Muốn trẻ nhận thức chính xác về giới tính thì nhất định phải đặt trẻ trong môi trường có hai giới tính, trong mối quan hệ tương hỗ, so sánh của trẻ với những người khác giới.
Ngày nay, các bậc phụ huynh hầu như đã ý thức được việc cùng trẻ thảo luận những vấn đề cấm kị về giới, bởi đây là một vấn đề không thể né tránh. Đối mặt với vấn đề này, cha mẹ nên trả lời như thế nào, để có thể bồi dưỡng ý thức giới tính chính xác cho trẻ?
Một người coi mình là nam hay nữ, tâm lí học gọi là ý thức phân biệt giới tính. Thời kì dưới 1 tuổi, trẻ đã bắt đầu khám phá cơ thể của mình. Đối tượng “người khác” mà trẻ tiếp xúc sớm nhất là cha mẹ; trong quá trình tiếp xúc với cha mẹ, trẻ dần nhận thức bản thân, phát triển cái tôi, hình thành khái niệm và nhận thức “cái tôi” và “người khác”. Trong sự phân biệt “cái tôi” và “người khác”, thì giới tính là một điều rất quan trọng. Khoảng 3 tuổi, trẻ đã hình thành ý thức phân biệt giới. Muốn trẻ nhận thức chính xác về giới tính, thì nhất định phải đặt trẻ trong môi trường có hai giới tính, trong mối quan hệ tương hỗ và so sánh của trẻ với những người khác giới.
Bé Cường Cường, 2,5 tuổi, có lần tắm cùng em gái, hai anh em nhảy thùm thùm vui vẻ dưới nước. Sau đó rất nhanh, sự chú ý của chúng lại chuyển sang những điểm khác nhau trên cơ thể của nhau. Cường Cường cho rằng em gái thiếu một thứ giống mình. Tắm xong, Cường Cường đem điều nghi vấn của mình ra hỏi cha: “Tại sao em lại không có chim?”; “Tại sao con đứng tè mà em lại ngồi tè?”; “Tại sao Tiểu Bảo Bảo lại ở trong bụng của cô?”; “Tiểu Bảo Bảo sẽ chạy ra khỏi bụng cô như thế nào?”; “Cha cũng có thể sinh Tiểu Bảo Bảo phải không ạ?”; “Tại sao con không nhìn thấy cha mẹ cưới nhau?”.
Gặp những câu hỏi như vậy, đại đa số những người cha đều cảm thấy khó trả lời, bởi không biết nói thế nào để trẻ hiểu. Thực ra đối với trẻ trong giai đoạn mầm non, chúng ta có thể dùng những sự so sánh hình tượng như tranh ảnh giúp trẻ hiểu. Ví dụ có thể nói với trẻ: “Trong bụng cô nở một bông hoa rất thần bí, Tiểu Bảo Bảo dần lớn lên trong nụ hoa đó”. Trả lời những câu hỏi như: “Em gái tại sao lại không có chim? Tại sao em ngồi tè”, ngoài cách truyền đạt cho con những kiến thức giới tính cứng nhắc kiểu như “Đây là sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới”; chúng ta có thể hướng dẫn trẻ có sự nhận thức về vai trò giới tính của bản thân; ví dụ như có thể nói với trẻ rằng “Vì con có chim cho nên con là con trai, con đứng tè; còn em thì không”. Giáo dục giới tính cho trẻ nên là giáo dục “mềm”, có nghĩa là chọn một số bức tranh hoặc một số hình ảnh động gần gũi với tâm lí của trẻ, giúp trẻ hiểu từ những bức tranh đó, cùng với sự lớn lên dần dần của trẻ, chúng ta từng bước giải đáp những thắc mắc của trẻ về sự khác biệt giới tính và về “tình dục”.
Sự hướng dẫn sai lệch về giới tính là một vấn đề mà các phụ huynh cần chú ý.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Nhận thức đúng đắn vai trò giới tính của trẻ
Khi bạn nhìn thấy một bé trai thích thú với việc chơi đồ hàng, hay ôm một con búp bê hoặc một bé gái phi ngựa đóng vai cảnh sát, liệu bạn có lo lắng sau này trẻ sẽ có sự lẫn lộn về giới tính không?
Mặt mũi của Dương Dương thanh tú giống như một bé gái. Vì khi mới lọt lòng thể chất cậu rất yếu, sợ nuôi mãi không lớn nên bà nội đã chăm sóc cậu như chăm sóc một bé gái, cho cậu mặc những chiếc váy màu hồng, và buộc tóc hai bên. Bây giờ Dương Dương đã 5 tuổi, tính cách rất điềm đạm nhã nhặn, không thích cắt tóc, hễ cứ nói đến cắt tóc là cậu khóc òa lên. Cậu thích bôi trộm son, đi giày cao gót của mẹ. Cậu không bao giờ chơi siêu nhân hay ô tô, nhưng hễ thấy búp bê là mắt cậu liền sáng lên. Thấy con như vậy, cha mẹ của Dương Dương rất đau đầu, nhưng không có cách nào, bởi có mua cho cậu những đồ chơi của con trai cậu cũng không chơi. Họ thủ thỉ nhấn mạnh với cậu, cậu là con trai, cậu cũng chỉ gật đầu, nhưng sau đó lại thích nũng nịu giống bé gái.
Tuần báo Trùng Khánh ra ngày 30 tháng 8 năm 2008 cũng nói về một hành vi quái dị của một bé gái 11 tuổi, học lớp 5. Cô bé này để tóc ngắn, mặc quần đùi, người lạ tuyệt đối không thể nhận ra đây là một bé gái, cô bé còn rất thích một bạn gái cùng lớp. Cô bé đòi cha mẹ đưa đi phẫu thuật chuyển giới, nhưng tất cả các bệnh viện lớn ở Trùng Khánh đều không dám tiếp nhận bởi vì kết quả kiểm tra cho thấy cô bé là một bé gái hoàn toàn bình thường, chỉ lệch lạc về giới trong tâm tưởng mà thôi.
Tìm hiểu kĩ thì được biết, cô bé như vậy hoàn toàn là do người lớn không nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc phân biệt giới tính, không hề để ý và cũng không kịp thời uốn nắn, bảo ban cô bé. Họ đã nuôi cô bé như một bé trai trong suốt 10 năm. Lúc nhỏ cho cô bé ăn mặc như một cậu con trai, chưa hề buộc tóc, chưa hề mặc váy bao giờ, đồ chơi cũng toàn là súng, ô tô, máy bay, đại bác, dẫn đến việc cô bé hiểu sai về giới tính của mình. Cha mẹ của cô bé bây giờ có hối hận cũng không kịp.
Có một số trẻ lớn lên trong hoàn cảnh gia đình đặc biệt hoặc là chịu ảnh hưởng của phương pháp giáo dục không đúng đắn, cũng rất dễ nảy sinh sự sai lệch về giới tính. Ví dụ những cậu bé không có cha hoặc cha thường xuyên vắng nhà nên sở thích, hành vi cũng bị nữ tính hóa, do bị ảnh hưởng từ bà, từ mẹ, từ các chị. Lại có trẻ không muốn tiếp nhận vai trò giới tính của mình vì bị ảnh hưởng lớn từ cha hoặc mẹ. Nhưng thường gặp nhất vẫn là những trường hợp các bậc phụ huynh nuôi con và muốn giới tính của con theo nguyện vọng của mình. Sự sai lệch này một khi đã hình thành và định hình, muốn thay đổi sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
2. Bồi dưỡng mối quan hệ mật thiết giữa trẻ với cha hoặc mẹ cùng giới tính với trẻ
Hiện nay ở Trung Quốc, đại đa số các gia đình đều sinh một con, nên có lúc họ cảm thấy rất hối tiếc, bởi họ vừa thích sự mạnh mẽ, uy võ của một bé trai vừa muốn sự dịu dàng, ngọt ngào của một bé gái. Vậy phải làm thế nào?
Tôi có một người bạn trong tình huống như vậy. Hai vợ chồng họ có một cậu con trai, nhưng lại thích một bé gái thế là họ cho cậu bé mặc váy hoa, buộc tóc, hàng ngày trang điểm cho cậu bé giống y như một bé gái xinh đẹp. Anh bạn tôi có vẻ rất vui vì điều này, anh ấy nói con trai hay con gái anh ấy đều yêu thương, nhưng anh ấy luôn cảm thấy thân thiết với con gái hơn, hơn nữa bà của bé cũng muốn có cháu gái, làm cho người già vui cũng tốt. Lúc nhỏ cậu bé thường xuyên ở nhà bà ngoại chơi với các chị các cô không biết chán. Vốn dĩ đây là một việc rất tốt, nhưng đáng tiếc viễn cảnh này không kéo dài được lâu.
Khi vào học lớp 1, cậu bé thường khóc chạy về nhà nói các bạn chê cười mình. Anh bạn tôi phản ánh chuyện này với giáo viên, thì được cô cho biết về sự bất thường của cậu ở lớp như nói chuyện rất nhỏ nhẹ, đi lại nhẹ nhàng, thích chơi với các bé gái, động tí lại ôm các bé gái, hễ gặp cô giáo là cậu lại đến gần hít ngửi; khiến các bạn trong lớp cười chê. Nghe cô giáo nói vậy, anh bạn tôi có chút ngạc nhiên, nhưng thực ra anh ta cũng phát hiện ra con trai mình có chút nữ tính từ lâu rồi.
Ngày còn ở Đại Liên, bên hàng xóm có một bé gái lớn hơn Y Y 2 tuổi. Lúc đầu, tôi tưởng đó là một bé trai, bởi cô bé để tóc ngắn, mặc quần áo trung tính, cử chỉ nói năng chẳng khác gì bé trai cả. Sau này tôi mới biết, thì ra cha mẹ của cô bé đã li dị, cô bé sống cùng cha, cha của cô bé lại thích con trai nên từ nhỏ đã coi cô bé là một cậu con trai. Những đồ chơi mua cho cô bé không là súng thì cũng là xe điện tự động.
Sau đó, tôi đã nói với cha của cô bé tình hình này. Nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, cha của cô bé liền thay đổi cách làm của mình đồng thời thường xuyên cho cô bé chơi với Y Y. Dù sao cũng đều là bé gái, có lúc có thể mặc quần áo của nhau, cùng chơi đồ hàng… Sau đó tóc của cô bé được để dài. Một năm sau khi chúng tôi rời khỏi Đại Liên, cô bé đã trở thành một bé gái xinh đẹp. Bởi cô bé vốn là một bé gái dịu dàng và rất nữ tính.
Các phụ huynh khi phát hiện ra con mình có sự lệch lạc trong quan niệm về giới tính, thì phải kịp thời uốn nắn, bắt đầu từ việc thay đổi môi trường tiếp xúc của con, mới có thể dần dần giúp con trở lại bản chất con vốn có.
Bồi dưỡng mối quan hệ thân thiết giữa trẻ với cha mẹ cùng giới tính rất quan trọng. Người cha nên thường xuyên chơi với con trai, người mẹ nên dành thời gian cho con gái. Năng tiếp xúc với những người cùng giới, sẽ giúp trẻ có ảnh hưởng từ những người cùng giới với mình. Ngoài ra cho bé trai đọc những cuốn sách mang tính nam tính, anh hùng, kể cho bé gái một số câu chuyện tiên nữ, cũng đều có ích đối với việc phân biệt giới tính của chúng.
Bất kì chuyện gì cũng có giới hạn của nó, bất cập hoặc thái quá đều sẽ chỉ thu được kết quả ngược lại. Nếu các phụ huynh quá nhạy cảm với hành vi giới tính của trẻ cũng là điều không cần thiết, ví dụ không cho bé trai theo đuổi hoạt động nghệ thuật, ép buộc bé phải tham gia những môn vận động mang tính chất thi đấu; cấm bé gái không được chơi súng gậy, mà chỉ cho phép bé gái ôm búp bê chơi đồ hàng. Những nghiên cứu hiện đại cho thấy, những người có khả năng thích ứng với xã hội tốt thường mang đặc trưng của cả hai giới rất cao. Trong quá trình phát triển, chỉ nhấn mạnh vào đặc trưng giới tính nam hoặc nữ, thực ra càng dễ làm cho trẻ quá thiên về một số khả năng và hứng thú nào đó.
3. Kịp thời cổ vũ những hành vi giới tính hợp lí của trẻ
Ví dụ, đối với những bé trai yếu ớt thì chúng ta nên biểu dương những hoạt động thể thao như leo núi, đá bóng và những hành vi dũng cảm. Hãy thường xuyên khen ngợi bé, đặc biệt là khi bé biểu hiện như một bé trai, hi vọng bé sẽ trở thành một “tiểu nam tử Hán”. Chúng ta có thể động viên các bé bằng lời nói, bằng những món đồ chơi nho nhỏ, có thể là một khẩu súng nhựa cho bé trai, hay là một con búp bê cho bé gái.
Môi trường lớn lên có thể ảnh hưởng đến xu hướng giới tính khi trẻ trưởng thành, vì thế các vị phụ huynh nhất định phải quan tâm, để ý.
Giới tính của một con người có rất nhiều loại, trong đó cơ bản nhất là giới tính sinh lí, ngoài ra còn có giới tính tâm lí, giới tính xã hội… Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường chỉ chú ý đến sự khác biệt sinh lí giữa nam giới và nữ giới. “Nam không ra nam, nữ không ra nữ, thế thì có thể là gì?”. Thực ra còn có thể là cái khác nữa. Khi một người mang hình hài con gái, nhưng thâm tâm lại nhận định mình là con trai, mọi cử chỉ lời nói đều giống hệt con trai. Lúc này, giới tính xã hội, giới tính tâm lí của cô bé đều có thể coi là nam giới. Những người xung quanh có thể cảm thấy cô bé rất kì lạ, coi thường cô bé, cha mẹ thậm chí còn đánh mắng cô bé, tất cả những điều này chỉ khiến cô bé càng đau khổ và có nhiều áp lực hơn.
Trên báo có bài viết về một cậu bé tên là Tiểu Hiểu, 17 tuổi ở Thành Đô, bất chấp sự phản đối của mọi người trong nhà, kiên quyết đi phẫu thuật chuyển giới. Sau khi báo đăng tin, rất nhiều người đã lo rằng cậu quá nhỏ, tâm sinh lí vẫn chưa ổn định, không thể lường trước nổi mọi hậu quả; cũng nhiều người thì lại trách bệnh viện không có lương tâm, làm vậy là để quảng cáo hình ảnh. Nhưng cho dù mọi người phản đối thế nào, Tiểu Hiểu vẫn quyết tâm phẫu thuật. Bởi bị mọi người phản đối kịch liệt việc chuyển đổi giới tính, cậu đã từng tuyệt vọng nhảy sông Cẩm Giang.
Tiểu Hiểu là con một, cha mẹ hết sức nuông chiều cậu bé, họ cho cậu bé mặc váy, bấm lỗ tai, đeo khuyên tai, tết tóc. Từ nhỏ cậu đã lớn lên cùng các chị họ, nên những thói quen, tính cách của cậu đã bị nữ tính hóa.
Những người gặp khó khăn trong việc phân biệt về giới tính của mình khi nhận thức được sự chia rẽ của cơ thể và tâm hồn, thường cảm thấy rất đau khổ. Trong số họ, có người muốn phẫu thuật chuyển giới, dù chi phí cho loại phẫu thuật này rất cao, lại phải chịu nguy hiểm rất lớn về sức khỏe và áp lực tinh thần, áp lực xã hội. Cho dù là ở các nước phương Tây phát triển, để có được sự chấp nhận của xã hội đối với người chuyển giới vẫn còn một hành trình rất dài phải đi.
Xã hội ngày càng phát triển, tư tưởng của con người ngày càng tân tiến, dù xã hội đã có cái nhìn thông thoáng đối với những người chuyển giới, nhưng dư luận, định kiến, cô đơn vẫn có thể giết chết con người. Cho nên, chúng ta phải tôn trọng giới tính bẩm sinh của trẻ, giúp trẻ tránh được những nguy hiểm trên phương diện này.
Cha mẹ là người dẫn dắt quan trọng trong quá trình trẻ trưởng thành, nên phải chú ý bồi dưỡng ý thức phân biệt giới cho trẻ ngay từ khi trẻ còn nhỏ, để trẻ có thể dễ dàng tìm thấy vai trò giới tính của mình, thuận lợi trưởng thành.