Làm nên 400 điều trường học vẫn không dạy bạn

4. TRI THỨC



95. Nếu không biết phát triển khả năng cũng như thu thập tri thức chuyên môn, bạn mãi chỉ là một lao động giản đơn. Bạn không thể trở nên giỏi giang và chưa xứng đáng đảm nhận một trách nhiệm quan trọng. Nếu ỷ lại vào người chủ để họ rèn luyện bạn trở thành giỏi giang, bạn cũng phải tốn tiền và như thế bạn phải nhận giúp việc cho họ với một mức lương rất thấp. Bất luận người nào muốn hưởng lương cao cũng phải biết phát triển tài năng và tri thức của mình.

96. Bạn phải biết thu thập, tích trữ những “giá trị” bản thân. Đó là mục đích của một cuộc sống lao động hiệu quả. Những “giá trị” đó là tài năng, là những tri thức có thể dùng, có thể đem bán. Giữa người này với người kia thường tồn tại một sự cách biệt to lớn. Bởi chỉ có một vài người biết thu thập những “giá trị” vô giá, còn rất nhiều người khác lại không đáng giá một xu. Đồng lương chúng ta nhận sẽ tuỳ thuộc yếu tố quan trọng này, đó là công việc mà chúng ta đang làm có nhiều người khác làm được không? Bạn sẽ được trả giá cao hơn nếu công việc đang tiến hành ít người có thể làm được. Đó là lý lẽ thực tiễn để chúng ta thấy cần phải phát triển tài nghệ và tri thức. Bạn phải trở nên có “giá trị”.

97. Cần phải nhắc bạn một điều là có nhiều lương tri và đạo đức thì vẫn chưa đủ. Nó phải là một nền tảng, trên đó người ta có thể phát triển và thành đạt. Dù khả năng đến bậc nào, nếu thiếu lương tri bạn có thể làm hỏng cuộc đời. Tuy thế, trong môi trường doanh nghiệp, trong địa hạt khoa học hay mỹ thuật cũng thế, chỉ có lương tri thôi chưa đủ. Lương tri không thể thay thế những tri thức chuyên môn. Nó chỉ là một cớ rất tiện lợi để cho những người không làm nên trò trống viện dẫn, tự bào chữa cho sự bất lực của họ. Bạn cần có lương tri nhưng cũng cần có nhiều tri thức và tài năng.

98. Có một quy tắc mà những người dưới ba mươi tuổi nên áp dụng là dành nửa thời giờ của mình để học và một nửa để giải trí. Ai cũng cần học, nhưng ai cũng cần giải trí. Giải trí cần thiết nhưng học cũng cần không kém. Trong kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng có sách vở và những lớp học. Bạn nên đi học, nên đọc sách, nên tìm hiểu, nên trưởng thành, vừa học vừa chơi.

99. Công việc bạn làm không quan trọng bằng cách bạn làm. Dù làm một công việc gì bạn cũng phải nghiên cứu trước. Bạn phải làm cho đàng hoàng và làm đến cùng. Một công việc dù đơn giản đến mấy cũng có thể làm khéo léo hay vụng về, làm theo cách khôn ngoan hay ngờ nghệch. Bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi ít nhiều sự khéo léo. Luôn luôn có một cách hay hơn nữa để làm một công việc. Chỗ kinh doanh hiện giờ sẽ trở nên thành công hơn nếu bạn biết cách làm việc và làm hiệu quả. Nó là bàn đạp để bạn tiến lên một công việc, một chức vụ lớn lao hơn. Hiện giờ, người ta thử bạn, coi có xứng đáng tiến lên cấp trên chăng. Người chủ luôn cho cơ hội để bạn chứng tỏ rằng mình là một người tài giỏi.

100. Bạn chưa nghiên cứu kỹ công việc mình làm tức là chưa học được kỹ thuật và công nghệ của nó. Lúc đó, bạn chỉ được coi như một “tay mơ” hoặc một người máy.

Làm việc một cách “tài tử” trong nghề bao giờ cũng hỏng việc, còn người máy chỉ biết làm việc như cái máy, không chút suy nghĩ. Bạn phải nỗ lực để trở nên một người chuyên nghiệp, một tay nhà nghề, sành sỏi. Bạn có thể giữ chỗ làm hiện giờ với đôi chút cố gắng song bạn phải cố gắng làm công việc ấy theo cách hay hơn những người khác đã làm. Đó là cách khôn ngoan để bước chân vào nghề. Đó cũng là cách nâng từ bậc nghiệp dư lên thành người chuyên nghiệp.

101. Bạn nên nhớ kỹ điều này, bất luận trong công việc gì dù nhỏ hay lớn cũng có phần kỹ thuật của nó. Trong mỗi công việc ít ra có ba mươi sáu cách làm vụng về và chỉ có một cách làm hay và khôn ngoan. Trong mỗi bài toán thường chỉ có một lời giải đúng. Chỉ có một cách đánh bản nhạc cho đúng, chỉ có một lối gói hàng cho khéo cũng như chỉ có một lối phục vụ khách hàng hiệu quả. Muốn tìm ra cách đó, bạn phải nghiên cứu công việc mình làm và lắng nghe lời chỉ bảo của những nhà chuyên môn. Bấy luận công việc bạn làm hiện giờ là công việc gì, nó cũng đòi hỏi sự khéo léo. Chỉ khéo vừa vừa chưa phải là khéo. Muốn làm việc hiệu quả, trước hết bạn phải tìm cách làm việc để đạt được nhiều kết quả mà ít hao tốn công sức và thời gian.

102. Bạn phải học hỏi từ những người đã làm nên. Chơi thể thao hay kinh doanh cũng vậy. Giá trị của những lời chỉ bảo còn phải tuỳ ở người cho ta những lời khuyên ấy. Về thể thao, chúng ta nên học hỏi từ những tay vô địch. Về kinh doanh chúng ta nên học hỏi từ những người đã thành công. Không ai có thể dạy ta chơi thể thao hoặc kinh

doanh nếu họ chỉ hiểu biết qua sách vở hoặc chẳng làm đến nơi đến chốn. Một giáo sư phải vừa có kiến thức uyên bác vừa có kinh nghiệm thực tiễn thì lời dạy của ông mới có giá trị.

103. Một lỗi lầm thông thường là chúng ta có thói quen hay đánh giá quá cao kinh nghiệm của bản thân. Kinh nghiệm là con dao hai lưỡi, nó vừa giúp nhưng cũng vừa cản trở sự sáng tạo của bạn. Những kinh nghiệm ấy có những khi không giá trị gì cả và lại là những chướng ngại vật, ngăn cản sự tiến bộ của chúng ta. Giá trị những kinh nghiệm của bạn còn tuỳ nguồn gốc của nó. Nếu bạn chỉ biết một cách mù quáng ý kiến hoặc phương pháp làm việc của đồng nghiệp, thì những kinh nghiệm ấy chỉ làm hại hơn là giúp ích. Khư khư bám víu theo mớ kinh nghiệm, chúng ta không thể giúp mình cải cách hoặc sáng tạo. Biết khai thác những kinh nghiệm nhưng không quá lệ thuộc vào nó, bạn mới có những tiến bộ và sáng tạo.

104. Những kinh nghiệm của bạn vị tất đã có giá trị. Nó có thể gây thiệt thòi và cản trở bạn hơn là mối lợi. Giá trị của nó còn tuỳ khả năng hấp thụ của bạn, tuỳ tri thức và tài giỏi từ những ông thầy dạy bạn. Có người suốt đời lăn lộn trong thương trường mà chẳng bao giờ học được thuật kinh doanh. Những ý tưởng mới mẻ, những phương pháp, những sáng chế mới liên tục ra đời nên kinh nghiệm dễ thành cổ hủ và lạc hậu. Trong thế giới biến chuyển rất nhanh hiện nay, không ai có thể tự hào rằng mình đã có đủ kinh nghiệm. Mọi người đều phải cập nhật cho mớ kinh nghiệm ấy kịp với thời đại.

105. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta phải học lại cách thực hiện một công việc mà chúng ta đã từng làm. Khi bạn đã tìm thấy một lối làm việc hay hơn, hãy vứt bỏ lề lối cũ. Giới công nghệ đã từng bị đảo lộn bởi phương pháp sản xuất dây chuyền của Henry Ford. Phương pháp sản xuất trước đó vừa tốn kém, vừa chậm, chất lượng kém và hiệu suất thấp. Kể từ đó, giới khoa học công nghệ đã sáng chế ra nhiều sản phẩm mới lạ. Rồi đây, tương lai người ta chưa biết những nhà sáng chế còn tạo ra những gì nữa. Bởi thế, bạn phải luôn luôn sẵn sàng để áp dụng những sáng tạo mới, để nghiên cứu những phương pháp mới.

106. Bạn phải giữ sao cho mớ kinh nghiệm bản thân luôn mới để theo kịp thời đại. Đó là một quy tắc quan trọng nên nhớ, nhất là khi bạn có tuổi. Trong thế giới luôn luôn biến chuyển, một phần lớn kinh nghiệm của ta sẽ biến thành vô dụng và nó làm hại hơn là giúp ta. Có những thứ được xem là hữu ích 10 năm trước thì giờ đây có thể trở nên vô dụng. Thường thì kinh nghiệm dễ trở thành bức rào ngăn cản sự tiến bộ và cải cách. Xét kỹ, nó chỉ là một mớ kiến thức của thời đại đã qua. Nó thuộc về lịch sử và ít có giá trị. Muốn kinh nghiệm giúp ích cho mình, bạn nên thường xuyên kiểm soát và làm mới nó.

107. Không nên nuôi ảo vọng điên cuồng: con người hoặc doanh nghiệp của bạn là độc nhất vô nhị. Ảo vọng này sẽ gây tai hại không nhỏ. Nó làm cho chúng ta không còn tha thiết nghiên cứu về người khác, những doanh nghiệp khác. Thật ra, tuy một vài doanh nghiệp có những đặc điểm riêng biệt không giống với bất kỳ doanh nghiệp nào, nhưng ít ra 80% doanh nghiệp đều tương tự nhau. Phần đông các doanh nghiệp thường có những nhân viên làng nhàng, những máy móc làng nhàng, những sản phẩm làng nhàng. Cũng như “quy luật của sức khỏe” có thể áp dụng với bất kể người nào thì “tinh thần đắc lực” cũng có thể áp dụng cho bất cứ một doanh nghiệp nào.

108. Dù làm bất cứ ngành nghề nào, người thành công phải là người có khao khát, đam mê và ham học hỏi. Chiến thắng không đồng hành cùng sự nhanh nhẹn (như trong câu chuyện ngụ ngôn Rùa và Thỏ), chiến thắng không phải lúc nào cũng song hành với sức mạnh (như truyện David và Goliath) và chiến thắng cũng không phải là vì mức giá thấp nhất (như sự chênh giá giữa xe Yugo và xe Mercedes). Chiến thắng nằm ở chính sự tự tin, có trách nhiệm và quan trọng nhất là tinh thần tự học hỏi. Bí quyết này không quá phức tạp nhưng không phải ai cũng nỗ lực và thực hiện được. Khi mắc sai lầm, chúng ta thường đổ lỗi cho người khác. Tại sao chúng ta không tập thói quen học hỏi từ thất bại. Thất bại dù lớn hay nhỏ đều không thể tránh khỏi, vì thế, hãy chuyển cụm từ “Tôi thất bại” thành “Tôi học được rằng đừng bao giờ lặp lại điều ấy” – đó quả là một sự khác biệt lớn lao.

109. Bạn luôn luôn phải để tâm nghiên cứu doanh nghiệp của mình. Kẻ nào tự hào rằng đã biết rõ doanh nghiệp của mình từ chân tơ đến kẽ tóc, kẻ đó đã phạm một lỗi lầm rất đắt giá. Từ thiết bị, nhân sự đến chiến lược, quản lý doanh nghiệp, có biết bao điều cần biết cho nên không ai có thể hiểu biết rành rẽ tất cả. Thường có khi phải nhờ một người ngoài cuộc chỉ bảo, chúng ta mới thấy một điểm nào đó hiện sờ sờ trước mắt nhưng vì thói quen chúng ta đã không nhìn thấy. Sự hiểu biết quý giá hơn hết là sự hiểu biết về công việc kinh doanh của mình.

110. Bạn phải nghiên cứu những mặt hàng kinh doanh. Dù sản xuất hoặc bán bất kỳ sản phẩm nào, bạn phải nghiên cứu nó. Bạn nên mua nhiều sách vở nói về nó, bạn có thể học hỏi từ những người từng trải. Bạn phải sẵn sàng để có thể trả lời một câu hỏi về sản phẩm ấy, để khi bị ai vặn hỏi, bạn không phải trả lời bằng một câu vô vị “Tôi không biết”. Những sản phẩm bạn bán đều phải có những ưu điểm. Bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi ít nhiều tri thức chuyên môn.

111. Trước khi đảm nhận một chức vụ mới hoặc bắt tay vào một công việc kinh doanh mới, bạn phải khởi sự bằng cách học lấy những gì cần thiết. Không được phép khởi nghiệp một cách tài tử. Nhưng cũng chớ học hỏi bằng phương pháp vừa lâu lắc vừa tốn kém là: cứ thử làm, nếu hỏng sẽ rút kinh nghiệm. Lối học đắt đỏ nhất là: lỗi lầm. Lối học nhanh chóng nhất và rẻ tiền nhất là học bằng cách xem sách hoặc theo học những lớp chuyên nghiệp. Phải biết tiếp thu kinh nghiệm của kẻ khác. Đọc hết năm cuốn sách, có thể biết nhiều hơn năm năm bạn trải qua để tự đúc rút lấy kinh nghiệm.

112. Khi xét một báo cáo kinh doanh, bạn nên phân biệt những “sự thật” ẩn sau những con số. Sau mỗi báo cáo kế toán là nhân viên, là bộ máy, là con người, là quy trình trong công ty bạn. Những con số sẽ chỉ cho bạn thấy những nhân viên nào đáng khen thưởng, những nhân viên nào cần phải cải thiện hoặc sa thải. Trong nguyên tắc chỉ huy một doanh nghiệp: chỉ để ý đến những con số mà không đếm xỉa đến vấn đề “con người” thì chưa đạt. Những con số chỉ là dấu hiệu để hướng dẫn chúng ta trong lối dụng người.

113. Trước khi quyết định một việc quan trọng, bạn phải tự hỏi mình: “Tôi đã có những chỉ dẫn cho việc này chưa? Tôi đã học những điều tôi cần chưa?”

Nhiều người đã quyết định theo ý kiến của người khác hoặc theo sở thích riêng. Cách quyết định đúng đắn là phải xem xét sự kiện và con số. Đứng trước một vấn đề quan trọng, chúng ta cần phải cân nhắc kỹ càng rồi hãy quyết định. Cũng có thể đôi khi chúng ta quyết định một cách may rủi mà cũng nên việc, song nếu quyết định theo cách đó, chúng ta thường chỉ chuốc hận.

114. Bạn không nên hành động bằng cách dựa vào những ý tưởng hoặc những linh cảm chưa được chứng thực. Nếu vì lo sợ mà hành động, chắc chắn bạn sẽ thua lỗ. Nỗi lo sợ là một cố vấn vụng về. Nếu một người vì hoảng sợ mà phải bán lại doanh nghiệp của họ, thì chắc chắn họ phải bán rẻ như bèo.

Thà mang tiếng đa nghi còn hơn là mê tín. Không nên tin hay hành động gì nếu bạn chưa có một bằng chứng chắc chắn về vấn đề đó. Hành động mà cầu mong may mắn thì rất bấp bênh. Bạn chỉ nên quyết định theo những gì đã biết và hiểu rõ, chớ căn cứ trên những gì bạn chỉ cảm thấy hoặc tin vậy.

115. Bạn chỉ nên quyết định bằng cách dựa theo những sự kiện, không nên dựa theo dư luận hoặc võ đoán. Một dư luận không chắc thì không nên tin theo. Lần lượt nhiều tín ngưỡng và niềm tin của quá khứ bị bác bỏ. Khoa học đã dạy chúng ta điều khiển cuộc sống bằng cách dựa vào những sự kiện. Những quyết định khôn ngoan là những quyết định dựa vào sự hiểu biết của bạn, không phải võ đoán.

116. Trước khi đưa ra một quyết định quan trọng, bạn nên kiểm tra lại những thông tin đã có. Phải điều tra, nghiên cứu những sự kiện và số liệu. Việc tranh cãi không có ý nghĩa bằng việc điều tra. Không phải có 5, 6 người nào đó có ý kiến giống nhau mà có thể cho rằng họ đúng lý hơn là ý kiến của một người. Một công cuộc kinh doanh cần phải được quyết định theo sự kiện và con số, không phải theo những cuộc bàn cãi. Giá trị của một ý kiến còn tuỳ theo những hiểu biết của người đã phát biểu ý kiến ấy. Không nên quyết định chỉ vì bạn có quyền quyết định hoặc chỉ vì nó hợp với sở thích. Trước hết, bạn phải tìm ra những nhận xét về các sự kiện và dữ liệu có được.

117. Chớ vội nói: “Tôi không có thời giờ để xem sách”, như thế chẳng khác nào bạn nói: “Tôi không có thời giờ để ăn”. Trí não bạn cũng như thể xác, đều cần được nuôi dưỡng. Muốn mở mang trí óc mà chỉ đọc những báo chí giải trí hay thứ văn học tình cảm lãng mạn là không đủ. Những ý kiến hữu ích nhất thường chứa đựng trong một cuốn sách và giá tiền một quyển sách đâu có đắt hơn giá tiền một chỗ ngồi trong rạp hát. Ít ra mỗi tuần bạn phải mua một cuốn sách bổ ích, đó là một thói quen tốt. Bạn cần thường xuyên tiếp tế cho khối óc những nguyên liệu cần thiết.

118. Đọc nhiều vẫn chưa đủ. Trí tuệ và kiến thức còn tuỳ vào những gì bạn đọc. Nếu chỉ đọc những báo chí, hoặc tạp chí vô bổ, thì bạn chưa được gọi là người biết đọc sách. Bạn cần đọc cả những sách, báo khảo cứu, hay về lịch sử, địa lý. Rất nhiều người nhờ đọc một cuốn sách mà làm nên sự nghiệp. Qua bao nhiêu thế kỷ, có bao nhiêu người gom nhặt những tri thức của họ để giãi bày trong sách vở. Cả một kho tàng khoa học mở cửa sẵn, nếu bạn biết đọc những sách tốt. Nếu chưa biết đọc sách đúng đắn, bạn chưa thể tiến bộ, cũng chưa thể cho rằng mình có văn hoá.

119. Nên đọc những sách hữu ích. Dù làm nghề gì đi chăng nữa, cũng có hàng tá sách vở có thể giúp bạn học hỏi. Học bằng cách tự mình rút lấy kinh nghiệm thì vừa lâu lắc, vừa đắt đỏ. Cuộc sống quá ngắn ngủi, chúng ta cần đọc sách để thu lấy kinh nghiệm của kẻ khác. Ở nhà trường, người ta chỉ mở ra cho con đường học vấn nên khi ra trường, bạn còn phải tiếp tục học hỏi bằng cách xem sách, báo. Người chỉ đọc những báo chí vui cười chưa phải là người biết đọc. Đôi mắt phải mang đến cho họ những tri thức. Trí nhớ của họ phải chất chứa những hiểu biết có xếp đặc lớp lang, không phải những tri thức phôi phai, nông cạn.

120. Sách hữu ích có nhiều loại, bạn đều có thể xem nhưng trước hết cần phải có cái nhìn tổng thể. Loại sách ấy cho chúng ta thêm phấn khởi, thêm kiến thức. Nó ghi lại những công trình vĩ đại, nó vạch rõ cho ta thấy: những gì mà sức một người có thể làm. Nó làm chúng ta thêm hăng hái và quyết tâm.

121. Trong khi xem sách, bạn có thể bỏ qua những sách bàn về triết học, huyền bí học. Chưa chắc bạn khôn ngoan hơn khi nghiên cứu những vấn đề mà các triết gia như Kant, Hegel hoặc Shopenhauer đã viết. Triết học siêu hình là một môn học khó khăn và vô bổ. Các nhà triết học viết để cho những triết gia xem thì được, nhưng bạn không nên để đầu óc bị những triết thuyết mù mờ bao phủ.

122. Bạn nên đọc sách một cách đắc lực. Trong khi đọc, nếu gặp một ý tưởng làm bạn chú ý, nên ghi chép và đánh dấu lại, hoặc chép lại các đoạn hay vào một cuốn sổ tay. Nếu sách đó là của riêng, bạn có thể gạch chân hoặc đánh dấu những đoạn cần nhớ. Nếu có đoạn nào gợi cho bạn những hành động, nên xếp sách lại trong đôi phút để suy nghĩ, rồi ghi ra những gì bạn định làm. Phải biết dùng một cuốn sách hữu ích như một người cố vấn. Nếu nó nêu ra những điều hữu ích, bạn phải tự hỏi: “Tôi có thể dùng điều ấy để phát triển công cuộc kinh doanh của tôi, để củng cố sự nghiệp của tôi không?” Phải có mục đích trong khi đọc sách.

123. Vì lợi ích chung mà cũng vì lợi ích riêng, bạn phải biết vừa làm một người học trò vừa làm một ông thầy. Bạn đã từng học hỏi với người thầy thì bạn cũng có một trách nhiệm tinh thần là chỉ bảo lại cho người khác những gì đã học hỏi. Bất luận cuộc kinh doanh nào được tồn tại, đều nhờ người chủ biết luôn luôn nghiên cứu, học hỏi và chỉ bảo nhân viên. Biết chỉ huy không phải là dùng quyền hành của mình, biết chỉ huy còn có nghĩa là biết chỉ bảo và dạy dỗ. Nếu chỉ biết dạy dỗ, bạn chưa phải là một người chỉ huy giỏi. Trong khi dạy dỗ, chúng ta cũng vừa học hỏi.

124. Học từ những người tài giỏi hơn ta, và dạy dỗ lại cho những người kém hơn ta. Đó là sự tương tác phải có giữa các tầng lớp xã hội. Người nào có thể dạy dỗ ta một điều gì, đương nhiên họ đã trên ta một bậc trong lĩnh vực ấy. Giá trị của mỗi người là ở trình độ tri thức, không phải ở huyết thống cũng không phải ở địa vị xã hội của họ. Một người thợ máy có thể dạy bạn cách sử dụng chiếc máy và như thế người thợ ấy đã trên bạn một bậc trong lĩnh vực đó. Khi bạn biết học từ những người giỏi hơn và biết dạy bảo lại kẻ khác, bạn đã đóng một vai trong sự phát triển của cuộc sống.

125. Muốn giải quyết nhiều vấn đề, bạn phải nỗ lực tìm tòi. Phải biết dùng hai câu hỏi “Tại sao?”, “Bằng cách nào?”. Khi nghiên cứu, bất luận về vấn đề nào, bạn cũng nhận thấy rằng mình cần phải hiểu biết rõ hơn. Và suốt đời, bạn cũng vẫn thấy mình chưa biết rõ, cần học hỏi thêm. Có thể sánh bạn như một điều tra viên, điều cần biết không tự nhiên đến, bạn phải đi tìm.

126. Trong khi nghiên cứu học hỏi, bạn nên dùng phương pháp của nhà hiền triết Hy Lạp Socrate: luôn luôn đặt ra nhiều câu hỏi. Cách đây 24 thế kỷ, Socrate đã biết đặt ra những câu hỏi và ông đã nổi tiếng là người khôn ngoan nhất trong thời ấy. Nhưng ở thời ông cũng như thời bây giờ, người ta thường có quan niệm rất sai lầm về đức khôn ngoan. Ông chính là một bậc đại sư và chỉ giảng dạy bằng cách đặt ra những câu hỏi. Ông thu thập nhiều kiến thức qua những câu đáp của các môn sinh, và ông đã tập cho dân chúng thói quen nghiên cứu những sự kiện, nhờ đó dân chúng bớt tin những lời đồn nhảm.

127. Khi nghiên cứu một điều gì đó, bạn phải nghiên cứu từ nguyên nhân đến kết quả. Nhà bác học Darwin đã làm như thế và tìm ra nguyên tắc của sự tiến hoá. Ông đã đặt nền móng cho một khoa học và mang lại cho chúng ta chân lý để thay thế những truyện thần bí. Biết xét từ “nhân” đến “quả” của một việc tức là biết dùng phương pháp khoa học. Tức là biết dẹp những thành kiến, những lối làm việc mù quáng qua bên để tìm những sự kiện. Trong việc tư duy, cũng có thể áp dụng phương pháp này và kết quả bạn thu nhận được sẽ vượt trên sức tưởng tượng.

128. Khi bước chân vào một lĩnh vực nào đó, bạn nên tìm một người thật tài ba để học hỏi hoặc đọc sách vở họ đã soạn. Giá trị những hiểu biết của bạn tuỳ thuộc giá trị

người thầy dạy bạn. Trước tiên, bạn phải học hỏi với những nhân vật trọng yếu trong ngành, nếu bạn muốn sau đó có đủ tư cách để lãnh đạo kẻ khác. Đó là một nguyên tắc của khoa học đắc lực: nguyên tắc nhờ những cố vấn lành nghề.

129. Trên đời này, chỉ có nhà khoa học là người có đầu óc thực tiễn, sáng tạo và giúp ích cho nhân loại nhiều nhất. Hiện nay, những công nghệ tối tân đều phát sinh từ phòng thí nghiệm. Những nhà hoá học kỹ nghệ đã chế tạo ra rất nhiều chất mới. Họ đã đảo lộn lối chế tạo truyền thống. Chưa ai biết rõ những năm tới đây họ sẽ còn công bố những gì mới mẻ nữa. Họ đã mang đến cho chúng ta nhiều tri thức mới, nhiều khả năng mới. Chính những nhà khoa học này đã giải quyết vấn đề và đem lại cho chúng ta một ngày mai tốt đẹp hơn.

130. Bạn nên luôn mang theo mình một cuốn lịch nhỏ và một cuốn sổ tay. Cuốn lịch không đủ chỗ để ghi chép những “ý tưởng và nhận xét” nên bạn cần có thêm cuốn sổ tay. Bạn có thể cắt những bài báo cần giữ lại rồi dán chúng vào những bài ấy vào một tập sách. Nếu tự mình dán lấy thì tập sách ấy sẽ rất đắt giá. Nên giữ hoặc ghi lại tất cả những gì có thể giúp cho bạn sau này.

131. Bạn hãy cảm ơn những người đã cho bạn cơ hội được sống trong một nước mà mỗi người đều được tự do học hỏi. Thời xưa người ta bị chế ngự bởi tín ngưỡng mà hiện giờ khoa học đã chỉ rõ sự sai lầm cho những người thuộc ba bốn thế hệ gần đây. Ngày nay, bạn được hoàn toàn tự do học hỏi. Bạn nên khôn ngoan sử dụng ân huệ ấy.

132. Bạn cần phải học và phát triển con người bạn suốt đời. Không bao giờ nói: “Tôi đã biết đủ rồi, không cần học nữa.” Luôn luôn còn những ý tưởng mới, những sự kiện mới để bạn học hỏi. Thiếu một phần tri thức, bạn sẽ bị lỡ thời. Đến ngày cuối cùng trong đời, bạn vẫn phải mở rộng những cánh cửa sổ của trí óc. Khi có tuổi, bạn cũng cần biết thụ cảm. Cuộc sống ngắn ngủi quá mà chúng ta còn quá nhiều điều phải học.

133. Những gì bạn đã biết so sánh với những gì chưa biết thì không thấm vào đâu. Hãy nhớ điều này để đừng bao giờ ngưng việc học hỏi. Nếu bạn biết rõ những gì bạn chưa biết, bạn sẽ là người khôn ngoan nhất đời. Ngôn ngữ của một nước tiến bộ gồm

có ít nhất là 400.000 từ, nhưng có bao nhiêu người hiểu rõ được 20.000 từ? Hiện giờ, chúng ta có thể kéo dài tuổi thọ hơn xưa đôi chút, song những gì mà chúng ta cần hiểu biết thì gia tăng quá nhiều. Bao nhiêu thế hệ nhà tư tưởng đã thu thập, gom góp tri thức, chúng ta không đủ thời giờ để học hỏi. Người điên nhất là người không chịu học hỏi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.