Keira mở mắt và nhìn về phía cửa sổ. Những mái nhà sũng nước đang lấp lánh trong ánh sáng của một khoảng trời quang đãng. Nhà khảo cổ vươn người, đẩy tấm đắp ra rồi rời khỏi giường. Những ngăn tủ tường trong căn bếp nhỏ rỗng không, trừ một gói trà cô vừa tìm thấy trong một hộp kim loại cũ. Chiếc đồng hồ quả lắc nhỏ trên lò hiển thị 17h, đồng hồ treo tường lại hiển thị 11h15. Chiếc đồng hồ báo thức cũ kỹ để trên bàn đầu giường của cô chỉ 14h20. Cô vớ lấy điện thoại và gọi cho chị gái.
– Giờ là mấy giờ ạ?
– Chào Keira!
– Chào Jeanne, giờ là mấy giờ ạ?
– Gần 14h.
– Muộn đến thế rồi sao?
– Chị đã đến sân bay đón em từ tối hôm kia, Keira!
– Em đã ngủ ba mươi sáu tiếng đồng hồ ư?
– Chuyện đó còn tùy thuộc vào chuyện em ngủ lúc mấy giờ.
– Chị đang bận à?
– Chị đang ở văn phòng, trong viện bảo tàng, và chị đang làm việc. Đến kè Branly gặp chị nhé, chị sẽ dẫn em đi ăn trưa.
– Jeanne à?
Chị gái cô đã gác máy.
Lúc ra khỏi phòng tắm, Keira lục tung tủ quần áo trong phòng ngủ để tìm quần áo sạch. Quần áo trong hành lý của cô từ chuyến đi không còn lại gì, gió Shamal đã cuốn sạch. Cô lôi ra một chiếc quần jean cũ “nhưng trong vẫn ổn”, một chiếc áo sơ mi thể thao màu xanh da trời “rốt cuộc không đến nỗi quá xấu” và một chiếc vest cũ bằng da sẽ tăng thêm một chút ấn tượng “vintage” 1 cho dáng vẻ của cô. Mặc quần áo xong, cô lau khô tóc, trang điểm qua loa trước tấm gương nơi lối vào rồi khép cánh cửa ra vào căn hộ một phòng của mình lại. Ra đến phố rồi, cô ngồi lên một chiếc xe buýt và rẽ một lối đi đến tận cửa kính. Những biển hiệu cửa hàng, những vỉa hè đông đúc, những đám tắc đường… . bầu không khí sôi động của thủ đô khiến cô ngây ngất sau những tháng dài rời xa mọi thứ. Xuống khỏi xe buýt, nơi quá ngột ngạt so với sở thích của cô, Keira bước dọc theo bờ kè và dừng lại một lúc để ngắm dòng sông chảy trôi. Đây không phải đôi bờ của Omo, nhưng những cây cầu của Paris cũng vẫn vô cùng xinh đẹp.
Khi đến trước bảo tàng Nghệ thuật và Văn minh châu Phi, châu Á, châu Đại dương và châu Mỹ, cô bất ngờ khi nhìn thấy khu vườn thẳng đứng. Khi cô rời Paris công trình vẫn còn dang dở, hệ thực vật phong phú sắp bao phủ mặt tiền của bảo tàng giống như một kỳ tích kỹ thuật thực sự.
– Mê hồn nhỉ? Jeanne hỏi.
Keira giật nảy mình.
– Em không nhìn thấy chị đi tới.
– Chị thì có nhìn thấy em đấy, chị cô vừa đáp vừa chỉ khung cửa sổ phòng làm việc riêng của mình. Chị chờ em mãi. Đám cây cối này mọc nhanh ghê nhỉ?
– Nơi em vừa sống ấy, bọn em phải vất vả lắm mới làm cho rau mọc hàng ngày, vậy thì đám cây mọc dọc theo tường này… chị muốn em nói gì nào… ?
– Đừng có bắt đầu tỏ ra bướng bỉnh như thế. Đi theo chị nào.
Jeanne dẫn Keira và bên trong bảo tàng. Trên cao một mặt dốc, đi lên theo hình xoắn ốc như một dải ruy băng dài, khách tham quan sẽ khám phá ra một sân khấu rộng mênh mông gợi nên những khoảng không gian địa lý lớn là quê hương của ba nghìn năm trăm hiện vật được trưng bày. Là nơi giao thoa của các nền văn minh, các tín ngưỡng, các lối sống, các cách tư duy khác nhau, viện bảo tàng này cho phép đi từ châu Đại dương sang châu Á, từ châu Mỹ sang châu Phi chỉ bằng vài bước chân. Keira dừng sững lại trước một bộ sưu tập vải dệt của châu Phi.
– Nếu yêu thích nơi này, em cứ tha hồ quay trở lại đây thăm chị gái em, và chừng nào em còn muốn làm vậy, chị vẫn sẽ giúp em được miễn phí vé vào cửa. Giờ thì quên đất nước Êtiôpia của em đi hai giây và tới đây nào, Jeanne vừa nài nỉ vừa kéo tay Keira lôi đi.
Ngồi vào một bàn của nhà hàng có tầm nhìn toàn cảnh, Jeanne gọi hai tách trà bạc hà và bánh ngọt phương Đông.
– Dự định của em là thế nào? Jeanne hỏi. Em sẽ ở lại Paris ít lâu chứ?
– Nhiệm vụ lớn lao đầu tiên của em là một thất bại với toàn bộ vẻ huy hoàng của nó. Bọn em đã đánh mất các dụng cụ, nhóm công tác mà em đang điều hành sắp kiệt quệ đến nơi, trackrecord 2, như đám bạn người Anh của bọn em vẫn nói, không đến mức quá kinh khủng. Em hết sức nghi ngờ khả năng người ta tạo cơ hội cho em lại lên đường ngay lập tức.
– Theo chị biết thì những chuyện xảy ra ở đó đâu phải là lỗi của em.
– Em đang làm một công việc mà chỉ duy có thành quả là đáng kể. Ba năm làm việc mà không tìm ra được bất cứ thứ gì xác chứng… Em bị nhiều kẻ gièm pha hơn là ủng hộ. Việc đó thực đáng ghê tởm, bởi vì em dám chắc là bọn em đã ở rất gần đích. Nếu có thêm thời gian, bọn em cuối cùng sẽ tìm ra.
Keira im bặt. Một người phụ nữ gốc Somali, cô nghĩ vậy khi nhìn thấy những họa tiết trang trí và màu sắc của chiếc váy chị ta đang mặc, đến ngồi ngay bàn kế bên. Cậu bé đang nắm tay mẹ nhận thấy Keira đang quan sát mình liền nháy mắt với cô.
– Em sẽ dành bao nhiêu thời gian để đào xới đất cát nữa đây? Năm năm, mười năm hay cả đời?
– Được rồi, Jeanne, em nhớ chị nhiều lắm, nhưng không đủ để em chịu đựng những bài học chị cả đáng giá hai xu của chị, Keira đáp mà không thể rời mắt khỏi thằng bé đang ngốn ngấu một que kem.
– Em không muốn có con sao? Jeanne tiếp.
– Em xin chị đấy, đừng có lại bắt đầu với cái điệp khúc về đồng hồ sinh học của chị. Hãy giải phóng cho buồng trứng của chúng ta! Keira thốt lên.
– Đừng diễn cái trò quen thuộc của em trước mặt chị nữa đi, như thế sẽ giúp được chị đấy, chị làm việc ở đây mà, Jeanne thì thào. Em nghĩ là chuyện đó không liên quan đến em à, em nghĩ em có thể thách thức thời gian được sao?
– Em mặc xác tiếng tíc tắc phát ra từ chiếc đồng hồ đáng ghét của chị, Jeanne à, em không thể có con được.
Chị gái của Keira đặt lại tách trà lên bàn.
– Chị xin lỗi, chị thì thầm. Tại sao em không nói với chị sớm? Em bị làm sao?
– Chị cứ yên tâm, không có gì là di truyền cả.
– Tại sao em lại không thể có con? Jeanne gặng hỏi.
– Bởi vì em không có người đàn ông nào trong đời mình! Đó là một lý do hay đấy chứ, phải không? Được thôi, không phải là cách nói chuyện của chị tẻ ngắt đâu, mặc dù… nhưng em phải đi mua sắm đây. Tủ lạnh nhà em rỗng đến nỗi có thể nghe thấy tiếng vọng âm vang từ bên trong.
– Chẳng ích gì đâu, tối nay em sẽ ăn tối và ngủ ở nhà chị, Jeanne khẳng định.
– Nhân dịp gì thế?
– Bởi vì chị cũng chẳng còn người đàn ông nào trong đời cả và chị muốn gặp em.
Hai chị em bên nhau suốt quãng thời gian còn lại của buổi chiều. Jeanne tặng cho em gái một chuyến thăm qua bảo tàng có hướng dẫn viên đi kèm. Vì biết tình cảm Keira vẫn dành cho lục địa Phi, cô cố nài để giới thiệu cho em làm quen với một trong những người bạn nam giới đang làm việc tại Hội các nhà Phi châu học. Ivory trông như mới qua tuổi bảy mươi. Thực ra, ông nhiều tuổi hơn thế, có lẽ là hơn tám mươi, nhưng ông giữ bí mật về tuổi tác của mình như thể đó là một kho báu vậy. Hẳn là vì sợ người ta sẽ buộc ông phải về hưu, mà ông thì lại không muốn nghe nhắc tới chuyện đó chút nào.
Nhà dân tộc học tiếp đón hai vị khách nữ của mình trong văn phòng làm việc chật hẹp nằm ở cuối hành lang. Ông căn vặn Keira về những tháng cô vừa trải qua tại Êtiôpia. Bỗng nhiên, ánh mắt của ông lão nhìn hút theo vật trang sức cô đang đeo trên cổ.
– Cô mua được viên đá xinh xắn quá chừng này ở đâu vậy? ông hỏi.
– Tôi không mua, đó là một món quà.
– Người ta nói cho cô biết về gốc tích của nó rồi chứ?
– Không ạ, đây chỉ là một vật tầm thường, một cậu bé đã tìm thấy nó lẫn trong đất và tặng cho tôi. Tại sao thế ạ?
– Cô cho phép tôi nhìn tặng phẩm này gần hơn nhé? Thị lực của tôi không còn tinh tường như trước nữa rồi.
Keira vòng dây đeo qua đầu rồi đưa chiếc vòng cổ cho nhà bác học.
– Lạ quá, tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì dạng này. Tôi không thể nói cho cô biết bộ lạc nào đã tạo ra cho nó một bề ngoài này. Tác phẩm có vẻ vô cùng hoàn hảo.
– Tôi biết, tôi cũng đã tự mày mò tìm hiểu chuyện này mà. Nói thật với ông, tôi tin đây chỉ là một mẩu gỗ được gió và nước sông mài nhẵn.
– Có thể, người đàn ông khẽ thốt lên, ông dường như vẫn còn chưa tin vào giả thiết đó. Và nếu chúng ta thử tìm hiểu thêm chút nữa?
– Vâng, nếu ông muốn, Keira đáp vẻ lưỡng lự. Tôi không chắc kết quả thu được mang lại lợi ích gì to tát đâu.
– Có lẽ thế, ông lão nói, có lẽ không. Ngày mai hãy trở lại đây gặp tôi, ông vừa nói vừa trả lại chiếc vòng cổ cho chủ sở hữu, chúng ta sẽ thử cùng nhau trả lời cho câu hỏi này, ít ra là thế. Tôi rất vui được làm quen với cô. Cuối cùng tôi đã có thể hình dung gương mặt cô em gái mà Jeanne nhắc với tôi rất thường xuyên. Vậy thì hẹn ngày mai nhé? Ông nói thêm khi tiễn hai người họ đến tận cửa văn phòng.
Chú Thích
1 Chỉ những bộ quần áo cũ-thuộc về thời đại trước, thường rất đẹp và công phu. Từ vintage sau này đã được giới trẻ phương Tây cũng như toàn thế giới làm nhẹ đi, nghĩa đơn thuần là đồ cũ, và mang lại cho người mặc những cảm giác xưa cũ.
2 Tiếng Anh trong nguyên bản: kết quả.