Mỗi đứa trẻ một cách học
CHƯƠNG VII. CHÚNG TA TẬP TRUNG THEO CÁCH NÀO?
Bạn đã có những hiểu biết cơ bản về cách đầu óc chúng ta làm việc, nhờ các mô tả của Gregorc. Bây giờ, tôi sẽ bổ sung một phần nữa vào bức tranh tổng quát. Mỗi người trong chúng ta đều cần một môi trường làm việc riêng, với những đòi hỏi và ưu tiên khác biệt. Các yếu tố như ánh sáng và nhiệt độ trong phòng, ghế ngồi có thoải mái không, chúng ta có đói hay không… đều có thể ảnh hưởng đến hiệu quả và khả năng tập trung của chúng ta.
Xác định được môi trường làm việc ưa thích sẽ giúp chúng ta hiểu rõ thêm phong cách học của mình.
Cách đây vài năm, tôi có dự một buổi tọa đàm của một nhà tư vấn giáo dục. ông vừa xuất bản một cuốn sách dành cho phụ huynh, hướng dẫn họ cách bắt buộc những đứa con bướng bỉnh phải làm bài tập. Nhà sản xuất cho mời một số bà mẹ và con họ đến trường quay. Người dẫn chương trình để tác giả và các bà mẹ trao đổi thẳng thắn với nhau.
Cho dù câu chuyện của các bà mẹ không giống nhau, “chuyên gia bài tập” vẫn khăng khăng nhắc đi nhắc lại một giải pháp duy nhất cho mọi trường hợp: “Hãy biến việc làm bài tập thành một cuộc theo đuổi không nao núng. Đặt ra những việc cần làm, và không bỏ cuộc cho tới khi việc đó trở thành thói quen của trẻ.”
Một bà mẹ có con 12 tuổi phản bác: “Nhưng cái gì cũng làm con tôi mất tập trung!” Chuyên gia bài tập lắc đầu và lên giọng khiển trách: “Vậy thì chị vẫn chưa biến được việc này thành một trong những thói quen quan trọng hàng ngày của gia đình.” Bà mẹ bực mình kia phác một cử chỉ tức giận rồi đưa con rời khỏi sân khấu.
Một bà mẹ khác lên tiếng: “Tôi đã thử đủ mọi cách để bắt con gái tôi làm bài tập, chỉ thiếu nước dọa giết nó nữa thôi. Nhưng chỉ nước đổ đầu vịt.” Vị chuyên gia cười và lại nói: “Chị chỉ cần làm cho việc đó trở nên quan trọng hơn.”
Tôi chứng kiến lần lượt từng bà mẹ thất vọng rời khỏi đó, một số người còn hoang mang hơn, khi nghĩ rằng không chỉ có lỗi của con họ không chịu làm bài tập, mà còn có lỗi của chính họ vì đã không đủ cứng rắn và tận tâm để tìm ra giải pháp.
Chỉ riêng chuyện phải nghĩ cách bắt bọn trẻ làm bài tập đã đủ nói lên trẻ khó tập trung vào việc học đến mức nào. Cho dù rất nhiều nguyên nhân đã được mổ xẻ, nhằm biện minh cho sự thiếu tập trung này, tôi tin rằng nguyên nhân xác đáng và có lý nhất đã bị bỏ qua.
Trong mắt của một phụ huynh, bắt con phải học và có những phương pháp làm bài tập rập khuôn cách của bản thân là chuyện bình thường. Chẳng gì chúng ta cũng là những nhân chứng sống, chúng ta biết mười mươi cách nào hiệu quả, cách nào không. Phải không nào các bậc phụ huynh?
Nhưng hãy nghĩ lại. Có bao nhiêu người trong số các bạn đã cưới một người giống y hệt mình? Đếm trên đầu ngón tay. (Có một sự thật thú vị là hầu hết chúng ta đều bị cuốn hút bởi những người hoàn toàn khác mình vì họ có “cách nhìn cuộc đời rất mới mẻ”, nhưng sau đó lại thấy phiền toái vì sự xung đột giữa lối sống và các chuẩn mực hàng ngày này.) Nếu cách tiếp cận cuộc sống của bạn và bạn đời còn cực kì khác nhau như thế, thì hãy tưởng tượng xem đến con bạn, sự kết hợp đó sẽ cho ra một cá tính được biểu hiện phức tạp đến như thế nào!
Nhưng từ từ hãy nản! Chúng ta không bó tay. Chúng ta có thể quan sát môi trường học ưa thích của con để từ đó giúp trẻ tập trung và học tốt hơn. Hãy xem qua một số môi trường học dưới đây và xem đâu là môi trường phù hợp nhất cho người muốn tập trung và tiếp thu hiệu quả.
Kenneth và Rita Dunn là những nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực này. Họ đã bỏ hàng năm trời nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường lên các cá nhân và tìm hiểu xem cách học có liên quan thế nào đến khả năng tập trung và ghi nhớ thông tin. Dựa trên nghiên cứu của họ, tôi sẽ nhấn mạnh một số yếu tố quan trọng mà các bậc phụ huynh cần chú ý để tìm ra cách hiệu quả nhất giúp con mình tập trung.
CON BẠN NêN HỌC Ở ĐâU?
Quan điểm cho rằng nếu muốn con học tốt thì trước hết phải chọn cho con một chỗ học phù hợp vẫn là quan điểm bất di bất dịch qua nhiều thế hệ phụ huynh. Theo họ, tốt nhất là nên ngồi học vào một giờ cố định mỗi tối trong một căn phòng sạch sẽ, yên tĩnh, đủ ánh sáng, bàn ghế tươm tất, không có điều gì gây mất tập trung. Đối với nhiều đứa trẻ, cũng như nhiều người lớn, đây là điều kiện lý tưởng để tập trung. Nhưng đối với một số người, điều kiện này chẳng khác gì tù giam lỏng.
Từ nhỏ tới lớn, tôi chỉ thích ngồi học và làm việc dưới sàn nhà. Kể cả khi đang mặc nguyên cả bộ đồ công sở, tôi vẫn đóng cửa văn phòng lại và bày đủ mọi giấy tờ tài liệu ra nền nhà trước khi bắt đầu làm việc. Ở nhà, chồng tôi thường xuyên bắt gặp cảnh tôi ngồi bệt giữa đống sách vở, giấy tờ và đăm chiêu suy nghĩ. Anh rất lo lắng.
“ánh sáng ở đây kém quá!” Anh kêu lên. “Và nếu cứ cúi gằm xuống sàn như thế, em sẽ bị đau lưng đấy. Đây! Vào đây! Mình có cái bàn cuốn tuyệt vời và ngăn nắp thế này cơ mà!” Anh nhặt đống giấy tờ lên và đặt chúng gọn gàng trên bàn, kéo tôi lên ghế, bật đèn làm việc, và đập tay lên vai tôi.
“Thấy chưa, thế có phải tốt hơn không?” Anh hỏi.
Tôi gật đầu, chờ cho tới khi anh bước ra ngoài, rồi lại gom hết giấy tờ và rải xuống nền nhà. Tôi có thể ngồi tại bàn như anh ấy muốn. Nhưng tôi sẽ chỉ ngồi như phỗng bên chiếc bàn cuốn. Tôi có thể ngồi như thế cả tiếng đồng hồ, nhưng khi anh quay lại, tôi sẽ chẳng hoàn thành được gì hết. “Sao vậy?” Anh sẽ hỏi. “Em đã có một điều kiện lý tưởng: một tiếng đồng hồ không bị làm phiền và một nơi sạch sẽ, đầy đủ ánh sáng để làm việc. Tại sao em lại không làm được gì?” Anh không tài nào hiểu được một người đầu óc bình thường lại có thể làm việc tốt hơn khi ngồi bệt, hay trong mười phút, cùng tiếng nhạc và đủ thứ tiếng ồn, lại làm việc hiệu quả hơn hẳn so với một tiếng đồng hồ yên tĩnh.
Với một số người khác, ngồi trên ghế bành hay cuộn tròn trên sàn lại là cách duy nhất để cảm thấy đủ thoải mái để tập trung. Tóm lại, mỗi người có một sở thích riêng, vậy nên nhớ rằng cách của riêng chúng ta thường là không có tác dụng với những người khác trong gia đình. Thay vì khăng khăng bắt con bạn phải học ở một nơi quy định nào đó, hãy chú ý quan sát vị trí con bạn hay ngồi nhất khi đọc sách hoặc làm những việc khác, và để chúng học ở chỗ đó.
Phải yên tĩnh như thế nào?
Một số phụ huynh không tưởng tượng nổi một người lại cần tiếng ồn để không bị mất tập trung. Tôi là một người rất dễ mất tập trung bởi sự vắng vẻ và yên tĩnh. Chồng tôi, ngược lại, để tập trung làm việc, lại hoàn toàn phụ thuộc vào hai yếu tố đó. Chúng tôi vẫn chưa tìm ra được môi trường học thích hợp cho hai đứa con. Bởi vì bọn trẻ không có gì giống nhau ngoại trừ ngoại hình, và chắc chắn mỗi đứa sẽ có một môi trường học ưa thích khác nhau.
Thường thì các bậc phụ huynh sẽ lấy làm ngạc nhiên vì con mình giải bài tập nhoay nhoáy khi ngồi giữa phòng khách với tivi đang bật và người đi qua đi lại ồn ào. Rất nhiều học sinh nói với tôi rằng các em làm việc hiệu quả nhất khi được nằm thoải mái trên giường. Số khác thì phải ngồi trên ghế cứng mới tập trung được.
Thế còn ánh sáng?
Hầu hết chúng ta đã từng nghe mẹ nói: “Bật đèn lên, không hỏng mắt bây giờ!” Thật ra, mỗi người có cảm giác thoải mái hay khó chịu với các mức độ ánh sáng khác nhau. Thường thì gia đình nào cũng thế, sẽ luôn có một người đi tắt bóng đèn ngay khi người khác vừa bật lên. Các trường công luôn luôn dùng bóng đèn tuýp có ánh sáng mạnh, làm một số học sinh mất tập trung vì chúng cần ánh sáng dịu hơn. Hãy thử nghiệm các độ sáng khác nhau để tìm ra mức độ phù hợp nhất với con bạn và nhờ đó tạo môi trường học tập phù hợp nhất cho con. Bí quyết chỉ là chọn ánh sáng sao cho con bạn không cần căng mắt ra để nhìn. Hãy nhớ là, rất có thể sở thích của bạn và con bạn hoàn toàn khác nhau!
Có nên tăng nhiệt độ không?
Ở đâu cũng vậy, bước vào phòng học, bạn có thể chứng kiến cảnh những học sinh này đang ngồi thoải mái, phong phanh trong một chiếc áo phông ngắn tay, còn những học sinh khác lại co ro trong tầng tầng lớp lớp áo trong áo ngoài.
Không có một nhiệt độ phòng lý tưởng chung cho tất cả mọi người, vì thể trạng mỗi người một khác. Nếu nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quá lạnh, rất nhiều học sinh sẽ không thể tập trung được. Trong khi một số thích nghi dễ dàng với các mức nhiệt khác nhau, số khác lại cần căn phòng có một nhiệt độ phù hợp ổn định trước khi có thể chú ý đến thứ khác.
Một trong những giai thoại tôi thích nhất liên quan đến tiết học của bà Rita Dunn, nhà nghiên cứu mà tôi đã nhắc đến. Một lần, trong tiết tiếng Anh, bà kiểm tra từ vựng cơ bản. “áo len là gì nào?” Bà hỏi. Một cậu bé lập tức giơ tay và trả lời thật thà: “Đó là thứ mẹ bạn bắt bạn mặc khi bà thấy lạnh.”
Có nên cho phép học sinh ăn trong lúc học không?
Cấm ăn uống trong lớp là một quy tắc nằm lòng ở mọi lớp học truyền thống. Đối với một số đứa trẻ, đây chẳng phải là một vấn đề gì nghiêm trọng, vì ăn uống sẽ làm chúng mất tập trung. Nhưng cũng có những đứa nếu không được ăn uống, sẽ chẳng có bụng dạ nào chú ý vào việc khác. Nếu luôn cần một cốc cà phê hay một lon xô-đa bên cạnh khi làm việc, bạn có thể hiểu tại sao một số học sinh lại mất tập trung khi phải nghe giảng với cái bụng rỗng hay lúc khát khô họng.
Nếu bạn nhìn thấy một học sinh cắn bút hay gặm thước kẻ, thì có thể cậu bé hay cô bé đó đang cố gắng quên đi cơn đói cồn cào cứ lăm le kéo chúng ra khỏi bài học. Cho dù quy định cho phép ăn uống trong phòng học là không thiết thực, thì một mẩu kẹo ngậm hoặc kẹo cao su cũng đủ để giúp một học sinh đang đói tập trung vào bài giảng hơn là mải nghĩ về giờ ăn trưa.
LẮNG NGHE ĐỒNG HỒ SINH HỌC
Vốn luôn luôn tỉnh táo vào buổi sáng, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một số người lấy làm cáu kỉnh với những người nhanh nhẹn và vui vẻ trước 10 giờ sáng. Ngược lại, với tôi đến bản tin 11 giờ tối là hết ngày, trong khi đấy mới là lúc những người ưa hoạt động ban đêm bắt đầu tràn đầy năng lượng. Dù chúng ta có thể bắt bản thân làm việc vào bất cứ giờ nào trong ngày, hầu hết chúng ta đều có một giờ nhất định để làm việc hiệu quả nhất.
Khi bạn có một đứa con nhanh nhẹn nhất vào buổi sáng và một đứa như một con cú đêm, thì đừng mất công trông chờ chúng làm bài tập hiệu quả nhất vào cùng một thời điểm. Đó cũng là lý do tại sao khi một học sinh phải học một môn khó và nhàm chán, thành tích sẽ khả quan hơn nếu tiết học đó diễn ra vào giờ cậu ta tỉnh táo nhất. Chí ít cậu ta cũng có thể hoàn thành được đống bài tập. Và nếu cậu ta có được điều kiện đó thường xuyên, khả năng tập trung của cậu cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
Gần đây, tôi có dịp thảo luận về kĩ năng học tập với các em học sinh trung học. Tôi đặt ra tình huống sau:
Giả sử bạn đang bối rối không biết mình có được điểm cao trong kì thi học kì môn Lịch sử hay không, kì thi có tính chất quyết định điểm tổng kết học kì. Phụ huynh của bạn cũng lo lắng đến mức sẵn sàng treo giải một chiếc xe hơi nếu bạn đạt được kết quả tốt. Hãy lấy ra một tờ giấy lớn và vẽ nơi lý tưởng nhất mà bạn muốn học cho kì thi quan trọng này. Vẽ càng chi tiết càng tốt: địa điểm, ánh sáng, đồ ăn v.v., tất cả những điều cần thiết cho một chỗ học lý tưởng.
Khi vẽ xong, các học sinh ghi tên và nộp lại. Một số được đứng lên giải thích điều kiện học tập lý tưởng của mình. Các học sinh không cùng quan điểm liên tục kêu lên: “Cậu học trong phòng ngủ à? Không đời nào! Tớ mà làm thế có mà ngủ lăn quay ngay!” hay “Không có ánh sáng tự nhiên thì tớ không thể tập trung được,” hoặc “Làm sao mà học được ở ngoài trời cơ chứ!” Khi cuộc tranh luận kết thúc, tôi hỏi cả lớp một câu quan trọng: “Thế thì đâu là chỗ học lý tưởng nhất?” Câu trả lời rất đơn giản và thống nhất: “Đó là nơi thích hợp với bạn.”
CHẤP NHẬN THỬ NGHIỆM ĐỂ CON BẠN TâM PHỤC KHẨU PHỤC LàM BàI TẬP
Rất nhiều phụ huynh phàn nàn rằng con họ đòi học ở những chỗ và vào những lúc rất quái đản. Những người này luôn thắc mắc làm sao một người lại có thể làm việc rất khuya trên một chiếc ghế bành, với một hộp bắp rang bơ và radio mở to. Nếu bảo con bạn làm bài tập là một nhiệm vụ gần như bất khả thi, thì đây là một giải pháp cho bạn, dù rằng thời gian đầu bạn có thấy hơi khó chịu. Nhưng hãy kiên nhẫn nào!
Hãy thỏa thuận với cô/cậu học trò bướng bỉnh của mình. Trong hai tuần, hãy để cho chúng học bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu, với bất cứ thứ gì chúng nói là cần (tất nhiên không phải những thứ phi pháp hay cấm kị). Hết hai tuần đó, nếu con bạn làm đầy đủ bài tập và điểm của chúng có tiến bộ, bạn sẽ chấp nhận là con mình biết phương pháp học tốt nhất. Còn nếu không, chúng sẽ phải chấp nhận phương pháp học mà bạn đưa ra.
Để phương pháp này thực sự hiệu quả, hãy liên lạc với giáo viên của con trước khoảng hai tuần. Trình bày kế hoạch và nhờ giáo viên giúp đánh giá tiến bộ của con trong thời gian thử nghiệm.
Tôi nhận thấy rằng, cho dù hai hoặc ba ngày đầu, các học sinh có xu hướng thích thử
đủ trò tai quái, các em vẫn nhận ra rằng phải chứng minh được là cách của mình là có hiệu quả. Cuối cùng, rất nhiều học sinh sẽ tiến gần tới phương pháp mà phụ huynh chúng định áp dụng từ trước. Thật thú vị là chính phụ huynh qua đó cũng thấy rằng họ có thể dàn xếp hiệu quả mọi việc theo cách mà họ chưa bao giờ nghĩ đến.
Một bà mẹ đã hoàn toàn nản lòng phàn nàn rằng con gái bà lấy phong cách học làm cớ để được xem chương trình tivi yêu thích. “Con tôi khăng khăng rằng nó chỉ có thể giải quyết được bài tập khó nhất nếu được xem chương trình ấy.” Tôi gợi ý cho bà cách lật tẩy cô con gái. Nếu đó là một chương trình phù hợp, hãy cứ để cô bé vừa làm bài tập vừa xem tivi. Nhưng hết chương trình, hãy kiểm tra vở. Cô bé phải chứng minh được là phương pháp của mình đúng. Trách nhiệm luôn là trên hết!
Ghi nhớ: Bạn cần nhớ rằng không phải điều kiện môi trường lý tưởng nào cũng quan trọng như nhau đối với tất cả mọi người. Với người này, có thể yếu tố này mới là quyết định; còn những yếu tố khác thì vô thưởng vô phạt, có cũng được, không có cũng không sao. Ví dụ, tôi tập trung tốt hơn nếu có thứ gì đó nhấm nháp khi làm việc, nhưng nếu không có thì tôi vẫn làm việc tốt. Trái lại, tôi chẳng thể làm việc gì ra hồn nếu bị lạnh. Hãy cố gắng xác định yếu tố nào là cốt yếu giúp con bạn tập trung cao độ. Sau đó, tập hợp càng nhiều yếu tố môi trường phù hợp càng tốt, và thường xuyên để con làm việc trong môi trường đó.
Nhưng bạn cũng cần nhớ rằng, không nên để con lấy phong cách học ra làm cớ để thoái thác những gì không thích làm. Chỉ cần xác định rõ ràng những gì bạn muốn con đạt được, bạn sẽ có cách giúp con mình thực hiện mục tiêu đó theo cách phù hợp nhất với phong cách học của chúng. Như thế, cơ hội thành công của chúng sẽ lớn hơn. Trong trường hợp không thể hợp tác với phong cách học của con, bạn có thể giúp con hiểu và xử lý những yêu cầu được đưa ra bằng cách chuyện trò và tìm hiểu tại sao bọn trẻ lại thấy những yêu cầu đó là bất khả thi. Bạn có thể chỉ cho con cách nhận biết và tận dụng thế mạnh tự nhiên để làm những việc vốn không dễ dàng với chúng.
THỰC HàNH
Những gợi ý dưới đây có thể giúp bạn xác định được một số yếu tố môi trường học phù hợp với con bạn. Đồng thời, cũng giúp bạn phát hiện được thế mạnh về phong cách học của chính mình. Một khi đã xác định được phong cách học, các bậc cha mẹ và con cái nên chia sẻ với nhau, như vậy cả hai sẽ hiểu và tôn trọng những điểm giống và khác nhau giữa hai bên.
• Đưa cho con bạn một tờ giấy lớn và bút màu. Yêu cầu trẻ vẽ ra một bức tranh về nơi học lý tưởng của mình, càng chi tiết càng tốt, rồi để chúng giải thích bức vẽ.
• Nếu chính con bạn cũng không hình dung được nơi học lý tưởng của mình, hãy quan sát tình huống thực tế. Ví dụ, cho con bạn làm bài tập trong một căn phòng thật sáng, sau đó chuyển sang một căn phòng ít ánh sáng hơn. Rồi hỏi xem tập trung trong căn phòng nào dễ dàng hơn. (Đừng ngạc nhiên nếu bạn nhận được câu trả lời: “Con chẳng thấy có gì khác nhau”. Hãy nhớ rằng, đôi khi đúng là không có gì khác biệt cả).
• Yêu cầu con bạn thiết kế, tưởng tượng hoặc miêu tả nơi học lý tưởng. Và cố gắng biến điều đó thành hiện thực.
Hãy tìm lại bức tranh bạn đã vẽ trong chương trước. Bây giờ thêm vào các yếu tố bạn muốn cho một môi trường học lý tưởng. Bạn cần nhiều ánh sáng không? Bạn có cần căn phòng ấm áp không?
KẾT LUẬN
Không có cái gì gọi là một môi trường học “chuẩn” áp dụng cho tất cả mọi người. Quan trọng là: Bạn có biết môi trường nào thích hợp với bạn không? Đối với con bạn thì sao? Mặc dù nhiều người trong số các bạn có thể phải thay đổi ý kiến về một “nơi học lý tưởng”, thì đổi lại bạn sẽ “ngộ” ra một điều: nếu được làm việc trong môi trường phù hợp với phong cách học của từng người thì bài tập sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. Thậm chí bạn còn phải ngỡ ngàng vì vài người trong chúng ta cần một nơi bừa bộn thì mới làm việc được.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.