Walter không nói gì nhưng không khó để nhận ra rằng hắn đang mỗi ngày một nản. Giải thích cho hắn hiểu công việc của tôi cũng không tưởng giống như hy vọng dạy cho hắn nói tiếng Trung Quốc chỉ trong vài ngày vậy. Ngành thiên văn học, ngành vũ trụ luận nghiên cứu các không gian rộng lớn đến nỗi những đơn vị được sử dụng để đo đạc trên trái đất như thời gian, vận tốc, khoảng cách đều trở nên vô hiệu. Người ta đã phải sáng tạo ra những đơn vị khác, bội số của bội số, các phương trình phức hợp. Ngành khoa học của chúng ta chỉ được tạo nên từ những sác xuất và những sự không chắc chắn, bởi vì chúng ta đang dò dẫm tiến lên, không thể hình dung ra những giới hạn thực sự của Vũ trụ này, vũ trụ mà chúng ta chính là một phần trong đó.
Từ hai tuần nay, tôi không thể trình bày trọn vẹn được câu nào mà tránh được chuyện Walter nhăn nhó khó chịu khi nghe thấy một thuật ngữ hắn không hiểu ý nghĩa, một lập luận vượt quá tầm hiểu biết của hắn.
– Walter, một lần cho xong nhé, Vũ trụ này phẳng hay không?
– Cong, hẳn nhiên là thế. Rốt cuộc, nếu tôi hiểu đúng câu nói của anh, Vũ trụ sẽ vận động thường xuyên và nó sẽ giãn nở như một mảnh vải bị kéo căng, kéo theo những thiên hà vốn được gắn với những sợi thớ của nó.
– Nói như thế hơi giản lược một chút nhưng đó là một cách thâu tóm lý thuyết về Vũ trụ theo chủ nghĩa bành trướng.
Walter đưa hai tay ôm đầu. Vào giờ tối muộn, phòng đọc của thư viện vắng tanh vắng ngắt. Chỉ hai bàn chúng tôi đang ngồi là còn sáng đèn.
– Adrian này, tôi chỉ là một người quản ý tầm thường, nhưng dẫu sao chăng nữa, cuộc sống thường nhật của tôi vẫn diễn ra bên trong Học viện khoa học. Thế mà tôi vẫn không hiểu gì về những điều anh đang nói với tôi.
Tôi nhận thấy trên mặt bàn gần đó có một cuốn tạp chí hẳn là người đoc nào đó đã quên cất lên giá. Chiếm trọn trang bìa là một khung cảnh tuyệt đẹp của vùng Devon.
– Tôi nghĩ mình đã nảy ra một ý để làm rõ vấn đề với anh đây, tôi nói với Walter.
– Tôi đang lắng nghe anh đây?
– Anh nghe tôi như thế là đủ rồi và tôi đã tìm ra thứ hiệu quả hơn từ ngữ để dạy cho anh một vài khái niệm cơ bản về vũ trụ. Giờ là lúc chuyển từ lý thuyết sang thực hành. Đi theo tôi nào!
Tôi cầm tay kẻ đồng hội đồng thuyền của mình là lôi đi và chúng tôi cùng băng qua đại sảnh của thư viện bằng những bước chân cả quyết. Ra tới phố, tôi vẫy một chiếc taxi và yêu cầu tài xế chở chúng tôi về nhà riêng của tôi càng nhanh càng tốt. Tới nơi, lần này tôi không dẫn Walter về phía cửa ra vào nhà tôi, mà dẫn hắn về phía cửa ra vào của một gian nhỏ kế bên.
– Đằng sau tấm cửa nhôm cuốn này là một phòng đánh bạc bất hợp pháp hay sao? Walter hỏi tôi với ánh mắt giễu cợt.
– Xin lỗi vì đã làm anh thất vọng, đó chỉ là một ga ra, tôi vừa đáp vừa nâng cánh cửa lật lên.
Walter buột ra một tiếng rít. Mặc dù có kích thước nhỏ hơn một chiếc xe khách hiện đại nhưng chiếc MG đời 1962 cũ của tôi vẫn thường gây ra một kiểu phản ứng như vậy.
– Chúng ta đi dạo hả? Walter hào hứng hỏi.
– Nếu như nó muốn khởi động, tôi nói rồi xoay chìa khóa điện.
Một vài cú tăng tốc và động cơ kêu vù vù gần như một phần tư vòng.
– Ngồi lên đi và đừng có tìm thắt lưng an toàn của anh làm gì, không có thứ đó đâu!
Nửa tiếng sau, chúng tôi rời khỏi ngoại vi Luân Đôn.
– Chúng ta đang đi đâu thế? Walter vừa hỏi vừa cố chế ngự lọn tóc bất trị duy nhất mà hắn vẫn sở hữu trên trán.
– Đến bờ biển, ba tiếng nữa chúng ta sẽ tới nơi.
Và trong khi chúng tôi phi hết tốc lực dưới một bầu trời đầy sao đẹp đẽ, tôi nghĩ đến cao nguyên Atacama nơi tôi không ngừng mơ được quay trở lại và cùng lúc nhận ra rằng mình đã nhớ nước Anh nhường nào khi còn ở dưới đó.
– Anh đã làm thế nào để kỳ quan nhỏ bé này giữ được một hình dạng như thế sau khi đã bỏ mặc nó trong ga ra suốt ba năm trời?
– Tôi đã gửi nó cho một người thợ máy trong thời gian đi vắng và tôi vừa mới lấy nó về.
– Anh ta đã chăm sóc nó tốt đấy, Walter tiếp. Anh không có cái kéo nào trong hộc đựng đồ vặt đấy chứ?
– Không có, để làm gì thế?
– Chẳng để làm gì cả! Walter đáp và đưa tay vuốt qua đầu.
Đến nửa đêm chúng tôi đã vượt qua Cambridge và hai tiếng sau thì tới đích. Tôi đỗ chiếc MG dọc theo bờ biển Sheringham và yêu cầu Walter đi theo tôi đến tận sát bờ biển rồi ngồi trên cát.
– Chúng ta vượt cả quãng đường dài như vậy chỉ để xây lâu đài cát thôi sao? Hắn hỏi.
– Nếu trái tim mách bảo anh như vậy, tôi không có gì phản đối cả nhưng đó không phải mục đích của chuyến thăm này.
– Tiếc quá!
– Anh đang nhìn thấy gì hả Walter?
– Cát!
– Hãy ngước mắt lên và nói cho tôi biết cái anh đang nhìn thấy?
– Biển, anh còn muốn tôi nhìn thấy gì khác ngoài bờ biển nữa nào?
– Ở chân trời anh nhìn thấy gì?
– Hoàn toàn chẳng có gì hết, trời đang tối đen như mực cơ mà!
– Anh không nhìn thấy ánh sáng của ngọn hải đăng ở lối vào cảng Kristiansand ư?
– Ngoài khơi vùng biển này có một hòn đảo ư? Tôi không nhớ ra.
– Kristiansand thuộc lãnh thổ Na Uy kìa Walter.
– Anh nực cười thật đấy, Adrian, thị lực của tôi tốt đấy nhưng từ đây mà nhìn thấy bờ biển Na Uy thì đúng thật là! Anh không muốn tôi tả chi tiết cho anh nghe màu sắc túp len trên chiếc mũ bê rê của người gác ngọn hải đăng mà anh vừa nhắc đấy chứ!
– Kristiansand chỉ cách đây bảy trăm ba mươi cây số. Lúc này đang là nửa đêm, ánh sáng truyền đi với vận tốc 299 792 kilômét trên giây, ánh sáng của ngọn hải đăng này chỉ mất có hai rưỡi phần nghìn giây để đến với chúng ta.
– Anh đã tính rất chuẩn khi không quên phần rưỡi đó, tôi có lẽ đã đánh mất dòng suy luận của anh rồi thì phải!
– Nhưng anh không nhìn thấy ánh sáng của ngọn hải đăng Kristiansand hả?
– Anh thì nhìn thấy? Walter lo lắng hỏi.
– Không, không ai nhìn thấy nó được. Thế mà nó vẫn cứ ở đó, ngay đằng trước chúng ta, bị che giấu bởi độ cong của Trái đất, như đằng sau một ngọn đồi vô hình vậy.
– Adrian, anh đang giải thích với tôi rằng chúng ta đã chạy xe suốt ba trăm cây số để kiểm chứng bằng thị giác là tôi không thể nhìn thấy đèn pha của ngọn hải đăng Kristiansand bên Na Uy từ bờ biển phía Đông của nước Anh vô cùng yêu mến của chúng ta đấy hả? Nếu quả là vậy, tôi hứa với anh rằng tôi có lẽ đã tin vào lời nói của anh nếu anh chịu khó gợi ý cho tôi chuyện này từ ban nãy ở thư viện.
– Anh đã hỏi tôi chuyện hiểu Vũ trụ có dạng cong thì có quan trọng gì, và câu trả lời đang ở phía trước anh đó, Walter. Nếu trên mặt biển này đang trôi nổi từ dặm này sang dặm khác hằng hà sa số những vật phản chiếu anh nhìn thấy tất cả chúng đều được soi sáng bởi ánh sáng phát ra từ ngọn hải đăng Kristiansand, tuy thế lại không bao giờ nhìn thấy chính ngọn hải đăng này; nhưng với thật nhiều kiên nhẫn và phép tính anh sẽ đoán được rằng nó đang tồn tại và cuối cùng cũng tìm ra được vị trí chính xác của nó.
Walter nhìn tôi như thể tôi vừa bất thần lên cơn. Miệng hắn vẫn há hốc rồi ngả dần người ra sau để dò xét kỹ càng vòm trời chi chít sao.
– Rồi! hắn rốt cuộc cũng thốt lên sau một hồi lâu ngẫm nghĩ. Nếu tôi hiểu đúng, những ngôi sao mà chúng ta đang nhìn thấy phía bên kia vẫn thuộc về sườn đồi bên này. Và ngôi sao mà anh đang tìm kiếm hiển nhiên nằm ở sườn đồi bên kia.
– Không có gì đảm bảo rằng chỉ có một ngọn đồi duy nhất, Walter ạ.
– Anh ám chỉ rằng không chỉ bằng lòng với hình dạng cong mà Vũ trụ của chúng ta còn chơi cả đàn ác coóc đê ông nữa chăng?
– Hoặc giả nó giống như một đại dương được bao trùm bởi những ngọn sóng cao ngất.
Walter đan hai tay đỡ lấy gáy rồi nín thinh trong vài giây.
– Trên đầu chúng ta có bao nhiêu ngôi sao nhỉ? Hắn hỏi với giọng của một đứa trẻ đang kinh ngạc đến thán phục.
– Với một bầu trời trong trẻo như thế này, anh có thể quan sát thấy năm nghìn ngôi sao gần chúng ta nhất.
– Nhiều đến thế ư? Walter hỏi với vẻ tư lự.
– Còn nhiều nữa cơ; nhưng bằng mắt thường chúng ta không thể nhìn từ đây quá một nghìn năm ánh sáng.
– Tôi không tin là lại có một khả năng quan sát tốt đến thế! Cô bạn gái của người gác ngọn hải đăng mà anh nhắc đến bên Na Uy có lợi khi không đi dạo trước cửa sổ trong bộ đồ lót!
– Đó không phải là sự thính nhạy về thị giác của anh vào cuộc đâu, Walter, một đám bụi vũ trụ che khuất đại đa số trong hàng trăm tỷ các ngôi sao đang tồn tại trong thiên hà của chúng ta.
– Bên trên chúng ta có tới hàng trăm tỷ ngôi sao hả?
– Nếu anh thực sự muốn chóng mặt, tôi có thể nói với anh rằng trong Vũ trụ này có nhiều trăm tỷ thiên hà. Dải ngân hà của chúng ta chỉ là một trong số chúng và mỗi dải ngân hà lại chứa đựng hàng trăm tỷ ngôi sao.
– Thật không thể hình dung nổi.
– Vậy thì hãy hình dung giả sử chúng ta đang đếm tất cả những hạt cát trên hành tinh này, chúng ta sẽ gần như đạt tới số sao khả dĩ chứa đựng bên trong Vũ trụ.
Walter đứng dậy, hắn cầm một nắm cát và để cát chảy thành dòng qua các kẽ tay. Trong một bầu không khí thinh lặng mà chỉ duy có tiếng sóng dồi khuấy động, chúng tôi lặng ngắm bầu tời, như hai thằng nhóc đang choáng ngợp trước khoảng không bao la này.
– Anh có tin là đâu đó trên kia tồn tại sự sống không? Hắn trầm giọng hỏi.
– Trăm tỷ thiên hà, mỗi thiên hà lại chứa đựng trăm tỷ ngôi sao và gần như chừng đó hệ mặt trời ư? Cái khả năng chúng ta chỉ có một mình là hầu như không tồn tại. Tôi không vì thế mà tin vào những người nhỏ bé màu xanh lục. Cuộc sống chắc chắn tồn tại, nhưng dưới những dạng thế nào? Từ vi khuẩn đơn bào cho đến những sinh vật có lẽ còn tiến hóa hơn trong trình tự tiến hóa mà chúng ta đang có. Ai mà biết được?
– Tôi ghen tị với anh đấy, Adrian.
– Anh ghen tị với tôi sao? Chính bầu trời đầy sao này bỗng nhiên khiến anh mơ về miền cao nguyên Chilê mà tôi vẫn nhắc anh đến nhàm cả tai hay sao?
– Không, tôi ghen tị với những mơ ước của anh. Cuộc sống của riêng tôi chỉ tạo nên bởi những con số, những khoản tiết kiệm vặt vãnh, những ngân sách bớt xén chỗ này một ít chỗ kia một ít, còn anh, anh sử dụng những con số sẽ nghiền chiếc máy tính của tôi thành bột, và những số vô hạn này tiếp tục khích lệ những giấc mơ thuở nhỏ trong anh. Thế nên tôi ghen tị với anh. Tôi sung sướng vì chúng ta đã tới đây. Chúng ta có giành được giải thưởng này hay không không quan trọng, tối nay tôi đã được rất nhiều. Và liệu anh có tìm ra cho chúng ta một nơi dễ thương để đi nghỉ dịp cuối tuần không, cho buổi học môn thiên văn sắp tới của tôi ấy?
Chúng tôi để nguyên hai cánh tay đan lại gối sau đầu, nằm dài trên bờ cát của bãi biển Sheringham đến tận bình minh.