. Tôi không dám cho uống thêm. Sau đó ông ta lên cơn sốt, ngã xuống và bắt đầu nói mê về dãy núi Xulâyman, về kim cương và sa mạc. Tôi đưa ông ta vào lều và làm những gì có thể làm được để ông ta đỡ đau đớn. Tôi biết trước thế nào ông ta cũng chết. Gần mười một giờ đêm, ông ta đỡ hơn chút ít. Tôi cũng nằm xuống nghỉ và ngủ thiếp. Rạng sáng hôm sau tôi tỉnh dậy và nhìn thấy thân hình gầy gò, kì lạ của ông ta trong ánh sáng mờ mờ. Ông ra ngồi, nhìn đăm đăm về phía sa mạc. Bỗng nhiên những tia nắng đầu tiên soi sáng cả một vùng bằng phẳng rộng lớn đang trải ra trước mặt chúng tôi, rồi lướt qua các đỉnh xa nhất của dãy núi Xulâyman cách chúng tôi hơn một trăm dặm.

– Kia, nó kia! – Người Bồ Đào Nha sắp chết kêu lên, chìa cánh tay dài, gầy khô của mình về phía trước.

– Nhưng chẳng bao giờ tôi còn có thể đi được tới. Ở đấy, chẳng bao giờ. Và cũng chẳng bao giờ có ai làm được điều đó. – Rồi bỗng ông ta im lặng như thể đang suy nghĩ điều gì. – Này anh bạn. – Ông ta quay sang tôi, nói. – Anh ở đây à? Tôi thấy mắt tôi đang lóa lên và tất cả như tối sầm lại.

– Vâng, tôi ở đây. – Tôi nói. – Ông hãy nằm xuống nghỉ cho khỏe”.

– Chốc nữa tôi sẽ nghỉ. – Ông ta đáp. – Tôi sẽ có nhiều thời gian để nghỉ, nghỉ suốt đời! Tôi sắp chết! Anh đã đối xử với tôi rất tốt. Tôi sẽ trao cho anh một tài liệu. Có thể anh sang được bên kia cũng nên, nếu anh vượt qua nổi cái sa mạc đã làm hại tôi và thằng hầu tội nghiệp của tôi.

– Rồi ông ta sờ sờ trong ngực và rút ra một cái túi trông như chiếc túi đựng thuốc lá may bằng da sơn dương. Nó được cột chặt bằng một sợi dây da mà ở đây chúng tôi gọi là rimpi. Ông ta định cởi dây nhưng không được, đành đưa cho tôi. “Anh hãy mở nó ra” – Ông ta nói. Tôi làm theo và rút từ túi ra một mảnh vải rách đã ngả màu vàng, trên đó có vẽ những hình gì đó và những dòng chữ có màu như màu gỉ sắt. Bên trong còn có một tờ giấy.

Ông ta nói tiếp rất khẽ, vì sức đã kiệt.

Trên tờ giấy có ghi tất cả những điều có trên tấm vải. Tôi đã phải bỏ ra nhiều năm để tìm hiểu những cái này. Anh hãy lắng nghe tôi. Ông cụ tổ xa xưa của tôi là một người tị nạn chính trị từ Lixbon, một trong những người Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân lên bờ biển nước này. Cụ đã viết tài liệu này trong khi hấp hối ở dãy núi mà cả trước ở đấy, cả sau này chưa hề in dấu chân người da trắng. Tên của cụ là Hoxe Xinvext, sống cách đây ba trăm năm. Người nô lệ đứng chờ cụ ở bên này núi đã tìm thấy xác cụ và mang các thứ này về Delegoa. Từ ấy đến nay nó vẫn được giữ trong nhà, nhưng không ai cố đọc để hiểu nó, cho đến lúc chính tôi làm điều ấy. Việc này đã bắt tôi trả giá bằng chính cuộc sống của mình, nhưng nó có thể giúp người khác thành công và trở thành người giàu nhất thế giới – Vâng, giàu nhất thế giới! Có điều anh không được đưa tờ giấy này cho ai, mà phải tự mình đi đến đấy.

Sau đấy ông ta lại bắt đầu mê sảng và một giờ sau thì tắt thở.

Cầu mong cho linh hồn ông ta được yên nghỉ nơi chín suối! Ông ta chết một cách bình thản, và tôi đào mộ thật sâu để chôn ông ta, trên mộ có lèn những tảng đá to để chồn cáo khỏi moi xác lên. Rồi tôi lên đường rời khỏi nơi đó.

– Thế tờ giấy kia thì sao? – Henry hỏi tôi sau khi đã lắng nghe một cách rất chăm chú.

– Vâng, vâng, tờ giấy viết gì vậy? – Thuyền trưởng Huđơ hỏi thêm.

– Được, nếu các ông muốn, thưa các ông, tôi sẽ nói các ông nghe. Tôi chưa hề đưa nó cho ai xem, còn ông lão lái buôn người Bồ Đào Nha luôn say nhè, người đã dịch nó sang tiếng Anh cho tôi thì chỉ ngay sáng hôm sau đã quên sạch những gì lão dịch. Mẩu vải thật tôi để ở nhà, ở Durban, cùng với bản dịch của Đôn Hoxe, nhưng tôi có đây bản dịch tiếng Anh và bản đồ chép lại, nếu nói chung có thể gọi đó là bản đồ được. Đây, nó đây. Còn bây giờ thì hãy nghe tôi đọc: “Tôi, Hôxêđa Xinvertơra, lúc này đang hấp hối vì đói trong một hang động nhỏ, nơi tuyết không bay vào được, ở bờ dốc phía bắc đỉnh núi gần nhất về phía nam, một trong hai ngọn núi mà tôi gọi là Cặp vú của Nữ hoàng Xava. Tôi viết những dòng này bằng máu của chính mình vào năm 1590, bằng một mẩu xương nhỏ trên mảnh vải xé từ chiếc áo tôi đang mặc. Nếu người nô lệ của tôi tìm thấy tấm vải này khi đến đây, và mang nó về Delegoa, tôi nhờ bạn tôi là (tên bị nhòe không rõ) báo cho nhà vua biết về điều tôi đang viết để Ngài phái quân đội đến đây. Nếu quân đội của Ngài vượt qua nổi sa mạc, núi, và đánh thắng những người Cucuan dũng cảm cùng các phép phù thủy ghê gớm của họ (để làm được điều này cần mang theo thật nhiều linh mục), thì Ngài sẽ trở thành ông vua giàu nhất từ thời vua Xolomon tới nay. Tôi đã tự mắt nhìn thấy một khối lượng khổng lồ các viên kim cương trong kho báu Xolomon, ở sau Thần chết Trắng, nhưng vì sự phản bội của Gagula, một mụ chuyên làm nghề săn bắt phù thủy, tôi đã chẳng mang được cái gì khỏi đó, và may lắm mới thoát chết. Ai muốn đi tới kho báu Xolomon, xin cứ theo con đường tôi vẽ trên bản đồ rồi trèo lên theo các sườn núi phủ tuyết phía bên trái vú Nữ hoàng Xava cho đến tận đỉnh mới thôi. Sườn núi phía bắc sẽ bắt đầu con đường vĩ đại do vua Xolomon xây dựng. Theo đường này, đi ba ngày sẽ tới nơi vua Cucuan ở. Phải tìm cách giết chết Gagula. Hãy cầu nguyện cho linh hồn tôi được yên nghỉ. Vĩnh biệt, Hoxe Xinvext”.

Khi tôi đọc xong và chìa ra bản sao tấm bản đồ được vẽ bằng cánh tay run rẩy của ông già người Bồ Đào Nha, máu thay mực, thì mọi người im lặng một hồi lâu. Hai người bạn mới của tôi rất đỗi ngạc nhiên.

-Vâng, cuối cùng thuyền trưởng Huđơ lên tiếng. – Tôi đã hai lần đi vòng quanh thế giới, đặt chân tới khá nhiều nơi, nhưng cứ để người ta treo cổ tôi lên, nếu có lúc nào đó tôi đã được nghe hay được đọc một câu chuyện kì lạ thế này.

– Đúng, một chuyện rất kì lạ, thưa ông Quotécmên. – Henry nói thêm. – Tôi hi vọng rằng ông không đùa chúng tôi chứ? Tôi biết rằng người ta đôi lúc vẫn tự cho phép mình làm những điều như thế đối với những người lạ.

– Nếu ông thực tình nghĩ như thế thì, thưa ông Henry Curơtix, có lẽ ta kết thúc mọi chuyện ở đây thì hơn, – Tôi nói giọng bực bội rồi gấp tờ giấy cho vào túi, nhỏm dậy định bước đi. – Tôi không thích người ta xem tôi là một trong những anh chàng khoác lác luôn lấy việc dối làm tiêu khiển và luôn khoe khoang với những người mới từ xa đến về những chuyện săn bắn phiêu lưu, kì lạ mà trong thực tế không hề có.

Bằng một động tác an ủi, Henry để bàn tay to khỏe của mình lên vai tôi.

– Ngồi xuống đã, ông Quotécmên. – Ông ta nói. – Và hãy thứ lỗi cho tôi. Tôi cũng biết rằng ông không định lừa dối chúng tôi, nhưng chắc ông cũng đồng ý với tôi, rằng câu chuyện ông vừa kể lạ lùng đến mức nếu tôi có chút hoài nghi thì cũng là điều dễ hiểu.

-Các ông sẽ được thấy bản đồ thật và mảnh giấy khi chúng ta tới Durban, – tôi nói, sau khi đã lắng dịu. Rồi ngẫm lại, tôi thấy Henry đã nói đúng. – Nhưng tôi còn chưa nói gì về em trai ông. Tôi biết người đầy tớ của ông ta, tên là Jim. Jim cùng đi theo chủ. Đó là một anh chàng người bản xứ rất thông minh, quê ở Beauana, và là một người thợ săn giỏi. Tôi gặp Jim vaò buổi sáng khi ông Nevin chuẩn bị lên đường. Anh ta đứng bên xe, thái thuốc để hút tẩu.

“Jim, – Tôi hỏi, các anh định đi đâu ở đấy ? Săn voi à?”.

“Không, thưa ông chủ, – Anh ta đáp. – Chúng tôi đi tìm cái gì đấy quý hơn ngà voi nhiều”.

“Cái gì? – Tôi hỏi vì tò mò. – Vàng à?”.

“Không, thưa ông chủ, – Còn quý hơn cả vàng”. Rồi anh ta cười.

Tôi chẳng hỏi câu nào thêm vì không muốn tỏ ra tò mò, và bằng cách ấy hạ thấp giá trị của mình. Tuy nhiên, những lời anh ta nói đã làm tôi rất quan tâm.

Bỗng Jim ngừng thái thuốc.

“Thưa ông chủ”. – Anh ta nói.

Tôi làm ra vẻ không nghe thấy.

“Thưa ông chủ”, – Anh ta nhắc lại.

“Vâng, có gì thế, anh bạn?” – Tôi lên tiếng.

“Thưa ông chủ, chúng tôi đi tìm kim cương”.

“Tìm kim cương? Thế thì các anh không được đi về phía ấy, mà phải về phía mỏ”.

“Thưa ông chủ, ông đã khi nào nghe nói về núi Xulâyman chưa ạ?”.

“Có gì!”.

“Thế ông có nghe rằng ở đấy có kim cương không?”.

“Tôi có nghe người ta kể một vài câu chuyện ngu ngốc về điều ấy, cậu Jim ạ”.

“Không phải chuyện ngu ngốc đâu, thưa ông chủ. Ngày xưa tôi có biết một người đàn bà từ phía ấy đi về đây, về Natan, cùng một đứa con nhỏ. Chính bà ta đã kể cho tôi nghe. Bây giờ bà ta đã chết rồi”.

“Ông chủ của cậu sẽ làm mồi cho chim ưng, Jim ạ, nếu ông ta không từ bỏ ý định đi đến đất nước Xulâyman. Cả cậu cũng thế, nếu lũ chim ấy tìm thấy cái gì đó ăn được trong bộ xương vô tích sự của cậu”, – Tôi nói.

Anh ta chỉ cười.

“Có thể như thế, thưa ông chủ. Nhưng con người trước sau rồi cũng chết, mà tôi thì muốn thử tìm hạnh phúc nơi đất mới. Vả lại, ở đây chẳng bao lâu nữa sẽ chẳng còn con voi nào để săn”.

“Thế cơ à? – Tôi nói. – Được, cứ chờ ở đấy , rồi ông già mặt trắng (Ý nói thần chết) sẽ tìm lấy cái cổ màu vàng của cậu lúc ấy cậu sẽ nói khác cho mà xem”.

Nửa giờ sau tôi đã thấy cỗ xe của ông Nevin chuyển bánh. Bỗng Jim quay lại chạy về phía tôi.

“Thưa ông chủ, – anh ta nói, – Tôi không muốn ra đi mà không từ biệt ông chủ, vì có lẽ ông chủ nói đúng. Chúng tôi sẽ chẳng còn bao giờ quay lại”.

“Nghĩa là ông chủ của cậu định đi tới núi Xulâyman thật à, hay cậu nói dối, Jim?”.

“Không, – Jim đáp. – Quả đúng thế ạ. Ông ấy nói rằng bằng bất kì giá nào, ông ta cũng sẽ trở thành giàu có. Nếu vậy thì tại sao ông ta không thử làm giàu bằng kim cương?”.

“Chờ tôi một lát, Jim, – Tôi nói. – Cậu hãy cầm mẩu giấy tôi chuyển cho chủ cậu, có điều cậu phải hứa là sẽ không đưa cho chủ cậu chừng nào chưa tới Ainaiti”.

“Được,” – Jim đáp.

Tôi lấy một mẩu giấy và ghi lên đó: “Người nào định đi tới kho báu của vua Xolomon, hãy trèo lên theo các sườn núi phủ tuyết phía bên trái vú nữ hoàng Xava cho đến tận đỉnh mới thôi. Sườn núi phía bắc sẽ bắt đầu Con đường vĩ đại do vua Xolomon xây dựng”.

“Jim, – Tôi dặn, – Khi đưa mảnh giấy này cho chủ cậu, hãy nói với ông ta là phải theo đúng lời khuyên này. Đừng quên là cậu không được đưa nó bây giờ, vì tôi không thích ông ta quay lại hỏi những câu hỏi mà tôi không muốn trả lời. Còn bây giờ thì đi đi, đồ lười, xe đã đi khá xa rồi đấy “.

Jim cầm mảnh giấy rồi chạy đuổi theo xe. Đó là tất cả những gì tôi biết về em trai của ông, thưa ông Henry. Nhưng tôi e rằng…

– Thưa ông Quotécmên, – Henry ngắt lời tôi. – Hiện nay tôi đang đi tìm em tôi. Tôi sẽ đi theo tới tận núi Xulâyman và nếu cần, có thể xa hơn thế. Tôi sẽ đi chừng nào tìm thấy mới thôi, hoặc tới khi biết được rằng em tôi đã chết. Ông có đi cùng tôi không?

Như đã nói, tôi nghĩ tôi là một người thận trọng, lại ưa thật yên tĩnh và khiêm tốn, nên đề nghị này đã làm tôi ngạc nhiên và ít nhiều sợ hãi. Tôi cho rằng thực hiện một chuyến du hành như thế thực chất là tự mình đi tìm cái chết. Thêm vào đó, không nói đến các mặt khác, tôi còn phải giúp đỡ con trai tôi, và vì vậy tôi không thể cho phép mình chết nhanh như thế.

– Không, cảm ơn, thưa ông Henry. Tôi không thể nhận lời được, – Tôi đáp. – Tôi đã quá già để tham gia vào những việc điên rồ như vậy, những việc mà chắc chắn sẽ mang đến một sự kết thúc không hơn gì cái kết thúc của anh bạn Xinvextơ đáng thương của tôi. Tôi có một đứa con trai đang cần sự giúp đỡ của tôi, và tôi không có quyền đánh liều cuộc sống của tôi.

Henry và thuyền trưởng Huđơ tỏ vẻ rất thất vọng.

– Thưa ông Quotécmên, – Henry nói. – Tôi là một người giàu có và kiên định trong các ý kiến của mình. Nếu ông đồng ý giúp đỡ tôi, ông có thể yêu cầu bất kì một sự đền bù nào. Số tiền đó sẽ được thanh toán trước khi lên đường. Đồng thời, nếu không may chúng ta chết, tôi sẽ lo trước để con trai ông được giúp đỡ một cách thỏa đáng. Tôi nói thế ông cũng đủ hiểu sự có mặt của ông cần thiết với tôi đến nhường nào. Nếu chúng ta may mắn đến được kho báu Xolomon và tìm thấy kim cương, thì số kim cương ấy sẽ chia đôi giữa ông và thuyền trưởng Huđơ. Tôi không cần. Tôi nghĩ khó lòng mà đến được đấy vì hầu như ta hoàn toàn không có tí hi vọng nào để làm được điều đó, nhưng tôi tin rằng dọc đường chúng ta có thể kiếm được ngà voi, và các ông cứ chia đều với nhau. Ông có thể đặt điều kiện cho tôi, ông Quotécmên ạ. Thêm vào đó, tất nhiên tôi sẽ chịu hết mọi phí tổn của chuyến du hành.

– Thưa ông Henry,- Tôi nói.- Chưa bao giờ tôi nhận được một đề nghị hào phóng như thế, và một thợ săn, một nhà buôn nghèo như tôi cần phải biết nắm lấy cơ hội này. Nhưng từ trước tới nay tôi chưa gặp phải một công việc lớn thế này, nên tôi cần có thời gian để suy nghĩ kĩ . Ít ra thì tôi cũng sẽ cho ông biết quyết định của tôi trước khi chúng ta tới Durban.

– Rất tốt, – Henry nói.

Sau đó tôi chúc hai người ngủ ngon rồi đi về phòng mình. Đêm hôm ấy tôi nằm mơ thấy kim cương và Xinvenxtơ, người đã chết từ lâu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.