Cuộc sống là một tấm kính, có lòng biết ơn, bạn sẽ luôn mỉm cười với cuộc sống, cuộc sống cũng sẽ mỉm cười với bạn. Sống có lòng biết ơn, bạn sẽ luôn thấy yên bình.
Tôi muốn kể cho mọi người một câu chuyện:
Một con thuyền lớn chở hàng trăm người bị cháy và chìm trên biển, rất nhiều người bị mất mạng, chỉ có hơn 90 người còn sống sót. Trong số những hành khách đó có một người làm huấn luyện viên bơi. Sau khi đã liên tiếp bơi ra bơi vào mười mấy lần để cứu sống hơn 20 người, vì quá mệt nên hai chân anh bị chuột rút nặng, bị tàn phế suốt đời phải ngồi xe lăn. Anh cứ tự hỏi bản thân: Mình đã làm hết sức mình chưa?
Nhiều năm sau, trong ngày sinh nhật của anh, có người hỏi “Kí ức sâu đậm nhất của anh là gì?”, anh đã hết sức thương cảm nói: “Buổi đại họa ngày hôm đó, trong số 20 người tôi cứu, không có một ai cảm ơn tôi”.
Cảm ơn là một việc làm nhỏ, nhưng quên cảm ơn lại là tội ác rất lớn. Biết ơn là một phương thức sống tích cực. Cuộc sống là một tấm kính, có lòng biết ơn, bạn sẽ luôn mỉm cười với cuộc sống, cuộc sống cũng sẽ mỉm cười với bạn. Sống có lòng biết ơn, bạn sẽ thấy bình yên.
Có lần tôi đã chứng kiến một sự việc như sau trên xe buýt:
Có một bé trai nhường chỗ cho một phụ nữ mang thai, người phụ nữ này không những không thèm nhìn cậu bé, cũng không hề nói một câu cảm ơn, cứ ung dung ngồi xuống. Khi xuống xe, bé trai này liền hỏi mẹ: “Tại sao người phụ nữ đó lại không cảm ơn con?”.
Tôi cố cho rằng hành động của người phụ nữ này là hành động thiếu sót nhất thời, chứ không phải cô ta thờ ơ. Trong tâm hồn nhỏ bé của trẻ, không phải vì muốn nhận được một lời cảm ơn trẻ mới nhường chỗ, mà đây hoàn toàn là hành động tình nguyện. Xét từ góc độ lợi ích, một lời cảm ơn, thực ra không có một giá trị thực tế nào, nhưng nó lại vô giá, bởi vì nó tượng trưng cho sự thừa nhận của xã hội về đạo đức tốt đẹp.
Tặng người khác hoa hồng, trên tay vẫn lưu lại hương thơm. Cho đi và nhận lại, giúp đỡ và được giúp đỡ đều là một niềm vui. Cổ nhân có câu: “Nhận một chút ân huệ nhỏ, phải báo đáp lại gấp bội”.
Tôi nhớ có một nhà triết học từng nói: “Bi kịch và bất hạnh lớn nhất trên thế gian chính là một người không biết xấu hổ mà nói rằng không có ai cho tôi bất cứ thứ gì”. Tác giả nổi tiếng người Đài Loan – Lưu Dung, trong những con chữ đầy tâm huyết đã từng khuyến khích những người trẻ tuổi phải luôn có tấm lòng biết ơn.
Lòng biết ơn không không thể có được trong chốc lát, mà có được nhờ sự giáo dục gia đình ngay từ nhỏ.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Trẻ phải biết ơn công ơn dưỡng dục của cha mẹ
Vì cha mẹ là người thân nhất của trẻ, nếu ngay đến cha mẹ mình trẻ cũng không biết ơn, thì sao có thể biết ơn người khác. Vì thế, giáo dục lòng biết ơn là việc làm hết sức cần thiết.
Hiện nay trong nhiều gia đình con một tồn tại khuynh hướng phổ biến là chỉ biết nhận ân huệ, mà không biết biết ơn; chỉ biết hưởng thụ mà không biết cống hiến; chỉ biết so bì thiệt hơn, mà không biết báo đáp; chỉ biết được yêu, mà không biết có trách nhiệm. Trong rất nhiều gia đình, trẻ là ông hoàng bà tướng, được tất thảy mọi người nuông chiều, yêu quý. Trong những gia đình này, người lớn biến việc giáo dục trẻ trở thành sự thỏa mãn về tình cảm của mình, làm tất cả cốt để trẻ có điều kiện sống tốt đẹp, họ cho rằng tất cả những việc đó là nên làm, không hề nghĩ và cũng không hề hi vọng sẽ nhận được sự báo đáp; mà đâu ngờ rằng cách làm này rất bất lợi cho sự trưởng thành của trẻ. Lâu dần, rất nhiều trẻ sẽ tưởng rằng những thứ trẻ nhận được là điều đương nhiên, chúng chỉ biết yêu cầu người khác quan tâm đến mình, yêu thương bảo vệ mình, chứ không hề biết quan tâm hay cảm kích người khác.
Giáo dục lòng biết ơn chính là làm cho trẻ nhận thức được tất cả những gì người khác làm cho trẻ không phải là lẽ đương nhiên, cũng không phải là đạo lí bất di bất dịch. Dù là sự nuôi dưỡng của cha mẹ, sự truyền dạy kiến thức của thầy cô, sự nhiệt tình giúp đỡ của bạn bè, thì tất cả những điều này đều là “ân tình”.
Sau khi dạy trẻ biết ơn, thì phải dạy trẻ biết báo đáp. Sự báo đáp này không chỉ thể hiện bằng vật chất, mà còn là tình cảm, ví dụ báo đáp có khi chỉ là một lời cảm ơn đơn giản. Phải cho trẻ biết, không phải chỉ những hành động việc làm to lớn mới báo đáp được ân tình, mà đôi khi chỉ là lời nói, thái độ, cử chỉ, sự quan tâm nhỏ cũng thể hiện sự báo ân. Nếu như trẻ luôn có lòng biết ơn thì không chỉ giúp trẻ hình thành nhân cách lành mạnh, mà còn có tác dụng quan trọng trong việc thiết lập mối quan hệ hòa hảo với người khác của trẻ sau này.
2. Làm cho tính ích kỉ rời xa trẻ
Việc làm gương cho trẻ là một việc làm mưa dầm thấm lâu. Cha mẹ là người thầy vỡ lòng của trẻ, vì vậy những hành động thiết thực hàng ngày có tác dụng hơn rất nhiều những lời nói sáo rỗng. Những cử chỉ, hành vi, ngôn ngữ của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, cho nên cha mẹ không được tiết kiệm nói lời “cảm ơn”.
Một số phụ huynh thường trách con mình ích kỉ, ngang bướng, không biết thương người, nhưng đâu biết rằng nguyên nhân sâu xa chính là tại mình không biết cách dạy bảo con.
Đã là cha là mẹ, ai cũng yêu con, cũng mong con mình được sung sướng, đầy đủ, nhưng đừng vì thế mà biến trẻ thành đứa trẻ ích kỉ, hẹp hòi, hèn nhát, vô cảm với tất cả. Vậy phải làm gì để giúp trẻ thoát khỏi vòng vây của sự ích kỉ, biết cách yêu thương mọi người?
Trên thực tế rất nhiều phụ huynh dành mọi tình yêu cho con, nhưng họ chỉ nhận được sự lạnh nhạt và sự quay lưng lại của con cái, rồi họ lại tự an ủi, con như vậy có cái lí của con. Nếu còn giữ quan niệm như vậy, bạn sẽ chỉ làm hư con mình mà thôi.
Vì vậy, điều cha mẹ nên làm, cần làm là phải để trẻ biết đặt mình vào địa vị của người khác mà suy nghĩ. Chỉ có vậy, trẻ mới hiểu, quan tâm, chăm sóc người khác.
3. Cho trẻ cơ hội tỏ lòng biết ơn
Điều đầu tiên, các phụ huynh phải hình thành tình cảm tích cực ở trẻ, bằng cách kết hợp những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, khiến trẻ cảm nhận mình “được quan tâm, được yêu quý và được giúp đỡ”. Phải để trẻ hiểu, cha mẹ không phải là bảo mẫu, tùy tùng hay người giúp việc của trẻ, bởi thế trẻ phải biết ơn cha mẹ của mình.
Thứ hai, phải tôn trọng trải nghiệm tình cảm của trẻ và cho trẻ cơ hội để bày tỏ. Hiện nay, rất nhiều trẻ có thể thoải mái bày tỏ tình cảm của mình với các bạn cùng lớp, nhưng lại không biết làm vậy với ông bà cha mẹ. Có hai cách lí giải hiện tượng này, một là trong gia đình không có thói quen và bầu không khí như vậy, bản thân cha mẹ cũng không biểu đạt tình cảm của mình với trẻ và với cha mẹ của mình; hai là trẻ không nhận thức được phải biết cảm ơn ông bà cha mẹ vì sự quan tâm và yêu quý của mọi người. Cho nên sự chỉ bảo đúng lúc và sự làm gương của cha mẹ là mấu chốt rất quan trọng.
Thứ ba, cha mẹ cùng trẻ học cách biết ơn, học cách cảm ơn bằng những lời nói và việc làm cụ thể. Cha mẹ phải có lòng biết ơn, như vậy tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến trẻ, trẻ sẽ học được cách cảm ơn cha mẹ, cảm ơn thế giới tự nhiên, cảm ơn bạn bè, cảm ơn xã hội…
Một dân tộc không biết tỏ lòng biết ơn là một dân tộc không có hi vọng. Chỉ có người người đều có lòng biết ơn, nơi nơi đều tỏ lòng biết ơn, mới có thể rút gắn khoảng cách giữa người và người, thế giới sẽ có thêm ánh sáng, bớt đi sự lạnh lẽo thờ ơ. Như vậy mới có thể làm cho xã hội của chúng ta ngày càng văn minh, quan hệ giữa người với người ngày càng hòa hợp.