Trong các hành trình trên mình ngựa Goldmund tìm hiểu địa phương này; cậu biết là đi quá vùng đầm lầy đóng băng thì đến một kho lúa mì của vị hiệp sĩ, và xa hơn là một trang trại mà ở đó cậu có quen biết. Cậu có thể nghỉ lại, qua đêm ở một trong hai nơi ấy. Ngày hôm sau người ta sẽ biết tất cả. Sức hấp dẫn của sự tự do và vô định qua một thời gian đã phôi pha, nay lại chiếm lĩnh cậu. Trong cái ngày buồn âm u và giá rét mùa đông này, sức hấp dẫn ấy của cuộc sống vô định có mùi vị chua chát, gay gắt của cảnh khốn cùng, đòi ăn và cô quạnh; tuy vậy ưu thế không giới hạn và tính không lay chuyển của nó, sau những ngày sống dễ dãi và rối loạn vừa rồi, đã tạo cho cậu cảm giác an toàn, hầu như được an ủi.
“Cuốc bộ thấy mệt. Không còn có ngựa nữa”, cậu tự bảo, trong khi đi giữa không gian mông mênh. Tuyết rơi nhẹ, xa xa các chỏm đồi rừng ẩm trong các làn mây xám, cảnh quan yên tĩnh trải rộng ngoài tầm mắt đến cùng trời cuối đất. “Điều gì có thể xảy đến Lydia, và cho trái tim thấp thỏm đáng thương của nàng?” Trong ý nghĩ ấy, cậu đau xót, hướng tâm tư trìu mến của mình đến với nàng. Đang đi giữa vùng đầm lầy hoang vu, cậu ngồi lại nghỉ chân dưới gốc một cây tần bì lẻ loi. Một chốc cảm thấy lạnh, cậu đứng lên, lại đi. Đôi chân tê cóng dần dần lấy lại đã rảo bước; nền trời xám dưới ánh sáng nhạt dường như tan đi. Cuộc hành trình dài qua những vùng đồng đất trơ trụi khiến cho cậu thấy đờ đẫn trong các suy nghĩ. Điều lúc này cần cho cậu không phải là các ý tưởng hoặc các tình cảm cho dù chúng có đẹp, có âu yếm đến đâu, vấn đề là làm sao gặp được một căn nhà có chỗ nghỉ đêm, có lửa ấm, chẳng khác gì một con chồn, con cáo lang thang giữa giá rét không nơi nương tựa. Nếu có thể được, chàng mong sao không đến nỗi ngã quỵ ngay giữa đồng trống, tất cả những gì khác đều không đáng kể.
Ngơ ngác, cậu nhìn về phía chân trời, tưởng chừng nghe từ xa có tiếng vó ngựa. “Có thể có kẻ nào đuổi theo mình chăng”. Cậu đưa tay vào túi cầm chuôi con dao con đi săn và rút dao ra khỏi vỏ gỗ. Bóng người kỵ mã bắt đầu rõ; cậu cũng nhận ra từ xa một con ngựa quen thuộc trong chuồng của vị hiệp sĩ đang tiến về phía mình. Trốn tránh không ích gì, cậu dừng lại chờ xem, trong lòng không hề sợ mà hồi hộp vì hiếu kỳ. Bỗng chốc một ý nghĩ bạo liệt thoáng qua trong đầu cậu: “Nếu ta giết tên kỵ ma này thì ta được cơ may gì? Ta sẽ có ngựa và thiên hạ sẽ thuộc về ta!”. Nhưng khi cậu nhận ra người cỡi ngựa, Hans, chú giám mã trẻ với đôi mắt xanh trong sáng và gương mặt trẻ con rụt rè và dễ thương, cậu không thể nín cười được. “Giết thằng bé tốt bụng này thì ắt phải mang một trái tim bằng đá!” Cậu thân thiện chào Hans và âu yếm nhìn con Hanibal, đưa tay vuốt ve chiếc cổ hầm hập đẫm mồ hôi của nó.
– Hans, chú em đi đâu đấy? – Cậu hỏi thằng bé cười, phô hàm răng trắng loá đáp lại:
– Em đi tìm thầy. Thầy đi nhanh thật!
Không được phép chậm trễ, em chỉ được chào thầy và trao cái này cho thầy.
– Em thay mặt ai chào anh thế?
– Phần của cô Lydia. Ôi! Thầy Goldmund, thầy đem lại cho chúng em một ngày vui đáng giá. Em sung sướng đã có thể hoàn thành công việc. Hẳn phải làm sao cho ông chủ không bắt gặp em ra khỏi nhà. Em đi vì có việc được giao, không thì chẳng giữ được cái đầu của em trên vai em. Đây, thầy nhận đi!
Hắn trao cho Goldmund một cái gói nhỏ, cậu nhận lấy.
– Này Hans, có mẩu bánh mì nào trong túi không? – Cậu hỏi – đưa cho anh.
– Bánh mì hả? Còn được một lát đây.
Hắn lục cái túi áo, lấy ra một khoanh bánh mì đen. Rồi hắn có ý lên ngựa ra về.
– Cô làm gì ở nhà? Goldmund lại hỏi.
Cô không giao cho em việc gì sao? Em có mang theo một lá thư với mấy chữ không?
– Không có gì cả.
Em chỉ gặp cô một chốc thôi. Ở nhà, anh có biết không, đang xảy ra dông bão. Ông chủ đi qua đi lại, như thể đức vua Saul. Cho nên em chỉ trao cho thầy cái gói này, không có gì khác. Em phải ra về đây.
– Hans, thì em về, nhưng hãy chậm một chút nữa thôi. Em có thể để lại cho anh con dao đi săn của em không? Nếu lũ chó sói kéo đến, anh có được vật ấy trong tay thì dù sao vẫn hơn.
Nhưng Hans kiên quyết từ chối. Hắn bảo:
– Nếu có việc gì xảy ra với thầy, em hẳn lấy làm đau lòng. Nhưng con dao đi săn thì không, em không bao giờ trao nó cho ai, không vì tiền, không đã trao, thậm chí giá như nữ Thánh Genevienè có yêu cầu em đưa đi nữa. Bây giờ em phải vội trở về chắc thầy được may mắn, em lấy làm tiếc…
Hai người siết chặt tay từ biệt nhau. thằng nhóc lên ngựa; Goldmund đưa mắt dõi theo, rất buồn; Rồi cậu mở chiếc gói nhỏ, sung sướng có được chiếc giây da bò non cột bên ngoài. Bên trong là một chiếc áo len đan tay màu xám, rõ ràng do Lydia làm để tặng cậu. Trong lớp áo len gói cẩn thận, còn có vật gì đó cưng cứng, một khúc giăm bông, và trong một kẽ nhỏ xẻ ở miếng thịt có nhét vào một đồng tiền vàng sáng chói. Không một lời thư. Đứng đó giữa trời mưa tuyết với các quà tặng của Lydia trên tay, cậu không biết làm gì. Cởi áo ngoài, cậu mặc chiếc áo len vào người, thấy ấm áp và dễ chịu. Nhanh chóng cậu mặc lại áo véc, cất đồng tiến vàng trong túi, thắt chiếc thắt lưng và tiếp tục lên đường, đi qua các vùng đồng ruộng. Đã đến lúc cần tìm, một nơi trú chân, cậu mệt mỏi lắm rồi. Nhưng cậu không muốn vào nhà người nông dân mặc dù ở đó ấm áp hơn và có thể kiếm ít sữa. Cậu không muốn trò chuyện, cũng không thích phải đáp lại các câu hỏi. Ban đêm nằm ngủ ở kho lúa mì, sáng ra cậu tiếp tục lên đường rất sớm trong cái lạnh kích thích cậu đi càng nhanh chân. Qua nhiều đêm, cậu mơ gặp vị hiệp sĩ mang gươm bên mình cùng hai cô con gái của ông. Nhiều bữa, nỗi cô đơn và nỗi buồn khiến lòng cậu dừng chân.
Một buổi chiều sau đó, cậu dừng chân ở nhờ nhà mấy người nông dân nghèo. Họ không có bánh mì nhưng có cháo kê. Nơi đây, những cuộc phiêu lưu mới lại đón đợi cậu. Cô gái nông thôn chủ nhà đêm hôm ấy cho ra một đứa bé. Goldmund dự vào cuộc sanh đẻ, vì người ta đến kho lúa tìm cậu, nhờ giúp đỡ mặc dù nói cho cùng cậu chẳng biết làm gì ngoài việc cầm cây đèn để bà đỡ thực hiện nhiệm vụ. Lần đầu tiên Goldmund có mặt trong sanh đẻ, đôi mắt nồng nhiệt và lạ lẫm của cậu dán chặt vào khuôn mặt người phụ nữ đang trở dạ. Bỗng nhiên, cậu có thêm một kinh nghiệm mới! Chí ít thì đối với cậu điều cậu nhận thấy trên người mẹ dường như rất quan trọng. Dưới ánh lửa cây đuốc gỗ dầu, trong khi nhìn rất hiếu kỳ, gương mặt người đàn bà đang sanh con đau đớn quằn quại, cậu tìm thấy một điều phát hiện bất ngờ: các nét mặt của người phụ nữ giật giật trong các tiếng kêu có phan khác với nét mặt cậu đã quan sát ở các phụ nữ trong lúc say mê yêu đương. Đúng là trên khuôn mặt, biểu hiện một cơn đau cực độ lộ rõ, làm cho sắc diện càng khác với biểu hiện của niềm vui vô hạn, nhưng thực ra nó không khác nhau, đó cũng là cùng một trạng thái co giật gây ra vẻ nhăn nhó, cũng là một hiện tượng rực sáng rồi tắt đi. Cậu không hiểu vì sao, điều phát hiện ấy về nỗi đau và niềm vui lại có thể giống nhau như thế giữa chị vơi em gái, khiến cậu rất đỗi ngạc nhiên.
Ở đấy cậu còn một kinh nghiệm khác. Bởi tại người phụ nữ láng giềng cậu đã gặp hồi sáng sau đêm sanh đẻ đã đáp lại ngay các câu hỏi của cậu với những con mắt âu yếm, cậu ở lại trong làng một đêm thứ hai nữa, trao cho cô ta bao nhiêu lạc thú, bởi vì sau thời kỳ dài vừa rồi trong trạng thái bi kịch kích thích và thất vọng trong yêu đương, đây là lần đầu nhu cầu nhục tình của cậu được thoả mãn. Và sự chậm trễ ấy gây ra hậu quả bằng một sự kiện mới. Cậu có dịp làm quen với một người bạn cũng ở vùng nông thôn ấy, một kẻ liều mạng tên là Victor, một nửa giống thầy tu, một nửa là kẻ vô lại, gặp cậu hắn chào bằng mấy mẩu tiếng La tinh, tỏ vẻ một học sinh đi lang thang mặc dù hắn quá tuổi đi học đã lâu.
Người đàn ông có bộ râu cằm nhọn chào cậu với một vẻ thâm giao pha lẫn tính hóm hỉnh, nhanh chóng lấy được lòng cậu. Khi Goldmund hỏi hắn học ở đâu và hắn đi nhằm mục đích gì, ra vẻ đàn anh hắn đáp với giọng nói trịnh trọng:
– Tại cái tâm hồn tội nghiệp của mình mà tôi đã học ở nhiều trường lớn. Tôi đã học ở Cologne và ở Paris, từ môn siêu hình học cho đến việc làm món xúc xích gan; hiếm ai nói đến các sự vật chắc hơn tôi đã đề cập trong bản thân án của tôi ở Leyden. Anh bạn à, từ đó, tôi lăn đi như một con lợn đáng thương khắp đó đây, quằn quại đói khát khôn cùng. Người ta gọi tôi là kẻ gieo khủng khiếp cho nông dân, còn nghề nghiệp của tôi là dạy tiếng La tinh cho đám thiếu nữ và phù phép, để đưa xúc xích treo ở ống khói vào dạ dày mình. Mục tiêu của tôi ư? Là chiếc giường Phu nhân Thị trưởng. Gia như trước đây tôi sống lay lất dựa vào đám thầy tu, không hẳn tôi không đảm nhiệm trách nhiệm nặng nề của một tổng giám mục. Chú bạn nhỏ thân mến, cứ sống qua ngày còn tốt hơn là chết dần chết mòn, và rốt cuộc ở đâu còn có được một đùi thỏ rừng rôti thì tôi vẫn cảm thấy chắc chắn hơn với cái dạ dày khốn khổ. Vua xứ Bohême là anh trai tôi. Và chính ông thân sinh của chúng tôi đã nuôi nấng anh ta như chăm sóc tôi, nhưng ông già để mặc tôi làm gì thì làm([1]). Hôm trước đây thôi, với tấm lòng nghiêm khắc, thường tình giữa cha con, ông cho rằng cứ để tôi cứu lấy cuộc sống một con chó sói dở chết đói thì có ích hơn. Nếu tôi không giết được con thú, chú bạn thân mến ạ, tôi sẽ không có danh dự mà cũng chẳng có được cái thú vị tự mình học hỏi? In Saecula Soeculorum. Amen. Amen( [2]).
Goldmund chưa quen mấy với kiểu cách hoàn chỉnh về thứ giọng nói tiếng La tinh ấy cậu thấy ngại ngùng con người to lớn cục cằn lắm râu ria ấy và trước giọng cười cợt không ưa cùng các lời bỡn cợt của hắn ta, tuy vậy trong kẻ lang thang sành sỏi này vẫn có điều gì đó làm cho cậu hài lòng, và cậu dễ dàng được thuyết phục trong việc cùng tiếp tục cuộc hành trình với hắn! Câu chuyện con chó sói bị đánh gục có khoác lác hay không, đã sao có hai người với nhau người ta vẫn mạnh hơn, đỡ sợ hơn nhưng trước khi tiếp tục lên đường, theo như hắn nói, anh chàng Victor muốn chuyện trò với đám nông dân bằng tiếng La tinh, và đến ở nhà một người làm ruộng nhỏ nhắn. Y không làm như Goldmund đã làm trong mọi cuộc đi của cậu mỗi khi cậu được người ta tiếp ở một trang trại hoặc trong một xóm. Cứ đi tư nhà này, sang nhà khác, y tán gẫu với tất cả các phụ nữ xộc vào các chuồng chăn nuôi và tỏ ra không muốn rời làng trước khi mỗi gia đình cống nạp cho hắn một thứ quà nào đó. Y kể với nông dân các câu chuyện về chiến tranh ở xứ Welche, hát bên bếp lửa bài vè về trận chiến đấu ở Pavie, bày cho các bà già cách chữa bệnh thống phong và rụng răng. Hắn ra vẻ cái gì cũng biết, nơi nào cũng đều đã đặt chân đến hắn nhét đầy các mẩu bánh mì, các thứ trái cây trong vạt áo sơmi lụng thụng, ở dây thắt lưng. Goldmund sững sờ nhìn hắn giao tiếp, lúc thì làm cho người ta đến phát khiếp, khi thì nịnh nọt để lấy lòng, nói năng ba hoa khiến cho người nghe cảm thấy chướng tai, đọc tiếng La tinh sai bét trong khi tỏ ra mình thông thái, rồi gây ấn tượng với các tiếng lóng thô bỉ và hỗn tạp. Qua các câu chuyện hoặc các tràng thuyết lý có vẻ bác học về thần học, hắn thường không quên để mắt rình rập, để ý đến mỗi vẻ mặt, soi mói nhìn vào một chiec ngăn kéo, mở một bát sữa, một khoanh bánh mì. Cậu nhìn hắn, rõ là một kẻ mất gốc. Vô gia cư, trở nên bạc thếch dưới các trận mưa, trông thấy nhiều và từng trải lắm, thường chịu cảnh đói khát, rét mướt, luôn phải đấu tranh trong một cuộc sống khốn khổ, không ngớt bị uy hiếp, nên hoá ra lọc lõi và trơ tráo. “Trãi qua lâu ngày sống lang thang, rồi cậu cũng giống như thế sao?” Liệu rồi có ngày cậu cũng vậy sao?. Các câu hỏi ấy cứ lảng vảng trong đầu cậu.
Ngày hôm sau, họ lại tiếp tục đi. Lần đầu tiên Goldmund nếm mùi hai người cùng sống lang thang. Đi với nhau ba hôm, Goldmund học được của Victor điều này điều nọ. Thói quen biến thành bản năng nhằm qui ba nhu cầu chủ yếu của kẻ vô gia cư: Tự vệ chống lại các mối hiểm nguy có thể gây chết người, tìm một chỗ ẩn náu ban đêm, tìm cho có thức ăn, tóm lại Goldmund học thấm sâu các điều ấy mặc dù cậu cũng sống lần hồi trên đường đi đã bao nhiêu năm. Có những nghệ thuật Victor đã tỏ ra là bậc thầy: Phát hiện các dấu hiệu khó nhận ra được là mình đã đi đến gần các vùng có người ở cho dù vào mùa đông và đang đêm, tại mỗi đám ruộng hoặc vùng rừng, y có khả năng đáng giá hoàn toàn chính xác sẽ kiếm được nơi nghỉ chân và ngủ đêm, thính mũi đến mức nhận ra ngay một nơi có thể tạm nương náu, chủ nhà khá giả hoặc nghèo khổ, rộng lượng hoặc tò mò, lo sợ đến đâu.
Hắn tâm tình với chú bạn trẻ nhiều điều bổ ích. Có lần Goldmund tỏ ra trái ý với hắn, cho là không cần phải quá tính toán mỗi khi tiếp cận những người mình cần liên hệ và hiếm khi người ta từ chối, cho nên các nghệ thuật cầu xin ăn ở ấy cậu không thạo, Victor liền bảo lại với giọng hiền từ: “Cậu bé Goldmund, chắc hẳn vậy, với chú thì có thể được việc, vì chú trẻ trung, xinh trai, có vẻ ngây thơ, người ta dễ chấp nhận cho chú nương nhờ. Chú được lòng phụ nữ, còn đám đàn ông họ tự bảo: “Có Chúa, tay này vô hại, nó sẽ chẳng làm điều gì xấu với ai.” Nhưng chú em, ngó một chút mà xem: con người ta già đi, trên bộ mặt non trẻ rồi râu mọc lên, da dẻ nhăn nheo, đến quần đùi của chú cũng thủng lỗ. Không khéo thì rồi hoá ra một kẻ xin ở nhờ dễ sợ và đáng ghét. Đôi mắt chú thay vì long lanh sữa trẻ, rồi chỉ còn lộ rõ tình trạng đói ăn. Trong những điều kiện ấy, phải già dặn chịu đựng, biết học hỏi ít nhiều để hiểu được người đời, không thì ngủ bạ ở nơi bẩn và chó nó đái, tha hồ chịu ướt. Nhưng ta có ý nghĩ là chú mày chẳng phải kéo dài cuộc đời vất vả đâu. Chú có đôi bàn tay quá tinh tế, những lọn tóc rất đẹp, chú chẳng phải kéo lê chân mòn gót lâu đâu, cuộc sống của chú rồi sẽ dễ chịu hơn, có tổ ấm bên một người vợ hoặc sống có ăn ở một trong những tu viện nhỏ nào đó hay một văn phòng ấm áp. Chú cũng sẽ mặc đẹp, được người ta coi là một nhân vật hào hoa phong nhã”.
Miệng cười toe toét, hắn vuốt tay vào áo quần Goldmund; cậu cảm thấy hắn dò từng đường may và lần tay sục vào từng chiếc túi. Cố lách ra, cậu nghĩ đến đồng tiền vàng của mình. Cậu nói chuyện với hắn về hồi cậu sống ở nhà vị hiệp sĩ, kể lại nhờ cậu biết viết bằng tiếng Latinh nên được chủ nhà sắm cho bộ cánh ay.Nhưng Victor muốn biết vì sao cậu lại ra đi khỏi một môi trường tốt đẹp rồi bỏ một tổ ấm như vậy vào giữa mùa đông khắc nghiệt… Goldmund không có thói quen nói dối, để lộ cho hắn biết đôi nét về cuộc phiêu lưu của mình với hai cô con gái vị hiệp sĩ. Vì vậy mà lần đầu xảy ra cuộc gây gổ giữa hai bạn. Victor cho rằng Goldmund bỏ trốn ra đi như thế thật ngốc, chẳng khác nào một con lừa, sao lại phó mặc cho Chúa bảo vệ toà lâu đài và hai cô gái trẻ ở đó. Theo hắn thì phải sửa lại chuyện ấy, cứ để hắn lo cho. Hai người sẽ quay trở về từ lâu đài, đương nhiên Goldmund không ra mặt, nhưng cứ để mặc hắn hành động. Hắn từng viết một bức thư cho Lydia, kể lể thế này thế khác, rồi hắn mò đến lâu đài. Bằng các thương tích của Chúa Kito, hắn sẽ mang về tiến bạc và các của cải đáng giá khác, v.v… Goldmund chống lại và cuối cùng nổi giận. Cậu tuyên bố không chịu nghe một lời nào nữa về chuyện ấy, từ chối cho biết tên vị hiệp sĩ và chỉ đường dẫn đến nhà ông ta.
Nhìn cậu nổi giận, Victor cả cười, làm ra vẻ khoan dung:
– Tuyệt! Đừng có vì chuyện không đáng gì mà bẽ gãy răng mình! Tôi chỉ bảo với chú, đừng bỏ lỡ một cơ hội tốt cho cả hai chúng ta. Chú em à! Hoặc hãy lên ngựa về dinh và cưới cô gái làm vợ! Hoặc chúng ta tiếp tục đi, để hứng chịu giá lạnh.
Cho đến chiều tối, Goldmund vẫn buồn bực và lặng im. Nhưng vì hôm ấy họ không gặp được lấy một người hoặc một ngôi nhà nào, cậu đành để cho Victor tìm một nơi tiện ngủ lại ban đêm: họ làm một cái chòi tựa lưng vào giữa hai thân cây và lấy các cành lãnh sam xếp thành một chiếc ổ để ngả lưng… Hai người cùng ăn bánh mì với phó mát lấy ra từ cái túi chứa đầy của Victor. Goldmund xấu hổ vì đã nổi giận, tỏ ra dễ mến và đon đả, nhường cho anh bạn mặc chiếc gilê len để ngủ cho đủ ấm. Và họ đồng ý phân công thay đổi nhau gác đêm để phòng thú dữ, Goldmund nhận canh đợt đầu để Victor được ngủ yên. Rất lâu cậu tựa vào thân cây lãnh sam. Lặng yên để không cản trở anh bạn ngon giấc. Rét quá, cậu đi lại ngang dọc, bước ra xa ở bên phải và bên trái, nhìn lên các ngọn cây lãnh sam chọc trên nền trời xám xịt; hơi lo âu trong sự bình yên sâu lắng ấy, cậu thấy thấm thía cái giá rét của đêm đông con tim ấm áp và sống động hoà nhịp trong bầu không khí lặng lẽ giá rét không gây ra một tiếng động nào, cậu về lại hai chiếc ổ rơm nằm, nghe hơi thở của anh bạn mình đang ngủ. Sâu sắc hơn bao giờ hết, cậu cảm thấy bị xâm chiếm bởi tâm trạng sống vô gia cư, không có lấy một mảng tường dù là của một ngôi nhà, một lâu dài hay một tu viện, mãi khắc khoải đi rông trần trụi và cô độc trong một thế giới không sao có thể hiểu được và đối nghịch, một mình dưới sự chế giễu của những ngôi sao, lạnh lẽo, giữa lũ hoang thú luôn rình mồi, lẫn vơi các cây cối không động đậy và kiên gan. “Không – cậu tự nhủ không bao giờ mình sẽ trở thành như Victor cho dù có phải đi lang thang suốt đời. Cứ kiểu tự vệ trong khi nổi da gà ấy, mình sẽ không học làm gì, cũng như cái nghệ thuật đi săn với các thủ đoạn của kẻ trộm, và càng không cái cung cách ồn ào, trơ tráo và lối nói năng hóm hỉnh, khoác lác ồn ào ấy.Con người lém lỉnh và gan dạ ấy có thể có lý, nhưng mình sẽ không bao giờ đồng trang đồng lứa với anh ta, không bao giờ trở thành một kẻ lang thang thực sự. Và có ngày nào mình lẩn sau một bức tường nào đó, mình vẫn không vì thế mà sống với cung cách một kẻ không nhà và không mục đích, không bao giờ mình cảm thấy không có sức tự vệ và sự an toàn, không bao giờ mình để bị bủa vay giữa một thế giới tốt đẹp và độc ác đến bí ẩn. Luôn luôn phải lắng tai nghe sự lặng yên ấy, giữa nơi đó trái tim con người hằng thấp thỏm và bao mong manh. Người ta chỉ có thể phân biệt mấy vì sao, trời lặng gió nhưng trên nền trời thăm thẳm, các đám mây dường như vẫn không yên…”
Một thời gian lâu, Victor mới thức giấc. Goldmund không định gọi anh ta, bỗng nghe y bảo:
– Nào lại đây. Chú phải ngủ chứ không thì ngày mai chẳng làm được gì đâu.
Goldmund nghe theo, ngả người trên chiếc ổ lãnh sam, nhắm mắt lại.Cậu khá mệt mỏi, nhưng vẫn không ngủ được các ý nghĩ trong đầu làm cho cậu tỉnh táo, ngoài ra còn có một tình cảm cậu không hề tự thú với mình, một nỗi lo âu và nghi ngờ liên quan đến anh bạn đồng hành cứ khiến cậu day dứt. Giờ đây cậu thấy khó hiểu tại sao mình lại đem chuyện với Lydia nói với con người thô lỗ hay cười cợt chẳng chút đứng đắn, với kẻ ăn xin xấc láo ấy. Cậu giận hắn và giận mình cứ suy nghĩ miên man, lo lắng tìm cách và cơ hội tốt nhất để tách rời khỏi hắn. Cậu đang thiu thiu ngủ bỗng giật mình, cảm thấy các bàn tay của Victor đang sờ mó khắp nơi trên áo quần mình một cách rất thận trọng. Trong một chiếc túi kia, là đồng tiền vàng. Cậu làm như mình vẫn đang ngủ say, trăn trở bên này và bên kia, duỗi thẳng các cánh tay. Victor không lục lọi nữa Goldmund nén giận, quyết định sáng mai sẽ chia tay với hắn!
Nhưng chừng nửa giờ sau, Victor lại sấn đến chồm trên người cậu và lại lục lọi Goldmund lạnh run vì tức giận. Không động đậy, cậu mở mắt và bảo hắn với giọng khinh bỉ:
– Đi đi, chẳng có gì ở đây mà ăn cắp!
Trong cơn sợ sệt, tên kẻ trộm nghe rất rõ, liền đưa hai tay bóp cổ Goldmund. Cậu ra sức tự vệ và chồm dậy, hắn càng siết chặt hơn đồng thời húc đầu gối vào ngực cậu. Nghẹt thở, cậu quẫy mạnh cả cơ thể mình mà vẫn không thoát ra được và bỗng cảm thấy lo ngại vì sắp chết mất. Chính trong lúc ấy, cậu trở nên sáng suốt hơn để tìm cách đối phó. Trong khi tên vô lại vẫn ra sức bóp cổ cậu Goldmund đưa tay vào túi rút ra con dao đi săn và bất thần đâm túi bụi vào người hắn đang đè trên mình cậu. Một lúc sau, Victor buông tay; cậu hít mạnh không khí vào lồng ngực. Biết mình đã thoát chết và vẫn sống, Goldmund cố ngồi dậy. Thân hình to lớn của Victor đổ lên người cậu mềm nhũn, tiếng thở ra nghe dễ sợ, và máu chảy trên mặt cậu. Bấy giờ Goldmund mới ngồi lên được. Lờ mờ trong bóng đêm, cậu trông thấy tên vô lại nằm đó ở nơi hắn bị hạ. Khi lần tay lên người hắn, cậu chỉ thấy máu và máu, cậu dựng đầu hắn lên, chiếc đầu liền đổ xuống mềm nhũn, nặng nề như một cái túi. Từ ngực và cổ hắn, máu chảy ra từng giọt. Mồm hắn hắt ra những hơi thở yếu dần, sự sống đang lìa khỏi hắn.
“Này đây tôi đã giết chết một con người!” Goldmund tự bảo và luôn mồm nhắc lại, quì gối lên người chết, nhìn màu da tái xanh lan ra trên bộ mặt hắn!. Ôi Đức Mẹ lòng lành của Chúa, này đây con đã giết người, “cậu lại nghe tiếng nói của bản thân mình”.
Bỗng nhiên cậu hiểu mình không còn có thể ở đó nữa. Nhặt con dao lên cậu lau vào chiếc áo gilê của kẻ đã chết, chiếc áo do các bàn tay của Lydia đã tặng cho cậu, người mà nàng yêu dấu. Đặt dao vào chiếc vỏ gỗ về bỏ vào túi, cậu đứng lên rồi gắng gượng trốn chạy.
Cái chết của anh bạn đường đè nặng lòng cậu. Khi trời sáng hẳn bằng bao nhiêu vóc tuyết, vết máu vẫn loang lổ trên người mình. Lo âu và không có mục đích, cậu tiếp tục đi lang thang suốt một ngày, một đêm. Cơ thể cậu suy kiệt rốt cuộc đã kéo cậu ra khỏi tình trạng đờ đẫn và xua tan mọi nỗi ân hận canh cánh trong lòng.
Lạc lõng giữa không gian mênh mông đầy tuyết, không nhà, không phương hướng hầu như không ngủ, cậu vô cùng khốn khổ. Như một con thú hoang, cái đói cào xé cơ thể cậu. Bao lần cậu nằm vật xuống giữa ruộng, nhắm nghiền mắt, tưởng mình thất lạc, hễ còn muốn ngủ và chết trong tuyết. Nhưng một sức mạnh lại luôn dựng cậu dậy. Trong niềm thất vọng, trong ước muốn cháy bỏng được cứu rỗi, cậu cứ bước tới để giải thoát cuộc sống của mình, giữa trong tâm trạng cô quạnh ê chề, trong tình trạng điên cuồng quyết nổi dậy chống lại cái chết, sức mạnh từ bản năng sinh tồn sơ đẳng của cậu động viên khuyến khích cậu rất quyết tâm và say sưa. Trong một bụi cây bách xà phủ tuyết, với hai bàn tay rét cóng và bầm tím, cậu hái được mấy quả nhỏ khô cứng, bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến lẫn với gai lãnh sam, cố hít lấy ít nước chát và chua, chẳng chút hấp dẫn. Cùng với món ăn như thể có gia vị và có chất kích thích ấy, cậu nuốt từng vốc tuyết cho đã khát. Thở dốc, cậu ngồi xuống bên một sườn đồi để lấy lại sức, chống đỡ bằng hai bàn tay mỏi muốn chết, trong khi giương cặp mắt long lanh và thèm thuồng quan sát khắp chung quanh: Đâu đâu cũng là những vùng đất và những khu rừng, không hề có dấu hiệu của dân cư. Trên đầu cậu lũ quạ quần đảo, cậu nhìn theo chúng đầy ái cảm. Không, cậu sẽ không làm mồi cho chúng, chừng nào cậu còn có sức đứng được trên đôi chân mình, và trong máu vẫn còn một tia nóng ấm… Cậu lại đứng lên và bước tới, trong cuộc chạy đua khắc nghiệt chống lại cái chết. Cậu chạy, gắng sức chạy trong khi cơn sốt hành hạ cậu đến kiệt quệ và bao ý nghĩ kỳ lạ xâm chiếm tâm tư cậu. Lúc thì cao giọng, lúc thì rủ rỉ, cậu trao đổi với bản thân mình những câu chuyện điên rồ. Cậu nói với Victor, kẻ đã bị giết hại với một giọng nghiêm khắc và mỉa mai: “Thế nào, hở ông bạn già tinh quái, cũng được bình thường chứ? Anh trăng có chiếu sáng tận ruột gan ông bạn không? Lũ chồn có kéo tai ông không? Ông tưởng hại được một con chó sói. Ông cắn vào cổ người ta, giật cho đứt đuôi người ta? Ông muốn cướp lấy đồng tiền vàng của tôi, tên vô lại cáo già, nhưng mà Goldmund bé con, hắn dành cho ông một dịp để ngạc nhiên, phải không? Hắn cù vào sườn ông. Vậy mà các túi của ông vẫn còn đầy bánh mì, xúc xích, pho mát, cái đồ con lợn, giá áo túi cơm! “Giữa những cơn ho sặc sụa cậu tuon ra những lời căm giận và rủa sả ấy. Cậu nguyền rủa cái chết, cậu chiến thắng nó. Cậu mỉa mai tên ngớ ngẩn, tên khoác lác, đã hứng lấy sự mất mạng.
Rồi qua các ý nghĩ, các cuộc độc thoại, cậu chẳng còn gì nữa để nói với anh chàng Victor cao to và khốn khổ. Giờ đây cậu trông thấy trước mặt mình cô bé Julie xinh đẹp, đúng là hình ảnh hôm nàng chia tay cậu vào đêm đáng ghi nhớ ấy. Bằng hàng ngàn những từ yêu dấu, những lời chiều chuộng điên rồ và trơ trẽn, cậu cố kích thích nàng đến với mình, chiều lòng cởi chiếc áo sơmi, cùng chàng thụ hưởng niềm hạnh phúc thiêng liêng một tiếng đồng hồ trước khi chết hoặc chỉ lấy một giây trước khi vỡ tung đáng thương. Với một giọng nói van lơn mà khiêu khích, chàng thỏ thẻ với các bầu vú thon thả căng tròn của nàng, với cái bắp vế, các lọn tóc xoã trên đôi bờ vai nàng.
Rồi vừa đi lon ton trên đôi chân đỡ đần và loạng choạng qua đám rừng khô đầy tuyết, vừa được khích lệ bởi ý chí bùng cháy muốn sống, say sưa đau đớn, cậu lại thì thầm, bây giờ thì chuyện trò với Narcisse, gởi gắm với anh bạn thân thiết các ý tứ mới mẻ, sự minh triết và thái độ khinh thị của cậu.
“Narcisse, anh có sợ không? – Cậu bắt đầu- Anh không nổi da gà, không để ý thấy gì cả sao? Vâng anh bạn tôn kính của em, thế giới này đang bị cái chết ám, khắp nơi đang bị cái chết ám, có một bộ xương ngồi ở mỗi bờ tường xung quanh, ẩn sau mỗi thân cây. Vì vậy, anh đừng xây tường và các phòng ngủ, các nhà thờ riêng và các nhà thờ làm gì; nó liếc mắt nhìn qua cửa sổ, nó cười, anh bạn ạ! Về mỗi người các anh, nó biết không hề có điều nào khả dĩ sai xót; đang đêm, các anh nghe nó cười khẩy dưới cái cửa sổ của các anh và đọc tên mỗi người. Các anh vẫn có thể luôn tụng các bài thánh vịnh, thành kính đốt lên các ngọn nến trước bàn thờ, và đọc các bài kinh chiều, sáng các anh có thể thu gom các loại cỏ trong phòng thí nghiệm và các quyển sách cũ ở các thư viện! Anh bạn ơi, anh có nhịn ăn, bỏ giấc ngủ không? Làm như vậy, rất tốt, cho anh! Bạn ơi! Cái chết, nó cướp đi của bạn tất cả, cho đến các đốt xương! Chạy đi, bạn thân yêu, chạy đi; trong cánh đồng đằng kia, cô bạn ấy đang chạy và đánh số chính xác mỗi đốt xương của bạn, chúng sẽ tung đi bốn phương, chúng không muốn ở lại với chúng ta. Ôi! Nhưng đốt xương khốn khổ, chiếc cổ họng khốn khổ, chiếc dạ dày khốn khổ, từng mẩu khốn khổ của bộ não trong hộp sọ chúng ta! Tất cả đều muốn trốn chạy, tất cả muốn ra đi với lũ quỷ và bầy quạ đang ở đó trên cây!”
Đã lâu rồi con người điên rồ khốn khổ ấy không biết đi đâu, không biết mình ở đâu, mình nói gì, mình đang nằm hay đang đứng. Cậu xô dạt vào các bụi cây, húc đầu vào các thân cây, ngã súi trong những đống tuyết và giữa những đám gai chà vỡ đầy lòng các bàn tay. Nhưng trong cậu bản năng sinh tồn vẫn mạnh mẽ, cậu luôn kéo nó bước tới phía trước, luôn thúc nó lại lên đường trong cuộc trốn chạy mù quáng. Đến lần cuối cùng, cậu giãy giụa và nằm trên nền đất, đó cũng là ở cái làng nhỏ ấy, nơi cách đây mấy hôm cậu đã gặp chú học sinh đi lang thang, nơi cậu đã cầm cây thuốc có chất nhựa chúng sáng trên mình người phụ nữ đang sanh con. Cậu nằm trên nền đất, người ta chạy đến, đứng vây quanh cậu, đưa ra cái ý nghĩ này khác nhưng cậu không nghe được nữa. Người phụ nữ hôm ấy đã dâng hiến tình yêu cho cậu nhận ra cậu, nàng lạnh cả người lúc nhìn thấy cậu nàng thấy thương hại, để mặc cho anh chàng cau có kéo lết cậu về chuồng bò trong trạng thái dở chết.
Ở đó không lâu, Goldmund lại lên đường, tiếp tục cuộc sống lang thang. Hơi ấm trong chuồng bò, giấc ngủ thiếp và bát sữa dê do người phụ nữ trao cho cậu uống giúp cậu tỉnh lại và lấy lại sức lực. Chỉ có điều các sự kiện gần đây đều mờ nhạt, xoá nhoà trong xa xôi, như thể thời gian đã trôi qua lâu rồi. Cuộc hành trình với anh bạn đường Victor, cái đêm mưa dông giá rét dễ sợ dưới rừng lãnh sam, cuộc đấu tranh khủng khiếp trên chiếc ổ trọ đêm, cái chết đáng sợ của người bạn đường, những ngày và những đêm sống trong băng tuyết, tình trạng đói lả, đi lạc đường, tất cả điều đã thuộc về dĩ vãng – Hầu như cậu đã quên tất. Tuy vậy, đâu phải là quên, đó chỉ là một trận thử thách đã vượt qua, đã trôi qua. Từ những chuyện ấy vẫn còn điều gì đó, một cái gì không thể hiểu được, dễ sợ nhưng cũng rất quí và đã chôn sâu trong lòng cậu, tuy nhiên đâu có dễ gì quên, nó là một sự từng trải, một mùi vị trên đầu lưỡi, một vòng tròn quanh trái tim cậu. Trải qua gần hai năm, cậu đánh mất đi cái niềm vui và nỗi đau trong cuộc sống của những kẻ vô gia cư: Nỗi niềm cô đơn, sự tự do, đôi tai luôn lo âu nghe ngóng trong rừng giữa những bầy thú dữ, các cuộc tình thoáng qua và không chung thuỷ, tình trạng suy sụp chết lặng trong bao nỗi xót xa. Đã bao ngày, cậu là khách bộ hành trên cánh đồng nắng gắt, bao ngày và bao tuần lễ lội tuyết băng rừng, không ngớt lo âu trước sự chết chóc và kề bên cái chết. Và trong tất cả những điều ấy, có một tình cảm mạnh nhất và kỳ lạ hơn cả, cái ý thức tự vệ chống lại sự chết chóc, tự biết mình nhỏ bé. Khốn khổ và bị uy hiếp, thế nhưng trong cuộc chiến đấu tối cao vô vọng chống lại cái chết, vẫn cảm thấy ở mình có được sức mạnh bền bỉ của sự sống. Tình cảm ấy cứ tiếp tục rung động trong người cậu, khắc hoạ trong tim cậu cũng như các cử chỉ và các biểu hiện khoái cảm rất giống với của các bà đang sanh con và những người hấp hối. Hôm trước là người sản phụ đã thét lên và co giật trong cơn sinh nở của chị ta. Hôm trước, là Victor trong khi người hắn đổ xuống giàn giụa máu quá nhanh chóng trong im lặng. Và bản thân cậu, như cậu đã cảm nhận trong những hôm bụng đói cồn cào cái chết rình rập quanh cậu, cái đói đã hành hạ cậu, và cậu giá lạnh, rét cóng bao nhiêu! Và qua cuộc đấu tranh của mình cậu kề cận với cái chết, và lo âu và đã có chút thú vị chua chát thế nào trong khi tự vệ! Sau đó, cậu có ấn tượng rất rõ, sự thực chẳng có gì lớn lắm để học từ cuộc sống. Có thể là với Narcisse, cậu có thể trao đổi về điều ấy, ngoại dư với bất cứ ai đều không được.
Khi Goldmund hoàn toàn tỉnh táo trở lại trong chiếc ổ rơm, đồng tiền vàng ở trong túi cậu không còn nữa. Trong cuộc chạy hầu như không có ý thức, trong cơn chóng mặt hôm đói lả vừa rồi có phải cậu đã đánh mất? Hồi lâu, cậu cứ nghĩ mãi, cố nhớ lại. Đồng tiền vàng ấy thân thiết với cậu lắm, cậu không để đánh mất nó. Thực ra bạc tiền đối với cậu không có ý nghĩa gì mấy, cậu không biết giá trị của nó. Nhưng đồng vàng ấy có giá đối với cậu vì hai lẽ: Đó là món quà duy nhất của Lydia còn lại với cậu, vì chiếc áo gilê bằng len Victor vẫn mặc, còn ở trong rừng nhuốm đầy máu. Lại nữa, cậu không muốn để đoạt mất, chính vì đồng tiền vàng ấy, vì nó cậu đã tự vệ, vì nó cậu đã giết người trong khi gặp phải nguy biến đến tuyệt vọng. Nếu nay mất đồng tiền vàng nọ, thì ra cuộc phiêu lưu trong đêm hãi hùng ấy mất cả ý nghĩa và giá trị của nó. Sau khi suy nghĩ kỹ hồi lâu, cậu bèn hỏi riêng cô thôn nữ:
– Christine, – Cậu thầm thì -, anh có một đồng tiền vàng trong túi áo, bây giờ, nó không còn nữa.
– Ủa, anh thấy rồi chứ? – Nàng hỏi lại với một nụ cười vừa âu yếm vừa có vẻ xảo quyệt. Cậu rất vui nên mặc dù còn yếu sức, cậu liền siết chặt cánh tay nàng.
– Anh làm ra vẻ một cậu bé láu lỉnh đến kỳ lạ -, nàng nói thêm, rất dễ thương -, lém và tinh, và cũng rất ngốc! Liệu người ta có chạy rông trong thiên hạ với một đồng tiền vàng, trong túi thậm chí để hở? Ôi! Anh mới ngốc nghếch làm sao! Cậu bé điên rồ của em! Em đã tìm thấy nó, đồng tiền vàng của anh ngay khi anh nằm với em trong ổ rơm!
– Em giữ nó sao? Bây giờ nó ở đâu?
– Anh tìm lấy. – Nàng đáp lại và cười vang, để cho cậu lục tìm một chặp trước khi chỉ có cậu biết nàng đã khâu chặt đồng tiền trong gấu áo cậu. Nàng còn góp thêm với cậu nhiều lời khuyên như mẹ với con, còn cậu thì quên ngay. Nhưng về sự giúp đỡ âu yếm ấy và nụ cười tinh nghịch, tốt bụng trên bộ mặt cô gái nông thôn thì cậu không bao giờ quên. Cậu làm tất cả những gì có thể làm được để tỏ lòng biết ơn của mình. Ít lâu sau đó, cậu trở lại vững chắc hơn để lại ra đi, và khi cậu tỏ ý muốn lại lên đường, nàng giữ cậu lại. Bởi vì những ngày ấy trăng lặn sớm và chắc chắn thời tiết sẽ dễ chịu hơn. Thì cậu nán lại. Hôm cậu lại ra đi, tuyết rơi giăng giăng một màu xám xịt; còn tệ hơn không khí nặng nề và ẩm ướt, trên trời nghe có tiếng gió hú báo hiệu đến lúc tuyết tan.