Làm nên 400 điều trường học vẫn không dạy bạn
9. LỀ LỐI CHỈ HUY
248. Nên chuẩn bị càng sớm càng tốt để nhận lĩnh những chức vụ chỉ huy. Chẳng hạn, bạn có thể tập sự ngay trên sân vận động khi nhận chức thủ quân một đội bóng. Hãy tập cách kiểm soát người khác, tập cách ra lệnh, tập nhận trách nhiệm về việc làm của những kẻ dưới tay. Khi cáng đáng chức vụ chỉ huy, bạn sẽ có dịp thi thố tài chỉ huy. Rất có thể bạn có đủ tư chất để dẫn dắt người khác, cũng có thể không. Nắm quyền hành trong tay, rất có thể bạn đâm ra kiêu căng, trở nên cứng rắn, hoặc tư vị. Bạn cần biết những tật xấu của bạn để diệt bỏ.
249. Tinh thần đắc lực đòi hỏi 5 giác quan sau đây:
– Giác quan về thời gian
– Giác quan về tiền bạc
– Giác quan về quần chúng
– Giác quan về những phương tiện hành động
– Giác quan về sự phục dịch.
Muốn trở thành một người hiệu quả cần phát triển 5 giác quan tâm hồn ấy. Bạn sẽ tiêu tốn ít mà thu đoạt kết quả thật nhiều.
250. Khi ngồi vào cương vị giám đốc, bạn phải có một ý niệm rõ rệt về khoa học “tổ chức”. Lý tưởng trong việc tổ chức một công việc kinh doanh là tạo nên một nhóm người biết cùng nhau làm việc để đạt đến những mục tiêu chung. Quyền hạn và trách nhiệm sẽ được phân phối đều và tùy theo cấp bậc. Cần có những phương pháp nhất định để thu thập kiến thức và luôn luôn cải thiện. Một tổ chức đúng ý nghĩa không có mục đích làm cho những người dự phần nào đó bị thua thiệt mà trái lại mỗi người đều được phát triển. Trong một tổ chức mỗi người đều phải có phương cách phát triển tài năng của mình, đều được hưởng một số lợi tức quan trọng hơn số lợi tức mà họ có thể kiếm được nếu họ tự đứng ra kinh doanh.
251. Nếu phải đứng ra tổ chức một công ty, một tổ chức, hoặc một sự kiện gì đó, đòi hỏi bạn phải có sự hợp tác của một số người, việc trước tiên của bạn là tìm cho ra một người quản lý giỏi nhất để họ đứng đầu công việc ấy. Sau đó, bạn phải cho người này những chỉ thị thật rõ ràng, đồng thời dành cho họ những quyền hành cần thiết, để mặc cho họ xoay sở và chỉ xét đoán theo những kết quả.
Đó là phương pháp mà những nhà kinh doanh lừng danh đã từng áp dụng. Phải biết trao cho những kẻ dưới tay quyền có óc sáng kiến và quyền hành dịch vụ cho những việc không quan trọng lắm, nên để cho họ được tự do hành động. Người trong cuộc bao giờ cũng hiểu rõ tình thế hơn và họ phải có đủ phương thức để đối phó. Không nên dùng họ như một liên lạc viên.
252. Khi nhận nhiệm vụ tổ chức, mục tiêu của bạn là thúc đẩy chứ không phải cản trở hành động. Trong nhiều tổ chức lớn, nhất là trong những công ty lớn, các hoạt động trở nên chậm chạp và khó khăn. Chính các tổ chức đã tạo ra nghệ thuật hợp tác. Cần có tổ chức, nhưng chỉ đến một mức nào đó. Không nên để nó cản ngăn sáng kiến và
tinh thần quyết đoán. Không nên vì phải theo sát lề lối tổ chức mà hy sinh những thành quả. Điểm chính yếu là hành động, chứ không phải là việc ghi nhận thành quả. Tất cả những gì gây ra tinh thần “máy móc” và thái độ hòa hoãn đều có hại.
253. Có quan niệm rõ ràng ý nghĩa của “hành động” mới mong thực hiện được nhiều việc. Hành động làm nảy nở “những động lực”, nó có thể tạo ra một vài thành quả nào đó mà chúng ta mong muốn. Danh từ mà bạn cần ghi tâm là “những động lực”. Trước tiên, bạn nên nghiên cứu về bản chất của thành quả mà chúng ta muốn thu đạt, sau đó hãy gây ra “những động lực” có thể tạo nên những thành quả ấy. Có cả một nghệ thuật về phép hành động. Nhờ suy nghiệm, bạn có thể thu đạt nhiều thành quả, ít vấp váp.
254. Dù thế nào đi nữa, bạn cũng cần có đối tác, nên bạn cần tìm cho ra đối tác thanh liêm mà bạn có thể tin cậy. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi góp vốn với ai đó. Đã có bao nhiêu doanh nghiệp, tổ chức tan rã. Không nên nhận một người làm đối tác chỉ vì thấy hắn ta giỏi giang. Tất cả những người cộng sự phải là những người biết tỏ ra xứng đáng với lòng tin cẩn của bạn. Không sớm thì muộn một người có những tật xấu sẽ rời bỏ bạn. Không ai gửi trứng cho ác, đừng bao giờ làm ăn với những người đã mang tiếng với những hành động khả nghi.
255. Sự thành bại trong môi trường kinh doanh, một phần lớn là do những người giúp việc của bạn, do những kiến thức, những tình cảm của họ. Nhân viên của bạn phải thương mến và phải có ý thức làm thỏa mãn bạn. Họ phải được chọn lựa kỹ càng và được huấn luyện một cách cẩn thận. Bạn phải dám tiêu tốn nhiều hơn những đối thủ của bạn trong việc huấn luyện nhân viên. Với một “ê kíp” gà mờ, bạn không mong gì chiến thắng. Bạn phải biết gây lòng nhiệt huyết và tinh thần đồng đội trong đám nhân viên. Nếu nhân viên không biết giúp bạn giải quyết những khó khăn đó thì có lẽ bạn sẽ không giải quyết được bao nhiêu việc.
256. Khi tuyển một nhân viên mới, bạn nên nhớ rằng chưa có một phương pháp nào đủ chính xác cho biết những khả năng của người ấy, bạn nên tạm nhận họ trong thời hạn ba tháng. Khi chưa có dịp thấy một người nhúng tay vào việc, bạn chưa có thể đánh giá họ. Chúng ta không thể ước đoán tài năng của một người nếu chỉ dựa vào vẻ bề ngoài của họ, cũng không thể căn cứ ở những trắc nghiệm, ở những chứng chỉ hoặc ở những gì mà người ấy kể lại. Chỉ khi nào đã thấy người ta bắt tay vào việc, lúc bấy giờ chúng ta mới có thể phỏng đoán ai là người đáng chọn.
257. Nên chuộng đãi những nhân viên đang hưởng bổng lộc cao, không nên đặt hạn mức trong việc trả lương. Những người giúp việc có thể khác biệt nhau rất nhiều. Bạn vẫn có thể kiếm lãi nhiều tuy phải trả lương cao cho một nhân viên, và trái lại bạn có thể bị thua lỗ trong khi trả cho một nhân viên khác đồng lương rẻ mạt. Khác với tiền đóng thuế, món tiền trả lương cho nhân viên là món tiền dễ sinh lợi. Lợi tức của bạn tùy thuộc vào những thành quả, mà những thành quả tốt nhất đều do những nhân viên lành nghề đã được huấn luyện và trả lương hậu hĩnh.
258. Nếu là nhà sản xuất, bạn cần biết dùng ba nguồn lực: nguồn lực tạo năng lượng, nguồn lực của khối óc, nguồn lực của tâm can. Chỉ dùng nguồn lực tạo năng lượng không chưa đủ. Bạn cần khích lệ ban giám đốc và thầy thợ bạn quen dùng khối óc để suy nghiệm. Những nhân viên bình thường rất có thể giúp bạn nhiều ý kiến. Cũng chớ quên nguồn lực của tâm can. Phải biết làm cho tập thể nhân viên của bạn đầy thiện chí. Nắm được nguồn lực ấy có nghĩa là tất cả những người cộng tác đều hết lòng với bạn, được thế là do cách điều khiển công minh và nhân đạo của bạn. Tư tưởng và tình cảm cũng cần ích như hơi nước và điện lực.
259. Khi thành công, bạn phải cho mọi người được dự phần trong thành công ấy.
Không nên xây dựng công việc kinh doanh của bạn theo lối dựng nhà một cột. Tốt hơn, tòa nhà ấy phải được nhiều cột chống đỡ. Lẽ dĩ nhiên, bạn luôn luôn phải nắm then chốt trong công việc kinh doanh, nhưng đó không phải là lý lẽ để có chỉ một mình bạn làm chủ mãi. Những viên quản lý mẫn cán của bạn có thể mua cổ phần với những điều kiện ưu đãi. Hãy quy tụ xung quanh bạn một nhóm người tài cán mà mỗi người đều phải có gánh một phần quản đốc và hưởng một phần tài sản. Vua thép Carnegie, vua dầu hỏa Rockefeller đều áp dụng chính sách ấy.
260. Đây là một công thức trong phép dụng người. Trước hết, bạn phải quan tâm đến những quyền lợi, sở thích của người khác, rồi từ đó tạo nên sợi dây hợp tác để đeo đuổi những mục tiêu bạn nhắm. Bạn chỉ nên đi tìm những quyền lợi chung. Tất cả những gì bạn làm phải mang lại lợi nhuận cho bạn và cho những cộng sự. Một nhà tổ chức tài danh là luôn luôn biết chia sẻ và phân phát sự thành công của mình với những kẻ khác. Họ phân chia cho mỗi người cộng sự một phần xứng đáng của thành công mà họ đã đạt. Sự thành công của bạn một phần lớn sẽ do những người khác xây đắp. Vì thế, bạn phải quan tâm tới quyền lợi của họ cũng như của chính bạn.
261. Bạn cần thu phục thiện cảm của những người giúp việc. Trả lương cho những người không yêu thích bạn thật là một sai lầm tốn kém. Những điều họ phê phán về bạn lúc họ về nhà là điều rất quan trọng. Không phải do đồng lương bạn trả mà nhân viên bạn sẽ trở nên thành thực hay trung thành. Lề lối chỉ huy của bạn phải được điểm thêm một vài nét nhân đạo. Nếu biến những người giúp việc trở thành bạn hữu thì nhiệm vụ chỉ huy của bạn sẽ trở nên dễ dàng và thích thú hơn.
262. Trong khi điều khiển những cộng sự, bạn chớ ra vẻ đạo mạo, quá chú trọng hình thức, trái lại phải quan tâm đến từng người. Không được xử sự với người như đối với vật. Bạn phải nhớ rõ để có thể khi thấy mặt là gọi đúng tên những nhân viên của mình. Những tình cảm của họ đối với bạn thật là hệ trọng. Bạn không thể không đếm xỉa đến những gì mà nhân viên của bạn nói về bạn khi họ về nhà hoặc ở nơi công cộng. Bạn phải thực tâm mới có thể làm cho họ tin rằng bạn thương họ.
263. Những doanh nghiệp cần được “nhân hóa” cũng như cần được “cơ giới hóa”. Nên đặt nền móng lề lối chỉ huy của bạn trên những con người, không phải trên những bản thống kê. Phải đối xử với nhân viên của bạn như những con người thực sự, không phải như những công cụ. Dù doanh nghiệp to lớn đến đâu, bạn vẫn có thể tô điểm cho nó đôi nét nhân đạo. Tặng cho các nữ nhân viên trong doanh nghiệp những gói kẹo ngon trong ngày kỷ niệm sinh nhật của họ. Tặng một chiếc đồng hồ vàng cho mỗi nhân viên giúp việc được 25 năm. Thỉnh thoảng mời một trong những nhân viên quản lý đi ăn hiệu. Bạn phải hoạt động ngay giữa đám ba quân, không phải ở một tháp ngà mà không ai dám bén mảng đến. Con người luôn luôn quan trọng hơn những bản phúc trình.
264. Dù là nhân viên, họ cũng đáng cho bạn nể vì. Trong lề lối chỉ huy, bạn phải biết tỏ ra là người có giáo dục. Chớ hai giọng khác nhau, một giọng dành cho bạn hữu, một giọng dành cho những người giúp việc. Cũng không nên làm cho người nhân viên hay người thợ bị mất mặt. Trong môi trường doanh nghiệp, không nên có những tiếng hò hét. Bạn có quyền nổi giận nhưng phải biết làm chủ. Lúc cáu, bạn nên im lặng. Đợi khi cơn giận nguôi, bạn hãy mở lời, bằng không những lời nói của bạn có khi vượt quá mức. Lời nói thốt ra trong cơn giận dễ gây tai hại.
265. Một khi chưa biết làm chủ bản thân, bạn chưa đủ tư cách làm chủ kẻ khác. Không phải bất luận người nào cũng biết chỉ huy. Nhiều người có đầu óc độc tài. Họ có thể bắt buộc người ta theo họ nhưng họ không chỉ huy được ai.
Họ buộc người ta xem lời nói của họ như Chúa phán, họ độc đoán. Họ không đếm xỉa gì đến quyền lợi, đến tình cảm của người khác. Vì thế, họ không sớm thì muộn sẽ gặp phải khó khăn, và có thể sẽ sụp đổ. Không nên tự cố sức kiểm soát tất cả công việc. Tốt hơn nên để người khác giúp bạn. Bắt đầu công việc gì cũng nên biết thừa nhận những bài học và tỏ ra mình là người biết lẽ phải.
266. Khi chia sẻ với thuộc hạ, bạn nên tỏ ra nhã nhặn. Là kẻ trên không có nghĩa là bạn có quyền tỏ ra thô lỗ. Nên làm cho người ta trọng nể hơn là làm cho người ta sợ sệt. Đã sợ sệt, người ta sẽ căm tức và đến một lúc nào đó sự sợ sệt ấy có thể gây ra óc căm thù. Nó sẽ làm cho người ta đâm ra giả dối, tắc trách. Trong một doanh nghiệp, “sợ sệt” bao phủ thì không mong tìm thấy lòng trung thực và tinh thần đồng đội. Cần đối đãi nhã nhặn với kẻ bề dưới vì họ ít dám cãi lý. Cư xử thô bạo với họ là hèn nhát. Khôn ngoan là hơn, chúng ta sẽ đối xử với họ một cách dung dị, không nên lên mặt bề trên.
267. Chớ làm mất mặt một thuộc hạ vì như thế là bạn đã lạm quyền. Tất cả mọi người dù là một nhân viên ở cấp bậc thấp nhất cũng đáng cho bạn kính nể. Không được gây cho người khác những mặc cảm thua thiệt. Trái lại, bạn nên đề cao những người giúp việc. Nên tập cho họ biết tự trọng và biết nhận thấy tầm quan trọng trách vụ của họ. Tỏ ra khinh miệt một người giúp việc ắt sẽ chạm lòng tự ái của họ và như vậy làm sao họ tỏ ra trung thành với ta.
268. Muốn thành công trên đường kinh doanh và tạo ra hạnh phúc gia đình, bạn nên diệt bỏ thói xấu là hay quở trách. Sự quở trách rất vô bổ. Nó dễ gây thêm nhiều tai hại khác: lòng sợ sệt, tinh thần tắc trách, lòng căm thù. Chỉ huy bằng cách luôn luôn quở trách là đốc xúi nhân viên giấu những lỗi lầm. Nhân viên có lỗi lầm thường là do họ chưa được huấn luyện chu đáo và như vậy chính ban giám đốc phải chịu trách nhiệm. Cách hay hơn cả để phòng ngừa những lầm lỗi của nhân viên là huấn luyện, không phải quở trách. Thói quen quở trách chỉ làm lụn bại tinh thần của nhân viên và tạo ra những điều kiện bất lợi cho sự làm việc.
269. Cũng nên biết thưởng công cho nhân viên. Nên nhìn khía cạnh tốt cả người, việc và biết ghi tạc vào lòng những điều lợi lộc họ mang đến cho ta. Ban bố một lời khen cho những người đáng thưởng thiết tưởng ích lợi cho bạn hơn là lo rình rập để soi mói và chỉ trích họ. Một điều gì chúng ta không còn biết quý trọng nữa là một điều sắp bị mất. Nếu chúng ta không biết quý trọng tự do cá nhân, chắc chắn chúng ta sẽ bị tước những tự do ấy.
270. Dù là trong doanh nghiệp, cũng phải có đôi chút tình cảm. Con người không phải là máy móc. Cũng có những người biết cư xử theo lý trí, nhưng đa số thường bị tình cảm chi phối.
Có thể nói: cùng một lợi thế như nhau, doanh nghiệp nào biết tạo ra không khí vui vẻ trong doanh nghiệp ắt sẽ thành đạt hơn. Không nên để cho công việc kinh doanh của bạn bị gò bó trong những khuôn khổ cứng nhắc. Phải nuôi dưỡng tình thân thiện. Trong doanh nghiệp, tình cảm là một thứ xi-măng gắn kết mọi người.
271. Khi có dịp đứng ra thương thuyết, bạn sẽ nhận thấy, biết nhận lấy một thỏa hiệp là thượng sách. Không nên đưa đối phương vào cảnh phải chọn lựa hoặc “tất cả” hoặc “không có gì”. Chớ đưa tối hậu thư điều kiện cho đối phương. Không mấy khi ý kiến của một người hoàn toàn vô lý. Lẽ công bằng là sự hòa trộn giữa hai hoặc nhiều quan điểm khác nhau. Tốt hơn là nên biết nhân nhượng những điểm không thiết yếu. Theo thời gian, sự độc tài nào rồi cũng đi đến chỗ tự diệt. Bởi sự độc tài luôn luôn gây ác ý và tinh thần báo thù. Những người văn minh thường áp dụng chính sách thỏa hiệp. Họ biết dung hòa cái mới và cái cũ, nhờ đó họ vẫn tiến.
272. Bạn không nên hứa nhiều nhưng đã hứa thì phải giữ. Dù có hoạt động chính trị, bạn cũng sẽ nhận thấy đó là một quy tắc hữu ích. Bị mang tiếng là người không biết giữ lời thật là tai hại. Bạn sẽ trở thành một người mà không ai còn dám tin. Nếu bị thúc giục quá để hứa hẹn một điều gì, bạn có thể trả lời khéo “Để tôi xem lại tôi có thể làm được những gì”. Việc thực hiện một điều hứa, có thể bị lệ thuộc bởi một người thứ ba hoặc giả bị cản trở bởi một sự kiện bên ngoài. Một điều hứa là một món nợ. Đã hẹn, chúng ta phải thi hành.
273. Nên áp dụng tinh thần thể thao trong doanh nghiệp. Tinh thần ấy có thể gia tăng mức sản xuất cho người thợ trong xưởng và tăng mức bán hàng nơi cửa hiệu. Phải có tinh thần thể thao. Nghĩa là phải lăn vào trận đấu vì ham thích chiến đấu, tranh đấu mà không ranh mãnh, không ác độc. Thể thao tập cho chúng ta tính thẳng thắn và dạy chúng ta biết nhận lấy thất bại với nụ cười trên môi. Mỗi khi có dịp, nên tiêm nhiễm tinh thần thể thao ấy cho những người hùn hạp và những cộng sự của bạn.
274. Chỉ nên phán đoán một người giúp việc, một dụng cụ hoặc một phương pháp qua những kết quả của họ. Đó là bước đầu tập chúng ta trở thành một người hiệu quả. Hiệu quả là gì? Hiệu quả là áp dụng phương pháp khoa học để thu đạt một kết quả thật cao… Vì thế, lối trả lương khoán tính theo kết quả mà người nhân viên làm ra là lối trả lương hay nhất. Cũng vì lẽ đó, bạn nên tăng thêm tiền thưởng cho những việc làm phụ trội. Trong doanh nghiệp, tất cả mọi lao động đều phải được rèn tập để tập trung vào mục tiêu đạt kết quả với hiệu suất cao nhất. Thu đạt nhiều thành quả mà tiêu tốn ít về tiền bạc, về công sức, đó là ý nghĩa của khoa học hiệu quả.
275. Nên suy nghiệm nhiều về thuật quyết định. Muốn làm được việc lớn, bạn cần biết quyết định một cách khôn ngoan. Nhiều khi bạn phải đứng trước một ngã tư đường. Thiếu sáng suốt bạn có thể rẽ không phải lối. Nếu thả rỗi trên con đường chính, rộng thênh thang bạn sẽ nhận thấy con đường ấy không dẫn dắt đến đâu cả. Mọi đường mòn đều hướng về con đường chính. Tuy nhiên, có những con đường cong queo, có những ngõ tắt. Trước khi quyết định, nên nhớ đến hướng bạn định đi. Nên nhận định rõ mục tiêu bạn nhắm. Nếu tuân theo quy tắc này, thì ít khi bạn quyết định sai.
276. Sự nghiệp sau này sẽ tùy thuộc những quyết định khôn ngoan của bạn. Vì thế, bạn nên rèn tập để biết quyết định vừa nhanh chóng vừa khôn ngoan. Hãy biết nhận lĩnh trách nhiệm và trả lời dứt khoát “Được” hoặc “Không”. Có cả một nghệ thuật về cách quyết định và bạn có thể thu thập nghệ thuật ấy. Những công cuộc kinh doanh lớn đều được xây đắp trên những quyết định chính xác. Bạn cần tập để có thể trong tức khắc có ý kiến ngay về một vấn đề nào đó.
277. Suốt đời, bạn nên đi tìm những trách nhiệm nghĩa vụ để gánh vác. Đó là thái độ cần phải có nếu bạn quyết trở thành một người có tính khí, có thế lực. Cách hay hơn hết để phát triển tri thức là đi tìm lời giải cho những bài toán khó. Cách hay hơn hết để trở nên khỏe mạnh là tận dụng tất cả sức lực. Để tỏ ra xứng đáng với vai trò lãnh đạo, bạn cần phải vật lộn với những khó khăn. Chớ nên nhận lĩnh một công việc mà người kém hơn có thể làm. Người ta sẽ đánh giá bạn theo những gì bạn dám cáng đáng và những gì đã thực hiện.
278. Cũng như thân thể, công việc kinh doanh của bạn rất có thể ươn yếu. Mục tiêu của Ban giám đốc là làm thế nào giữ cho công việc kinh doanh được “khỏe”. Có người đã tính ra tất cả một ngàn ba trăm chứng bệnh về thể chất và tinh thần. Không ai rõ trong doanh nghiệp có bao nhiêu chứng bệnh nhưng có lẽ cũng khá nhiều. Chúng ta có thể kể chứng mất máu tức kinh doanh mà không sinh lợi; chứng bệnh tinh thần, tức đầu óc vô tổ chức; chứng buồn bã do sự thờ ơ lãnh đạm, chứng đau tim tức nợ nần tứ giăng; chứng ăn không tiêu do những nhân viên thiếu huấn luyện, bất tín gây ra và sau hết là bệnh già nua xâm nhập vào những công việc kinh doanh, mà người chủ chốt không bao giờ chịu học hỏi. Giữ cho một công việc kinh doanh được khang kiện không phải dễ.
279. Bạn có thể đạt được tinh thần hiệu quả nếu bạn có bốn đức tính: sự điều hòa, óc thu nhận, khả năng tổ chức và tinh thần cương nghị. Là một người điều hòa tốt hơn là một người xuất sắc trong một phương diện nào đó. Sự điều hòa giúp bạn biết tự chủ và quyết định một cách khôn ngoan. Óc thu nhận có nghĩa là khả năng biết nhận xét, thích học hỏi. Người có óc thu nhận luôn luôn tìm tòi những ý kiến, những sự việc, những phương pháp mới. Bạn có đủ tư cách để làm một nhà tổ chức nếu biết thực hành thuật dụng người và biết thúc đẩy họ đem hết tâm lực để phục vụ bạn. Tinh thần cương nghị gồm có sức chịu đựng, lòng dũng cảm và chí nhẫn nại. Tinh thần ấy giúp bạn trở nên bất khuất.
280. Trả lời ba câu hỏi sau đây, bạn có thể nhận định mức độ tinh thần hiệu quả và thực tế của chính mình:
– Tôi có nhiều tiền hay ít tiền?
– Tôi đã làm gì để có món tiền ấy?
– Tôi kiếm được món tiền ấy một cách vui vẻ chăng?
Trả lời có với các câu hỏi này cũng chưa đủ chứng tỏ bạn là người hiệu quả. Vì làm việc hiệu quả không chỉ có nghĩa là “kiếm nhiều tiền”. Kiếm được tiền nhưng đừng để mất cảm tình, cũng đừng phải hy sinh hạnh phúc hoặc cá tính của bản thân.
281. Khi còn sống, bạn vẫn cần phải nghiên cứu về bản chất con người. Đó là điều quan trọng nhất trên đời này. Dù bạn có sống được hai trăm năm, cũng chưa đủ để học hỏi những gì bạn cần biết. Xét theo khía cạnh xấu, bản chất con người chẳng khác loài hổ báo ở rừng già, nhưng nhìn dưới khía cạnh tốt, con người là sản phẩm cao quý nhất của tạo hóa. Chúng ta đã giải quyết được bao bài toán, song bài toán mắc mớ nhất là bí mật về bản chất con người. Hy vọng một ngày kia, chúng ta có thể lập ra một bản đồ về trí óc và tâm hồn con người sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cõi âm u nhất trong cá tính con người.
282. Cách hay nhất để bạn giúp ích cho xứ sở là nuôi mơ ước trở thành một doanh nhân, xây dựng một doanh nghiệp ngày càng phát triển. Chính những doanh nhân đã tạo ra và bảo vệ các nền văn minh. Họ nâng cao mình lên, đồng thời họ nâng cao quần chúng. Họ làm việc để diệt trừ đói nghèo và đặt nền móng cho văn hóa. Những doanh nhân sẽ trở nên giàu có, song như thế họ cũng chưa được thù lao xứng đáng đối với những gì họ đã làm. Họ là trụ cột của sự phú cường.
283. Hãy đạt mục đích để trở thành một trong “số ít người hiệu quả”. Khi có thể, bạn hãy cố vượt khỏi đám người bình thường. Hãy cố gắng để tiến lên cấp chỉ huy. Sau đó, bạn hãy thu thập thật nhiều kiến thức chuyên môn để trở nên một “tay tổ” trong nghề nghiệp của mình. Vẫn tiếp tục học hỏi cho đến khi bạn có thể chỉ dạy lại kẻ khác. Chớ ngả lưng nằm nghỉ giữa đường. Hãy leo lên tận đỉnh chóp. Không nên cam chịu là một “á quân”. Hãy tiếp tục trau dồi cho đến khi bạn trở thành một trong “số ít người hiệu quả” tức là những người chủ xướng Tiến bộ và Văn minh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.