Thái độ của một con người quyết định sự thành công của con người ấy trong sự nghiệp; tinh thần trách nhiệm của cha mẹ quyết định tương lai đứa con của họ.
Tôi vẫn nhớ bộ phim Cõng cha đi học kể về một câu chuyện có thực:
Thạch Oa là một em bé vùng núi, mẹ mất sớm, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Để Thạch Oa được đi học, chị gái của em phải thôi học, đi lấy chồng, dùng số tiền sính lễ của nhà trai làm tiền học phí cho Thạch Oa. Cô giáo của Thạch Oa rất quý đứa trẻ thông minh chịu khó này, và rất nhiều lần đã ứng tiền đóng học phí cho Thạch Oa. Tất cả những điều này là để thúc đẩy Thạch Oa khắc phục mọi khó khăn, chăm chỉ học tập. Thạch Oa đã giành được giải quán quân trong cuộc thi Olympic hóa học toàn quốc. Khi cậu bé thi vào trường Đại học Sư phạm tỉnh với thành tích xuất sắc, thì người cha bị trúng gió nằm liệt giường. Một Thạch Oa kiên cường đã từ chối sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, đưa ra một quyết định làm mọi người vô cùng ngạc nhiên: cõng cha lên lưng, vào thành phố học…
Tình tiết câu chuyện rất đơn giản, rất nhiều người xem xong đã rơi lệ, tôi cũng vô cùng xúc động. Tôi cảm động trước tình cha con sâu nặng, trước tinh thần kiên quyết quả cảm của cậu thiếu niên, và trước tinh thần trách nhiệm vô cùng lớn lao của cậu bé Thạch Oa. Tôi đã bất giác tự hỏi: Những người trưởng thành như chúng ta, những phụ huynh như chúng ta, có đầy đủ tinh thần trách nhiệm hay không?
Cái gọi là tinh thần trách nhiệm là chỉ ý thức, tình cảm và tâm niệm của bản thân phải có trách nhiệm với bản thân mình và người khác, với gia đình và tập thể, với đất nước và xã hội; và thái độ tự giác tương ứng với nó. Cho nên chỉ cần bạn là con người của xã hội, bạn phải luôn luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm của bạn đối với mọi người.
Trách nhiệm chính là những việc bạn nên làm, là những nhiệm vụ cần phải đảm nhiệm, hoàn thành sứ mệnh nên hoàn thành, làm tốt công việc cần làm tốt. Trách nhiệm là giá trị quan mà mỗi con người cần phải có, là tố chất cơ bản cần có của mỗi công dân, mỗi vị phụ huynh. Vô số thực tiễn đã chứng minh, một người có tinh thần trách nhiệm cao thì luôn luôn cố gắng làm việc hết mình.
Một phụ huynh có tinh thần trách nhiệm cao, luôn tràn đầy tình yêu, toàn tâm toàn ý thực hiện việc nuôi dạy con cái. Thái độ của một người quyết định sự thành công của người đó trong sự nghiệp, tinh thần trách nhiệm của cha mẹ quyết định tương lai con cái của họ.
Kiến nghị của Đông Tử dành cho những người cha
1. Xác định rõ tầm quan trọng của trách nhiệm
Tôi vẫn nhớ một câu nói của nhà tâm lí học người Đức Erich Fromm (1900-1980): “Trách nhiệm không phải là một nghĩa vụ ngoại lực ép buộc chúng ta làm, mà nó là phản ứng của tôi đối với những việc mình quan tâm”. Nếu một con người luôn lấy mình làm trung tâm, không quan tâm đến con người và sự vật xung quanh, như vậy thì anh ta thiếu tinh thần trách nhiệm cơ bản. Mà một con người thiếu đạo đức tình cảm, thiếu tinh thần trách nhiệm, thì sẽ không nhận được sự quan tâm của người khác, cũng không thể hợp tác chân thành với người khác, càng không thể thích ứng với xã hội tương lai. Chỉ khi nào bạn thực sự nhận thức được tầm quan trọng của hai chữ “trách nhiệm”, bạn mới luôn cố gắng để bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm của mình.
Làm phụ huynh chúng ta phải đồng thời đảm nhận vai trò gia đình và vai trò xã hội, cũng có nghĩa là vừa có trách nhiệm với công việc, vừa có trách nhiệm với gia đình. Hiện nay có một số người không có trách nhiệm với công việc, chỉ làm qua loa cho xong, đến tháng lĩnh lương là xong việc. Những người này cảm thấy mình rất thông minh. Thực ra họ đang lừa dối chính bản thân mình. Họ tưởng rằng lừa dối giám đốc và ông chủ, có thể kiếm lợi về mình, nhưng thực ra điều mà họ lừa dối chính là tuổi thanh xuân và sinh mệnh của bản thân. Cũng có một số người không có trách nhiệm với gia đình, cả ngày uống rượu, đánh bạc, không phụng dưỡng cha mẹ già, không giáo dục con cái, rồi nghĩ rằng sống như thế là thoải mái, nhưng thực ra đó chỉ là cuộc sống của một cái xác không hồn.
Tinh thần trách nhiệm còn thể hiện trong việc chịu trách nhiệm với hành vi của bản thân trong quá trình giao tiếp với người khác; khi mắc lỗi có thể chủ động nhận trách nhiệm của bản thân, đồng thời chủ động bù đắp chuộc lỗi của mình…
Có một câu chuyện như sau:
Một buổi tối sau khi trở về nhà, cô giáo Vương lấy ra một tờ tiền giả 100 tệ, đây là tiền sách phụ huynh đóng. Con gái của cô rất tức giận, bảo cô tra xem là của ai. Cô Vương nói với con không tra ra, tiền cô đã đóng bù vào rồi. Cô để tờ tiền này trên bàn. Sáng dậy, con gái cô càng tức giận. Đúng vào hôm đó cũng là hôm trường học thu tiền sách, cô bé liền lợi dụng lúc mẹ không chú ý để tờ tiền giả đó vào trong cặp sách. Đến trường học, lợi dụng lúc cô giáo bận rộn thu tiền sách, cô bé liền đưa tờ tiền giả đó vào tay cô giáo. Lúc đó cô bé vô cùng đắc ý.
Buổi tối, sau khi cô Vương tan làm trở về nhà phát hiện tờ tiền giả không còn nữa, liền hỏi chồng, chồng cô nói không cầm. Cô truy hỏi một hồi lâu, con gái mới nói cho cô biết sự việc, lại còn đắc ý nói: “Con đã giúp mẹ lấy lại 100 tệ”. Lúc đó cô Vương liền nói: “Con ơi, con sai rồi, chúng ta không thể làm những việc không thành thật như vậy. Mẹ mất 100 tệ, nhưng con thì mất chữ tín. Con phải nhớ kĩ, tiền có thể kiếm nhờ lao động, nhưng chữ tín thì tốn bao nhiêu tiền cũng không mua được. Mẹ cho con 100 tệ, ngày mai con trả cho cô giáo và phải dũng cảm nhận lỗi với cô”.
Ngày hôm sau, cô bé trả tiền cho cô giáo, đồng thời thành khẩn nói với cô: “Thưa cô, cô đừng nói chuyện này với các bạn, họ sẽ nghĩ em là đứa trẻ hư”. Cô giáo nói: “Không, nếu như ngày hôm nay em không làm như vậy thì em mới là một đứa trẻ hư, và bây giờ, cô phải nói với các bạn em là một đứa trẻ thành thật”. Như vậy đạo đức tốt đẹp đã cắm rễ vững chắc trong tâm hồn cô con gái bé nhỏ của cô giáo Vương.
Rất nhiều phụ huynh yêu cầu trẻ phải phát triển toàn diện, phải tu chí để trở thành nhà khoa học, nhà nghệ thuật, hay doanh nhân, mà coi thường việc bồi dưỡng những tiêu chuẩn quy tắc cơ bản để trẻ làm người. Khi không thể trở thành các “nhà” này, cha mẹ và con cái đều sẽ cảm thấy lí tưởng bị dập tắt, không có tương lai. Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy, thường thiếu lí tưởng, không có hoài bão, chỉ biết tính toán thiệt hơn, thậm chí lòng đầy thù hận, rất khó có thể sống hòa thuận với người khác.
2. Phải coi trọng việc nhỏ
Lời răn dạy của người xưa “Từ nhỏ thấy lớn” vô cùng chính xác trong trường hợp này. Thực ra trong cuộc sống có rất nhiều việc nhỏ có thể thể hiện một con người có tinh thần trách nhiệm hay không. Ví dụ như sang đường bừa bãi, thích hư vinh, nói không giữ lời…
Tinh thần trách nhiệm có thể thể hiện trong công việc hàng ngày, chỉ cần bạn có tinh thần trách nhiệm, bạn sẽ luôn cẩn thận, nghiêm túc, chăm chỉ làm việc. Tinh thần trách nhiệm luôn là nhân tố cơ bản nhất để thành công. Thái độ làm việc thường quan trọng hơn bản thân công việc. Mọi người thường nói say mê là người thầy tốt nhất. Say mê sẽ không dạy bạn điều gì nhưng nó thể hiện rõ thái độ đối với công việc của bạn, thái độ này có thể mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích.
Có một câu chuyện như sau:
Một công ty muốn cắt giảm biên chế, công bố danh sách những người phải thôi việc, trong đó có Tiểu Phương và Tiểu Yến. Theo quy định một tháng sau thì họ phải nghỉ việc. Hôm đó, ánh mắt mọi người nhìn hai cô đều e dè, không dám nói một câu, bởi chuyện này đổ lên đầu ai cũng đều khó có thể chấp nhận được. Ngày hôm sau khi đi làm, Tiểu Phương trong lòng vẫn rất phẫn nộ, tâm trạng vẫn rất kích động, không thể làm được việc gì, lúc thì tìm đồng nghiệp để khóc lóc tâm sự, lúc thì tìm chủ nhiệm để minh oan, những công việc hàng ngày của cô như đặt hộp cơm, gửi văn kiện, nhận văn kiện… cô đều gác sang một bên, người khác đành phải làm thay cô.
Nhưng Tiểu Yến, sau khi khóc một đêm, buồn thì buồn, nhưng còn một tháng nữa mới nghỉ việc, công việc không thể không làm. Thế là cô lặng lẽ mở máy tính, tiếp tục làm việc.
Các đồng nghiệp biết cô sắp nghỉ việc, ngại không dám giao việc cho cô. Cô chủ động chào hỏi mọi người và lấy việc về làm. Cô nói: “Là phúc không phải là họa, là họa không tránh nổi, dù sao cũng như vậy, chi bằng chăm chỉ làm hết tháng này, sau này muốn làm cho mọi người cũng không có cơ hội nữa”. Thế là đồng nghiệp lại giống như trước đây, “Tiểu Yến nhanh đánh cái này!”, “Tiểu Yến nhanh gửi cái này đi!”. Tiểu Yến luôn mồm vâng dạ, chăm chỉ làm việc, ai gọi là đến, làm hết cương vị và trách nhiệm của bản thân.
Một tháng sau, Tiểu Phương phải thôi việc theo quy định, nhưng tên của Tiểu Yến đã không còn có trong danh sách giảm biên chế. Chủ nhiệm tuyên bố lời của sếp tổng trước mặt mọi người: “Vị trí của Tiểu Yến không ai có thể thay thế được, công ty luôn rất coi trọng những nhân viên như Tiểu Yến!”.
Tiểu Phương phải nghỉ việc, tại sao Tiểu Yến lại được giữ lại? Chính ý thức trách nhiệm to lớn với công việc đã cho Tiểu Yến cơ hội.
3. Phải biết cách dùng các tấm gương trách nhiệm
Khi đọc danh ngôn và các câu chuyện về những con người vĩ đại, chúng ta xuýt xoa, vĩ nhân nói thật là đúng. Nhưng chúng ta phải biết, thành công của bất kì vĩ nhân nào đều được xây dựng trên cơ sở một tâm niệm kiên định, một tinh thần trách nhiệm lớn lao.
Có một câu chuyện như thế này:
Trong một vụ đắm tàu trên biển, 8 người may mắn sống sót tập hợp trên một chiếc thuyền cứu sinh, lênh đênh trên biển 8 ngày, và chỉ có nửa chai nước khoáng. Mỗi người đều nhìn chằm chằm vào chai nước khoáng đó, và đều muốn uống nó ngay lập tức. Thuyền trưởng đành phải cầm một cây súng dài canh chừng nửa chai nước này. Ngồi đối diện với thuyền trưởng là một người đàn ông hơn 50 tuổi bị hói, ông ta nhìn chằm chằm vào chai nước, dường như đang chuẩn bị lao vào uống sạch bình nước cứu mạng đó.
Trong giây lát khi thuyền trưởng ngủ gật, người đàn ông hói đột nhiên lao đến, cầm chai nước lên định uống, thuyền trưởng giật mình tỉnh dậy cầm súng lên, chĩa vào mặt người đàn ông và ra lệnh: “Để xuống, nếu không tôi sẽ nổ súng!”. Người đàn ông đành phải để nước xuống. Vị thuyền trưởng lại đặt đầu súng lên nắp chai nước, nhìn chằm chằm vào người đàn ông, nhưng ánh mắt của người đàn ông vẫn không rời khỏi nửa chai nước có thể quyết định vận mệnh của rất nhiều người. Sau đó, thuyền trưởng cũng không gượng nổi. Trong khoảnh khắc sắp hôn mê, thuyền trưởng ném cây súng vào tay người đàn ông hói, đồng thời nói một câu: “Anh trông đi!”.
Khi súng ở trong tay của người đàn ông từng muốn uống hết nửa chai nước đó, ông ta lại cảm thấy mình vô cùng vĩ đại. Trong 4 ngày tiếp theo, ông ta luôn tận tâm trông nửa chai nước còn lại, cách 2 tiếng lại cho mỗi người uống hai giọt nước. Đến ngày thứ 4 sau khi họ được cứu sống, trong chai nước chỉ còn lại một ít nước ở dưới đáy, 8 người bọn họ đặt tên cho số nước còn lại là “Nước thánh”.
Câu chuyện trên được trích ra từ cuốn sách Bồi dưỡng một con người đích thực của tác giả Đổng Tiến Vũ. Đây là một câu chuyện rất hay về tinh thần trách nhiệm. Nó cho thấy rằng khi một người được giao cho trọng trách nặng nề, tâm hồn anh ta sẽ có những thay đổi kì diệu, sẽ thấy bản thân có giá trị, sẽ thấy sự quan trọng của trách nhiệm, sẽ trở thành người có kỉ luật, chủ động và tích cực! Cho nên, nếu như bạn là những người cha người mẹ sáng suốt, từ bây giờ hãy bắt đầu để con bạn gánh vác trách nhiệm.
Trên thế giới này, một người nhỏ bé hay một người vĩ đại đều phải có trách nhiệm như nhau, đây là một chân lí vĩnh viễn không bao giờ thay đổi. Làm người thì phải có trách nhiệm, đây là nguyên tắc làm người cơ bản của chúng ta.
Là một phụ huynh có trách nhiệm, bạn sẽ có một đứa con thành công!