Mỗi đứa trẻ một cách học

CHƯƠNG VIII. CHÚNG TA GHI NHỚ THENG TIN THEO CÁCH NÀO?



Bạn mất bao nhiêu thời gian để học được cách đánh vần từ này? Bạn nhớ bằng cách nào? Việc nghe cách phát âm của từ đó trước khi bạn học đánh vần có quan trọng không?

Chúng ta dùng cả năm giác quan để xử lý và ghi nhớ sự vật, sự việc. Đó được gọi là “nhận thức giác quan”. Nói cách khác, khi “nhận thức”, hay tiếp nhận thông tin, chúng ta sẽ dùng ít nhất một giác quan để hiểu và ghi nhớ.

Đây là một khía cạnh khác bổ sung vào bức tranh toàn cảnh về các đặc trưng cũng như thế mạnh của phong cách học tự nhiên. Nếu mô hình nghiên cứu của Gregorc giúp nhìn thấu cách trí óc chúng ta vận hành, và mô hình nghiên cứu của nhà Dunn đã chỉ ra các dạng môi trường phù hợp, thì mô hình nghiên cứu này sẽ cung cấp cách ghi nhớ thông tin.

Hãy làm bài kiểm tra sau để xác định được bạn và con mình thuộc mẫu học bằng thính giác, thị giác hay vận động.

BẢN LIỆT Kê PHƯƠNG THỨC

Hãy đánh dấu vào những câu miêu tả về bạn đúng nhất.

Thuộc thính giác

Tôi phải đọc to lên thì mới nhớ được.

Để có thể giải quyết được một vấn đề, tôi phải nói chuyện về nó.

Bí quyết ghi nhớ của tôi là nhắc đi nhắc lại thông tin.

Với tôi, các thông tin có vần hoặc nhạc điệu là dễ nhớ nhất.

Tôi thích người khác đọc sách cho nghe hơn là ngồi tự đọc lấy.

Thuộc thị giác

Tôi cần xem tranh minh họa của thứ cần học thì mới hiểu được.

Tôi luôn thích những cuốn sách minh họa.

Trông tôi lúc nào cũng mơ mơ màng màng vì phải cố hình dung những gì được nói đến thành hình ảnh.

Tôi nhớ tốt hơn khi nhìn thấy người đang nói.

Vận động

Tôi không thể ngồi im một chỗ quá vài phút.

Tôi thường học hiệu quả nhất khi được phép “động tay, động chân”.

Một số bộ phận cơ thể của tôi gần như không lúc nào ngừng hoạt động.

Tôi thích đọc sách hoặc nghe kể những câu chuyện có nhiều tình tiết hành động.

Tôi nhớ tốt nhất nếu được vận dụng ngay các thông tin này.

Theo hai nhà nghiên cứu phong cách học Walter Barbe và Raymond Swassing, có ba loại nhận thức giác quan (cách ghi nhớ) mà tất cả chúng ta ít nhiều đều dùng đến. Chúng cũng được gọi là các thể thức. Các thể thức phổ biến nhất là: nhận thức theo thính giác, thị giác và vận động. Hãy cùng xem xét kĩ ba thể thức này.

Theo thính giác. Học bằng cách lắng nghe các hướng dẫn, nhớ bằng cách nghe phát âm của từng từ.

Nhận thức theo thính giác của bạn nổi trội không có nghĩa là bạn chỉ cần nghe một lần là nhớ. Mà nó có nghĩa là để nhớ được, trong đa số trường hợp, bạn cần phải đọc to lên.

Nếu khả năng nhận thức theo thính giác của bạn trội hơn hẳn, bạn sẽ thường đọc thành tiếng thay vì đọc thầm, hay tự nói chuyện với bản thân hoặc nhắc đi nhắc lại các hướng dẫn để chắc chắn rằng đã hiểu. Nếu khả năng nhận thức theo thính giác của con bạn trội hơn hẳn, bạn có thể giúp con học bài bằng cách lồng các sự kiện và ngày tháng vào lời bài hát, đặt thành vè hay bất cứ thứ gì có nhạc điệu. Sẽ rất hiệu quả. Vì đối với người nhận thức bằng thính giác, nghe một từ được phát âm dường như rất quan trọng để học được ý nghĩa của từ đó.

Khi tôi còn làm một sĩ quan cảnh sát, một trong những nhiệm vụ của tôi là phát hiện và bắt giữ các lái xe say rượu. Phần cốt yếu để xác định xem một lái xe có say rượu hay không là “bài kiểm tra độ tỉnh táo”. Sau khi buộc người lái xe bị nghi vấn trải qua một loạt bài kiểm tra về thăng bằng, cuối cùng tôi luôn hỏi họ một câu: “Anh có thể đọc bảng chữ cái được không?”

Bạn biết không, trừ phi bạn là một trường hợp đặc biệt hay một người tửu lượng rất khá, nếu không, một khi đã uống rượu, bạn khó lòng đọc được bảng chữ cái theo tốc độ bình thường. Nếu lái xe khi say rượu mà không phải là lỗi nghiêm trọng đến thế, thì hẳn sẽ rất thú vị khi nghe những phiên bản bảng chữ cái qua miệng của những người say rượu này. Một điều thú vị không kém, đó là dù một người có say quắc cần câu thì vẫn có thể hát không sai một chữ nào bài hát về bảng chữ cái. Tôi đã từng gặp

không ít cảnh một người say rượu đứng lảo đảo bên đường trong bộ cánh đắt tiền và hát váng bài hát ABC để nhớ ra bảng chữ cái bắt đầu thế nào.

Đến đây tôi xin lưu ý các bạn một chút. Các phụ huynh học theo thính giác thường bắt con mình đọc to để ôn bài. Nếu khả năng nhận thức theo thính giác là không nổi trội ở đứa trẻ, nó sẽ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ theo cách này. Nói cách khác, sau khi hi sinh bao thời gian vàng ngọc của buổi tối bận rộn giúp con ôn bài, kết quả là kiến thức của con họ lại còn vơi đi quá tội. Các ông bố, bà mẹ nản lòng này sẽ đổ cho con mình cái tội lơ là, mất tập trung, không có chí tiến thủ. Và thậm chí chính con họ cũng không biết tại sao chúng không thể ghi nhớ được.

Theo thị giác. Học bằng cách nhìn và quan sát; kết hợp tối đa thị giác.

Nếu học theo thị giác, bạn sẽ thường mường tượng ra những gì đang học. Bạn dễ bị gán mác “mơ mộng”. Một người thiên về thị giác thường nhớ tốt nhất nếu kết hợp được hình ảnh với từ ngữ hoặc các khái niệm được nhắc tới. Khi đọc hay ghi nhớ, người học theo thị giác thường có xu hướng tưởng tượng xem thứ đó trông như thế nào và đôi khi còn tưởng tượng ra một thứ khác xa thực tế.

Là một người học theo thị giác điển hình, tôi bắt đầu soạn ra một bản liệt kê tên các địa điểm gây ấn tượng hình ảnh mạnh với mình, cho dù những hình ảnh trong đầu tôi không hoàn toàn chính xác. Ví dụ, tôi có cảm giác ấm áp và rộn ràng khi nhìn thấy biển tên phố ở Nampa, Idaho ghi là tôi đang đi vào “Con đường Món gà bữa tối”. Nhưng lại chẳng có lấy một hình ảnh vui tươi nào hiện lên trong đầu tôi khi đọc biển tên của một bãi xe cũ kĩ ở Boise: “Bãi xe đáng tin cậy của Bob”. Nhưng cho đến giờ, hình ảnh sống động nhất mà tôi từng có là khi tôi đang lái xe về phía nam thị trấn Seattle và đi qua một khu nhà màu xanh lá cây và tấm biển “Khăn lau tiệt trùng hiệu con trâu”. Thật là một hình ảnh khó quên!

Nếu con bạn có xu hướng học theo thị giác, nên khuyến khích trẻ dùng kẹp tài liệu màu sắc rực rỡ để phân loại giấy tờ hay sử dụng những cuốn vở bắt mắt để làm bài tập. Nhất là khi con bạn đang ôn tập cho bài kiểm tra, học với các thẻ màu sẽ rất hiệu quả. Vì làm thế, con bạn sẽ tập trung vào các hình ảnh gắn với các khái niệm cần nhớ. Ngay cả khi con bạn không có tố chất nghệ sĩ cho lắm, thì phác thảo nhanh một hình ảnh có liên quan đến thứ cần nhớ vẫn là một cách hiệu quả.

Bằng vận động. Học bằng cách tham gia vận động thể chất và làm một việc gì đó liên quan đến bài học

Nếu con bạn nhận thức bằng vận động, bạn sẽ thấy chúng không ngừng ngọ nguậy. Chúng sẽ hay bị gán mác là “luôn tay luôn chân” hay “con thoi”. Những đứa trẻ này hầu như lúc nào cũng phải nghe những câu như “Ngồi yên nào!”, “Đặt chân xuống sàn!” hay “Con không được tới vòi nước công cộng nữa!” Dù các phụ huynh và thầy cô giáo hết đe nẹt lại dỗ dành cũng không thể giữ chúng ngồi yên được. Bọn trẻ buộc phải ngọ nguậy, phải “hành động” trong lúc học nếu không kiến thức sẽ bay đâu mất. Dù những hành động của chúng chỉ đơn giản là nhịp nhịp chân hay đi đi lại lại trong lúc đọc hay học thuộc, nó cũng giúp chúng ghi nhớ hiệu quả hơn.

Anne, một người bạn học theo vận động của tôi, (giờ là một giáo viên thể dục) thừa nhận rằng cha mẹ của cô luôn phiền lòng khi thấy cô không lúc nào ngừng vận động. Mẹ cô bắt phải ở yên trong phòng ngủ dưới tầng hầm cho tới khi làm xong bài tập. Cuối cùng thì cô gái hiếu động nhanh trí này đã tìm ra được một cách để học vào mà vẫn được tự do vận động. Cô tận dụng chính cầu thang tầng hầm. Khi học đánh vần hay từ vựng, mỗi một bậc thang là một chữ hoặc một từ. Khi học lịch sử, mỗi bậc thang là một sự kiện hay một mốc thời gian quan trọng. Khi học địa lý, mỗi bậc thang là một địa phương. Mẹ cô rất bối rối không hiểu tại sao Anne cứ liên tục lên xuống cầu thang. Tất cả những gì bà biết là bài tập của Anne đã được hoàn thành đầy đủ và điểm số của Anne tiến bộ trông thấy.

Những đứa trẻ có thiên hướng học bằng vận động thường chỉ có thể tập trung vào một thứ tối đa 10 phút. Vì vận động với nhóm trẻ này là rất quan trọng, nên nếu là phụ huynh của đứa trẻ như thế, bạn nên gợi ý con thử đặt bài tập lên một tấm bảng cứng rồi tha hồ vừa làm bài tập vừa vận động. Chỉ cần đặt ra thời hạn phải hoàn thành, rồi để mặc đứa con hiếu động của bạn “đổ mồ hôi” để làm bài. Nếu con bạn cần ghi nhớ các thông tin quan trọng, hãy thử kết hợp các động tác cơ thể với những gì cần nhớ.

CáC PHƯƠNG PHáP Đó THẬT SỰ Có TáC DỤNG!

Tôi đã có ba năm kinh nghiệm làm giáo viên tiếng Anh trung học và tôi đã từng dạy lớp Viết luận trung cấp. Lớp học bao gồm học sinh ở các độ tuổi lớn nhỏ khác nhau, thường là các học sinh không đủ năng lực theo học lớp cao cấp nhưng lại thừa trình độ để học lớp cơ bản. Ban giám hiệu gần như ám chỉ rằng tôi chẳng phải cố công phấn đấu gì nhiều. Tôi chỉ cần cố gắng giúp bọn trẻ qua được môn này để có thể tốt nghiệp. Một trong những hoạt động yêu thích nhất của tôi trên lớp là các bài tập từ vựng. Tôi kiên quyết rằng học sinh của mình sẽ được học nói và đọc ở trình độ cao hơn là “học cho biết”. Nhưng tuần nào các học sinh của tôi cũng miễn cưỡng làm bài kiểm tra từ vựng, và tuần nào cũng như tuần nào, điểm số vẫn cứ lẹt đẹt.

Cho tới tận cuối học kì, tôi mới có dịp dự một hội nghị về học tập mà diễn giả chính là một chuyên gia về phong cách học. Tôi đã ngồi nghe không sót một chữ nào bài phát biểu của bà. Nhà giáo kiêm nhà nghiên cứu đó đột nhiên đã hệ thống hóa những gì tôi, với tư cách là một giáo viên, đã biết từ lâu. Tất cả các học sinh đều có thể học, nhưng chúng ta không thể mong đợi các em học theo cách giống hệt nhau. Bà đã gợi ý một số phương pháp dạy học thiết thực áp dụng cho mỗi thể thức học nhằm giúp chúng dễ dàng ghi nhớ.

Quay trở lại lớp học vào ngày thứ hai, tôi tràn đầy nhiệt huyết, hăng say truyền tải những thông tin đã học được tới các học sinh thiếu nhiệt tình của mình. Chúng tôi đang chuẩn bị cho bài kiểm tra cuối kì với 84 từ rất khó. Vì từ trước tới nay, các bài kiểm tra hàng tuần đều có kết quả rất kém, học sinh của tôi chẳng mong gì hơn là đỗ vớt trong bài thi cuối kì. Thấy tôi quá phấn khích với phong cách học này, các em cũng thấy hào hứng lây dù chưa hiểu chuyện gì. Tôi thừa nhận với các em rằng bản thân ý tưởng này cũng là rất mới mẻ đối với chính tôi. Tôi hỏi xem lớp có muốn thực hiện một thí nghiệm và học từ vựng cho bài thi cuối kì theo cách hoàn toàn mới hay không.

Tôi giải thích về ba thể thức: nhận thức theo thính giác, theo thị giác và bằng vận động. Mỗi học sinh điền vào bản liệt kê và suy đoán thể thức phù hợp nhất đối với mình. Rồi tôi trình bày kế hoạch: trong ba ngày tới, chúng tôi sẽ dành hết thời gian trên lớp để học từ vựng. Lần này, tôi sẽ chia lớp thành ba nhóm theo phong cách học. Học sinh được tùy ý chọn nhóm, và chuyển nhóm thoải mái.

Đây là hướng dẫn cho mỗi nhóm:

Nhóm học theo thính giác luyện tập bằng cách đọc to lên. Lần lượt từng học sinh sẽ đọc một từ, và một thành viên khác trong nhóm sẽ đưa ra định nghĩa. Nhóm này luôn luôn ồn ào, vì ai cũng đều muốn đọc và thử định nghĩa. Thật may mắn, tôi đã tìm được một phòng phụ để nhóm có thể trao đổi thoải mái mà không làm phiền người khác.

Nhóm học theo thị giác viết các từ vựng cẩn thận lên các thẻ màu và minh họa bằng hình ảnh phù hợp. Thật ra, với đa số thành viên trong nhóm, chỉ cần viết từ đó ra và minh họa trên thẻ màu là thừa sức nhớ được từ vựng, nhưng các em vẫn hào hứng trao đổi thẻ màu để kiểm tra lẫn nhau.

Nhóm học bằng vận động là nhóm không bao giờ ngừng nghỉ! Vì đây là nhóm luôn chân luôn tay, tôi gợi ý các em nên tạo cho mỗi từ một động tác để nhớ được định nghĩa. Đứa nào đứa nấy háo hức chấp nhận thử thách này và đôi khi còn đấu vật với nhau để quyết định động tác nào phù hợp với từ cần học nhất.

Ngày thi cuối cùng cũng đã tới. Thường thì vào ngày thi, tôi luôn phải nghe ít nhất hai kiểu năn nỉ của học sinh khi bước vào lớp: “Cô có thể lùi bài kiểm tra lại được không cô?” hay “Cô cho em xem đề trước đi cô?”

Nhưng ngày hôm đó, tất cả học sinh của tôi tự tin bước vào lớp và nói: “Cô cứ đưa bài thi cho bọn em – bọn em sẵn sàng rồi!” Hai mươi chín cái đầu cắm cúi vào làm bài thi. Nhóm vận động trông thật thú vị. Chúng không ngừng ngọ nguậy, và tới mỗi từ chúng sẽ dừng lại, khua tay múa chân một động tác nào đó (thường là trông rất bí ẩn), rồi đánh dấu câu trả lời và tiếp tục làm câu tiếp theo.

Trong số 29 học sinh “xoàng” của tôi, 26 em không bỏ sót một từ nào. Và trong số ba em còn lại, không em nào bỏ sót quá 5 từ. Tôi chưa bao giờ thấy lớp học của mình háo hức đến vậy! Những học sinh chưa bao giờ đạt được điểm A trong đời giờ tràn ngập niềm vui của thành công. Chúng tôi cùng thảo luận lý do tại sao các phương pháp lại có tác dụng rồi mở tiệc pizza ăn mừng.

Rất phấn khởi, tôi bèn đem thành công của mình chia sẻ với đồng nghiệp trong khoa. Nhưng phản ứng của họ lại như một gáo nước lạnh dội vào mặt tôi. “Bài kiểm tra chắc là quá dễ.” “Chắc chị đã nhắc bài cho chúng rồi.” “Chắc chúng gian lận.” “Ăn may thôi! Chuyện đó sẽ không xảy ra nữa đâu.”

Cảm thấy bao phấn khởi tiêu tan hết, tôi suy nghĩ lại về phương pháp của mình. Làm sao tôi chắc chắn được là học sinh của tôi thật sự biết được nhiều như thế? Hai tuần sau, không báo trước, tôi đưa cho chúng một bài kiểm tra với cũng từng đó từ nhưng theo một dạng khác. Điểm hai lần gần như giống hệt nhau. Bọn trẻ cảm thấy không hài lòng vì tôi đã nghi ngờ kiến thức của chúng. “Cô Ulrich, bọn em biết những từ đó mà!”

Mike là một trong những học sinh lớp đó, và sau khi tốt nghiệp, cậu gia nhập Hải quân. Hai năm sau đó, mỗi lần Mike về nhà, cậu đều đến trước cửa lớp học của tôi sau giờ học. “Cô ơi,” cậu ta nói, “cô có còn giữ bài kiểm tra từ vựng cũ không ạ?” Tôi đưa và cậu ta sẽ nhanh chóng đánh dấu các câu trả lời rồi tự hào đưa lại cho tôi chấm điểm. Hầu như lúc nào cậu cũng đạt 82/84 điểm (cậu ta hay gặp rắc rối với từ imminent và eminent). Cậu ta cười và nói: “Cô thấy chưa, em đã nói là em biết rất rõ những từ đó mà!”

Không phải thử nghiệm phong cách học nào của tôi cũng cho kết quả rõ rệt hẳn như vậy, nhưng đa phần, kết quả thu được đều cho thấy tiến bộ đáng kể. Do tôi không có nhiều cơ hội đổi mới phương pháp dạy học trong khuôn khổ quy chế của Ban giám hiệu nhà trường, nên tôi tự đứng ra tổ chức các buổi họp phụ huynh định kỳ mỗi

tháng một lần. Tôi giúp các bậc phụ huynh có được cách hỗ trợ con mình học tốt hơn.

Tôi xin chia sẻ với bạn một số phương pháp yêu thích của tôi:

Nếu con bạn học theo thính giác

• ôn bài bằng cách đọc to lên mọi thứ, hoặc thu xếp cho con học nhóm hoặc học cùng một bạn trên lớp.

• Giúp con tạo giai điệu cho các thông tin cần ghi nhớ – như đặt vè hoặc phổ nhạc.

• Đối với các bài đọc, hãy để con đọc to lên, thậm chí có thể thu vào một máy ghi âm, rồi bật lại để ôn tập.

• Giảm tối đa những thứ thu hút thị giác trong không gian học tập.

Nếu con bạn học theo thị giác

• Cho trẻ những cây chì màu rực rỡ và một không gian rộng tha hồ viết và vẽ.

• Khuyến khích con ghi chép lại hoặc vẽ phác họa những gì được nghe.

• Lưu ý con nên gạch chân hay đánh dấu thật đậm các ý chính trong vở viết thậm chí là trong sách giáo khoa, bất cứ khi nào có thể. Làm thế sẽ giúp bọn trẻ vẽ ra được bức tranh (dù xấu hay đẹp) mô tả các sự kiện, chữ cái, hoặc từ liên quan.

Nếu con bạn học bằng vận động

• Khuyến khích con nghỉ giải lao thường xuyên trong lúc học.

• Cho trẻ học ở nơi có không gian rộng tha hồ viết và vẽ.

• Kể những câu chuyện nhiều tình tiết hành động.

• Hướng dẫn trẻ ghi chép hoặc gạch chân các thông tin trong khi nghe.

Tóm lại, có ba cách tiếp nhận và ghi nhớ thông tin: bằng thính giác, thị giác và vận động. Giờ hãy thêm vào bức tranh của bạn các chi tiết minh họa cách bạn tiếp nhận thông tin. Bạn có thể là một người cụ thể-theo trình tự, trừu tượng-theo trình tự, trừu tượng-ngẫu nhiên hay cụ thể-ngẫu nhiên và có thể tiếp nhận thông tin qua bất cứ thể thức nào trên đây. Hãy xem cậu bé trừu tượng-ngẫu nhiên trong bức tranh cần những gì. Cậu là một người tiếp nhận thông tin chủ yếu qua thị giác.

KẾT LUẬN

Hầu hết mọi người đều thấy mình có ít nhất hai trên ba thể thức nổi trội, mà có khi còn là cả ba. Không ai bị bó hẹp trong một thể thức duy nhất. Nếu bạn không chắc chắn thể thức nào phù hợp với con mình, hãy thử từng thể thức cho đến khi tìm ra thể thức phù hợp nhất. Quá trình này có thể kéo dài. Nhưng điều cốt yếu là tìm được phương pháp ghi nhớ và ôn tập hiệu quả nhất cho từng cá nhân!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.