Việc giáo dục trẻ phải thuận theo tự nhiên. Trẻ có quyền tự do tưởng tượng. Tôn trọng trí tưởng tượng của trẻ là sự bảo vệ lớn nhất khả năng sáng tạo của trẻ.
Khả năng tưởng tượng chính là quá trình não tiến hành gia công cải tạo những biểu tượng đã có, sáng tạo ra những hình tượng mới. Khả năng tưởng tượng là nội hàm bản chất nhất của năng lực sáng tạo, không có khả năng tưởng tượng đồng nghĩa với việc mất đi năng lực sáng tạo. Tất cả những hoạt động sáng tạo đều bắt nguồn từ sự tưởng tượng mang tính sáng tạo. Nền văn minh vật chất và tinh thần của nhân loại chính là sản phẩm của sự kết hợp giữa tư duy sáng tạo và trí tưởng tượng sáng tạo.
Thế kỉ XXI là thế kỉ khai phá năng lực sáng tạo của nhân loại, bồi dưỡng trẻ trở thành những nhân tài có phẩm chất sáng tạo. Đây là sứ mệnh lịch sử mà thời đại giao phó cho giáo dục, cho nên phải chắp cánh, kích thích, bồi dưỡng trí tưởng tượng cho trẻ từ rất sớm.
Ấu thơ chính là giai đoạn mà khả năng tưởng tượng của con người thể hiện mạnh mẽ nhất, khả năng tưởng tượng của trẻ là cơ sở để trẻ thăm dò và sáng tạo ra các hoạt động. Khả năng tưởng tượng chính là đôi cánh của tư duy, tất cả những trẻ có khả năng tưởng tượng, sáng tạo phong phú đều có tinh thần trách nhiệm và tính hiếu kì, có lòng đam mê nghiên cứu học tập, có ý chí ngoan cường, chăm chỉ lạc quan, có tính tự lập cao. Albert Einstein vĩ đại đã nói: “Khả năng tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”.
Đối với trẻ mà nói, tưởng tượng và mơ ước chính là sự hưởng thụ về tinh thần, những trẻ không có khả năng tưởng tượng và niềm mơ ước thật đáng thương. Người làm cha phải bảo vệ đến cùng khả năng tưởng tượng của trẻ. Khi chúng ta phát hiện trẻ có phương thức tư duy khác với mọi người, không được tùy ý trách mắng trẻ, mà phải nghĩ cách động viên trẻ ra sức tưởng tượng.
Những người đã đọc qua hồi kí của Charles Robert Darwin(*) đều có ấn tượng sâu sắc với câu chuyện kể về việc cha của Darwin đã bảo vệ khả năng tưởng tượng của ông như thế nào. Khi còn nhỏ, một lần Darwin nhặt được một viên đá lạ, ông liền nói với các bạn: “Đây là một viên đá quý có thể rất có giá trị”, các bạn cười ầm lên; Darwin không để ý, ông vẫn phát biểu những cách nhìn khác nhau đối với sự vật xung quanh mình. Thầy giáo cho rằng não của ông có vấn đề, nên liền phản ánh chuyện này với cha ông.
_____________
(*) Charles Robert Darwin (1809-1882) là một nhà nghiên cứu nổi tiếng trong lĩnh vực tự nhiên học người Anh. Ông là người đã phát hiện và chứng minh rằng mọi loài đều tiến hóa theo thời gian từ những tổ tiên chung qua quá trình chọn lọc tự nhiên.
Cha của Darwin liền ra sức tranh luận, ông cho rằng Darwin đang tưởng tượng. Cha Darwin còn cổ vũ Darwin: “Trí tưởng tượng của con rất phong phú. Cha rất tự hào về con”. Sau này Darwin trở thành nhà khoa học nổi tiếng, thuyết tiến hóa do ông đề ra được xây dựng nhờ vào khả năng tưởng tượng khác người của ông. Có thể nói, không có Charles Robert Darwin thì không có “tiến hóa luận” của ngày hôm nay.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Phải chú ý nắm bắt những suy nghĩ mới mẻ của trẻ
Ai cũng có khả năng tưởng tượng, chỉ có điều do mức độ được khai phá và bồi dưỡng khác nhau, nên khả năng tưởng tượng của một số người bị hủy hoại, trong khi khả năng tưởng tượng của một số người khác lại được khai thác rất tốt. Trong quá trình giáo dục con trẻ, chúng ta phải chú ý nắm bắt những suy nghĩ mới mẻ của trẻ, đồng thời phải bảo vệ khả năng tưởng tượng của trẻ. Nếu hạn chế khả năng tưởng tượng của trẻ, chúng ta sẽ hủy hoại cá tính đặc biệt của trẻ.
Có lần, khi tôi trả lời bạn đọc trên đường dây nóng của báo Đô thị Hồ Nam, một bà mẹ trẻ không có cách nào kết nối được với đường dây nóng, liền trực tiếp lái xe đưa đứa con trai 4 tuổi của mình đến tòa soạn. Cô ấy đã liệt kê với tôi hàng loạt những hành động kì quặc của con. Khi tôi bảo cô ấy nói cụ thể chi tiết, cô ấy kể con xé vụn tờ báo ra, vui mừng hớn hở nói: “Đây là mì do con làm”. Kết quả đương nhiên là cu cậu không những không được khen ngợi mà còn bị mẹ mắng cho một trận.
Tôi nói với người mẹ này là, khi mắng con như vậy, có thể cô đã hủy hoại một nhà phát minh, thậm chí đã hủy hoại người sẽ được nhận giải thưởng Nobel trong tương lai; vì những lời trách mắng đó đã dập tắt những suy nghĩ mới mẻ đáng quý của con trẻ. Trong mắt con trẻ, những mẩu giấy vụn bình thường đó qua lao động đã biến thành “mì”. Trong khi với người lớn đó chỉ là giấy vụn, chỉ thấy không hài lòng vì tờ báo hay bị xé nát; mà không biết rằng hành động đó của con trẻ thể hiện ý thức sáng tạo và khả năng tưởng tượng.
Nắm bắt những suy nghĩ mới mẻ, bảo vệ khả năng tưởng tượng của trẻ là việc rất quan trọng. Chúng ta phải nhạy bén, phải phá vỡ lối tư duy bình thường, mới có thể kịp thời nắm bắt những điều mới lạ lóe sáng trong đầu trẻ.
Y Y thường có những suy nghĩ mới mẻ mà mọi người không ngờ tới. Ví dụ khi gấp máy bay giấy, lúc đầu con cũng gấp chiếc máy bay giống mọi người, nhưng sau đó con nghĩ: Có thể làm cho chiếc máy bay bay lâu hơn, chậm hạ cánh hơn được không? Rồi con thêm “chiếc dù” – một miếng giấy nhỏ – trên hai cánh của máy bay. Qua vài lần thử nghiệm, cuối cùng chiếc máy bay cũng có thể bay lâu hơn trên không trung và chậm hạ cánh hơn.
Y Y càng sáng tạo hơn khi làm ống đựng bút. Nếu bạn nhìn thấy nó, chắc hẳn bạn sẽ cho rằng đó không phải là ống đựng bút, mà là ba người Ấn Độ tí hon. Khi có ý định làm ống đựng bút, Y Y đã ra sức nghĩ xem làm thế nào để ống đựng bút của mình khác với mọi người. Ý nghĩ này rất đáng được khen ngợi. Sau khi nhìn ba chiếc hộp giấy và suy nghĩ một lát, Y Y bắt đầu làm. Con vẽ, cắt, dán, một lát sau đã ra ba hình người. Người thì mặc váy hoa, người thì đội mũ tán rộng, người thì trước ngực đính một chiếc vòng, trông rất dễ thương. Y Y để ba hình người lên bàn học, rồi nói với tôi “Đây là một gia đình, ngày ngày họ phải ở bên nhau”.
Qua chuyện này, tôi nhận ra con có trí tưởng tượng phong phú, có tư duy mới mẻ mang tính độc lập, vì vậy tôi đã kịp thời biểu dương, khích lệ con.
2. Để trí tưởng tượng của trẻ cất cánh
Trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ cần được bồi dưỡng. Chúng ta không thể giao nhiệm vụ này cho các thầy cô giáo, bởi họ không thực sự chú ý đến điều này.
Trên lớp cô đặt câu hỏi: “Băng tuyết tan ra sẽ thành gì?”. Không ít học sinh trả lời: “Nước”. Nếu có một học sinh nào đó đứng dậy nói: “Băng tuyết tan ra là mùa xuân”, thì sẽ bị cô cho là sai. Nếu cô hỏi: “Tại sao con mèo rửa mặt?”, mà lũ trẻ đồng thanh đáp: “Vì mèo không bắt được chuột nên thấy xấu hổ”, thì ngay lập tức cũng bị cô phủ định hoàn toàn: “Không đúng, mèo phải rửa mặt là vì trong lông mèo có một chất, khi mặt trời chiếu vào thì sẽ…”. Trên phương diện kiến thức khoa học, thì câu trả lời của trẻ đúng là ngây thơ, buồn cười, không hợp logic; nhưng đó là những câu trả lời giàu trí tưởng tượng, có tính sáng tạo, hợp với logic tư duy của trẻ. Vậy nên, sự phủ định của giáo viên lúc này là không phù hợp.
Trí tưởng tượng của trẻ rất phong phú và thần kì nhưng rất nhiều phụ huynh và giáo viên lại không ngừng giới hạn trí tưởng tượng đầy cá tính của trẻ bằng những khuôn mẫu, quy tắc cứng nhắc. Dưới sự trói buộc của quan niệm giáo dục truyền thống, đôi cánh tưởng tượng của trẻ sẽ mất đi sự tự do, dần bị thu hẹp, thoái hóa thậm chí mất đi chức năng.
Có một cậu bé khi viết nhật kí rất thích phóng bút tưởng tượng. Cậu rất có hứng thú với kiến – con vật nhỏ nhất và khủng long – con vật to nhất. Trong nhật kí của mình, cậu thường xuyên lấy kiến và khủng long làm nhân vật chính. Dưới ngòi bút của cậu, con kiến nhỏ bé có thể tạo thành một bộ máy, con khủng long to lớn có thể ôm trọn trái đất trong lòng, bảo vệ trái đất không bị các tiểu hành tinh khác xâm chiếm.
Chúng ta phải tôn trọng quyền được thỏa sức tưởng tượng của trẻ, chắp cánh cho trí tưởng tượng của trẻ, sau này trẻ mới có thể phát huy đầy đủ tài năng.
3. Không được cấm trẻ nói, phải để trẻ thỏa sức suy nghĩ
Khi trẻ nói ra những điều không thực tế, thậm chí là hoang đường, cha mẹ cũng không nên cười hoặc mắng mỏ trẻ: “Con nói linh tinh gì vậy? Con chẳng hiểu gì cả, đi ra ngoài chơi đi!”, mà nên chú ý lắng nghe trẻ nói. Cha mẹ có thể hỏi: “Tại sao con nói thế? Sao con lại nghĩ như vậy?”. Đồng thời còn có thể tận dụng cơ hội để phát triển chủ đề, đào sâu trí tưởng tượng của trẻ. Khi trẻ vẽ ra những bức tranh kì quái, không ra hình thù gì, đầu tiên hãy tìm hiểu và lắng nghe cách nghĩ của trẻ, chứ không nên chỉ trích trẻ: “Con vẽ cái gì mà xấu thế, vẽ loạn hết cả lên rồi! Chả giống chút nào cả!”. Chúng ta không thể lấy tiêu chuẩn “vẽ đẹp vẽ giống” để nhìn nhận vấn đề, mà phải chú trọng đến trí tượng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ. Cho dù trẻ vẽ không giống, nhưng trẻ có cách nghĩ của trẻ, người lớn phải tôn trọng cách nghĩ đó, cổ vũ và kịp thời chỉ bảo trẻ.
Thời kì ấu thơ chính là giai đoạn thích hợp nhất để bồi dưỡng trí tưởng tượng của trẻ. Trí tưởng tượng có thể nuôi dưỡng khả năng sáng tạo diệu kì của trẻ. Hay nói cách khác, bất kì sự sáng tạo nào cũng bắt nguồn từ những ý nghĩ ngây thơ kì quái. Các ông bố khi đối diện với những câu trả lời thông minh và trí tưởng tượng phong phú thần kì của trẻ, nên trân trọng, bảo vệ trí tưởng tượng đáng quý ấy như bảo vệ đôi mắt của trẻ.
Việc giáo dục trẻ phải thuận theo tự nhiên. Trẻ có quyền tự do tưởng tượng. Tôn trọng trí tưởng tượng của trẻ là sự bảo vệ lớn nhất khả năng sáng tạo của trẻ. Trí tưởng tượng của trẻ đầy vẻ thơ ngây, đa dạng phong phú. Trẻ có thể thường xuyên lấy một cái que nhỏ làm thìa cho búp bê ăn, lấy một cái hộp nhỏ để làm xe đẩy; cũng thường mơ mộng mình có thể bay bổng trên mặt trăng; thường xuyên vẽ hình những cây kem lên cây… Cho dù trẻ có tưởng tượng ra những thứ kì quái thế nào, thì người lớn cũng phải bảo vệ, khích lệ trẻ thỏa sức tưởng tượng.
Đồ chơi và trò chơi là cơ sở vật chất để khơi gợi trẻ tưởng tượng. Phải thường xuyên cho trẻ chơi các trò chơi và các đồ chơi khác nhau để thúc đẩy trẻ tưởng tượng, sáng tạo. Ví dụ, một nhóm hình vẽ cũng có thể kích thích trẻ tự do tưởng tượng; từ đó trẻ có thể tạo nên những hình dạng và những vật thể mà trẻ thích. Phải cho trẻ những vật liệu bán thành phẩm, để trẻ tự mình gia công, chế tạo theo trí tưởng tượng của mình. Trong trò chơi, nên gợi ý để trẻ tích cực, chủ động, linh hoạt tưởng tượng. Ví dụ cho trẻ chơi đồ hàng, bạn có thể xoa bụng búp bê rồi nói: “Ôi! Đứa trẻ này sao lại đau bụng thế?”. Lúc đó, trẻ sẽ xoay quanh chủ đề này để triển khai trí tưởng tượng.
Những đứa trẻ không có mơ ước và khả năng tưởng tượng là những đứa trẻ không có nhiều hạnh phúc. Làm cha nên bảo vệ trí tưởng tượng của trẻ, động viên trẻ dang rộng đôi cánh tưởng tượng.