Nghệ Thuật Giao Tiếp Ứng Xử

CHƯƠNG VI NGHỆ THUẬT NÓI CHUYỆN CỦA PHỤ NỮ



1. PHỤ NỮ MIỆNG THỐT RA HOA RA NGỌC

“Một người phụ nữ thể hiện được khả năng trí tuệ sẽ được tôn trọng nhiều hơn so với người phụ nữ chỉ để lộ vẻ bề ngoài”.

Trong cuộc sống hiện thực có lẽ chúng ta đã thấy một người phụ nữ tuy tướng mạo xinh đẹp nhưng lời nói và cử chỉ thì rất thô lỗ, làm mọi người chán ghét, còn có những người phụ nữ tuy có tướng mạo khó làm rung động trái tim đàn ông nhưng lời nói và cử chỉ luôn để lộ nét đẹp nữ tính, hấp dẫn vốn có. Cùng là phụ nữ, tại sao có sự khác nhau nhiều như vậy? Đó là do một mặt, bị ảnh hưởng của ngoại cảnh, mặt khác thì đó là do không biết tự rèn luyện mình. Là phụ nữ, để ngày càng hoàn thiện hơn, được mọi người tôn trọng hơn thì khi nói chuyện cần chú ý làm tốt mấy vấn đề sau:

Không nói đến khuyết điểm của người khác

Con người có khuyết điểm là điều hết sức bình thường, không có gì đáng ngạc nhiên vì con người không thể thập toàn thập mỹ. Người có ưu điểm thì cũng sẽ có khuyết điểm. Có người do lâu dần đã hình thành cách sống cố hữu nhưng người khác thì không quen với điều đó và thế là điều này trở thành khuyết điểm của họ.

Con người ai cũng có lòng tự trọng. Khi nói chuyện, nếu bạn tránh nói đến những khuyết điểm của đối phương thì dễ tạo dựng được tình cảm với đối phương và tạo được không khí nói chuyện hòa hợp.

Vũ trụ bao la có rất nhiều thứ để nói chuyện, từ sao trên trời, hoa dưới đất, cảnh vật trước mặt, thông tin ngày hôm nay… cần gì phải nói đến người này người nọ, vô cớ sinh sự bàn luận đến những khuyết điểm của người ta.

Những người phụ nữ xinh xắn không nên bàn luận đến khuyết điểm của người khác, còn bạn thì sao?

Sử dụng từ ngữ khéo léo

Chữ nghĩa là vỏ ngoài của văn chương, ngôn ngữ là vỏ ngoài của phẩm cách học vấn của con người, có nhiều người tướng mạo đàng hoàng, thoạt nhìn thì cao quý, sang trọng nhưng hễ mở mồm thì toàn những lời thô tục, làm người nghe rùng mình, toàn bộ những gì kính trọng sẽ tan biến theo những lời nói của họ. Đáng tiếc là có một số người không phải do phẩm cách học vấn không tốt mà chỉ là nhất thời sơ ý đã phạm phải lỗi lầm này. Bản thân không biết tự uốn nắn mình, những lời nói thô tục lúc đầu chỉ là đùa giỡn không tao nhã, người mới nghe cảm thấy mới mẻ, và học đòi theo, nhưng lâu dần thành thói quen và luôn mồm nói ra. Những câu nói ấy bị người khác nghe trong giao tiếp sẽ có ác cảm đến mức nào? Trong nhiều trường học đã phổ biến nhiều lời nói thô tục một số các bạn học sinh lại coi đó là những câu nói thú vị. Tuy nhiên, nếu những lời đó được sử dụng thường xuyên, liêu tục cả trong và ngoài trường học thì những người không quen nói những câu nói ấy nghe sẽ cảm thấy khó chịu. Bạn có thể không thể hiện sự thông minh, linh hoạt, dí dỏm của mình bằng những lời nói hài hước nhưng sẽ thể hiện sự bỉ ổi, nông cạn bằng những câu nói dí dỏm thấp kém. Trước mặt người lạ, một câu nói như vậy đủ để hạ thấp vị trí của bạn, làm người ta coi thường bạn.

Không chần chừ, do dự

Nói chuyện khó hơn viết văn rất nhiều. Khi viết, bạn có thể suy nghĩ cẩn thận, sửa chữa nhiều lần, nhưng lời nói thì không như vậy, một khi đã nói ra thì tứ mã cũng khó đuổi. Vì vậy bạn cần phải hết sức chú ý khi nói chuyện với người khác.

Nếu không phải là tán gẫu bình thường thì trước khi nói bạn cần phải chuẩn bị sẵn ở trong đầu, tránh sai sót khi nói. Khi nói thần thái phải ung dung, tự nhiên trôi chảy, đôi mắt nhìn thẳng vào mặt đối phương, thể hiện ánh mắt chân thành, thân thiết. Hơn nữa, luôn luôn để ý đến phản ứng không lời của người ta, xem họ có tán thành hay không để kịp thời điều chỉnh cách nói của bạn.

Nếu thấy đối phương bồn chồn, có vẻ không muốn nghe nhiều thì bạn nên kết thúc vấn đề, nếu thấy đối phương có vẻ nghi ngờ thì bạn cần phải giải thích kỹ càng. Nếu đối phương vui vẻ chấp nhận thì bạn nên nói thẳng không nên vòng vo. Thấy đối phương muốn chêm lời thì bạn hãy để cho người ta có cơ hội được nói.

Bạn cần chú ý đến những câu trả lời của đối phương. Cùng là một câu “ừ” nhưng có ý cách khác nhau, đó có thể là biết rồi, là kinh ngạc, hoặc là nghi ngờ… Nếu đối phương nói “Được thôi, cứ làm theo ý của cô” thì tức là đã hoàn toàn chấp nhận, nhưng nếu nói “Được thôi, để sau hãy nói” thì tức là không đồng ý, hoặc là “Được thôi, để tôi suy nghĩ đã” thì về nguyên tắc có thể được nhưng cần phải thảo luận thêm, nếu nói “Được thôi, cô sẽ nghe thấy câu trả lời của tôi”, thì tức là đối phương sẽ giúp đỡ bạn, hoặc là “Được thôi, tôi sẽ để ý giúp cô”, thì tức là không có gì chắc chắn cả. “Được thôi tôi sẽ nghĩ cách giúp cô” thì tức là đối phương sẽ chịu trách nhiệm giúp vài phần. Bạn có thể hiểu được ý tứ sâu xa trong lời nói của đối phương thì sẽ biết lần nói chuyện này có thành công hay không. Những người khéo léo không bao giờ để lộ ý của mình, dễ làm bạn hiểu nhầm ý chân thành của họ.

Không nghiêm trọng chất vấn

Phụ nữ khi nói chuyện có thói quen chất vấn đối phương đa số là những người có tật bới lông tìm vết, gây khó khăn cho người khác, hoặc tính tình quái gở, hiếu thắng. Họ đã thể hiện phẩm cách của mình qua từng lời nói nhỏ. Thực ra, ngoài những trường hợp bất đắc dĩ như tranh luận ở tòa án thì phần lớn không cần thiết phải chất vấn. Nếu bạn cảm thấy ý kiến không đúng thì hãy thử nói ra ý kiến của mình, việc gì mà phải chất vấn, làm khó dễ đối phương?

Nói chuyện theo kiểu chất vấn trước, giải thích sau giống như đấm cho đối phương một quả rồi giải thích cho họ biết, quả đấm không cần thiết này sẽ làm rạn nứt tình cảm của hai người. Người bị chất vấn sẽ cảm thấy mình bị làm rối tung, lòng tự trọng bị tổn thương, nếu người ấy cũng có tính tình tồi tệ thì dễ xấu hổ mà tức giận, gây ra cuộc tranh cãi lớn.

Khiêm tốn, chân thành, thẳng thắn và tôn trọng người khác là những điều kiện cần thiết của nghệ thuật nói chuyện. Làm khó dễ đối phương lúc này để thừa cơ nói cho đã thì không có lợi cả cho mình và cho người. Bạn không muốn người khác làm tổn thương sự tôn nghiêm của mình thì bạn cũng không nên làm tổn thương đến sự tôn nghiêm của người khác. Thậm chí ngay cả con em hoặc cấp dưới của bạn có điều gì không đúng thì bạn có thể hỏi nguyên nhân và giải thích với họ bằng thái độ, cách làm chân thành, rộng lượng. Chất vấn không thích hợp trong những trường hợp đó. Nếu bạn muốn đối phương tâm phục khẩu phục thì càng những lúc có ý kiến khác nhau càng không được chất vấn.

Đôi khi dùng giọng điệu chất vấn để trêu nhau với bạn bè cũng được nhưng không nên thường xuyên để tránh biến thành thói quen.

Bạn cần phải luôn đề phòng, nếu bạn thích tấn công người khác bằng thái độ chất vấn mà bị đối phương áp đảo bằng nhiều lý do thì bạn sẽ bị mất mặt.

Con người đều có lúc bất bình tức giận, cảm thấy khó chịu với những lời nói của đối phương, lúc ấy hãy thử bịt tai không thèm nghe, cảm thấy tức mắt với những hành động của đối phương thì hãy thử nhìn mà coi như không thấy, việc gì phải quá nghiêm túc như vậy.

Không xúi giục (khiêu khích) đúng sai

“Có ngôn ngữ còn ấm áp hơn ánh mặt trời của mùa đông”, có ngôn ngữ lại nghiệt ngã hơn con dao sắc lạnh. Cùng một câu nói sẽ có những hiệu quả tương phản khác nhau với cùng một người nói hoặc là do nhiều người nói, có ngôn ngữ sẽ gắn chặt con người với nhau, có loại ngôn ngữ lại đào sâu hố ngăn cách giữa con người.

Người phụ nữ trí tuệ sẽ biết cách trốn tránh những lời nói làm tổn thương người khác giống như là trốn tránh bất hạnh. Sử dụng ngôn ngữ để xúi giục sai trái, làm tổn thương người khác, ở người làm tổn thương thì có thể có cảm giác được trút bỏ tình cảm, nhưng ở người bị tổn thương thì lại cảm thấy mình bị tổn thương mãi mãi.

Có hai loại ngôn ngữ làm tổn thương người khác. Một là chỉ trích trước mặt, hai là xúi giục đằng sau. Xúi giục đằng sau thâm hiểm, độc ác, khó đề phòng hơn chỉ trích trước mặt, do đó càng làm tổn thương nặng nề hơn.

Bạn đừng cho rằng xúi giục sau lưng là an toàn, vì bạn đang nói với một người chứ không phải là với bức tường mà con người thì luôn luôn thay đổi, hôm nay là thù địch nhưng ngày mai có thể là bè bạn, huống hồ một số người không phải là bè bạn cũng không phải là thù địch, họ sẽ bán đứng bạn để lấy lòng người khác.

Không nên làm loa tuyên truyền:

Trên thế giới này không có ai là hoàn thiện, tùy tiện nói khuyết điểm hoặc tiết lộ bí mật của người khác không chỉ làm ảnh hưởng đến danh vọng của người ấy mà còn thể hiện sự thô tục, không đáng tin của bạn. Trước hết, bạn cần hiểu rằng, những gì bạn biết về người ta chưa chắc đã đáng tin cậy, có thể còn có rất nhiều nỗi đau âm thầm mà bạn chưa biết được, nếu bạn tuyên truyền những gì bạn biết được thì dễ làm điên đảo đúng – sai, lẫn lộn trắng – đen, đã nói ra thì không thể thu về được, khi biết được toàn bộ sự thật của vấn đề thì bạn còn có thể đính chính được hay không?

Trong xã hội luôn có những người thích thêu dệt những chuyện thị phi của người khác. Thế gian này có biết bao nhiêu bi kịch đã xẩy ra từ đó. Tôi tin rằng, bạn sẽ không phải là loại người này, nhưng đôi khi bàn luận đến khuyết điểm của người khác sẽ vô tình gây mầm họa xấu cho người ta, còn mầm họa này sẽ được nuôi lớn đến mức độ nào thì bạn không thể dự tính được trước. Điều này không có lợi cho bạn mà rất có hại cho người ta. Nếu có người nói về khuyết điểm của ai đó với bạn thì cách duy nhất là bạn nghe xong rồi cho qua, giống như người khác nói cho bạn một bí mật, không phận sự thì miễn nói, bạn không được làm loa phát thanh làm tổn thương người khác, và cũng không được tin một cách phiến diện, càng không nên ghi nhớ những điều đó ở trong lòng. Khi đàm luận người khác, không được quan sát phiến diện và đánh giá người ta ở sau lưng, trừ khi đánh giá ấy có ích cho người ta. Nói khuyết điểm của một người xấu thì người nghe rồi sẽ cho rằng bạn không biết gì cả. Nếu nói xấu một người tốt thì không chỉ đơn thuần là vấn đề làm tổn hại đến đạo đức, phẩm chất của chính mình nữa rồi.

2. PHÁT HUY ƯU THẾ NGÔN NGỮ NỮ TÍNH

“Những người phụ nữ không tiếp xúc với đàn ông sẽ dần tiều tụy, những người đàn ông không tiếp xúc với phụ nữ sẽ dần đần độn”.

Trong xã hội cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, phụ nữ muốn sống cuộc sống tốt đẹp hơn thì cần phải phát huy ưu thế nữ tính của mình để tình hữu nghị ngày càng vững chắc, tình yêu càng ngọt ngào, gia đình càng đầm ấm, quan hệ xã hội càng hòa hợp, và sẽ thành công trong tình yêu, gia đình và sự nghiệp. Làm thế nào để đạt được yêu cầu này thì xin chú ý đến một số điểm sau:

Những lời nói khéo léo, nhẹ nhàng

Lời nói nhẹ nhàng, khéo léo, dịu dàng là phong cách ngôn ngữ vốn có của phụ nữ làm cho người nghe luôn cảm thấy thân thiết vô cùng. Có người cho rằng “Phụ nữ không nên yếu đuối”, yếu đuối sẽ bị người khác bắt nạt, “phụ nữ không nên mềm yếu”, mềm yếu sẽ bị người ta đè đầu cưỡi cổ. Do đó đã xuất hiện những người “phụ nữ đanh đá, chua ngoa”, nói chuyện còn thô lỗ hơn cả đàn ông, họ đã vứt bỏ ưu thế của mình để theo đuổi một tật xấu nên chỉ thu được hiệu quả ngược lại.

Tăng thêm ngôn ngữ thấu hiểu

Thấu hiểu là sự cảm thông của tâm hồn. Bản thân con người vốn có tâm lý mong muốn được người khác thấu hiểu, còn phụ nữ luôn giầu cảm xúc hơn đàn ông, rất dễ đồng cảm với người khác, vì vậy, có thể đáp ứng được đòi hỏi tâm lý của đối phương. Những ngôn ngữ mang tính thấu hiểu sâu sắc thì sẽ làm người ta xúc động.

Nói quanh co, vòng vèo

Phụ nữ thường tiếp xúc với người khác rất kín đáo, không bao giờ nói trực tiếp mục đích mà thường nói vòng vo, hay nói ngược lại, ngụ ý tượng trưng… Về mặt nào đó thì những đặc trưng này lại là ngôn ngữ của nữ tính lôi cuốn lòng người.

Nói chuyện đậm chất tình cảm

Sự thể hiện khác nhau của ngôn ngữ nữ tính và ngôn ngữ nam tính là: “Đàn ông chú ý đến lý”, “còn phụ nữ rất chú ý đến tình”. Đa tình là đặc điểm ngôn ngữ của phụ nữ. Ngôn ngữ mang đầy sắc thái tình cảm trong khi giao tiếp luôn khơi dậy tình cảm của đối phương làm cho tình cảm của cả hai cộng hưởng và kết quả là đã tăng cường, gắn bó tình cảm của hai người. Sử dụng ngôn ngữ nữ tính đa tình nói chuyện với chồng hoặc người yêu thì sẽ làm tình yêu đẹp thêm; với bạn bè sẽ làm họ cảm thấy mình được an ủi thực sự; với đồng nghiệp thì sẽ đạt được sức mạnh to lớn. Đó chính là ưu thế ngôn ngữ của phụ nữ.

3. HÃY NÓI LỜI “CẢM ƠN”

“Tài năng đáng quý nhất là sử dụng một từ nhưng có thể nói rõ được vấn đề không cần dùng đến hai từ”.

Có một câu chuyện cười: Tiểu Huệ lên 7 tuổi cầm que kem vui vẻ chạy về nhà nói với bố: “Bố ơi chú Trương mua cho con que kem này”.

Bố cô bé hỏi: Con đã nói “cảm ơn” chú chưa?

Tiểu Huệ: “Con chưa nói”

Bố cô bé lại nói: “Thế thì mất lịch sự quá. Con nhanh đến chỗ chú Trương cảm ơn chú đi”

Một lúc sau, cô bé quay về. Bố cô bé hỏi “Con đã cảm ơn chưa?”

“Con cảm ơn rồi nhưng không còn tác dụng gì nữa”. Cô bé trả lời.

Tại sao?

“Chú Trương nói là con không cần phải cảm ơn”.

Câu chuyện cười này chứa rất nhiều gợi ý. Trong giao tiếp giữa người với người, có nhiều phụ nữ đã là cô bé Tiểu Huệ với nhiều cấp độ khác nhau. Họ thường có hai khuyết điểm ở vấn đề này: Một là cho rằng mình không cần phải có lời “Cảm ơn!”. Hai là họ thực sự không biết nói lời “Cảm ơn!”. Trong hai trường hợp trên thì với trường hợp trước tư tưởng nhận thức có vấn đề, với trường hợp sau thì khả năng giao tiếp có vấn đề, nhưng đều để lại những hậu quả xấu trong quan hệ với mọi người và cần phải thay đổi sớm.

Nói tóm lại, “Cảm ơn” bao gồm những chức năng sau:

a. Thể hiện quy tắc lễ nghi

Trong xã hội hiện đại, cảm ơn ý tốt và sự giúp đỡ của người khác là tiêu chí văn minh, là một quy tắc của xã hội. Chỉ có như vậy một người phụ nữ mới được coi là có giáo dục, có đức hạnh, xã hội mới là một xã hội văn minh và yên ổn.

b. Biểu đạt tình cảm cái tôi

Con người khi đã chấp nhận lời nói và hành động thiện ý của người khác thì thường cảm thấy rất cảm động, tình cảm ấy sẽ chuyển thành lời. Câu “cảm ơn” thường là cách tự nhiên bày tỏ tình cảm này của con người.

c. Gia tăng thiện cảm của đối phương

Các nhà nghiên cứu cho rằng: Con người với con người quan hệ với nhau là một quá trình tương hỗ, hành động thiện chí của một bên tất sẽ khơi dậy “sự tạ ơn” của bên còn lại và được thể hiện bằng lời cảm ơn. “Sự tạ ơn” này sẽ tăng thêm thiện cảm của đối phương và sẽ làm họ có những hành vi thiện chí mới. Như vậy sẽ làm cho quan hệ của hai người hòa hợp với nhau hơn.

d. Điều tiết khoảng cách của đôi bên

Bất cứ mối quan hệ giao tiếp, hoặc lần nói chuyện nào cũng đều được tiến hành trong khoảng cách tâm lý do hai bên tạo ra. Khoảng cách tâm lý vừa phải là một điều kiện tất yếu để hai người giao tiếp thành công, còn lời nói cảm ơn chính là một nghệ thuật để điều tiết khoảng cách ấy của đôi bên.

Trong các trường hợp bình thường, cảm ơn có tác dụng rút ngắn khoảng cách giữa hai người. Nhưng nhiều khi, cảm ơn lại kéo rộng khoảng cách của hai người. Nhiều khi trong mối quan hệ giao tiếp đặc biệt như người yêu, người thân, bạn thân nếu chúng ta sử dụng những câu cảm ơn lịch sự, tiêu chuẩn thường dùng cho các mối quan hệ xã giao sẽ là một cách bày tỏ thái độ lạnh nhạt của mình với đối phương, rộng khoảng cách tâm lý với đối phương.

Trong quan hệ giao tiếp, bạn cần phải biết vận dụng tốt thủ thuật giao tiếp này, hãy nói “cảm ơn” để hoàn thành nhiệm vụ giao tiếp đặc biệt của mình.

e. Thỏa mãn nhu cầu tâm lý của đối phương

Trong nhiều tình huống, “cảm ơn” là cách để thỏa mãn nhu cầu tâm lý của đối phương.

Mỗi người đều có nhu cầu tâm lý khác nhau. Có người mong muốn bạn cảm ơn lời nói hay hành động của họ, có người muốn bạn cảm ơn những hiệu quả hoặc hành động của lời nói của họ, có người lại muốn bạn cảm ơn bản thân con người họ.

Do đó, trước hết người cảm ơn cần phải biết đáp ứng được nhu cầu tâm lý này. Nhất là khi các chàng trai cảm ơn những người phụ nữ lớn tuổi hơn mình thì cần phải có thái độ cẩn trọng. Như những lời đại loại như sau sẽ dẫn đến hiểu nhầm “Cảm ơn chị, không ngờ chị vẫn luôn nhớ đến tôi.”, thà rằng chỉ cảm ơn hành vi của đối phương là được. Do đó, cảm ơn cần phải xuất phát chính từ nhu cầu tâm lý của đối phương.

Ngoài ra, cảm ơn còn phải áp dụng những biện pháp tương ứng căn cứ vào đặc điểm thân phận khác nhau của đối phương. Người già thường tự tin, kinh nghiệm của họ luôn có tác dụng nhất định đối với thanh niên, vì vậy khi cảm ơn, thanh niên cần cảm ơn kết quả của hành vi và lời nói của họ. “Cảm ơn bác, những lời của bác đã làm cho cháu hiểu được nhiều điều…”, như vậy sẽ làm người già cảm thấy hài lòng.

Phụ nữ thường cho rằng trái tim lương thiện, chăm sóc người khác là sự hấp dẫn độc đáo của mình. Vì vậy khi cảm ơn họ, nói “em thật tốt” sẽ hay hơn nhiều “cảm ơn em”; nói “may mắn có em giúp anh nghĩ được việc đó” tốt hơn là “em nghĩ được điều ấy thật khó khăn”.

f. Cần phải thể hiện tình cảm xác đáng

“Cảm ơn” nên là cách biểu lộ tự nhiên tình cảm biết ơn ở trong lòng mình, vì vậy, nội dung chủ yếu của cảm ơn là tình cảm chân thành, lời nói thể hiện cho tấm lòng. Với tình cảm chân tình như vậy thì chúng ta cần phải thể hiện rõ ở ngôn ngữ, biểu hiện được chân thực lòng mình.

Trước hết ngữ điệu phải vui vẻ, rõ ràng, không nên quá trầm, nặng nề, thứ hai lời nói phải rõ ràng, không được lẫn lộn, ấp úng, cuối cùng là mắt phải nhìn thẳng vào người mình cảm ơn, khuôn mặt biểu lộ sự chân thành, sinh động, phối hợp với các cử chỉ đúng mức. Về vấn đề này chúng ta cần phải tránh hai điểm: khoa trương và cứng nhắc.

Bạn thử nghĩ xem, nếu bạn khoa chân múa tay, cử chỉ nông nổi, lúc vỗ vai đối phương, lúc lại kéo tay đối phương khi xin lỗi; hoặc thể hiện tình cảm khô cứng, cúi đầu, nhìn ra chỗ khác. Cách biểu lộ tình cảm và cử chỉ của bạn như vậy thực tế đã hạ thấp lời nói của bạn, tình cảm của bạn không những không có hiệu quả tích cực mà thậm chí còn tạo ra hậu quả tiêu cực.

g. Cần phải chú ý đến nơi giao tiếp và quan hệ giao tiếp

Khi cảm ơn cần phải chú ý đến nơi diễn ra giao tiếp. Khi chỉ có bạn với đối phương thì bạn cảm ơn người ta sẽ có hiệu quả tốt nhất, nhưng trong đám đông bạn chọn ra một người để cảm ơn thì sẽ có xảy ra tình trạng là dường như bạn đang lạnh nhạt với người khác và sẽ đẩy người được cảm ơn vào hoàn cảnh khó xử. “Cảm ơn” cũng cần phải chú ý đến quan hệ của đôi bên. Nếu hai người là chỗ quen biết hoặc là đồng nghiệp thì có thể cảm ơn trực tiếp như “cảm ơn anh”, “rất cảm ơn anh”… nhưng hai người chỉ là quan hệ bạn bè bình thường thì ít dùng “cảm ơn anh” mà nên dùng những câu đại loại như “rất cảm ơn anh”. Bạn cũng có thể bày tỏ ý cảm ơn của mình bằng những câu khen ngợi hoặc là trần thuật, chẳng hạn như con gái có thể nói với mẹ: “Mẹ! mẹ thật tốt, mẹ là người mẹ tốt nhất trên đời này”.

Nhiều khi, cảm ơn cũng có thể lợi dụng quan hệ giao tiếp giữa con người với con người. Ví dụ bạn rất muốn cảm ơn ai đó thì bạn có thể bày tỏ lòng cảm ơn của mình với những người có thiện cảm với người đó như bố mẹ, bạn gái hoặc cấp trên của anh ấy. Như vậy lời cảm ơn của bạn sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với việc bạn trực tiếp cảm ơn anh ấy.

h. Cần phải chú ý đến loại hình và cách thức cảm ơn:

Từ những góc độ khác nhau thì cảm ơn cũng có những loại khác nhau, có loại cảm ơn cá nhân, có loại cảm ơn tập thể, có loại cảm ơn hành vi, có loại cảm ơn nhân phẩm, có loại cảm ơn giữa cá nhân với nhau, có loại cảm ơn giữa tập thể, giữa các quốc gia với nhau, có cảm ơn bằng miệng, có cảm ơn qua điện thoại, có cảm ơn qua thư từ…

4. HÃY NÓI CHUYỆN BẰNG MẮT

“Đôi mắt của một người là hiện tại của họ, cái mồm của một người là tương lai của họ”.

“Đôi mắt rực sáng long lanh” là câu dùng để miêu tả sinh lực dồi dào, nhạy bén của một con người. Qua câu này thấy được mối liên hệ giữa “mắt” và “thần”. Theo lý luận của Đông y, đôi mắt gắn liền với thận và gan. Một người bị bệnh gan sẽ có thể nhìn thấy được triệu chứng qua đôi mắt. Nếu đôi mắt của một người có thần, bộc lộ hết thảy, rạng rỡ sáng ngời thì tức là thận hoạt động tốt, tình trạng sức khỏe tốt, là tiêu chí của sức khỏe mạnh mẽ, ngược lại, trạng thái tinh thần tồi tệ, thiếu sức sống thì khó tập trung tinh lực làm việc.

Đôi mắt toát ra ánh sáng được mọi người quen gọi là ánh mắt. ánh mắt là một loại giao tiếp phi ngôn ngữ có thể truyền đạt được tình cảm, tinh thần trong giao tiếp. Tiếp xúc giữa ánh mắt của con người với con người về ý nghĩa nào đó là sự va chạm giữa trái tim của con người với con người. ánh mắt của con người thông qua đôi mắt mở hay nhắm, thể hiện qua chuyển động của con người, co giãn của đồng tử, thay đổi của tầm nhìn với lông mi. Có ánh mắt nhiệt tình thân thiết, chứa chan tình cảm; có ánh mắt nghiêm túc hà khắc, có ánh mắt thân ái, dịu dàng; có ánh mắt hung hãn, có ánh mắt sợ sệt, có ánh mắt kiên định và có ánh mắt coi thường…

Trong giao tiếp, ánh mắt có thể gửi gắm nhiều thông tin cho thế giới bên ngoài. Biểu lộ sự ngưỡng mộ thì hai mắt lộ rõ tình cảm, biểu lộ sự gây hấn thì ánh mắt không chuyển rời vẻ u tối, khi thể hiện sự chấp nhận thì ánh mắt lộ rõ vẻ hòa bình. ánh mắt còn có thể truyền đạt các nội dung phong phú như mệnh lệnh, yêu cầu, khuyên giải và an ủi…

Trong giao tiếp xã hội mọi người rất chú ý việc vận dụng ánh mắt. Trừ một số điểm khác biệt về giới tính, dân tộc, trong các trường hợp, hoàn cảnh khác nhau cũng cần phải chú ý đến cách vận dụng khác nhau. Người ta sẽ có ác cảm với những ánh mắt lạnh nhạt, hoảng sợ, đờ đẫn hoặc là dò xét.

Kết bạn lần đầu tiên mọi người không biết nên nói gì, khi chưa chọn được chủ đề nói chuyện thì nên thử để ánh mắt “nói chuyện” trước. Nếu đứng trước người cùng giới thì bắt tay là một thói quen rất tự nhiên, nhưng ánh mắt có ý nghĩa như thế nào khi bắt tay lại có ý nghĩa rất quan trọng. Bạn thử tưởng tượng ra một buổi gặp mặt, hai người bắt tay nhau rất thân mật nhưng ánh mắt của bạn lại nhìn về chỗ khác thì đối phương sẽ cho rằng bạn không chân thành. Nếu đôi mắt của bạn quét từ đầu đến chân đối phương thì càng tồi tệ hơn vì sẽ làm cho người ta hiểu nhầm bạn là người kiêu ngạo. Nếu khi bắt tay, ánh mắt của bạn dừng ở chân thì đối phương sẽ cảm thấy hoang mang, không hiểu bạn đang muốn gì. Vì vậy, trước khi nói chuyện, bạn cần phải nhìn đôi mắt và khuôn mặt của đối phương một cách thân thiện.

Làm như vậy rất có ích, quan sát nhiều bằng ánh mắt, cẩn thận khi nói, dịu dàng, khéo léo chấp nhận đối thủ của bạn. Trước khi bạn nói thì tầm nhìn (hướng nhìn) không được rời bỏ khuôn mặt của đối phương. Hãy nhìn bằng ánh mắt chân thành, hiền hòa để đối phương cảm nhận thực sự được sự tôn trọng, khoan dung và có giáo dục của bạn. Bạn cũng biết mọi người luôn khen ngợi nụ cười mỉm của nàng Mona Liza do danh họa Leona de Vinci vẽ, họ luôn nói nàng có sức cuốn hút vĩnh hằng. Thực ra sự hấp dẫn của nụ cười mỉm của nàng Mona Lida là ở đôi mắt như vui mà không vui, như giận mà không giận. Đôi mắt đó đã thể hiện cảm giác thân thiết, làm con người cảm thấy vui vẻ.

Trong giao tiếp, đôi mắt sẽ nói cho chúng ta biết nhiều điều, mọi người có thể thông qua đôi mắt để biểu lộ tình cảm nhằm điều chỉnh phương hướng, nhịp điệu nói chuyện, cũng có thể thông qua đôi mắt bày tỏ nội dung phong phú, tăng cường hiệu quả nói chuyện.

Trong truyền đạt thông tin của ngôn ngữ không lời, thì ánh mắt có một tác dụng rất đặc biệt. Những người có tấm lòng ngay thẳng thì ánh mắt luôn ngời sáng, người có dự định xấu xa thì đôi mắt luôn vẩn đục, ánh mắt buông thả. Do đó khi tiếp khách bạn hãy dành cho đối phương sự chân thành, nhiệt tình và lôi cuốn qua ánh mắt long lanh. Trao đổi ánh mắt là bước không thể thiếu trong khâu chuẩn bị của một cuộc nói chuyện.

Có người cho rằng, đồng tử mở to hay thu nhỏ, mí mắt nhắm hay mở đều là những phản ứng từ trái tim. Khi vui vẻ, yêu thương, đồng tử sẽ mở to, khi tức giận, chán ghét hoặc lạnh nhạt thì đồng tử sẽ thu nhỏ. Nghe chăm chú thì các cơ thịt trên khuôn mặt sẽ nới lỏng và mí mắt sẽ mở to, khi ác cảm hoặc không hiểu thì mí mắt sẽ nhắm. ánh mắt tiếp xúc với nhau cũng có những ý nghĩa khác nhau. Thông thường, người nói hoặc người nghe nếu trong lòng có ý đồ thì sẽ không dám nhìn thẳng vào đối phương. Những người ít tiếp xúc bằng ánh mắt sẽ rất nhút nhát, thỉnh thoảng liếc một cái, nhưng ánh mắt này hoàn toàn khác với ánh mắt ngầm quan sát của người xấu. Trong khi nói chuyện, phụ nữ rất thích quan sát người khác, khi đối phương im lặng họ sẽ di chuyển tầm nhìn. Đàn ông thích nhìn chằm chằm vào người khác, khi đối phương nói thì tỏ vẻ thờ ơ. Theo quan sát của một chuyên gia xã hội, khi nói chuyện, thời gian chăm chú nhìn chiếm khoảng 30- 60% tổng số thời gian của cuộc nói chuyện thông thường. Nếu thời gian nhìn chăm chú quá lâu thì tức là hai bên đều có hứng thú vượt qua cả bản thân, thường là những cặp đang yêu nhau.

Tiếp xúc ánh mắt cũng có sự khác nhau tùy theo từng dân tộc. Khi nói chuyện, người ả Rập yêu cầu phải nhìn vào đối phương, người Nhật Bản thì phải nhìn toàn bộ khuôn mặt đối phương không được nhìn chăm chú một chỗ, người Mỹ nhìn thẳng người nói chuyện lâu hơn, người Anh nhìn thẳng vào người nói chuyện ít hơn.

Hiểu được ý nghĩa đúng đắn của ánh mắt thì bạn có thể vận dụng ánh mắt hợp lý trong khi nói chuyện nhằm tăng thêm hiệu quả và giảm bớt hiểu nhầm. Trong các trường hợp nói chuyện thông thường, trừ khi lên diễn thuyết thì ánh mắt của hai người tốt nhất nên như nhau hoặc gần giống nhau. Những ánh mắt ở những vị trí khác nhau sẽ có những ý nghĩa khác nhau. Như ánh mắt nhìn xuống của bạn sẽ làm đối phương tức giận, cảm thấy bị lăng mạ, làm cho người ta cảm thấy tự ti và có tinh thần chống đối. Một số người khi ở cơ quan vừa làm việc vừa nói chuyện làm cho mọi người luôn cảm thấy khó chịu. Khi nói chuyện bạn cần phải tránh nhìn nghiêng bên này bên nọ, vì nhìn nghiêng luôn có nhiều nghĩa xấu hơn là nghĩa tốt.

Ánh mắt thể hiện đạo đức, tình cảm, văn hóa của mỗi con người. Khi nói chuyện, nhìn nghiêng nhìn ngửa, nhìn ngược nhìn xuôi là hành động rất mất lịch sự. Nếu người nói có những hành động như vậy thì họ là người kiêu ngạo, nói chuyện không thành thật, và không có văn hóa. Nếu người nghe có hành động như vậy thì thể hiện sự thờ ơ, coi thường đối phương và như vậy sẽ ảnh hưởng đến tình cảm của hai người. Khi nói chuyện bạn nên nhìn thẳng vào đối phương, nhưng để tránh làm người ta lúng túng, khó xử, bạn không cần thiết phải nhìn chằm chằm vào mắt người ta.

5. LỜI LẼ VÀ THÁI ĐỘ NÓI CHUYỆN DỊU DÀNG ÊM ĐỀM NHƯ DÒNG NƯỚC CHẢY

“Ngôn ngữ tồn tại nhằm nguỵ trang cho tư tưởng của con người”.

Tục ngữ có câu: “Một câu nói có thể làm cho mọi người vui vẻ nhưng cũng có thể làm cho mọi người nhảy dựng lên”. Trong các trường hợp ngôn ngữ làm cho mọi người vui vẻ đó là những lời nói dịu dàng, ngọt ngào.

Lời lẽ và thái độ dịu dàng được thể hiện ở “Giọng điệu nói chuyện thân thiết, ngữ điệu dịu dàng, ngôn ngữ kín đáo, từ ngữ uyển chuyển, nói năng tự nhiên”. Với cách nói năng như vậy dễ làm cho đối phương cảm thấy thân thiết, vui vẻ, dễ nghe, có hiệu quả chinh phục mạnh và thực tế là lấy nhu chế cương.

Làm thế nào để bạn nói năng dịu dàng êm đềm như nước chảy?

a. Nói năng vui vẻ, hòa nhã

Người ta đang bực tức trút giận lên bạn rất vô lý mà bạn nhường nhịn, nói năng dịu dàng thì sẽ dập tắt được cơn giận ấy và đổi lại được nụ cười của người ta. Như một nhân viên của cửa hàng đồ sứ phải tiếp một nữ khách hàng khó tính, sau hơn nửa tiếng đồng hồ giới thiệu rất nhiều mặt hàng mà cô khách hàng vẫn chưa chọn được một món hàng, do nhiều khách nên anh nhân viên vội đi giới thiệu sản phẩm cho một khách hàng khác. Nữ khách hàng cho rằng mình bị đối xử lạnh nhạt nên mặt nặng mày nhẹ lớn tiếng trách mắng “Anh phục vụ kiểu gì đấy, anh không thấy tôi là người đến trước hay sao mà để mặc tôi thế này?”. Nói rồi cô ấy vứt tiền lên quầy và ra lệnh: “Thanh toán nhanh cho tôi, tôi còn có việc khác” câu nói ấy thật khó nghe. Nếu gặp phải nhân viên khó tính thì chắc sẽ cãi nhau to nhưng anh nhân viên kia đã không lên tiếng tranh chấp với người khách nọ, anh thu xếp cho các vị khách hàng khác xong thì tươi cười đến chỗ cô nói: “Xin lỗi chị, mong chị thông cảm, cửa hàng chúng tôi bận quá nên phục vụ chị không chu đáo, rất vui vì chị đã đóng góp ý kiến cho chúng tôi”. Những câu nói nhường nhịn và chân thành của anh nhân viên đã làm cho cô khách hàng đỏ mặt, xấu hổ nói “Mong anh thông cảm, vừa nãy tôi nói không được dễ nghe lắm”.

Bạn thấy đấy, anh nhân viên đã lấy “hòa khí” đối chọi với “tức giận”, bề ngoài thì có vẻ “tình cảm dịu dàng như dòng nước êm đềm” nhưng thực tế lại “có sức mạnh thắng ngàn vạn đao kiếm”, tạo ra hiệu quả tích cực. “Có lý không phải ở lời lẽ to tiếng”. Với cách nói nhường nhịn như vậy mới thể hiện sự tôn trọng, khoan dung và thấu hiểu người khác, bản thân điều này đã tạo ra sự cảm hóa và từ đó làm cho tâm lý đối phương thay đổi. “Tức giận” mà gặp “hòa khí” thì sẽ mất đi đối tượng trút giận nên tự nhiên sẽ hết giận. Bạn cũng biết, nhiều khi sự khoan dung khơi dậy và làm rung động đạo đức mạnh mẽ hơn sự trừng phạt. Như vậy nói năng nhường nhịn bằng khoan dung là cách nói năng có nhiều sức chinh phục nhất.

b. Nói chuyện theo kiểu trong cái mềm dẻo ẩn chứa cứng rắn

Gặp phải người quấy rối vô lý bạn không nên quá tức giận, càng không nên lớn tiếng chửi bới, thái độ lý trí và lời lẽ uyển chuyển sẽ giúp bạn “chuyển nguy thành an”, chiến thắng đối phương.

Một cô gái đội mũ hoa đi trên đường bị mấy chàng trai trẻ tuổi trêu chọc giật mũ. Trước sự khiêu khích của mấy chàng trai, cô gái vừa tức giận, vừa lo lắng nhưng bình tĩnh và lịch sự nói “Mũ của tôi rất đẹp, đúng không?”. “Tất nhiên, mũ cô cũng giống như cô, rất đẹp”. Một chàng trai cố ý chọc cô, cô gái nhẹ nhàng nói: “Chắc là anh muốn ngắm chiếc mũ ấy để còn mua tặng cho người yêu? Tôi nghĩ, anh chắc không phải là loại người hay trêu chọc người khác”.

Lời nói của cô ẩn chứa nhiều ý nghĩa, trong sự dịu dàng ấy có ẩn giấu những lời khuyên bảo, trong sự nhẹ nhàng có chứa nét sắc sảo. Tất nhiên là sau đó, chàng trai có phần lúng túng, chủ động xin lỗi và trả lại mũ cho cô gái rồi đi mất. Như vậy đã không xảy ra một trận cãi nhau.

Qua đó chúng ta không những thấy được sự nhanh trí, thông minh của cô gái mà còn có ấn tượng với khả năng xử lý của cô. Từ đầu đến cuối cô gái không hề nói một câu cứng rắn nào mà chỉ là những lời nhẹ nhàng có chứa “nhiều ý nghĩa”. Cô gái đã ứng phó rất giỏi, đã đánh trúng tâm lý tự ái và lòng tự trọng của đối phương. Với ngôn ngữ dịu dàng, cử chỉ bình tĩnh cô gái đã làm cho đối phương không thể làm càn. Chúng ta có thể thấy rằng, những lời nói dịu dàng luôn có sự hấp dẫn độc đáo vì trong “nhu có cương”.

c. Nói chuyện với ý tứ sâu xa

Khi bạn bị đối phương trêu chọc thì bạn cũng không được hành động lỗ mãng, thái độ thành thục và lời nói nhẹ nhàng sẽ giúp bạn đạt được như ý muốn.

Một người đàn ông đứng tuổi nhân chuyến đi công tác trong nước liền đi mua vài món đồ để làm quà cho người thân, nhưng đến trước sạp hàng nọ ông đã sơ ý bị cô bán hàng lấy mất ví tiền. Sạp hàng khi đó chỉ có hai người, ông biết rõ cô bán hàng làm việc này nhưng khi nói ra thì cô ta lật mặt mắng ông “đến đồn công an mà báo”. Ông bình tĩnh nghĩ ngợi và thấy không cần thiết phải làm găng với cô bán hàng. Ông hạ thấp giọng cầu khẩn cô “Cô gái, tôi định mua vài món hàng của cô, sao cô lại đối xử với tôi như vậy? Tôi biết các cô làm ăn buôn bán trọng nhất là chữ tín”. Những câu nói cầu khẩn và khuyên bảo ấy đã làm cho cô bán hàng phải suy nghĩ. Ông nói thêm: “Tôi từ xa đến, trong ví còn có tiền của bạn bè gửi mua đồ, mất rồi tôi biết ăn nói với họ ra sao? Tôi phải lấy tiền ở đâu đây? Cô tìm lại giúp tôi được không, có thể nó lẫn ở trong đống quần áo? Tôi biết các cô là những người rất biết thông cảm mà”.

Cuối cùng cô gái đã bị thuyết phục và lấy ví tiền trong đống quần áo, xấu hổ trả lại cho ông khách.

Cầu khẩn thường là ngôn ngữ của người đang đứng ở thế yếu. Tuy nhiên, đó không phải là những lời cầu khẩn thấp hèn mà là một kiểu đấu trí trong trận chiến tâm lý. Ông khách đã nắm được yếu điểm là “chữ tín” và với cách cầu khẩn, dẫn dắt, ngầm tăng áp lực để cố gắng khêu gợi sự cảm thông và lương tâm của cô gái để tính chính nghĩa, chữ tín chiến thắng ý muốn tham lam, xấu xa và cuối cùng cô gái đã trả lại ví tiền cho ông.

d. Nói chuyện bình tĩnh, hòa nhã

Khi muốn nhờ vả người khác, bạn không nên nói bằng giọng điệu ra lệnh, nếu không có thể sẽ làm cho bạn phải lâm vào hoàn cảnh khó xử. Nếu bạn nói chuyện bình tĩnh, hòa nhã thì sẽ đạt được mục đích.

Người vợ đi làm về nói với chồng đang ngồi đọc sách: “Hôm nay em muốn đi may thêm bộ quần áo, anh có thể đi đón con rồi làm cơm được không?” Nói theo kiểu bàn bạc và tôn trọng như vậy thì chắc chắn đối phương sẽ vui vẻ chấp nhận. Người chồng nói “Được thôi, để anh đi đón con”. Cách nói như vậy không những đạt được mục đích mà còn làm cho quan hệ của hai người hòa hợp thêm. Tuy nhiên, nếu áp dụng giọng điệu mệnh lệnh, ép buộc thì sẽ sao nhỉ?

Người vợ: “Này anh, hôm nay em phải làm thêm, anh nhớ đi đón con về rồi nấu cơm”. Người chồng nghe vậy tức giận nói: “Em không thấy là anh đang bận sao?”. Người vợ bực mình cãi lại “Bận, mỗi mình anh bận, lẽ nào tôi phải lo hết gánh nặng của cái nhà này hay sao?”. Nói đi nói lại và hai người đã cãi nhau, giận nhau. Trong cuộc sống có rất nhiều những cặp vợ chồng như vậy. Về tâm lý chấp nhận của mọi người thì giọng điệu ra lệnh, sai khiến, ức hiếp người khác luôn làm đối phương có ác cảm, còn đề nghị chân thành, bàn bạc, bình đẳng lại là một cách thỏa hiệp rất tự nhiên. Do vậy bàn bạc sẽ làm thay đổi quan điểm của con người hơn là ra lệnh. Bạn nên cố áp dụng biện pháp bàn bạc với các đồng nghiệp, các thành viên trong gia đình.

Chúng ta đều biết ngôn ngữ đẹp là biểu hiện cụ thể của tâm hồn. “Có lòng thiện thì mới có những lời nói thiện”. Một người có tâm hồn ác độc thì ngôn ngữ tuyệt đối không thể tốt đẹp. Do đó, muốn nói năng dịu dàng trước hết bạn cần phải tăng cường rèn luyện tính cách và tư tưởng.

Trong lòng mà vô tư thì trời đất mới rộng rãi, bao la. Chỉ khi con người có trái tim trong sáng thì tấm lòng mới bao la, tính tình mới cởi mở. Khi nẩy sinh mâu thuẫn cần biết nghiêm khắc với mình và đối xử khoan dung với người ta, biết nhường nhịn, không so đo, tính toán. Khi bị ấm ức thì có thể chịu đựng, không ăn miếng trả miếng.

Tất nhiên, kiềm chế tình cảm nhiều khi thật khổ sở. Nhưng để đạt được hiệu quả giao tiếp tốt nhất, chịu đựng được nỗi khổ này là hành động xứng đáng và có ích.

Nói năng nhẹ nhàng cần có những yêu cầu đặc biệt về giọng điệu, cách dùng từ, như cần dùng những từ ngữ lịch sự, kính trọng để thể hiện sự tôn trọng quan điểm, tình cảm của đối phương nhằm làm đối phương có thiện cảm với mình, tránh sử dụng những từ ngữ thô lỗ, xấu xa. Về câu cú, nên ít dùng câu phủ định, nên dùng nhiều câu khẳng định. Về cách dùng từ, cần chú ý những từ nghĩa đen mang nhiều màu sắc tình cảm, ít dùng từ nghĩa bóng để giảm bớt tính kích thích. Về giọng điệu, nên nhẹ nhàng, nho nhã. Đồng thời, khi nói chuyện cần chú ý nở nụ cười chân thành. Nụ cười có sức hấp dẫn lạ kỳ trong giao tiếp, sẽ biến bạn thành người có sức hấp dẫn, ảnh hưởng đến người khác.

6. HÃY NÓI CHUYỆN ĐỂ BẠN ĐƯỢC TÔN TRỌNG

“Thực chất của một con người không phải là mặt họ để lộ cho bạn biết, mà là mặt họ không thể bộc lộ cho bạn biết. Vì vậy, nếu bạn muốn hiểu anh ấy thì không nên nghe những gì anh ấy nói mà hãy biết lắng nghe những gì anh ấy chưa nói”.

Trong công việc và cuộc sống, là phụ nữ, mọi người đối xử với bạn như thế nào? Điều này quyết định bởi chính bạn. Bạn muốn người ta tôn trọng mình thì hãy học tập một số cách thể hiện ngôn ngữ như:

Kiên quyết bày tỏ thái độ

Dù có một số trường hợp bạn nói chuyện có chút căng thẳng với mọi người, nhưng đối với những người ngang ngược, vô lí thì cần phải ăn miếng trả miếng. Trong một khoảng thời gian ngắn, bạn cần phải khắc phục thói quen và tính nhút nhát của mình, kiên trì bạn sẽ thấy, vấn đề rất đơn giản. Chỉ cần một lần đạt được thành công thì nhất định sẽ khuyến khích lòng dũng cảm của bạn rất nhiều. Nhưng cũng cần chú ý, khi cãi nhau bạn nên to tiếng một chút. Tất nhiên, “người quân tử động khẩu chứ không động thủ”, thực chất bạn chỉ muốn rèn luyện mình chứ không thù oán gì ai.

Không nên nói những lời tạo điều kiện cho người ta chèn ép bạn

“Tôi không sao cả”, “Mọi người quyết định là được rồi”, “Tôi không có khả năng như vậy”… Tất cả những lời nói thoái thác theo kiểu “khiêm tốn, lễ độ” giống như bật đèn xanh cho người ta tận dụng nhược điểm của bạn. Khi người bán rau yêu cầu bạn nhìn cân mà bạn nói không thạo lắm thì có nghĩa là nói với họ “hãy cân bớt vài lạng cho tôi cũng được”. Những sự việc tương tự như vậy sẽ thường xuyên xảy ra nếu như bạn không để ý.

Dũng cảm nói “không”

Hãy dứt khoát thể hiện thái độ phủ định của mình. Trên thực tế, mọi người rất tôn trọng những người có câu trả lời từ chối rõ ràng. Đồng thời, bạn sẽ cảm thấy tự tin và tìm lại được chính mình trong câu trả lời thẳng thắn. Thái độ ăn nói úp úp, mở mở sẽ làm cho người ta “hiểu nhầm” ý tứ của bạn.

Nhất quyết không nhân nhượng với những người cả vú lấp miệng em:

Khi gặp người hay nhiều chuyện, thích xen lời, hay cướp lời, bới lông tìm vết, làm mọi người ghét và làm bạn khó xử thì cần phải dũng cảm chỉ ra những điểm không hợp lý trong hành vi của họ, đồng thời, nghiêm sắc mặt nói cho họ biết “Anh vừa ngắt lời tôi”, “Lý lẽ sai trái của anh không thể chấp nhận được”, “Suy luận theo logic của anh thì trái đất này sẽ không tròn”… Biện pháp này rất có hiệu quả để nói cho người ta biết, bạn ghét những hành vi không hợp tình hợp lý của họ. Bạn càng thể hiện sự bình tĩnh, nói năng không tránh né với những người đang thử thăm dò bạn thì bạn sẽ ít ở vào thế yếu, bị bắt nạt.

Hãy nói cho mọi người biết bạn có tự do cá nhân

Không nên nghe theo những mệnh lệnh không thực chất. thời gian nghỉ ngơi của bạn thì bạn muốn làm gì cũng được, đi công tác là việc lớn nhưng không thể ôm hết hành lý của người khác để họ nhởn nhơ an nhàn đi ở phía trước. Bạn đi du lịch trái với mong muốn của mình, đi dự đám cưới, mua giúp đồ đạc… tất cả đều không cần làm nếu bạn không thích. Bạn hãy làm những việc bạn muốn làm, đừng sợ người ta châm chọc, cạnh khóe, khi không chịu đựng được nữa thì bạn bình tĩnh nói với họ “Liên quan gì đến anh?”

Trong cuộc sống, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên một số phụ nữ hay bị mọi người lợi dụng và bắt nạt, thậm chí còn bị làm nhục nhân cách mà không biết cách chống lại. Họ không bao giờ có mong ước được chiến thắng, luôn phải nhẫn nhục, chịu đựng ngay cả trong gia đình.

Cuộc sống đã biến bạn thành một kẻ mềm yếu đến mức “luôn bị bắt nạt”, nhưng nếu cố gắng thì nhất định bạn sẽ trở thành một người mạnh mẽ.

Bạn nên cố gắng chống lại sự vô lý bằng hành động dứt khoát và cương quyết. Như trong gia đình có người muốn trốn tránh trách nhiệm, mà bạn chỉ trách móc vài câu rồi gánh lấy thì lâu dần bạn sẽ ở vào vị thế của kẻ yếu. Bình thường thì mọi việc nhà đều được phân công rõ ràng như đổ rác là việc của cậu con trai nhưng cậu bé luôn quên, bạn cần phải nhắc nhở cháu. Nếu cháu vẫn quên thì bạn nên quy định thời gian để cháu làm. Nếu cháu không để ý đến những gì bạn nói thì hãy đặt thùng rác ở cạnh đầu giường của cháu, chắc chắn cháu sẽ nhớ bài học này suốt đời.

7. SỐNG TRONG NỤ CƯỜI

“Nụ cười thực sự là cách thể hiện tình thân ái, là ngọn nguồn của niềm vui và là chiếc cầu nối gần gũi với người khác. Có nụ cười thì tình cảm của con người mới được nối liền với nhau”.

Có người nói không muốn làm cho phụ nữ vui quá, vì sợ rằng vui quá họ sẽ cười ra nước mắt. Thích cười đó là bản tính vốn có của phụ nữ. Những câu nói nổi tiếng như “trăm quan mua một nụ cười” càng nói rõ được bản tính này của phụ nữ.

Cười có nhiều loại như cười mỉm, cười tươi, cười nhạt, cười đau khổ, cười điên dại, cười ngốc nghếch, cười chế giễu… Và cười mỉm là một trong những nụ cười đẹp nhất. Mỉm cười với người xa lạ là để bày tỏ tình cảm hòa nhã, dễ gần, khi nảy sinh hiểu nhầm cười mỉm là cách thể hiện tấm lòng khoan dung, độ lượng, khi quẫn bách cười mỉm giúp cho ta xóa tan không khí căng thẳng và tình cảnh khó xử. Mỉm cười là một cử chỉ văn minh lành mạnh, một khuôn mặt mỉm cười ngọt ngào sẽ làm cho người ta cảm thấy vui vẻ và dễ chịu, làm người ta thỏa mãn, ấm áp, dịu dàng, vui vẻ và nhiệt tình. Mỉm cười bộc lộ được phong thái và tinh thần lạc quan của con người, tôn thêm nét đẹp phong độ và hình tượng của con người.

Cười mỉm thì phải cho xác đáng, cười phải đúng mức, phải nền nã, phải đẹp, tự nhiên, phải trong sáng, phải ngọt ngào, chứ không phải là nụ cười khẩy châm chọc, cạnh khóe hay là cười ngốc nghếch, dối trá.

Cười mỉm rút ngắn khoảng cách của con người:

Một số người gặp nhau lần đầu luôn cảm thấy căng thẳng, cảnh giác. Nụ cười mỉm chân thành, hữu nghị sẽ xóa bỏ được trạng thái tâm lý này. Cười mỉm là tượng trưng cho thiện cảm, là liều thuốc bôi trơn của quan hệ con người, một người trên mặt luôn nở nụ cười mỉm sẽ làm cho người ta cảm thấy thoải mái trong lòng. Trong cuộc sống nhiều người bị mọi người có ác cảm do lạnh nhạt với những nụ cười mỉm, và như vậy họ sẽ không có được tinh thần vui vẻ. Nhưng nếu người khác mỉm cười từ chối giúp đỡ khi chúng ta nhờ vả thì cũng không nên tức giận. Vì cũng là sự từ chối, nếu đối phương từ chối lịch sự nhưng không kèm theo nụ cười thì chúng ta sẽ cảm thấy lạnh lùng, buồn chán.

Cười mỉm tạo cho không khí gia đình đầm ấm:

Trong cuộc sống gia đình, chỉ cần một trong hai vợ chồng không quên cười mỉm, dùng nụ cười để thể hiện thiện cảm của mình với đối phương thì sẽ làm cho không khí gia đình được vui vẻ, hạnh phúc. Thường xuyên nhíu mày cố ý, người hay suy nghĩ có thể cho rằng đó là sự uy nghiêm nhưng thực ra không có tác dụng gì. Uy nghiêm thực sự là được người khác sùng kính và tin tưởng chứ không phải là thể hiện qua những hành vi lạnh nhạt, vô tình như vậy. Gia đình không có những nụ cười mỉm thì cũng giống như núi băng, nhất định là một gia đình không đầm ấm, lạnh lẽo, thiếu tình người.

Cười mỉm làm con người thấy yêu đời

Một nhà triết học đã từng nhắc đến ảnh hưởng của việc thể hiện tình cảm với tinh thần: “Bề ngoài vui vẻ, rộng rãi sẽ dần dần thay đổi được diện mạo của tâm hồn, làm cho tính tình con người cũng vui vẻ và yêu đời”. Ông đã nhấn mạnh với các bậc phụ huynh: “Cần phải bắt đầu cho con trẻ có thói quen mỉm cười ngay từ thuở ấu thơ”.

Những người luôn nở nụ cười trên môi dù im lặng cũng hấp dẫn được người khác, làm người ta cảm thấy vui vẻ. Hành vi của con người dễ dàng bộc lộ chân thực trái tim chân thật của con người hơn lời nói. hành vi mỉm cười sẽ chiến thắng bất cứ ngôn ngữ hùng biện nào. Khi bạn mỉm cười thì có nghĩa là bạn nói “Tôi rất thích anh, đừng quá gò bó như vậy, có gì thì nói nấy”. Mỉm cười tràn đầy tình cảm quan tâm, quý mến giống như một câu nói dịu dàng làm người ta cảm động. mỉm cười đầy thiện ý giống như một cốc rượu nồng say làm con người say sưa, sảng khoái. Chỉ có nụ cười mỉm của bạn mới có thể trực tiếp bày tỏ được thiện cảm, thiện chí và tình cảm chân thành của bạn. Cần phải ghi nhớ ma lực của nụ cười mỉm, hãy cởi mở trái tim đóng kín của đối phương bằng nụ cười của mình, như vậy hai người sẽ có những tình cảm hữu nghị, thân thiết, vui vẻ.

Cười mỉm có thể giúp con người đạt được thành công

Có người cho rằng, mỉm cười sẽ làm cho con người đi đến thành công. Cười mỉm có thể nâng cao tố chất tâm lý và tăng thêm tính tự tin cho bạn. Về tâm lý, mỉm cười sẽ đem đến cho con người cảm giác ổn định, ưu thế, có thể làm cho cơ thể và tâm hồn của con người thanh thản, rất có ích cho việc xử lý các vấn đề. Mọi người đều nhận thấy, khi lo lắng hay tức giận vì công việc căng thẳng, nếu bạn tự mỉm cười khuyến khích bản thân thì sẽ dễ dàng giải quyết được vấn đề. tinh thần của bạn sẽ tốt hơn, hiệu quả làm việc cũng cao hơn. Khi tinh thần chán nản thì khuôn mặt thể hiện tình cảm cứng nhắc. Một người không biết cười sẽ gặp nhiều trở ngại, khó khăn trong quan hệ giao tiếp. Một người hay đau buồn, tinh thần sầu muộn không được mọi người yêu quý bằng một người luôn nở nụ cười và tràn đầy sức sống. Những người không biết mỉm cười thường là những người không biết hài hước. Họ không thể bày tỏ suy nghĩ của mình một cách hài hước, và cũng không dễ dàng hiểu được tính hài hước và sự dí dỏm của người khác. Họ không thích họ hàng, bạn bè và đồng nghiệp của mình tươi cười, họ là những người không giành được thành công trong sự nghiệp và không có được những niềm vui khác.

Mỉm cười, nói chuyện vui vẻ

Mỉm cười được rèn luyện qua sự cố gắng của mỗi con người. Người cố gắng học cách mỉm cười thì lâu dần tự nhiên sẽ có được khuôn mặt tươi tắn. Một nhà tâm lý học đã nói, hành vi dường như xuất phát theo tình cảm. Thực ra, hành vi và tình cảm được tạo ra cùng một lúc. Tuy nhiên, chúng ta có thể thông qua hành vi để gián tiếp điều tiết tình cảm. Hành vi do ý chí của chúng ta trực tiếp điều khiển, nhưng tình cảm thì không như vậy. Vì vậy, khi chúng ta mất đi tinh thần vui vẻ thì cách khắc phục tốt nhất là giả vờ vui vẻ, nói chuyện vui vẻ, làm việc vui vẻ. Ngược lại, một người suốt ngày chỉ quanh quẩn với những lo buồn thì nỗi lo buồn ấy sẽ càng sâu sắc hơn. bạn giơ nắm đấm lên thì sự bực bội càng lớn hơn, cần hóa giải bực bội, hãy hạ nắm đấm xuống, nhẹ nhàng với đối phương thì tôi tin rằng lúc ấy sự bực bội sẽ tan thành mây khói.

Lạc quan nhìn nhận cuộc sống

Con người nên có tấm lòng cởi mở, phóng khoáng, lạc quan, như vậy sẽ tự điều tiết được tình cảm của mình, sống vui vẻ hơn. Nếu con người ngày ngày chỉ nghĩ về những chuyện chán nản thì tinh thần của họ chắc chắn rất mềm yếu. Cựu tổng thống Mỹ, Abrahm Lincôn, đã nói “Đa số mọi người có được vui vẻ là do họ quyết tâm để có được vui vẻ ấy”. Câu nói này đúng hay sai thật khó đánh giá, nhưng có một điểm chúng ta có thể hiểu rằng con người chỉ biết có oán trách thì chỉ làm tăng thêm buồn phiền. Bạn phải cố gắng quên đi mọi buồn phiền thì sẽ biết mỉm cười. Do đó, có thể nói, mỉm cười mới kiềm chế được tất cả. Vấn đề quan trọng nhất chính là con người sống lạc quan thì sẽ làm việc với tinh thần hưng phấn, tràn đầy hy vọng vào cuộc sống và tương lai, như vậy tự nhiên họ sẽ biết mỉm cười.

8. HÃY ĐỂ CÁCH BIỂU LỘ TÌNH CẢM NÓI HỘ BẠN

“Cho dù có hàng ngàn hàng vạn lời nói cũng không để lại ấn tượng sâu sắc bằng một cách biểu lộ tình cảm”.

Có những phụ nữ tuy không xinh đẹp nhưng vẫn rất hấp dẫn. Đó là vì họ biết cách bày tỏ tình cảm. Biểu lộ tình cảm giống như câu đố, phức tạp đến kỳ diệu, hàm chứa sức hấp dẫn, làm cho con người phải nghiền ngẫm, suy tư. Mọi người sẽ say mê một thiếu nữ biết biểu lộ những tình cảm đa dạng: vừa xấu hổ vừa lo lắng, vừa ngọt ngào vừa ghen tức, vừa trong sáng vừa chín chắn, vừa si tình vừa cáu giận, vừa xảo quyệt vừa nhanh trí…

Tất cả tư tưởng của con người đều được biểu hiện, trao đổi qua cách biểu lộ tình cảm của khuôn mặt. Biểu lộ tình cảm trên khuôn mặt có tác dụng quan trọng trong việc truyền đạt các thông tin, đặc biệt trong trao đổi tình cảm thì tác dụng của biểu lộ tình cảm chiếm tỷ lệ rất cao.

Biểu lộ sự hứng thú

Đôi mắt nhẹ nhàng liếc một cái, lông mày nhướn lên, mỉm cười.

Biểu lộ sự hoài nghi

Đôi mắt nhẹ nhàng liếc một cái, nhíu mày, khóe môi nhíu xuống.

Biểu lộ tình cảm yêu mến

Nhìn chăm chú thân mật (tầm nhìn dừng ở khu vực tam giác của đôi mắt và bộ ngực), lông mày nhướn lên hoặc giữ thẳng, mỉm cười hoặc là khóe môi nhíu lên.

Biểu lộ sự nghiêm túc

Lông mày giữ thẳng, khóe môi để yên và hơi mỉm cười khóe môi nhíu xuống.

Biểu lộ thái độ bàng quan

Đôi mắt nhìn thẳng, lông mày giữ thẳng, khuôn mặt nở nụ cười.

Biểu lộ sự thận trọng, giữ khoảng cách

Đôi mắt nhìn thẳng, góc nhìn hướng xuống dưới, lông mày giữ thẳng, khuôn mặt nở nụ cười.

Biểu lộ tình cảm tức giận, phẫn nộ

Đôi mắt mở to, lông mày nhíu xuống, miệng bạnh sang hai bên.

Biểu lộ tình cảm hưng phấn, vui sướng trong lòng:

Đôi mắt mở rất to, lông mày nhướn lên trên, khóe miệng giữ nguyên hoặc là hơi nhướn lên trên.

Khi bạn đang trong trạng thái suy nghĩ thì sẽ có những tư thế sau:

– Một tay chống quai hàm, một tay chống cằm, ngón trỏ để thẳng theo má, các ngón tay khác để ở mồm, người hơi nghiêng về phía trước, đầu hơi ngả về sau, mí mắt sụp xuống. Tư thế này cho biết bạn đang ở trong trạng thái suy tư mang tính quyết đoán.

– Tay luôn luôn xoa đỉnh đầu, hoặc gõ gõ đầu, xoa đỉnh đầu càng nhiều tức là đang tích cực suy nghĩ.

– Nhìn lung tung có quy luật, thể hiện đang suy nghĩ phức tạp. Nếu như tầm nhìn bỗng nhiên hạ xuống tức là đang suy nghĩ lâu một việc nào đó.

– Khi nói chuyện thường xuyên thêm các từ “hơn nữa”… “vậy thì…” tức là người nói vừa nói vừa suy nghĩ, hoặc là vẫn chưa suy nghĩ kỹ càng, chưa có được kết luận cần thiết.

– Bỏ kính ra đặt lên trên bàn hoặc cầm trên tay ngắm nhìn, hai mắt thẫn thờ tức là đang suy nghĩ. Nếu đối phương không đeo kính thì sẽ cầm bút hoặc vật gì đó với thần sắc như vậy.

Nhiều phụ nữ thường làm cho người ta cảm thấy khó gần vì có vẻ bề ngoài nghiêm túc, lạnh nhạt. Bạn cần phải nhận thức đầy đủ về thái độ biểu lộ tình cảm để áp dụng cho bản thân mình. Thực ra, vẻ bề ngoài lãnh đạm ấy không thuộc về bản chất, hơn nữa kiểu người sống khép mình như vậy không nhiều. Có ba nguyên nhân sau làm thái độ của phụ nữ lạnh nhạt:

– Trong lòng chờ đợi

Do không nhận được phản ứng như mong đợi nên nản lòng thoái chí, và che giấu bản thân bằng vẻ bề ngoài lạnh nhạt, tự nhủ mình rằng không thèm để ý đến ai.

– Che giấu bản thân

Thực ra những người phụ nữ này cũng muốn cởi mở tấm lòng, thoải mái một phen, nhưng lời nói chưa thốt ra được bị chìm trong cổ họng, đành phải giả vờ này nọ để che giấu trái tim mong muốn thoải mái của mình.

– Cố ý làm ra vẻ lạnh nhạt

Những người phụ nữ này từ chối gần gũi, tự dựng nên bức tường ngăn cách với mọi người xung quanh. Cho dù ở đâu thì phụ nữ cũng hiểu rõ ràng về vẻ ngoài lạnh nhạt của mình, cảm giác này thường có khi tiếp xúc với đối phương là đàn ông.

Nếu bạn cảm thấy đối phương biểu lộ tình cảm lạnh nhạt thì phản ứng tự vệ của bạn sẽ trỗi dậy và cũng phản ứng lại bằng sự lạnh nhạt, tuyệt đối không bày tỏ thái độ lấy lòng người ta, bạn nên tiếp xúc một cách tự nhiên, thái độ của họ sẽ phải mềm mỏng hơn, bạn cần phải cẩn thận ứng phó, xóa bỏ trở ngại tâm lý của phụ nữ thì sẽ cởi mở được tấm lòng của họ.

9. BẠN NÊN LÔI CUỐN ĐÀN ÔNG NHƯ THẾ NÀO?

“Phụ nữ cùng lúc không thể vừa đáng yêu lại vừa đáng kính. Nếu phụ nữ làm cho đàn ông cảm thấy đáng yêu thì cần phải vứt bỏ vẻ bề ngoài đáng kính”.

Nhiều phụ nữ trong đầu luôn chỉ có bản thân, thường xuyên nói những câu đại loại như “Tôi á!”, “Của tôi”…, chỉ cần người ta nịnh nọt vài câu, quan tâm một chút là vui mừng khôn tả. Nếu muốn trở thành người phụ nữ duyên dáng, nền nã làm đàn ông say mê thì cần phải làm ngược lại những điều đó.

Không có người phụ nữ nào hấp dẫn đàn ông bằng những phụ nữ bí ẩn. Nhiều phụ nữ đã biết khéo léo che giấu mình nên rất hấp dẫn đàn ông. Sau đây là một số bí quyết để hấp dẫn đàn ông:

Nét đẹp mơ hồ

Phụ nữ càng cố ra vẻ bí mật thì càng trông giả tạo, nhưng mơ hồ sẽ làm cho con người cảm thấy bị thu hút. Người ta hỏi bạn đã có người yêu hay chưa, thực ra là đang hỏi bạn nhìn nhận vấn đề hôn nhân như thế nào. Những người đàn ông say mê bạn chắc chắn sẽ cố gắng nghe ngóng những chuyện này. Bạn có thể khéo léo tránh nói đến vấn đề này bằng cách nói mơ hồ như “Anh hỏi em là đã từng biết yêu chưa?” Như vậy sẽ làm người ta phải hoang mang. Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu bạn không để ý gì đến câu hỏi của họ thì họ sẽ cho rằng bạn là người phụ nữ lạnh lùng đến cứng nhắc, và sẽ không có ấn tượng tốt đẹp với bạn.

Giả vờ say

Những người phụ nữ thông minh rất thạo cách đối xử trong giao tiếp xã hội, như trong trường hợp bạn uống rượu với đàn ông ở cơ quan, nếu bạn cũng say ngất ngưởng như đàn ông thì chắc bạn sẽ không đạt được mục đích của mình. Bạn cần phải giữ cho đầu óc tỉnh táo, nên giả vờ say. Tất nhiên, cần phải giả vờ say cho thật đúng. Bạn có thể xoa má thật lâu, hoặc phết ít phấn hồng lên má và nói với người ta “Mặt tôi đỏ quá rồi. Nóng quá…” thì đối phương sẽ rất vui và nhìn bạn “Không sao, chỉ hơi đỏ chút thôi, trông rất đẹp”.

Vẻ dễ thương

Có người nói vẻ dễ thương là “vũ khí” đặc biệt chỉ riêng phụ nữ mới có. vẻ dễ thương phải bộc lộ được nét riêng, độc đáo và thông minh của bạn. Bí quyết để trở lên dễ thương là tự nhiên và đúng mực. Đừng bao giờ để người ta cảm thấy bạn đang diễn trò.

Bày tỏ tình cảm một cách ý nhị qua ánh mắt

Bày tỏ tình cảm bằng ánh mắt cũng là một trong những cách biểu lộ tình cảm tâm lý của con người một cách đúng đắn, cao siêu hơn bất cứ loại ngôn ngữ nào. Bạn muốn anh ấy nắm tay mình trong khi quan hệ của hai người vẫn chưa đến mức ấy thì ngôn ngữ “bày tỏ tình cảm” sẽ có tác dụng ngay. Bạn hãy thử nói: “Ngón tay của anh thật dài, giống như tay của người chơi đàn”. Lúc ấy anh ấy sẽ có cảm giác đang được bạn sờ vào tay, tiếp đó anh ấy cũng sẽ nói với bạn “ngón tay của em cũng rất đẹp” rồi chắc chắn sẽ nắm lấy tay bạn.

Thể hiện sự e thẹn, xấu hổ:

Xấu hổ, e thẹn là một cách thể hiện sự hấp dẫn, nét dịu dàng của phụ nữ. Đàn ông không thích những người phụ nữ không dịu dàng. họ cho rằng phụ nữ dịu dàng là những người phụ nữ hấp dẫn nhất. Những người phụ nữ thông minh biết vận dụng cách e thẹn, xấu hổ để tự bảo vệ. Cử chỉ e ấp cùng với trạng thái tâm lý xấu hổ sẽ toát ra vẻ nữ tính. Đàn ông không bao giờ hiểu được điều này. Do đó, nếu thể hiện được nét xấu hổ, e thẹn trong khi nói chuyện sẽ càng làm bạn hấp dẫn thêm.

Nước mắt

Nước mắt của phụ nữ cũng đẹp như tâm hồn của họ. Vì nước mắt thể hiện được nét mềm yếu, nhẹ nhàng, yếu đuối của phụ nữ và có thể khơi dậy được tình yêu của đàn ông. Do đó, nước mắt của phụ nữ là một trong những biện pháp không lời để hòa tan đàn ông. Nước mắt là một “đạo cụ” hiếm có trong cuộc sống thể hiện được tính đáng yêu, chân thật, dịu dàng và ngây thơ của phụ nữ. Nhưng bạn cần nhớ rằng khi khóc không nên khóc thút tha thút thít mãi, cũng đừng để người ta nhận ra bạn khóc nhằm mục đích gì đó. Nếu bạn khóc đến độ hai mắt đỏ hoe, lông mi ướt nhoẹt thì chỉ càng làm người ta thấy chán nản thêm. Bạn hãy nhanh chóng mỉm cười khi vừa khóc xong mới phát huy được tác dụng của nước mắt. Nếu đàn ông chưa bao giờ nhìn thấy bạn như vậy thì chắc chắn sẽ làm họ cảm động. Đàn ông sẽ cảm nhận được nét đáng yêu của phụ nữ qua giọt nước mắt yếu đuối.

Hãy để người ta hiểu được khi nhớ lại

Hãy để người ta hiểu được cảm giác có tình yêu khi nhớ lại buổi nói chuyện. Ngôn ngữ càng sâu sắc thì đối phương càng không thể để ngoài tai, như vậy họ sẽ dần dần hiểu tình cảm của bạn được khi nhớ lại. Có người cho rằng, tình cảm khi được nghiền ngẫm sau buổi nói chuyện sẽ trở nên đằm thắm và sâu nặng hơn. Khi chưa xác định được phải bày tỏ tình yêu như thế nào thì nên bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ của mình với người ta bằng ngôn ngữ mơ hồ. Bạn cũng đã thấy có nhiều trường hợp hai bên ngại ngùng, do dự không nói lên tình cảm của mình nên đã đánh mất một mối tình đẹp. Đó là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời. cuộc sống của bạn sẽ thay đổi to lớn vì điều này. Vậy nên, so với việc mất đi dịp tốt thì thà rằng cố ý nói ra những lời khiến người ta phải suy nghĩ và hiểu được nỗi lòng của bạn còn hơn không, chẳng hạn có thể nói: “Em nói lúc nào sẽ kết hôn nhỉ?” “Đúng rồi, em nói anh không nên trói chặt chân tay em, khống chế em”.

Với phụ nữ, đàn ông rất thích được quan tâm, chăm sóc, đôi khi họ cũng rất mềm yếu. những từ ngữ lạnh nhạt không thể khơi được hứng thú và tình cảm của họ. Nếu họ luôn luôn quan tâm đến bạn từng ly từng tí thì tức là bạn đã để lại ấn tượng mới mẻ, sâu sắc trong tâm hồn của họ.

10. BẠN HÃY BIẾT SỬ DỤNG NHỮNG NGÔN NGỮ KHÔNG LỜI

“Để đôi tay được nghỉ ngơi không bằng hãy để cho cái lưỡi được ngủ ngon”.

Đôi mắt, cặp lông mày, đôi môi, cái mũi, đôi vai, eo, đùi, bàn chân… của phụ nữ đều biết nói.

Mắt

Bạn biết đôi mắt biết nói thật hơn cái miệng. đôi mắt không chỉ làm cho chúng ta nhìn thấy thế giới phong phú, chiêm ngưỡng các kiệt tác bất hủ, mà còn giúp chúng ta thăm dò, phán đoán được thế giới nội tâm của phụ nữ. Dù phụ nữ đang suy nghĩ gì thì ánh mắt của họ sẽ nói hết cho bạn biết những ý nghĩ của họ.

Ngôn ngữ của đôi mắt có liên quan mật thiết đến tinh thần. Vì đôi mắt của con người có thể nói lên những tình cảm tinh tế, biểu lộ những tình cảm khác nhau như: sự thân mật, chú ý, tin tưởng, kính trọng, lạnh nhạt, từ chối, kiêu ngạo, xấu hổ…

Đôi mắt luôn liếc ngang liếc dọc, nhìn ngó lung tung là đôi mắt xấu của cả đàn ông và phụ nữ. Đôi mắt này thể hiện sự tùy tiện của phụ nữ, sự xảo trá của đàn ông.

Khi phụ nữ có thiện cảm với đàn ông thì đôi mắt của họ sẽ nói lên tất cả. Lúc ấy đôi mắt của họ sẽ mở to, tràn đầy sức sống. Khi muốn từ chối, phụ nữ sẽ thể hiện bằng ánh mắt phẫn nộ, khinh thường, chế giễu mà không cần phải nói ra.

Lông mày

Lông mày ngoài chức năng bảo vệ đôi mắt, nó còn thể hiện tâm lý của phụ nữ. Tinh thần của phụ nữ thay đổi thì hình dạng của lông mày cũng thay đổi, thể hiện theo 5 động tác sau:

– Dương mày

Người ta thường dùng cụm từ “mở mày mở mặt” để nói tới sự vui vẻ, phấn khởi của một người được biểu dương. Động tác dương mày có thể để mở rộng tầm mắt, nhưng đôi khi cũng cho thấy người ta muốn thoát khỏi những chuyện tầm thường. Thường thì mọi người cho đó là thể hiện sự kiêu ngạo của những người tự cho mình là cao siêu. Khi đôi lông mày dương cao tức là thể hiện sự vui mừng, ngạc nhiên cực độ. Còn khi chỉ một lông mày dương lên tức là thể hiện sự không hiểu, nghi ngờ về lời nói hoặc việc làm của ai đó. Trước sự sợ hãi chúng ta có thể nhíu mày để bảo vệ đôi mắt hoặc dương mày để mở rộng tầm nhìn, cả hai đều có lợi. Tuy nhiên chúng ta chỉ chọn một trong hai động tác này. Nói chung phản ứng thông thường khi bị đe dọa là nhíu mày để bảo vệ đôi mắt, khi nguy cơ đe dọa giảm thì sẽ dương mày để nhìn mọi thứ xung quanh.

– Nhíu mày

Bao gồm nhíu mày phòng vệ và xâm hại. Nhíu mày phòng vệ là để bảo vệ cho đôi mắt không bị tổn thương, nhưng cùng với động tác nhíu mày còn cần phải nhướn phần má dưới mắt lên, đôi mắt mở to để quan sát động tĩnh bên ngoài. Hình thức nhướn lên nhướn xuống này là phản ứng tránh sự tấn công từ thế giới bên ngoài, như đột nhiên bị ánh sáng chiếu mạnh vào mắt hoặc khi tinh thần có những phản ứng mạnh mẽ với sự kiện bên ngoài. Nhíu mày mang tính xâm hại về cơ bản vẫn xuất phát từ phản ứng phòng vệ, nỗi lo tinh thần bị tổn thương của mình sẽ kích thích đối phương phản kích, liên quan đến tự vệ… ánh mắt mang tính xâm hại thực sự là mắt mở to, không nhíu mày. Còn bình thường nhíu mày được hiểu là biểu lộ của tình cảm chán ngắt, ác cảm và không đồng ý…

– Nhún mày

Nhún mày tức là lông mày dương lên rồi ngừng một lát sau đó hạ xuống. Sự khác nhau giữa nhún mày và lông mày lay động là giây phút ngừng đó. Nhún mày thường kèm theo khóe môi hơi nhếch xuống, các bộ phận khác trên khuôn mặt không có động tác nào. Khóe môi bị kéo theo cùng nhún mày thường thể hiện sự buồn phiền, nhiều khi thể hiện tình cảm ngạc nhiên hoặc là không biết phải làm gì. Ngoài ra, khi phụ nữ đang nói chuyện sôi nổi sẽ làm một số động tác nhỏ để nhấn mạnh lời nói của mình, họ sẽ nhún mày liên tục khi nói đến điểm quan trọng.

– Lông mày dựng nghiêng

Tư thế dựng nghiêng tức là một bên lông mày sẽ hạ xuống, một bên thì dương lên. Những thông tin mà lông mày dựng nghiêng bày tỏ là những thông tin nằm giữa nhíu mày và dương mày, nửa mặt sẽ thể hiện sự phấn khích, nửa mặt còn lại thể hiện nỗi lo sợ. Bên lông mày dương lên giống như nêu một câu hỏi phản ánh tâm lý nghi ngờ của người dựng nghiêng lông mày.

– Lông mày lay động

Tức là lông mày dương lên trước sau đó nhanh chóng hạ xuống rất nhanh. Động tác lay động lông mày đó là tín hiệu bày tỏ sự chào đón của mọi người, đó là một hành vi thân thiện. Trong giây phút hai người bạn xa nhau lâu ngày gặp lại thì thường xuất hiện động tác này kèm theo nghiêng đầu và mỉm cười. Nhưng động tác này rất ít khi xuất hiện khi có những tiếp xúc thân mật như bắt tay, hôn và ôm nhau…

Ngoài tín hiệu chào đón ra thì lông mày lay động xuất hiện khi nói chuyện là để nhấn mạnh giọng điệu. Khi người nói muốn nhấn mạnh một từ nào đó thì lông mày sẽ lay động.

Miệng:

Miệng là một cơ quan truyền đạt ngôn ngữ có lời, nhưng đồng thời nó cũng có thể truyền đạt được ngôn ngữ không lời. Miệng là một bộ phận vô cùng bận rộn: Khóc, cười, ăn, cắn, hôn, hút, nếm, nuốt, ho, nói chuyện… Con người sống được là nhờ có miệng để luân chuyển thức ăn, khi trò chuyện con người cần phải có miệng để nói. Đồng thời miệng cũng là một bộ phận thể hiện tình cảm phong phú nhất của khuôn mặt. Các động tác mở, ngậm miệng, nghiến chặt thả lỏng, hướng trước hướng sau, hướng lên hướng xuống đã tạo thành những động tác phong phú.

Nhất cử nhất động miệng của con người đều có thể bộc lộ rõ ràng thái độ của con người. Sự thay đổi của môi chủ yếu có vài loại sau:

  • Mở miệng nhưng không ngậm được miệng là người có ý chí mềm yếu.

  • Người nói năng rõ ràng, lanh lợi, trôi chảy là người có tài ăn nói.

  • Môi dẩu về phía trước thể hiện cho tâm lý phòng vệ.

  • Khi chú ý nghe thì hai môi sẽ ở vào trạng thái hơi nhếch về phía sau.

  • Khóe môi nhếch lên trên là người hòa nhã, dễ tính, dễ nói chuyện và dễ thuyết phục.

  • Cằm thu vào, là người làm việc cẩn thận, đa nghi, kín đáo và không dễ tin tưởng người khác.

  • Cằm ngửa cao là người kiêu ngạo, luôn cho mình giỏi, lòng tự trọng cao, ánh mắt nhìn về phía đối phương thường mang tính phủ định hoặc thù hận.

  • Khi nói hoặc nghe thường cắn môi là đang tự kiểm điểm, chế giễu, trách móc bản thân.

  • Mồm mép chậm chạp nhưng ý chí kiên định, có nhiều ý kiến hay, là những người tài giỏi.

  • Vào giây phút quan trọng mà vẫn mím môi thì là người có tính cách kiên cường, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao với bất cứ giá nào.

Mũi:

Mũi của phụ nữ thể hiện cho ngôn ngữ không lời hay có lời thì các chuyên gia còn đang tranh luận. Những người cho rằng mũi không thể hiện cho ngôn ngữ không lời vì mũi không làm động tác, cũng giống như tai, mũi không thể phát ra các tin tức “dáng vẻ”, và cũng không thể bộc lộ được tình cảm. Còn nếu sờ mũi hoặc tay để có được thông tin thì đó là ngôn ngữ của “tay”.

Ngược với cách giải thích trên thì có người cho rằng mũi khác tai, tai thực sự không thể có động tác. một số loài động vật lại làm được điều này, ví dụ chó biết dỏng tai để nghe ngóng tình hình. Tai của con người là “chết”, nó chỉ “động” theo đầu chứ không thể động được độc lập. mọi người đều quen với cụm từ “xì mũi coi khinh” (cười mũi khinh thường), thì thực tế cũng có động tác, tức là khi phát ra tiếng “xì” thì mũi sẽ hướng lên trên, động tác này nhẹ nhàng nên khó phát hiện, nhưng dù nhẹ nhàng thì cũng là động tác, cũng có thể gửi gắm được thông tin “coi thường người khác”.

Khi nói chuyện, nếu mũi của đối phương nở to thì đa phần là thể hiện tình cảm đắc ý, không hài lòng, hoặc tình cảm bị kìm nén. Khi mũi ra mồ hôi là lộ tâm lý của đối phương căng thẳng, lo lắng; nếu đang đàm phán kinh doanh quan trọng thì muốn nhanh chóng đi đến ký kết. Hình dạng của mũi cũng thể hiện được nhiều điều, mũi khoằm như diều hâu cộng với đôi mắt sâu thường là người tham lam. Mầu sắc của mũi hơi trắng nhất định thể hiện tính rụt rè. Lỗ mũi hướng về phía đối phương tức là thể hiện sự coi thường. Khi đang nói chuyện mà khịt mũi tức là đang suy nghĩ, mong muốn có thể giải quyết được vấn đề hiện tại.

Vai

Về góc độ của cơ thể thì động tác của bộ phận vai có thể biểu lộ những ý tứ như tấn công, đe dọa, an tâm, nhút nhát, phòng vệ… Như một nhà ngôn ngữ thân thể Mỹ đã nói, đôi vai thu về sau tức là thể hiện sự phẫn nộ do bất mãn, không công bằng. Nhún vai biểu lộ sự lo lắng, hoảng sợ. Vai để cho đôi tay giang rộng là biểu lộ tính trách nhiệm cao độ, vai ưỡn ra biểu lộ tinh thần dám gánh vác những công việc lớn. Dù gì thì vai cũng được coi là bộ phận tượng trưng cho sự uy nghiêm của đàn ông.

Ngoài đàn ông ra thì đôi vai nhỏ bé, thon thả của phụ nữ cũng thể hiện được nét đẹp đáng yêu của họ. Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, người ta đã chủ trương nam nữ bình đẳng và từ đó đã thịnh hành kiểu áo của phụ nữ có lót đệm vai theo mốt của Mỹ. Nhưng đó chỉ là sự sùng bái “phụ nữ kiên cường” trong chủ trương nam nữ bình đẳng. Sau này người ta thay thế bằng cách nhấn mạnh “tính phụ nữ” theo mốt của Pháp. Sở dĩ có sự thay đổi này là vì phụ nữ cảm thấy đôi vai bé nhỏ của mình cũng thể hiện được cái đẹp. Trong khi đôi vai to, vững chãi của đàn ông thể hiện sự uy vũ thì phụ nữ cũng cần thể hiện nét đẹp nhu mì qua đôi vai của mình.

Eo:

Ngôn ngữ không lời – eo của phụ nữ kỳ diệu hơn nhiều so với eo của đàn ông. Ngoài dấu hiệu gợi cảm như phần mông và ngực thì eo còn thường bộc lộ thêm nhiều ý nghĩa. Đường nét và màu sắc là những ngôn ngữ không lời có khả năng thể hiện mạnh mẽ nhất. Eo của phụ nữ, là dấu hiệu của các đường nét.

  • Cong eo: Cong eo thường là ngôn ngữ gặp mặt của phụ nữ Nhật Bản. Vòng eo cong là những đường nét đẹp gợi cảm, dịu dàng, thanh thoát, đem lại vẻ đẹp đoan trang cho người phụ nữ.

  • Chống nạnh: Hai tay chống nạnh tức là bộc lộ sự khuếch trương bên ngoài, sức mạnh và phẫn nộ trong lòng. Phụ nữ ít dùng đến ngôn ngữ này.

  • Ưỡn eo: Đây là một tín hiệu không phòng bị của phụ nữ. Nếu phụ nữ ngồi ưỡn eo đối diện với người khác giới thì xảy ra hai tình huống: Một là hết sức tin tưởng và tôn trọng với người đàn ông trước mặt. Họ cảm thấy rằng người đàn ông này sẽ không làm hại gì mình. Hai là chiêu của các cô gái bán hoa, họ đang nói với người đàn ông trước mặt “Hãy đến với em”.

  • Xoa eo: Tục ngữ có câu không ai yêu thì tự yêu lấy. Phụ nữ thường tự vuốt ve mình khi không được người đàn ông nào vuốt ve. Hành động này là một kiểu “tự an ủi”, đồng thời cũng là biểu hiện của tình cảm “tự thân mật”.

Chân

Ngôn ngữ không lời của phần chân cũng là một trong những bộ phận quan trọng trong hệ thống ngôn ngữ không lời của phụ nữ. Phần chân là một cơ quan biểu lộ tình cảm quan trọng ngoài phần ngực, mông, eo. Vì vậy phụ nữ cần phải nắm bắt được ngôn ngữ chân của mình, không nên qua loa, đại khái.

Một đôi chân đẹp, khỏe mạnh của phụ nữ không những thể hiện được nét đẹp mà còn thể hiện được sức mạnh và sự tự tin của phụ nữ. Khi đi bộ, phụ nữ có thể bộc lộ điểm mạnh của đôi chân, và cũng thể hiện được dáng vẻ của phụ nữ. Do đó, khi đi bộ, bạn không nên nhấc chân cao quá, cũng không nên lê chân, không được thả lỏng quá mức cơ bắp mà hãy nhẹ nhàng thu gọn các cơ bắp như vậy mới đẹp được.

Khi ngồi trên ghế, bạn không được để lộ đùi của mình, chỉ được để lộ từ đầu gối trở xuống chứ không phải đầu gối trở lên. Nếu bạn để lộ quá nhiều thì sẽ làm cho người ta cảm thấy bạn quá dễ dãi. Khi ngồi trên ghế, bạn không được rung chân, vì rung chân là ám hiệu của tình dục, rất dễ gây hiểu nhầm. Khi ngồi trên ghế bạn cũng không được tự xoa chân, vì tự xoa chân lúc ấy sẽ bị coi là hành vi tự an ủi. Khi ngồi, bạn không nên nhấc chân quá cao, vì đó là hành vi biểu lộ bạn không có văn hóa, đặc biệt không được nhấc chân cao quá rốn, đó một quy định quan trọng của ngôn ngữ chân.

Ngôn ngữ chân là quyền lợi đặc biệt của phụ nữ, các thông tin nó gửi đi thường vượt qua cả bản thân đôi chân, khi sử dụng bạn cần phải đặc biệt chú ý.

Bàn chân

Theo nhiều người thì động tác của tay và chân rất quan trọng, do đó họ ít chú ý đến bàn chân vì cho rằng bàn chân đi trong tất, xỏ trong giầy, là công cụ đi lại chứ không phải công cụ nói chuyện. Nhưng thực ra bàn chân cũng biết “nói chuyện”.

Phụ nữ chú ý đến ngôn ngữ thân thể của bàn chân hơn đàn ông do 4 nguyên nhân sau:

  • Nếu bàn chân của phụ nữ trơn mịn, không sứt sẹo, da mềm mại, thuôn dài thì trong mắt phụ nữ đôi chân ấy rất đẹp.

  • Phụ nữ không muốn để lộ gót chân nứt nẻ, vì mọi người sẽ cảm thấy bàn chân ấy khô ráp không được chăm sóc kỹ năng nếu chân bị nứt nẻ thì nên đi tất để che giấu.

  • Việc nhấc chân khi đi của phụ nữ cũng là cả một nghệ thuật. Nếu nhấc chân hơi cao, lắc thì đó là người phụ nữ nhẹ dạ, thiếu văn hoá. Nếu người phụ nữ nhẹ nhàng bước trên mặt đất tức là không để ý đến những gì đối phương nói, thậm chí còn có vẻ khinh thường người ta.

  • Phụ nữ không nên rời xa đôi giầy. Có phụ nữ khi ngồi thích móc chân vào giầy rồi đưa loạn lên, như vậy dễ gây hiểu lầm cho mọi người.

Đối với các gia đình, cặp vợ chồng nào thường có thói quen ngoắc chân vào nhau thì cần phải chú ý, vì khi thoải mái con người hay có động tác ngoắc chân vào nhau. Ai ngoắc chân vào nhau nhiều thì người đó có ưu thế hơn trong gia đình. Nếu vợ ngoắc chân vào nhau nhiều hơn thì gia đình đó người vợ chiếm ưu thế hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.