Người Cha Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 44: CÓ RẤT NHIỀU CÁCH CHƠI CỜ



Chơi cờ đầu tiên phải ngồi được một chỗ lâu, phải có lòng kiên trì, sự cẩn thận và lòng tự tin, còn phải biết nắm bắt thời cơ, khi thời cơ chưa chín muồi thì phải bình tĩnh.
Văn hóa cờ là một bộ phận cấu thành quan trọng trong nền văn hóa Trung Hoa. Những trò đánh cờ lưu truyền trong dân gian ở nước ta rất phong phú, là kết tinh trí tuệ của những người có sở thích chơi cờ xưa nay, là một di sản văn hóa quý báu.
Cờ là trò chơi tư duy, già trẻ giàu nghèo đều có thể chơi. Đánh cờ không chỉ có thể nâng cao chỉ số thông minh, mà còn có thể nâng cao chỉ số cảm xúc. Trong xã hội hiện đại, chỉ số cảm xúc quan trọng hơn chỉ số thông minh. Chơi cờ đầu tiên phải ngồi được một chỗ lâu, phải có lòng kiên trì, sự cẩn thận và lòng tự tin, còn phải biết nắm bắt thời cơ, khi thời cơ chưa chín muồi thì phải bình tĩnh. Những điều này chính là những tố chất cơ bản mà con người hiện đại cần có. Có chỉ số cảm xúc đủ cao thì mới có thể phát huy chỉ số thông minh một cách bình thường, mới có thể nâng cao khả năng quan sát, khả năng tưởng tượng, khả năng phân tích, khả năng ghi nhớ…
Chơi cờ là trò chơi giải trí được người lớn yêu thích, cũng là trò chơi khiến trẻ em thích thú.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Chơi cờ tốt cho trí tuệ và tư duy
Tất cả các trò chơi cờ ngoài việc có tác dụng giải trí, đều có chức năng phát triển trí tuệ.
Đánh cờ là hoạt động văn thể mang tính giải trí, tính thể dục và tính trí tuệ, đầu tiên nó có thể phát huy tác dụng quan trọng trong việc khai phá thúc đẩy và nâng cao trí tuệ trẻ em. Người xưa có câu “Muốn luyện trí thì nên đánh cờ”; cho dù là cờ caro, cờ nhảy, cờ tướng, cờ vây, khi đối diện với bàn cờ và các quân cờ, đều phải động não nghĩ cách bày quân, cách di chuyển. Đi như thế nào mới có thể không có nguy hiểm, mới có thể giành được thắng lợi, cần phải có năng lực quyết đoán và năng lực phán đoán.
Thường xuyên phải động não, tự nhiên tư duy sẽ linh hoạt, khả năng phán đoán, suy đoán cũng không ngừng được nâng cao; tiếp đó, chơi cờ cần sự tập trung chú ý cao, cần phải tĩnh tâm quan sát và mưu tính nước đi, như vậy có tác dụng nâng cao khả năng kiềm chế tính nông nổi, tăng tính kỉ luật, và bồi dưỡng thói quen làm việc tập trung cho trẻ; thứ ba, chơi cờ có thể tạo cơ hội cho trẻ rèn luyện khả năng đối mặt với thất bại. Hai bên chơi cờ, ắt sẽ có bên thắng bên thua, biết chấp nhận thất bại có thể tăng cường khả năng đối mặt với thất bại, từ đó sẽ có tinh thần không sợ thất bại; hơn nữa, đánh cờ cần phải có ý thức quan sát toàn cục, không thể chỉ hạn chế ở mấy quân cờ hoặc mấy nước đi trước mắt, cho nên rất có ích cho việc rèn luyện ý thức nhìn trước toàn cục của trẻ.
Chơi cờ có nhiều ích lợi như vậy, đương nhiên tôi sẽ không để trò chơi này xa rời thế giới của con gái. Khi con chưa đầy 1 tuổi, hai vợ chồng tôi chơi cờ tướng, con đã ngồi bên cạnh gây rối.
Sau này lớn lên, con dần dần nhận biết được các quân cờ, học cách bày bàn cờ, sau đó bắt đầu học đánh cờ. Ngoài cờ tướng, tôi còn dạy con chơi cờ caro, cờ nhảy… Trong ngăn kéo tủ trong nhà bày đủ loại cờ, chỉ cần tôi có thời gian, Y Y liền bày các loại cờ lên giường, thách đấu với tôi, và tôi trở thành đối thủ của con.
2. Dạy trẻ chơi cờ
Chơi cờ có nhiều ích lợi như vậy, vậy thì chúng ta phải giúp trẻ học đánh cờ. Đương nhiên đầu tiên cha mẹ phải biết đánh cờ. Đối với những trẻ nhỏ, có thể dạy trẻ đánh cờ nhảy, cờ caro. Trẻ lớn hơn một chút có thể dạy trẻ những trò khó hơn như cờ tướng, cờ vây…
Qua việc chơi cờ, hãy nói với trẻ thắng không kiêu bại không nản, luôn luôn phải có một tâm thế vững vàng. Như vậy những thu hoạch ngoài trò chơi là một tài sản quý giá không thể cân đong đo đếm được đối với trẻ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.