Mắt Biếc

Chương 61



Trà Long lên lớp sáu, ra trường huyện. Ngày rời làng, nó khóc như mưa bấc, nước mắt nó muốn trôi cả chợ D-o D-o . Nếu không có tôi đưa nó ra phố huyện, đi nửa đường dám nó thổn thức quay về ngồi trước thềm nhà khóc tiếp.

Ngày vào lớp một, Trà Long gan lì, đi từ nhà đến trường không rơi một giọt nước mắt, sao hôm nay rời làng, lòng nó lắm mưa bay . Hay nó giống như tôi, nó giống như ông ngoại nó, khúc ruột liền với tình yêu quê xứ, mỗi bước ra đi là mỗi bước bận lòng.

Ra đến huyện, đôi mắt Trà Long còn đỏ hoe . Tôi đưa nó đến nhà ông chú chạy xe đò, nơi trước đây Hà Lan từng ở. Sắp xếp nơi ăn chốn ở cho nó xong xuôi, tôi quay xe về làng.
Nhưng Trà Long không cho tôi về. Nó níu tay tôi, khẩn khoản:

– Chú ở chơi với cháu thêm một ngày nữa đi!

Tôi nhìn nó, thấy tội tội . Lần đầu tiên ra phố huyện, lạ cảnh lạ người, chắc nó buồn lắm. Tôi gật đầu:

– Ừ, chú ở lại, mai về. Bây giờ chú chở cháu đi chơi một vòng nghen!

Trà Long mừng lắm. Nó nhảy tót lên yên sau, ôm chặt lấy hông tôi, mặt mày hớn hở:

– Chú chở cháu đi mấy vòng cũng được!

Tôi chở Trà Long ngang qua trường huyện. Trường vẫn như xưa . Những dãy lớp đóng cửa im ỉm chờ ngày nhập học. Sân cỏ mênh mông, uá vàng vì nắng hè và hàng dương liễu vẫn thướt tha dọc hàng rào cát trắng.

– Trường cháu đây nè ! – Tôi nói .

– Ôi, trường đẹp quá hả chú ? – Trà Long kêu lên – Hồi nhỏ chú và mẹ cháu cũng học ở đây phải không?

– Ừ ! – Tôi gật đầu và chỉ tay về phía hàng rào – Hồi đó mẹ cháu hay ngồi chơi ở dưới gốc cây dương liễu này .

Nói xong, tôi giật mình. Tôi sợ Trà Long lại bảo: “Chú sao cứ nhắc đến mẹ cháu hoài!”. Nhưng Trà Long vẫn ngồi im sau lưng tôi . Chắc nó đang tò mò ngắm nghía ngôi trường mới của mình.
Tôi ghé thăm bà Năm Tự. Thấy tôi, bà nhận ra ngay:

– Ồ, Ngạn đấy hả ? Lâu ghê mới gặp cháu! – Giọng bà mừng rỡ, rồi không kịp để tôi nói gì, bà vồn vã hỏi tiếp – Sao, cháu đã vợ con gì chưa ?

Tôi mỉm cười, lắc đầu:

– Dạ chưa .

Bà Năm Tự quay sang Trà Long:

– Vậy chứ đứa bé nào đây ?

– Dạ, đây là con gái Hà Lan.

– Phải Hà Lan là con bé hồi trước vẫn thường tới đây học chung với cháu ? – Bà Năm Tự nắm tay Trà Long lại gần, xuýt xoa – Chà, con gái lớn quá hén!

Tôi nhìn quanh nhà, ngập ngừng hỏi:

– Anh Nhân đâu rồi, bà ?

– Nó đi câu ngoài sông Ngang. Nó buồn đời, suốt ngày ngồi bên bờ sông.

Anh Nhân là con trai bà Năm Tự. Anh đi lính tận Ban Mê Thuột, đánh nhau què giò, bị cưa một chân, thành thương phế binh giải ngũ về nhà. Ngày anh về, bà Năm Tự đốt nhang cảm ơn trờ phật: “May mà nó không chết bờ chết bụi, cụt một chân đã là phúc, còn dẫn xác về nhà với mẹ”. Nhưng từ ngày đó, anh Nhân đổi tính. Anh lầm lì, chẳng nói chuyện với ai, ngày nào cũng xách cần câu ra đi từ sáng sớm, tối mịt mới về. Bà Năm Tự buồn lại hoàn buồn. Khoái đi câu, ở làng tôi có thầy Cải khác anh Nhân. Thầy Cải đi câu vì niềm vui, anh Nhân đi câu vì nỗi buồn.

Sau một hồi trò chuyện, bà Năm Tự kêu tôi vàTrà long ở lại ăn cơm. Tôi một mực từ chối . Tôi không sợ món canh rau dền, tôi chỉ sợ ngồi chơi lâu, bà Năm Tự buộc miệng hỏi thăm về ba của Trà Long thì khốn.

Tôi chào bà Năm Tự, chở Trà Long về nhà. Tối đó, tôi ngủ lại nhà ông chú nó. Tờ mờ sáng hôm sau, tôi đạp xe lặng lẽ về làng. Khi tôi đi, Trà Long còn ngủ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.