Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 41: VUI CHƠI TRONG GIA ĐÌNH



Vui vẻ là một cảm giác và trải nghiệm của bản thân, không thể dùng tiền mua được, cũng không thể dùng vật chất để tạo ra.
Quá trình trưởng thành của trẻ không thể tách rời việc vui chơi. Khi còn nhỏ trẻ phần lớn vui chơi ở nhà. Có trẻ thích tự chơi đồ chơi, có trẻ chơi cùng bạn, nhưng hầu hết là cha mẹ chơi cùng con.
Nếu người cha có thể dành thời gian chơi cùng trẻ, đồng thời tận dụng những đồ vật chúng ta tiếp xúc trong quá trình chơi để dạy trẻ, như vậy trẻ không chỉ học được tri thức và kinh nghiệm trong bầu không khí thoải mái vui vẻ, mà còn tránh được cảm giác cô đơn khi thiếu bạn chơi.
Đối với phụ huynh, cùng trẻ vui chơi, tâm trạng vui vẻ của trẻ sẽ làm tâm trạng không tốt do công việc và những vấn đề khác của chúng ta trở nên thoải mái, và có thể cảm nhận được tình cảm cha con tốt đẹp và nhớ lại niềm vui thời thơ ấu, đồng thời có thể phát hiện ra hứng thú, đặc điểm của trẻ, từ đó hướng dẫn trẻ phát huy tiềm năng của mình một cách tốt hơn.
Nhưng có một số phụ huynh xem việc chơi cùng trẻ là việc “chơi theo trẻ”, trẻ là người chỉ đạo, cha mẹ là người làm theo, cha mẹ là người bị động đi theo trẻ, tất nhiên nó sẽ trở thành một việc không thoải mái và thú vị cho lắm. Tâm trạng cha mẹ không vui, tự nhiên trẻ cũng không vui. Hãy coi việc chơi cùng trẻ là việc “chơi với trẻ”, cha và trẻ cùng cười, cùng nhau tìm tòi giải quyết những khó khăn gặp phải trong các trò chơi, cùng nhau động não suy nghĩ những cách chơi hay hơn, cùng nhau tận hưởng niềm vui khi chơi, như thế cả trẻ và cha mẹ đều thấy vui vẻ.
Trong quá trình vui chơi cùng trẻ người cha nên vận dụng khả năng quan sát thành thục của mình để phát hiện làm thế nào mới có thể giúp trẻ chơi vui hơn “đã” hơn.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Làm bạn chơi tốt nhất của trẻ
Khi cha và trẻ cùng chơi, người cha vừa là bề trên hướng dẫn trẻ, lại vừa phải là người bạn thực sự của trẻ. Ví dụ: Khi chơi trò chơi khám bệnh, trẻ nhất định sẽ muốn làm bác sĩ, cha làm bệnh nhân. Những lúc “bác sĩ” không biết nói gì thì “bệnh nhân” có thể nhắc nhở rằng bệnh nhân đến giờ uống thuốc hoặc bảo bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân…
Cha và con còn có thể đóng vai các nhân vật trong truyện tranh. Ví dụ như khi kể câu chuyện Chú thỏ ngoan ngoãn, người cha và trẻ có thể lần lượt đóng vai con sói xám và con thỏ trắng. Trong không khí vui vẻ thoải mái, trẻ có thể rèn luyện khả năng diễn đạt và khả năng kể truyện.
Ô ăn quan và bắn bi là những trò chơi tôi và Y Y thường chơi ở nhà, chúng tôi bắt đầu chơi khi Y Y 2, 3 tuổi, và đã duy trì được khoảng 10 năm rồi. Khi con lớn hơn một chút có thể chơi các trò chơi liên quan đến chữ, tôi và vợ tôi thường cho Y Y chơi trò “tạo câu”. Một người có thể tùy ý nói ba chữ hoặc ba từ không liên quan gì đến nhau, yêu cầu đối phương đặt câu, trong câu này nhất định phải có ba từ hoặc ba chữ vừa nói. Không làm được thì bị phạt biểu diễn một tiết mục. Y Y rất có hứng thú với trò chơi này, chúng tôi thường chơi trò chơi này sau khi tắt đèn, nằm trên giường chơi. Có lúc đã rất muộn, chúng tôi muốn dừng trò chơi, bảo Y Y đã đến giờ đi ngủ nhưng Y Y thường nài nỉ: “Chơi một lần nữa đi cha, chơi thêm một lần nữa cha nhé…”.
Ví dụ như trò chơi nối tiếp từ trong thành ngữ. Tốt nhất là cha mẹ cùng tham gia trò chơi này, càng đông người thì càng vui, đây cũng là một trò chơi mà gia đình tôi duy trì trong nhiều năm. Càng lớn, Y Y dần dần không thích chơi những trò chơi này nữa, thế là con bé đề ra phương pháp cải tiến trò chơi. Y Y đề nghị một người nói ra một chữ, hai người còn lại lấy chữ này làm chữ đầu của thành ngữ, trận chiến diễn ra rất kịch liệt nhưng cũng rất vui vẻ.
2. Làm thủ công giúp trẻ linh hoạt nhạy bén hơn
Chúng ta thường nghe thấy các vị phụ huynh trách mắng trẻ khi trẻ làm thủ công: “Lại làm cái gì đấy? Thời gian ấy để đọc sách, để làm bài tập!”. Tôi cảm thấy rất đáng tiếc cho những vị phụ huynh này bởi vì như vậy không chỉ hủy hoại niềm vui của trẻ mà còn làm mất đi cơ hội cho trẻ rèn luyện khả năng tự tay làm, khả năng sáng tạo và khả năng tưởng tượng.
Các trường học hiện nay thực hiện mô hình giáo dục “học để thi” tay và não tách rời nhau, chỉ coi trọng điểm số mà không coi trọng khả năng. Nhưng một con người có khả năng sáng tạo, khả năng tự tay làm và khả năng tưởng tượng như thế nào lại quyết định năng lực tổng hợp của con người ấy. Một học sinh chỉ biết làm bài tập, học thuộc bài thì chỉ là một “con mọt sách”, sẽ không trở thành nhân tài có thể sáng tạo và phát minh cái mới.
Để bù đắp lỗ hổng trong giáo dục ở các trường học, chúng ta nên động viên trẻ làm thủ công nhiều hơn. Bởi vì quá trình thao tác tay để hoàn thành tác phẩm, cần sự phối kết hợp của thao tác tư duy, quan sát, phán đoán, thẩm mĩ của trẻ để hoàn thành tác phẩm yêu thích, như vậy khả năng sáng tạo, khả năng thực hiện và khả năng tưởng tượng của trẻ sẽ được rèn luyện và nâng cao.
Y Y thích làm thủ công, từ cắt giấy đến nặn đất, con đều rất thích. Trong một góc phòng ngủ của con có hai thùng giấy rất to, bên trong chứa đầy những tác phẩm của con, trên tường treo rất nhiều hạc giấy, trên cửa dán rất nhiều ngôi sao năm màu, trên máy tính, tivi bày rất nhiều búp bê, rất nhiều tác phẩm mà Y Y dồn hết tình yêu, công sức và trí tuệ vào trong đó.
Hàng ngày Y Y thường dành ra một khoảng thời gian nhất định để làm những đồ vật nhỏ như vậy. Tôi không ngăn cấm con, không cho rằng con làm những việc như vậy là lãng phí thời gian, mà còn cố gắng làm một “bộ trưởng hậu cần” tốt nhất của con, tạo mọi điều kiện, con cần nguyên liệu gì, dụng cụ gì tôi đều cố gắng mua cho con ngay lập tức. Có lúc tôi còn ngồi làm cùng con, làm trợ thủ của con, chia sẻ niềm vui với con.
3. Cơ thể của người cha chính là đồ chơi tốt nhất của trẻ
Khi chia sẻ kinh nghiệm và cảm xúc với các vị phụ huynh trong việc nuôi dạy trẻ, nói đến việc để trẻ vui chơi thoải mái, tôi thường thấy các vị phụ huynh phản hồi rằng: “Ôi, muốn trẻ chơi vui thì phải chịu bỏ tiền ra. Anh nghĩ xem, đi những khu vui chơi giải trí chơi, lẽ nào lại không cần vé? Mà vé thì lại rất đắt; đưa trẻ đi du lịch, tiền ăn nghỉ một chuyến cũng không phải ít; mua đồ chơi của trẻ cũng đến hàng trăm nhân dân tệ…”.
Cũng có những phụ huynh đứng trên một góc độ khác để nói về mối quan hệ của việc vui chơi và tiền bạc: “Tiền bỏ ra càng nhiều, mua cho trẻ những đồ chơi cao cấp, mời người đến chơi với trẻ cũng được. Nói tóm lại, bỏ càng nhiều tiền trẻ càng thấy vui…”.
Nói như vậy lẽ nào những trẻ em sinh ra trong gia đình nghèo khó thì không có niềm vui, thì không vui chơi được? Thử nghĩ xem tuổi thơ của chúng ta ngay cả cơm cũng không no, “đồ chơi” là cái gì cũng không biết, nhưng chúng ta không thấy vui sao? Chúng ta không vui chơi sao? Đương nhiên là không, một miếng đất một cành cây hay một viên đá đều là đồ chơi tốt nhất của chúng ta, đều có thể mang đến cho chúng ta những niềm vui khôn xiết.
Cho nên vui chơi không liên quan gì đến tiền bạc, đặc biệt là các hoạt động vui chơi trong nhà. Rất nhiều trò chơi của tôi và Y Y không phải bỏ ra một đồng nào nhưng niềm vui thu được không thể kể xiết.
Khi Y Y còn nhỏ, tôi thường đem cơ thể của mình ra làm đồ chơi. Ví dụ tôi nằm trên giường, khi nhìn trộm thấy Y Y bước vào phòng liền nhắm mắt giả vờ ngủ, giơ một chân lên cao. Y Y cảm thấy rất kì lạ, tại sao cha ngủ rồi lại có thể giơ chân cao vậy? Thế là con chạy đến hạ chân tôi xuống. Nhưng chân này vừa hạ xuống thì chân kia lại giơ lên. Cứ như vậy, một chân hạ thấp một chân giơ cao, làm như thế nào cũng không yên được. Y Y cười khanh khách, động não suy nghĩ. Con nghĩ ra cách ấn một chân của tôi xuống rồi ngồi lên, dùng mông để giữ, sau đó lại dùng hai tay để ấn chân kia xuống. Kết quả là đã khống chế được hai cái chân nổi loạn của tôi. Y Y cười đắc ý… Đương nhiên chúng ta có thể dùng cánh tay thậm chí là mắt, miệng… để chơi trò chơi này. Trong quá trình chinh phục, Y Y không ngừng có những sáng kiến mới mẻ và cũng không ngớt có những tiếng cười thắng lợi…
Vui chơi như vậy thường mang đến những nụ cười sảng khoái cho Y Y, trong nhà lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười, không khí đó lúc nào cũng khiến chúng ta thư thái.
Vui vẻ là một cảm giác và trải nghiệm của bản thân, không thể dùng tiền mua được, cũng không thể dùng vật chất để tạo ra. Cho nên muốn trẻ vui, không phải là cha mẹ cứ bỏ tiền túi ra thì có thể mua được, mà phải dựa vào tình yêu và sự kiên nhẫn để tạo điều kiện cho trẻ vẫy vùng bơi lội trong dòng sông đầy ắp niềm vui và tiếng cười.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.