Cái chết là món nợ mà ta chỉ trả một lần
– William SHAKESPEARE
o O o
Tim Emma nện thình thịch trong lồng ngực. Cô lặng đi mất vài phút, sửng sốt không nói nên lời khi nghe đến đó.
Kate thuê một sát thủ để khử Matt…
Nhưng vì lẽ gì cơ chứ? Bởi lẽ cô ta không còn yêu Matt và muốn chung sống với Nick ư? Không thể được, người ta không giết người vì kiểu lý do đó. Chỉ cần ly hôn là xong. Để độc chiếm con gái? Lý do này cũng không hợp lý. Vì tiền? Theo những gì cô biết, Matthew không có nhiều tài sản còn Nick là một trong những người giàu nhất nước. Vậy thì là gì đây? Một cuộc trả thù chăng?
Emma cố thử sắp xếp lại suy nghĩ. Cô chắc chắn được điều gì đây? Kate chưa bao giờ ngừng yêu mối tình thời trẻ của mình, Nick Fitch. Sau một thời gian dài chia cách, rõ ràng cô ta muốn nối lại quan hệ với hắn, nhưng cô ta cũng tận dụng mối thân tình này để đánh cắp từ người tình những thông tin mật và hình như đã bán lại với giá trên trời để có thể tự thuê sát thủ và loại bỏ người chồng.
Một câu chuyện điên rồ hết sức…
Nhất định phải có mối liên hệ giữa tất cả những sự kiện này, nhưng ngay lúc này, cô còn chưa tìm ra. Emma đưa tay ôm đầu. Gáy cô cứng đơ, hai chân và lồng ngực đau nhói.
Một câu hỏi khác xoáy vào cô. Tại sao năm 2011 Matt vẫn còn sống? Tại sao rốt cuộc tay diễn viên đóng thế kia lại không thể trừ khử anh?
– Cậu vẫn ở đầu dây đấy chứ, Romuald? Cho tôi nghe lại đoạn băng đi nào.
Cậu nhóc làm theo. Emma dừng lại ở câu này:
“(…) ông nhất định phải chờ cuộc gọi của tôi rồi mới được tiến hành. Và không được trước 21 giờ. Nếu tôi không liên lạc thì ông cũng thôi đấy nhé, ông hiểu chứ?”
Cô chợt nhớ ra lời kể của Matthew. Tài xế xe tải chở bột đã tông vào xe của vợ anh, buổi tối hôm Kate qua đời, đã khẳng định lúc đó Kate đang cầm điện thoại di động trên tay. Và Matthew đã hình dung rằng Kate đang định gọi cho anh để báo rằng chiếc Madza của cô cuối cùng đã khởi động được. Nhưng trên thực tế, Kate đã tìm cách liên lạc với sát thủ cô thuê để bật đèn xanh cho lão ta. Một cuộc gọi mà nhờ vụ tai nạn, thật may là không bao giờ kết nối được với người nhận.
Matt chỉ có thể sống sót bởi vợ anh đã chết trước khi kịp thực hiện cuộc gọi chết chóc kia.
Một cái chết đổi lấy một mạng sống…
Vừa liếc trông chừng về phía đại sảnh khách sạn, cô vừa chia sẻ lý giải của mình với Romuald, cậu nhóc chăm chú lắng nghe. Hiện tại họ đã có nhiều chi tiết, đầu mối, bằng chứng, nhưng họ vẫn chưa hiểu được điều chính yếu: động cơ của Kate. Đó là mắt xích còn thiếu, mắt xích sẽ soi sáng cho họ ý nghĩa của toàn bộ sự việc rùng rợn này.
– Thế còn Kate? Tình hình thế nào rồi? – Cuối cùng Emma hỏi.
– Như dự kiến, chị ta lấy xe rồi vừa tới bệnh viện Nhi Jamaica Plain.
– Không có gì khác sao?
– Có một chuyện, có lẽ không quan trọng… – cậu nhóc mở lời.
– Cứ nói đi.
– Khi từ Whole Foods về, Kate vội vàng check hộp mail công việc và bức mail duy nhất chị ta đã mở và in ra, đó là bức mail liên quan đến những phân tích huyết học của chồng mình.
– Những phân tích Matthew đã tiến hành sáng nay trong chiếc xe tải của hội Chữ thập Đỏ sao?
– Đúng vậy. Thật lạ khi kết quả được gửi tới cho chị ta phải không?
– Tôi không rõ. Tôi đâu có thạo quy trình. Cậu có đọc được nội dung bức mail đó không?
– Tôi có thể đọc được toàn bộ thư từ của tất cả cán bộ công nhân viên trong bệnh viện kia mà, – cậu nhóc nhắc nhở, không khỏi có chút tự hào.
– Vậy thì hãy gửi bức mail đó sang hòm thư của tôi nhé.
o O o
Kết quả phân tích huyết học của Matthew dài hai trang giấy. Dù chẳng biết gì về lĩnh vực này, Emma vẫn mải miết đọc và cố gắng gom góp chút kiến thức ít ỏi để định hướng giữa những danh từ ngoại lai và những con số phức tạp. Đứng đầu danh sách là công thức máu: hồng cầu, huyết cầu tố, dung dịch hồng cầu, VGM, bạch cầu, bạch huyết bào, tiểu cầu, vận tốc lắng đọng, sắt, nồng độ ferritine…
Cô gái lướt từ dòng này sang dòng khác, hi vọng tìm thấy một hướng tìm kiếm bằng cách so sánh các tỷ lệ của Matthew với mức tối đa cho phép đi kèm với mỗi nghiên cứu.
Cô tiếp tục đọc sang công thức sinh hóa: đường huyết, creatinin, acid uric, enzyme, Gamma GT, men chuyển hóa amin, TSH, cholesterol tốt, cholesterol xấu…
Gan, tuyến giáp, thận… Mọi thứ dường như đều bình thường…
Cô đọc lại tổng thể kết quả mà không nhận ra điều gì đặc biệt… ngoại trừ một khung nhỏ ở góc phải của tài kiệu ghi rõ:
Kiểu hình hồng cầu hiếm
– Nhóm Helsinki –
Emma ngồi thẳng dậy.
Nhóm Helsinki ư? Nghĩa là sao?
Cô nhìn chằm chằm vào màn hình, chờ đợi một ý nghĩ lóe lên mà không thấy. Những ngày gần đây thật cam go, nhưng chúng đã giải thoát cô khỏi nỗi sợ và buộc cô phải bước ra khỏi lớp vỏ bảo vệ để chứng tỏ sự can trường. Tuy nhiên, đến đây thì cô bí. Có lẽ cô cần sự giúp đỡ của một nhà sinh vật học hoặc một bác sĩ, nhưng cô không quen ai làm hai nghề đó.
Cô ngoảnh ra phía cửa sổ, thở dài. Ánh nắng đầu chiều khiến con phố sáng rực, phản chiếu lên nhiều ụ tuyết nằm rải rác trên vỉa hè.
Ngay cả khi cơn đau nửa đầu đang chớm tra tấn cô thì tâm trí cô vẫn hết sức tỉnh táo. Thầm điểm lại danh bạ của mình, cô chợt nhớ ra chồng của nữ bác sĩ điều trị tâm lý cho mình đang quản lý một phòng thí nghiệm phân tích y khoa thuộc khu Upper West Side. Phòng thí nghiệm của anh ta nằm trong cùng tòa nhà với phòng khám của vợ, nhưng Emma mới chỉ thăm hỏi qua loa nhân một buổi tối vợ chồng họ tới dùng bữa tại Thống Soái. Vấn đề là Margaret Wood lại đang đi nghỉ ở Aspen. Emma có số di động của chị ta nhưng nữ chuyên gia trị liệu tâm lý không bao giờ trực tiếp trả lời những cuộc gọi của bệnh nhân, vào thời gian nghỉ ngơi lại càng không. Tuy vậy cô vẫn thử nhưng không chút ngạc nhiên khi gặp ngay tin nhắn hộp thư thoại, đành để lại một tin nhắn năn nỉ chị ta gọi lại cho mình càng sớm càng tốt: “vấn đề sống còn”, cô đã nói rõ như vậy. Nữ bác sĩ tâm lý hẳn phải tin rằng cô đang chuẩn bị nhảy cầu Brooklyn bởi chị ta tức khắc liên lạc lại với cô. Emma xin lỗi rồi giải thích rằng cô đang cần gấp một thông tin quan trọng mà chỉ chồng chị ta mới có thể cung cấp cho cô.
– Tôi đang ở đỉnh núi Aspen, chân đi giày trượt tuyết, nhưng nếu cô vẫn muốn gặp George thì anh ấy vẫn đang dưới chân đuờng trượt để nhấm nháp rượu bourbon ở Ajax Tavern. Tôi gửi cho cô số điện thoại di động của anh ấy nhé.
o O o
– Anh Wood phải không?
– Tôi nghe.
– Ngại quá vì làm phiền anh giữa kì nghỉ thế này, nhưng tôi gọi cho anh theo lời dặn của vợ anh.
– Ừm ừm… – người đàn ông làu bàu bằng giọng không mấy hào hứng.
– Có lẽ anh còn nhớ tôi: Emma Lovenstein. Tôi chính là người quản lý rượu trong một bữa ăn hồi năm ngoái tại nhà hàng Thống Soái.
Nghe đến đây, giọng George đã hứng thú hơn.
– Tôi còn nhớ rất rõ. Một buổi tối thú vị. Vả lại được như vậy một phần là nhờ cô. Cô đã khuyên tôi uống một ly porto ngon tuyệt đi kèm pho mát roquefort.
– Chính xác đấy ạ.
– Một ly Quinta do Noval, nếu tôi không lầm.
– Phải rồi, một ly Quinta do Noval Nacional Vintage 1987.
– Hình như loại rượu cùng tên niên hiệu 1964 còn ngon hơn nữa.
– Chính xác hơn là 1963, – Emma chữa lại. – Đó là một niên hiệu huyền thoại, nhưng chỉ còn vài chai. Nếu anh thích, tôi sẽ cố gắng tìm cho anh một chai. Anh Wood à, tôi có vài câu hỏi muốn nhờ anh giải đáp, nếu anh không thấy phiền.
– Dĩ nhiên rồi, cô gái, cô muốn gì cũng được.
Emma cúi xuống nhìn màn hình để không phát âm sai.
– Thế nào thì được gọi là “kiểu hình hồng cầu hiếm” vậy?
– À, máu thì không mê hoặc bằng rượu vang rồi, phải không? Lại thêm một điểm nữa cho thấy nghề nghiệp của chúng ta không mấy cách biệt: “Tất cả các người hãy uống đi, bởi đây là máu ta…” như ông bạn của chúng ta vẫn thường nói!
Thích thú với câu đùa của mình, anh ta bật cười ha hả:
– Thế còn một “kiểu hình hồng cầu hiếm”? – Emma nhắc lại, cố che giấu nỗi sốt ruột của mình.
– Đơn giản là một thuật ngữ được các nhà sinh học sử dụng khi nhắc đến một nhóm máu hiếm.
– Hiếm như thế nào?
George Wood đằng hắng.
– Ừm, cô biết nguyên lý của các nhóm máu chứ Emma?
– Có, rốt cuộc thì như tất cả mọi người thôi. Tôi biết có bốn nhóm máu chính: A, B, AB, O. Cũng như nguyên lý về các nhóm Rh dương tính hoặc âm tính.
– Đó là kiến thức cơ sở thôi, nhưng thực tế phức tạp hơn thế nhiều. Ít người biết điều này, tuy nhiên có một vài cá nhân không thuộc nhóm máu A, không phải B, không phải AB, cũng chẳng phải O.
– Thật sao?
– Đúng thế, nhóm máu của họ được gọi là “Bombay”, tên thành phố của Ấn Độ nơi các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện ra đặc tính này. Có những người không thuộc nhóm Rh dương tính cũng không thuộc nhóm Rh âm. Vậy thì chúng ta nói đến kiểu hình Rh không. Và đây chỉ là hai thí dụ trong nhiều thí dụ. Để đơn giản hơn, một nhóm máu được gọi là hiếm khi thiếu một hoặc nhiều kháng nguyên thường thấy trong các hệ thống của các nhóm khác.
Giọng giáo sư Wood đã hứng khởi trở lại. Rõ ràng là anh thích thú với việc chia sẻ kiến thức.
– Đặc trưng của các kiểu hình này dẫn chúng tới chỗ sản xuất ra một dạng kháng thể nào đó có nguy cơ gây ra thí dụ như những phản ứng đào thải trong trường hợp truyền máu hoặc cấy ghép. Đặc biệt là những người thuộc nhóm “Bombay” chỉ có thể được truyền bằng loại máu có cùng đặc tính.
Cô gái sốt ruột cũng đặt ra câu hỏi cứ chực vọt ra khỏi miệng nãy giờ.
– Thế còn “nhóm Helsinki”, anh có biết về nhóm đó không?
Nhà sinh học bật ra một tiếng cười rinh rích hài lòng.
– À, nhóm Helsinki, dĩ nhiên rồi! Một nhóm còn hiếm hơn những chai rượu porto niên hiệu 1963 của cô! Người ta xếp trong nhóm có tên này những người tổ hợp nhiều kiểu hình hồng cầu cực hiếm. Theo tôi biết, trên lãnh thổ Hoa Kỳ chỉ thống kê được chừng mươi mười hai người thuộc nhóm này.
Và Matthew là một trong số đó…
Emma cảm thấy nỗi phấn khích xâm chiếm. Cơn đau nửa đầu đã biến mất. Cô còn chưa biết chính xác bằng cách nào, nhưng cô chắc chắn chìa khóa của bí ẩn nằm ở nhóm máu cực hiếm của Matthew.
– Một câu hỏi sau cùng, thưa giáo sư, rồi sau đó tôi sẽ để anh tận hưởng kỳ nghỉ: người ta thường phát hiện ra mình mang một kiểu hình hiếm trong những trường hợp nào?
– À thì chuyện đó có thể bất ngờ xảy đến trong nhiều dịp lắm chứ: sau khi mang bầu, đào thải trong quá trình truyền máu, một kiểu hình hơi phức tạp ở một bệnh nhân cho máu. Khi một phòng thí nghiệm phát hiện ra một nhóm hiếm, phòng thí nghiệm đó phải báo cáo trên một tập tin dùng cho toàn quốc.
– Cảm ơn anh rất nhiều, giáo sư, anh đã giúp đỡ tôi hết sức hiệu quả.
– Vậy nhờ cô tìm giúp chai rượu porto kia nhé, – anh ta nhắc lại với vẻ nửa nghiêm túc nửa đùa cợt.
– Tôi sẽ không quên đâu.
o O o
Emma lại cảm thấy tim đập dồn. Cô đã phát hiện ra thông tin cất công tìm kiếm ngay từ đầu! Nếu còn chưa hiểu từ đầu chí cuối thì cô cũng đã chắc chắn được rằng việc Matthew thuộc nhóm Helsinki chính là tâm điểm của bí mật bao trùm quanh Kate.
Bình tĩnh nào…
Để sắp xếp lại suy nghĩ cho có đầu có cuối, Emma tập trung sự chú ý vào những ánh phản chiếu xà cừ và rượu absinthe mà nắng làm ánh lên nơi đáy ly. Cô quyết định tổng kết lại những gì biết về Kate và Matthew. Cô bắt đầu bằng cách lập lại hành trình gặp gỡ của họ. Cô gợi lại những kỉ niệm, nhớ lại lời của Sarah, người vợ đầu của Shapiro.
Mùa thu 2006: Matt tới bệnh viện sau khi bị kéo làm vườn cắt phải tay. Tại phòng cấp cứu, anh gặp Kate đang có ca trực ngày hôm đó. Họ có cảm tình với nhau, cô chăm sóc anh, khâu cho anh vài mũi.
Và dĩ nhiên là lấy máu nữa…
Cô gái đẩy suy luận của mình ra xa hơn: nếu Kate đã tiến hành xét nghiệm máu, cô sẽ nhờ vào kết quả mà phát hiện ra Matthew thuộc nhóm máu cực kỳ hiếm: nhóm Helsinki. Vài ngày sau, cô hẹn hò với anh và chỉ vài tháng sau ngày gặp gỡ, cô cưới anh làm chồng.
Nhưng để làm gì nhỉ?
Emma ngẩng lên và dòng suy nghĩ bị cắt ngang bởi cô trông thấy “diễn viên đóng thế”. Oleg Tarassov vừa trả thẻ cho lễ tân và đang tiến về phía lối ra.
Cô thu mình trên ghế, hi vọng ông ta không để ý tới mình rồi dõi theo ông ta đi ra xa.
Điện thoại áp trên tai, cô rời quầy bar rồi rảo bước rời khỏi khách sạn St. Francis.
– Romuald à? Tarassov đang rời khách sạn rồi. Tôi sẽ cố gắng bám theo lão ta, cậu giữ liên lạc nhé. Tôi đã phát hiện ra một chuyện rất khó tin.
– Tôi cũng vậy, đang có chuyện muốn kể với chị đây.
– Để sau đi, tôi… Khỉ thật!
– Xảy ra chuyện gì thế?
– Tôi nghĩ lão lên xe rồi!
Cô khum tay lên mắt che nắng để nhìn cho rõ. Trái với mong đợi, nhân viên trông xe của khách sạn vừa lái tới một chiếc xe tải màu đỏ đun, hình dáng thô kệch của tấm chắn trước khổng lồ hình chữ thập trang trí hình chòm sao Bạch Dương ánh bạc. Anh ta giao chùm chìa khóa chiếc xe tải khổng lồ cho Tarassov, ông ta lập tức ngồi vào sau tay lái.
Bị bất ngờ, Emma nhìn xung quanh một cách vô vọng hòng tìm một chiếc taxi. Cô nhờ nhân viên trông xe tìm giúp, nhưng chiếc xe tải đã lẫn vào trong dòng xe cộ, dần biến mất trước tầm mắt.
Chó chết thật!
– Tôi đã mất dấu lão già rồi, Romuald! Lão ta chạy xe về phía công viên.
– Trên phố Boylston?
– Đúng vậy.
– Lão chạy xe gì?
– Một chiếc Dodge to đùng màu boóc đô, nhưng…
– Tôi thì vẫn có thể theo dõi lão đấy!
– Không! Cậu huyên thuyên gì thế? Đừng có mà…
o O o
Cậu nhóc khoác thêm chiếc áo phao cổ rộng to sụ rồi nhét điện thoại vào túi áo. Cậu khẩn trương rời khỏi phòng, lao nhanh xuống cầu thang bộ như thể mạng sống của mình phụ thuộc cả vào chuyện này. Trong lúc phi vào đại sảnh của khách sạn hạng sang, cậu suýt xô ngã một bà cụ đang khó nhọc tiến bước bằng cách bám vào bộ khung vịn gắn bánh lăn, vấp phải chú chó xù giống Địa Trung Hải rồi va phải một anh chàng phục vụ tầng đang bê một khay chất đầy những cốc cao dùng để uống sâm banh.
Xin lỗi, làm ơn cho qua, xin lỗi, tôi…
Cậu nhóc chạy ùa ra sân trước khách sạn Bốn Mùa. Tới đó, cậu nhìn thấy một nhân viên gác cửa, bó chặt trong bộ đồng phục sẫm màu trang trí những chiếc cúc mạ vàng đang giúp một gia đình dỡ hành lý khỏi xe.
Một lần thôi, đừng tự đặt ra cho mày những câu hỏi nhé…
Động cơ xe vẫn chạy. Trong một tích tắc, Romuald ngồi vào ghế lái rồi đột ngột tăng tốc. Nhân viên gác cửa đóng cửa lại trong khi chiếc SUV để lại vài vệt miết lốp trên mặt đường trong tiếng lốp rít.