Ngày Đầu Tiên

QUYỂN MỘT



Ở châu Phi, mặt trời mọc sớm hơn ở những nơi khác. Thường thì vào lúc này, khu khai quật khảo cổ tại thung lũng Omo đã bừng sáng trong những tia nắng đầu tiên màu cam của ban mai buổi sớm. Nhưng sáng hôm nay hoàn toàn không giống như những buổi sớm bình thường khác. Ngồi bên bức tường con được đắp bằng đất, sưởi ấm đôi bàn tay mình bằng cách nắm chặt lấy chiếc cốc cà phê bằng kim loại, Keira chăm chú nhìn chân trời lúc này vẫn còn mờ mịt. Một vài giọt mưa nảy thia lia trên nền đất khô cằn, làm bốc lên đây đó những hạt bụi nhỏ. Một cậu bé chạy ào đến chỗ cô.
– Em đã dậy rồi đấy à? Keira vừa hỏi vừa xoa đầu đứa trẻ.
Harry lắc đầu.
– Chị đã nói với em bao nhiêu lần là không được chạy nhảy trong khu vực khai quật rồi? Chỉ cần sảy chân một cái là em đã có thể làm tiêu tan công sức của nhiều tuần làm việc. Những gì em có thể làm vỡ đều không thể thay thế được. Em có thấy các lối đi này được chăng dây không? Cứ hình dung khu khai quật này làm một cửa hàng đồ gốm lộ thiên đi. Chị biết đó không phải là một sân chơi lý tưởng dành cho những cậu bé ở tuổi em nhưng chị chẳng có thứ gì khác tốt hơn cho em.
– Đây không phải là sân chơi của em mà là sân chơi của chính chị! Còn cái chị gọi là cửa hàng đồ gốm, trông nó giống một khu nghĩa địa cổ thì đúng hơn.
Harry giơ tay chỉ những đám mây trên bầu trời phía trước mặt đang tiến dần đến chỗ hai người.
– Cái gì thế kia hả chị? Cậu bé hỏi.
– Chị chưa bao giờ trông thấy bầu trời với những đám mây như vậy, xem ra chẳng phải điềm lành rồi.
– Nếu trời mưa thì sẽ rất tuyệt đấy chị ạ!
– Ý em là thảm họa chứ gì. Em hãy nhanh chân chạy đi tìm ông trưởng đoàn khảo cổ. Chị muốn chúng ta che chắn khu khai quật lại thật cẩn thận trước đã.
Cậu bé lao vụt đi, được mấy bước, cậu chợt đứng sững lại.
– Chạy đi. Lần này em có lý do chính đáng để chạy nhảy rồi đấy. Chạy đi! Cô vừa xua tay vừa ra lệnh.
Phía xa, bầu trời ngày càng đen kịt lại. Một cơn gió lốc thổi tới cuốn phăng tấm vải được dùng để che chắn một đống đá dùng để đánh dấu.
– Chỉ còn thiếu nước này nữa thôi, Keira vừa tuột xuống từ bức tường vừa lẩm bẩm.
Cô men theo con đường mòn dẫn đến nơi cắm trại. Trên đường đi cô gặp ông trưởng đoàn khảo cổ cũng đang đi tìm cô.
– Nếu trời đổ mưa, chúng ta phải che chắn càng nhiều hố khai quật càng tốt. Phải gia cố các ô khai quật, hãy huy động tất cả mọi người cùng tham gia, nếu cần thì cầu viện dân làng.
– Không phải mưa đâu, ông trưởng đoàn trả lời vẻ buông xuôi, chúng ta chẳng làm gì được hết, còn dân làng thì đều đã bỏ chạy cả rồi.
Một cơn bão cát khổng lồ do gió Shamal 1 mang tới đang tiến dần về phía họ. Bình thường, cơn cuồng phong thổi qua sa mạc Arập này thường đổ vào Vịnh Ỗ man ở phía Đông, nhưng bây giờ không phải là thời điểm bình thường như mọi khi nữa, cơn gió mạnh với sức tàn phá khủng khiếp đã ngoặt về hướng Tây. Trước ánh mắt đầy lo lắng của Keira, ông trưởng đoàn tiếp tục giải thích.
– Tôi vừa mới nghe đài phát thanh cảnh báo về cơn bão này, nó đã quét sạch Érythée, vượt qua biên giới và tiến thẳng đến chỗ chúng ta. Không gì có thể cưỡng lại sức mạnh của nó. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là chạy lên núi đá mà ẩn nấp trong các hang động.
Keira phản đối, họ không thể bỏ mặc khu khai quật như vậy được.
– Cô Keira, những bộ xương hóa thạch mà cô rất quan tâm đã bị chôn vùi ở đây hàng nghìn năm; tôi hứa với cô là chúng ta sẽ lại tiếp tục công việc khai quật nhưng phải sống sót thì mới có thể làm tiếp công việc đó. Đừng chần chừ thêm nữa, chúng ta không còn nhiều thời gian đâu.
– Harry đâu rồi?
– Tôi không biết, ông trưởng đoàn vừa nói vừa đảo mắt nhìn quanh, sáng nay, tôi không hề trông thấy nó.
– Cậu bé không đến báo cho ông sao?
– Không, tôi đã nói với cô rồi, tôi nghe tin tức trên đài phát thanh. Sau đó, tôi ra lệnh sơ tán và lập tức đi tìm cô ngay.
Giờ thì bầu trời đã đen kịt. Chỉ cách hai người vài ki lô mét thôi, những đợt sóng cát nổi cuồn cuộn giữa trời và đất đang tiến nhanh về phía trước.
Keira buông rơi cốc cà phê và bắt đầu chạy. Cô không còn chạy theo con đường mòn nữa mà chạy tắt xuống ngọn đồi tới tận bờ sông nằm ở phía dưới. Cô hầu như không thể mở mắt được nữa. Bụi do gió cuốn lên như cào cấu mặt cô, mỗi lần lên tiếng gọi tên Harry cô lại nuốt phải cát và tưởng mình nghẹt thở. Nhưng cô không bỏ cuộc. Qua màn bụi xám càng ngày càng dày đặc, cô dần dần nhận ra túp lều nơi sáng sáng cậu bé Harry thường đến đánh thức cô dậy để cùng với cô đi ngắm cảnh bình minh trên đỉnh đồi.
Cô đưa tay gạt tấm bạt, trong lều trống trơn. Cả khu trại trông giống một thành phố ma, không người sống sót. Phía xa xa, người ta thấy bóng dân làng đang leo lên đồi tìm chỗ ẩn nấp trong những hang động nằm gần đỉnh núi. Keira tìm kiếm cả những túp lều gần đó, không ngừng thét gọi tên cậu bé nhưng đáp lại lời cô chỉ là tiếng thét gào của gió bão. Ông trưởng đoàn túmn lấy cô và hầu như phải dùng đến cả vũ lực để lôi cô đi. Keira ngước mắt nhìn lên phía đỉnh núi.
– Quá muộn rồi! ông thét lên qua tấm vải che mặt.
Ông choàng tay che cho Keira rồi dìu cô chạy về phía bờ sông.
– Chạy đi nào, khỉ thật! Chạy mau.
– Harry!
– Chắc chắn nó đã tìm thấy nơi ẩn náu đâu đó rồi, cô im đi và bám chặt lấy tôi đây.
Cả một cơn sóng thần cát bụi đang đuổi theo hai người, mỗi lúc một gần hơn. Phía hạ lưu, con sông lọt thỏm giữa hai vách đá cao vút, ông trưởng đoàn phát hiện ngay ra một hốc đá ngoằn ngoèo liền kéo vội Keira vào đó.
– Đằng này! Ông vừa nói vừa đẩy Keira vào sâu trong hốc.
Phải mất đến một lúc. Cuốn theo nào đất, đá dăm và những mảnh vụn bứt ra từ các loài thực vật, luồng gió ồ ạt qua chỗ trú ẩn tạm bợ của hai người. Ở phía bên trong, Keira và ông trưởng đoàn khảo cổ co rúm cả người trên nền đất.
Hốc đá chìm trong bóng tối mịt mùng. Tiếng gầm thét của cơn bão đinh tai nhức óc. Các vách đá bắt đầu rung lên bần bật, hai người tự nhủ liệu các vách đá này có sụp xuống và chôn vùi họ mãi mãi hay không.
– Có thể mười triệu năm nữa, người ta sẽ tìm thấy hài cốt hóa thạch của chúng ta; xương cánh tay của tôi nằm bên cạnh xương chày của ông. Xương cánh tay ông nằm ngay sát xương cẳng chân của tôi. Các nhà cổ sinh vật học sẽ ngang nhiên tuyên bố rằng chúng ta là một đôi vợ chồng làm nghề nông, hoặc ông là một ngư dân còn tôi là vợ ông, cả hai đã được chôn cất tại đây. Đương nhiên, việc mộ phần của bản thân không có đồ tùy táng đối với chúng ta cũng không mấy quan trọng. Chúng ta sẽ được xếp vào loại những hài cốt của người schmock và trong suốt quãng thời gian còn lại của vĩnh hằng, chúng ta sẽ được ngự trong một chiếc hộp các tông được xếp trên các kệ trưng bày của một viện bảo tàng nào đó!
– Lúc này hoàn toàn không phải là thời điểm thích hợp để đùa đâu. Vả lại, chuyện cô kể cũng chẳng buồn cười cho lắm, ông trưởng đoàn khảo cổ càu nhàu. Cô vừa nhắc đến những người schmock, họ là ai vậy?
– Những người như tôi, những người làm việc không kể đến thời gian để thực hiện những điều mà cuối cùng tất cả mọi người đều xổ toẹt, những người thấy thành quả công việc của họ tan biến chỉ trong một vài giây mà không thể làm được gì để cứu vãn.
– Thế thì chúng ta nên làm hai người schmock còn sống còn hơn là hai người schmock quá cố.
– Đó cũng là một cách nghĩ!
Gió bão vẫn gầm thét trong những phút giây tưởng chừng như vô tận. Thỉnh thoảng, đất đá lại lở xuống nhưng nơi trú ẩn của họ dường như vẫn bình yên vô sự.
Trong hang, ánh sáng ban ngày đã le lói trở lại. Cơn bão đã đi xa. Ông trưởng đoàn khảo cổ đứng lên và chìa tay cho Keira để giúp cô đứng dậy nhưng cô từ chối.
– Ông đã muốn đóng chặt cửa hang khi rời khỏi nơi này phải không? Cô nói. Tôi sẽ ở lại đây, tôi không chắc là mình muốn thấy những gì đang chờ đợi chúng ta bên ngoài.
Ông trưởng đoàn nhìn cô vẻ bực mình.
– Harry! Keira vừa kêu lên vừa chạy nhanh ra bên ngoài.
Cảnh vật thật hoang tàn. Đám cây cối mọc bên bờ sông xơ xác; bờ sông không còn mang màu son như lúc bình thường nữa mà đã nhuộm màu nâu của đất lúc này đang phủ kín mọi nơi. Con sông mang theo mình hàng tấn bùn đất về dồng bằng nằm cách đó hàng kilômét. Tại khu trại, không một túp lều nào còn có thể trụ vững. Ngôi làng cũng đã không thể chịu đựng nổi sức tàn phá của gió bão. Mấy túp lều dùng làm nơi ở đã bị dịch chuyển đến hàng chục mét nằm trơ xương bên cạnh những phiến đá và thân cây. Phía trên đồi, dân làng lục tục rời khỏi nơi ẩn nấp để đi xem chuyện gì đã xảy ra với đàn gia súc cũng như mùa màng của họ. Một người phụ nữ sống trong thung lũng Omo đang khóc, vừa khóc vừa ôm chặt lấy lũ con thơ; xa hơn một chút, những người dân của một bộ lạc khác đang tụ tập nhau lại. Vẫn không có một dấu vết nào của Harry. Keira quan sát xung quanh, có ba xác chết nằm sóng soài bên bờ sông. Cô cảm thấy buồn nôn.
– Có lẽ thằng bé đã ẩn náu trong một hang hốc nào đó, cô đừng lo, chúng ta sẽ tìm ra nó, ông trưởng đoàn vừa nói vừa buộc Keira phải quay nhìn nơi khác.
Keira bám vào cánh tay ông trưởng đoàn rồi họ cùng đi ngược lên phía đỉnh đồi. Tại hiện trường nơi đoàn khảo cổ khai quật, các ô khai quật đã hoàn toàn biến mất, mặt đất phủ đầy những mảnh vụn còn sót lại, cơn bão đã tàn phát tất cả. Keira cúi xuống nhặt một thấu kính được sử dụng để đo vẽ địa hình. Cô máy móc phủi bụi nhưng các mắt kính đã hỏng hóc đến mức vô phương cứu chữa. Xa hơn một chút là giá ba chân của chiếc máy kinh vĩ đang nằm chỏng chơ trên mặt đất. Giữa khung cảnh hoang tàn đó, bỗng xuất hiện khuôn mặt non choẹt hốt hoảng của Harry.
Keira chạy đến bên cậu bé và ôm chầm lấy cậu. Đây quả là chuyện lạ; nếu bình thường cô vẫn biểu lộ tình cảm bằng lời nói với những người biết cách làm cho mình hòa hợp thì cô lại chưa từng thể hiện một cử chỉ âu yếm nào, dù là nhỏ nhất. Nhưng lần này, cô đã ôm siết Harry rất chặt đến nỗi cậu bé hầu như phải vùng vẫy tìm cách thoát ra khỏi vòng tay cô.
– Em làm chị phát sợ, vừa nói cô vừa lau lớp bụi đất vẫn còn bám trên gương mặt của cậu bé.
– Em đã làm chị cảm thấy sợ ư? Sau tất cả những chuyện vừa xảy đến, chính em đã khiến cho chị cảm thấy sợ ư? Harry bối rối lặp lại.
Keira không trả lời. Cô ngẩng lên, lặng ngắm tất cả những gì còn sót lại từ thành quả công việc của mình: chẳng còn gì. Ngay cả bức tường thấp đắp bằng đất khô cô mới ngồi hồi sáng cũng đã sụp xuống, cũng đã bị cơn bão gió Shamal càn quét. Chỉ trong phút chốc, cô đã mất tất cả.
– Chị này, cửa hàng đồ gốm của chị đã phải hứng chịu một trận ra trò, Harry nói.
– … cửa hàng đồ gốm của chị, Keira thì thầm.
Harry nắm lấy bàn tay Keira. Cậu bé ngỡ cô sẽ rút tay ra; như mọi khi, cô sẽ tiến một bước về phía trước, viện cớ đã nhìn thấy thứ gì đó quan trọng, quan trọng đến nỗi cần phải kiểm tra ngay lập tức xem cụ thể là thứ gì; thế rồi sau đó, cô vuốt nhẹ mái tóc của cậu bé để xin lỗi vì cô không biết tỏ ra dịu dàng với cậu. Nhưng lần này, bàn tay cô giữ chặt lấy bàn tay cậu bé và những ngón tay cô siết chặt trên lòng bàn tay Harry.
– Thế là hỏng bét, cô hầu như không cất lên được thành tiếng.
– Chị có thể lại đào bới tiếp cơ mà?
– Lần này thì không thể được nữa rồi.
– Chị chỉ cần đào xuống sâu hơn thôi, cậu bé phản đối.
– Ngay cả khi chị đào xuống sâu hơn thì mọi chuyện cũng không thể cứu vãn được nữa rồi.
– Vậy thì chúng ta phải tính sao đây?
Keira ngồi xếp hàng trên nền đất tan hoang; Harry bắt chước cô, tôn trọng giây phút thinh lặng của cô gái trẻ.
– Chị sẽ bỏ em lại đây mà đi, đúng không?
– Chị không còn việc gì làm ở đây nữa.
– Chị có thể giúp xây dựng lại ngôi làn. Tất cả đã bị tàn phá hết rồi. Mọi người ở đây đều đã giúp đỡ chị rất nhiều.
– Đúng, chị nghĩ bọn chị có thể giúp đỡ dân làng sửa sang lại nhà cửa trong vài ngày hay nhiều nhất là vài tuần nhưng sau đó, đúng như em nói, bọn chị sẽ phải ra đi thôi.
– Tại sao? Ở đây chị cảm thấy rất hạnh phúc cơ mà?
– Còn hơn thế, trước đây chưa bao giờ chị cảm thấy hạnh phúc như vậy.
– Vậy thì chị phải ở lại đây thôi! Cậu bé kiên quyết.
Ông trưởng đoàn khảo cổ tiến gần về phía hai người. Keira nhìn Harry và khiến cậu bé hiểu rằng em nên để cho hai người lớn được nói chuyện riêng với nhau. Harry bước ra xa vài bước.
– Em không được ra sông đâu đấy! cô nói với cậu bé.
– Điều đó có ản hưởng gì đến chị đâu, chị sắp đi rồi cơ mà!
– Harry à! Keira khẩn nài.
Nhưng Harry đã chạy theo hướng cô vừa mới cấm cậu bé không được bén mảng tới.
– Cô tính bỏ khu khai quật ư? Ông trưởng đoàn hỏi vẻ ngạc nhiên.
– Tôi nghĩ trước mắt chúng ta không có sự lựa chọn nào khác.
– Tại sao lại phải nản chí cơ chứ, chúng ta chỉ cần lại bắt tay vào việc. Chúng ta hoàn toàn không thiếu thiện chí.
– Chao ôi, vấn đề không phải chỉ là ý chí mà còn cả khả năng tài chính nữa. Chúng ta hầu như không còn tiền để chi trả cho nhân công. Trước đây, hy vọng duy nhất của tôi là chúng ta có thể nhanh chóng phát hiện ra một điều gì đó để có thể quay vòng vốn. Tôi thực sự sợ rằng từ giờ phút này tất cả chúng ta đều đã trở thành những người thất nghiệp có chuyên môn.
– Thế còn thằng bé? Cô định làm gì với nó đây?
– Tôi chẳng biết nữa, Keira trả lời vẻ chán nản.
– Cô là người duy nhất gắn bó với thằng bé kể từ khi mẹ nó qua đời. Sao cô không dẫn thằng bé theo?
– Tôi không có quyền làm vậy. Thằng bé sẽ nhanh chóng bị bắt giữ ở biên giới, người ta sẽ giữ nó lại hàng tuần lễ trong một trại nào đó trước khi đưa nó về lại đây.
– Và nói rằng ở chỗ các vị, người ta luôn nghĩ chúng tôi là những kẻ thô lỗ cục cằn chứ gì!
– Ông không thể lo cho thằng bé được sao?
– Tôi đã vất vả lắm mới nuôi sống được gia đình mình, tôi không nghĩ vợ tôi sẽ chấp nhận nuôi thêm một miệng ăn. Vả lại Harry là một thành viên bộ lạc Mursi, nó thuộc tộc người Omo, chúng tôi là người tộc Amhara, toàn bộ chuyện này là quá nan giải. Chính cô đã đổi tên thằng bé, Keira ạ, thằng bé đã học ngôn ngữ của các vị từ ba năm nay, có thể nói là cô đã nhận nuôi nó. Cô phải có trách nhiệm. Thằng bé không thể bị bỏ rơi đến hai lần được, nó sẽ không gượng dậy nổi.
– Ông muốn tôi gọi nó thế nào bây giờ? Cần phải đặt cho thằng bé một cái tên, lúc tôi đón nó về thằng bé có nói gì đâu!
– Thay vì tranh luận, việc đầu tiên cần làm là đi tìm thằng bé về đã, nhìn bộ dạng nó ban nãy khi rời khỏi đây, tôi không nghĩ là nó sẽ xuất hiện trở lại ngay đâu.
Các đồng nghiệp của Keira đang tập hợp lại quanh khu vực khai quật. Bầu không khí nặng trĩu. Mỗi người đều ghi nhận độ nghiêm trọng của những thiệt hại. Tất cả đồng loạt quay sang Keira, chờ đợi những chỉ thị của cô.
– Mọi người đừng nhìn tôi như thế, tôi đâu phải là mẹ của các vị! nhà khảo cổ học nổi nóng.
– Chúng ta mất toàn bộ đồ đạc vật dụng cá nhân rồi, một thành viên trong nhóm kháng nghị.
– Có vài dân làng thiệt mạng, tôi đã nhìn thấy ba thi thể trôi trên sông, Keira đáp, tôi hoàn toàn cóc thèm quan tâm đến cái túi ngủ của anh.
– Cần phải chôn cất những người thiệt mạng càng sớm càng tốt, một người khác gợi ý. Chúng ta không cần bổ sung thêm dịch tả vào những khó khăn hiện tại.
– Những ai xung phong tình nguyện nào? Keira hỏi, vẻ hoài nghi.
Không ai giơ tay.
– Vậy thì tất cả cùng đi, Keira truyền đạt.
– Chờ gia đình họ đến vớt xác thân nhân thì hơn, chúng ta phải tuânt heo tập tục chứ.
– Gió Shamal hết sức tránh tuân theo dù là cái gì đi nữa, chúng ta hãy hành động trước khi nguồn nước bị ô nhiễm, Keira nhấn mạnh.
Đoàn người bắt đầu cất bước.
Công việc buồn thảm choán hết phần thời gian còn lại trong ngày. Người ta vớt các thi thể lên, đào những hốn chôn cách xa bờ sông, tất cả các ngôi mộ này đều được đắp một gò nhỏ bằng đá. Mỗi người cầu nguyện theo kiểu của mình, theo tín ngưỡng riêng, khi nghĩ đến những người mà họ đã kề cận suốt ba năm vừa qua. Lúc màn đêm buông xuống, nhóm những nhà khảo cổ họp lại quanh một đống lửa. Ban đêm trời lạnh hơn mà họ thì không còn lại thứ gì để chống chọi với gió rét. Từng người thay phiên nhau thức trong khi những người còn lại nằm ngủ gần đống than củi cháy rực.
Ngày hôm sau, cả nhóm tiến hành cứu trợ cho dân làng. Lũ trẻ được tập hợp lại. Những phụ nữ có tuổi của bộ lạc trông nom chúng, những người trẻ hơn thu thập tất cả những gì có thể dùng vào việc xây dựng lại nhà cửa. Ở đây, vấn đề giúp đỡ tương trợ lẫn nhau không được đặt ra, nó là hiển nhiên; tất cả mọi người đều bắt tay vào việc, mỗi người đều tự động biết mình phải làm gì. Một vài người xẻ gỗ, số khác thu lượm cành cây để dựng lại lều, số còn lại chạy tỏa ra khắp các cánh đồng, cố gắng gom nhặt lũ dê và bò chưa bị cơn bão giết hại.
Đêm thứ hai, dân làng đón tiếp nhóm những nhà khảo cổ học và chia sẻ cùng họ bữa cơm đạm bạc. Bất chấp nỗi buồn, bất chấp đám tang vừa mới bắt đầu, người ta vẫn nhảy và hát để cảm ơn các vị thần đã miễn xá cho những người còn sống.
Những ngày tiếp theo vẫn vậy. Hai tuần sau, nếu như thiên nhiên vẫn còn mang những dấu ấn của thảm kịch thì ngôi làng đã hầu như lấy lại được một vẻ bề ngoài bình thường.
Vị tộc trưởng cảm ơn các nhà khảo cổ. Keira xin được gặp riêng ông. Ngay cả khi những ánh mắt của dân làng cho thấy họ không hề đánh giá cao sự xuất hiện của một người phụ nữ lạ trong lều của tộc trưởng, thì vị tộc trưởng vẫn đồng ý tiếp kiến cô, vì biết ơn. Sau khi nghe lời thỉnh cầu của vị khách, ông cam đoan là nếu Harry xuất hiện trở lại, ông sẽ chăm lo cho cậu bé cho đến khi giao về tay Keira chăm sóc; đổi lại, cô hứa sẽ quay trở lại. Vị tộc trưởng ra hiệu cho cô hiểu rằng cuộc tiếp kiến đã kết thúc. Ông mỉm cười, Harry có ẩn nấp cũng vô ích, cậu hẳn không ở xa đây; những đêm gần đây, một sinh vật kỳ lạ đã đến trộm những đồ lương thực thực phẩm trong khi dân làng ngủ và những dấu vết tên trộm để lại vô cùng giống với dấu vết của một cậu bé.
 
° ° °
 
Đến ngày thứ chín sau khi cơn bão tràn qua, Keira tập hợp nhóm của mình lại và thông báo đã đến lúc họ rời khỏi châu Phi. Hệ thống radio đã bị phá hủy, họ chỉ có thể tin vào chính mình mà thôi. Có hai khả năng dành cho họ: đi bộ về phía thành phố nhỏ Turmi, từ đó, với một chút may mắn, họ sẽ đón được một loại phương tiện vận chuyển đưa họ đi về phía Bắc, đến tận thủ đô. Đường đến Turmi cũng rất nguy hiểm, nói đúng ra thì không có đường đi tới đó, phải trèo leo để vượt qua một vài hèm núi. Lựa chọn khác, xuôi theo sông về thung lũng phía dưới; mất vài ngày, họ sẽ ra tới hồ Turkana. Vượt qua hồ, họ sẽ đến bờ biên giới Kenya tại Lodwar, ở đó có một sân bay nhỏ. Những chiếc máy bay tạm bợ thường xuyên đi đi lại lại để tiếp tế cho cả vùng; một viên phi công chắc chắn rồi sẽ đồng ý cho họ quá giang.
– Hồ Turkana, ý tưởng mới tuyệt làm sao! Một người cộng tác thốt lên.
– Anh thích leo núi hơn chắc? Keira hỏi, vô cùng khó chịu.
– Mười bốn nghìn, có khoảng chừng đó con cá sấu lúc nhúc trong cái hồ cứu nguy của chị. Ban ngày thì nóng như thiêu, và những cơn giông tràn qua đó còn hung bạo hơn nhiều so với trong lục địa châu Phi. Với những thứ trang thiết bị ít ỏi còn lại, chúng ta chẳng thà tự sát ngay bây giờ còn hơn, như thế sẽ tiết kiệm được thời gian và không phải chịu nhiều đau đớn!
Không có giải pháp thần diệu cho vấn đề này. Nhà khảo cổ đề nghị giơ tay bỏ phiếu. Hướng đi xuôi ra hồ được nhất trí thông qua, chỉ trừ một phiếu. Trưởng đoàn cũng muốn đi cùng họ, nhưng ông phải ngược lên mạn Bắc để trở về với gia đình. Được dân làng giúp đỡ, họ bắt đầu gom góp một vài đồ lương thực dự trữ, thời điểm xuất phát đã được lên chương trình vào ngày hôm sau, lúc sáng sớm.
Keira thức trắng đêm. Cô trở mình dễ đến trăm lần trên tấm nệm rơm. Ngay khi cô nhắm mắt, gương mặt Harry lại hiện ra. Cô nhớ lại cái ngày, khi trở về từ một chuyến điều tra thực địa cách nơi dựng trại mười cây số, cô đã gặp thằng bé. Harry chỉ có một mình, bị bỏ lại trước một túp lều. Xung quanh không một bóng người, và đứa trẻ nhìn cô đăm đắm, trong thinh lặng. Phải làm gì đây? Tiếp tục đi như thể không có chuyện gì xảy ra? Cô ngồi xuống cạnh thằng bé, nó không nói gì hết. Ghé qua lỗ cửa của chỗ ở thảm thê nơi thằng bé đang đứng, cô phát hiện ra mẹ nó vừa mới chết trong đó. Cô đã hỏi thằng bé xem nó có họ mạc, hay nơi nào đó để cô có thể dẫn tới không, nhưng thằng bé vẫn nín thinh; không một lời phàn nàn, chỉ có ánh nhìn dữ dội và dai dẳng đó. Keira ở lại bên thằng bé nhiều giờ liền, không nói một lời. Rồi cô đứng dậy và lại lên đường. Trên đường, cô ngỡ có thể đoán được thằng bé đang đi theo cô cách một quãng và nấp đi ngay khi cô quay nhìn lại. Nhưng khi đến gần khu trại rồi, trên con đường đằng sau cô không còn bất kỳ dấu vết nào của thằng bé nữa. Thoạt tiên, cô nghĩ thằng bé đã quay lại. Ngày hôm sau, khi ông trưởng đoàn thông báo đồ ăn của họ bị mất trộm, Keira cảm thấy nhẹ cả người.
Phải mất vài tuần dài dằng dặc để hai người họ rốt cuộc cũng gặp lại nhau. Keira đã ra lệnh để người ta luôn để lại gần lều của cô một suất ăn và thứ đồ uống gì đó vào ban đêm. Và, cứ mỗi tối, ông trưởng đoàn lại cự nự: đây đúng là một cách tốt để dụ những loài ăn mồi; nhưng cái mà Keira muốn thuần hóa không có gì giống với một con vật hoang dã, mà chỉ là một đứa trẻ cô đơn và sợ sệt.
Càng về sau Keira càng băn khoăn về cách xử sự khác thường của thằng bé. Buổi tối, ngồi trong lều, cô rình tiếng bước chân của thằng bé mà cô đã đặt cho cái tên “Harry”. Tại sao lại là cái tên này? Cô không biết nữa, cái tên đã đến với cô trong những giấc mơ. Một đêm, Keira liều ngồi đợi trước cái thùng nơi thường để suất ăn cho thằng bé. Lần này thì cô đã bày một bộ đồ ăn, và rốt cuộc tổng thể nom giống một bàn ăn tối được kê ngay giữa đồng không mông quạnh.
Harry xuất hiện trên lối mòn dốc lên từ phía bờ sông. Hai vai và đầu vươn thẳng, thằng bé có dáng đi rất đĩnh đạc. Khi thằng bé tới, Keira vẫy tay chào nó rồi bắt đầu ăn. Thằng bé hơi ngần ngừ rồi ngồi xuống vị trí đối diện với cô. Thế là họ cùng sẻ chia bữa tối đầu tiên ấy dưới bầu trời đêm và Keira bắt đầu dạy cho Harry những từ vựng đầu tiên. Thằng bé không hề lặp lại từ nào, nhưng đến ngày hôm sau, vào lúc ăn, nó đọc thuộc lòng tất cả những từ nghe được hôm trước, không nhầm lẫn tí gì.
Chỉ ít lâu sau đó Harry mới chịu xuất đầu lộ diện giữa ban ngày ban mặt. Keira đang khéo léo đào bới đất, hy vọng cuối cùng sẽ khám phá ra thứ gì đó thì thằng bé tiến lại gần. Khoảng thời gian tiếp cận đó thuộc vào những thời điểm đặc biệt nhất. Không hề bận tâm đến việc Harry có hiểu những gì cô nói hay không, Keira giải thích với thằng bé từng cử chỉ mình đang thực hiện, lý giải tại sao việc tìm kiếm không ngừng nghỉ những mảnh hóa thạch nhỏ xíu đối với cô lại quan trọng đến thế, làm thế nào mỗi người trong số họ lại có thể chứng thực cách thức con người xuất hiện trên hành tinh này.
Ngày hôm sau Harry trở lại vào đúng tầm giờ đó, và lần này trải qua trọn buổi chiều bên nhà khảo cổ học. Những ngày tiếp theo thằng bé vẫn làm vậy, luôn đến với một sự chính xác về giờ giấc khiến người ta phải ngạc nhiên – vì Harry làm gì có đồng hồ đeo tay. Hàng tuần trôi qua và không một ai thực sự nhận thấy chuyện này, đó là thằng bé không rời khỏi khu trại nữa. Trước mỗi bữa ăn, trưa và tối, thằng bé đều chịu đựng mà không hề tỏ ra cau có công việc lao dịch là học từ vựng mà Keira vẫn thường phân cho nó.
Tối hôm nay, cô những muốn lại một lần nữa nghe thấy tiếng bước chân thằng bé, như mỗi khi nó lảng vảng lượn quanh lều của cô trong lúc chờ cô cho phép nó vào bên trong. Cô sẽ kể cho thằng bé nghe một huyền thoại của châu Phi, cô biết rất nhiều huyền thoại của mảnh đất này.
Làm thế nào để ngày mai lên đường mà vẫn chưa gặp lại thằng bé? Lên đường mà không một lời nhắn nhủ từ biệt, như thế còn tệ hơn cả một sự ruồng bỏ, im lặng chính là phản bội. Keira cầm trong tay món quà mà một hôm Harry đã tặng cho chúng tôi. Ở đầu một sợi dây da mảnh không bao giờ rời khỏi cổ cô luôn lủng lẳng một vật lạ thường. Hình tam giác, đồ vật đó trơn nhẵn và cứng tựa gỗ mun; màu sắc thì giống hệt, nhưng có đúng là chất liệu gỗ này? Keira không thể biết. Thứ đồ vật không giống với bất kỳ thứ đồ trang sức nào của bộ tộc; ngay đến vị tộc trưởng cũng không thể xác định được nguồn gốc của nó. Khi Keira đưa cho ông xem, ông già này đã lắc đầu, ông không biết nó là cái gì, có lẽ cô không nên giữ nó bên người. Nhưng đó là một món quà Harry tặng… Khi Keira hỏi thằng bé về xuất xứ món đồ, thằng bé giải thích là đã tìm thấy nó trên hòn đảo nằm giữa hồ Turkana. Khi cùng bố xuống một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ nhiều thế kỷ nay, nơi mặt đất tràn đầy một thứ bùn màu mỡ, thằng bé đã tìm thấy vật báu này.
Keira thả cho nó rơi xuống ngực và nhắm mắt, tìm kiếm giấc ngủ không đến.
Ngay từ sáng sớm, cô gom những bọc đồ của mình lại rồi đánh thức các đồng nghiệp. Một chuyến đi dài đang chờ họ. Sau khi nuốt vội một bữa sáng thanh đạm, cả nhóm lên đường. Những người đánh cá đã tặng cho họ hai chiếc thuyền đôc mộc, mỗi chiếc có thể chở bốn người. Tại nhiều địa điểm khác nhau, phải cập bờ, vác thuyền lên vai để vòng tránh những con thác.
Dân làng tụ lại bên bờ sông. Chỉ duy có một người đàn ông bé nhỏ là vắng mặt. Trưởng đoàn ôm ghì Keira trong vòng tay, ông khó khăn lắm mới che giấu được cảm xúc của mình. Rồi đoàn khảo cổ ngồi lên thuyền; bọn trẻ lội xuống nước giúp họ đẩy thuyền ra xa bờ, rồi dòng chảy làm nốt phần việc còn lại, thong thả kéo họ theo.
Suốt những dặm đầu của cuộc hành trình, họ luôn nhìn thấy những cánh tay vẫy từ những động ruộng gần đó. Keira vẫn im lặng, rình chờ cái người mà cô vẫn mong được gặp. Khi con sông tách làm hai nhánh trước khi biến mất giữa hai vách núi cao dựng đứng, những hy vọng cuối cùng của cô tiêu tán. Họ đã ở quá xa mất rồi.
– Có lẽ như thế lại hơn, Michel, một đồng nghiệp người Pháp của Keira, người mà cô rất hòa hợp, nói khẽ.
Cô muốn trả lời anh, nhưng họng cô nghẹn ứ.
– Thằng bé sẽ quay trở về với cuộc sống của nó, Michel tiếp. Em đừng tự trách mình. Em không có gì phải hối tiếc hết; không có em, Harry hẳn đã chết vì đói, vả lại tộc trưởng cũng đã hứa với em là sẽ chăm sóc cho thằng bé rồi còn gì.
Rồi bỗng nhiên, trong khi con sông vẫn đưa chiếc thuyền độc mộc tiến sâu vào hẻm núi, bóng dáng của Harry bỗng xuất hiện trên một bãi sỏi nhỏ ven sông. Keira đứng bật dậy, đột ngột đến nỗi con thuyền thiếu chút nữa thì lật úp. Michel kịp giữ thăng bằng, hai đồng nghiệp kia lên tiếng càu nhàu. Keira không để ý nghe những lời trách cứ của họ, cô mải nhìn thằng bé đang ngồi xổm và dõi theo cô từ đằng xa.
– Chị sẽ trở lại Harry ạ, chị xin hứa! cô kêu lên.
Thằng bé không trả lời. Liệu nó có nghe thấy lời cô?
– Chị đã tìm thằng bé khắp nơi, cô gào lên to hết mức có thể. Chị không muốn ra đi mà trước đó chưa gặp lại em. Chị sẽ nhớ em nhiều, cậu bé của chị ạ, cô vừa nói vừa thổn thức nghẹn ngào. Chị sẽ nhớ em nhiều lắm. Chị hứa là chị sẽ quay trở lại, em phải tin chị, em có nghe thấy chị nói gì không? Chị xin em đấy, Harry, hãy ra hiệu với chị, một dấu hiệu nhỏ, gì cũng được để để chị biết là em nghe thấy chị.
Nhưng thằng bé không ra hiệu gì hết, không cả một dấu hiệu nhỏ nhất. Bóng nó biến mất ngay sau khúc quanh của dòng sông; nhà nữ khảo cổ trẻ tuổi không nhìn thấy bàn tay của thằng bé đang gửi đến cô một lời từ biệt mong manh.
Cao nguyên Atacama, Chilê
Không thể chợp mắt vào ban đêm. Mỗi lần tôi tin là rốt cuộc đã cảm thấy cơn buồn ngủ thắng thế, tôi lại nhảy dựng lên trong túi ngủ của mình với cảm giác ngạt thở kinh khủng vẫn bám riết không rời. Erwan, một đồng nghiệp người Úc quen sống ở độ cao, đã thôi không ngủ từ khi tới đây. Anh thực hành yoga và anh hầu như khỏi ngay. Ngay cả khi tôi đùa, thời đó khi tôi còn gần như giao du với một cô vũ nữ, lui tới hai lần mỗi tuần một phòng khách được chuyên môn hóa nằm trên đại lộ Sloane, người tình dạy môn khiêu vũ của tôi rõ ràng là không đủ để cho phép cơ thể tôi bù trừ những tác động của một độ cao tương đương. Tại độ cao năm nghìn mét so với mực nước biển, áp suất không khí sụt giảm xuống bốn mươi phần trăm. Sau vài ngày, nỗi gian truân khi sống trên núi cao bộc lộ rõ; máu đặc lại, đầu nặng trịch, lý trí đánh mất lô gíc của nó, việc viết lách trở nên vụng về, và ngay cả nỗ lực thể chất nhỏ nhất cũng đốt cháy vô khối năng lượng của bạn. Những người từng làm việc nơi đây đã dặn chúng tôi hấp thụ tối đa lượng đường gluco. Đối với những người ưa đồ ngọt, nơi này có thể là một thiên đường thực sự: không hề gặp phải nguy cơ tăng cân, vừa ăn vào miệng, đường liền được cơ thể chuyển hóa. Điểm mấu chốt duy nhất là ở độ cao năm nghìn mét so với mực nước biển, ta đánh mất toàn bộ sự ngon miệng. Tôi hầu như chỉ sống bằng những thanh sô cô la.
Cao nguyên Atacama là một nơi nằm bên ngoài thời gian. Một vùng thảo nguyên rộng lớn cằn cỗi với núi bao quanh; nếu tại đó việc hít thở không đến nỗi quá khó, ta sẽ tin rằng mình đang ở giữa một sa mạc đá bất kỳ. Nhưng tại đây, chúng tôi đang ở trên một trong những nóc nhà thế giới; chỉ trừ có việc hầu như không còn gì của thế giới quanh chúng tôi. Không một loài thực vật, không một loài động vật, chỉ có sỏi cuội và bụi, tồn tại qua hai mươi tiệu năm. Thứ không khí chúng tôi hít thở một cách khó nhọc la thứ không khí khô nhất hành tinh, còn khô gấp năm mươi lần không khí trong Thung lũng Tử thần. Những đỉnh núi đang bao quanh chúng tôi có đỉnh cao nhất lên tới hơn sáu nghìn mét cũng vô ích, chúng không có tuyết. Cũng chính là lý do để chúng tôi làm việc tại đây. Bởi không có chút độ ẩm dù nhỏ nhất, đây là nơi lý tưởng nhất để tiếp nhận dự án thiên văn lớn nhất mà trái đất chưa từng biết đến. Một vụ cá cược gần như cầm chắc phần thua: trồng sáu mươi tư cột thu phát tín hiệu có gắn kính viễn vọng, mỗi cột có kích thước tương đương một tòa nhà mười tầng, tất cả kết nối với nhau. Một khi xây dựng xong, chúng sẽ được kết nối với một máy chủ có khả năng thực hiện mười sáu tỷ thao tác mỗi giây. Để làm gì? Để ra khỏi bóng tối, để chụp ảnh những thiên hà xa nhất, để khám phá những không gian hiện chúng ta vẫn còn không thể trông thấy, để có thể thu được hình ảnh về những khoảnh khắc đầu tiên của Vũ trụ.
Đã ba năm nay, tôi trở lại với Tổ chức nghiên cứu thiên văn châu Âu và tới sống tại Chilê.
Thông thường, tôi làm việc tại một địa điểm cách đây cả trăm cây số, tại đài thiên văn La Silla. Vùng này nằm trên một trong những đường nứt lớn nhất của địa cầu, chính là nơi hai lục địa tiếp giáp. Hai khối với sức mạnh khổng lồ xô đẩy nhau, xưa kia đã tạo ra dãy Andes. Nội trong đêm trước, mặt đất rung chuyển. Không có ai bị thương nhưng cả Naco và Sinfoni – mỗi chiếc kính viễn vọng của chúng tôi đều mang một cái tên – đã phải mang đi đại tu.
Tranh thủ tình trạng nghỉ việc cưỡng bức này, giám đốc trung tâm đã giao cho chúng tôi, tôi và Erwan, nhiệm vụ giám sát việc thi công cột thu phát tín hiệu khổng lồ thứ ba của vùng Atacama. Đây chính là lý do tại sao tôi hít thở khó khăn như vậy vào lúc này, vì một cơn địa chấn ngu ngốc đã dẫn tôi tới đây, tới độ cao năm nghìn mét.
Mới cách đây gần mười lăm năm, các nhà thiên văn vẫn còn tranh luận về sự tồn tại của những hành tinh ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Tôi đã nói thế này, sự khiêm nhường đối với một nhà khoa học là chấp nhận rằng không có gì là không thể. Một trăm bảy mươi hành tinh được khám phá trong thập niên gần đây. Tất cả đều quá khác lạ, quá to, quá gần hoặc quá xa đối với mặt trời của chúng để đem ra so sánh với Trái đất để đem lại hy vọng rằng một dạng sự sống gần gũi với sự sống mà chúng ta đang biết đến có thể phát triển ở đó… cho đến khi khám phá của các đồng nghiệp của tôi ít lâu sau khi tôi đến Chilê.
Nhờ chiếc kính viễn vọng Đan Mạch đặt tại đài thiên văn La Silla, họ đã quan sát được một “Trái đất” khác, cách Trái đất của chúng ta hai mươi lăm nghìn năm ánh sáng.
Hầu như lớn hơn gấp năm lần, hành tinh này hoàn thành trọn vẹn một vòng quay mặt trời của nó trong vòng mười năm, tính theo thời gian của chúng ta. Nhưng ai có thể khẳng định là thời gian trên hành tinh này, cùng lúc quá gần và quá xa như thế, trôi đi để tạo thành hàng phút và hàng giờ giống với giờ phút của chúng ta? Và ngay cả khi cách xa mặt trời của nó gấp ba lần, ngay cả khi nhiệt độ ở đó lạnh hơn, hành tinh này dường như hội tụ tất cả những điều kiện cần thiết để nảy sinh sự sống.
Phát hiện này hẳn là không đủ gây ấn tượng mạnh để xuất hiện trên trang nhất các mặt báo và nó hầu như không được mấy ai biết đến.
Những tháng gần đây, công việc của chúng tôi bị đình trệ bởi nhiều sự cố hỏng hóc và biến đổi, và khoảng thời gian cuối năm đối với tôi có vẻ khó khăn. Thiếu những kết quả đủ sức thuyết phục, những ngày tôi còn lưu lại Chilê đã có thể đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn gặp phải trong quá trình thích nghi với độ cao, tôi không muốn quay lại Luân Đôn chút nào. Tôi sẽ không đánh đổi những không gian rộng lớn của Chilê lấy bất cứ thứ gì trên đời và cũng sẽ không đánh đổi những thanh sô cô la của mình lấy khung cửa sổ nhỏ xíu trong phòng làm việc riêng chật hẹp, lấy món thịt bò hầm đậu trắng phục vụ trong quán rượu ở góc phố Gower Court.
Chúng tôi đã leo lên đỉnh Atacama được ba tuần và cơ thể tôi vẫn chưa thể thích nghi được với tình trạng thiếu dưỡng khí oxy. Khi trung tâm này được đưa vào khai thác, những tòa nhà sẽ được điều áp, nhưng trong lúc chờ đợi chúng tôi vẫn phải sống trong điều kiện khó khăn này. Erwan thấy tôi có một vẻ mặt kinh khủng, anh muốn tôi quay trở lại trại căn cứ. “Rồi cậu sẽ ngã bệnh thật cho mà xem, anh nhắc đi nhắc lại với tôi kể từ hai ngày nay, mà nếu cậu bị tai biến mạch máu não, sẽ là quá muộn để hối tiếc về sự bất cẩn của cậu.”
Quan điểm của anh không hề thiếu cơ sở, nhưng từ bỏ vào lúc này sẽ giảm thiểu cơ hội để tôi tham gia vào chuyến phiêu lưu phi thường sắp xảy ra tại nơi đây. Có thể bố trí các trang thiết bị hiệu quả như thế, được nhận vào nhóm công tác này, đó là chuyện nằm mơ giữa ban ngày.
Màn đêm buông xuống, chúng tôi rời khỏi căn nhà gỗ. Nửa tiếng đồng hồ đi bộ để tới được vị trí của trạm thu phát tín hiệu bằng kính viễn vọng của vùng. Erwan phụ trách việc điều chỉnh, tôi lo việc ghi chép những sóng chúng tôi nhận được. Những sóng này đã xuyên qua không gian đến từ những vũ trụ xa xôi đến mức cách đây mười năm chúng tôi không thể hình dung ra nổi, dù chỉ là sự tồn tại của chúng. Ngày hôm nay, tôi cũng không thể hình dung ra độ rộng của những khám phá mà chúng tôi sẽ có khi toàn bộ sáu mươi chiếc ăng ten parabol này được hợp nhất và kết nối với máy chủ.
– Cậu thu được cái gì thế? Erwan hỏi tôi, anh đang vắt vẻo trên chiếc cầu nhỏ bằng kim loại nằm dọc theo tầng hai của trạm thu phát.
Tôi dám chắc mình đã trả lời anh, nhưng đồng nghiệp của tôi vẫn lặp lại câu hỏi. Có lẽ vì tôi nói không đủ to chăng? Không khí khô và âm thanh truyền đi rất khó khăn.
– Adrian, cậu đang nhận được tín hiệu gì đó chứ, khỉ thật? Tôi không ngồi thăng bằng được trong hàng tiếng đồng hồ đâu nhé.
Tôi khổ sở ghê gớm mới phát âm nổi, dĩ nhiên là do trời lạnh. Trời lạnh kinh khủng, tôi khó nhọc lắm mới cảm nhận được các đầu ngón tay mình. Môi tôi tê cóng.
– Adrian? Cậu có nghe tôi nói gì không?
Tất nhiên là tôi nghe thấy Erwan, tại sao anh lại không nghe thấy tôi nhỉ? Tôi cũng nghe được cả tiếng bước chân anh nữa, anh đang leo từ giàn đậu xuống.
– Mà rốt cuộc thì cậu đang làm cái quái gì thế? Anh vừa tiến lại gần tôi vừa gắt gỏng.
Vẻ mặt anh nom rất lạ, rồi anh bỗng buông những dụng cụ đang cầm trong tay để chạy về phía tôi. Anh tiến lại gần và tôi nhìn thấy nét mặt anh trở nên căng thẳng, nét mặt anh để lộ sự lo lắng.
– Adrian, mũi cậu kìa! Cậu bị chảy máu cam rồi!
Anh dìu tôi lên rồi giúp tôi đứng dậy; trước đó tôi không hề nhận thấy là mình đang ngồi xệp xuống đất. Erwan lôi bộ đàm của anh ra gọi cứu hộ. Tôi cố ngăn anh lại, chẳng có bất kỳ lý do nào để làm phiền những người khác, đây chỉ là một cơn mệt, nhưng hai bàn tay tôi không đáp trả, tôi không còn khả năng để phối hợp bất cứ cử động nào, dù là nhỏ nhất.
– Căn cứ, căn cứ, đây là Erwan tại trạm thu phát số ba, trả lời đi nào, Mayday 2, Mayday! Đồng nghiệp của tôi không ngừng lặp lại.
Tôi mỉm cười, từ “Mayday” chỉ được sử dụng trong không quân, nhưng giờ không phải là lúc để chơi trò người dạy dỗ, nhất là khi một trận cười ngu ngốc đang xâm chiếm tôi.
Và tôi càng cười, chuyện này lại càng khiến Erwan lo lắng, vì anh là người luôn chê trách tôi vì không nhìn nhận cuộc sống này đủ nhẹ nhàng, thật là quá lắm.
Tôi nghe thấy vọng ra từ chiếc bộ đàm của anh một giọng nói quen thuộc, nhưng tôi chưa thể gắn giọng nói đó với bất kỳ cái tên nào. Erwan giải thích là tôi không được khỏe, điều này không đúng, tôi chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như lúc này, ở đây mọi thứ đều đẹp đẽ, ngay cả Erwan đang có bộ mặt nhăn như bị cũng đẹp. Tối nay, tôi không biết liệu có phải do màu sắc đặc biệt của ánh trăng hay không, nhưng tôi thấy anh đúng ra là đẹp. Thế rồi chẳng bao lâu sau tôi cũng không còn thấy anh nữa, đầu tiên là giọng nói lùng bùng của anh không lọt vào tai tôi nữa, như thể anh đang chơi cái trò của bọn trẻ ranh là mấp máy môi mà không phát âm hẳn các từ. Gương mặt anh trở nên lờ mờ, tôi đang mất dần nhận thức.
Erwan ở lại bên cạnh tôi, như một người anh trai. Anh không ngừng lay lắc tôi, thậm chí đã khiến tôi tỉnh lại được. Ngay lúc đó tôi còn hơi giận anh vì chuyện này, nếu xét đến toàn bộ quãng thời gian tôi đã không thể ngủ được, thì hành động của anh chẳng được hào hiệp cho lắm. Một chiếc xe jeep đã đến sau cuộc gọi của anh mười phút. Các đồng nghiệp đã vội vàng trang phục tề chỉnh và đưa tôi trở lại lán trại. Bác sĩ ra lệnh phải sơ tán tôi ngay lập tức. Thế là kết thúc các kế hoạch của tôi tại Atacama. Một chiếc trực thăng đưa tôi về bệnh viện San Pedro trong thung lũng. Họ đã cho tôi xuất viện sau ba ngày truyền dưỡng khí oxy. Erwan đã cùng giám đốc trung tâm nghiên cứu tới thăm tôi, ông này lấy làm tiếc vì phải để “một nhà khoa học hợp tác ăn ý” ra đi. Tôi coi lời khen này như một lô lời an ủi, một vài từ làm yên lòng để cất vào hành lý cá nhân trước khi trở lại phòng làm việc riêng tại trường đại học, khung cửa sổ nhỏ xíu trông xuống phố, quán rượu ở góc phố Gower Court cùng món thịt bò hầm đậu trắng kinh khủng. Tại đó, tôi phải lơ đi ánh mắt chế giễu của các đồng nghiệp ở Luân Đôn. Người ta không bao giờ rũ bỏ được hoàn toàn những ký ức thơ ấu của mình. Chúng đeo đẳng bạn như những bóng ma, ám ảnh cuộc sống người trưởng thành của bạn.
Trong bộ âu phục kèm cà vạt, trong chiếc áo blouse của nhà khoa học hay trong bộ đồ của chú hề, đứa trẻ mà người ta đã từng là vẫn mãi tồn tại bên trong đó.
Không có chuyện lên đường đi Bolivia, những dãy núi hình chữ chi bên đó dốc lên tận bốn nghìn mét. Một chuyến bay đưa tôi từ San Pedro sang Argetina rồi từ đó, tôi lại lên chuyến bay thẳng đến Luân Đôn. Thế là tôi nhìn thấy dãy Andes xa dần qua ô cửa kính trên máy bay, tôi căm thù chuyến đi này, giận điên người vì việc đã xảy đến với mình. Nếu biết được điều gì đang chờ đợi mình, tâm trạng của tôi hẳn là đã khác.
Chú Thích
1 Gió Tây Bắc thổi tại Irắc và vùng vịnh Persique. (Mọi chú thích không có lưu ý gì thêm đều của người dịch.)
2 Thành ngữ được sử dụng trong liên lạc vô tuyến-điện thoại quốc tế để báo hiệu máy bay hay tàu thủy đang gặp nguy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.