Khi thiếu ý thức lao động, trẻ sẽ hình thành thói quen ỷ lại vào người lớn. Hơn nữa, những đứa trẻ chưa được rèn luyện trong lao động, sau này bước ra xã hội sẽ khó đảm nhiệm được bất cứ công việc gì.
Lao động là “môn học bắt buộc” trong cuộc đời con người.
Dạy trẻ biết lao động, tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội lao động, trẻ sẽ có được niềm vui và niềm hạnh phúc khi được người khác tín nhiệm. Những người cha muốn con mình phát triển theo chiều hướng tốt, nhất thiết phải tạo cho trẻ hứng thú lao động ngay từ sớm. Phải cho trẻ biết rằng lao động là nguồn gốc của hạnh phúc; lười biếng, siêng ăn nhác làm là ngọn nguồn của mọi điều xấu xa.
Ngạn ngữ có câu: “Đào ăn ngon nhưng khó trồng, không bỏ công sức thì không nở hoa”. Phải lao động vất vả, đổ mồ hôi nước mắt mới thu được những thành quả tốt đẹp. Khi một người hiểu được rằng những thành quả ấy đến với mình không dễ dàng, người ấy sẽ càng trân trọng, càng cảm thấy vui sướng và hạnh phúc.
Cổ nhân có câu: “Có làm thì mới có ăn”. Nhưng thực tế có rất nhiều người cha người mẹ quá chiều chuộng con cái, coi thường việc giáo dục trẻ lao động, khiến trẻ hình thành thói quen xấu là không thích lao động; thậm chí một số trẻ còn không lo liệu được cuộc sống của bản thân mình. Những trẻ thiếu ý thức lao động sẽ hình thành thói quen ỷ lại vào người lớn, hơn nữa những đứa trẻ không được rèn luyện trong lao động thì khi bước vào xã hội khó có thể đảm nhiệm được bất cứ công việc gì.
Rất nhiều báo đưa tin “Thần đồng phương Đông” – Ngụy Vĩnh Khang(*) bị bắt buộc phải nghỉ học. Mới 13 tuổi, thần đồng này đã hoàn thành tất cả các chương trình học từ tiểu học đến trung học phổ thông, rồi thi đỗ Đại học Tương Đàm với thành tích xuất sắc; bốn năm sau lại thi đỗ cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ vào Trung tâm Nghiên cứu Vật lí cao cấp của Viện Khoa học Trung Quốc với thành tích xếp thứ hai. Điều khiến mọi người bất ngờ là vào tháng 8 năm 2003, Ngụy Vĩnh Khang bị Viện Khoa học Trung Quốc cho nghỉ học với lí do không thể thích nghi được với việc học nghiên cứu sinh. Sự thực là do Ngụy Vĩnh Khang không thể thích nghi được với cuộc sống. Từ nhỏ cho đến khi bước chân vào Viện Khoa học Trung Quốc, tất cả những công việc hàng ngày liên quan đến việc hoạt động “sống” của Ngụy Vĩnh Khang đều do mẹ làm hết; thậm chí hơn 20 tuổi mà ăn cơm, giặt quần áo, tắm, rửa mặt, bê bát, cậu đều cần đến sự giúp đỡ của mẹ.
______________
(*) Ngụy Vĩnh Khang (1983) được coi là thần đồng Trung Quốc, sinh ra trong một gia đình bình thường tại huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam. Cha là Ngụy Bỉnh Nam, một thương binh phải nằm liệt giường do bị thương khi tham gia vào cuộc chiến tranh Triều Tiên. Mẹ là Tăng Học Mai, một công nhân bình thường. Mới 2 tuổi, cậu bé Ngụy Vĩnh Khang đã nức tiếng gần xa với câu chuyện “Thần đồng phương Đông”.
Hiện tại ở Trung Quốc, trẻ là con một ngày càng nhiều. Chính vì vậy, cha mẹ thường quá nuông chiều con cái, về cơ bản không có ý định và cũng không khích lệ trẻ làm việc nhà. Kết quả điều tra cho thấy, bình quân thời gian lao động trong một ngày của những đứa trẻ thành phố là con một chỉ khoảng 11 phút, không bằng 1/6 trẻ Mỹ. Hơn 70% trẻ là con một chưa từng hoặc rất ít làm các công việc nhà như rửa bát, giặt quần áo. Trong nhà, cha mẹ thay con làm tất cả mọi việc, ở nhà trẻ các thầy cô rất ít tổ chức các hoạt động lao động, khiến cơ hội được động tay của trẻ ít đi, năng lực tự đảm đương lo liệu cuộc sống cũng bị giảm, không biết làm hoặc không muốn làm những công việc của bản thân.
Đứng từ phương diện của các bậc phụ huynh, do cách nhìn nhận và thái độ giáo dục không chính xác, với quan niệm “sinh ít giáo dục tốt”, chỉ chú trọng vào phát triển trí tuệ, thiếu nhận thức chính xác về việc bồi dưỡng tính độc lập và thói quen lao động của trẻ. Các bậc phụ huynh cho rằng việc học hành đã là gánh nặng quá lớn đối với trẻ, không nên tăng thêm cho trẻ gánh nặng nào nữa; hoặc có một số việc nhà quá nguy hiểm, sợ trẻ làm sẽ xảy ra chuyện; hay khi trẻ làm không đến nơi đến chốn, cha mẹ lại mất công làm lại… Đứng từ phương diện của trẻ, do thiếu sự rèn luyện thực tiễn các kĩ năng lao động cần thiết, khiến trẻ làm không tốt, không biết làm, không có hứng thú làm bất cứ việc gì, từ đó càng muốn ỷ lại vào cha mẹ.
Trong tác phẩm Hồi kí về mẹ tôi (*), Chu Đức(**) kể lại tuổi thơ với những công việc lao động vất vả đã có ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống sau này của ông. Khi Chu Đức 4-5 tuổi, ông đã bắt đầu giúp mẹ làm việc; lúc 8-9 tuổi, ông không chỉ giúp mẹ gánh đồ đạc mà còn thạo các việc đồng áng. Sau khi tan học, về đến nhà là Chu Đức cất cặp sách rồi giúp mẹ gánh nước hoặc chăn trâu. Có hôm buổi sáng đi học, buổi chiều làm đồng. Vào mùa vụ, công việc đồng áng bận rộn, cả ngày Chu Đức ở ngoài đồng giúp mẹ. Chu Đức cảm động viết: “Tôi cảm ơn mẹ, mẹ đã cho tôi kinh nghiệm đấu tranh với gian khổ. Chính những nếm trải gian khổ của những năm tháng ấy đã khiến tôi thấy cuộc sống sau này của mình trở nên nhẹ nhàng hơn, không gục ngã bởi khó khăn. Mẹ cho tôi một thân hình khỏe mạnh, một thói quen cần mẫn, nó giúp tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi”.
______________
(*) Hồi kí về mẹ tôi là tác phẩm Chu Đức viết về mẹ của mình sau khi bà qua đời, được đăng lần đầu trên Nhật báo giải phóng năm 1944 với cái tên Hồi kí về mẹ. Đến năm 1983 được đưa vào Tuyển tập Chu Đức với cái tên Hồi kí về mẹ tôi.
(**) Chu Đức (1886-1976): Tên thật là Đại Trân, tự là Ngọc Giai, quê ở huyện Nghi Long, tỉnh Tứ Xuyên. Ông là một chính khách và một nhà lãnh đạo quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Như vậy, lao động không chỉ bồi dưỡng đào tạo một con người, mà còn đem đến cho con người cảm giác vui vẻ và hạnh phúc.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Trẻ ở bất kì lứa tuổi nào cũng mong muốn được tham gia làm việc nhà
Thực ra, trẻ em cũng giống người lớn, cũng muốn khẳng định tầm quan trọng của bản thân trong lao động. Cho nên, dù là những việc nhỏ nhặt như việc nhà hay một số việc mà trong mắt người lớn không có gì nặng nhọc thì chúng ta đều nên dạy trẻ làm, từ đó trẻ sẽ cảm nhận được niềm vui và niềm hạnh phúc khi lao động. Học cách tự lo liệu, đảm đương một số công việc nhà sẽ giúp trẻ bồi dưỡng tính độc lập, tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ đối với gia đình và xã hội.
Chúng ta không chỉ để trẻ học một số kĩ năng lao động mà quan trọng hơn là bồi dưỡng tư tưởng yêu thích lao động, tinh thần chịu khó, chịu khổ, tinh thần trách nhiệm tự lực cánh sinh và ý chí kiên cường cho trẻ. Đây là những phẩm chất tư tưởng tốt đẹp rất có ích cho việc trưởng thành sau này của trẻ.
Lao động giúp trẻ tự lập trong cuộc sống. Trẻ sẽ đối diện với khó khăn bằng tâm thế tích cực. Vì thế, các ông bố hãy coi trọng việc bồi dưỡng thói quen lao động cho trẻ.
2. Tôn trọng và bồi dưỡng ý thức tự phục vụ, yêu thích lao động của trẻ
Khi bắt đầu có ý thức tự lập, trẻ luôn muốn tự mình làm mọi thứ. Ví dụ như trẻ không chỉ muốn tự mình mặc cởi quần áo, rửa mặt mũi chân tay; mà còn muốn tự mình giặt khăn, giặt tất, tự sửa chữa hoặc làm một số đồ chơi; thậm chí còn muốn tự mình rửa bát hay lên phố mua đồ. Đối với ý thức tự lập đang dần hình thành của trẻ, chúng ta nhất định phải tôn trọng, ủng hộ và khích lệ. Nếu thường xuyên kìm hãm mong muốn tự lập của trẻ, thì trong tương lai trẻ có thể trở thành một người vô dụng, tiêu cực, gặp việc gì cũng chỉ biết “há miệng chờ sung”. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ sự tự tin “Con biết”, “Con có thể tự làm”. “Tự mình làm” – cảm giác khẳng định bản thân này rất quan trọng bởi vì nó là động lực giúp trẻ phát triển.
Trẻ muốn làm việc nhà hay không, thời gian làm việc nhà dài hay ngắn sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển tính cách của trẻ. Những người yêu thích lao động từ nhỏ thì cuộc sống của họ sau này sẽ đầy đủ sung sướng, sự nghiệp cũng dễ thành công hơn những người không thích lao động. Lao động có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển tâm sinh lí của trẻ, vì thế bồi dưỡng cho trẻ thói quen yêu lao động ngay từ nhỏ là việc hết sức cần thiết.
Con gái Y Y của tôi ngay từ khi 4 tuổi đã tự mình giặt một số đồ nhỏ như tất, quần đùi… Lúc đầu con đã dùng một nửa gói xà phòng để giặt một đôi tất, thậm chí còn vấy bẩn hết quần áo mặc trên người. Nhưng chúng tôi không hề nghiêm cấm hay mắng chửi con, mà luôn cổ vũ con. Vì thế con rất nỗ lực, cứ hễ thay tất và quần đùi ra là bê chậu đi giặt mà không cần nhắc nhở. Dần dần, kĩ năng giặt quần áo của Y Y ngày càng thành thục, tốc độ cũng ngày càng nhanh. Có khi con còn tiện tay giặt quần áo cho cả nhà.
Hiện nay con gái Y Y 12 tuổi của tôi việc gì cũng có thể làm, từ giặt quần áo, đi chợ, nấu cơm, lau giày cho đến quét dọn vệ sinh. Không những con có thể tự làm những việc của bản thân mà còn có thể giúp đỡ cha mẹ làm một số việc. Chúng tôi cùng nhau đi siêu thị mua thức ăn, cùng nhau nấu cơm, tôi xào rau còn con vo gạo nấu cơm…
3. Rèn cho trẻ tính kiên trì, độc lập, không sợ khó khăn
Thực ra đứa trẻ nào lúc mới học cách tự lo liệu cho bản thân cũng cảm thấy khó khăn; nhưng ước muốn được làm một đứa trẻ tốt sẽ khích lệ trẻ khắc phục khó khăn, kiên trì đến khi thành công; điều này giúp trẻ rèn luyện ý chí, và hiểu rằng có được thành công là điều không hề dễ dàng. Không chỉ vậy, học được cách lao động và cách tự lo liệu cho bản thân sẽ giúp trẻ biết tôn trọng thành quả lao động của người khác, tăng thêm tinh thần trách nhiệm, thúc đẩy tính tự lập của trẻ.
Trong quá trình bồi dưỡng khả năng tự lập cho trẻ, đầu tiên cha mẹ phải có nhận thức rõ ràng. Phải biết rằng trẻ sau 1,5 tuổi đã có mong muốn tự làm mọi việc, kể cả những việc vượt quá khả năng của trẻ. Đây chính là cơ hội để bồi dưỡng khả năng tự lập của trẻ. Nếu chúng ta không để ý mà bỏ qua giai đoạn này, trẻ sẽ dần hình thành tâm lí ỷ lại. Tôi đã chứng kiến rất nhiều trẻ khi ngã cứ nằm đó khóc mãi, bất luận người lớn nói thế nào cũng không tự đứng dậy, trừ khi có ai đưa tay ra kéo chúng. Thực ra trẻ có thể tự đứng dậy khi vấp ngã, nhưng vì được người lớn kéo dậy quen rồi, nên mất đi ý thức tự mình đứng dậy. Như vậy, đầu tiên chúng ta phải có ý thức để trẻ tự lập, sau đó chú ý bồi dưỡng khả năng tự lập của trẻ.
Đối với trẻ ở giai đoạn mầm non, những việc đầu tiên như tự mình mặc, cởi quần áo, sắp xếp và thu dọn đồ chơi… cần sự nỗ lực rất lớn của trẻ. Người làm cha nên cổ vũ con tự biết khắc phục khó khăn, kiên trì để con tự làm, cho dù con có quấy khóc thế nào cũng không được mềm lòng, thỏa hiệp. Nếu người cha dùng tình cảm để xử lí mọi việc, thì sẽ chỉ làm tăng thêm sự yếu đuối, lo sợ cho trẻ.
4. Hãy tạo cho trẻ cơ hội tự làm mọi việc
Trẻ muốn bê cơm, chúng ta nên cho trẻ bê và chú ý để trẻ không bị bỏng; trẻ muốn lau bát hãy cho trẻ lau dù biết trẻ có thể làm vỡ; trẻ muốn quét nhà hãy đưa chổi cho trẻ quét. Sự lệch lạc và thiếu đầy đủ của việc giáo dục vỡ lòng về lao động trong gia đình là nguyên nhân quan trọng khiến trẻ hình thành thói quen lười biếng.
Có một số phụ huynh nói với con rằng: “Con mà không chăm chỉ học hành, sau này sẽ không làm nên trò trống gì, chỉ làm người quét rác, làm công nhân thôi”. Vậy là trong tiềm thức của trẻ, trẻ luôn nghĩ rằng công việc lao động chân tay là công việc không vinh quang – “Nên để người khác phục vụ mình, chứ không nên để mình đi phục vụ người khác”.
Ở trường mầm non, các cô giáo sẽ dạy trẻ một số việc đơn giản như tự xúc cơm ăn, tự mặc quần áo, kê ghế gọn gàng, rửa đồ chơi sạch sẽ… Về nhà, trẻ cũng muốn tự làm một số việc, nhưng các ông bố bà mẹ lại nói: “Ra chỗ khác, con thì biết làm gì chứ? Ở đây chỉ làm vướng thêm, ra ngoài chơi đi!”; mà không biết rằng, câu nói đó đã làm tổn thương hứng thú lao động của trẻ.
Rất nhiều phụ huynh cho rằng, nhiệm vụ duy nhất của trẻ là học, chỉ cần học giỏi thì mọi thứ sẽ tốt. Nên thường dạy con: “Chỉ cần con học giỏi, thì không phải làm gì hết”. Nhiều gia đình kinh tế khá giả, nhà có người giúp việc, trẻ quen với việc cơm bưng nước rót, nên tưởng rằng chỉ cần bỏ tiền ra là sẽ không phải làm gì hết. Có một số trẻ đi học thì bỏ tiền ra thuê người khác làm bài tập hộ, về nhà thì chẳng biết làm gì dù là việc nhỏ nhặt như rửa bát, giặt quần áo nhỏ.
Tóm lại, không ai sinh ra đã biết làm mọi việc, các bậc cha mẹ không nên vì quá yêu chiều con mà làm thay con tất cả; cũng không nên cho rằng con còn nhỏ không cho con cơ hội tự mình làm; càng không nên vì con làm quá chậm, làm không tốt mà vội vàng cướp đi cơ hội tự làm của con.
5. Lợi ích khi để trẻ tham gia lao động
Lao động là “môn học bắt buộc với trẻ”. Lao động không chỉ bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm của trẻ với xã hội, giúp trẻ tránh được những thói quen xấu như “chán ghét lao động”, “hay ăn lười làm”, mà còn giúp trẻ giữ được mối quan hệ tốt đẹp với người khác. Điều này đã được các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước công nhận. Các chuyên gia cho rằng nên cho trẻ tham gia lao động càng sớm càng tốt. Đặc biệt là khi trẻ mới manh nha muốn tự làm mọi việc, các vị phụ huynh nhất định phải chớp thời cơ cổ vũ trẻ, hướng dẫn trẻ, cho dù trẻ làm không tốt cũng không sao.
Vì cuộc sống sau này của trẻ, cha mẹ nhất định phải bồi dưỡng thói quen lao động cho trẻ ngay từ nhỏ, cho trẻ cơ hội thể hiện bản thân mình, để trẻ học cách tự làm những việc trong khả năng của mình và thường xuyên được làm những công việc đó. Hãy để trẻ được cảm nhận niềm vui của sự trưởng thành trong lao động.