Làm nên 400 điều trường học vẫn không dạy bạn

5. TƯ TƯỞNG



134. Chớ quên rằng: phần quý nhất trong con người là khối óc. Bạn được hưởng quyền tư duy, không ai có thể truất quyền ấy. Khối óc của bạn phải được đặt dưới sự kiểm soát của ý chí và trí nhớ. Không nên tư duy máy móc theo một lối cổ truyền lỗi thời. Nhiều điều người ta chỉ dạy là chưa hoàn hảo. Nếu quyết tâm tìm chân lý, bạn sẽ thoát khỏi những điệp khúc cũ mèm từng làm hại nhân loại. Bạn có thể làm nhiều việc nhưng có một việc bạn không thể bỏ qua: Biết Tư Duy.

135. Loài vật chỉ có thân xác, chỉ có những cảm giác, nhưng bạn có được một khối óc. Nếu bạn không biết dùng nó thì bạn hơn gì loài vật? Chính nhờ biết tư duy mà bạn trở thành một con người. Khối óc bạn phải kiểm soát tình cảm và thân xác bạn, nó bắt buộc ý chí bạn làm việc. Địa vị của bạn, thành công của bạn, sức khoẻ của bạn và cá tính của bạn đều tuỳ thuộc cách bạn điều khiển khối óc. Một người tư duy như thế nào thì họ trở thành thế ấy.

136. Quyền lực tư duy tuỳ thuộc một phần khối óc bạn được hưởng khi chào đời nhưng hầu hết là do nỗ lực của bản thân trong suốt cuộc đời. Bạn phải tự buộc mình cách tư duy. Tư duy là một công việc nặng nhọc, chỉ học hỏi và ghi nhớ chưa phải là biết tư duy. Tư duy cũng không phải là mơ mộng hoặc thả hồn đi từ vấn đề này sang vấn đề khác. Tư duy phải có tính cách sáng tạo. Khi quyết định làm một công việc gì đó, bạn phải tư duy. Khi soạn một cuốn sách, sáng chế một cỗ máy, hay tổ chức một công cuộc kinh doanh, bạn đã vận dụng cách tư duy. Người ta tư duy nhiều hơn khi phải giải quyết các vấn đề trong cuộc đời.

137. Bạn luôn luôn phải bắt khối óc hoạt động. Chớ vội thu hẹp tư duy của mình. Nó là tài sản riêng thuộc về bạn. Bạn có thể bắt khối óc hoạt động bằng cách quan sát hoặc bằng cách đọc những cuốn sách có ích cho sự học hỏi. Phải biết nghĩ đến những gì thú vị hơn là ăn uống, hát hò hoặc hút thuốc lá. Người chỉ nghĩ đến miếng cơm, manh áo và nhà ở chỉ là một người tầm thường. Những mục đích nhằm đến sẽ thành công hay thất bại tuỳ thuộc vào tư duy của bạn, tùy thuộc bạn có đủ ý chí để bắt khối óc hoạt động, phát triển và buộc nó quyết định thi hành hay không.

138. Bạn cần phải phát triển khối óc. Nó có thể thụ động như một cái đĩa hát hoặc hoạt động như một con chíp điện tử. Khối óc của nhiều người thường bị tê liệt. Người ta nhận thấy khối óc của nhiều người chỉ được sử dụng trung bình 10%. Khối óc bạn chỉ hoạt động khi quan sát, khi bạn biết nghiên cứu, suy nghĩ về các sự kiện, ý tưởng, khi tìm cách giải quyết các vấn đề, hay đọc những sách bổ ích, khi thử tìm cách cải thiện một điều gì, một việc gì đó,…

139. Bạn nên tập thói quen kích thích khối óc, không được để tê liệt. Nếu thỉnh thoảng bạn không biết rồ máy, một chặp sau nó sẽ hết cựa quậy. Món thuốc rất hay để kích thích khối óc là: Phải đặt ra một mục đích cao quý nào đó để bạn đeo đuổi. Phải có một cái bia để nhắm. Cao vọng giúp khối óc hoạt động, cũng như những cuộc đàm luận với hạng người khôn ngoan, cũng như việc nghiền ngẫm những sách vở tốt, cũng như việc làm một công việc khó khăn hoặc giải quyết một vấn đề mắc mỏ. Thuốc phiện và rượu làm tê liệt khối óc. Những món thuốc độc đó cho ta một cảm giác khoan khoái nhưng sau đó làm lu mờ tư tưởng của chúng ta.

140. Mỗi ngày, bạn nên làm một công việc gì đó có tính chất sáng tạo. Đó cũng là một dịp để bạn khỏi mất thời giờ làm những công việc rập khuôn hoặc chơi bời. Ghi trên giấy một ý nào mới mẻ, đó là một công việc sáng tạo. Tìm ra những sự kiện mới, đó cũng là một công việc sáng tạo. Ví dụ, bạn dành nửa giờ để huấn luyện người cộng sự, hay suy nghĩ về chương trình cải tổ công việc kinh doanh của mình, đó cũng là biết làm việc sáng tạo. Như thế mới có thể nói bạn đã không phí thời gian trong ngày.

141. Bạn phải gia tăng ý tưởng. Điều quan trọng là những ý tưởng phát ra từ khối óc của bạn chứ không chỉ là những ý tưởng bạn thu vào. Phải biết sử dụng thích đáng những tri thức của mình. Khối óc cứng đơ của vị giáo sư uyên thâm không hữu dụng bằng khối óc hoạt động của một người thợ máy. Giá trị của một xưởng máy tuỳ thuộc sản phẩm nó sản xuất ra hơn là những nguyên liệu đầu vào để chất đống.

142. Nên làm cho người ta nhận thấy bạn là người có nhiều “ý tưởng” mới. Nếu là công nhân, bạn có thể làm cho ông chủ để ý đến bằng cách đưa ra những “sáng kiến” hay để cải tiến công việc đang làm. Nếu làm chủ, bạn sẽ làm cho khách hàng và đối tác chú ý đến công việc kinh doanh bằng cách áp dụng những ý tưởng mới.

Khi được mọi người biết đến như một nhà tư tưởng, bạn sẽ vượt lên nhiều bậc. Trong các công ty quảng cáo, luôn có những người nghĩ ra các ý tưởng nên họ lĩnh lương rất cao. Những nỗ lực liên tiếp sẽ đem lại cho bạn thói quen tư duy và có nhiều ý tưởng.

143. Cơ hội không phải là một món quà người ta mang đến tặng bạn. Đó là một ý tưởng phát sinh từ nơi trí óc của bạn. Đó là một hiện tượng thuộc về tâm trí. Luôn luôn có những cơ hội trong cuộc sống, nhưng chỉ có những người mà khối óc đã được chuẩn bị mới nhìn ra. Nhiều người bị một lớp sương mù bao phủ không cho họ thấy cơ hội. Chỉ có những người biết quan sát, biết suy nghĩ, biết hành động mới tìm thấy nó, đó là tuỳ công việc của mình và tuỳ theo mình có biết sử dụng nó hay không. Mỗi người phải tìm ra những cơ hội xứng đáng với cao vọng của mình.

144. Chính sự làm việc bằng trí não giúp bạn làm nên, không phải những hoạt động bằng tay chân. Không ít thì nhiều, ai cũng bị bắt buộc làm những công việc tẻ nhạt, nhưng nên tránh những việc tẻ nhạt ấy. Ở đâu cũng thế, những công việc bằng tay chân thường được trả công thấp, trừ phi đó là những công việc đòi hỏi khả năng đặc biệt. Cần cù siêng năng là tốt nhưng chỉ làm việc bằng cơ bắp thì chưa đủ, bạn phải biết làm việc bằng tư duy, bằng hiểu biết, bằng kiến thức. Địa vị trọng yếu thường nằm trong tay những người biết hoạt động trí óc. Địa vị càng lên cao, bạn càng ít làm việc bằng cơ bắp. Nên vận dụng thân thể để giữ gìn sức khoẻ, nhưng chớ lấy đó làm kế sinh nhai.

145. Bạn không thể tránh những mối lo âu song có thể lợi dụng nó. Gặp phải một mối lo nếu biết đặt liền câu hỏi “Tôi có thể làm gì?”, nó không còn là một chướng ngại vật, trái lại nó có thể giúp bạn. Không nên để những mối lo làm bạn chán nản. Phải nhận lấy những mối lo như một sự tất yếu và hãy lo tìm ra những nguyên nhân của nó. Có những mối lo không phương pháp giải quyết. Gặp trường hợp ấy chúng ta chỉ còn một cách là ra sức chịu đựng. Song trường hợp này rất hiếm. Thường thì một mối lo có thể là một mối lợi vì nó buộc ta phải hoạt động.

146. Chúng ta phải biết xem thường những lo âu vặt vãnh, đó là vết chích của loài muỗi mòng, chớ vội để ý, nó không thể làm hại bạn. Nhưng nếu ta gãi, vết chích ấy có thể sưng lên. Chớ nên cầu mong sự suôn sẻ hoàn toàn trong tất cả những gì bạn làm, cũng như trong mua bán. Bạn nên dự phòng ít ra có khoảng 10% khó khăn. Phần này không đáng là bao, tốt hơn là bỏ qua. Có ai tránh khỏi đâu.

147. Nên giữ sao cho công việc kinh doanh của bạn được phát triển liên tục bằng cách cải thiện hoặc thêm vào đó những hoạt động mới. Một công việc bị đình trệ khi nó chỉ gồm toàn những phần việc theo lề lối cũ. Một công việc kinh doanh phát đạt, lúc phát sinh cũng có một phần việc cổ hủ song nó được cải tiến. Trong công việc kinh doanh đắc lực, tư duy luôn luôn được vận dụng. Không ai có thể nghĩ đã đến mức tột bậc của nó. Luôn luôn có thể thêm bớt một cái gì. Luôn luôn có một cuộc thí nghiệm nào đó. Khi một công việc kinh doanh không có phần sáng kiến, nó sẽ sa lầy và vũng sình lầy nhỏ đó có thể biến thành vực sâu. Khi ngừng tư duy, công việc kinh doanh của bạn cũng ngừng lại, không tiến nữa.

148. Nếu công việc hàng ngày không bắt khối óc làm việc, bạn nên tìm thêm một công việc giải trí theo sở thích riêng nhưng phải có tính chất sáng tạo. Bạn có thể lập một xưởng mộc nhỏ để có dịp đục đẽo, mở một phòng thí nghiệm hoặc soạn sách. Âm nhạc cũng là một việc giải trí có tính sáng tạo nếu bạn học. Chơi cờ tướng cũng có tính sáng tạo. Bạn nên dùng một phần thời giờ để giải trí, để làm nổi bật phần độc đáo trong con người bạn. Bạn nên giữ trí óc minh mẫn bằng cách buộc nó phải làm một công việc gì có tính sáng tạo.

149. Bạn cũng có thể tập cho khối óc quen vận động bằng cách chơi những trò giải trí như thách đố, toán đố. Định một thời hạn nào đó để giải quyết cho xong một bài toán đố chữ. Những bài đố bổ ích cho trí não cũng như những động tác thể dục giúp cho thể xác. Tự những trò chơi giải trí ấy không giá trị gì nhưng nó giúp cho trí óc ta khỏi tê liệt. Nếu chỉ gặp những trò chơi giải trí không đủ hứng thú, bạn có thể tự đặt ra vài trò chơi khác. Bạn sẽ thấy rằng, đó không phải là việc dễ. Tập giải đáp những trò giải trí cũng là một cách rèn mình đương đầu với những bài toán khó cũng như trong việc điều hành công việc kinh doanh.

150. Bạn nên phát triển tư duy sáng tạo bằng cách tập cho mình nghĩ đến cách sửa chữa những khuyết điểm trong mọi công việc. Chúng ta rất cần những nhà sáng chế, cũng như cần những người biết thực thi. Một kỹ sư phát minh ra điều gì đó mới mẻ là một giá trị vô giá cho đất nước.

Người nào có thể tư duy hoặc sáng chế ra điều gì mới mẻ là một nhà tư tưởng sáng tạo. Họ làm ra những gì mới mẻ, khác thường. Có những người trời sinh ra đã có bộ óc sáng chế, nhưng cũng có nhiều người biết sáng chế là nhờ vào quan sát và biết tư duy. Trong đời, bạn luôn luôn phải nhờ đến óc sáng chế để giải quyết khi vấp phải những khó khăn.

151. Một câu nói có thể giúp ích cho bạn rất nhiều là câu “giả sử”. Nhà bác học trứ danh Thomas Edison có trên 1.000 bằng sáng chế chỉ nhờ ông biết cách thí nghiệm liên tục. Ông tự nhủ rằng: “Giả sử tôi sẽ làm như thế này”. Rồi ông thử làm cách khác để tu bổ công trình sáng chế ấy cho đến khi nó hoàn thiện. Câu “giả sử” này kích thích trí tưởng tượng của ta, nó đốc thúc ta tìm những chương trình hoạt động mới. Khi nói: “Nếu tôi sẽ làm như thế này thì sự thể ra sao?” tức bạn đã buộc mình phải tìm tòi để sáng tạo ra một cái gì mới.

152. Bạn nên có hai bàn làm việc, một cái ở văn phòng và một ở nhà để khi về bạn có thể tiếp tục theo đuổi những công việc đã xếp sẵn. Một buổi chiều trước khi ra về bạn phải làm cho xong và dọn dẹp tài liệu thuộc về phần việc kinh doanh. Bàn giấy ở nhà là nơi bạn dành riêng để làm những công việc có tính sáng tạo, để bạn dự tính những chương trình hành động, để bạn giải quyết những vấn đề cần nhiều suy nghĩ. Phải ngăn một tấm vách để phân biệt đâu là những công việc đúc sẵn, đâu là những công việc sáng tạo. Bằng không bạn sẽ quên làm những việc sáng tạo.

153. Có cả một phương pháp để làm công việc sáng tạo. Trước tiên, bạn phải gom góp tất cả những thông tin, dữ liệu về việc cần xem xét. Sau đó là nghiên cứu và suy tính. Trong óc bạn luôn luôn nhớ đến nó. Một ngày kia, bạn sẽ thấy “ý tưởng” xuất hiện như tia chớp. Tôi không thể nói do đâu có hiện tượng ấy. Chưa ai biết rõ nguồn gốc của ý tưởng. Nhưng người ta có thể nhận thấy: khi chúng ta đã gom góp đủ dữ liệu và kiên tâm tìm tòi, tự nhiên “ý tưởng” sẽ hiện ra.

154. Có một cách rất hay để giải quyết vấn đề phức tạp khiến bạn bối rối là việc ghi ra giấy tất cả những dữ liệu, thông tin của vấn đề cần xét. Nên sử dụng bản đồ tư duy để làm việc. Dùng phương pháp này, những khó khăn của vấn đề sẽ nổi bật lên và hiện nguyên hình trên giấy. Lúc bấy giờ, bạn sẽ lấy từng nhánh để nghiên cứu phân giải từng yếu tố một. Chỉ ghi lại những yếu tố quan trọng nhất và bạn sẽ thấy rằng có thể loại bớt nhiều yếu tố không quan trọng. Đó là một lối hay để quyết định khỏi mắc phải sai lầm.

155. Phải biết tập trung tư duy. Hiện giờ vì xã hội có nhiều thú vui, vì cuộc sống chúng ta phải luôn luôn di chuyển, vì có nhiều biến cố làm đầu óc của nhiều người bị kích động, nên tâm trí họ quay cuồng như chong chóng, nên ít người biết tập trung tư duy. Đầu óc chúng ta hoạt động nhiều nhưng ít được kiểm soát. Ngay trong giới doanh nhân cũng ít người biết hoạt động hiệu quả. Phung phí nghị lực là một tai họa. Chúng ta cần suy nghĩ thật chín về mỗi vấn đề. Phải tập trung tất cả tư duy của mình về vấn đề đó cho đến khi tìm ra cách giải quyết.

156. Nếu trí óc có thói quen lan man từ việc này sang việc khác, thì bạn nên dùng những cách rèn tập giản dị như sau để tập trung tư duy: đọc một trang sách nhưng đọc ngược lại, nghĩa là bắt đầu từ dưới đọc lên. Hoặc tập làm toán nhẩm. Lúc ngồi trên xe buýt, hoặc xe lửa, buộc mình nhớ đến một câu tư tưởng hay một câu châm ngôn nào đó. Hoặc buộc mình ngồi yên trong nửa tiếng đồng hồ để suy nghĩ và ghi lại trên giấy những ý tưởng hiện ra về một vấn đề khúc mắc nào đó. Phải biết tập trung tư duy.

157. Bạn phải biết quan tâm đến những trào lưu của tư tưởng và tình cảm. Trong thế giới luôn luôn biến chuyển, chúng ta phải theo dõi những trào lưu. Muốn quyết định mà không bị lầm lạc, bạn phải có óc tiến bộ. Bạn không cần thu nhận tất cả những gì mới. Một trào lưu mang lại những dịp may. Một khuynh hướng có thể đảo lộn vài ý kiến, một vài phương pháp và một vài sản phẩm. Biết quan sát trào lưu để dự đoán tương lai là một lợi thế. Hãy rèn luyện thói quen nhìn phía trước.

158. Riêng về tương lai, bạn có thể chuẩn bị và tiên đoán. Cấu trúc vĩ đại của ngành bảo hiểm đều căn cứ trên sự tiên đoán, một nhân viên kế toán cũng là một nhà tiên tri, ông ta dựa vào những bản thống kê để tiên đoán. Bạn chớ vất vưởng trên đường đời, để mặc sự việc đến một cách đột ngột, nó sẽ lật nhào bạn. Chưa ai thử tính kỹ xem sự thiếu chuẩn bị đã làm hao tài tốn của chúng ta bao nhiêu, nhưng ai cũng nhận thấy nó đã cho chúng ta những vố thật đau. Nên tập thói quen nhìn xa ở tương lai và trù liệu để tiếp đón những biến cố sẽ xảy ra.

159. Trí óc sẽ không bị cùn, bị rỉ mà sẽ thêm rắn rỏi nếu bạn biết quan tâm đến quyền lợi kẻ khác, quan tâm đến những gì bạn làm. Người có giá trị là người đã sống cuộc đời nhiều sáng tạo, đến 50 – 60 tuổi và sau đó vẫn còn tò mò, vẫn còn ham học, vẫn còn thích hoạt động. Một khuyết điểm thường thấy ở nhiều người là họ già quá sớm. Giai đoạn quý nhất trong đời có thể là sau khi bạn đã quá 50 tuổi. Bạn có thể giữ tâm trí được trẻ trung mãi cho đến ngày cuối cùng. Giai đoạn đầu đời của bạn rất có thể chỉ là một giai đoạn chuẩn bị.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.