Thói quen tốt giống như tiền gửi trong ngân hàng, lợi tức sẽ không ngừng tăng lên, bạn luôn luôn có thể dùng những lợi tức đó.
Cái gọi là thói quen là chỉ phương thức hành vi được cố định hóa không ngừng lặp lại và luyện tập mà hình thành. Thói quen vô cùng quan trọng với con người, nó theo con người suốt cuộc đời, ảnh hưởng đến cách sống và sự trưởng thành của một con người. Có thói quen tốt và thói quen xấu. Thói quen tốt giống như tiền gửi trong ngân hàng, lợi tức sẽ không ngừng tăng lên, bạn luôn luôn có thể dùng những lợi tức đó. Còn thói quen xấu giống khoản nợ không thể trả nổi, khoản nợ này với lãi suất không ngừng tăng lên, cuối cùng sẽ làm cho bạn phá sản.
Có người nói giáo dục gia đình chính là hình thức “không giáo dục mà lại giáo dục”. Cách nói này không hoàn toàn chính xác, nhưng nó có lí lẽ nhất định. Trẻ trưởng thành trong quá trình quan sát và mô phỏng hành vi của cha mẹ. Những hành vi cử chỉ phù hợp đạo đức của cha mẹ sẽ giúp trẻ học được điều tốt, ngược lại thì sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho trẻ.
Cha mẹ có hành vi không đúng đắn, trẻ cũng dễ hình thành những thói quen xấu. Có một số phụ huynh ích kỉ, chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân mình, quá coi trọng vật chất, chỉ quan tâm đến tiền, làm cho trẻ ngay từ nhỏ đã hình thành chủ nghĩa ích kỉ; một số cha mẹ thì độc đoán, lòng dạ hẹp hòi, để đạt được lợi ích không từ thủ đoạn, làm trẻ cũng ích kỉ, hẹp hòi ngay từ nhỏ, luôn coi mình là trung tâm; có cha mẹ lại không có chí tiến thủ, làm cho trẻ thiếu đi mục tiêu sống và tinh thần phấn đấu, gặp khó khăn là chùn bước; lại có một số cha mẹ cho rằng đọc sách là vô ích, không bằng việc đi kiếm tiền sớm, làm cho trẻ bỏ học sớm để bước ra xã hội, khi không biết phải trái đúng sai, sẽ lây nhiễm những thói quen xấu…
Cho nên, vì trẻ, các phụ huynh hãy tu dưỡng phẩm chất của bản thân, nuôi dưỡng những thói quen tốt. Bởi tác dụng làm gương của cha mẹ có ý nghĩa đặc biệt đối với sự trưởng thành của trẻ. Cha mẹ kì vọng trẻ sẽ trở thành người như thế nào, đầu tiên cha mẹ nên là người như thế ấy.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Hình thành thói quen học tập tốt
Muốn giáo dục trẻ, làm cho trẻ hình thành thói quen học tập tốt, thì cha mẹ cũng phải có thói quen học tập tốt. Không được cho rằng có nhà rồi, có công việc rồi, thì có thể buông lỏng bản thân, không cần cố gắng nữa. Có những phụ huynh thấy không có hi vọng được đề bạt, liền bắt đầu không cầu tiến. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng đến trẻ một cách vô hình.
Làm cha phải xây dựng cho mình quan niệm học tập suốt đời. Đây là yêu cầu phát triển của thời đại, cũng là điều cần thiết để giáo dục con cái. Sự học tập và tinh thần ham học hỏi của người cha nhất định sẽ đóng một dấu ấn sâu sắc trong lòng trẻ.
Ngày nay là thời đại công nghệ thông tin, internet đã được phổ biến tới mọi nhà. Sự phát triển của thời đại và sự tiến bộ của xã hội là tất yếu, quan niệm và phương pháp giáo dục gia đình cũng phải thích ứng theo, những người cha cũng phải tiến bộ theo thời đại. Thời đại internet đã đem đến sự hiện đại hóa trong quan niệm giáo dục, sự thông tin hóa trong nội dung giáo dục, sự tự chủ hóa trong phương thức học tập và sự bình đẳng hóa trong quan hệ cha con… Đối diện với thách thức của thời đại internet, một số phụ huynh cảm thấy hoang mang. Các vị phụ huynh không được sùng bái hay bài xích công nghệ thông tin một cách mù quáng, mà phải không ngừng định vị vai trò của mình trong thời đại mới.
Sự tiến bộ cùng thời đại của người cha được cụ thể hóa bằng ba yêu cầu sau: Một là cố gắng theo kịp trào lưu của thời đại, hai là trưởng thành cùng trẻ, ba là dành thời gian để đọc sách. Kiên trì hình thức giáo dục khi hai cha con giao lưu trò chuyện, cùng trẻ tiếp nhận những thứ mới mẻ, cố gắng hạn chế khoảng cách giữa hai thế hệ, tranh thủ thời gian đọc sách, chính là phương pháp thực tế nhất giúp người cha theo kịp thời đại.
2. Hình thành thói quen hành vi tốt
Trẻ rất giỏi mô phỏng, cha mẹ là đối tượng đầu tiên trẻ mô phỏng. Người làm cha phải chú ý đến từng hành động, từng lời nói của mình. Người cha chăm chỉ tiết kiệm, sắp xếp việc nhà chu đáo, trẻ cũng sẽ chăm chỉ làm việc nhà; cha mẹ cả ngày chìm đắm trong mạt chược và các trò chơi trên mạng, trẻ cũng sẽ có xu hướng ham chơi. Bạn thử nghĩ xem, khi con bạn cầm vở bài tập bảo bạn kí tên, một tay bạn đánh mạt chược, một tay cầm bút vẽ linh tinh vào vở bài tập của con, con bạn sẽ nhận được sự động viên khích lệ và sự giáo dục gì trong đó.
Yêu cầu trẻ phải làm được, mà bản thân phụ huynh lại không làm được, không chú ý đến việc làm gương cho trẻ, sẽ làm mất đi hình tượng của cha mẹ trong lòng trẻ.
Tôi đã từng đọc hai tin:
Một nhân viên làm việc ở Ngân hàng Công thương Vũ Hán khi đi chơi ở bờ biển, không cẩn thận đánh rơi ví tiền và các vật phẩm quý giá khác. Một người lạ sau khi nhặt được, vì muốn dạy dỗ con, liền đưa con gái của mình chủ động đi trả lại cho người bị mất. Người cha này không ngừng nhấn mạnh: “Hôm nay tôi trả chiếc ví này, cả đời con gái tôi sẽ luôn ghi nhớ điều này”.
Trước bến xe Bắc Kinh, có hai cha con đeo biển “Chỉ đường miễn phí”, có nhiệm vụ chỉ đường cho du khách, người cha này là chủ tịch một trung tâm văn hóa ngôn ngữ nào đó ở Bắc Kinh, bình thường rất bận, trong dịp nghỉ lễ Quốc tế Lao động đã dành thời gian đưa con trai đi làm việc công ích. Hành động của hai cha con cũng khiến một số người nhiệt tình tham gia vào hoạt động này.
Hành động của hai người cha kể trên thực ra rất bình thường, để làm được cũng không khó. Cha mẹ muốn làm cho trẻ thấy tự hào, nhiều khi không cần làm những hành động kinh thiên động địa. Một câu nói, một hành động có vẻ rất bình thường cũng có thể gợi mở cho trẻ, cũng có thể vun đắp cho trẻ một tâm hồn giàu yêu thương.
3. Hình thành thói quen tư duy tốt
Mỗi bậc cha mẹ đều hi vọng con mình khôn lớn thành tài, đặc biệt là trong thời đại kinh tế tri thức, mọi người ngày càng coi trọng khả năng sáng tạo của trẻ. Việc trẻ có một năng lực nhất định đương nhiên quan trọng, nhưng quá trình hình thành khả năng đó thì càng không được coi thường, không có quá trình làm sao có được kết quả? Sự hình thành khả năng của trẻ có rất nhiều nhân tố, trong đó điều quan trọng nhất là phải có một thói quen tư duy tốt.
Nhân tố gia đình ảnh hưởng đến sự hình thành thói quen tư duy của trẻ. Cha mẹ và trẻ không chỉ có quan hệ máu mủ, mà còn có quan hệ của người giáo dục và người được giáo dục. Hành động lời nói của cha mẹ có tác dụng làm gương về nhân cách cho trẻ, đây là loại hình giáo dục trực quan, hình tượng. Vì thế tôi khuyên các vị phụ huynh xây dựng thói quen tư duy tốt ở các phương diện dưới đây:
(1) Thói quen chăm học, thích hỏi, Einstein đã từng nói: “Đưa ra một vấn đề quan trọng hơn giải quyết một vấn đề”. Vấn đề đến từ những nghi vấn trong bộ não. Người cha phải không ngừng học tập, bồi dưỡng tính hiếu kì của bản thân đối với mọi sự vật mới mẻ xung quanh. Trẻ vì tuổi nhỏ, ít tri thức, không có kinh nghiệm xã hội nên thường xuyên đặt câu hỏi với cha mẹ. Lúc này cha mẹ nên ân cần giải đáp cho trẻ. Nhưng có cha mẹ vì không để ý đến việc nâng cao tri thức trong một thời gian dài, nên không thể cho trẻ lời giải đáp chính xác, liền trách mắng trẻ lắm chuyện. Hành động này ngầm ám thị trẻ đừng nghĩ câu hỏi nữa. Cha mẹ không biết rằng làm như vậy sẽ hủy hoại một mầm non hiếu học.
(2) Thói quen mạnh dạn thực hiện. Thói quen này gồm hai loại: trực tiếp thực hiện và gián tiếp thực hiện. Loại trực tiếp thực hiện là việc trực tiếp tham gia vào các hoạt động trò chơi với người khác, các hoạt động văn thể, và trong khi tiến hành hoạt động học tập các loại tri thức của con người. Loại gián tiếp thực hiện là hoạt động học tập những thành quả của người khác, ví dụ nghe giảng, đọc sách, xem tivi… Hai loại hình hoạt động thực tiễn có tác dụng bổ trợ cho nhau. Người cha có thể tận dụng hai ngày nghỉ đưa trẻ đi tham gia các hoạt động xã hội. Bởi thông qua thực tiễn chúng ta có thể đạt được tri thức, đồng thời thông qua thực tiễn phát hiện những điều nghi vấn, thúc đẩy chúng ta tích cực suy nghĩ và cuối cùng dẫn dắt trẻ tích cực suy nghĩ.
(3) Thói quen quan sát tỉ mỉ. Muốn phát hiện vấn đề, ngoài việc có năng lực thực tiễn nhất định, còn phải có thói quen quan sát. Quan sát là con đường cơ bản nhất thúc đẩy tư duy, là cơ sở để sáng tạo. Nhà phát minh người Anh James Watt (1736-1819) trong khi quan sát hiện tượng hơi nước nóng đẩy nắp bình lên liền phát minh ra máy hơi nước. Người cha nên chú ý bồi dưỡng thói quen quan sát tỉ mỉ của bản thân, chú ý quan sát cuộc sống, quan sát hiện tượng xã hội, đồng thời dùng lời nói và hành động để dạy trẻ, làm cho trẻ cũng hình thành thói quen tốt đẹp này.
4. Hình thành thói quen sống tốt
Gia đình phải hình thành một thời gian biểu cố định, bao gồm thời gian nghỉ ngơi, ăn cơm, giải trí, học tập… mỗi thành viên đều phải tự giác tuân thủ, lâu dần sẽ hình thành quan niệm về thời gian. Sau này khi bước vào trường học hay xã hội, trẻ sẽ tự giác tuân thủ kỉ luật tập thể, bảo vệ trật tự xã hội.
Có gia đình làm thời gian biểu cho trẻ, nhưng cha mẹ lại cho mình là ngoại lệ. Có phụ huynh thậm chí thức cả đêm để đánh mạt chược, uống rượu; có vị thì xem tivi, nghiện lên mạng, quên cả việc nghỉ ngơi; có người thì lại say sưa trong sàn nhảy, ham vui; những phụ huynh như vậy rất khó dạy dỗ được trẻ.
Giai đoạn nhi đồng chính là giai đoạn quan trọng để hình thành những thói quen tốt. Một người trong giai đoạn nhi đồng hình thành những thói quen tốt về ăn uống, ngủ, nghỉ, học tập, vệ sinh, sẽ có lợi cho cả cuộc đời người đó; ngược lại nếu như hình thành thói quen xấu sau này muốn thay đổi cũng rất khó.
Cha mẹ phải hình thành thói quen ngủ tốt. Có những vị phụ huynh không có thời gian ngủ cố định, nhưng lại yêu cầu trẻ phải ngủ đúng giờ, điều này làm trẻ có một số ý nghĩ hiếu kì, muốn biết trong lúc mình ngủ thì mọi người làm gì, cho nên không chịu ngủ. Vì vậy, tốt nhất cha mẹ nên đi ngủ cùng lúc với trẻ, buổi sáng phải gọi trẻ dậy đúng giờ, giúp trẻ hình thành thói quen ngủ tốt. Cha mẹ phải dạy trẻ từng ngày, mới có thể giúp trẻ tự mình nhanh chóng đi vào giấc ngủ.
Cha mẹ phải rèn thói quen ăn uống tốt. Lời nói và thói quen về chuyện ăn uống của cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ. Nếu như cha mẹ có thói quen kén cá chọn canh hoặc bình phẩm rằng những món ăn này không ra gì trước mặt trẻ, thì sẽ khiến trẻ cũng không thích ăn những món ăn đó. Như vậy trẻ sẽ hình thành thói quen kén ăn. Cho nên để tránh việc trẻ có ác cảm với đồ ăn, thì bất luận thế nào, trước mặt trẻ nhỏ, cha mẹ cũng không được biểu lộ sự không thích thú của mình đối với đồ ăn.
Cha mẹ phải có thói quen vệ sinh cá nhân tốt. Cha mẹ là người có vai trò mấu chốt giúp bồi dưỡng cho trẻ thói quen vệ sinh cá nhân tốt. Cha mẹ có yêu cầu nghiêm khắc với thói quen vệ sinh cá nhân của bản thân, sẽ chú trọng tới thói quen của con mình. Từ việc hàng ngày nhất định phải có thói quen rửa mặt rửa chân, đánh răng đến việc trước khi ăn cơm phải rửa tay, có thói quen giữ quần áo sạch sẽ.
Giai đoạn nhi đồng là giai đoạn kết cấu và chức năng của bộ não phát triển mạnh mẽ nhất, là giai đoạn then chốt để hình thành thói quen sống tốt. Thói quen sống tốt không phải là bẩm sinh, mà dần được hình thành trong cuộc sống, nó quán triệt mọi phương diện trong cuộc sống của một con người. Cha mẹ nên yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân, làm một tấm gương tốt cho trẻ, giúp trẻ hình thành thói quen sống tốt ngay từ nhỏ, trẻ sẽ có một tương lai tốt đẹp.