Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn - Tại Sao Nhiều Hơn Lại Ít Hơn
CHƯƠNG 6. NHỮNG CƠ HỘI BỎ LỠ
Tháng 2, trời lạnh cóng. Tuyết bám đầy bồ hóng trải dài đường phố. Đi làm
rồi lại lặng lẽ trở về trong đêm tối, chỉ bằng cách suy nghĩ về kỳ nghỉ hè sắp tới của mình mới giúp Angela vượt qua được mùa đông dài đằng đẵng này.
Angela đang xem xét hai khả năng rất khác nhau: du lịch đến bắc California hoặc nghỉ ngơi một tuần tại một ngôi nhà trên biển ở mũi Cod. Cô ta sẽ quyết định như thế nào? Có thể Angela sẽ bắt đầu bằng cách xem xét điều gì quan trọng nhất đối với mình khi đi nghỉ. Vốn yêu vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên, ắt hẳn điểm dừng chân của Angela phải đáp ứng được yêu cầu đó. Angela thích tiêu khiển ngoài trời nhưng đồn thời ghét khí trời nóng và ẩm, vì thế thời tiết cũng phải ôn hòa. Yêu những bãi biển vắng người trải dài, nhưng Angela cũng thích ăn ngon, hứng thú với nhịp sống về đêm sôi động, quan sát mọi người và ngắm nhìn hàng hóa bày bán. Thêm vào đó, Angela không thích đám đông. Là một phụ nữ năng động, nhưng thỉnh thoảng Angela cũng thích có một buổi chiều được nằm ườn trên ghế chỉ để đọc sách.
Thế thì sao nào? Angela còn hai chuyện cần làm. Trước tiên, cần đánh giá tầm quan trọng của những khía cạnh đa dạng ở những điểm đến Angela đang cân nhắc. Ví dụ, liệu thời tiết dễ chịu có quan trọng hơn nhịp sống sôi động về đêm không? Tiếp theo, Angela cần biết được bắc California và mũi Cod bổ trợ nhau như thế nào. Nếu một trong hai điểm đến trội hơn điểm còn lại trong mọi lĩnh vực Angela quan tâm, việc đưa ra quyết định thật dễ dàng. Nhưng khả năng dễ xảy ra nhất là Angela sẽ khám phá ra mỗi điểm dừng chân sẽ có những điểm mạnh mà điểm còn lại không có. Và vì thế, Angela cuối cùng phải tự thỏa hiệp. Tuy vậy, Angela có thể đưa ra được lựa chọn cho mình nếu cô làm cho mình một danh sách những tiêu chí quan trọng ảnh hưởng đến việc chọn điểm đi du lịch, quyết định chúng quan trọng đến mức nào, và đánh giá từng trường hợp đủ khả năng đáp ứng mong ước của cô ra sao.
Bây giờ, bỗng nhiên có một người bạn của Angela chen vào và làm cho mọi chuyện thêm rắc rối. Người bạn đó đề nghị Angela đi nghỉ ở một ngôi nhà tranh nhỏ xinh tại Vermont. Ở đó, Angela có thể leo núi, đi bơi dưới hồ, tham gia vào các lễ hội nghệ thuật, đi ăn ở những nhà hàng ngon, cũng như tận hưởng thời tiết ấm áp, khô thoáng vào ban ngày và mát mẻ, dễ chịu vào ban đêm. Ngoài ra, thị trấn đó còn nằm gần Burlington, nơi có nhịp sống về đêm đầy năng động. Và cuối cùng, người bạn chỉ ra rằng do Angela có thể nghỉ mát cùng một vài người bạn của cô do họ có sở hữu những căn nhà nghỉ tại khu vực này. Thế nhưng, đi nghỉ hè với bạn là một
trường hợp Angela chưa từng nghĩ đến khi cô cân nhắc giữa California và mũi Cod. Và bây giờ điều Angela cần làm là thêm tiêu chí đó vào danh sách những khía cạnh hấp dẫn khi quyết định điểm du lịch. Thêm vào đó, Angela cần phải đánh giá lại một vài thang điểm cô dành cho hai điểm đến đầu tiên. Có thể Angela sẽ trừ một hay hai điểm cho mũi Cod khi thấy thời tiết nơi này trái ngược với khi hậu mát mẻ và thông thoáng tại Vermont.
Nhưng khả năng được vui với bạn bè làm cho Angela đắn đo. Các con của Angela sống ở rất xa, và cô nhớ chúng. Sẽ là tuyệt nếu được gặp gỡ bạn bè, nhưng được ở bên gia đình sẽ còn tuyệt hơn. Biết đâu được có một nơi xinh đẹp nào đó gần chỗ các con Angela đang sống có những quán ăn ngon, thời tiết dễ chịu, và nhiều thứ để làm về đêm. Hoặc giả biết đâu được có một nơi nào đó bọn trẻ sẽ hứng thú đi chơi với Angela. Hàng loạt khả năng được Angela tự tán thành và một khía cạnh khác – ở bên các con – được Angela đưa vào danh sách.
Có một điều rõ ràng là không lựa chọn nào đáp ứng trọn vẹn mong ước của Angela. Cô chỉ cần chuẩn bị thực hiện một vài thỏa hiệp.
Michael, một sinh viên năm cuối đầy tài năng, đang cố gắng lựa chọn giữa hai công việc. Một có mức lương khởi điểm hấp dẫn, cơ hội thăng tiến khiêm tốn, mức độ an ninh tuyệt vời, và môi trường làm việc hòa nhã, sinh động. Công việc còn lại có mức lương khởi điểm không cao, cơ hội thăng tiến đầy xán lạn, mức độ an ninh tạm được, và một cơ cấu tổ chức khá chỉnh chu, theo tôn ti trật tự.
Khi Michael còn đang đắn đo giữa hai công việc A và B, công việc C lại xuất hiện. Với nó, Michael sẽ có cơ hội làm việc tại một thành phố đầy thú vị. Bất thình lình, sự hấp dẫn của vị trí tọa lạc lại liên quan đến lựa chọn của Michael, một điều chưa từng đươc anh nghĩ đến. Tại sao địa điểm của công việc A và B không thể so sánh với C? Và Michael sẽ phải đánh đổi bao nhiêu về tiền lương, an ninh, và nhiều thứ khác nữa để có thể làm việc trong thành phố thú vị này?
Việc đưa ra quyết định càng trở nên rối rắm hơn khi một triển vọng công việc khác xuất hiện ở một địa điểm rất gần gia đình của Michael và những người bạn cũ, và đây cũng lại là một yếu tố anh chưa hề nghĩ tới. Điều đó quan trọng đến mức nào? Và sau đó, bạn gái của Michael tìm được một công việc rất tốt, tương tự như công việc A, trong cùng thành phố. Câu hỏi đặt ra cho Michael lúc này là: anh sẽ dành bao nhiêu trọng lượng cho yếu tố này? Và tầm quan trọng trong mối quan hệ giữa Michael và bạn gái tới mức nào?
Để có thể quyết định lựa chọn nghề nghiệp, Michael sẽ phải tự trả lời vài câu hỏi khó. Anh có sẵn lòng tự thỏa hiệp giữa mức lương và cơ hội thăng tiến, giữa chất lượng công việc và chất lượng của thành phố nơi anh làm việc? Michael liệu có thể thỏa hiệp cả hai để được gần gia đình? Và anh có đủ dũng cảm từ bỏ tất cả để được ở bên bạn gái?
Một phần mặt trái của sự dư thừa lựa chọn nằm ở chỗ, mỗi một lựa chọn mới lại làm dài thêm danh sách những thỏa hiệp – bắt nguồn của những hệ quả tâm lý. Sự cần thiết phải tiến hành thỏa hiệp thay đổi cách chúng ta cảm nhận về những quyết định gặp phải. Và quan trọng hơn, nó ảnh hưởng đến mức độ thỏa mãn mỗi người trải nghiệm được từ quyết định cuối cùng của mình.
Phí tổn cơ hội
Các nhà kinh tế học cho rằng chất lượng của bất cứ lựa chọn cho sẵn nào cũng không thể được đánh giá tách rời với các phương án thay thế của nó. Một trong những “cái giá” của một lựa chọn chính là việc bỏ qua các cơ hội mà một lựa chọn khác có thể mang lại. Và đây được đề cập tới như là một phí tổn cơ hội. Phí tổn cơ hội của việc đi nghỉ tại bãi biển ở mũi Cod chính là việc bỏ qua những nhà hàng thịnh soạn ở California. Tương tự, phí tổn cơ hội khi chọn công việc ở gần người yêu của bạn sẽ phải đánh đổi bằng việc sống xa gia đình. Mỗi một lựa chọn đều hàm chứa những phí tổn cơ hội liên quan tới nó.
Ta có thể bị lạc lối nếu như không thể nghĩ về những phí tổn cơ hội. Tôi thường nghe mọi người biện minh cho quyết định mua hẳn một căn nhà thay vì tiếp tục thuê mướn, bằng cách cho rằng họ đã mệt mỏi với việc cứ mãi tiếp tục làm đầy hầu bao của chủ cho thuê nhà. Họ cho rằng vay tiền ngân hàng để mua nhà là một thương vụ đầu tư, trong khi việc thuê nhà chẳng khác gì ném tiền qua cửa sổ. Dòng suy nghĩ này thoạt nghe tưởng chừng nghe có vẻ hợp lý nhưng lại chưa đủ thấu đáo. Và sau đây là quan điểm chung của hầu hết những người mua nhà: “Chúng tôi phải đặt cọc 50.000 đô la. Chi phí sinh hoạt hàng tháng, bao gồm tiền vay ngân hàng, thuế, bảo hiểm, và điện nước tính tổng lại cũng chỉ bằng chi phí thuê nhà. Vì vậy, trên thực tế, với một khoản đầu tư 50.000 đô la, tôi phải xoay sở làm sao để được hưởng lợi từ chi phí nhà cửa hàng tháng, làm đầy thêm hầu bao của mình thay vì của chủ cho thuê nhà. Và tôi cũng chắc chắn rằng mình sẽ thu lợi hơn 50.000 đô la sau khi bán ngôi nhà.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, sở hữu một ngôi nhà thường là một phi vụ đầu tư khôn ngoan. Nhưng cái mà những người mua nhà chưa suy tính tới là phí tổn cơ hội của việc bỏ ra 50.000 đô la vào trong ngôi nhà. Với số tiền đó, bạn còn có thể làm
gì với nó? Đầu tư vào thị trường chứng khoán, hoặc học trọn khóa Đại học Luật để tăng thêm thu nhập, hoặc cũng có thể đi du lịch vòng quanh thế giới và viết một cuốn tiểu thuyết bạn kỳ vọng sẽ hoàn toàn thay đổi cuộc đời mình. Một số lựa chọn mang tính thức tiễn hơn, và sự khôn ngoan của từng lựa chọn tùy thuộc và mục tiêu cuộc đời bạn cũng như thời gian bạn có. Khi tôi viết cuốn sách này, thị trường bất động sản có vẻ là một lựa chọn khả dĩ hơn thị trường chứng khoán. Thế nhưng, khi thị trường bắt đầu tăng vọt vào năm 1996, đầu tư 50.000 đô la vào thị trường chứng khoán có thể trúng quả đậm. Điều quan trọng là, ngay cả những quyết định được xem là dễ dàng nhất cũng hàm chứa những giá trị tiềm ẩn của những lựa chọn bị từ chối. Suy nghĩ về những phí tổn cơ hội có thể sẽ không làm thay đổi quyết định của bạn, nhưng chí ít cũng giúp bạn có được một đánh giá mang tính thực tiễn hơn về tính toàn diện của quyết định.
Theo các giải định kinh tế chuẩn, phí tổn cơ hội duy nhất có ý nghĩa quan trọng đối với một quyết định, chính là những phí tổn có liên quan đến những phương án thay thế liền kề với phương án tốt nhất. Vì vậy, hãy thử cho biết lựa chọn của bạn cho tối thứ 7 trong danh sách liệt kê dưới dây:
- Ăn tối tại một nhà hàng dễ thương.
- Ăn tối nhanh và sau đó đi xem phim.
- Đi nghe nhạc jazz.
- Đi khiêu vũ.
- Nấu bữa tối cho một vài người bạn.
- Đi xem bóng chày.
Nếu bạn đi ăn tối, “cái giá” của nó chính là việc phải trả tiền cho bữa tối cộng với việc mất cơ hội xem phim. Hãy chú ý đến cái bạn sẽ bỏ lỡ ở lựa chọn thay thế thứ hai và chỉ thế mà thôi. Đừng phí sức tiếc rẻ khi vuột mất những lựa chọn tiếp theo trong danh sách mà bạn không thể thực hiện dược. Tuy vậy, cực kỳ khó khăn để thực hiện lời khuyên trên, và đây là lý do: những lựa chọn được xem xét thường có những khía cạnh đa phương diện. Nếu ta xem xét các lựa chọn theo phương diện từng khía cạnh của chúng thay vì tổng thể, thì những lựa chọn khác nhau sẽ được xếp hạng thứ 2 (hay thậm chí thứ nhất) trong danh sách. Vì vậy, đi xem phim có thể là cách tốt nhất để kích thích đầu óc. Nghe nhạc jazz có thể là lựa chọn tối ưu để thư giãn. Có lẽ không biện pháp tập thể dục nào tốt hơn là đi khiêu vũ. Đi xem bóng chày khả dĩ là một cách để giải tỏa ức chế. Và ăn tối với bạn bè cũng có thể là cách tốt nhất để tình bạn ngày một thân thiết hơn. Mặc dù nhìn chung có thể chỉ có một lựa chọn tốt thứ hai duy nhất, mỗi một lựa chọn bạn bỏ qua phải có một vài khía cạnh đáng mơ
ước nào đó đã đưa chúng vào danh sách. Vì vậy, đi ăn tối bên ngoài đồng nghĩa với việc bỏ qua các cơ hội được kích thích đầu óc, thư giãn, tập thể dục, giải tỏa ức chế, và thắt chặt tình bạn. Đứng về phương diện tâm lý mà nói, mỗi phương án bạn lựa chọn vẫn có thể đưa ra những cơ hội bạn sẽ bỏ qua.
Nếu chúng ta giả định những phí tổn cơ hội phá hỏng khía cạnh mong ước tổng thể của lựa chọn ưu việt nhất, và chúng ta cảm nhận được rằng phí tổn cơ hội có liên quan đến rất nhiều lựa chọn bị bỏ qua khác, thì khi càng có nhiều lựa chọn, ta càng phải trải nghiệm được nhiều về phí tổn cơ hội. Và khi đó, ta lại càng cảm thấy ít thỏa mãn hơn từ chính lựa chọn của mình.
Tại sao không thể là một công việc lương cao, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc thân thiện, và ở một nơi thú vị có luôn việc làm cho người yêu và gần gia đình? Tại sao không thể là một kỳ nghỉ mà tôi có thể tận hưởng bãi biển tuyệt vời cùng những nhà hàng thịnh soạn và những cửa hiệu, điểm du lịch hấp dẫn? Tại sao tôi lại không thể được kích thích đầu óc, thư giãn, giải tỏa ức chế, và gặp gỡ bạn bè? Sự tồn tại của những lựa chọn đa phương diện giúp chúng ta mường tượng dễ dàng hơn về những lựa chọn không tồn tại khác – đó chính là những lựa chọn kết hợp những khía cạnh hấp dẫn của những lựa chọn không tồn tại. Và khi chúng ta hình dung theo cách này, chúng ta sẽ càng ít thỏa mãn hơn với lựa chọn cuối cùng của mình. Vì vậy, một lần nữa, sự đa dạng về chọn lựa chỉ làm cho tình hình tồi tệ thêm.
Khách quan mà nói, nếu có một cách nào đó để nói đâu là kỳ nghỉ tốt nhất, công việc tốt nhất, hoặc phương án tốt nhất cho một tối thứ Bảy, và sau đó những lựa chọn thêm vào chỉ có thể làm ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Bất cứ một lựa chọn mới nào cũng có thể trở thành phương án tối ưu. Nhưng khách quan thì thực sự không có kỳ nghỉ nào hoặc một tối thứ Bảy nào là tuyệt nhất. Cuối cùng, chất lượng lựa chọn có ý nghĩa đối với mọi người chính là những trải nghiệm chủ quan những lựa chọn khác mang lại. Và đi xa hơn, nếu bất cứ lựa chọn thêm vào nào phá hỏng trại nghiệm chủ quan của chúng ta, chúng ta lại càng cảm thấy tình hình tồi tệ hơn.
Tâm lý thỏa hiệp
Khía cạnh tâm lý của việc thỏa hiệp đã được điều tra trong một loạt nghiên cứu, trong đó người tham gia được yêu cầu đưa ra những quyết định giả định về việc chọn mua chiếc xe nào, thuê căn hộ nào hoặc chọn công việc nào, dựa trên một loạt các khía cạnh, bao gồm giá cả. Danh sách của những lựa chọn được thiết kế theo hướng sao cho để đạt được quyết định một lựa chọn, người tham gia bắt buộc phải
thực hiện thỏa hiệp. Ví dụ, khi chọn mua xe, có thể chiếc này sành điệu hơn, phương diện an toàn lại kém hơn. Thuê một căn hộ, có thể căn này rộng rãi hơn nhưng lại nằm ở vị trí không ưng ý cho lắm.
Trong một nghiên cứu, một người tham gia được cho biết rằng chiếc xe A có giá trị 25.000 đô la và độ an toàn cao (điểm 8 trên 10). Chiếc xe B được chấm điểm 6 về phương diện an toàn. Người tham gia sau đó được hỏi cần phải tốn bao nhiêu cho xe B để nó được bắt mắt như xe A. Trong trường hợp này, bắt buộc người trả lời phải thực hiện thỏa hiệp giữa giá cả và độ an toàn. Nó yêu cầu phải hỏi mỗi một đơn vị an toàn thêm vào sẽ tốn hết bao nhiêu. Ví dụ, nếu một người trả lời xe B chỉ tốn 10.000 đô la, rõ ràng là họ đặt giá trị cao cho mức độ an toàn thêm vào ở xe A. Nhưng, nếu họ cho rằng xe B đáng giá 22.000 đô la, họ chắc hẳn ít chú trọng đến giá trị an toàn của xe A hơn. Với câu hỏi này, người tham dự hầu như không gặp phải bất cứ khó khăn gì. Nhưng sau đó, câu hỏi thứ hai có vẻ nặng nề hơn. Họ được yêu cầu chọn lựa giữa xe A, mức độ an toàn 8 điểm và có giá 25.000 đô la và xe B, mức độ an toàn 6 và có giá người tham gia đã thấy cần thiết để có thể làm 2 chiếc xe bắt mắt như nhau. Và, câu hỏi đặt ra là người tham gia sẽ lựa chọn thế nào giữa 2 chiếc?
Do cả 2 lựa chọn đã ngang bằng nhau, có lẽ bạn sẽ dự đoán rằng phân nửa số người sẽ chọn chiếc xe an toàn hơn và đắt đỏ hơn; trong khi đó, phân nửa còn lại sẽ chọn chiếc ít an toàn hơn và rẻ hơn. Nhưng, đó lại không phải là kết quả của cuộc nghiên cứu. Hầu hết những người tham dự đều chọn chiếc xe an toàn và đắt tiền hơn. Khi buộc phải lựa chọn, hầu hết mọi người từ chối thỏa hiệp mức độ an toàn với giá cả. Họ hành xử như thể mức độ an toàn ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định của họ và do vậy giá cả trở nên không còn quan trọng nữa. Lựa chọn này rõ ràng đi ngược lại với phương cách mọi người trả lời cho câu hỏi đầu tiên khi họ phải thiết lập giá cả để có thể làm hai chiếc xe bắt mắt như nhau. Nếu như lức đó nghĩ rằng mức độ an toàn có vai trò tối quan trọng, chắc hẳn những người tham gia cuộc nghiên cứu này phải hạ thấp giá thành của chiếc xe B xuống. Nhưng họ lại không làm vậy. Do vậy, vấn đề ở đây không phải là mọi người từ chối đặt giá lên mức độ an toàn. Mà nói đúng hơn, khi đến thời điểm phải đưa ra lựa chọn, chỉ đơn giản là họ không mặn mà với việc phải bỏ ra cái giá họ đã thiết lập trước đó họ đã thiết lập cho sự an toàn.
Mặc dù việc đưa ra quyết định chỉ thuần túy là giả định, người tham gia cũng trải qua những biến động tâm lý tiêu cực đáng kể khi phải chọn giữa xe A và xe B. Và nếu quá trình thể nghiệm cho phép, họ sẽ từ chối đưa ra bất kỳ một quyết định nào.
Và do thế, các nhà nghiên cứu kết luận rằng, bị buộc phải thực hiện tự thỏa hiệp khi đưa ra quyết định chỉ làm cho ta không hài lòng và thiếu quyết đoán.
Rất khó để hiểu được mô thức này. Hãy thử tưởng tượng bạn chọn chiếc xe ít an toàn hơn để tiết kiệm 5.000 đô la và sau đó bị một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Bạn có thể chịu đựng nổi khi cứ bị dằn vặt rằng giá mà mình lái một chiếc xe an toàn hơn, thì giờ đây một trong những người thân của mình đâu phải chịu đựng chấn thương nghiêm trọng? Chắc chắn bạn sẽ rất miễn cưỡng khi phải thỏa hiệp giữa mức độ an toàn và giá cả. Chắc hẳn an toàn có vai trò tối quan trọng. Nhưng đây là trường hợp rất đặc biệt.
Những người tham gia trong các cuộc nghiên cứu này cho thấy mô thức của việc miễn cưỡng thực hiện thỏa hiệp bất kể rủi ro cao hay thấp. Khi phải thực hiện bất kỳ thỏa hiệp nào thì đều có căng thẳng đến không thể tin được. Và một khi những lựa chọn này thay thế có sẵn sàng tăng, mức độ phải thực hiện thỏa hiệp cũng theo chiều hướng tỉ lệ thuận.
Né tránh quyết định
Và sau đó, mọi người sẽ phải làm gì nếu như hầu hế các quyết định đều liên quan đến thỏa hiệp và mọi người cương quyết không thực hiện điều đó? Một giải pháp đưa ra là trì hoãn hoặc né tránh việc đưa ra quyết định. Hãy thử tưởng tượng bạn đang đi siêu thị tìm mua một dàn máy nghe nhạc mới và nghe thông báo về chương trình bán hàng thanh lý máy CD kéo dài trong một ngày. Bạn có thể mua máy nghe nhạc Sony chỉ với 99 đô la, thấp hơn nhiều so với giá niêm yết. Bạn sẽ mua nó, hay lại tiếp tục tìm kiếm các nhãn hiệu và mẫu mã khác? Giờ đây hãy tiếp tục giả sử siêu thị chào bán máy Sony 99 đô la và máy Aiwa cao cấp 169 đô la – cũng thấp hơn nhiều so với giá gốc. Bạn sẽ mua cả hai hay trì hoãn để tiếp tục tìm kiếm?
Những người nghiên cứu thu được một kết quả rất thú vị khi họ hỏi câu hỏi này. Trong trường hợp đầu tiên, 66% cho rằng họ sẽ mua máy Sony và 34% cho biết sẽ chờ. Trường hợp thứ hai, 27% chọn mua Sony, 27% chọn Aiwa, và số còn lại quyết định chờ. Hãy xem xét điều này có ý nghĩa gì. Khi có trong tay một lựa chọn hấp dẫn, 2/3 quyết định sẽ chọn nó. Nhưng khi có hai lựa chọn hấp dẫn, chỉ quá nửa một chút sẵn lòng mua. Vì vậy, đưa thêm một lựa chọn thứ hai sẽ tạo ra mâu thuẫn và buộc lòng phải thực hiện thỏa hiệp giữa giá cả và chất lượng. Nếu như không có một lý do bức thiết nào để chọn một trong hai, những khách hàng tiềm năng sẽ đồng loạt bỏ qua cả hai. Bằng cách tạo ra mâu thuẫn, lựa chọn thứ hai càng làm cho việc quyết định trở nên khó khăn hơn.
Khách hàng cần hoặc muốn có lý do để biện minh cho lựa chọn, như ta đã thấy trong tình huống giả định thứ 3. Một ngày bán hàng tương tự chào giá cho máy Sony là 99 đô la và máy Aiwa chất lượng thấp hơn với giá 105 đô la. Ở đây, lựa chọn thứ hai không tạo ra mâu thuẫn. Sony tốt hơn Aiwa và nó được bày bán. Không lấy làm ngạc nhiên, hầu như không ai chọn Aiwa. Nhưng điều ngạc nhiên chính là 73% người chọn mua Sony, cao hơn tỷ lệ 66% chọn mua khi máy Sony được chào bán một mình. Vì vậy, sự hiện diện của một lựa chọn khác có chất lượng thấp hơn giúp khách hàng có những quyết định mạo hiểm dễ dàng hơn. Có thể hiểu ra rằng máy Aiwa chất lượng thấp hơn củng cố niềm tin của khách hàng rằng mua máy Sony là một khôn ngoan, mặc dù trong một siêu thị bày bán hàng tá các thương hiệu và mẫu mã khác nhau, việc đưa ra một lựa chọn thứ hai không nói được gì nhiều. Thậm chí nếu có thua kém trong mọi cách thì lựa chọn thứ hai có vai trò như một chỗ dựa hoặc một sự so sánh làm củng cố thêm niềm tin của khách hàng khi lựa chọn cái đầu tiên (xem chương 3). Nó giúp người mua kết luận rằng lựa chọn Sony có chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Những thỏa hiệp khó khăn càng làm cho việc biện minh cho quyết định khó khăn, và dẫn đến việc trì hoãn; ngược lại, thỏa hiệp dễ dàng thực hiện sẽ đưa đến quyết định dễ dàng. Và những lựa chọn đơn lẻ nằm đâu đó ở khoảng giữa.
Mâu thuẫn khiến ta né tránh quyết định ngay cả khi những rủi ro chỉ là vụn vặt. Trong một nghiên cứu, người tham dự được trả 1.5 đô la để điền những thông tin cần thiết vào phiếu câu hỏi. Sau khi những người tham dự hoàn tất, họ được trả công bằng một cây viết bằng kim loại và được nói rằng cây viết có giá gần 2 đô la. 75% chọn cây viết. Trường hợp thứ hai, những người tham dự được hứa trả 1.5 đô la hoặc lựa chọn giữa cây viết bằng kim loại trên và hai cây viết có nắp đậy cũng có giá khoảng 2 đô la. Giờ đây, chỉ dưới 50% chọn cây viết. Vì thế, mâu thuẫn đưa ra bởi lựa chọn được thêm vào càng làm cho việc lựa chọn cây viết này hoặc cây khác thêm khó khăn, và đa số người tham dự quyết định không chọn cây nào cả. Thật khó để tưởng tượng tại sao thêm vào một cặp viết rẻ hơn có thể làm gì đó để làm tăng thêm giá trị của cây viết tốt nếu so với 1.5 đô la. Nếu 75% đã quyết định chọn cây viết thay vì 1.5 đô la trong trường hợp đầu tiên, thì trong trường hợp thứ hai 75% cũng phải nghĩ như vậy. Và cũng nên có một vài người nghĩ rằng lấy cả hai cây viết lại là một quyết định tốt hơn. Vì lẽ đó, sẽ có nhiều người, chứ không phải ít hơn, nên chọn cây viết hơn là tiền mặt khi họ có lựa chọn. Thế nhưng điều ngược lại đã xuất hiện.
Có một ví dụ khác, cấp thiết hơn để minh họa cho việc mâu thuẫn khiến mọi người trì hoãn việc ra quyết định. Trong nghiên cứu này, các bác sỹ được cho xem
bệnh án của một bệnh nhân bị chứng OSTEOARTHRITIS và được hỏi liệu rằng họ có nên kê một phương thuốc mới hay chuyển sang cho một chuyên gia. Hầu như 75% đề cập tới phương thuốc điều trị. Các bác sỹ khác được hỏi với một lựa chọn giữa hai phương thuốc điều trị hoặc chuyển sang cho chuyên gia. Và chỉ có 50% trong số họ nghiêng về hướng lựa chọn một trong hai phương thuốc điều trị, có nghĩa phân nửa bác sỹ được hỏi thiên về hướng chuyển sang cho chuyên gia. Và dĩ nhiên, chuyển sang cho chuyên gia là một cách để né tránh việc đưa ra quyết định.
Tương tự, trường hợp của một bệnh viện đang nguy khốn được đặt ra với các nhà lập pháp với câu hỏi họ có đề xuất đóng cửa nó hay không. 2/3 đề nghị đóng cửa bệnh viện. Một nhóm các nhà lập pháp khác gặp phải một trường hợp khác đau đầu hơn với thêm một khả năng đóng cửa một bệnh viện nữa cũng đang khốn đốn. Khi được hỏi bệnh viện nào trong hai cái trên họ muốn đóng cửa (dĩ nhiên họ cũng có quyền không đưa ra đề xuất nào), chỉ một phần tư đề cập tới giải pháp đóng cửa một trong hai. Dựa vào những nghiên cứu này và những nghiên cứu khác mang tính chất tương tự, các nhà nghiên cứu kết luận rằng khi gặp phải những lựa chọn có liên quan đến thỏa hiệp là nguồn gốc của mâu thuẫn, ta đều cảm nhận những lữa chọn đó không gây hứng thú.
Người ta nhận ra việc đưa ra quyết định liên quan tới thỏa hiệp thật phiền nhiễu và sẽ bấu víu lấy bất cứ cái gì có thể giúp họ quyết định. Hãy xem xét ngữ cảnh sau từ một nghiên cứu khác:
Hãy thử tưởng tượng bạn tham gia xét xử một phiên xử giành quyền nuôi con của một vụ ly dị tương đối rối rắm. Các dữ kiện của vụ xử, liên quan tới tình hình kinh tế, xã hội, và tình cảm, rất phức tạp và mơ hồ. Và bạn quyết định đưa ra quyết định hoàn toàn dựa trên những thông số ít ỏi sau đây.
Phụ huynh A
Thu nhập trung bình Sức khỏe trung bình Giờ làm việc trung bình
Quan hệ chừng mực với con cái Cuộc sống xã hội tương đối ổn định
Phụ huynh B
Mức thu nhập trên trung bình
Vấn đề về sức khỏe không đáng kể Phải đi rất nhiều do công việc Quan hệ rất gần gũi với con cái
Cuộc sống xã hội cực kỳ năng động
Bạn sẽ trao quyền nuôi con duy nhất cho phụ huynh nào?
Khi gặp phải tình huống này, 64% người trả lời trao quyền nuôi con cho phụ huynh B. Trong khi phụ huynh A chỉ đạt tới mức độ trung bình trong mọi phương diện, phụ huynh B có hai khía cạnh tích cực và ba khía cạnh tiêu cực, và đối với hầu hết mọi người, mặt tích cực đánh bật mặt tiêu cực.
Hoặc có thực sự như vậy không? Một nhóm người được phỏng vấn khác được cung cấp lượng thông tin y hệt như nhóm đầu, nhưng được hỏi một câu tương đối khác một chút: Phụ huynh nào bạn sẽ từ chối quyền nuôi con duy nhất? Với việc phán xét được cấu thành ở thể ngôn ngữ phủ định, tỉ lệ phần trăm số người ủng hộ phụ huynh B rớt từ 64% xuống 55%.
Những lựa chọn khó khăn kiểu này thường khởi nguồn cho một trào lưu trong đó người ta đi tìm lý lẽ cho lựa chọn của chính mình. Loại lý lẽ nào ta thường đi tìm? Ở ví dụ đầu tiên, người ta đi tìm lý lẽ để chấp nhận một phụ huynh. Và phụ huynh B đã đáp ứng được yêu cầu này: thu nhập cao và quan hệ tốt. Ở ví dụ thứ hai, người ta lại đi tìm kiếm lý do để từ chối một phụ huynh. Và phụ huynh B cũng có những lý do để khiến bị từ chối: vấn đề về sức khỏe, đi công tác, và quá nhiều các mối giao du xã hội. Những người được phỏng vấn sẽ bám vào dạng câu hỏi đưa ra (chấp nhận hay từ chối) để làm cơ sở cho lựa chọn của mình. Đó là một cách để giảm nhẹ hoặc né tránh mâu thuẫn. Nếu bạn chỉ đơn thuần nhìn vào mặt tiêu cực, bạn sẽ không phải lo lắng gì về thỏa hiệp với mặt tích cực.
Mâu thuẫn quyết định là một nhân tố quan trọng trong những ví dụ về mặt né tránh quyết định tôi vừa miêu tả, nhưng đó không phải là nhân tố duy nhất. Hãy thử nghĩ về việc cố gắng quyết định có nên mua một máy quay phim kỹ thuật số với tiền thưởng cuối năm. Với một máy quay phim kỹ thuật số, bạn có thể điều chỉnh hình ảnh quay được và dễ dàng gửi chúng cho gia đình và bạn bè, cả 2 mặt trên mặt nào cũng hấp dẫn cả. Và nó có đá bỏ tiền ra để mua không? Bạn nghĩ về điều đó một chút và rồi quyết định. Còn bây giờ, hãy thử tưởng tượng về việc dùng tiền thưởng mua một chiếc xe đạp leo núi. Bạn thích chạy xe để tập thể dục, đặc biệt là ở những ngọn đồi bên ngoài thị trấn bạn đang sinh sống. Và nó có phải đáng để bỏ tiền ra mua không? Bạn nghĩ về điều đó một chút và rồi quyết định. Tiếp đến, hãy nghĩ về trường hợp bạn sẽ phải quyết định là sẽ mua máy quay phim kỹ thuật số hay xe đạp leo núi. Mỗi một lựa chọn đều chứa đựng phần lợi (những khía cạnh tích cực mà cái còn lại không có) và phần thiệt (những khía cạnh tích cực lựa chọn này không có nhưng cái kia lại có). Ở chương 3, ta đã thấy người ta có xu hướng cho thấy thể hiện ác cảm đối với phần thiệt. Bị thiệt hại 100 đô la thì cảm nhận rõ hơn thu lợi cùng số
tiền. Điều đó có nghĩa là khi đem so sánh giữa xe đạp leo núi và máy quay phim kỹ thuật số, mỗi cái sẽ phải chịu đựng sự so sánh. Nếu bạn chọn máy quay phim kỹ thuật số, bạn sẽ được phần lợi là chất lượng và sự tiện lợi của việc ghi hình kỹ thuật số nhưng thiệt thòi là sẽ không được tập thể dục tại những vùng xung quanh. Bởi vốn dĩ phần thiệt luôn có ảnh hưởng to lớn hơn phần lợi, phần lợi của chiếc máy quay phim sẽ phần nào giảm đi nếu bạn đem so sánh với chiếc xe đạp leo núi, thay vì chỉ đánh giá riêng một mình chiếc máy quay phim mà thôi. Trường hợp này cũng có thể áp dụng tương tự cho chiếc xe đạp leo núi. Một lần nữa, ví dụ trên lại cho thấy rằng khi phải đưa ra quyết định liên quan tới thỏa hiệp, chúng ta sẽ cảm thấy ít thỏa mãn hơn khi có một lựa chọn khác được đưa vào.
Luận điểm này được xác nhận bởi một nghiên cứu, trong đó người ta được hỏi họ sẽ sẵn lòng đến mức nào để đăng ký mua tạp chí nổi tiếng hoặc các cuộn phim nổi tiếng. Một số khác cũng được hỏi cùng một câu hỏi về những tạp chí hoặc cuộn phim thuộc cùng một nhóm. Trong hầu hết mọi trường hợp, những tạp chí hoặc cuốn phim được đánh giá riêng lẻ, luôn được đánh giá cao hơn so với khi chúng được đặt trong một tổ hợp hay một nhóm. Khi các tạp chí được đặt trong một nhóm, từng tờ tạp chí đều sẽ bị phơi bày từng mặt lợi và mặt thiệt khi bị đem ra so sánh. Và bởi vì mặt thiệt sẽ gây ra ảnh hưởng lớn hơn mặt lợi, kết quả sau cùng của sự so sánh sẽ mang tính tiêu cực. Nói tóm lại – những lựa chọn chúng ta cân nhắc với các lựa chọn khác thông thường đều phải chịu bị so sánh với các lựa chọn khác.
Thỏa hiệp: sự không thoải mái về tình cảm dẫn đến những quyết định sai lầm
Hầu như ai cũng công nhận rằng suy nghĩ về những thỏa hiệp sẽ dẫn đến những quyết định tốt hơn. Chúng ta muốn bác sỹ của mình cân nhắc những thỏa hiệp trước khi đề nghị phương pháp điều trị. Chúng ta muốn cố vấn đầu tư cẩn trọng xem xét những mặt thỏa hiệp trước khi thống nhất đề xuất đầu tư. Chúng ta muốn các bảng báo cáo người tiêu dùng đánh giá kỹ những mặt thỏa hiệp để giới thiệu mặt hàng cần mua. Chúng ta chỉ không muốn tự mình đánh giá các mặt thỏa hiệp. Và chúng ta không muốn làm điều đó vì một lẽ đó là một quá trình không lấy gì làm dễ chịu khi phải cân nhắc về những phí tổn cơ hội cùng những thiệt hại nó hàm chứa.
Những phí tổn tình cảm của những thỏa hiệp tiềm năng gây ra tác dụng còn lớn hơn cả việc làm nhạt nhòa dần sự thỏa mãn của mỗi người đối với từng quyết định. Không những thế, nó còn ảnh hưởng tới chất lượng của các quyết định đó. Có vô vàn bằng chứng cho rằng những trạng thái tình cảm tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự tập trung của mỗi người. Thay vì xem xét mọi khía cạnh của một quyết định,
chúng ta chỉ chăm chăm vào một hay hai khía cạnh đó và có thể không đoái hoài tới những mặt quan trọng khác của quyết định. Tình cảm tiêu cực cũng làm ta mất tập trung, và khiến ta tập trung vào tình cảm hơn là bản thân quyết định đó. Khi những rủi ro phải thỏa hiệp liên quan đến việc đưa ra quyết định tăng cao, tình cảm lại càng có sức nặng hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn tới tiến trình đưa ra quyết định.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tình cảm tích cực sẽ có tác dụng ngược lại, giúp người ta suy nghĩ tốt hơn. Khi đó, ta sẽ xem xét nhiều khả năng hơn và mở rộng hơn với cả những trường hợp thậm chí khó có khả năng xảy ra với bản thân; chúng ta cũng có thể nhận ra được mối liên hệ tinh tế giữa những thông tin mà ta có thể bỏ lỡ. Những món quà nho nhỏ như một viên kẹo cho bệnh nhân, cũng có thể góp phần làm tăng tính chính xác và nhanh chóng của việc chẩn đoán. Nói gọn lại, tình cảm tích cực cho phép chúng ta mở rộng khả năng hiểu biết đối với những gì gặp phải.
Điều này đã tạo ra sự nghịch lý. Chúng ta có thể suy nghĩ tốt nhất khi tâm trạng thoải mái. Những quyết định phức tạp, liên quan tới nhiều lựa chọn và nhiều khía cạnh (chẳng hạn như tôi nên đảm đương công việc nào?) đòi hỏi khả năng suy luận tốt nhất. Tuy nhiên, chính những quyết định như vậy đã đẩy chúng ta vào những phản ứng tình cảm ảnh hưởng đến khả năng quyết định được đâu là loại suy luận cần thiết.
Phí tổn cơ hội, thỏa hiệp, và lựa chọn bùng nổ
Chúng ta thấy rằng khi số quyền chọn lựa được cân nhắc tăng lên và những đặc tính hấp dẫn đi liền với các quyền chọn lựa bị từ chối tích lũy lại, thì sự thỏa mãn có được từ cái được chọn sẽ giảm đi. Đây là một nguyên nhân rất quan trọng cho thấy tại sao việc thêm các quyền chọn có thể làm tổn hại đến tâm trạng thoải mái của chúng ta. Vì ta không đẩy các quyền chọn bị từ chối ra khỏi tâm trí, nên ta thấy thất vọng khi sự thỏa mãn cùng với các quyết định của mình bị toàn bộ các quyền chọn mà ta đã xem xét nhưng không chọn làm phai mờ đi.
Sau khi cân nhắc những tác dụng tiêu cực và tích lũy này của phí tổn cơ hội, thì chúng ta dễ đi theo lời khuyên là nên bỏ qua toàn bộ các phí tổn cơ hội khi đưa ra quyết định. Nếu phí tổn cơ hội khiến quyết định đó trở nên phức tạp và khiến ta khốn khổ, thì tại sao ta lại suy nghĩ về chúng? Không may là, nếu không biết về sức hấp dẫn của những quyền chọn ấy, ta sẽ rất khó phán đoán được xem một sự đầu tư tiềm năng có tốt hay không. Điều này đúng với việc làm, kỳ nghỉ, quy trình y học hoặc gần như bất kỳ điều gì khác. Một khi ta bắt đầu cân nhắc các quyền chọn, thì vấn đề phí tổn cơ hội rất có khả năng sẽ phát sinh. Hiếm khi chỉ có một quyền chọn rõ ràng là tốt hơn về mọi phương diện so với những cái còn lại. Việc chọn lựa hầu
như lúc nào cũng liên quan đến việc từ bỏ điều gì đó có giá trị. Vì vậy việc suy nghĩ về phí tổn cơ hội có thể là một phần quan trọng của quá trình đưa ra quyết định. Bí quyết ở đây là hạn chế nhóm các khả năng để phí tổn cơ hội không tăng lên khiến toàn bộ các quyền chọn không còn hấp dẫn nữa.
Việc nhận thức rõ giá trị của gánh nặng tích lũy do phí tổn cơ hội mang lại, có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những gì khám phá được của cuộc nghiên cứu được đề cập trong Chương 1. Trong đó hai nhóm người tham gia hoạt động với nhiều hương vị khác nhau của nhãn hiệu mứt cao cấp tại một bàn để vật mẫu được đặt trong cửa hàng thực phẩm có tiếng. Một số người được giới thiệu 6 loại mẫu mứt trên bàn, trong khi những người khác thấy 24 mẫu. Họ có thể nếm bao nhiêu tùy thích và sau đó được cho một coupon giảm giá 1 đô la cho bất kỳ lọ mứt nào đã mua. Sự trưng bày mẫu lớn hơn thu hút nhiều khách hàng hơn, nhưng những cá nhân này không thử thêm các loại mứt khác nhau. Đáng lưu ý là khách hàng nào thấy sự trưng bày lớn hơn thì thật sự ít có khả năng mua mứt hơn những người nào thấy sự trưng bày nhỏ hơn và ít có khả năng hơn rất nhiều.
Trong một nghiên cứu khác, sinh viên được đề nghị 6 hoặc 30 chủ đề khác nhau để chọn cho bài luận ngoài tín chỉ. Những sinh viên nào được đề nghị 6 chủ đề thì có nhiều khả năng viết luận hơn và viết tốt hơn so với những sinh viên được đề nghị 30 chủ đề.
Trong một nghiên cứu thứ ba, các sinh viên đánh giá 6 hoặc 30 loại chocolate ngon theo sự hấp dẫn bên ngoài của chúng, rồi chọn một loại để nếm thử và đánh giá. Họ sẽ được cho một hộp nhỏ chocolate đó thay vì nhận tiền công cho việc tham gia nghiên cứu này. Những sinh viên nào được thấy 30 loại chocolate thì đưa ra mức đánh giá thấp hơn cho loại chocolate họ nếm và ít có khả năng lấy được hộp chocolate thay cho tiền hơn sau cuộc thử nghiệm, so với nhửng sinh viên nào chỉ được cho thấy 6 loại.
Các kết quả này ngược lại với trực giác. Chắc chắn là bạn có nhiều khả năng tìm thấy cái bạn thích từ một nhóm hai mươi bốn hay ba mươi quyền chọn hơn là từ nhóm sáu quyền chọn. Ở mức độ thấp nhất, những quyền chọn bổ sung chẳng thêm được gì cả, nhưng trong trường hợp đó chúng cũng không lấy đi điều gì cả. Nhưng khi có hai mươi bốn lọ mứt cần được xem xét thì chúng ta dễ tưởng tượng ra là nhiều lọ trong số đó sẽ có các đặc tính hấp dẫn: sự mới lạ, sự ngọt ngào, độ mịn, màu sắc và ai biết được là chúng còn có gì nữa. Khi người chọn tiến đến gần một quyết định, thì những đặc tính hấp dẫn khác nhau của lọ mứt không được chọn có thể tăng lên, khiến lọ mứt được ưa thích trông có vẻ ít đặc biệt hơn. Lọ mứt ấy có thể vẫn là người
chiến thắng cuộc tranh tài này, nhưng “điểm số hấp dẫn” của nó thì không còn đủ cao để đảm bảo ta mua nó. Tương tự, với đề tài luận văn, một số có thể hấp dẫn vì các sinh viên đã biết nhiều về chúng, số khác hấp dẫn vì chúng khêu gợi sự tò mò, số khác thu hút vì chúng liên quan đến cá nhân và còn số khác thì do liên quan đến những ý kiến mà các sinh viên đang thảo luận trong một khóa học khác nên mới hấp dẫn. Nhưng sự hấp dẫn tiềm ẩn của mỗi đề tài sẽ trừ đi sự hấp dẫn của toàn bộ những đề tài khác. Sai khi làm phép trừ ấy, kết quả tịnh là không có chủ đề nào sẽ đủ hấp dẫn để khắc phục được quán tính và khiến sinh viên ngồi xuống máy xử lý văn bản. Nếu anh ta ngồi xuống thì khi cố viết về đề tài đã chọn, anh ta có thể bị làm cho xao lãng bởi chính đề tài hấp dẫn khác đã bị chối bỏ. Nó có thể ngăn anh ta suy nghĩ rõ ràng. Hoặc có thể cảm giác tiêu cực phát sinh từ việc phải cân nhắc thỏa hiệp sẽ làm hạn hẹp suy nghĩ của anh ta. Theo cả hai cách ấy, chất lượng của bài luận sẽ bị ảnh hưởng.
Cách đây vài năm, khi cùng vợ đến Paris để nghỉ cuối tuần dài ngày, tôi đã gặp phải một chuyện mà tôi không thể hiểu được cho đến khi bắt đầu viế chương này. Chúng tôi rời Luân Đôn vào một buổi chiều đầy nắng tuyệt đẹp. Chúng tôi đi bộ thư giãn dọc theo một trong những đại lộ lớn của thành phố này và tìm một nợi để dùng bữa trưa đã được dự tính nhiều. Tại mỗi nhà hàng chúng tôi nghiên cứu thực đơn được dán bên ngoài. Nơi đầu tiên chúng tôi thấy có tất cả những món hấp dẫn, và tôi gần như sẵn sàng dừng lại nơi ấy. Nhưng làm thế nào chúng tôi có thể ở Paris và đi ngay vào nhà hàng đầu tiên chúng tôi gặp? Vì vậy chúng tôi tiếp tục đi và tìm thêm nhà hàng khác. Và nhà hàng khác. Và nhà hàng khác nữa. Gần như mọi nơi chúng tôi thấy đều có vẻ tuyệt vời. Nhưng sau khoảng 1 giờ, và một tá thực đơn tôi thấy mình đang mất đi sự thèm ăn. Các nhà hàng chúng tôi gặp phải dường như ngày càng mất đi sự hấp dẫn. Sau gần một giờ, tôi đáng lẽ phải thật sự hạnh phúc khi hoàn toàn bỏ qua bữa trưa.
Tôi có vẻ như đã khám phá ra một phương pháp ăn kiêng tuyệt vời – thỏa mãn bằng cách giả vờ. Bạn chỉ tưởng tượng bản thân mình đang ăn những món ăn yêu thích và sau khi đã tưởng tượng đủ về chúng, thì bạn bắt đầu thấy no. Cuối cùng, đến lúc ngồi xuống và ăn thì bạn không còn thèm ăn nhiều nữa. Thực tế, điều đang xảy ra chính là sự tích tụ phí tổn cơ hội. Khi gặp phải một quyền chọn hấp dẫn sau cái khác, thì mỗi quyền chọn mới thật sự làm giảm đi sự hứng thú tiềm ẩn mà tôi cảm thấy sau khi lựa chọn. Vào cuối giờ thì không còn sự hứng thú nào nữa.
Rõ ràng là phí tổn cơ hội tích tụ của việc thêm quyền chọn vào nhóm quyền chọn của một người có thể làm giảm đi sự thỏa mãn. Nó thậm chí có thể khiến một
người trở nên khốn khổ. Nhưng tôi nghĩ có một lý do nữa cho sự tụt giảm này, một lý do mà tôi có thể minh họa bằng ví dụ sau đây: Gần đây tôi sống tại Swarthmore, bang Pennsylvania, một khu vực ngoại ô xinh đẹp có ngôi trường cao đẳng mà tôi đang dạy. Nhiều người muốn có được khu vực này. Nó có màu xanh phủ dày với nhiều cây cổ thụ lớn và vĩ đại. Nó bình yên và tĩnh lặng. Nó an toàn. Trường học lại tốt. Tôi có thể đi bộ đến trường. Tóm lại, đó là một nơi tốt để bạn sinh sống. Nhưng một điều khiến nhiều người quyết định không muốn có khu vực này là do nó không có cửa hàng video tốt. Chỉ có một chi nhánh của chuỗi cửa hàng quốc gia và dù chào bán 1 triệu bản phim ăn khách mới nhất, thì tiền lời khá ít ở các phim ít mang tính thương mại hơn hoặc cũ hơn. Còn tiền lời giữa các phim được làm bằng một ngôn ngữ ngoài tiếng Anh thì gần như là không có. Điều này gây ra một khó khăn cho tôi, đặc biệt khi tôi phải là người chọn phim mà gia đình hay bạn bè tôi muốn xem cùng nhau.
Việc chọn phim cho người khác không phải là hoạt động ưa thích của tôi (có lẽ bạn sẽ nhớ nó là một trong những câu hỏi theo Cân Phóng Đại mà tôi đã cho bạn thấy ở Chương 4). Việc chọn phim nào khiến mọi người ngạc nhiên và thích thú sẽ chịu áp lực. Trong khu vực của tôi, nó đã trở thành điều gì đó của một trò chơi khi lấy sự lựa chọn không hay và người chịu trách nhiệm về nó làm trò đùa. Mặt khác, những lời bình phẩm ở nhà cũng chỉ là nói đùa. Quan trọng hơn, ngay cả khi nghiêm túc thì họ vẫn nhận thức đầy đủ rằng các lựa chọn tại cửa hàng video địa phương không phong phú lắm. Vì vậy, ở Swarthmore, không người nào trông chờ nhiều và không người nào bắt lỗi người chọn một cách nghiêm túc về bất kỳ cái gì anh ta mang về nhà.
Sau đó tôi chuyển đến trung tâm khu buôn bán Philadelphia. Ba tầng lầu trong tòa nhà tôi là của hàng video có đủ mọi thứ. Các phim thuộc mọi vùng, mọi thể loại, mọi quốc gia. Vậy thì hiện giờ điều gì sẽ mất đi khi tôi đến thuê băng video cho nhóm tôi? Bây giờ ai sẽ là người có lỗi nếu tôi mang về phim gì đó mà mọi người xem là mất thời gian? Bây giờ nó không còn là sự phản ánh chất lượng của cửa hàng đó nữa. Nó là sự phản ánh thị hiếu của tôi. Vì vậy việc có quyền chọn hấp dẫn có nghĩa là không còn lý do nào ho sự thất bại nữa. Trách nhiệm đối với sự lựa chọn dở sẽ hoàn toàn thuộc về tôi và những gì đặt cược liên quan đến sự lựa chọn video của tôi lại tăng lên.
Ngay cả những quyết định nhỏ nhặt như việc thuê băng video cũng trở nên quan trọng, nếu chúng ta tin rằng những quyết định này đang tiết lộ điều gì đó quan trọn về bản thân chúng ta.
Những sự lựa chọn và các lý do
Khi số đặt cược của các quyết định tăng lên, chúng ta càng cảm thấy cần chứng minh những quyết định ấy. Ta thấy buộc phải nói rõ ràng – ít nhất là với bản thân – tại sao ta đưa ra một sự lựa chọn cụ thể như thế. Nhu cầu tìm kiếm lý do này có vẻ hữu dụng; nó sẽ nâng cao chất lượng cho sự lựa chọn của chúng ta. Nhưng nó không nhất thiết phải làm được điều đó.
Có vẻ như mọi sự chọn lựa đều cần lý do, nhưng vài nghiên cứu gần đây cho rằng kiểu đưa ra quyết định đơn giản và thẳng thắn này không phải lúc nào cũng chính xác. Trong một nghiên cứu ấy, những người tham gia được yêu cầu nếm và xếp hạng 5 loại mứt khác nhau. Một nhóm không được hướng dẫn. Nhóm thứ hai được bảo là suy nghĩ lý do khi đang xác định thứ tự xếp hạng của mình. Sau khi nếm, các nhà nghiên cứu so sánh bảng xếp hạng của những người tham gia với bảng xếp hạng của các chuyên gia đã xuất bản trong Các báo cáo Người tiêu dùng. Điều mà các nhà nghiê cứu tìm ra là những người tham gia nào không được hướng dẫn sẽ cho bảng xếp hạng gần giống với các chuyên gia hơn những người tham gia được hướng dẫn là phải suy nghĩ lý do. Dù kết quả này không nhất thiết cho thấy rằng việc suy nghĩ lý do cho các quyết định khiến chúng tệ hơn, nhưng nó thật sự cho thấy rằng việc suy nghĩ lý do có thể thay đổi quyết định. Điều này ngụ ý rằng con người không phải lúc nào cũng suy nghĩ trước tiên và quyết định thứ hai.
Trong một nghiên cứu khác, sinh viên được yêu cầu đánh giá 5 áp phích thuộc loại như thế thường được dùng để trang trí ký túc xá. Hai bức là tranh mỹ thuật của hai danh họa, một của Monet và một của Van Gogh. Ba bức còn lại là những tranh biếm họa hoặc ảnh động vật có kèm chú thích. Kiểm tra trước cho thấy hầu hết các sinh viên đều thích tranh Monet và Van Gogh hơn là những bức tranh hoạt hình động vật rực rỡ nhưng không mấy giá trị. Trong nghiên cứu này, một nửa sinh viên được yêu cầu viết một bài luận ngắn giải thích tại sao họ thích hoặc không thích một trong số các bức tranh. Họ được đảm bảo rằng không ai khác được đọc bài luận của họ. Những sinh viên còn lại thì không được yêu cầu làm như thế. Sau đó cả nhóm sinh viên sẽ xếp hạng các tấm áp phích. Ngoài ra, khi cuộc nghiên cứu đã xong, họ có quyền đem về nhà một trong số các bức tranh đó. Bản sao của những tấm áp phích đã được cuộn lại, mặt trắng lộn ra ngoài để các sinh viên không phải lo bị người khác đánh giá về gu thẩm mỹ của mình. Vài tuần sau, mỗi sinh viên tham gia nghiên cứu nhận được một cú điện thoại. Họ được hỏi có hài lòng với tấm áp phích không và hài lòng như thế nào. Họ có còn giữ tấm áp phích đó không? Có treo nó trên tường
không? Họ có định đem áp phích theo khi về nghỉ hè không? Họ có chịu bán áp phích của mình không?
Đặc điểm thú vị đầu tiên của nghiên cứu này đó là người được yêu cầu viết suy nghĩ của mình về những bức tranh cho biết, họ thích những bức tranh hoạt hình vui nhộn hơn là những bức tranh nghệ thuật. Ngược lại, những người không được yêu cầu viết ra thì lại bảo họ thích tranh nghệ thuật hơn. Khi những người này được yêu cầu nêu lý do thì dường như các lý do của họ lại cho thấy họ thích điều ngược lại. Cũng với hiệu ứng này, những người tham gia nghiên cứu được yêu cầu viết ra lý do thì dường như họ có vẻ thích chọn bức tranh vui nhộn để đem về nhà hơn là những người không đưa ra lý do. Nhưng quan trọng hơn hết, trong cuộc điện thoại sau đó, những người tham gia đã viết ra lý di thì dường như ít hài lòng hơn với tấm áp phích mà họ đã chọn so với những người không nêu lý do. Những người này cũng ít có khả năng giữ lại tấm áp phích hơn, hoặc treo nó lên, hoặc muốn đem nó về nhà và muốn bán nó hơn.
Nghiên cứu này cho thấy rằng khi mọi người được yêu cầu cho biết lý do về những điều họ thích thì họ khó tìm ra lời diễn đạt. Đôi khi người ta thường dễ diễn đạt những khía cạnh không phải là quyết định nhất đối với cảm giác chung của họ. Mọi người ít gặp khó khăn hơn khi phải diễn đạt tại sao tấm áp phích kia vui nhộn hơn các tấm khác, so với việc phải giải thích tại sao tranh Van Gogh lại đẹp hơn tranh Monet. Vì thế họ chộp lấy những gì họ có thể diễn đạt được, và xem điều đó là điều cơ bản quyết định ý thích của mình. Nhưng khi lời nói được nói ra thì những lời nói này càng làm cho người nói ra chúng trở nên quan trọng hơn. Khi đưa ra quyết định thì những lý do rõ ràng, có thể diễn đạt được lại có trọng lượng hơn so với những lý do mơ hồ. Khi thời gian qua đi, những lý do mà con người đã nói ra chỉ trở thành tấm nền, và con người lại có những ý thích không thể giải thích được bằng lời, mà những ý thích này có thể đã khiến họ chọn một áp phích khác chứ không phải cái mà họ mang về. Khi sự nổi bật của những lý do nói được bằng lời mờ dần thì con người cũng không còn cảm thấy hài lòng với quyết định mình đã chọn.
Trong một ví dụ cuối cùng, một số các đôi sinh viên yêu nhau đã được mời tham gia một nghiên cứu về hiệu lực của mối quan hệ lãng mạn trong môi trường đại học. Sau nghiên cứu đầu tiên được thực hiện trong phòng thí nghiệm, thì những người tham gia đã được yêu cầu trả lời một bản câu hỏi về mối quan hệ của họ mỗi tuần trong bốn tuần. Ở phần nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, một nửa những người tham gia được yêu cầu điền vào một trang phân thích các lý do tại sao mối quan hệ của họ lại như hiện giờ. Nửa còn lại điền vào một trang giải thích tại sao họ
lại chọn người kia. Bạn cũng có thể đoán được rằng việc viết về mối quan hệ của họ đã làm cho họ thay đổi thái độ về chính mối quan hệ đó. Đối với một số người, thái độ của họ trở nên tích cực hơn, còn một số người khác thì trở nên tiêu cực hơn. Dù tích cực hay tiêu cực thì thái độ của họ cũng thay đổi. Một lần nữa, lý do ở đây có thể là những gì có thể giải thích được bằng lời không hẳn là những gì quan trọng nhất. Nhưng một khi mối quan hệ đã được diễn đạt thành lời thì những lời nói này bỗng có trọng lượng hơn đối với người nói.
Một quan điểm tích cực từ kết quả cuối cùng này đó là quá trình phân tích một mối quan hệ thực sự đã khiến người ta nhìn vào bên trong, nhờ đó chúng ta hiểu được bản chất thật của mối quan hệ của mình. Nhưng kết quả lại là ngược lại so với điểm tích cực trên. Khi so sánh các sinh viên được yêu cầu nêu lý do và các sinh viên không được yêu cầu nêu lý do, các nhà nghiên cứu thấy rằng những thái độ không được phân tích lại là điều dự báo tốt hơn cho mối quan hệ nào đó so với thái độ được phân tích. Những người được yêu cầu nêu lý do và thể hiện thái độ tích cực đối với mối quan hệ của mình thì không chắc vẫn còn duy trì mối quan hệ đó trong 6 tháng tiếp theo. Cũng như trong nghiên cứu với các tấm áp phích, việc đưa ra lý do có thể biến những cân nhắc không quan trọng thành quan trọng tạm thời và cho ra một cách đánh giá ít chính xác hơn về việc họ thực sự cảm thấy như thế nào.
Khi nêu ra những quan điểm trên tôi không có ý nói rằng, chúng ta đừng nên suy xét các lý do hoặc những khía cạnh khác nhau khi đưa ra quyết định. Những gì tôi muốn nói ở đây đó là luôn có những điều không ngờ tới đối với quyết định của chúng ta, dù cho đã có phân tích. Dựa trên nghiên cứu về sự thỏa hiệp và việc luyến tiếc các túy chọn đã bỏ qua, vấn đề tôi muốn nói ở đây là khi số lựa chọn tăng thì những đánh giá của chúng ta đối với các lựa chọn đó trước khi quyết định cũng phải tăng. Cho dù chúng ta có cấ gắng tìm ra thật nhiều lý do để khiến lựa chọn của chúng ta lúc này là đúng, nhưng những lựa chọn này sẽ không phải lúc nào cũng đúng sau này.
Tôi có may mắn được giảng dạy tại một trường đại học có một số sinh viên tài năng nhất thế giới theo học. Trong khi sinh viên các trường khác thì rất vui khi tìm được một môn học mà các em không chỉ thích học mà còn giúp các em kiếm sống sau này, thì các sinh viên trường tôi lại có nhiều sở thích và khả năng. Những sinh viên phải quyết định mình sẽ tập trung vào thứ nào mà mình thích làm hơn cả. Những sinh viên này không bị giới hạn về vấn đề tài năng hay năng lực nên thế giới mở rộng đối với các em. Nhưng liệu các em có hân hoan với cơ hội này của mình không? Không phải em nào mà tôi nói chuyện cũng cảm thấy như thế. Thay vào đó
các em lại trăn trở việc lựa chọn giữa kiếm tiền và làm điều gì đó có lợi ích cho xã hội lâu dài, giữa việc tận dụng những tri thức các em có được hay thực hiện những việc sáng tạo nhất thời, giữa việc chỉ nên chú tâm hoàn toàn cho công việc hay làm việc sao đó để có cuộc sống cân bằng, giữa việc chọn lựa nơi làm việc trong một thành phố xô bồ, giữa việc học tiếp hay đi làm. Đối với những câu hỏi quan trọng như thế này thì các em cố gắng tìm ra lý do để đưa ra một quyết định sáng suốt nhất.
Ngoài ra còn những yếu tố khác mang tính linh động như gia đình, bạn bè, và người yêu nên sinh viên của tôi cũng không thể áp đặt người khác để giới hạn lại các lựa chọn của mình. Những người thân sống ở đâu và những sinh viên này muốn ở gần họ cỡ nào là những yếu tố mà các em phải xét đến khi đưa ra quyết định. Những yếu tố này chính là các thỏa hiệp nằm ngoài bản thân công việc mà các em định chọn. Mọi thứ đều có thể và thứ nào cũng có thể chọn được. Mỗi lựa chọn mà các em cân nhắc đều có những điểm hấp dẫn của nó, vì vậy càng có nhiều cơ hội được tính đến với những lựa chọn hấp dẫn đó, càng làm cho quá trình đưa ra quyết định trở nên khó khăn. Các em tự hỏi các em nên làm điều gì mới đúng? Làm thế nào để biết được điều đó?
Chương này đã cho thấy những quyết định như thế này tạo ra sự khó chịu và khó dứt khoát. Những sinh viên này cứ từ từ, làm những công việc lặt vặt, đi thực tập hy vọng rằng những việc đó sẽ giúp họ tìm được câu trả lời “tôi sẽ như thế nào khi trưởng thành?”. Đối với nhiều sinh viên, câu hỏi “bạn sẽ làm gì khi tốt nghiệp” là một câu hỏi không mấy dễ chịu, nói chi là tìm ra câu trả lời. Khó tránh khỏi kết luận rằng giá mà sinh viên của tôi ít tài năng đi một chút hoặc ít gắn bó với gia đình đi để đừng lúc nào cũng nghĩ rằng phải định cư gần người thân của mình, hoặc thậm chí là một ít tư tưởng cầu an để có thể chọn một công việc an toàn và vui thú với nó. Khi có ít lựa chọn và nhiều giới hạn hơn thì nhiều thỏa hiệp sẽ được giảm đi, và con người sẽ ít phải nghi ngờ, ít phải bỏ nỗ lực để xem xét đưa ra quyết định, để cảm thấy hài lòng hơn, không phải suy nghĩ quá nhiều về quyết định mình đã đưa ra.
Sự mệt mỏi về tinh thần và sự trì trệ do có quá nhiều lựa chọn đã được trình bày trong cuốn sách: Khủng hoảng ở ¼ cuộc đời: những thách thức duy nhất đối với tuổi hai mươi. Thông qua các cuộc phỏng vấn, cuốn sách đã nêu được những nghi ngờ và nuối tiếc mà những thanh niên thành đạt thường hay mắc phải. Không có tính ổn định, không có sự chắc chắn và không dự đoán được tương lai. Ngờ vực bản thân. Những điều này khiến con người khó ổn định cuộc sống hơn.
Số liệu thống kê toàn quốc đã khẳng định những điều nêu trong sách. Cả đàn ông và phụ nữ đều kết hôn muộn hơn 5 năm so với thế hệ trước. Còn điều gì dễ gây
đắn đo hơn là việc lựa chọn bạn đời và đánh mất cơ hội được trải nghiệm những điều thú vị từ những người ta tìm hiểu? Cũng so với thế hệ trước, thế hệ bây giời gắn bó với một chỗ làm ít hơn gần một nửa. Cho dù trì hoãn việc kết hôn và tránh cam kết gắn bó với một chỗ làm nào đó có thể cho con người thêm nhiều cơ hội tự khám phá, nhưng chính sự tự do và tự khám phá này dường như càng làm cho người ta lạc lối hơn là tìm được hướng đi đúng. Một người tham gia nghiên cứu nói rằng “vấn đề của việc có quá nhiều lựa chọn là ở chỗ bạn phải chịu trách nhiệm với những gì xảy đến với mình.”
Tại sao lựa chọn lại khó khăn đến vậy?
Trong lịch sử loài người, con người thường không phải đối mặt với quá nhiều lựa chọn và nhiều cơ hội mở ra. Thay vì hỏi “tôi nên chọn A hay B hay C…?” thì họ lại thường hỏi “tôi có nên chọn nó hay không?” trong một thế giới có sự khan hiếm, thì cơ hội không tự nó xuất hiện hàng loạt, và những quyết định mà con người phải đối mặt đó là tiến đến hay tránh đi, chấp nhận hay từ chối. Chúng ta có thể thấy rằng khả năng phán đoán tốt vấn đề – cái gì là tốt cái gì là xấu – là một yếu tố sống còn. Nhưng phân biệt giữa tốt và xấu thì dễ hơn rất nhiều so với việc phải chọn được cái nào là tốt, cái nào là tốt hơn và cái nào là tốt nhất. Sau hàng triệu năm sống sót nhờ những phân biệt có tính chất đơn giản, có vẻ như loài người chúng ta chưa được chuẩn bị về mặt sinh học để đối mặt với nhiều lựa chọn trong thế giới hiện đại.
Nhà tâm lý học Susan Sugarman đã chỉ ra rằng lịch sử ở dạng ngắn gọn của loài người chúng ta được thể hiện khi trong thời kỳ phát triển của trẻ nhỏ: Em bé không phải lựa chọn nhiều. Chúng chỉ chấp nhận hoặc từ chối những gì được đưa đến cho chúng. Đối với những đứa bé mới biết đi cũng thế. Cha mẹ hỏi những câu như “Con có muốn uống nước trái cây không?”, “con có thích đi chơi công viên không?”, “con có muốn đi xuống dốc không?” và đứa bé trả lời có hoặc không. Sau đó, khi đứa trẻ đã có được một chút khả năng về ngôn ngữ thì cha mẹ lại bắt đầu hỏi “con có thích uống nước táo hay nước cam?”, “con muốn đi công viên hay đi bơi?”, “con muốn trượt xuống cái dốc hay ngồi trên đu quay?”. Lúc này thì đứa trẻ không còn chỉ trả lời có hoặc không. Một người mẹ miêu tả sự “khổ sở” của đứa con 5 tuổi như thế này:
Tôi đã thấy rằng đôi khi con trai tôi gặp khó khăn khi phải ra quyết định loại bỏ bớt cái gì đó. Tôi ý thức được rằng con tôi phải làm điều đó và có cảm giác mất mát. Việc chọn một thứ gì đó trong hai thứ đồng nghĩa với việc thứ kia bị mất đi. Sau cùng thì việc đưa ra quyết định có gì đó giảm bớt niềm vui của chúng ta khi có được thứ gì đó, mặc dù khi đã ra được quyết định cũng là
một sự thở phào nhẹ nhõm. Tôi đã chú ý con tôi giống được giải thoát như thế nào, như thể nó đã bị đóng băng khi cứ phải chần chừ không dứt khoát. Thực sự con tôi không thể quyết định được nếu không được gợi ý. Gần đây nhất tôi cũng đã thấy như vậy khi nó phải lựa chọn những cây kem que nhiều màu sắc.
Chúng ta đều ý thức được rằng trưởng thành đồng nghĩa với việc phải đưa ra lựa chọn và bỏ qua những lựa chọn khác. Nhưng lịch sử tiến hóa của chúng ta cho thấy đây là một bài học khó. Học cách lựa chọn đúng là rất khó. Học cách lựa chọn sáng suốt lại càng khó hơn. Và học cách để lựa chọn sáng suốt trong một thế giới có vô số lựa chọn thì càng khó, thậm chí là quá khó.
Quyết định có thể thay đổi: một giải pháp ảo tưởng dành cho vấn đề lựa chọn
Cái này có trả lại được không?”, “tôi có rút tiền cọc lại được không?”, những câu hỏi kiểu này thường giải quyết được nhiều vấn đề bị chọn sai, ít nhất là tạm thời. Khi chúng ta biết rằng mình đã quyết định sai và có thể thay đổi quyết định, thì sự thỏa hiệp sẽ giúp chúng ta ít chịu thiệt hại nhất và những tùy chọn mà chúng bỏ qua trước đó sẽ trở thành cứu cánh. Thực sự là chúng ta sẽ sẵn sàng bỏ qua một khoản phí bảo hiểm để phòng khi chúng tat hay đổi quyết định. Thường thì chúng ta ra quyết định giống như việc đi mua đồ vậy (không cho đổi hoặc trả) và trả tiền cho đồ chúng ta mua ngay lập tức. Có lẽ một trong những lý do khiến việc ra quyết định trở nên khó khăn đến vậy, đó là do chúng ta không thay đổi quyết định đó được. Hôn nhân không đi kèm với bảo đảm hoàn lại tiền, sự nghiệp cũng vậy. Thay đổi quyết định đối với hai việc đó thường khiến chúng ta phải trả giá đắt về thời gian, năng lượng, tình cảm và tiền bạc.
Vì thế có vẻ như nên khuyên mọi người hãy đưa ra những quyết định có thể thay đổi được và sai lầm mà họ gây ra có thể sửa chữa được. Cánh cửa vẫn mở. Tài khoản vẫn sử dụng được. Đưa ra quyết định dù lớn hay nhỏ với thái độ như thế này sẽ giảm bớt căng thẳng và những cảm xúc tiêu cực mà chúng ta đã nghiên cứu.
Đúng, nhưng vẫn phải trả một cái giá nào đó. Một loạt các nghiên cứu gần đây đã đưa ra cho một nhóm người một quyết định có thể thay đổi được và một nhóm khác một quyết định không thay đổi được. Ở trường hợp thứ nhất, người tham gia chọn ra một tấm ảnh từ một bộ ảnh đen trắng gồm từ 8 đến 10 tấm mà họ đã chụp trong một khóa học nhiếp ảnh. Ở nhóm kia, người tham gia được yêu cầu chọn một tấm áp phích nhỏ từ một bộ các áp phích in bản tranh nghệ thuật. Nghiên cứu cho thấy những người tham gia dù được phép thay đổi quyết định nhưng thực sự hầu như không ai làm vậy. Còn những người có ý định sau này sẽ thay đổi quyết định thì lại
cảm thấy ít hài lòng hơn với lựa chọn của mình so với những người được yêu cầu đưa ra quyết định không thay đổi được. Và có lẽ quan trọng nhất là những người tham gia không biết rằng chính ý nghĩ mình được thay đổi quyết định sẽ ảnh hưởng đến sự hài lòng của họ đối với những thứ mà họ chọn.
Vì thế nếu quyết định để rồi sẽ có lúc thay đổi quyết định đó dường như cũng khiến chúng ta phải trả một giá nào đó về tâm lý. Khi chúng ta được thay đổi quyết định thì dĩ nhiên chúng ta sẽ dành ít tâm trí hơn để cân nhắc quyết định của mình. Và có lẽ chúng ta cũng mất ít nỗ lực hơn để không suy nghĩ nhiều về những lựa chọn mà chúng ta đã bỏ qua.
Sau cùng, nếu bạn bỏ một khoản tiền cọc không thể hoàn lại để mua một căn nhà ở vườn nho Martha thì bạn sẽ chú trọng đến vẻ đẹp bãi biển và những cồn cát. Tuy nhiên nếu tiền cọc của bạn có thể được hoàn lại và cánh cửa vẫn đang mở thì bạn có thể còn tiếp tục cân nhắc việc mua một nơi ẩn náu trong rừng rậm ở Costa Rica. Bãi biển và những cồn cát cũng không đẹp hơn trong mắt bạn, mà ngôi nhà trong rừng rậm cũng không kém hấp dẫn hơn.
Hoặc đối với những trường hợp có “tiền cọc” lớn hơn như hôn nhân chẳng hạn, điểm khác biệt giữa những người xem hôn thú là một điều gì thiêng liêng và không thể phá vỡ và những người xem hôn thú như những sự thỏa hiệp mà có thể thay đổi nếu hai người đồng thuận. Chúng ta có thể nghĩ rằng những người xem hôn nhân là sự cam kết không thể thay đổi được thường là những người dành nhiều tâm trí hơn cho quyết định của mình để làm sao quyết định đó có thể khiến họ hài lòng hơn là những người xem quyết định hôn nhân thoải mái hơn. Vì vậy, những người có hôn nhân không thể thay đổi có thể hài lòng hơn với cuộc sống hôn nhân của mình so với những người thay đổi. Khi chúng ta thấy những cuộc hôn nhân tan vỡ, chúng ta có thể ngẫm lại mình, và cho rằng thật may khi những cặp vợ chồng đó có một thái độ thoải mái với cam kết hôn nhân, cho dù cam kết đó không hiệu quả. Chúng ta hầu như không cho rằng thái độ linh hoạt là đóng một vai trò nào đó khi hôn nhân thất bại.
Cơ hội, Phí tổn cơ hội, và Người cầu toàn
Không ai thích đưa ra thỏa hiệp. Không ai thích nhìn phí tổn cơ hội gia tăng. Nhưng vấn đề của thỏa hiệp và phí tổn cơ hội sẽ làm ảnh hưởng tới người tri túc. Hãy nhớ rằng loại người này chỉ tìm kiếm một cái gì vừa đủ mà thôi chứ không phải cái tốt nhất. “Vừa đủ” có thể vượt qua được suy nghĩ về phí tổn cơ hội. Thay vào đó, chuẩn “vừa đủ” sẽ làm cho người tri túc bớt tìm tòi, bớt đòi hỏi ở những lựa chọn
hơn là người cầu toàn, và do vậy họ sẽ có ít phí tổn cơ hội hơn. Cuối cùng, người tri túc ít có khả năng nghĩ về một thế giới hoàn hảo chỉ có trong giả định.
Với những lý do đó, việc phải tiến hành thỏa hiệp thực sự khó khăn cho người cầu toàn, và cộng với phí tổn cơ hội, tôi tin rằng đây chính là những yếu tố làm cho cuộc sống của những người cầu toàn bớt hạnh phúc, bớt thỏa mãn, và dễ bị trầm cảm hơn người tri túc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.