Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 26: NHẤT ĐỊNH PHẢI LÀM TRẺ TIN CẬY BẠN



Muốn trở thành người cha tốt, trước tiên bạn cần là một con người trưởng thành, học cách tin cậy người khác, kể cả tin cậy đứa con trông có vẻ yếu ớt, rất cần được bảo vệ của mình.
Một người bạn làm luật sư của tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện giữa anh ta và con trai anh ta như sau:
Một lần, mấy bạn cùng lớp của con trai tôi đá bóng làm vỡ cửa kính của lớp học. Cô giáo điều tra nhưng không có kết quả. Cô giáo chỉ vào thằng bé, bắt nó thừa nhận mình làm hoặc khai ra các bạn khác. Thằng bé thành khẩn nói với cô giáo rằng lúc đó nó ở trong lớp làm bài tập nên không hề nhìn thấy. Cô giáo không tin, cho rằng nó nói dối. Con trai tôi vô cùng tức giận, mắng cô giáo một câu: “Đồ khốn!”. Câu nói này đã gây ra một hậu quả nghiêm trọng, cô giáo yêu cầu nhà trường đuổi học thằng bé, nếu không thì sẽ nghỉ dạy. Lí do của cô giáo là bình thường con trai tôi nghịch ngợm phá phách, lần này chắc chắn là do thằng bé làm. Đã không nhận lỗi lại còn chửi giáo viên, kết quả con tôi bị đuổi học. Con trai bị đuổi học, tôi rất mất mặt, không hề hỏi trắng đen phải trái thế nào, liền đánh con một trận. Thằng bé cuối cùng nói một câu: “Cha đánh đi, đánh chết con cũng không nhận!”. Tôi đánh thế nào nó cũng không kêu khóc, không trốn tránh. Tôi càng tức giận, nếu không phải vợ tôi kéo ra, thì đã xảy ra án mạng. Thằng bé bị đánh đến mức không thể dậy nổi, nhưng không hề kêu ca một tiếng, nó tuyệt thực ba ngày. Vợ tôi khóc lóc khuyên răn, nó mới không kiên quyết chống đối nữa. Tôi chuyển trường học cho con.
Hơn một năm sau khi xảy ra sự việc, trong một lần chuyển nhà, tôi tình cờ đọc được cuốn nhật kí của con trai, nó viết: “Tôi hận cô giáo vì đổ oan cho người tốt, hận cha vì không tin tưởng tôi, cha mẹ và thầy cô đều nhìn nhận tôi bằng đôi mắt định kiến. Dường như tôi sinh ra đã là người xấu, cứ có chuyện xấu là do tôi làm, thật là vô lí, mà tôi cũng không có cách nào minh oan cho mình, thà chết đi cho rồi”. Đọc đến đây, tôi run rẩy, lẽ nào tôi đã nghi oan cho con? Lúc đó tại sao không nghĩ đến việc đi điều tra, làm rõ sự tình? Tôi không thể ngồi yên được nữa, ngay lập tức tìm gặp bạn học của con. Kết quả đúng thật đó là một “vụ án oan”: Rất nhiều bạn học của con làm chứng, hôm đó thằng bé đúng là ở trong lớp làm bài tập, làm vỡ kính là một hành động vô ý của một học sinh nào đó. Học sinh này vốn dĩ muốn nhận lỗi, thấy cô giáo tức giận như vậy liền sợ hãi, kết quả là thằng bé phải chịu tội thay. Tôi nghe xong vô cùng đau khổ, trong lòng vô cùng hối hận vì đã đánh con lần đó.
Cuối cùng tôi đã xin lỗi con trai. Dưới sự giúp đỡ của vợ, tôi nói chuyện một cách chân tình với con trai, thằng bé cuối cùng cũng tha lỗi cho tôi. Để bù đắp cho những lỗi lầm của mình, xây dựng lại hình tượng mới, từ sau hôm đó tôi dành nhiều thời gian hơn để bồi dưỡng tình cảm với con, cải thiện mối quan hệ. Tôi tận dụng hai ngày nghỉ cuối tuần, các ngày nghỉ lễ, đưa cả nhà ra ngoài chơi, cùng đánh cầu lông, đánh bóng bàn, đánh cờ tướng, ba thành viên trong gia đình lần lượt làm vận động viên, diễn viên, trọng tài, có lúc còn mời bạn bè người thân tham gia. Cả nhà đi chơi rất vui vẻ.
Mối quan hệ giữa hai cha con trở nên hòa thuận, tình cảm ngày càng tốt hơn. Con trai cũng bắt đầu chăm chỉ học tập, ngày càng tiến bộ, được bầu là học sinh “ba tốt”.
Cuối cùng có một ngày, thằng bé đã viết bài văn Người cha trong lòng tôi: “Vẻ mặt nghiêm khắc của cha đã thay đổi, cha đã cười nhiều hơn. Cha đã thay đổi, đã trở thành một người cha thân thiện gần gũi. Khoảng cách giữa tôi và cha đã gần hơn, tình cảm cũng tốt hơn, chúng tôi đã trở thành những người bạn tri kỉ…”. Đọc được những dòng này, tôi cảm động rơi nước mắt, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi nghĩ thầm trong lòng: “Con trai, cha nhất định sẽ không làm con thất vọng, cha mãi mãi là người bạn tin cậy nhất của con”.
Sau khi nghe xong câu chuyện này, tôi rất cảm động, người bạn này của tôi vô cùng hối hận vì hành vi trước đây của mình. Tôi có thể cảm nhận được sự hãnh diện và tự hào về con trai mình trong lời nói của anh ta.
Muốn trở thành người cha tốt, trước tiên bạn cần là một con người trưởng thành, học cách tin cậy người khác, kể cả tin cậy đứa con trông có vẻ yếu ớt, rất cần được bảo vệ của mình. Nhưng làm được điều này không hề đơn giản, thậm chí sau khi trẻ trưởng thành, cha mẹ vẫn không thể thoát khỏi cảm giác thiếu tin cậy này. Nghiêm trọng hơn là, cha mẹ đã hình thành định kiến với trẻ, không học được cách xóa bỏ định kiến này, không tin cậy trẻ. Cha mẹ quen dùng cùng một lời lẽ để trách móc trẻ. Thế là trẻ cũng tưởng rằng mình chính là người như người khác đánh giá, mà không hề muốn thay đổi, tư duy cũng hoàn toàn được định hình. Lâu dần, khi trẻ đau khổ về sự vô dụng của bản thân, trẻ cũng không có động lực để thay đổi.
Có rất nhiều phụ huynh nói với tôi, họ rất muốn làm bạn với trẻ, muốn trò chuyện tâm tình với trẻ, nhưng trẻ thì thường xuyên không muốn nói chuyện với cha mẹ, cha mẹ muốn hiểu trẻ thì phải vô cùng tốn công sức. Trẻ có những chuyện riêng tư, rất nhiều cha mẹ làm mọi cách để điều tra, như mở ngăn kéo để đọc nhật kí, xé thư của con ra đọc, thậm chí trách mắng trẻ thậm tệ. Họ không hề biết những điều này sẽ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, tạo cho trẻ một áp lực tinh thần rất lớn, thậm chí nảy sinh lòng căm hận và chống đối, dùng đủ mọi biện pháp phòng bị và che giấu thông tin, làm cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng xấu đi.
Cách làm lí trí là tôn trọng sự riêng tư của trẻ, cũng chính là tôn trọng nhân cách của trẻ, cho trẻ không gian tự do nhưng đương nhiên không được để mặc trẻ muốn làm gì thì làm. Phải quan tâm đến sự riêng tư của trẻ, tích cực hướng dẫn trẻ.
Đầu tiên, hãy trò chuyện với trẻ bằng thái độ bình đẳng, nói về những suy nghĩ, những thành công và thất bại của cha mẹ khi cha mẹ ở trong lứa tuổi của trẻ, thậm chí nói một số chuyện riêng tư, nói cách nhìn nhận và cách nghĩ của mình đối với sự việc, lắng nghe và hỏi ý kiến trẻ, làm cho mình trở thành người bạn đáng tin cậy của trẻ. Sau một thời gian, trẻ sẽ muốn nói những bí mật trong lòng mình với cha mẹ, như vậy mới có thể hiểu và nắm rõ được tâm tư của trẻ, có sự dạy dỗ và chỉ bảo cần thiết.
Sau đó, phải bồi dưỡng cho trẻ khả năng tự giáo dục bản thân. Khi có được những thông tin riêng tư của trẻ, cho dù có một số nhân tố không tốt hoặc vượt mức quy định, cũng không cần cuống lên, rồi đánh mắng trẻ, có thể cùng trẻ thảo luận những vấn đề về lí tưởng, sự nghiệp, đạo đức, nhân sinh quan, giá trị quan…; hướng dẫn trẻ giác ngộ những chân lí đối nhân xử thế, nâng cao khả năng điều chỉnh hành vi của mình theo những yêu cầu chung. Có khả năng tự giáo dục bản thân thì trẻ đều có thể tự giải quyết những khuynh hướng nguy hiểm trong chuyện riêng tư của mình.
Trong giáo dục gia đình, không ít cha mẹ có những thắc mắc là: Cha mẹ cũng chú ý đến phương thức giáo dục, mối quan hệ giữa cha mẹ và trẻ cũng khá thân mật, nhưng tại sao trẻ luôn coi những lời thầy cô nói là “thánh chỉ”, còn đối với những yêu cầu của cha mẹ thì lại không nghe theo hoàn toàn, thậm chí còn trước mặt một đằng sau lưng một nẻo.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ, giữ sự tôn nghiêm và uy tín của cha mẹ trong lòng trẻ là một việc rất quan trọng nhưng nhiều bậc cha mẹ không nhận thức đúng đắn về điều này.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Giữ lời hứa
Hãy kịp thời thực hiện lời hứa với trẻ. Nếu vì một nguyên nhân nào đó mà thất hứa với trẻ thì hãy kịp thời giải thích rõ, không thể qua loa cho qua chuyện, sau đó phải cùng trẻ bàn bạc phương án bù đắp.
2. Có tinh thần trách nhiệm
Bạn nên tự hào về công việc của mình. Với những người cha không có công việc gì, thì nên cố gắng tham gia những hoạt động xã hội, bởi những người cha cách biệt với thế giới khó có thể nhận được sự tôn trọng lâu dài của trẻ. Bạn cũng phải nói với trẻ tầm quan trọng của công việc mà trẻ làm.
3. Có lòng khoan dung
Khoan dung đối với những lỗi lầm của trẻ không có nghĩa là không quan tâm đến những lỗi lầm đó, mà là khi trẻ mắc lỗi, nên cho trẻ thời gian và cơ hội để nhận thức, tự kiểm điểm bản thân.
4. Coi trọng những chi tiết trong cuộc sống
Sự tín phục của trẻ với cha mẹ bắt nguồn từ những chi tiết trong cuộc sống, bắt nguồn từ một số thói quen mà bạn không hề ý thức được, như có chủ kiến, sự quyết đoán, sự dũng cảm, dám nói dám làm, thái độ bình tĩnh, kiểm soát được tình cảm của mình, lạc quan, không lải nhải trách móc.
5. Giỏi thỏa hiệp
Thỏa hiệp với trẻ không hề làm giảm uy tín của người cha. Nếu thỏa hiệp với trẻ trong một điều kiện nhất định, trẻ sẽ cảm thấy người cha thật đáng kính và gần gũi. Trước khi thỏa hiệp với trẻ, phải yêu cầu trẻ nói rõ ràng nguyện vọng và lí do; cùng trẻ thảo luận tính hợp lí của những nguyện vọng đó; có sự nhượng bộ nhất định đối với trẻ. Khi trẻ nói lí do một cách rõ ràng đồng thời đưa ra lời hứa, người cha có thể thỏa mãn nguyện vọng của trẻ, nhưng nhất định phải yêu cầu trẻ gánh vác trách nhiệm tương ứng.
Vẻ mặt nghiêm khắc, thường xuyên mắng mỏ giáo huấn trẻ chỉ làm cho trẻ xa cách cha mẹ. Giao lưu bình đẳng với trẻ, cho trẻ sự tôn trọng và đồng cảm cần thiết, mới có thể nhận được sự tin cậy của trẻ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.