Bà lại mơ giấc mơ đó đã hai đêm nay. Các y tá nói với bà đó là hiệu ứng từ loại thuốc bà đang dùng. Hóa chất làm não bà u mê. Sau nhiều ngày ở bệnh viện, tất nhiên bà sẽ gặp những giấc mơ đáng sợ. Ai chẳng thế, không cần lo lắng. Những giấc mơ rồi chúng sẽ qua đi.
Nhưng buổi sáng hôm đó, Nina Voss nằm trên giường của mình trong phòng SICU, những giọt nước mắt tràn mi, bà biết những giấc mơ sẽ không bao giờ mất đi, không bao giờ. Nó là một phần của bà, như trái tim này, giờ nó là một phần của bà.
Một cách nhẹ nhàng, bà đặt tay lên ngực. Đã hai ngày kể từ ca phẫu thuật, mặc dù vết khâu đã bớt đau nhưng thỉnh thoảng nó vẫn nhói lên làm bà tỉnh giấc giữa đêm, như một sự nhắc nhở về món quà mà bà đã được nhận.
Đó là một trái tim khỏe mạnh, bà biết vậy ngay sau khi bà tỉnh dậy. Suốt những tháng bị bệnh, bà quên mất cảm giác có một trái tim khỏe mạnh, cảm giác đi bộ mà không cần thở gấp gáp, để cảm thấy nhịp đập mạnh mẽ, ấm áp. Bà thấy những ngón tay đang hồng hào. Bà đã bị bệnh quá lâu, chờ chết quá lâu, và đã chấp nhận cái chết. Cuộc sống là cái gì đó lạ lùng với bà. Nhưng giờ thì bà thấy được cuộc sống bằng chính đôi tay của mình, có thể cảm thấy nó trên từng đầu ngón tay.
Và cảm thấy nhịp đập của trái tim.
Nhưng bà chưa bao giờ cảm thấy nó thuộc về bà, chưa bao giờ và có lẽ không bao giờ.
Khi còn nhỏ, bà thường mặc lại quần áo của chị, những chiếc áo len còn tốt của Caroline, những chiếc váy dạ hội mà chị bà ít dùng đến. Cho dù những thứ đó kiểu gì cũng thuộc về Nina nhưng bà chẳng bao giờ ngừng nghĩ tới chúng như thứ đồ của chị mình. Bà luôn tâm niệm, đây là váy của Caroline, đây là áo của Caroline.
Và trái tim này là của ai? Bà tự hỏi, bàn tay vuốt nhẹ lên ngực.
Vào buổi chiều, Victor vào thăm bà. Bà nói với chồng:
– Em lại thấy giấc mơ đó, giấc mơ về thằng bé, em thấy sợ quá, khi tỉnh dậy, em không ngừng khóc.
– Chỉ là mơ thôi em yêu. Chẳng phải họ đã cảnh báo em về những hiệu ứng phụ đó sao?
– Em nghĩ nó mang một ý nghĩa nào đó, anh không thấy ư? Em mang một phần của nó trong mình, một phần vẫn sống. Em có thể cảm thấy nó.
– Y tá lẽ ra không được nói với em về thằng bé.
– Tự em hỏi cô ấy đấy chứ.
– Cũng vậy thôi. Chẳng tốt đẹp gì khi nói về điều đó. Cả em, cả thằng bé.
– Không, không phải đứa bé, mà là gia đình, nếu nó có gia đình.
– Anh nghĩ họ không muốn nhắc lại, nghĩ xem Nina, đây là một việc rất nhạy cảm, có lý do cả mà.
– Nhưng gửi cho họ một lá thư cảm ơn thì đã sao? Có thể nặc danh mà, chỉ đơn giản là…
– Không, Nina, tuyệt đối không.
Nina đặt mình xuống gối im lặng. Cô lại là kẻ ngốc nữa rồi. Victor luôn đúng.
– Hôm nay trông em tuyệt lắm, em yêu. Em đã ngồi vào xe lăn chưa?
– Hai lần. Đột nhiên căn phòng trở nên lạnh lẽo, cô nhìn ra xa và co người lại.
Pete đang ngồi bên cái ghế cạnh giường Abby, nhìn cô. Nó vẫn mặc cái áo xanh đồng phục của câu lạc bộ Cub Scout, đồng phục có huy hiệu trên ống tay và đường gân trên mũ, mỗi đường đại diện cho một thành công của câu lạc bộ. Nó không đội mũ lưỡi trai, mũ của nó đâu nhỉ? Abby tự hỏi và rồi cô nhớ ra là cái mũ mất rồi, cô và các chị tìm mãi trên đường nhưng chẳng thấy gì ngoài phần còn lại của cái xe đạp.
Đã lâu rồi nó không tới thăm cô, từ cái lần cô nhập học. Lần nào cũng vậy, nó chỉ ngồi nhìn cô, im lặng, không nói gì cả.
– Em đã ở đâu Pete? Sao em đến mà không nói gì?
Nó vẫn ngồi nhìn cô, im lặng, đôi mắt im lặng, môi không cử động. Cái cổ áo xanh được hồ bột là cứng, y hệt như lúc mẹ là áo cho nó trong đám tang. Nó quay lại, nhìn sang phòng khác. Dường như có một nốt nhạc đang mời gọi nó. Nó bắt đầu nhấp nhổm, như nước bị khuấy.
Cô hỏi nó:
– Em định đến nói gì với chị?
Những giọt nước giờ bị khuấy lung tung, bị đè nén bởi những nốt nhạc. Một tiếng kêu chói tai như tiếng chuông vang lên, phá hỏng tất cả. Chỉ còn bóng tối.
Và tiếng chuông điện thoại.
Abby với lấy ống nghe.
– DiMatteo đây.
– Đây là SICU, tôi nghĩ bác sĩ cần xuống đây ngay.
– Có chuyện gì vậy?
– Bà Voss giường số mười lăm. Bà ấy đang sốt, ba tám độ sáu.
– Huyết áp một trăm trên bảy mươi. Mạch chín sáu.
– Tôi sẽ tới ngay.
Abby cúp máy và bật đèn. Hai giờ sáng. Cái ghế bên giường cô trống trơn, không còn Pete ở đó nữa. Cô rên rỉ và bò ra khỏi giường, đến bồn nước táp một vốc nước lạnh vào mặt. Cô cảm thấy dòng nước và như vừa tỉnh khỏi cơn mê.
Tỉnh dậy đi nào, tỉnh dậy thôi. Cô tự nói với mình. Mình phải biết chuyện gì đang xảy ra, và mình sẽ làm gì. Sốt hậu phẫu, ca ghép tim đã ba ngày rồi. Đầu tiên, phải kiểm tra. Kiểm tra phổi, bụng, chụp X-quang và các mô cấy ghép.
Và giữ mình thật bình tĩnh.
Cô không được phép mắc sai sót gì, không phải lúc này và với bệnh nhân này.
Mỗi buổi sáng trong suốt ba năm qua, cô đi bộ vào Bayside không phải chỉ để biết mình có một công việc, và mỗi chiều lúc năm giờ cô thở phào vì đã sống sót qua thêm hai tư giờ nữa. Mỗi ngày trôi qua, sức ép dường như đã giảm đi, nỗi ám ảnh của Parr đã xa hơn. Vì cô biết có Wettig bên cạnh cô, và cả Mark nữa. Với sự giúp đỡ của họ, có lẽ cô có thể giữ được việc làm. Cô không muốn Parr có lý do gì để nghi ngờ khả năng của cô vì vậy cô đặc biệt chú tâm vào công việc, cô đã kiểm tra đi kiểm tra lại mọi kết quả xét nghiệm, mọi điều trị. Và cô thận trọng hết sức khi vào phòng của Nina Voss, một sự chạm trán bất ngờ với Victor là điều cô không muốn xảy ra.
Nhưng giờ Nina đang sốt và Abby lại đang trực. Cô chẳng tránh đi đâu được, cô có công việc cần làm.
Abby đi đôi giày tennis vào và rời phòng trực.
Về khuya, bệnh viện thật yên ắng. Các sảnh lớn đều vắng lặng, đèn quá sáng và qua đôi mắt mệt mỏi, tất cả những bức tường trắng hình như đều bị cong và đang di chuyển. Cô đang đi qua một đường hầm, cơ thể cô như đông cứng lại, não cô vẫn còn lùng bùng. Chỉ có trái tim là phản ứng với những gì đang diễn ra, nó đang đập.
Cô rẽ vào một góc, vào phòng điều trị đặc biệt.
Ánh sáng mờ hơn về đêm, những máy móc hiện đại dành cho bệnh nhân, trong khoang mờ mờ của các y tá, những màn hình điện tâm đồ của mười sáu bệnh nhân vẫn chạy. Chỉ cần liếc qua màn hình số mười lăm cũng có thể thấy nhịp đập của Voss đang rất nhanh, khoảng một trăm.
Y tá trực nhấc điện thoại và nói:
– Bác sĩ Levi đang gọi, ông muốn nói chuyện với bác sĩ trực.
– Tôi sẽ nghe. – Abby nói rồi tiến tới ống nghe.
– Xin chào bác sĩ Levi, tôi DiMatteo đây.
Đầu dây bên kia im lặng một lát.
– Hôm nay cô trực à?
Qua giọng nói của ông, Abby thấy có cái gì đó, cô hiểu lý do. Abby là người cuối cùng ông ta muốn đặt sinh mệnh của Nina vào tay. Nhưng đêm nay chẳng có lựa chọn nào cả. Cô là bác sĩ trực đêm.
Cô trả lời.
– Tôi đang định kiểm tra bà Voss một chút, bà ấy đang sốt.
– Được rồi, họ đã nói cho tôi biết.
Cô xuống giọng, cố gắng giữ cho cuộc nói chuyện chỉ đơn thuần là công việc.
– Tôi sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết. Tôi sẽ kiểm tra bà Voss, yêu cầu lấy mẫu và mô, nước tiểu, chụp X-quang. Ngay khi có kết quả tôi sẽ gọi lại cho bác sĩ.
– Được, tôi sẽ chờ điện thoại của cô.
Abby đeo găng tay khử trùng vào và đến phòng bệnh của Nina. Một ngọn đèn được bật lên chiếu sáng giường của Nina. Dưới ánh đèn, tóc của Nina là một dải trên gối. Cô ta nhắm mắt, bàn tay đan chéo trên người như một người đang đi dự thánh lễ. Trông như công chúa trong lăng mộ vậy, Abby nghĩ.
Cô đến bên giường và gọi khẽ.
– Bà Voss?
Nina mở mắt, một cách chậm chạp nhìn Abby.
– Vâng.
– Tôi là DiMatteo, tôi là một trong những bác sĩ phẫu thuật.
Abby nhận thấy một dấu hiệu nhận biết trong mắt người phụ nữ. Bà ta biết tên mình, Abby nghĩ. Bà ta biết mình là ai, kẻ đánh cắp trái tim.
Nina không nói gì, chẳng có gì trong đôi mắt sâu.
– Bà bị sốt, chúng tôi cần biết tại sao. Bà cảm thấy thế nào?
– Tôi thấy mệt, chỉ mệt thôi.
– Tôi cần kiểm tra vết mổ một chút.
Abby bật đèn và nhẹ nhàng soi vết mổ ở ngực bệnh nhân. Vết mổ trông rất sạch sẽ, không sưng tấy, không chảy nước.
Abby lấy ống nghe ra và lắng nghe, cô thấy dòng khí vào ra phổi bình thường. Dọc xuống bụng, lên tai, mũi và họng, cô chẳng thấy có gì bất thường để tạo ra một cơn sốt. Nina chỉ im lặng, mắt dõi theo Abby.
Cuối cùng Abby tháo ống nghe ra và nói:
– Mọi thứ có vẻ rất ổn, nhưng phải có lý do nào đó. Chúng tôi sẽ chụp X-quang và lấy ba mẫu mô. – Cô mỉm cười vẻ có lỗi.
– Tôi e là đêm nay bà sẽ không ngon giấc lắm.
Nina lắc đầu.
– Tôi ngủ không say lắm, toàn là mộng mị, quá nhiều giấc mơ.
– Giấc mơ tệ lắm à?
Nina hít một hơi thật sâu, chậm rãi:
– Về cậu bé đó.
– Cậu bé nào?
Nina đặt tay lên ngực rất nhẹ nhàng.
– Họ nói với tôi là một cậu bé, tôi chẳng biết nó tên gì, nó chết ra sao, chỉ biết là con trai, phải vậy không?
Abby gật đầu.
– Đó là những gì tôi nghe thấy ở phòng mổ.
– Cô ở đó à?
– Phải. Tôi trợ giúp bác sĩ Hodell.
Một nụ cười nhỏ bé hiện ra trên môi Nina.
– Lạ thật, cô đã ở đó, sau những… – Giọng bà ta tắt dần.
Cả hai không nói gì. Abby im lặng vì cảm giác tội lỗi, còn Nina thì vì… cái gì? Vì cuộc chạm trán bất ngờ này chăng? Abby vặn nhỏ đèn, căn phòng lại chìm trong sự tĩnh lặng.
– Bà Voss, chuyện này xảy ra vài ngày trước đây. Một quả tim khác, quả tim đầu tiên…
Abby ngập ngừng, nhìn ra xa, cô không dám nhìn vào ánh mắt người phụ nữ ấy.
– Có một cậu bé, mười bảy tuổi. Những cậu bé ở lứa tuổi đó chúng thường nghĩ về xe hơi và các cô bé nhưng cậu bé này, cậu ấy chỉ muốn về nhà, không gì khác ngoài về nhà.
Cô thở dài.
– Cuối cùng, tôi không thể làm khác, tôi không biết gì về bà cả, bà Voss. Bà không nằm trên giường bệnh vào lúc đó, còn cậu bé đó thì có, và tôi phải lựa chọn.
Cô chớp mắt, nước mắt ằng ặc.
– Nó sống chứ?
– Phải, cậu bé đã được cứu.
Nina gật đầu, và một lần nữa đặt tay lên ngực. Có vẻ như bà đang muốn truyền tải gì đó tới trái tim của mình. Lắng nghe, giao tiếp. Bà thì thầm.
– Cậu bé này… cậu bé này cũng sống. Tôi biết trái tim này, mọi nhịp đập, người ta cứ bảo trái tim là nơi tâm hồn tồn tại. Có lẽ bố mẹ cậu bé cũng nghĩ vậy, tôi cũng nghĩ về nó. Thật khó khăn, tôi chưa bao giờ có con trai, tôi chưa có con bao giờ. Cô có nghĩ sẽ an ủi phần nào nếu một phần của cậu bé vẫn sống trong tôi không? Nếu đó là đứa con của tôi, tôi cũng muốn biết.
Nina khóc, nước mắt đầm đìa khuôn mặt.
Abby nắm lấy tay người phụ nữ, cảm thấy sự bồn chồn của bàn tay ấy, những ngón tay bám chặt như cầu cứu. Nina nhìn lên Abby, cái nhìn đầy tâm sự. Abby nghĩ: Nếu tôi biết bà trước đó, nếu tôi nhìn thấy bà đang chết dần trên giường bệnh và Josh O’Day ở một giường khác, tôi sẽ phải chọn ai? Tôi không biết.
Bên trên giường, một thiết bị ghi nhận dao động vẫn đang hoạt động. Trái tim của một cậu bé vô danh, đập một trăm lần một phút, đang đập, đưa máu đến từng mạch máu của một người xa lạ.
Abby nắm lấy bàn tay của Nina, cô cảm thấy từng mạch máu đang chảy chầm chậm, chắc chắn.
Không phải của Nina, mà là của cô.
Chụp X-quang phải mất hai mươi phút để chụp và quét lên phim, thêm mười lăm phút nữa để Abby có thể cầm phim trên tay. Cô đặt nó lên hộp và kiểm tra các dấu hiệu viêm phổi có hay không, nhưng cô không thấy gì cả.
Ba giờ sáng, cô gọi về nhà Levi.
Vợ Aaron trả lời, giọng còn ngái ngủ.
– A lô?
– Elaine, tôi Abby DiMatteo đây. Xin lỗi đã quấy rầy cô vào lúc này nhưng tôi có thể nói chuyện với Aaron không?
– Anh ấy đến bệnh viện rồi.
– Bao lâu rồi?
– Ờ, sau cuộc gọi thứ hai, anh ấy không có đó à?
– Tôi chưa thấy đâu cả.
Đầu dây kia im lặng.
– Anh ấy đi được cả giờ rồi, lẽ ra phải ở đó rồi chứ.
– Tôi sẽ liên lạc với máy báo tin của anh ấy, đừng lo Elaine.
Abby cúp máy và quay số máy báo tin của Aaron rồi chờ phone reo.
Đến ba giờ mười lăn, Aaron vẫn không trả lời máy.
– Bác sĩ D.?
Sheila, y tá của Nina gọi Abby.
– Mẫu máu cuối cùng xét nghiệm xong rồi, cô còn cần gì nữa không?
Mình đã bỏ qua cái gì nhỉ? Abby nhẩm lại trong đầu, cô dựa vào cái bàn phía trước và lay thái dương cho tỉnh táo. Nghĩ xem, một cơn sốt hậu phẫu, nhiễm trùng từ đâu mà ra chứ?
Sheila đột ngột lên tiếng:
– Thế còn nội tạng thì sao?
Abby ngước lên:
– Tim ư?
– Chỉ là tự nhiên tôi nghĩ vậy thôi, nhưng tôi đoán nó không…
– Cô nghĩ sao Sheila?
Y tá lưỡng lự.
– Tôi chưa thấy điều này xảy ra ở đây nhưng trước khi đến Bayside tôi đã từng làm việc cho bộ phận cấy ghép ở Mayo. Tôi còn nhớ một lần họ có bệnh nhân nhận thận, bệnh nhân bị sốt hậu phẫu, không ai tìm ra nguyên nhân tại sao cho đến sau khi bệnh nhân chết. Hóa ra đó là do nấm. Sau đó, họ mở lại bệnh án và tìm ra mẫu máu của người cho là dương, nhưng kết quả đã kiểm tra đã không chỉ ra điều đó mãi đến một tuần sau. Lúc đó quá muộn rồi.
Abby nghĩ một lát, cô nhìn vào màn hình, trái tim ở giường mười lăm đang nhảy múa trên màn hình.
– Thông tin về người hiến tặng giữ ở đâu?
– Có lẽ ở chỗ điều phối cấy ghép tầng dưới. Y tá trưởng có chìa khóa đấy.
– Cô có thể nhờ cô ấy mở giúp tôi không?
Abby mở lại bệnh án của Nina, cô giở đến trang mẫu hiến tặng của ngân hàng nội tạng Anh – tờ giấy được đính kèm từ Vermont, ghi nhận nhóm máu ABO, tình trạng HIV, kháng thuốc và một danh sách dài những xét nghiệm khác. Người hiến tặng không được xác định.
Mười lăm phút sau, điện thoại rung, và y tá trưởng gọi Abby.
– Tôi không tìm thấy thư mục của người tặng.
– Nó có trong file tên Nina không?
– Chúng ở dưới số người nhận nhưng không có tài liệu gì dưới số của Nina Voss.
– Có thể nào bị lưu nhầm không nhỉ?
– Tôi cũng đã tìm trong tất cả các file cấy ghép thận và gan. Tôi đã kiểm tra hai lần rồi, cô có nghĩ nó ở phòng điều trị đặc biệt không?
– Tôi sẽ nhờ họ tìm xem. Cảm ơn cô.
Abby cúp máy và thở dài. Mất dữ liệu. Cô tìm trong các giá dữ liệu của phòng điều trị đặc biệt, trong những file của các bệnh nhân mới nhập viện gần đây. Nếu nó bị chôn vùi đâu đó trong đám giấy tờ đó thì cô phải mất hàng giờ để tìm ra.
Hay là cô sẽ gọi cho bệnh viện kia nhỉ? Họ sẽ kéo đống hồ sơ ra và nói cho cô bệnh án của người cho và các kết quả xét nghiệm.
Cô có số của bệnh viện Wilcox từ y tá, cô ấn số và gặp y tá trưởng.
Một lát sau, một phụ nữ trả lời.
– Gail Deleon đây.
– Tôi là DiMatteo gọi từ bệnh viện Bayside ở Boston. Chúng tôi có một bệnh nhân cấy ghép tim đang bị sốt hậu phẫu, chúng tôi biết nội tạng được chuyển từ bệnh viện của cô. Tôi cần một chút thông tin về người cho. Tôi không biết liệu cô có thể giúp tôi biết tên người cho không?
– Việc lấy nội tạng được thực hiện ở đây à?
– Đúng vậy. Ba ngày trước, người cho là nam, một trẻ vị thành niên.
– Để tôi kiểm tra lại nhé. Tôi sẽ gọi cho cô.
Mười phút sau, cô ta gọi lại, không phải là câu trả lời mà là câu hỏi.
– Cô có chắc là bệnh viện này không, bác sĩ?
Abby nhìn vào bệnh án của Nina.
– Ở đây viết rõ ràng mà, bệnh viện Wilcox Memorial, Burlington, Vermont.
– Đúng là chúng tôi nhưng tôi chẳng thấy ca nào thế cả.
– Cô có thể kiểm tra lại lịch mổ của bên đó không, ngày có thể là… hai mươi tư tháng chín. Việc mổ lấy nội tạng có thể được thực hiện đêm đó.
– Giữ máy nhé.
Qua ống nghe, Abby có thể nghe thấy tiếng lật trang. Có tiếng trả lời lại.
– Tôi đây.
– Tôi đã kiểm tra lịch ngày hai mươi tư và cả ngày hai mươi lăm, có hai ca ruột thừa, một ca viêm túi mật, nhưng chẳng có ca lấy nội tạng cấy ghép nào cả.
– Chắc chắn phải có chứ, chúng tôi có quả tim mà.
– Chúng tôi không gửi.
Abby nhìn lại những ghi chú của y tá và lưu ý thấy: 0105, bác sĩ Leonard Mapes từ Wilcox Memorial. Cô lập tức nói:
– Một trong các bác sĩ là Leonard Mapes, cũng là người đã chuyển tim đến đây.
– Chúng tôi không có ai tên như vậy cả.
– Vậy là sao?
– Coi nào, chúng tôi không biết, thực sự là chúng tôi chẳng có ai tên Mapes ở đây cả, tôi không biết cô lấy thông tin đó từ đâu ra nhưng rõ là sai rồi, cô nên kiểm tra lại xem.
– Nhưng…
– Thử gọi viện khác xem.
Abby từ từ cúp máy.
Cô ngồi nhìn chăm chăm vào điện thoại hồi lâu, cô nghĩ về Victor Voss và tiền của ông ta, về tất cả những gì mà tiền có thể mua được. Cô nghĩ về những điều kỳ lạ, tại sao Nina lại có tim nhanh thế. Cô lại nhấc điện thoại, gọi một lần nữa.