Làm nên 400 điều trường học vẫn không dạy bạn

2. SỨC KHỎE



46. Bạn cần chăm sóc thân thể, cũng giống như chăm sóc ô tô, xe máy của mình vậy. Thân thể là một bộ máy, một bộ máy sống. Nhiều người khỏe mạnh nhưng rồi cuối cuối cùng lại mất sớm vì bệnh tật là vì ít chăm sóc thân thể một cách khoa học. Nếu bạn chịu nghiên cứu những quy luật của sức khoẻ và tuân theo, rất có thể bạn sẽ kéo dài tuổi thọ của mình thêm 20 năm. Có nhiều bệnh chúng ta có thể tránh. Bạn phải biết sơ qua hoạt động của bộ máy tiêu hoá, hô hấp, bài tiết… Đừng hành hạ thân thể bạn.

47. Sức khoẻ là một diễn tiến không ngừng trong cơ thể, mà bạn không biết rõ hoặc ít, do cách làm việc của những cơ quan trong cơ thể như phổi, dạ dày, lá gan, thận, ruột… Có thể sánh sự sống với một lò lửa, chúng ta cần cho thêm vào lò những than củi, tức là dưỡng khí, cần biết gạt bỏ những tro tàn, tức là những chất độc. Nếu chúng ta biết nhen nhóm và chăm sóc, lò lửa con người có thể tồn tại trên trăm năm. Bộ máy người cần hoạt động hài hoà, không thể ngưng. Ngưng tức là chết.

48. Mỗi khi lâm bệnh, bạn nên xem đó là sự trừng phạt. Bạn đã làm một việc rồ dại hoặc phạm một lỗi nào đó. Bệnh nào cũng có nguyên do và nếu biết trước, chúng ta có thể tránh và phòng ngừa. Nếu biết phòng ngừa chúng, bạn có thể tránh nhiều bệnh tật. Hàng năm, loài người đã hao tốn bao nhiêu sinh mạng vì bệnh tật. Mỗi khi đau yếu, bạn phải tìm ra nguyên do. Nếu đó là sự rồ dại của mình, phải chấm dứt ngay. Phải tự quở phạt mình, nếu đúng là bạn đáng bị quở phạt.

49. Thân thể bạn là một kho năng lượng giống như một bình điện chứa đựng một sinh lực có giới hạn. Bạn không thể bắt nó phát ra nhiều sinh lực hơn sức chứa. Mỗi ngày vì làm lụng, sinh lực trong người bạn yếu đi. Khi ngủ, bạn mới nạp năng lượng. Nếu bạn tích trữ nhiều sinh lực mà bạn không dùng đến, thân thể cũng sẽ hư. Nếu sinh lực trong người gần cạn mà vẫn tiêu xài, bạn cũng sẽ bị đau yếu, giống như bạn dùng một bình điện đã hết. Bí quyết của sức khoẻ ở nhịp điệu: biết tích nạp sinh lực và biết dùng sinh lực cũng như câu điện vào, phát điện ra ở bình điện vậy.

50. Nếu may mắn sinh ra với một thân thể lành mạnh, không bệnh tật, muốn được hưởng một sức khoẻ lâu bền bạn phải tuân giữ những quy tắc sau đây:

– Ăn vừa phải, nhai thật kỹ.

– Thở mạnh và dài hơi, chỉ thở không khí trong lành.

– Ngủ tám tiếng mỗi ngày, mở cửa sổ cho thoáng khí.

– Không được vừa bước lên cầu thang vừa chạy, tim sẽ mệt.

– Phải bài tiết cặn bã mỗi ngày.

– Tránh dùng những chất kích thích có hại (rượu, thuốc lá,…).

– Mỗi ngày phải dành một thời giờ nhất định để giải trí.

– Nhìn đời với bộ mặt tươi đẹp nhất, tức là phải lạc quan.

51. Mỗi ngày nên đi bộ vài cây số. Giữa hai buổi ăn nên đi bộ một chập. Trừ phi đau yếu, ngày nào chúng ta cũng phải bước chân ra khỏi nhà để hít thở nhiều khí. Cơ thể chúng ta cần phải vận động và hít thở nhiều không khí khoáng đạt.

52. Điều cần biết trong ăn uống là thức ăn cần phải nhai kỹ hãy nuốt, không nuốt ngay. Sự tiêu hoá bắt đầu từ miệng. Thức ăn thường gần giống nhau và không quan trọng bằng cách ăn. Người Ả Rập ăn trái chà là, người Trung Hoa ăn cơm, người Eskimo ăn mỡ cá voi và có những người giống dân bán khai chỉ ăn trái cây. Vậy không nên bắt chước nhiều người mà quá chú trọng vào thức ăn. Phần nhiều mắc phải tật ăn nhiều và nhanh quá.

53. Thân thể cần được nuôi dưỡng bởi thứ máu trong sạch. Máu có sạch, chúng ta mới khoẻ mạnh. Muốn máu sạch, phải đem nhiều khí trời trong vào phổi và phải làm cho máu vận chuyển mạnh bằng cách vận động. Máu giúp thân thể bồi bổ lại những tế bào hư hỏng. Người bị thương, nếu có máu tốt thì vết thương sẽ mau lành hơn người có máu xấu. Vì thế, chúng ta cần giữ gìn máu trong sạch và cần làm cho máu lưu chuyển tốt.

54. Khi có tuổi, ta phải tránh vận động quá sức. Không nên vừa chạy vừa bước lên cầu thang làm tim mỏi mệt. Không được làm việc khi chân tay rã rời. Nếu chúng ta làm việc mà chân tay mệt mỏi thì những thớ thịt bé nhỏ nhất cũng bị mệt theo. Làm việc nên giữ sức. Dù là một bộ máy khỏe nhưng nếu chúng ta bắt nó tốn sức một cách vô ích thì nó cũng bị suy yếu nhanh, thân thể con người cũng thế. Sau thời gian làm việc bốn tiếng đồng hồ, dù làm việc bằng đầu óc hay tay chân, chúng ta cũng phải dành chút thời gian nghỉ ngơi.

55. Nếu làm một công việc cần nhiều sáng tạo, bạn phải biết dùng “Phương pháp quả lắc” nghĩa là đi từ sự gắng sức, sự tập trung tư tưởng đến sự bớt căng thẳng, sự ngơi nghỉ. Đó là một phương cách th giãn trí não và thần kinh. Ngoài ra, nó còn tăng sức làm việc của bạn. Có người luôn luôn gò ép sức. Lúc ăn không thư thái, lúc ngủ không yên giấc, căng thẳng mãi như thế không ích lợi gì. Người ta thí nghiệm thấy trong những xưởng mà người thợ ngơi nghỉ nhiều lượt, việc sản xuất gia tăng rất nhanh. Nhưng ăn không ngồi rồi cũng hại như làm việc quá sức.

56. Biết dành thời gian nghỉ ngơi là một cách phòng ngừa sự suy yếu về thể xác cũng như về tinh thần. Làm việc điều hoà thì không có lý do gì để thể xác hoặc trí não bị kiệt quệ. Có hai cách để làm việc ít bị mệt là: thay đổi công việc và để giờ nghỉ ngơi giữa hai buổi làm việc. Luôn luôn chăm chú vào một việc cũng khiến chúng ta mau chóng mệt mỏi. Không một ai có thể gắng sức mãi mãi, phải dành thời gian để ngơi nghỉ. Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy những trò chơi và sự vui đùa cũng là những phương thuốc có thể trị bệnh. Nó giúp thân thể và trí não phục hồi.

57. Bạn nên tin tưởng vào khả năng phục hồi của thân thể chứ không nên quá tin vào những lời tiên đoán nghiêm trọng của thầy thuốc. Trong nhiều trường hợp, thân thể bạn có đủ sức để tự hàn lại những vết thương vì nó đã được cấu tạo để chống chọi lại với bệnh tật. Khi đau ốm, điều quan trọng hơn hết là bạn phải quyết tâm chiến thắng bệnh tật. Khi sức khỏe phục hồi, bạn có thể tăng tuổi thọ thêm ba bốn chục năm nữa Sức mạnh của ý chí có thể ảnh hưởng đến cơ thể và giúp bạn khỏe mạnh hơn.

58. Điều khiển công việc kinh doanh cũng như chiến đấu với bệnh tật, sự thành công tuỳ thuộc thái độ và tinh thần của bạn. Nên trông cậy vào sự may mắn hơn là lo sợ những rủi ro. Không nên giữ thái độ của kẻ bại trận. Sợ sệt sẽ làm suy yếu thân thể lẫn tinh thần. Người lạc quan thường sống thọ hơn người bi quan. Suy nhược và bi quan là một thứ thuốc độc. Khi đau yếu, bạn phải tha thiết muốn sống. Khi công việc kinh doanh bị đình đốn, bạn nên tin rằng đó chỉ là sự ngưng trệ và khó khăn tạm thời.

59. Sức khoẻ tuỳ thuộc vào bạn hơn là các bác sĩ. Bạn phải biết rằng bác sĩ cũng không sống lâu hơn những người khác. Ít có thứ thuốc nào chữa bách bệnh mà đôi khi thuốc men còn gây thêm nhiều bệnh tật hơn, bác sĩ chỉ là một khán giả chuyên nghiệp để theo dõi căn bệnh. Mỗi căn bệnh phải trải qua một sự tuần hoàn. Có thuốc ngừa bệnh, có thuốc làm dịu bớt đau, nhưng có rất ít thuốc chữa khỏi bệnh. Khi phải cậy nhờ đến y bác sĩ, bạn nên nhờ người có nhiều kinh nghiệm chữa bệnh và am hiểu y học. Nhưng chớ quên sức khoẻ của bạn phần lớn tuỳ thuộc vào lối sống, những thói quen của bạn, chứ không phải ở bác sĩ.

60. Ham sống yêu đời, yêu thích công việc mình làm, đó cũng là cách để giữ gìn sức khoẻ. Nhiều khi chúng ta tự gán cho mình những chứng bệnh tưởng tượng. Nếu một người quan tâm đến cơ thể của họ một cách thái quá, tự nhiên họ có ảo tưởng rằng họ mắc bệnh. Nhiều người đến gặp bác sĩ chỉ vì họ mắc “bệnh tâm lý”. Ta để ý thấy những người ăn không ngồi rồi thường đau yếu hoặc họ tưởng tượng bị đau yếu. Khi giữ được một khối óc hoạt động và có một ý chí cương quyết muốn sống khoẻ mạnh thì bạn sẽ ít thấy mình đau yếu.

61. Trong việc gì cũng vậy, bạn phải nhằm cái mà người ta gọi là “trung dung”. Phải biết giữ điều độ. Muốn vậy, bạn cần biết tự chủ và biết suy nghĩ. Điều độ làm nên sự sung túc, là thuốc phòng ngừa những bệnh tật, những cãi vã, những kiện cáo, những thua thiệt về tiền bạc. Phải tập thói quen giữ điều độ. Không nên ăn quá nhiều. Không vui chơi quá trớn, cũng đừng làm việc không ngừng. Không tiêu xài quá nhiều, lại càng không nên tiết kiệm thái quá. Nên tránh hai cực điểm và cố gắng thực hiện một cuộc sống hài hoà.

62. Nếu định sống trên 80 tuổi, bạn nên nhìn thẳng phía trước, không nên nhìn về sau. Phải cố gắng tạo nên một đời sống hữu ích. Có khi đến thất tuần, bạn lại làm nên những điều mà trước đó chưa làm được. Bạn đã thu thập được một số vốn kinh nghiệm cần dùng. Chớ vội về hưu. Nếu luôn luôn nuôi dưỡng trong đầu những dự tính. Rất có thể năm cuối cùng trong đời là những năm bạn có dịp chứng tỏ ảnh hưởng của mình. Cuộc đời ngắn ngủi quá, bạn nên tận dụng những năm chót. Càng hoạt động, bạn càng sống lâu. Không nên bỏ cuộc, hãy tiếp tục để thực hiện khúc khải hoàn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.