Làm nên 400 điều trường học vẫn không dạy bạn
CON ĐƯỜNG ĐỂ CHÚNG TA LÀM NÊN…
Tháng 9 năm 1989, tôi bước chân vào giảng đường đại học. Cả một bầu trời tri thức, cả một thế giới với những điều mới lạ, cũng như đầy khó khăn mở ra trước mắt tôi. Tôi không còn là cậu học sinh phổ thông luôn phải làm theo những gì thầy cô giảng, mà tôi biết thành công của mình được quyết định bởi cách tôi học và những gì tôi học. Sau này, tôi hiểu rằng học đại học và xa hơn, cách học trong cuộc đời, có nghĩa là bạn phải biết tự học, nên học gì và quan trọng nhất phải biết bỏ qua những gì không cần học. 15 – 17 tuổi chính là khoảng thời gian bắt đầu định hình tính cách, thói quen cũng như cá tính ở mỗi người.
Thế nhưng, những năm tháng sinh viên đầu đời, hầu như không có sách nào nói cho tôi biết những điều đó. Có đến 99% những gì chúng tôi tiếp nhận được chỉ là những lời khuyên một chiều, kiểu như hãy học hành chăm chỉ, hãy làm tất cả các bài tập, hãy đọc sách mà không ai dạy cho chúng tôi biết rằng “thời giờ quý nhất trong đời là những giờ nhàn rỗi. Tương lai của bạn tùy thuộc vào cách bạn sử dụng thời gian nhàn rỗi ấy hơn là những gì bạn làm trong giờ làm việc” (Lời khuyên số 7). Tôi và những người bạn cứ phải mò mẫm, cứ phải tự tìm cho mình những điều như vậy. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy chúng tôi đã thiệt thòi rất nhiều, đã lãng phí nhiều thời gian và công sức mà những thứ thu nhặt được lại chẳng giúp mình được mấy sau này.
Tôi thành thực thú nhận rằng trong những tháng ngày ngồi trên giảng đường, tôi đã không quá chú tâm vào việc học, thậm chí có thể nói là rất sao nhãng. Tôi không học chăm chỉ như đám bạn. Mặc dù rất nhiều lần tôi cảm thấy hoang mang không biết liệu cách học và cách sống như vậy có đúng hay không, nhưng tôi thấy nhiều điều phải học ở trường, ở sách vở thông thường, chính thống thực sự ít có giá trị. Những thông tin kiến thức tôi thu lượm ở trường đại học không nhiều. Tôi không hình dung được những điều đó hữu ích như thế nào đối với tôi sau này.
Năm tháng sinh viên qua đi, tôi chập chững bước vào đời cùng với những biến chuyển vô cùng lớn lao của nền kinh tế xã hội. Kinh tế tư nhân xuất hiện, mọi người bắt đầu phải lo nghĩ đến chuyện kiếm tiền, cũng như mình sẽ làm gì trong cuộc sống. Đồng tiền trở nên quan trọng hơn nhiều. Cách sống và các giá trị cũ dần dần thay đổi, các giá trị mới, cách sống mới, kiến thức và kỹ năng mới xuất hiện. Năm 1995, tôi tình cờ mua được cuốn sách Để làm nên sự nghiệp. Tôi đã mê mải đọc nó chỉ trong một ngày. Để làm nên sự nghiệp đã trở thành sách gối đầu giường của tôi thời đó. Tôi đã đọc được ở đây những lời khuyên vô cùng giá trị và hữu ích mà không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Đọc xong nó, tôi tự tin hơn với những suy nghĩ có phần “lệch lạc” của mình so với lối suy nghĩ thông thường, so với những gì tôi thường được dạy. Tôi bắt đầu thay đổi cách dùng thời gian rảnh rỗi của mình. Tôi bớt đi cà phê, tụ tập với đám bạn mà tìm kiếm những việc hữu ích cho mình, đó là đọc sách và suy ngẫm, gặp gỡ những người giỏi hơn mình để trò chuyện, trao đổi…
Một trong những lời khuyên tôi tâm đắc nhất trong cuốn sách là Lời khuyên số 15: “Lỗi thông thường của bạn trẻ là thích làm những công việc dễ dàng.” Ngay từ những năm tháng ngồi trên ghế trường phổ thông, tôi đã luôn chọn cho mình những việc khó nhất. Học trên lớp cũng như khi làm bài tập, tôi luôn lựa những bài khó nhất. Các bài kiểm tra thường có năm câu từ dễ đến khó, đám bạn thích làm câu dễ trước khó sau còn tôi thì ngược lại. Đến khi đi làm, tôi muốn chọn công việc khó khăn nhất, ít người dám làm nhất. Càng ít người dám làm, tôi lại càng hăng hái đảm trách, càng nhiều khó khăn, càng nhiều thách thức, tôi càng thấy hấp dẫn và lôi cuốn… Tôi tập làm những việc khác với thông thường, thử nghiệm những cách làm việc mới, cách tư duy mới khác với cách mọi người hay làm. Bây giờ, tôi tin rằng chính những thử thách đầu đời đó đã giúp tôi trở nên bản lĩnh hơn, dám làm những việc mà đám bạn cùng trang lứa né tránh, dám đi và dám làm những việc ngoài khuôn khổ… Những người xung quanh không hiểu vì sao tôi lại chọn những việc khó, trong khi hầu hết mọi người chọn việc dễ dàng. Một cô em họ khi đó cứ thắc mắc và chê bai tôi: “Tại sao anh cứ chọn việc khó nhỉ, em chỉ thích công việc nhàn hạ. Anh làm việc khó hơn nhưng có được nhiều tiền hơn đâu.”
Bây giờ, nhìn lại 15 – 20 năm trước, tôi thấy mình đã đúng và tôi cũng thật may mắn khi đọc được cuốn sách này. Nhờ chọn làm những việc khó, tôi đã trưởng thành rất nhanh, thành công hơn hẳn những người chọn việc dễ dàng. Việc xử lý những vấn đề phức tạp ngay từ khi còn trẻ đã mang lại cho tôi nhiều kỹ năng hữu ích: giúp tôi học cách chịu áp lực lớn, giúp tôi trưởng thành, mạnh mẽ và tự tin để dám làm những công việc khó hơn sau này.
Kể từ năm 1995 đến những năm 2000 – 2001, tôi vẫn thường lật lại những trang sách này để nhớ lại những lời khuyên của H. Casson, để chiêm nghiệm những việc mình đã làm, để có động lực hơn, kiên trì hơn cho công việc sắp tới. Tôi cũng thường ghi chép, đánh dấu những lời khuyên mà tôi thấy hữu ích nhất và cuốn sách đầy những chỗ bôi đỏ, bôi xanh, những chữ nguệch ngoạc bên lề ghi lại suy nghĩ bất chợt hiện ra của tôi.
Sau này, trong các buổi nói chuyện với sinh viên, khi các bạn trẻ hỏi tôi nên đọc cuốn sách nào, tôi đều khuyên tìm đọc Để làm nên sự nghiệp của H. Casson. Tuy nhiên, do cuốn sách xuất bản quá lâu và không được tái bản nên ngày nay các bạn trẻ khó có cơ hội tiếp cận. Hơn nữa, bản dịch của Phạm Cao Tùng cũng chưa được chau chuốt, nhiều lỗi,… vì thế chúng tôi đã tiến hành hiệu đính, biên tập cho phù hợp với văn phong hiện đại.
Cuốn sách Để làm nên sự nghiệp cần thiết cho tất cả các bạn trẻ – những người bắt đầu bước chân vào cuộc sống, những người đang hoang mang tìm cho mình một lối đi. Tất cả mọi người sẽ tìm thấy những lời khuyên hữu ích cho mình ở đây.
Hãy học theo, hãy rèn luyện, hãy kiên trì, chắc chắn bạn sẽ thành công.
Đây là cuốn đầu tiên dạy tôi làm thế nào để thành công trong cuộc sống, tôi đã làm theo và tôi đã làm được một số việc mà tôi muốn làm. Vì thế, tôi tin rằng các bạn trẻ cũng sẽ làm nên được điều gì đó cho mình khi đọc cuốn sách này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bạn cuốn sách đã theo tôi suốt những năm tháng thanh niên này!
Tháng 1/2012
NGUYỄN CẢNH BÌNH
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.